Chính và tà
Nguyễn Văn Lục
Không có gì thích thú bằng xem người ta cãi nhau. Ta chỉ việc
đứng khoanh tay nghe hai đối thủ, rồi lấy cái bực của người làm cái vui của
mình. Nó cũng giống như khi ta xem đá gà. Ở đây không phải hai con gà. Nhưng là
các nhà văn nhà thơ. Cuộc tranh cãi có thể tính từ 15 tháng Ba 2004 (với phần
cuối bài viết của Nguyễn Huy Thiệp trên báo Ngày Nay) và đã kéo dài hơn
một tháng, chưa biết lúc nào chấm dứt, mới đếm đến nay đã thấy trên dưới 30
người tham dự.
Xem ra thì cuộc tranh cãi không đồng sức. Một bên là ông Nguyễn Huy Thiệp, một
bên là Hội nhà văn Việt Nam mà con số ngót nghét gần một ngàn người, trong đó có
đến một nửa là các nhà thơ và 300 người ở trong quân đội. (Để so sánh: Ở vùng
Québec có 7 triệu dân, theo tôi biết chính thức chỉ có hai nhà thơ Tây. Nhưng
nếu kể các nhà thơ Việt và gốc Việt vào thì con số tăng vọt lên hơn một trăm,
trong khi người Việt chỉ có 35 ngàn người.) Chẳng thế mà có vị đã tự hào truyền
thống của dân tộc ta là đánh giặc và làm thơ. Có nước nào có đến 300 người lính
một tay cầm súng một tay cầm bút nhà nghề như thế không? Cuối cùng thì kiêm hai
ba nghề một lúc. Quân đội vừa ra báo, vừa viết văn, vừa làm nhà xuất bản, vừa
làm chủ hãng, vừa đánh giặc, vừa làm chính trị.
Cái ung nhọt của bất cứ một tổ chức nào, không riêng gì của Hội nhà văn Việt
Nam, là bằng mọi giá, người ta lo bảo vệ cái bảng hiệu của tổ chức và những
người mang trên trán cái bảng hiệu đó. Cuộc tranh cãi này rõ ràng không phải
một tranh luận văn học, mà là tranh cãi giữa cá nhân một hội viên và cái hội
đó. Nếu ông Nguyễn Huy Thiệp dùng cái chiêu "huề cả làng" thường được coi
là quốc sách thì bài báo của ông sẽ không ai nói tới. Cái chiêu đó đã làm trì
trệ phát triển, làm ung nhọt tài năng, làm cái áo giáp che cho từ cá nhân đến
đoàn thể trốn trách nhiệm, che cái dốt, cái dở, che cái tầm bậy tầm bạ, che cái
mẹ hát con khen hay. Từ một buổi họp giáo viên, tổ dân phố, họp thanh niên, phụ
nữ, đoàn thể, xã, quận, huyện, tỉnh, từ bất cứ tổ chức nào. Mỗi buổi họp lại có
một nghị quyết, một quyết tâm. Nhưng chuyện đâu lại hoàn đó, đánh trống bỏ dùi.
Bài bản thì từ trên đến dưới đều thuộc lòng, đều có kinh nghiệm và hiểu rõ hơn
ai hết. Tôi nói có lẽ cũng là thừa. Biết bao sai phạm, lạm dụng trong mỗi tổ
chức, tập thể, nhưng đố ai tìm ra được kẻ có trách nhiệm, truy ra được thủ phạm.
Bởi vì tội phạm bị tan hòa vào tập thể, mà tập thể thì là mọi người, nên cuối
cùng là "huề cả làng". "Huề cả làng" nên bất cứ điều gì xảy ra, dù tồi tệ đến
đâu, đối với mọi người sẽ không có gì là lạ. Xưa nay có ai bỏ tù cả một tập thể
bao giờ đâu? Có ai bỏ tù chính mình đâu? Vì thế có những chuyện dây dưa cả hơn
nửa thế kỷ vẫn còn là vấn đề. Vẫn là vấn đề bức xúc, đã triển khai, đã
đạt được thành quả, nhưng còn nhiều mặt tiêu cực, rồi lại cần triển khai,
cần khắc phục... Cái ngôn ngữ "huề cả làng" đó như bộ máy kéo lê hết mọi
nơi, hết thời này sang thời khác. Cũng vẫn vậy. Cũng vẫn bài bản như cái máy hát
đã rỉ, đã rè. Không ai tự hỏi, tại sao ở nước khác, người ta không vướng phải
những vấn đề đó và bằng cách nào họ giải quyết được?
