vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  bàn luận



 

 

 

Sự kiện Hoa thủy tiên  - bài viết của Trần Mạnh Hảo

eVăn: Gần đây, báo Ngày Nay có đăng làm nhiều kỳ bài viết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp “Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn” (Ngày Nay, các số 4, 5, 6, ra các ngày 15/2, 1/3 và 15/3). Bài viết đang gây tranh luận gay gắt trong làng văn nghệ Việt Nam. Đến nay đã có rất nhiều ý kiến phản hồi của các nhà văn và nhà phê bình. Để giúp bạn đọc có thông tin về sự kiện này, eVăn chọn đăng những bài tiêu biểu đã được công bố trên các báo và tạp chí. Dưới đây là bài viết của ông Trần Mạnh Hảo trên báo Văn Nghệ, ngày 27/3.

 


Có thật đa số các nhà văn Việt Nam đều vô học, các nhà thơ đều lưu manh - hay là “hội chứng chửi có thưởng” thời nay?

                        - Trần Mạnh Hảo -


Những đặc tính có vẻ kém hay kia được gán cho hầu hết các nhà văn, nhà thơ thuộc Hội nhà văn Việt Nam (HNVVN) và gán cho những nhà thơ Việt Nam (VN) kể từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du trở xuống... không phải của người viết bài này, mà chính là lời của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (NHT, cũng là một hội viên của HNVVN) trong bài Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn in liên tục trên 3 số báo Ngày Nay (cơ quan ngôn luận của Hiệp hội UNESCO Việt Nam) gồm các số: số 4 ngày 15/2/2004, số 5 ngày 1/3/2004 và số 6 ngày 15/3/2004. Chúng tôi sẽ lần lượt trích dẫn cụ thể những lời nói ngang ngược của nhà văn NHT, sau khi trình bày vài cảm nghĩ của mình về nhà văn này.


1. Thử lý giải hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp

Bản thân người viết bài này vốn từng rất quý trọng văn tài của nhà văn NHT. Nhà văn này đã góp cho nền văn học nước nhà ngót 10 cái truyện ngắn thật hay. Văn của anh Thiệp tuy là lối văn cũ nhất thế giới kiểu Truyện Tàu xưa, nhưng cái quý là chỗ anh đã biết dồn nén dung lượng đời sống vào nhân vật, vào ngôn ngữ như nén thuốc pháo, lại theo một góc nhìn lật mặt trái tấm huân chương... nên phần nào có thể làm mới được lối văn rất cũ này. Trước NHT, nhiều nhà văn VN đã viết theo lối văn xưa của Tàu, mà người thành công nhất là ông Vũ Hạnh. Hãy đọc lại truyện ngắn Bút máu, một tuyệt tác của Vũ Hạnh viết trước NHT gần 30 năm, ta sẽ thấy những Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết... của anh Thiệp có vẻ như là mô phỏng lối viết, lối nhìn, lối suy nghĩ, lối dùng ngôn từ cộc, gằn, chát, đắng, đau... với vẻ lạnh lùng khá tàn nhẫn mà Vũ Hạnh đã dùng trong Bút máu, in năm 1958 thời Ngô Đình Diệm...

Cách đây 18 năm, nhờ công cuộc đổi mới văn học do Đảng và Nhà nước chủ trương, một loạt truyện ngắn của NHT đã được in trên báo Văn Nghệ (tờ báo của HNVVN) tạo thành một hiện tượng văn học thật sự. NHT xuất hiện lúc đó quả tình như một cái van xả xú-báp của tâm lý xã hội, góp phần giải tỏa bao ức chế bị dồn nén của chiến tranh, nên được đông đảo người đọc đón nhận. Truyện ngắn có dư luận của anh Thiệp đầu tiên xuất hiện trên Văn Nghệ là truyện Tướng về hưu, rồi tiếp một loạt truyện mô tả một hiện thực khác là mặt trái xã hội, giống như cuộc tiểu phẫu các vết thương chiến tranh còn sót lại trong tâm hồn con người và trên cơ thể xã hội chưa chịu thành sẹo, còn mưng mủ hòa bình. Anh Thiệp đã xuất hiện đúng lúc để gãi ngứa cho giai đoạn ăn da non của vết thương chiến tranh thời hậu chiến. Vốn có thực tài, lại xuất hiện đúng lúc, trong mấy năm đầu công cuộc đổi mới văn học, cần phải ghi công NHT, bằng hội chứng văn học gãi ngứa, đã góp phần làm mau lành các lọai vết thương buổi giao thời ấy. NHT sau gần một chục truyện ngắn xuất sắc, đã để lại sau lưng một vệt các nhà văn trẻ thi nhau mô phỏng lối viết của anh. Khi bạn đọc trong nước đã cảm thấy có phần bội thực văn NHT, thì một loạt các đài báo, các nhà xuất bản của người Việt ở nước ngoài bắt đầu biểu diễn hội chứng đói Thiệp đến mức nhá hết cả thượng vàng hạ cám của nhà văn này, mà vẫn thấy kiến còn bò trong bụng. Khi đời sống xã hội trong nước đã khá lên nhờ cơ chế thị trường, các loại vết thương chiến tranh thời hậu chiến đã qua giai đoạn ăn da non, không còn cần công nghệ gãi ngứa vật chất và gãi ngứa tinh thần nữa. Nhưng NHT không nhận ra điều đó. Anh vẫn tiếp tục sản xuất văn chương gãi ngứa vết thương. Nhà văn này chừng như cố tình không nghe lời ta thán của độc giả: rằng cái ông này đùa dai, người ta đã hết ngứa từ lâu, mà sao hễ cứ nhìn thấy vết sẹo nào lộ thiên là ông lại lao vào gãi mãi thế? Những vết sẹo không còn ngứa nữa thì mình gãi làm gì, chỉ tổ cào rách miệng vết thương xưa thôi! Hay là ông nhà văn này bị bệnh đói các vết thương? Đây chính là bi kịch của văn tài NHT: khi cái thiên tài gãi ngứa của mình không còn hợp thời nữa, không còn đắc dụng nữa, anh bèn sinh ra nghề lập thuyết, viết lý luận dạy đời và chơi cả tiểu thuyết trên mạng Internet... Nhưng dù sao, chúng tôi cũng vẫn phải thầm cám ơn tờ báo Văn Nghệ: ngót 20 năm về trước đã khai sinh ra nhà văn NHT.


