vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  bàn luận



 

 

 

Trong cuộc tranh luận xung quanh bài Hoa thủy tiên của Nguyễn Huy Thiệp, nhiều ý kiến không những phản đối nội dung bài viết này mà còn phê phán tạp chí Ngày Nay đã đăng bài viết đó và đặt vấn đề xem xét thẩm quyền, trách nhiệm của Ngày Nay. Ai có quyền phân xử điều đó? Sự tôn trọng lẫn nhau giữa các tờ báo có dựa trên những nguyên tắc của một công luận dân chủ không? Vì sao câu hỏi về trách nhiệm của báo chí chỉ được đặt ra với Ngày Nay? Sau đây là một số ý kiến đăng trên Văn Nghệ TrẻNgày Nay, các số mới nhất.
talawas


Trách nhiệm của báo chí?

1.

Nhà văn Cao Tiến Lê, Ủy viên Thường trực Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam:

"Vâng, điều đáng tiếc là Tạp chí Ngày Nay - không biết ông tổng biên tập ở đó là người như thế nào, tầm văn hóa, nhân cách, nhận thức về chính trị, tư tưởng ra sao - mà lại cho đăng một bài như thế. Có lẽ điều này nhường lại cho cơ quan chủ quản của Tạp chí Ngày Nay, cho cơ quan chức năng cần xem xét lại việc bổ nhiệm Tổng biên tập. Đây là ý kiến cá nhân tôi."

Văn Nghệ Trẻ, số 16, 18/4/2004


Độc giả Nguyễn Văn Đức (Nghệ An):
Cơ quan chủ quản tờ Ngày Nay sao im lặng?

Trên Văn Nghệ Trẻ số trước có bài của bạn đọc Thanh Sương với tựa đề Gửi Ngày Nay bày tỏ sự không hài lòng với cách làm báo chỉ vì sự thu nhập qua bán báo mà bỏ qua giá trị văn hóa dân tộc được đúc kết từ hàng đời nay. Tôi cũng là độc giả thường xuyên của báo Văn NghệVăn Nghệ Trẻ nên tôi đồng quan điểm với cách đặt vấn đề và lối phê bình rất xác thực của tác giả Thanh Sương. Nhưng ở đây tôi chỉ xin đi vào một khía cạnh có tính cơ bản mà lâu nay chúng ta vẫn thường nhắc tới theo ngôn ngữ nhà nghề là "thẻ đỏ".

"Thẻ đỏ" là gì, xin thưa đây là hình thức xử kỷ luật đuổi ra khỏi sân cầu thủ nào đó có lối đá thô bạo. Trong ngạch quản lý nhà nước về Báo chí, anh em đồng nghiệp hay thường nói vui với nhau rằng, tờ nọ tờ kia bị "thẻ đỏ" do nói sai sự thật, xúc phạm đến cá nhân, tập thể, sai quan điểm đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Quay trở lại tờ Ngày Nay, trong loạt bài báo của Nguyễn Huy Thiệp viết về các nhà văn, nhà thơ bằng lời lẽ chua nghiệt, sỉ vả không còn chỗ nào xấu hơn. Thế mà, những người có trách nhiệm của tờ báo lại bàng quan cho đăng một cách "trang trọng" đến mức khó hiểu (!) Chúng tôi nghĩ rằng, nội dung đúng sai đến đâu chắc chắn gần 1000 hội viên Hội Nhà văn đã, đang và sẽ lên tiếng, bảo vệ; còn xét ở khía cạnh người đọc thẩm định thì loạt bài viết đó xúc phạm đến các nhà văn và nó gây nên sự ngang trái phè phè. Hỏi chuyện một trăm hay một nghìn độc giả khi đọc loạt bài viết đó có suy nghĩ như thế nào, thì tôi tin rằng, họ sẽ trả lời đấy là nhục mạ các nhà văn Việt Nam. Có lẽ đây là "cái sai" của tờ Ngày Nay mà không một luật sư nào có thể bào chữa được, vì nó phải được phát xét từ lương tâm, tình cảm, trí tuệ, khả năng, bản lĩnh chính trị, nhận thức của mỗi một con người.

Tác giả Thanh Sương đã nói lên một điều rất đúng, cơ quan chủ quản là Hiệp hội UNESCO Việt Nam, một hiệp hội về văn hóa, khoa học va giáo dục, đem văn hóa nhân loại về với độc giả và ngược lại. Nhưng ở đây, Ngày Nay lại tuyên truyền thứ văn hóa của NHT, một thứ văn hóa mà chúng ta từng được nghe những kẻ đi ngược lại với đạo lý, thuần phong của dân tộc rêu rao đây đó.

Ca sĩ ăn mặc nhố nhăng, không phù hợp với thuần phong mỹ tục đều bị cơ quan chức năng, độc giả tẩy chay lên án. Trong khi đó Ngày Nay lại đem thứ thức ăn tinh thần vô cùng độc hại với bạn đọc, cụ thể loạt bài của NHT, báng bổ các nhà thơ, nhà văn. Các nhà thơ, nhà văn là đội ngũ dệt nên những giá trị văn hóa mới trên tảng nền văn hóa của dân tộc, hướng con người đi tới giá trị văn hóa được khẳng định hàng ngàn đời nay. Điều hiển nhiên đáng lẽ không cần phải viết ra thành lời như thế này mà tờ Ngày Nay cũng đánh bài lờ để nhận lấy sự tán thưởng của số nhỏ con người.

