|
|
Bùi Quang Lộc
Trần Mạnh Hảo, con người của nền văn học cách mạng
Sau khi đọc bài
Trò
chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn của Nguyễn
Huy Thiệp, tôi cũng ít nhiều hình dung ra được những bài phản biện, và thật
thú vị khi đó lại là của nhà thơ
Trần
Mạnh Hảo.
Bài viết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (NHT) khá hay, nói lên được cái mà từ
trước đến nay những người "ngoại đạo" như chúng tôi muốn nói, đặc biệt là về
thơ ca... Khi nói về Hội Nhà Văn Việt Nam, ông viết: "Trong số này có tới
hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào "cảm hứng" để tuỳ tiện
viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa, nhìn chung là lăng nhăng,
trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự." Thế nhưng nhà thơ Trần Mạnh Hảo
(TMH) lại "tự ái dân tộc" nổi lên, lấy cả dân tộc ra để đối lại: "Việt
Nam là một dân tộc, một đất nước Thơ. Dân tộc ta vốn có 2 truyền thống chính
để tự hào một là ĐÁNH GIẶC, hai là LÀM THƠ. Nếu ta chỉ có những Bạch Đằng,
Chi Lăng, Đống Đa mà thiếu Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương thì coi như
dân tộc chỉ biết có cơ bắp, biết có thanh gươm mà thiếu tâm hồn, thiếu vẻ
đẹp tinh thần, thiếu lãng mạn, thiếu thẩm mỹ."
Xin thưa với ông TMH rằng: Những bài học cũ kỹ đó vừa không nên dạy
trong các trường phổ thông mà tội cho lớp trẻ, vừa không nên đem ra văn đàn.
Có thể công nhận rằng Việt Nam là một đất nước thơ ca, đi đâu cũng thấy thơ
ca, người Việt nào cũng có thể làm thơ, thơ ca có mặt ở mọi tờ báo... Còn ở
nước Đức nơi tôi đang sống thì thơ ca là của rất hiếm.Trên hầu hết tất cả
mọi tờ báo và tạp chí, không thể tìm được một bài thơ, còn làm thơ đối với
dân chúng là chuyện khó hơn... lên sao Hỏa. Có thể nói, cái khoản làm thơ
thì dân Đức thua xa dân Việt mình. Thế nhưng họ lại có một Goethe,một Hugo
Ball..., mà đi đến góc nào trên thế giới mọi người đều biết, còn chúng ta có
ai? Trên thế giới chẳng ai biết tên tuổi một nhà thơ Việt nào cả...! (Tôi có
hỏi chuyện khá nhiều trí thức người Đức về Nguyễn Du, nhà thơ vĩ đại của
chúng ta. Họ lắc đầu: không biết, chỉ biết Hồ Chí Minh thôi à.) Tôi khuyên
ông TMH hãy đừng vuốt ve niềm tự hào bằng những bài học "cách mạng" cổ lỗ đó
nữa, mà hãy thử một lần đi ra nước ngoài vài năm (chứ không phải mấy tháng)
để xem niềm tự hào dân tộc trong ông có đứng vững không! Cũng dễ hiểu khi có
lần nhà văn Sơn Nam phát biểu trên đài BBC rằng "chúng ta nên bớt làm thơ
đi..."
Một ngạc nhiên nữa là cách giải thích của nhà thơ TMH về hai từ trong ngoặc
kép của NHT, "vô học" và "lưu manh". TMH viết: "vô học". Dù anh có để
trong nháy nháy đi nữa thì nội hàm của từ này vẫn không có gì thay đổi, vẫn
tuân thủ định nghĩa của từ điển: "vô học": (Người) không có học thức, không
được giáo dục: Đám trẻ vô học. Đồ vô học. (tr.1826, Đại từ điển Tiếng Việt-
Bộ GD&ĐT- Trung tâm Ngôn ngữ & Văn hóa Việt Nam xuất bản 1998). Ông giải
nghĩa những từ trên theo nghĩa nó không nằm trong ngoặc kép. Vậy thì thưa
nhà thơ TMH, tiếng Việt của chúng ta nên bỏ cái dấu ngoặc kép này đi cho
xong... (vì có nó hay không có nó thì ông chỉ hiểu những từ trên theo cùng
một nghĩa mà thôi!) Đến đây tôi nhận diện ra thêm một loại "văn học chụp mũ"
của nền văn học chính thống.