2. Văn hóa không dung nạp thói vô ơn và trò chơi "chửi có thưởng"!

Chúng tôi rất hoan nghênh tiêu chí của NHT in trên phần đầu bài báo đã dẫn trên Ngày Nay số 4-2004, tr.17, cột 2, dòng 10 kể từ dưới lên: "Nhà văn bắt buộc phải trở thành một nhà văn hóa, một nhà nghiên cứu". Có lẽ NHT muốn chứng tỏ mình đã trở thành nhà văn hóa như thế nào, bằng cách nào, nên anh đã gọi ngót 800 người đang là hội viên HNVVN ra mà nặng lời trên báo Ngày Nay số 6-2004, bài đã dẫn, tr.15, cột 2, dòng thứ 3 kể từ trên xuống:

"Nhìn vào danh sách hơn 1000 hội viên Hội nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều chỉ là những người già nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều... "vô học", tự phát mà thành danh. Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào "cảm hứng" để tùy tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả".


Tự dưng đa số hội viên HNVVN bị anh Thiệp gán cho là vô học, lại cẩn thận để chữ vô học trong nháy nháy: "vô học". Dù anh có để trong nháy nháy đi nữa thì nội hàm của từ này vẫn không có gì thay đổi, vẫn tuân thủ định nghĩa của từ điển: "vô học": (Người) không có học thức, không được giáo dục: Đám trẻ vô học. Đồ vô học. (tr.1826, Đại từ điển Tiếng Việt- Bộ GD&ĐT- Trung tâm Ngôn ngữ & Văn hóa Việt Nam xuất bản 1998).

Anh Thiệp nỡ lòng nào mắng cả HNVVN là đồ vô giáo dục, mắng các nhà thơ là phù phiếm, vô nghĩa, lăng nhăng, lưu manh, vứt đi cả...? Nên nhớ là trong số các hội viên HNVVN bị anh Thiệp nặng lời kia, chí ít cũng phải có đến 1/3 số người bị đụng chạm có cảm tình với các truyện ngắn NHT. Cả làng văn vốn lành tính không ai chòng ghẹo gì anh, không ai bắt trộm gà qué của anh, sao anh lại giãy lên đành đạch như đỉa phải vôi mà đứng chống nạnh xỉa xói làng nước thế? Chúng ta thử hình dung trong một làng có ngót 800 hộ dân vẫn hằng sống tử tế với nhau, bỗng sáng sớm có một ông hàng xóm cha căng chú kiết không hề mắc bệnh tâm thần, đường đột đến từng nhà, rồi mắng như tát nước vào mặt những người cùng làng vốn không hề gây thù chuốc oán với mình rằng: các anh là đồ vô học, đồ vô giáo dục, đồ lăng nhăng, phù phiếm vô nghĩa, lưu manh, đồ vứt đi... thì cái ông vua chửi này chưa chắc đã còn đường trở về nhà mình! Xem ra, mới biết nhà văn, nhà thơ nước ta hiện nay còn lành hơn cả đất!

NHT tiếp tục nâng cấp "bài ca" trên lên hàng thượng thừa, dám "dí" cả con chuột vi tính vào các thần linh thơ, kể từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương trở xuống, như sau:

"Giai thoại có một nhà thơ nói về tình cảnh thơ ở trong bài thơ sau đây (tôi đã đưa truyện này vào trong tiểu thuyết của tôi vì nó quá hay) khá tiêu biểu cho thực tế đó: "Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ/ Hôm qua nó bảo: Dí thơ vào l.../ Vợ tôi nửa dại nửa khôn/ Hôm nay lại bảo: Dí l... vào thơ!". Mặc dầu đã có "Ngày thơ Việt Nam", tôi cũng không phủ nhận cảm tình của nhân dân đối với thơ nhưng quả thực ở trên thực tế CÁI DANH NHÀ THƠ là một thứ nhìn chung chỉ là nhăng nhít, hữu danh vô thực, chẳng ai muốn dây vào nó: NHÀ THƠ ĐỒNG NGHĨA VỚI sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa"...