Ông cha ta đã dạy, "con dại cái mang", thế nhưng cơ quan chủ quản tờ báo vẫn im như thóc. Phải chăng họ không dám nhìn thẳng vào sự thật, nhìn thẳng vào gần 1000 nhà văn để tuyên bố rằng, điều NHT viết như thế là không đúng??! Vậy thì cơ quan chủ quản của tờ Ngày Nay càng không thể im lặng được mãi mà phải chịu trách nhiệm về mình khi đăng tải những thông tin, quan điểm vu khống ấy. Hay là họ đồng tình?

Văn Nghệ Trẻ, số 16, 18/4/2004


2.

Tổng biên tập tạp chí Ngày Nay Nguyễn Xuân Thắng:


Trong số 4, 5, 6 năm 2004, Tạp chí Ngày Nay đã đăng tải bài viết Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Bài viết này là những ý kiến riêng của một nhà văn, một hội viên chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam có những trăn trở về nghề viết văn, về thực trạng đời sống văn học ở nước ta hiện nay với mong muốn "đã đến lúc người ta cần nhìn vào thực tế để thúc đẩy văn học cũng như xã hội phát triển". Tự đánh giá về bài viết này, tác giả đã viết: "Tôi không coi những ý kiến của tôi là chân lý, chỉ nêu ra những suy nghĩ "nhầm lẫn" để mọi người trong giới văn học nhận xét mà thôi".

Với chức năng của một tạp chí về văn hóa, khoa học, giáo dục và thông tin - truyền thông, trong thời gian qua Tạp chí Ngày Nay đã đăng tải một số bài viết mang tính trao đổi, muốn tạo ra diễn đàn tranh luận thẳng thắn, chân thành, dân chủ đối với những vấn đề văn hóa, khoa học, giáo dục và thông tin - truyền thông đáng quan tâm hiện nay, được bạn đọc trong cả nước chú ý theo dõi và hoan nghênh. Theo quan điểm của Tòa soạn, các diễn đàn này là nơi để các nhà chuyên môn và bạn đọc có điều kiện và cơ hội bày tỏ những ý kiến về chuyên môn. Các ý kiến đó tuy có thể khác nhau, thậm chí chưa dễ dàng đi đến thống nhất nhưng đều phải hướng tới mục đích xây dựng nhằm tìm ra những giải pháp khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong nhận thức và thực tiễn ở các lĩnh vực chuyên môn đó, góp phần thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Với nhận thức như trên, sau khi nhận được bài viết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Tòa soạn Tạp chí Ngày Nay đã có sự trao đổi và đi đến thống nhất rằng: - Những ý kiến được nêu trong bài viết đã phản ánh được trong một chừng mực nhất định thực trạng của đời sống văn học - một vấn đề mà nhiều nhà văn, nhà thơ và độc giả hiện nay băn khoăn, suy nghĩ.

- Bài viết này là trăn trở của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trước những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực văn học, là những vấn đề không xa lạ với thực tế. Những ý kiến trao đổi mà tác giả nêu ra trong bài viết nhìn thẳng vào thực tế với mong muốn làm sao để nền văn học nước nhà phát triển tốt hơn, phục vụ tốt hơn đòi hỏi của quần chúng nhân dân trong giai đoạn mới.
Chính vì vậy Tòa soạn quyết định đăng bài viết này. Do tác giả là một nhà văn có tên tuổi, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nên chúng tôi không lược bỏ một số câu, đoạn - mà đấy là nguyên nhân tạo nên những ý kiến xôn xao lẽ ra không đáng có về bài viết này. Lẽ ra nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khi nêu ra ý kiến của mình cần có sự mềm mỏng, điềm tĩnh hơn, cần cân nhắc hơn trong từ ngữ thì có lẽ đã không gây những phản ứng quá mức cần thiết như vừa qua.

Mọi độc giả cũng như các nhà văn, nhà thơ đều có quyền bày tỏ quan điểm của mình trên diễn đàn công luận, nhưng cần trao đổi, tranh luận có cơ sở và khách quan. Đáng tiếc là đã có những ý kiến suy diễn tùy tiện, trái với sự thật, xúc phạm đến danh dự của Tạp chí Ngày Nay. Bên cạnh đó cũng không ít ý kiến cho rằng những ý kiến của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nêu trên Tạp chí Ngày Nay là phản ánh đúng thực trạng đáng suy nghĩ của đời sống văn học hiện nay. Hầu hết các bài viết gửi đến chúng tôi đều thể hiện thái độ bức xúc và phê phán gay gắt những tiếng nói mang tính xuyên tạc, chụp mũ, suy diễn, không xây dựng đối với bài viết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Qua việc này, chúng tôi nhận thấy việc trao đổi ý kiến cần hướng tới mục đính chung là góp phần nhận diện thực trạng và tìm ra những giải pháp thúc đẩy sự phát triển của nền văn học nước nhà. Bởi vậy, trong số này chúng tôi đăng tải một số bài viết của các nhà văn, nhà phê bình và bạn đọc gần xa gửi đến Tòa soạn Ngày Nay và xin khép ý kiến ở đây, chuẩn bị cho việc cải tiến và tổ chức tốt hơn những diễn đàn mang tính chuyên môn sau này. Chúng tôi cũng thành thật xin lỗi các nhà văn, các nhà phê bình và độc giả trong cả nước tâm huyết với văn học đã gửi bài đến Tòa soạn Ngày Nay nhưng chưa được sử dụng.

