Tại sao nhà văn lên cơn uất?
NGÔ NHÂN DỤNG
Ông Stalin, ai cũng biết đó là một nhà độc tài giết người
không ghê tay. Các nhà viết sử biết ông Stalin có thể ký tờ giấy ra lệnh thủ
tiêu hàng chục đồng chí cũ cần thủ tiêu, ký xong rồi ông thản nhiên đi sang
phòng bên coi một cuốn phim cao bồi mới từ Mỹ mang qua Nga xô. Nhưng giữa
Stalin và giới văn nghệ Liên xô có những liên hệ lạ, cho thấy nhà độc tài
này rất có mắt xanh với nghệ sĩ. Hồi 1934, Stalin cho bỏ tù nhà thơ hài hước
Osip Mandelstam vì tội chế nhạo lãnh tụ. Nhà thơ Boris Pasternàk đã phản đối
hành động đó. Một bữa, Stalin gọi điện thoại cho Pasternàk hỏi vấn đề đó.
Nhà độc tài bảo: “Bọn bôn sơ vích chúng ta không bao giờ bỏ bạn cũ, hả?” Rồi
cúp máy. Pasternàk không hiểu ý ông ta định nói gì, hồi hộp chờ bị bắt đư đi
Tây Bá Lợi Á. Nhưng rồi cũng không sao cả. Mà có lẽ nhờ nổi tiếng là đã được
chính Thống chế Stalin gọi điện cho, mà không thấy ra lệnh bắt tức là tốt,
cho nên từ đó Pasternàk được an thân, bọn văn nô trong Hội nhà văn không hề
dám đụng tới ông!
Một lần khác, năm 1949, Stalin gọi điện thoại hỏi nhà soạn nhạc Dmitri
Shostakovich, hỏi tại sao ông ta từ chối không đi dự một hội nghị về hòa
bình ở New York. Shostakovich không sợ hãi, nói ông thấy buồn nôn vì các tác
phẩm mới của ông, và của Aram Khatchaturian bị các cán bộ trong Hội Âm nhạc
dìm hơn một năm nay không được trình diễn. Ngày hôm sau, đám cán bộ lãnh đạo
âm nhạc bị phạt, và Shostakovich lên đường đi New York. Tôi kể chuyện
Shostakovich và Pasternàk để chúng ta thấy là một nhà độc tài như Stalin
cũng biết cách đối sử với các người văn nghệ. Cộng Sản Việt Nam hầu như
không có như vậy. Họ coi văn nghệ sĩ rất rẻ.
Nếu quý vị không thuộc giới thích văn chương thơ phú thì nhiều phần quý vị
không biết có một cuộc tranh luận rất sôi nổi trên mạng lưới internet trong
mấy tháng vừa qua, về một bài báo của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Bài của ông
Thiệp đăng tại Hà Nội, lập tức có những bài báo phản đối, chỉ trích, bôi nhọ
ông ta. Nổi danh nhất trong đám đánh hội đồng đó là Trần Mạnh Hảo, ông này
từng làm thơ, viết truyện, nhưng gần đây cũng được gọi là một nhà phê bình.
Nguyễn Huy Thiệp viết ba bài liên tiếp dưới một nhan đề “Trò truyện với hoa
thủy tiên ...” trên tạp chí Ngày Nay, ra vào giữa tháng Hai đến giữa tháng
Ba, 2004. Ông bàn khá nhiều chuyện, với lối văn nhiều khi chua chát, nhiều
khi gay gắt, và điểm những đoạn hài hước, không e ngại viết những chữ bị coi
là thô tục. Một đoạn trong bài thứ nhì gây sóng gió là khi Nguyễn Huy Thiệp
nhận xét rằng: "Nhìn vào danh sách hơn 1000 hội viên Hội nhà văn Việt Nam
người ta đều thấy đa số đều chỉ là những người già nua không có khả năng
sáng tạo và hầu hết đều... "vô học", tự phát mà thành danh. Trong số này có
tới hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào "cảm hứng" để tùy tiện
viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa nhìn chung là lăng nhăng,
... nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm
chí còn lưu manh nữa"...