Chúng tôi xin mở cuốn Đại từ điển Tiếng Việt tr.1077 đã dẫn, xem cho rõ nhẽ nội hàm của từ "lưu manh" mà anh Thiệp vừa gán cho các nhà thơ VN: "Lưu manh: Hạng người chuyên lừa đảo, trộm cắp, làm ăn phi pháp: trừng trị bọn lưu manh. Bắt gọn toán lưu manh côn đồ".

Việt Nam là một dân tộc, một đất nước Thơ. Dân tộc ta vốn có 2 truyền thống chính để tự hào: một là ĐÁNH GIẶC, hai là LÀM THƠ. Nếu ta chỉ có những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa mà thiếu Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương thì coi như dân tộc chỉ biết có cơ bắp, biết có thanh gươm mà thiếu tâm hồn, thiếu vẻ đẹp tinh thần, thiếu lãng mạn, thiếu thẩm mỹ. Những lời thóa mạ nguyền rủa THƠ CA một cách vô tiền khoáng hậu trên của NHT dành cho không chỉ các nhà thơ thời nay, mà còn cả các nhà thơ trong quá khứ. Nên nhớ rằng chúng ta mới có văn xuôi từ thuở chữ Quốc ngữ thông dụng vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở Nam Kỳ; còn hơn 9 thế kỷ, cả nền văn học dân tộc đều đồng nghĩa với THI CA. Hồn Thơ của ca dao, của thơ Lý Trần, của Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính... kia có thể ví như BÀ MẸ TINH THẦN CỦA DÂN TỘC. Việc làm trên của một người tự nhận là nhà văn, là một nhà văn hóa, một nhà nghiên cứu như NHT, có thể ví như hành vi của đứa con dám hắt nước vào chính mặt mẹ mình (!). Tờ báo Văn Nghệ vốn là nơi chôn nhau cắt rốn nghiệp văn NHT, giống như bà mẹ tinh thần của anh, anh đã không hề biết ơn, lại còn coi khinh như mẻ "cái máng cỏ" đã khai sinh ra văn minh thế? Văn hóa không hề dung nạp thói vô ơn, thói qua sông đấm bút vào sóng, dù đó là ông trời đi chăng nữa.

Không phải chỉ dân tộc ta, mà hầu như tất cả các dân tộc khác trên thế giới đều dạy trẻ thơ muốn thành con người đúng nghĩa phải có lòng nhân ái, yêu giống nòi, nhân loại, ghét thói gian tà, kiêu ngạo, hống hách, hung ác... biết yêu trẻ kính già. NHT đặc biệt khinh rẻ các nhà văn, nhà thơ cao tuổi, gọi "các cụ" là "đám giặc già" như sau: "Văn học, đối tượng của nó là những người trẻ tuổi. Nó không phải là sân chơi của đám giặc già lăng nhăng thơ phú". Đạo Thiên Chúa giáo coi khả năng phạm tội của con người nằm trong ba trạng thái: tư tưởng, lời nói và việc làm. Vô cớ nguyền rủa đồng loại, vu oan giá họa cho đồng loại là một trọng tội có thể bị sa địa ngục đấy! Bằng bài báo vừa dẫn, NHT như muốn bước ra khỏi những giới hạn luân lý, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc và loài người.