Ngày Nay, số 8, 15/4/2004


Độc giả Đặng Huy Quảng (Hà Nội)
Kính gửi: Các ông Nguyễn Xuân Thắng- Nguyễn Huy Thiệp

Tôi là một độc giả yêu báo chí và văn học, nghệ thuật. Tôi đã đọc bài "Trò chuyện với hoa thuỷ tiên và sự nhầm lẫn của nhà văn" từ trước khi nổ ra cuộc phê phán hùng hổ hiện nay. Tôi rất tâm đắc và rất nể, phục nhà văn và Tạp chí về bài viết này vì ông Thiệp đã nói trúng, gãi trúng chỗ hiểm của các nhà văn nhà thơ và tình hình văn học ngày nay. Tôi có hỏi một số bạn bè là trí thức (tất nhiên không phải là nhà văn, nhà thơ) họ đều tán thưởng những điều ông Thiệp nêu. Chỉ tiếc rằng ông Thiệp nói "hơi quá" (trong tình hình hiện nay) và nêu cái "tỷ lệ" hơi cao (tuy thực tế nó là như thế và có thể cao hơn) vì vậy nên các vị bị "chạm nọc", "điểm trúng huyệt" nên giãy nảy như đỉa phải vôi. Tôi có đọc và nghe kể một số chuyện xin vào Hội nhà văn mà thấy "ngán quá", nó cũng chẳng khác chuyện "bằng giả", "tiến sĩ giấy" ở một số ngành khác. Thiếu gì những ông quan chức muốn vây với thiên hạ là "ta cũng có tâm hồn nghệ sĩ, có sáng tạo" mà bỗng chốc bằng ảnh hưởng vị trí của mình mà có ngay tấm thẻ "hội viên nhạc sĩ", "nhà văn, nhà thơ", "hoạ sĩ" v.v... và v.v...

Sau khi bài của ông Thiệp đăng, tôi đoán rằng sẽ xảy ra một cuộc "đả hội đồng", y như rằng các báo Văn Nghệ, Văn Nghệ Trẻ, Công An Nhân Dân, Thanh Niên (tôi không được đọc các báo khác) phang búa tạ tới tấp với một giọng tức tối, điên cuồng, kẻ cả (như ông tướng Nam Hà còn đe bỏ tù (chịu trách nhiệm trước pháp luật)). Nghe giọng các ông phán thì các hội viên hội nhà văn đều là những bậc hiền triết, cao minh, học giả, tiếc rằng các tác phẩm của các vị là những lá đơn đặt hàng của một số Công ty, xí nghiệp muốn nhờ các vị rao hàng, tiếp thị hộ (ví dụ như bài Duyên dáng Đèo Nai - bài viết về Đông Dược Bảo Long... của V.K.Nghiêm mấy năm trước). Công bằng mà nói bài trả lời phỏng vấn của GS Hoàng Trinh là khách quan, đúng mức (đúng là người "có học").

Tình hình thơ, văn, phê bình hiện nay quá thảm, ông nọ đổ tại ông kia, ngành này đổ cho ngành nọ... tất nhiên viết cho hay, cho trúng (phản ánh được hơi thở của thời đại) thật là khó nhưng theo tôi cái chính là nhà văn thiếu tâm và kém tài. Ra các hiệu sách mà coi các quầy sách thơ xếp chồng chất, bụi phủ mờ và xem loại sách nào tác giả nào ăn khách, tái bản liên tục.

Tôi không sành văn chương lắm song rất thích đọc những truyện hay, thích theo dõi những cuộc tranh luận văn học nghệ thuật. Song qua "sự kiện" này tôi rất phục nhà văn Nguyễn Huy Thiệp dám nghĩ, dám viết ra những vấn đề bức xúc của văn học, và ông Tổng biên tập Nguyễn Xuân Thắng đã dám đăng trên Tạp chí của mình. Mong các ông giữ vững chủ kiến của mình, dũng cảm dùng "ngọn roi phê bình" để quất vào những con bò, con trâu lười nhác phải nhanh chân, phải làm việc để góp phần đem lại hạt thóc hạt gạo cho đời.
Mong được tiếp tục xem những bài viết của các ông trong các số Tạp chí tới.
Chúc các ông mạnh khoẻ và quyết thắng.

Hà Nội, ngày 8 tháng 4 năm 2004

Ngày Nay, số 8, 15/4/2004


* Đầu đề của talawas