vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

 bàn luận



 

 


    

Sự kiện Hoa thủy tiên  - bài viết của Nguyễn Hoàng Đức trên Ngày Nay

Thụ Nhân

eVăn: Để giúp bạn đọc theo dõi sự kiện “Hoa thủy tiên”, eVăn tiếp tục đưa các bài viết và  ý kiến đã đăng trên các báo, tạp chí khác. Chúng tôi xin lưu ý: Việc đưa bài này chỉ có mục đích thông tin chứ không phản ánh quan điểm của eVăn.

Dưới đây là bài viết của nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức trên tạp chí Ngày Nay, số 8.


Trao đổi với nhà thơ Trần Mạnh Hảo về bài viết của Nguyễn Huy Thiệp
              - Nguyễn Hoàng Đức -


Trong hai số báo Văn Nghệ 13 và 14, 27/3 và 3/4/2004, có đăng một bài phê bình của nhà thơ Trần Mạnh Hảo nhan đề Có thật đa số các nhà văn Việt Nam đều vô học, các nhà thơ đều lưu manh - hay là hội chứng chửi có thưởng thời nay? dành rất nhiều tâm huyết (hai trang báo đầy) bàn về bài viết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đăng trên tạp chí Ngày Nay (số 4, 5, 6/2004) có nhan đề Trò chuyện với hoa thuỷ tiên và những nhầm lẫn của nhà văn.

Theo tôi, đây là một bài tiểu luận chính thức có quy mô lớn nhất của Nguyễn Huy Thiệp từ trước đến nay, với tư cách vừa là hội viên Hội Nhà văn, vừa là cây bút đã kinh qua hành trình trải nghiệm sáng tạo khá dài, khá thành công, đã nói thẳng nói thật về thực trạng văn học hiện nay.

Bài viết của T.M.Hảo, chung quy xoáy quanh, lý giải, chụp mũ về một vài câu từ, có cả xí xoá nhận định của N.H.Thiệp về thực trạng văn học. N.H.Thiệp viết: “Ngay trong lĩnh vực văn học, đáng lẽ cần phải khuếch trương, xây dựng thành một công nghệ đào tạo nhà văn mới thì vài năm trở lại đây có ý kiến bỏ đi trường viết văn Nguyễn Du. Bỏ thì dễ nhưng xây thì khó. Nhìn vào danh sách hơn 1.000 hội viên Hội nhà văn Việt Nam, người ta đều thấy đa số đều chỉ là những người già nua, không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều…’vô học’, tự phát mà thành danh. Trong số này có hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào ‘cảm hứng’ để tùy tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ có tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời, còn toàn bộ có thể nói là vất đi cả… Mặc dầu đã có ngày thơ Việt Nam, tôi cũng không phủ nhận cảm tình của nhân dân đối với thơ, nhưng quả thực trên thực tế cái danh nhà thơ là một thứ nhìn chung chỉ là nhăng nhít, hữu danh vô thực, chẳng ai muốn dây vào nó: nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa”.

Tôi cho rằng, những nhận định của N.H.Thiệp là có phần thích đáng với nền thơ đương đại, thậm chí vẫn tìm cách nói nương nhẹ. Trong bài viết của tôi, hoặc nhiều bài sau, tôi sẽ tìm cách chứng minh một cách rõ ràng nhất về đánh giá này.

Nhà phê bình Lại Nguyên Ân viết trong Văn Nghệ Quân Đội 2/1/1998: "Các ông kế toán, thợ ảnh thì lại rộn rịp làm thơ… Quang cảnh xuất bản thơ nhộn nhịp như thế lại trái với thực tế khác: suốt thời gian ấy làng thơ hầu như chưa có một tác giả nào có cái riêng về phong cách được thừa nhận rộng rãi… Thiếu hẳn bóng dáng của một người cầm chịch, hiểu biết thơ, có uy tín về thơ, có quan tâm đến phong trào lớp trẻ, dám thực hiện những cuộc phân loại, đề xuất một số tên tuổi, chê và khen thật nghiêm đối với sáng tác của họ.”

Tại cuộc hội thảo Bàn tròn thơ do tuần báo Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 28/11/1998 đã thừa nhận: "Vấn đề nổi cộm nhất: công chúng đang quay lưng lại với thơ, trong khi thơ đang lạm phát… Thơ nhiều và nhạt, không có cao trào, không có đỉnh, không hết cỡ…”(Văn Nghệ Trẻ số 42/1998).

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, một thần đồng, một “đứa em trung hậu” của nền thơ thì thốt lên như sau: "Những bài thơ như Thăm lúa, Bài ca vỡ đất, Lên miền Tây… bây giờ những tác phẩm tầm cỡ như thế hoặc còn hay hơn thế nữa, thấy nhan nhản trên các báo tường, báo liếp, trên những tờ nội san trong các ký túc xá sinh viên...” (VNQĐ số 4/1997).