Đọc xong bài báo này của anh Thiệp - một nhà văn chúng tôi từng yêu mến, kính trọng mà bàng hoàng suốt mấy ngày liền, hỏi tại sao anh Thiệp lại hành xử với đồng nghiệp như vậy? Hay là anh bị hội chứng Freud? Hay do anh lao tâm khổ tứ sáng tạo, tìm cách leo trèo lên đỉnh "Linh Sơn" của Cao Hành Kiện, đặng hi vọng chinh phục cánh cửa sau của Hoàng Gia Thụy Điển mà bị stress toàn phần chăng? Nhưng qua Email và dây nói với bạn bè Hà Nội, chúng tôi biết anh Thiệp vẫn tỉnh như sáo, không hề có dây thần kinh nào bị rắc rối cả. Suy đi ngẫm lại, chúng tôi thấy việc xuất hiện bài báo trên của anh Thiệp là không hề bất bình thường, mà rất hợp với tính cách và những bước đi có tính toán của anh. Anh Thiệp đã là nhà "chửi học" số một Việt Nam từ lâu, chứ không cần đợi đến bài báo này mới lộ ra thiên tài của anh. Chúng tôi từng theo dõi hầu như tất cả các buổi trả lời phỏng vấn các đài nước ngoài phát tiếng Việt của NHT, ít nhất trong vòng 15 năm qua, thì mới thấy "HỘI CHỨNG CHỬI" của anh là có hệ thống, có cân nhắc tính toán hẳn hoi, chứ không phải là việc "nổi điên" do rượu chè quá chén, hay bốc đồng văng mạng chửi đổng chơi như có nhiều bạn bè lầm tưởng. NHT trong rất nhiều lần trả lời phỏng vấn, trò chuyện với thính giả trên các làn sóng phát thanh nước ngoài và in trên các báo chí, khi đề cập các vấn đề trong nước, thường thấy anh lặp đi lặp lại những chữ sau: "đểu cáng", "vô học", "lưu manh", "cứt", "phù phiếm", "khốn nạn", "điếm", "chó má", "nôn mửa", "tởm", "ngu như lợn", "thê thảm", "xỏ lá", "lừa bịp", "xỏ xiên", "lọc lõi", "lỗ mãng", "nham nhở", "nhảm nhí", "tiểu nhân", "ngụy quân tử", "phàm phu tục tử", "suy đồi"... Chúng tôi thấy một hiện tượng được lặp đi lặp lại nhiều lần thành quy luật: là mỗi lần NHT mở 1 "chiến dịch chửi" ở đâu đó xong, thế nào một thời gian sau anh cũng được trọng thưởng: nhận được vài ba lời mời đi du lịch nước ngoài không phải mất tiền, dưới danh nghĩa trao đổi văn hóa, giao lưu văn học. Với lần tung chiến dịch lớn này trên báo Ngày Nay, rồi ta sẽ thấy NHT gieo "hạt" trong chỉ vài ba tháng là sẽ có một mùa bội thu "sáng tác" ngay. Chắc rồi đây anh lại hơi bị bận vì sắp phải sang Âu-Mỹ trao đổi văn hóa? Mới biết "chửi" thời nay cũng là một nghề hay đấy! Khi việc này đã được định hướng theo công nghệ CHỬI CÓ THƯỞNG, giống như chuyện đố vui có thưởng, đi họp có thưởng, vật nhau có thưởng, đặt vòng có thưởng... thì nhà văn ơi, xin phục người sát đất.

Báo Văn Nghệ số 13, ra ngày 27.3. 2004

 

Sự kiện Hoa thủy tiên - phần 2 bài viết của Trần Mạnh Hảo

eVăn: Để giúp bạn đọc có thông tin về sự kiện “Hoa thủy tiên”, eVăn tiếp tục đưa các bài viết và  ý kiến đã đăng trên các báo, tạp chí khác. Chúng tôi xin lưu ý: Việc đưa bài này chỉ có mục đích thông tin chứ không phản ánh quan điểm của eVăn.

 

Dưới đây là phần 2 bài viết của ông Trần Mạnh Hảo trên báo Văn Nghệ.



Có thật đa số các nhà văn Việt Nam đều vô học, các nhà thơ đều lưu manh - hay là “hội chứng chửi có thưởng” thời nay?

            Trần Mạnh Hảo

(tiếp theo và hết)

3) Ai viết "văn điêu, văn ma, văn phò nịnh"?

Trên cột 2, trang 17, báo Ngày Nay số 6. 2004 sau khi xử lý các đồng nghiệp, Nguyễn Huy Thiệp bèn đi giảng dạy luân lý viết văn cho mọi người như sau: "... Thế nào là trung thực? Trung thực với mình, với người với xã hội, với chữ nghĩa. Văn điếu văn ma, phò nịnh, "nên thơ" là thứ rất dễ ngộ nhận...".

Ở chỗ này, chúng tôi xin vỗ tay tán thưởng sự dũng cảm lên án kẻ "viết văn điêu, văn ma, phò nịnh" của Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng nếu anh Thiệp dũng cảm thêm một milimét nữa mà lên án nốt vài ba kẻ đang căng tai ra nghe ngóng, đánh tiếng hắng giọng... đặng viết văn có "bà ngoại", "ông ngoại" thưởng (mà anh Thiệp gọi là "nhà văn thức thời"), thì chúng tôi đây còn bái phục anh bội phần! Giờ cho phép chúng tôi khảo sát tí ti về ngón nghề "văn điêu" ngay trong bài báo vừa dẫn của anh Thiệp. Anh Thiệp luận về tính trung thực thì phải nói không chê vào đâu được, nhưng khi cần phải biểu diễn sự trung thực thì xin lỗi, anh Thiệp lại "điêu" đến mức cũng không chê vào đâu được. Trong bài báo của anh, chúng tôi tìm thấy có rất nhiều cái "điêu" như sau:

  • ĐIÊU 1: Hội Nhà Văn Việt Nam (HNVVN) tính đến hôm nay mới có 798 hội viên, nhưng anh Thiệp đã nói thêm lên thành hơn 1000 hội viên.

