vhvt |
tự do tư tưởng và sáng tạo |
bàn luận |
|
Giáo sư, Viện sĩ Văn học
Hoàng Trinh:
eVăn: Bài viết “Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn” của ông Nguyễn Huy Thiệp đăng trên báo Ngày Nay, số 6, ngày 15/3/2004 đang gây tranh luận gay gắt trong giới văn chương. Đáp lại bài của ông Nguyễn Huy Thiệp, ông Trần Mạnh Hảo đã có bài viết dài: “Có thật đa số các nhà văn Việt Nam đều vô học, các nhà thơ đều lưu manh – hay là “hội chứng chửi có thưởng” thời nay?” đăng làm 2 kỳ trên báo Văn nghệ số 13 và 14. Dưới đây là ý kiến của Giáo sư, Viện sĩ văn học Hoàng Trinh về sự kiện này. Bài phỏng vấn do báo Công An Nhân Dân thực hiện. PV: Thưa Giáo sư, là một nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học lâu năm, Giáo sư thấy rằng cuộc tranh luận giữa nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và nhà thơ Trần Mạnh Hảo (cùng một số nhà văn khác) bắt nguồn từ động cơ gì? Nó có giống các cuộc tranh luận văn học trước đây không?
Giáo sư Hoàng Trinh: Những cuộc tranh luận văn học trước đây thường xuất phát từ những động cơ lành mạnh là cùng nhau tìm ra động lực mới giúp nền văn học phát triển. Những người tham gia tranh luận rất nhiệt thành và vô tư, ít bị những hiềm khích cá nhân ảnh hưởng đến quan niệm của mình. Tôi cũng theo dõi cuộc tranh luận trên nhưng tôi thấy rằng nó không đặt ra được vấn đề lớn nào cả, mà chỉ đơn thuần là những chuyện “nói càn”, chọc vào tư cách cá nhân của nhau thôi. Trong bài viết của mình, nhà thơ Trần Mạnh Hảo có nói rằng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chửi vung lên như vậy là có ý chờ “được thưởng”, chờ một tổ chức nào đó mời đi nước ngoài. Tôi chắc chắn rằng Nguyễn Huy Thiệp không có ý đó. Vì nếu có thì thật đau buồn vì một nhà văn có tiếng tăm như anh Thiệp lại phải bán rẻ tất cả để lấy một chuyến đi nước ngoài. Mà những chuyến đi đó đôi khi cũng chẳng vẻ vang gì. Một nhóm Việt kiều quá khích không thể mang tầm vóc của một “lời mời thế giới” được.
PV: Trong bài viết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có những dòng phê phán nhân cách của các nhà văn hiện nay khá gay gắt. Cảm giác của Giáo sư khi đọc đoạn đó như thế nào?
Giáo sư Hoàng Trinh: Tôi không đồng ý với ý kiến rằng nhân cách của đa số nhà văn hiện nay đang bị xuống cấp. Trong đời sống văn học, cá biệt cũng có trường hợp như vậy. Nhưng không thể từ biểu hiện xấu của một cá nhân đơn lẻ lại có thể quy chụp cho toàn bộ những người cầm bút có tính cách như vậy. Nhiều nhà văn vẫn giữ được tâm hồn thanh đạm của mình và lặng lẽ làm việc đó chứ. Anh Thiệp nói thế thật đáng trách, đáng phê phán. Một nhà văn không thể có cái nhìn thiển cận như thế được. Còn anh Thiệp nói nhiều nhà văn thiếu trí thức thì cũng có cơ sở vì hiện nay một số nhà văn trẻ không chịu học hành, không chịu tìm hiểu tác phẩm của các bậc thầy mà chỉ chăm chăm dùng đến cái bản năng của mình. Nếu cái bản năng đó cạn đi thì không viết được nữa.
PV: Phải chăng vì thế mà không ít tác phẩm văn xuôi, nhất là truyện ngắn hiện nay không còn gây hứng thú cho người đọc nữa?
Giáo sư Hoàng Trinh: Đúng thế. Truyện ngắn những năm gần đây rất kém. Những câu chuyện tẻ nhạt không chứa đựng một nội dung thẩm mỹ cụ thể nào cả. Những năm trước người ta hay phê phán dòng văn học “ám chỉ”. Thực ra chúng ta phải hiểu đúng từ ám chỉ. Nếu “ám chỉ” để hướng đến cái tích cực là điều tốt chứ. Nhưng ngay cả thể loại ấy bây giờ cũng không còn nữa.
PV: Khoảng hơn 10 năm về trước, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng là người viết truyện ngắn có nhiều bạn đọc chờ đợi. Thế bây giờ những truyện ngắn của nhà văn này còn thu hút được bạn đọc nữa không?
Giáo sư Hoàng Trinh: Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn có tài và thời đó được coi là một trong những nhà văn đi tiên phong. Truyện ngắn “Tướng về hưu” của anh ấy có tác động lớn. Nhưng rồi mười năm nay có thấy anh ấy viết văn nữa đâu. Nghe nói anh ấy mở hàng ăn, đi nước ngoài, rồi lao vào những chuyện làm ăn khác. Thử hỏi thời giờ đâu để viết văn. Hơn nữa, tôi thấy anh ta cũng kiệt sức rồi, không viết văn được nữa. Nguyễn Huy Thiệp không còn vốn sống nữa, tình cảm cũng đã cạn. Mà nếu không còn vốn sống và tình cảm nữa thì chỉ viết ra những điều khô khan, sống sượng thôi.
