Lê Minh
Có tật (thì cứ việc) giật mình
Thêm một góp ý nhân đọc Trò chuyện với hoa thủy tiên… của
Nguyễn Huy Thiệp
Sự thoá mạ tầm thường, trẻ con và thiếu văn hóa trong lối
viết "theo đơn đặt hàng" của nhà thơ Trần Mạnh Hảo nhằm vào nhà văn Nguyễn
Huy Thiệp sau bài viết nói trên đã rõ ràng đến mức chúng ta không cần bàn
thêm ở đây. Dưới đây tôi chỉ xin góp thêm vài lời của một độc giả hết sức
quan tâm đến văn thơ Việt Nam, nhằm vào một hai điểm gây tranh cãi trong bài
của Thiệp cùng những suy nghĩ liên quan khác.
Trước hết là từ "vô học". Ông Nguyễn Huy Thiệp dùng từ này theo cung cách
rất trào lộng và thật đắt. Người đọc nào am hiểu thì chắc chắn sẽ "nắm" được
ý ông muốn nói là đa số các nhà văn và nhà thơ cùng giới phê bình Việt Nam
đã không được đào tạo theo bài bản trường lớp - khẳng định thẳng thắn một sự
thật rằng ở Việt Nam xưa nay chưa thực sự xác lập và phát triển đựơc một
trường phái riêng mang tính học thuật cho công tác đào tạo văn, thơ và phê
bình. Nhiều nhà văn lớn quả đã phàn nàn rằng trường viết văn Nguyễn Du đựơc
biết đến như một thứ lò võ gia truyền, có lớp người đi trước truyền ngón
nghề cho người đi sau, ít thấy những kinh nghiệm và ngón nghề được lý thuyết
hoá theo lối bài bản, rồi nhân đại trà cho lớp văn sĩ mới vào nghề sau này.
Tôi chắc rằng ông Thiệp nói như vậy khiến nhiều người giật mình, dù là người
"có tật" hay không "có tật", vì nó phản ảnh đúng thực tế.
Và thực tế đó đúng đến mức ta phải tự hỏi xem có nên nặng nề trách ông Thiệp
về cái chuyện phần trăm 80 hay 50. Hay quí vị chỉ nên cười, vỗ vai Nguyễn
Huy Thiệp và nói vui: "Ông làm nhà văn mà cũng ra vẻ kế toán chủ nghĩa gớm,
những là phần trăm?… Vả lại ông đã già lắm đâu mà có vẻ "vơ đũa cả nắm" đến
thế?". Nói rồi, nên bỏ qua.
Tôi cũng hoàn toàn thấu hiểu tính thiết yếu của cảm hứng cho nghề viết văn
và thơ. Cảm hứng là điều gì đó luôn nằm ngoài, nằm trên, nằm cao hơn các
luật, lệ, "định hướng" hay "chỉ đạo"… Ngoại ngữ, vi tính, ghi âm, thư viện
chỉ là phương tiện cho nhà văn và nhà thơ. Thực ra không có những thứ đó thì
họ vẫn hoàn toàn có thể sáng tác, thậm chí trong nhiều trường hợp, họ sáng
tác rất hay vì chính độc giả sẽ là người uốn nắn cho họ, nếu họ có thể tạo
dựng được độc giả của chính họ.
Tôi nghĩ những tác phẩm hay thường làm người đọc rung động, thấy được trong
đó bản thân, cuộc sống, xã hội quanh họ, bè bạn và những người gần gũi.
Những hứa hẹn hoa mỹ, những bồng lai tiên cảnh, những điều phóng đại, viển
vông và phù phiếm, hay những lối viết một chiều khác… rồi sẽ không còn chỗ
đứng trong văn học và thi ca của Việt Nam. Chúng có sân chơi mới: trong các
quảng cáo thương mại và trong các vận động tranh cử chính trị.