  • ĐIÊU 2: Số hội viên làm thơ trong Hội Nhà Văn Việt Nam tính đến hôm nay giỏi lắm cũng không thế vượt quá tỷ lệ 50%; thế mà anh Thiệp lại nói dư ra thành 80%. ĐIÊU 3: Anh Thiệp từng bảo các hội viên cao tuổi là giặc già, thì dứt khoát những người cỡ trên dưới 55 tuổi như anh chưa thể được gọi là già; vì nếu xếp anh Thiệp vào loại già thì hoá ra. chính anh lại khó xử với mình lắm ru! Do đó, số hội viên nhà văn cao tuổi trong Hội Nhà Văn Việt Nam nếu cứ kể từ 60 trở lên, chắc chắn không thể vượt qua tỷ lệ một phần ba. Thế mà anh Thiệp lại nói tăng lên rằng: "Nhìn vào danh sách hơn 1000 hội viên HNVVN, người ta thấy đa số chỉ là những người già nua không có khả năng sáng tạo..."
     
     

  • ĐIÊU 4: Ai đã từng tham dự Hội nghị Lý luận phê bình văn học Tam Đảo trung tuần tháng 8. 2003 vừa qua, cũng như từng đọc hàng chục tham luận đăng trên báo Văn Nghệ, sẽ thấy kết luận này của Nguyễn Huy Thiệp là hoàn toàn sai sự thật: "... trong Hội nghị Lý luận phê bình văn học ở Tam Đảo năm 2003, chẳng thấy có một tham luận nào dành cho văn học thực sự..."

  • ĐIÊU 5: Nguyễn Huy Thiệp có một lối tranh biện "vui" không chịu được. Đó là cách anh "tiếp thu" phê bình và "trao đổi" lại với Bùi Việt Thắng khá trịch thượng, hợm hĩnh. Chủ trương đối thoại của anh Thiệp rất hay: "Muốn cho xã hội tiên lên, phải trao đổi, phải dân chủ"?...Từ chối đối thoại nghĩa là anh tự làm cho mình khó thở, tự giam mình." Chúng tôi xin chứng minh khả năng "khó thở, tự giam mình" của anh Thiệp thật vô bờ bến. Bùi Việt Thắng đã phê bình văn chương anh Thiệp trên báo Văn Hoá. Anh Thiệp ức lắm, bèn không đếm xỉa gì đến vấn đề cốt lõi của tranh biện là đúng sai, là nói có sách, mách có chứng, lại dùng một câu chuyện về cái bệ đứng đái của đàn ông mà hạ bệ Bùi Việt Thắng, nhằm xỉ nhục anh Thắng là đứng thấp hơn "cái bục đái thẩm mỹ" của mình:

"Tôi rất buồn cười câu chuyện Nguyễn Việt Hà kể cho tôi nghe. Ở công sở, có một tay trưởng phòng xây dựng cho xây toilet. Anh ta kích cỡ hơn người (cao tới 1m 78) nên chỗ đi tiểu ở cơ quan anh ta luôn cao hơn những nơi khác tới 15 phân. Vì vậy gần như mỗi người đi tiểu ờ đó đều bị nước tiểu bắn vào quần áo! Sự độc tài của một tay công chức cửa quyền thật lợi hại. Đặc quyền "lấy của mình ra đo" mà không quan tâm đến những số đo khác trong thiên hạ là như thế đấy. Gần đây, đọc bài viết của Bùi Việt Thắng về tôi in trên "Văn hoá Xuân 2004" (được đặt dưới tiêu đề Trên đường đổi mới) không hiểu sao tôi cứ hình dung Bùi Việt Thắng giông hệt như tay trưởng phòng công chức xây dựng cửa quyền nọ. Anh lấy số đo của mình để đặt tiêu chí để đo thiên hạ. Sự độc tài công chức và cách "cả nghĩ" của Bùi Việt Thắng khiến anh bất bình với cuốn tiểu thuyết của tôi. Bi hài kịch là "số đo" của anh có phần ngắn hơn CÁI BỆ THẨM MỸ của bạn đọc đương thời...".


Qua đoạn trích trên, ai ai cũng thấy lối "trao đổi", "đối thoại" của Nguyễn Huy Thiệp là không được tử tế cho lắm. Chúng tôi còn có thể lấy thêm hàng chục dẫn chứng để chứng minh lối viết "văn điêu" của Nguyễn Huy Thiệp trong bài là rất mả, rất tài. Nhưng vì khuôn khổ của bài báo có hạn, chúng tôi đành phải chuyển qua tiểu mục khác.


4) Biết thì thưa thốt... hay trò leo dây của món "chân lý nhầm lẫn"?

Nguyễn Huy Thiệp từng tuyên bố rằng phàm là nhà văn chân chính, phải phấn đấu để trở thành một nhà văn hoá, một nhà nghiên cứu chính cống. Trong những phần trên, chúng tôi đã trưng ra bằng chứng để bạn đọc thấy Nguyễn Huy Thiệp đã biết cách trở thành một nhà văn hoá ra làm sao! Nay, chúng tôi muốn khảo sát thêm về nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thiệp. Đã nói đến "nhà nghiên cứu" là phải nói đến tính chuyên nghiệp, tính khoa học, khách quan, trung thực, uyên thâm, kiến văn dồi dào, trọng thị lẽ phải đặng tìm chân lý.