Nhà phê bình Trần Mạnh Hảo viết trên tạp chí Văn Nghệ với tựa đề, “Có thật
đa số các nhà văn Việt Nam đều vô học, các nhà thơ đều lưu manh?” Với một
tiểu đề: Hay là hội chứng “chửi có thưởng” thời nay. Ông Hảo dẫn định nghĩa
trong tự điển giải thích các chữ “vô học” và “lưu manh” để nói là Nguyễn Huy
Thiệp sai hoàn toàn. Rồi ông hảo kết tội Nguyễn Huy Thiệp đã nhiều lần có
những nhận xét xấu về đủ các vấn đề ở trong nước. Muốn chứng minh, ông Hảo
dẫn chứng các chữ mà Nguyễn Huy Thiệp đã dùng khi nói chuyện trên đài phát
thanh, truyền hình, khi diễn thuyết hoặc viết trên báo chí ở nước ngoài.
Bảng dẫn chứng dài lắm, chúng tôi chỉ xin in lại một đoạn để quý vị coi cho
biết. Trần Mạnh Hảo viết “.. thường thấy anh lập đi lặp lại những chữ sau:
(các chữ kép này đều để trong ngoặc kép trong bản chính, tôi xin giữ nguyên)
“đểu cáng”, vô học”, “cứt”, “khốn nạn”, “điếm”, “chó má”, “nôn mửa”, “tởm”,
“ngu như lợn”, ‘suy đồi” ...”
Có lẽ điều Trần Mạnh Hảo tố nặng nhất là mỗi lần Nguyễn Huy Thiệp “mở chiến
dịch chửi” xong thì ít lâu sau anh lại được mời đi ngoại quốc dưới danh
nghĩa đi trao đổi văn chương. Vì thế Trần Mạnh Hảo gọi là “chửi có thưởng.”
Điều tội nghiệp các nhà văn ở các xứ nghèo là mỗi chuyến đi ngoại quốc đều
có thể coi như một phần thưởng. Chúng ta sống ở ngoại quốc sẵn không có cảm
tưởng như vậy, ít nhất không thấy một chuyến du lịch miễn phí nó quan trọng
như là phần thưởng. Bởi vì cái cơ quan, hội đoàn nó mời được một nhà văn tới
nói chuyện, chính nó được lợi; mà thường thì nó được lợi hơn là nhà văn,
tính cả tiền bạc lẫn danh vọng. Người ta không hâm mộ các nhà văn đến nỗi
xin trả tiền để được chụp hình chung, hoặc được hôn lên má một cái, như các
ông và các cô tài tử xi nê hay ca sĩ. Nhưng nếu nhiều người thích Bùi Ngọc
Tấn, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài hay Nguyễn Huy Thiệp, thì tôi chắc họ
sẵn sàng góp tiền trang trải chi phí mời nhà một trong các văn này sang Mỹ
hay sang Pháp, sang Đức, Canada nói chuyện, thăm viếng, hoàn toàn vì lòng ái
mộ các tác phẩm của họ. Mà chắc chắn không cần họ phải chửi ai hết. Các nhà
văn như Phan Nhật Nam, Nguyễn Xuân Hoàng, Trần Mộng Tú, vân vân, vẫn thường
được mời đi Pháp, đi Úc, hay đi Canada; nhà văn Hoàng Khởi Phong đã được một
số bạn mời đi Hà Lan năm ngoái, đó là những chuyến đi vui vì gặp những người
thích văn chương của mình. Không ai cảm thấy đó là một “phần thưởng” theo
nghĩa trả công, và nhất là không ai phải chửi cái gì hết để lãnh các món
thưởng đó. Còn các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu họ mời các nhà
văn tứ xứ đến nói chuyện, dự hội thảo văn chương, đó là một cách cho họ nổi
tiếng hơn và xin được nhiều tiền ủng hộ hơn. Chính các đại học sống nhờ
những hoạt động đó, họ biết ơn các nhà văn cộng tác với họ. Ký giả này đã
gặp nhà văn Nguyễn Huy Thiệp suốt một ngày trong một lần ông sang thăm
California, được nghe ông kể chuyện đời từ thủa còn nhỏ, được ông vẽ tặng
bức chân dung cho không, nhưng cũng chẳng nghe thấy ông chửi cái gì hết. Cho
nên lối chửi của Trần Mạnh Hảo chẳng qua là suy bụng ta ra bụng người mà
thôi.
Nhưng tại sao bỗng dưng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lại viết những câu nói hết
sự thật về tình trạng Hội nhà văn Việt Nam, dùng những chữ nặng nề “trắng
trợn” như “vô học,” hoặc “lưu manh”?
Thứ nhất, có thể thấy là nhà văn đã tức giận từ lâu, uất quá, nén không được
nữa. Có dịp thì nói bung ra, muốn sao thì sao. Mà các bài “Hoa Thủy tiên ...