PV: Trong đời sống văn học hiện nay có một số nhà văn, nhà thơ khi không sáng tác được nữa thì quay ra viết phê bình. Theo Giáo sư thì chúng ta nên tiếp nhận những bài phê bình đó như thế nào?
Giáo sư Hoàng Trinh: Nhiều người có nói rằng các nhà văn khi không sáng tác được thì hậm hực viết phê bình để bôi xấu đồng nghiệp của mình. Theo tôi chúng ta không thể kết luận chung chung như thế được. Tùy thuộc vào cái tâm của người viết mới có thể đánh giá được. Ví dụ như Quang Dũng chẳng hạn. Quang Dũng khi không làm thơ nữa thì viết phê bình rất hay. Nhưng cũng có những người ghét nhau thì lại viết bài chê tác phẩm của nhau. Điều đó thật không tốt.
PV: Quan hệ giữa các nhà văn hiện nay với nhau có khác gì quan hệ của các nhà văn lớp trước không?
Giáo sư Hoàng Trinh: Các nhà văn lớp trước sống với nhau thân ái và thường rất ngưỡng mộ tài năng của nhau. Ngưỡng mộ thực sự chứ không nói suông. Hiện nay, các nhà văn trẻ chưa có kinh nghiệm nhiều, chưa được tiếp xúc với những tinh thần nhân loại thực sự, chỉ ngồi "đáy giếng" mà nhìn bầu trời của mình thì sẽ thấy "trời" của ai cũng nhỏ như của người khác. Thế là đâm ra hiềm khích, cãi cọ nhau.
PV: Trong bài viết của mình, nhà thơ Trần Mạnh Hảo có cho rằng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã "xúc phạm" đến lòng tự tôn dân tộc. Giáo sư đánh giá vấn đề này như thế nào?
Giáo sư Hoàng Trinh: Bây giờ có thể những nhà phê bình văn học khác chưa lên tiếng, nhưng tôi tin rằng lịch sử văn học sẽ tính đến sự kiện này. Một nhà văn không thể nói xấu dân tộc trong bất kỳ tình huống nào. Nhà văn có thể đau khổ vì một sự kiện nào đó. Nhưng nỗi đau khổ đó phải được chuyển hóa thành niềm hy vọng tươi sáng trong tác phẩm của mình. Nhà văn dù là thiên tài tới đâu đi nữa cũng không được phép nói những điều xúc phạm đến cộng đồng của mình. Anh Trần Mạnh Hảo cho rằng anh Nguyễn Huy Thiệp xúc phạm đến những bậc đại bút như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... Tôi cho rằng anh Trần Mạnh Hảo hơi quá lời và có lẽ anh Hảo "phản chiếu" điều đó ra từ truyện ngắn "Kiếm sắc" của Nguyễn Huy Thiệp chăng?Nhưng ngay việc anh Thiệp xúc phạm đến hầu hết các nhà thơ, nhà văn hiện đại là điều thật ngây ngô và đáng lên án. Xét về tài năng văn học và nhân cách nhà văn thì có rất nhiều nhà văn khác hơn hẳn Nguyễn Huy Thiệp.
PV: Có một vài nhà văn cho rằng họ chỉ cần viết các tác phẩm vĩ đại mang tinh thần nhân loại toàn cầu chứ không cần có tính dân tộc trong tác phẩm. Giáo sư thấy thế nào về quan điểm đó?
Giáo sư Hoàng Trinh: Sự thiếu tri thức thể hiện ra ở chính quan niệm này. Làm sao một nhà văn có thể vươn đến tầm nhân loại mà lại không có tinh thần dân tộc. Tất cả các thiên tài văn chương đều bám chặt tinh thần dân tộc của mình như rễ cây cắm sâu xuống đất. Tôi cho rằng có thể anh Thiệp viết ra một số truyện ngắn hay, được độc giả khen ngợi. Thế là anh ấy bắt đầu coi thường người đọc ngay. Anh ấy coi thường chính những người hâm mộ đã mang lại cho anh ấy danh tiếng. Tôi biết là nhiều bạn đọc khi đọc bài viết trên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sẽ rất thất vọng. Theo tôi, nếu tài năng của mình đã cạn thì tốt nhất anh Thiệp nên im lặng đi làm việc khác. Khi đó sự hâm mộ, kính trọng anh của người đọc sẽ vẫn còn giữ được lâu. Tôi cho rằng bài viết của anh Trần Mạnh Hảo là đúng, có nhiều căn cứ, viết rất chắc... mặc dù đôi chỗ cũng quá lời. Anh Trần Mạnh Hảo là người nói thẳng, nói thật. Tuy có chỗ anh ấy nói chưa đúng nhưng theo tôi, chúng ta nên nói thẳng, không nên châm biếm quanh co. Sự việc này chính là bài học lớn cho mỗi nhà văn.
P.V (thực hiện)
Công An Nhân Dân, số 41 (1824) Thứ bảy ngày 3-4-2004
|
|
văn học khảo luận : về '... hoa thủy tiên và những lần lẫn của nhà văn'... |
|