Qua bài báo đã dẫn, chúng tôi thấy Nguyễn Huy Thiệp không hề có phẩm tiết nào của một nhà nghiên cứu đã đành, ngược lại, anh còn có nhiều lỗ hổng về kiến thức phổ quát. Xin hãy nghe Nguyễn Huy Thiệp định nghĩa về chân lý: "Bản chất của cuộc sống, chân lý rốt ráo trong cuộc sống chính là sự nhầm lẫn!". Xin xem qua nội hàm của khái niệm "Chân lý" (vérité) qua trang 325 của cuốn từ điển đã dẫn: "Chân lý: Sự phản ánh hiện thực vào nhận thức của con người, đúng như chúng tồn tại trong thực tế khách quan". Chúa ơi, với định nghĩa "Chân lý là sự nhầm lẫn": thật may mắn cho chúng ta, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không có cơ hội để trở thành một tổng công trình sư chế tạo máy bay. Bởi chân lý của nhà sản xuất máy bay là: nhầm lẫn chính là chết, là hàng nghìn chiếc máy bay sẽ rớt như sung, kéo theo hàng triệu người tử nạn. Với định nghĩa động trời: CHÂN LÝ LÀ SỰ NHẦM LẪN trên của anh Thiệp, thì chân lý ơi, xin chào mi, xin mi đừng rơi vào tay các nhà văn như anh Thiệp; vì nhất định họ sẽ làm hại loài người hơn cả cái hại của việc nhầm lẫn khi chế tạo may bay. Bởi vì khi nhà văn mang cái CHÂN LÝ NHẦM LẪN để hành nghề mà nhầm lẫn thiện ác, đúng sai, hay dở, nhầm lẫn quỷ sứ và thiên thần, nhầm lẫn thú và người, nhầm lẫn phá hoại và dựng xây, nhầm lẫn hoà bình và chiến tranh, nhầm lẫn cái chết và sự sống, nhầm lẫn văn chương xu-hào, viết văn có "ngoại" thưởng với tự do sáng tác, thì than ôi, tai hoạ còn có cơ lớn hơn rất nhiều thảm hoạ bom hạt nhân; vì với những loại "tính văn" ấy, hàng triệu tâm hồn trẻ thơ rồi sẽ bị ô nhiễm, bị đầu độc. băng hoại. Mà việc gieo cái chết tâm hồn còn nguy hiểm hơn việc gieo cái chết thể xác.

"Nhà nghiên cứu" Nguyễn Huy Thiệp rất nhiều khi muốn lập thuyết nhưng lại không hiểu vấn đề mình đang nói, bèn lấy ngộ nhận làm sở trường, còn hiểu biết lại là sở đoản của anh. Xin quý vị cùng đọc một kết luận khá lạ lùng của Nguyễn Huy Thiệp: "Khi ta đang sống (đương đại) nghĩa là ta đang tiếp cận cái chết (sự suy đồi ghê rợn nhất). Nghệ thuật đương đại, xét cho cùng chính là nghệ thuật suy đồi". Trong định đề này, anh Thiệp đã hiểu sai nội hàm thuật ngữ "suy đồi" (décadence). "Suy đồi" là một từ Hán Việt chỉ sự hư hỏng, đổ nát, cũng có nghĩa suy tàn, đồi bại ví như nói vua Lê Ngọa Triều dâm ô bệnh hoạn, bỏ bễ triều chính, đưa nhà Tiền Lê tới chỗ suy đồi. "Suy đồi" là một tính từ dành để chỉ hành vi, tính chất của một con người hay một xã hội, một triều đại trong quá trình suy vong. Cái chết tự nhiên của con người không phải là sự suy đồi. Không ai lại dùng từ "suy đồi" để chỉ những biến đổi tàn phai của tự nhiên. Ví dụ, thấy mùa thu tàn bèn bảo "mùa thu suy đồi", thấy dòng sông cạn hết nước lại bảo "dòng sông suy đồi", thì thiên hạ sẽ cười cho đấy! Khi bảo: "Cái chết là sự suy đồi ghê rợn nhất", thì có khác gì anh Thiệp nói cây ngô đồng rụng lá cũng là suy đồi, tuyết tan là tuyết suy đồi, hoa rụng là hoa suy đồi? Sinh diệt là biện chứng của Tạo Hoá mà con người không thể can thiệp. Quy luật sống chết là một chân lý khách quan của thế giới tự nhiên, tồn tại ngoài ý thức con người, áp dụng cho vạn vật, không cứ gì người.