Còn đây, một Trần Mạnh Hảo đã từng “vạch áo xem lưng” của nền thơ còi cọc: "Suốt một thời người ta không cho phép thơ được buồn, được đau, được cô đơn và được chết. Chúng ta thử hình dung ra một con người suốt một thời chỉ vỗ tay ca hát và nhe răng cườì hềnh hệch, con người đó thực sự là một con người đúng nghĩa của nó không?”(Thơ, Phản thơ). Và: “Thơ chỉ còn là những gói mì ăn liền rởm mà người ta bắt gặp hàng ngày trên hầu như ba trăm tờ báo của cả nước… Đó là thứ ‘thơ ca hò vè’.” Trong thứ thơ ca hò vè đó có thơ của Trần Mạnh Hảo không, đặc biệt là hàng chục bài thơ Tết mà anh ta cậy cơ số cửa quyền đăng vào mỗi dịp xuân về? Không hiểu Trần Mạnh Hảo có muốn nuốt lại những lời này không? Và nếu không nuốt lại thì có thừa nhận thơ chỉ là thứ đồ ăn rởm bắt người ta phải nuốt?

Tại sao, như lời thừa nhận của báo Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh, công chúng lại quay lưng với thơ? Nhà thơ của ta đã đem đến cho công chúng cái gì khiến họ quay lưng lại?

Chứng lý như vậy thiết nghĩ đã quá nhiều. Nay xin được bàn thẳng với “thầy cãi” Trần Mạnh Hảo, người muốn ngoảnh mặt trước toàn bộ sự thật trên.

1 - Trước hết, xin được bàn về đại từ “chúng tôi mà T.M.Hảo dùng bấy lâu nay, trong tất cả các bài, đại từ đó như muốn doạ nạt người khác rằng phía sau tôi còn những vị khác. Có triết gia đã nói: "Những kẻ nhát thường không dám đi một mình, mà phải tụ thành đám đông để băng qua đêm tối hay sa mạc”. Việc anh Hảo dùng đại từ “chúng tôi” là cách văn hoá vừa non bấy, lại vừa nhút nhát. Nếu anh Hảo tự coi mình là người đã trưởng thành, lần sau khi viết bất cứ bài gì xin anh dùng đại từ nhân xưng cho đúng. Đó là cái tối thiểu nhất của người cầm bút.

 

2 - Tiếp theo Trần Mạnh Hảo bước vào tranh biện lý luận bằng cách rủ rê tình cảm, anh viết: "Cả làng văn vốn lành tính không ai chòng ghẹo gì anh, sao anh lại giẫy lên đành đạch như đỉa phải vôi mà đứng chống nạnh xỉa xói làng nước thế? Chúng ta thử hình dung, trong một làng có 800 hộ dân vẫn hằng sống tử tế với nhau, bỗng sáng sớm có một ông hàng xóm cha căng chú kiết… mắng như tát nước vào mặt những người cùng làng vốn không hề gây thù chuốc oán với mình rằng: Các anh là đồ vô học, đồ vô giáo dục, đồ lăng nhăng, phù phiếm vô nghĩa, lưu manh, đồ vứt đi… thì cái ông vua chửi này chưa chắc đã còn đường trở về nhà mình! Xem ra mới biết nhà văn, nhà thơ nước ta còn lành hơn cả đất”. Thật quá rõ ràng, một cách rất logic, sau khi dùng đại từ “chúng tôi” để dọa nạt, anh Hảo lại xuống giọng “đánh bài hoà” rằng chúng tôi có làm gì anh đâu mà anh chửi chúng tôi, theo lối muốn dễ người dễ ta. Sau đó, anh Hảo còn cao tay hơn khích bác các nhà văn nhà thơ khác đừng lành như đất mà hãy chứng tỏ “Nguyễn Huy Thiệp không có con đường để trở về nhà”. Người Trung Quốc có câu “nhân chi sơ tính bản thiện”, theo đó cũng có phần muốn nói, con người ta lúc nhỏ có thể lành như đất, nhưng khi đã trưởng thành thì chỉ có một cách được mọi người kính trọng là hãy biết hành động, biết làm tròn bổn phận của mình. Anh Hảo nói “các nhà văn, nhà thơ nước ta hiện nay còn lành hơn cả đất”, có phải đã cho rằng mọi người vẫn còn ở trong bào thai ấu nhi?

3 - Trong rất nhiều bài, T.M.Hảo luôn dùng thủ pháp đem các danh nhân và lịch sử dân tộc ra làm lá chắn cho mình, trong bài này anh Hảo viết: "Nếu ta chỉ có Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa mà thiếu Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương thì coi như dân tộc chỉ biết có cơ bắp, biết có thanh gươm mà thiếu tâm hồn, thiếu vẻ đẹp tinh thần, thiếu lãng mạn, thiếu thẩm mỹ. Những lời thoá mạ nguyền rủa thơ ca một cách vô tiền khoáng hậu trên của Nguyễn Huy Thiệp dành cho không chỉ các nhà thơ thời nay, mà còn cả các nhà thơ trong thời quá khứ.” Quả là tháu cáy và nhập nhèm, rõ ràng N.H.Thiệp nói về các nhà thơ hiện tại, vậy mà T.M.Hảo cố tình lôi các thi hào Nguyễn Trãi, Nguyễn Du vào cuộc để làm mộc đỡ cho mình. Đứng đằng sau các thi hào, anh đã cố tìm cách để khi người ta có coi thường mình, theo kiểu nhổ bọt chẳng hạn, anh liền mang tên tuổi các thi hào ra che đỡ, còn lu loa lên là: Nó nhổ vào mặt các cụ tổ thi hào.