Nhà phê bình TMH còn viết: "Chúng tôi từng theo dõi hầu như tất cả các
buổi trả lời phỏng vấn các đài nước ngoài phát tiếng Việt của NHT, ít nhất
trong vòng 15 năm qua, thì mới thấy "HỘI CHỨNG CHỬI" của anh là có hệ
thống..." Ở đây tôi có một nhận định nhỏ, là hình như trong nền văn học
chính thống, bất cứ những lời nói, tư tưởng nào khác với chính thống đều
được gọi là "CHỬI". Thiết nghĩ, trong bất cứ cuộc tranh luận nào đều phải có
nhưng tư tưởng đối lập, phản biện nhau. Ta nên gọi nó là tranh luận thay vì
"CHỬI " như ông TMH dùng. Tôi rất thích những cuộc tranh luận nảy lửa trên
văn đàn. Mà tại sao hầu như không có những cuộc tranh luận trên các đài phát
thanh hay truyền hình Việt Nam? Phải chăng các "nhà chửi" của chúng ta chỉ
có khả năng tranh luận (hay "chửi") sau lưng, khi giáp mặt nhau thì một
là... đánh nhau, hai là ...chạy? Nghĩ cho rộng ra thì ông TMH cũng chỉ thừa
hưởng và làm theo nếp của cái gọi là "văn hóa cách mạng" một thời. Nghe ông
phát biểu mà cứ như nghe ban theo dõi tội phạm, khiến nổi da gà!
Đã đến lúc chúng ta nên nói thật với nhau tất cả thì hơn. Hãy đừng mụ mị
vuốt ve những niềm tự hào hão, vì đó thực chất là những đồ hàng mã mà chỉ
một số rất nhỏ trong 80 triệu dân Việt nam có lợi khi đánh bóng nó.
Tất nhiên trong bài viết của nhà văn NHT cũng có những điểm không đúng.
Nhưng thiết nghĩ chỉ có thượng đế mới hoàn hảo. Còn người phàm tục chúng ta
(tất nhiên cả nhà văn NHT và nhà thơ TMH ) cũng đều có những sai lầm... Sự
phân biệt giữa các "nhà" với đám bình dân chúng tôi là cái sai ở họ ít hơn,
hay chí ít họ còn biết con cừu cái không cần con cừu đực để sinh con, mà
điều này những người bình dân như chúng tôi ít ai biết... Nói như thế có
nghĩa là: Hỡi những người được gọi là "nhà"! Hãy uốn lưỡi 70 lần (thay vì
chúng tôi, đám bình dân chỉ cần 7 lần thôi) trước khi phát biểu điều gì. Đám
bình dân nói sai thì cùng lắm bị "phạt vi cảnh". Chứ các "nhà" thì có khi bị
tử hình đấy!
Nói tóm lại, cách suy nghĩ của nhà thơ TMH về bài viết của nhà văn NHT có
phần hơi quá "cách mạng văn hóa". Nhà thơ chỉ hiểu những cái gọi là "hiện
thực xã hội chủ nghĩa" (đã có thời ông chê những bài thơ mà ông gọi là vô
nghĩa của Lê Đạt, hay của Bùi Giáng.) Ở đây có thể rút ra một nhận định: Cái
gì ông không hiểu thì đều là những đồ vất đi cả (chắc ngay cả Picasso,hay
Van Gogh ông cũng cho đi "cải tạo" tất.)
Chúng tôi đã từng mê những vần thơ của Trần Mạnh Hảo, hay cũng từng phục
những bài viết về các giáo sư của nhà thơ này. Thế nhưng cái "hiện thực xã
hội chủ nghĩa" của ông chắc chắn sẽ làm ông mất đi rất nhiều người hâm mộ.
Munich, 28.3.2004
© 2004 talawas
|
|
|