Khái niệm "nghệ thuật đương đại, xét cho cùng chính là nghệ thuật suy đồi" anh Thiệp đưa ra có thể chỉ đúng khi áp dụng vào một số nghệ thuật châu Âu sau thế chiến thứ hai; bởi những tàn dư của nghệ thuật tượng trưng, đa đa, siêu thực, tàn dư của các trường phái dã thú, lập thể, tiền phong, đã là tiền đề tạo ra nghệ thuật hậu hiện đại, tiểu thuyết mới, phê bình mới, hiện thực mới, hậu - Vacne, làn sóng mới, ấn tượng và hậu ấn tượng, cũng như phái "thế hệ bị đánh mất"... đều được gọi là nghệ thuật suy đồi. Nhưng khi vấn đề trên được khái quát thành thuộc tính để đồng nghĩa đương đại với suy đồi, nhất là để dùng khái niệm đặc thù châu Âu này cho các nước phương Đông như Việt Nam ta thì hoàn toàn sai.

Trên cột 1, trang 16, Ngày Nay số 5. 2004, Nguyễn Huy Thiệp viết:

"Giở lại lịch sử ngày xưa, thấy tại sao trong thời Thịnh Đường ờ Trung Hoa nảy nòi ra Lý Bạch được khen là thơ tiên vì phong độ, cốt cách, chí khí cao ngất. Ở thời ấy, dân chúng ấm no, sung túc. Lý Thế Dân là ông vua cao minh giữ được ổn định chính trị. Dân như thế vua như thế, thời thế như thế thì sẽ có một thứ vănhọc tuyệt vời như thế...".


Anh Thiệp nói Lý Thế Dân cao minh, giữ được ổn định chính trị trong 23 năm thì đúng; tuy ông vua này nối nghiệp bằng sự tàn ác giết anh ruột, em ruột mình, bức cha cướp ngôi. Anh Thiệp bảo Lý Bạch sống trong thời Đường Thái Tông Lý Thế Dân là sai. Lý Thế Dân chết 52 năm sau Lý Bạch mới ra đời; khi ấy Võ Tắc Thiên cướp ngôi nhà Đường xưng là nhà Chu đã được 11 năm. Lý Bạch trưởng thành trong thời Đường Huyền Tông. Ông vua này cuối đời chìm đắm trong tửu sắc, lấy con dâu là Dương Quý Phi, bỏ bê chính sự thành ra loạn lạc, dân chúng khổ trăm bề. Từ năm 755 loạn An Lộc Sơn đến khi nhà Đường mất, suốt 152 năm dân tình bị đầy ải trong địa ngục chiến tranh, nghèo đói, khiến người chết đầy đường như rạ, là thời kỳ thảm khốc bi đát nhất của lịch sử Trung Hoa. Hãy đọc lại thơ Đỗ Phủ (712-770) người đồng thời với Lý Bạch, để thấy rằng Lý Bạch sinh ra và lớn lên mang tiếng là thời Thịnh Đường, nhưng thực ra nhà Đường đã suy vi, đã mạt vận, đã phản dân. Không phải vị thi tiên này được sống trong một thời thế tốt đẹp tuyệt vời mới có thơ tuyệt vời như sự lầm tưởng của Nguyễn Huy Thiệp.

Nguyễn Huy Thiệp thường đưa ra những nhận định thiếu cơ sở khoa học. Ví dụ khi anh Thiệp khái quát: "Một xã hội không có những tác phẩm văn học hay, không có những tác phẩm văn học giá trị nghĩa là nhân tính ở đấy đang bị xáo mòn, đang bị mất dần đi..." là chưa thuyết phục. Trong lịch sử văn học thế giới và Việt Nam có rất ít thời kỳ mà mối quan hệ thịnh suy giữa thời đại và văn nghệ là tỷ lệ thuận, kiểu triều chính tốt sẽ sinh ra văn nghệ hay, và khi chưa có văn chương hay thì thời thế chắc phải thiếu nhân tính. Việc lịch sử văn học nước nhà có hai thời kỳ hoàng kim: cuối thế kỷ thứ XVIII đầu thế kỷ thứ XIX và thời kỳ văn học hiện đại của truyện ngắn, tiểu thuyết nở rộ bên cạnh đỉnh cao Thơ Mới 1932-1 945, đều xuất hiện trong những thời mạt của chính sự cả, chứng tỏ là kết luận của anh Thiệp chưa đủ cơ sở khoa học. Có thể lấy sự xuất hiện của Khuất Nguyên, Đào Tiềm, Lục Du, Kim Thánh Thán... và thời hoàng kim của văn học Nga cuối thế kỷ thứ XVIII đầu thế kỷ thứ XIX làm minh chứng thêm.

Cho hay, cái nhiệt huyết ngùn ngụt của anh bội thực sách đôi khi cũng thật là đáng thương; chỉ đáng trách khi anh chưa tiêu hoá nổi sách đã mau mồm mau miệng triết lý, lập thuyết, muốn làm thầy thiên hạ, muốn cầm cái ba-toong của cụ tiên chỉ làng văn mà dứ dứ cả trời già như kiểu trên đây, thực tình còn nguy hiểm hơn việc cậu bé chơi con dao hai lưỡi. Nguyễn Huy Thiệp trong bài viết đã dẫn, còn nhiều nhận định rẻ rúng, khinh khi, miệt thị đồng nghiệp trong nước:

"Văn học Việt Nam gần đây mất đi khả năng tưởng tượng, lãng mạn, mơ mộng và nhiệt huyết sống. Nó trở nên thực dụng, ê chề, lọc lõi, oái oăm, đôi khi đểu cáng?... Sinh hoạt văn học (nói rộng ra là cả sinh hoạt tính thần) ở ta - ít nhất là ở Thủ đô - theo tôi hiện nay là thảm hại, chẳng có gì đáng để người ta quan tâm, say sưa"?"...Có nhiều tác phẩm, người ta vẫn phải đọc, vẫn phải chấp nhận mặc dù ai nấy đều cũng có cảm giác là nó thối tha..."