4 - Chụp mũ chính trị. T.M.Hảo viết: "Chúng tôi thấy mỗi lần Nguyễn Huy Thiệp mở một ‘chiến dịch chửi’ ở đâu đó xong thế nào một thời gian sau anh cũng được trọng thưởng: Nhận được vài ba lời mời đi du lịch nước ngoài không mất tiền, dưới danh nghĩa trao đổi văn hoá, giao lưu văn học”. T.M.Hảo còn nói kháy rằng, đó là cách: "Viết văn có ‘bà ngoại’, ‘ông ngoại’ thưởng". Là người biết tự sỉ, thì nói người phải ngẫm đến ta, T.M.Hảo hãy nhìn lại cuộc đi Mỹ năm 2002 của mình “trà trộn” vào đoàn nhà văn, nhà thơ trẻ Việt Nam, xem có phải mình đã làm mọi cách để “sống văn” theo lối "ông ngoại thưởng" không? Chao ơi, lâu nay chúng ta vẫn có những tình trạng tiêu cực trong thể thao và văn hoá là khai gian tên tuổi để đi nước ngoài, nhưng đằng này T.M.Hảo có lẽ đã ngót sáu mươi tuổi mà vẫn trà trộn vào cùng đoàn với các cháu trên đôi mươi, ăn gian ngót ba chục tuổi, quả là một việc hi hữu chưa từng có trên đời. Người Việt nói “đem chuông đi đấm nước người”, trong buổi đọc thơ mình trước các nhà thơ Mỹ, anh Hảo đọc câu thơ, đại loại: Tôi muốn mình là "cái ấy" làm tình với trời xanh. Nghe xong câu thơ đó, một nhà thơ Mỹ liền tặng anh một đồng xu lẻ và nói: Đây là huân chương dành cho thơ của anh (Xin xem bài của nhà thơ trẻ Nguyễn Quyễn, người đi cùng đoàn với anh Hảo, đăng trên báo ANTG cuối tháng năm 2002).

T.M.Hảo là Hội viên Hội Nhà văn sao phải đem tất cả các võ thập cẩm từ xuê xoa tình cảm, đến lu loa, đến doạ nạt để viết một bài, càng viết càng “lạy ông tôi ở trình độ này” đến vậy, thử hỏi, ông đang đứng ở chỗ nào?

Để kết thúc bài tôi xin nói, trình độ nền thơ của chúng ta rất đáng báo động, từ lâu độc giả cũng như nhiều cây bút đã cảnh tỉnh, nhưng không ít các nhà thơ vẫn mũ ni che tai, nên tình trạng ngày một trầm trọng.

Xin nhận lời trao đổi lại một cách khoa học của anh Trần Mạnh Hảo. Cám ơn!

1/4/2004

 


Ngày Nay, số 8-2004 (15/4-1/5/2004)

 

   

 

văn học  khảo luận : về '... hoa thủy tiên và những lần lẫn của nhà văn'...


 


Che chở

 
  43- Nguyễn Huy Thiệp tự bộc lộ mình.                                                                                          Nam Hà 
  44-
 
Trao đổi với nhà thơ Trần Mạnh Hảo về bài viết của Nguyễn Huy Thiệp.       Nguyễn Hoàng Đức
  45-
 Thì ta nói thật với nhau.                                                                                          Nguyễn Hoàng Sơn
  46-
 Có thật đa số đều vô học,...lưu manh - hay là “hội chứng chửi có thưởng” ?         Trần Mạnh Hảo
  47-
Tôi chắc anh Thiệp viết thế không phải vì một "lời mời thế giới".       Giáo sư, Viện sĩ Hoàng Trinh
  48- Trò chuyện với Nguyễn Huy Thiệp và Trần Mạnh Hảo.                                                       Đông La
  49-
Chính và tà.                                                                                                                   Nguyễn Văn Lục
 
  50-
Vô học và lưu manh & Tại sao nhà văn lên cơn uất?                                                Ngô Nhân Dụng 
  51- Trách nhiệm của báo chí?                                                                                                           Talawas
  52- Trần Mạnh Hảo, con người của nền văn học cách mạng.                                          Bùi Quang Lộc 
  53- Có tật (thì cứ việc) giật mình.                                                                                                    Lê Minh

  54- Một cái nhìn từ xa về văn học Việt Nam hiện tại.                                                      Trần Kiêm Đoàn

vhvt-10
Trở lại trang chính