Ông Nguyễn Huy Thiệp (NHT) đã không dùng cái chiêu "huề cả làng" nên tự biến
mình thành kẻ tà đạo và Hội nhà văn Việt Nam là chính đạo. Kẻ tà là thiểu số,
lạc đạo, khác người, bên lề, phá đám, ngu muội, xuẩn độc, ác ý, rác rưởi, vô
luân. Kẻ chính dĩ nhiên là ngược lại những điều trên. Xã hội, thế giới con người
phân biệt trắng đen, chính tà như vậy. Xin lấy truyện chưởng của Kim Dung ra để
bàn. Truyện chưởng Kim Dung chẳng phải chỉ giải trí mà còn đưa ra một luận
thuyết về chính tà đảo ngược suy nghĩ của người đời. Có những nhân vật trong
truyện của Kim Dung tự coi mình có chính nghĩa, làm trùm thiên hạ và gán cho kẻ
khác cái tiếng là tà đạo. Ðại diện cho phái chính nghĩa này là Hội nhà văn, ấy
quên, là Diệt Tuyệt Sư Thái, một cô gái già, gàn dở, dựa trên những giáo điều
nghiệt ngã, nếu cần cũng giết người như ngóe, chẳng từ một phương tiện nào để
hại kẻ thù. Mọi phương tiện đều tốt, cũng ám toán, cũng giết người, cũng lừa bịp
thủ đọan. Và chẳng có thủ đọan nào mà họ từ. Cứu cánh lúc đó trở thành sa đọa
biện minh cho những hành vi tội ác của họ.
Phe chính nghĩa với những hành vi bất nhân, dâm lọan của đệ tử phái Toàn
Chân thì chính nghĩa ở chỗ nào? Xin được nói như Ðỗ Long Vân (tác giả một bài
viết tuyệt hay, Vô Kỵ giữa chúng ta, viết cách nay non nửa thế kỷ, sau
này được in lại trong cuốn Kim Dung, tác phẩm và dư luận, trang 153, nhà
xuất bản Văn Học, năm 2001): tác giả Kim Dung đã cố gắng đánh tụt giá
những người tự nhận là của phe chính nghĩa. Và rồi sự phân biệt giữa hai phía
chỉ là những nhãn hiệu vô thực. Bằng chứng là khi phe chính phái đến hỏi tội tên
đại ma đầu Cừu Thiên Nhận thì y hỏi cắc cớ chúng anh hùng: Ta giết người.
Phải rồi. Các người cũng giết. Vậy nhân danh cái gì, các người đến đây hỏi tội
ta? Quần thần trong võ lâm ớ ra, vì người trong võ lâm, ai mà tay chẳng dính
đầy máu.
Vậy thì tà chính khác nhau ở chỗ nào? Giữa Tạ Tốn ác độc và Diệt Tuyệt Sư Thái,
danh môn chính phái, cũng một tay cầm Y Thiên Kiếm giết một chốc mấy trăm mạng
người trong minh giáo mà không chớp mắt. Một tà, một chính ai tàn nhẫn hơn ai?