Xin anh Thiệp hiểu cho rằng mình viết văn thì cũng để cho thiên hạ viết với, mình tài, thì cũng để cho thiên hạ tài với. Thưa nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, với văn học, mọi chuyện phù phiếm, nham hiểm, vĩ cuồng, ngay cả hội chứng "chửi có thưởng" như hôm nay, rồi cũng sẽ qua. Nhưng ở đời, nhất là đối với nghiệp bút nghiên như chúng ta thì câu tục ngữ "trâu chết để da, người ta chết để tiếng" có lẽ là lưới trời đố ai thoát được? Xin anh Thiệp hãy thử ngó xuống mà nhìn một hình hài "bị" hoá "đá" đang đứng trên bục cao ở quảng trường giữa thủ đô Matxcơva: đại thi hào Puskin, dù đã thành tượng, vẫn cứ có vẻ run rẩy khép nép cúi xuống, cố gắng nhún mình, hạ mình xuống thấp hơn tí chút nữa, để tôn vinh đức khiêm nhường bao giờ cũng là khởi điểm của các thiên tài. Anh Thiệp dù có ghét Thơ đến mức xúc đất đổ đi chăng nữa, chắc cũng biết chuyện Nguyễn Du hơn 200 năm trước, từng rước linh hồn Tiếng Việt lên bệ thờ của hàng nghìn câu lục bát tuyệt vời do ông sáng tạo, rồi vội tìm chỗ thấp nhất, kín nhất, im re nhất để ngồi lẫn với thập loại chúng sinh, mà ca bài ca khiêm cung rằng: "Lời quê góp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh". Chúng tôi có thể cá với anh Thiệp rằng, chưa từng thấy thói huênh hoang, kiêu ngạo, độc ác, xỉa xói đồng nghiệp nào xưa nay lại có thể trở thành một tài năng văn học thật sự. Các nhà văn, nhà thơ, thậm chí cả nền thơ Việt Nam hôm nay vừa bị anh Thiệp gieo tiếng ác là vô học, là lưu manh, là đáng bị anh "dí" bút vào mặt đi nữa, cũng chẳng ai lấy đó làm điều mà đau buồn phát ốm. Các nhà văn ấy vốn có lòng vị tha, cốt cách nhã nhặn, dung nhan điềm đạm, lại hay khiếp hãi sự to tiếng, nên "tránh voi đâu xấu mặt nào" mà anh! Tôi rất ngạc nhiên, báo Ngày Nay là cơ quan của tổ chức UNESCO Việt Nam, một tổ chức mang danh khoa học, giáo dục, văn hoá lại cho in một bài báo phản khoa học, phản giáo dục, phản văn hoá như vậy.

Thành phố Hồ Chí Minh, đêm 21/3/2004

 

Văn Nghệ, số 14, 03/4/2004

 

   

 

văn học  khảo luận : về '... hoa thủy tiên và những lần lẫn của nhà văn'...


 


Che chở

 
  43- Nguyễn Huy Thiệp tự bộc lộ mình.                                                                                          Nam Hà 
  44-
 
Trao đổi với nhà thơ Trần Mạnh Hảo về bài viết của Nguyễn Huy Thiệp.       Nguyễn Hoàng Đức
  45-
 Thì ta nói thật với nhau.                                                                                          Nguyễn Hoàng Sơn
  46-
 Có thật đa số đều vô học,...lưu manh - hay là “hội chứng chửi có thưởng” ?         Trần Mạnh Hảo
  47-
Tôi chắc anh Thiệp viết thế không phải vì một "lời mời thế giới".       Giáo sư, Viện sĩ Hoàng Trinh
  48- Trò chuyện với Nguyễn Huy Thiệp và Trần Mạnh Hảo.                                                       Đông La
  49-
Chính và tà.                                                                                                                   Nguyễn Văn Lục
 
  50-
Vô học và lưu manh & Tại sao nhà văn lên cơn uất?                                                Ngô Nhân Dụng 
  51- Trách nhiệm của báo chí?                                                                                                           Talawas
  52- Trần Mạnh Hảo, con người của nền văn học cách mạng.                                          Bùi Quang Lộc 
  53- Có tật (thì cứ việc) giật mình.                                                                                                    Lê Minh

  54- Một cái nhìn từ xa về văn học Việt Nam hiện tại.                                                      Trần Kiêm Đoàn

vhvt-10
Trở lại trang chính