Tôi cũng tin rằng đã là nhà văn và nhà thơ ắt là phải là người thật thà,
trung thực và nói điều trung thực, dù có nói theo cách nào chăng nữa - đó
chính là nền tảng cho cảm hứng sáng tác. Một người nói dối thì sẽ tiếp tục
nói dối và trước hay sau đều sẽ bị phát hiện. Một nhà văn hay nhà thơ nói
dối thì càng dễ bị phát hiện vì chính họ sẽ rơi vào cái vòng luẩn quẩn: để
kiếm sống, họ cần bộc lộ bản thân trước độc giả và chính độc giả trước hay
sau cũng sẽ phát hiện ra rằng họ dối trá. Những loại "quan" trong văn học và
thơ phú đang nhanh chóng bị độc giả Việt Nam lãng quên.
Còn đoạn "đám giặc già lăng nhăng thơ phú" thì khiến cho ta phải bật cười.
Không những thế tôi tin rằng đa số các vị nhà văn và nhà thơ lão thành,
những "cây đa, cây đề" (cách gọi của Nguyễn Khải), cũng sẽ bật cười: đương
nhiên (tôi tưởng tượng) họ sẽ nói hoặc nghĩ: Thiệp nói đúng đấy! Chúng ta
hãy chung sức, giúp cho giới trẻ ít nhất cũng được thành đạt như chúng ta
ngày xưa. Hơn nữa chúng nó giờ đây giỏi hơn nhiều, tiếp cận nhiều thông tin
lắm, lắm ngoại ngữ hơn ta, có khi chúng nó sẽ viết đựơc ra điều gì thật mới
và hay. Còn điều gì qua thời gian mà chúng nó thấy lố quá, thì chính chúng
nó sẽ dẹp đi thôi. Trẻ thường chóng thích chóng chán mà!
Tôi đã có may mắn gặp và trò chuyện với các nhà văn và nhà thơ của Việt Nam
như bản thân ông Nguyễn Huy Thiệp (thời gian ông còn rất mệt mỏi về mặt tinh
thần), Hoàng Cầm, Tô Hoài, Lê Đạt, Dương Thu Hương… và nhà thơ Vi Thùy Linh.
Nói chuyện với họ khiến tôi phần nào hiểu đựơc cốt cách cá nhân cũng như văn
phong của những con người đó. Và tôi hoàn toàn không nghĩ rằng những con
người như vậy sẽ căm tức ông Thiệp đến mức đào đất đổ đi, chỉ vì những nhận
xét đánh giá "trắng phớ" như vậy.
Sau cùng, tôi xin trình bày một cách nhìn vào Hội thảo về Lý luận và Phê
bình văn học tại thành phố Hồ Chí Minh gần đây. Theo dõi tin tức về hội thảo
này trên báo Văn nghệ, tôi thấy lo quá, vì có hai khả năng: Một là báo vẫn
viết không hết hoặc vẫn không được phép viết hết những điều diễn ra trong
hội thảo; hai là tham gia hội thảo toàn là các "quan", ai cũng ca cẩm rồi
"hô khẩu hiệu" để mong tự nâng cao mình lên, nhưng không dám đưa ra bất cứ
giải pháp khả thi nào.
Để kết thúc, xin đựơc mạn phép kể hầu quý vị câu chuyện vui nước ngoài có
bốn nhân vật mang tên: Mọi Người, Ai Đó, Ai và Không Ai. Chuyện thế này:
"Có một việc cần làm ngay. Mọi Người chắc mẩm rằng Ai Đó ắt sẽ làm. Ai cũng
làm được, nhưng Không Ai bắt tay vào. Ai Đó rất bực vì đó là việc lớn vì Mọi
Người. Mọi Người nghĩ Ai làm cũng được. Nhưng Không Ai nhận thấy, rằng chẳng
có Ai làm cả. Rốt cuộc Mọi Người quay ra đổ lỗi cho Ai Đó trong khi Không Ai
làm cái việc mà nhẽ ra Ai cũng làm được."
Sydney, tháng 4/2004
© 2004 talawas