Rồi cứ thế, đánh giá người khác theo nhãn hiệu đã định sẵn. Tà chính chưa biết
ai phải hơn ai, chỉ mang nhãn hiệu ra choảng người khác. Rồi cứ thế mà chuyện
thêm rắc rối. Nếu như thay vì ăn nói như bọn tà đạo, NHT từ tốn hỏi: Có bao
nhiêu nhà văn trong số gần ngàn người đó được kể là văn tài, có công trình, có
tác phẩm được coi là di sản của văn hoá dân tộc? Có bao nhiêu nhà thơ, nhà văn
trẻ có, già có đã cố gắng học hỏi thêm, mở rộng tầm hiểu biết ra nước ngoài? Nhà
văn nhà thơ Việt Nam có thực sự kiến thức còn thiếu, còn hạn hẹp? Hãy trả lời
trực tiếp vào câu hỏi đi. Không ai muốn trả lời thẳng vào những câu hỏi đó. Cuối
cùng sinh hoạt văn học lại chỉ là cái sân chơi cho một số người có chỗ múa bút,
cõng nhau lên, bao che, rải chiếu, sắp xếp chỗ ngồi cao thấp. Sau cái chuyện
tranh cãi này, mọi chuyện đâu vẫn hoàn đấy. Nguyễn Huy Thiệp vẫn là NHT, Hội nhà
văn Việt Nam vẫn nguyên trạng là hội nhà văn. Chả ai sứt mẻ gì cả, còn khán giả
thì no mắt, tức bụng vì cười. Trò đánh đấm này là một thứ trò chơi dân chủ giả
hiệu mà chúng ta rất cần, cần lắm. Cứ đấm nhau nữa đi, mạnh một tý cũng không
sao, miễn là cả hai thỉnh thoảng ngước mắt nhìn trọng tài.
Nếu tôi được phép đặt vấn đề thì chắc tôi không cùng suy nghĩ như nhà văn NHT.
Tôi sẽ đặt vấn đề vai trò nhà văn, người cầm bút, vai trò của cái Hội nhà văn
ấy. Người cầm bút, nhà văn đã cảm nghiệm, đã can đảm nói thực những băn
khoăn suy tư của mình chưa? Nhà văn viết "phải đạo" thì thà đi chạy taxi hay làm
bất cứ cái gì khác cũng tư cách hơn? Chúng ta cần những nhà văn kiến thức đầy
mình hay cần những nhà văn biết giữ nhân phẩm, biết nói thật thà, có nói có,
không nói không? Nếu Hội nhà văn không đảm đương được chức năng đó mà chỉ là
công cụ chỉ đâu đánh đấy thì hãy khoan dạy người khác chuyện tư cách, chuyện văn
hoá. Nếu Hội nhà văn chỉ là một dàn đại hòa tấu, đánh được một cái Harmonie thì
những phát biểu nặng lời của NHT kể ra chưa đủ. Cái tư cách hèn của nhà văn một
thời như Tô Hoài đã thú nhận, nay còn không? Nếu còn thì nên chấm dứt những
tranh cãi, những chuyện râu ria bên lề, những chuyện ruồi bu kiến đậu, đánh gió
để người khác ngồi coi chơi. Nên sớm chấm dứt đi cho rồi để khỏi rơi vào ảo
tưởng tự do.
Tôi vốn dị ứng với cái gì gọi là tổ chức, chức năng công quyền, cái gì là danh
môn chính phái mà muốn gia nhập phải đi qua những khung cửa hẹp, nghĩa là
thu nhỏ mình lại, cúi lom khom mới lọt qua cửa. Vào đó rồi sẽ trở thành thợ thơ,
thợ viết, thợ nặn. Ngồi lâu năm sẽ nặn ra những thơ tuồn tuột, thơ máy nước, thơ
ống bơ rỉ. Lâu năm nữa sẽ trở thành những quan văn nghệ, những phán quan, những
Diệt Tuyệt Sư Thái mà chữ nghĩa không đầy một cái lá me. Những ngự sử văn đàn mà
văn dát, vũ dốt, lại muốn làm cha thiên hạ. Ðã đến lúc cần đặt ra một câu hỏi:
một nhà văn có văn tài khi sáng tác, có cần đến một Hội nhà văn không? Sao chẳng
ai đặt câu hỏi: Tại sao lại cần một cái Hội nhà văn? Để làm gì? Nhà văn như
người vượt cạn, như kẻ đi biển một mình, đèo bồng thêm làm gì cái tổ chức như
người leo núi vác thêm cái củi tạ?
Nếu không thì tạm thời, hãy đứng về phe tà để hành hiệp giang hồ, đứng về phía
Cái Bang Bảy Túi, xuống núi mang cái gậy ăn mày như phất cờ khởi nghĩa. Cuộc
tranh luận hiện nay cuối cùng là cuộc tranh luận giữa chính và tà. Ðã đến lúc
mọi người cần điều chỉnh chỗ đứng của mình.
© 2004 talawas