” Nguyễn Huy Thiệp mới viết đều đăng trên một tạp chí Ngày Nay của một cơ
quan của Liên Hiệp Quốc. Tờ báo này không bị cán bộ nào kiểm duyệt. Có lẽ
cao hứng khi thấy mình không bị kiểm duyệt, được sống như một nhà văn tự do,
cho nên Nguyễn Huy Thiệp mới tỏa hết nỗi phẫn uất của mình cho nó hả.
Nếu không phải là một nhà văn sống trong chế độ cộng sản thì chúng ta không
hiểu được nỗi uất ức. Xin quý vị đọc cuốn truyện ngắn của Phùng Cung mới
được xuất bản lần đầu, do nhà Văn Nghệ in ở California. Xin đọc cuốn nhật ký
“Ghi” của Trần Dần, mới được ín cách đây mấy năm. Đọc mới thấy chế độ của họ
nó đè nén các nhà văn, các nghệ sĩ như thế nào. Người đọc cũng cảm được, và
chia sẻ được nỗi nhục nhã của những người trí thức, đa cảm, có danh dự, biết
tự trọng, có lúc phải nhìn thấy các bạn hữu của mình phải đầu hàng, rồi
chính mình cũng đầu hàng. Như Trần Dần viết sau vụ Nhân Văn: Bây giờ chỉ còn
chấp nhận đầu hàng Đảng mà thôi! Người ngoài, sống sau một, hai thế hệ còn
cảm thấy nhục. Thủ hỏi những người như Nguyễn Huy Thiệp làm sao không uất?
Nguyễn Huy Thiệp uất quá phải nói. Nhưng ông vẫn khôn ngoan, không đả kích
thẳng vào chế độ cộng sản. Nhà văn vẫn còn rét. Nhưng hành động của ông có
tính cách tiêu biểu. Vì ông đả kích Hội Nhà văn, tức là đả kích cái “chính
quyền” của các nhà văn. Đó là guồng máy của đảng Cộng Sản dùng để “thống
trị” các nhà văn. Ông muốn gửi một thông điệp: Nhà văn chống lại guồng máy
thống trị nó, còn quý vị độc giả, quý vị có dám làm theo hay không? Đó là
lối “chửi đổng” ở giữa đình, không dám chửi ông lý trưởng nhưng ai dám đụng
tới con chó nhà ông lý cũng là gan lắm rồi.
Theo kinh nghiệm thời xưa ở Liên xô thì chắc cũng chẳng người dân nào dám
làm gì cả. Stalin có dùng biệt nhãn đãi Pasternàk và Schostakovich thì cũng
không giúp cho các hội viên khác của Hội Nhà văn Liên xô, Hội Âm nhạc Liên
xô trở thành can đảm hơn. Nói đến dân chúng thì còn khó hơn nữa. Tuy nhiên,
Việt Nam ngày nay cũng khác Liên xô thời Stalin. Nguyễn Huy Thiệp có thể đã
châm một ngòi lửa, lửa đang bén dần, với nhiều bài trên internet hoan hô ông
Thiệp, át những tiếng chi trích. Và một tháng qua chưa thấy công an làm khó
dễ Nguyễn Huy Thiệp.
NGÔ NHÂN DỤNG
Vô học và lưu manh
NGÔ NHÂN DỤNG
Ngày hôm qua Nhật báo Người Việt trích đăng một phần trong bài viết của
Nguyễn Huy Thiệp bàn về giới văn nghệ ở trong nước. Sau khi bài này lên mặt
báo, một nhà văn có tác phong công an là nhà phê bình Trần Mạnh Hảo đã xông
lên tấn công Nguyễn Huy Thiệp.
Trần Mạnh Hảo trích dẫn những câu do Nguyễn Huy Thiệp viết: “Nhìn vào
danh sách hơn 1,000 hội viên Hội nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số
đều chỉ là những người già nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều...
“vô học”, tự phát mà thành danh. Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ tức
là những người chỉ dựa vào “cảm hứng” để tùy tiện viết ra những lời lẽ du
dương phù phiếm vô nghĩa nhìn chung là lăng nhăng..., nhà thơ đồng nghĩa với
sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa”...
Trần Mạnh Hảo đã viết trên tạp chí Văn Nghệ rằng: “Dân tộc ta vốn có 2
truyền thống chính để tự hào: một là ÐÁNH GIẶC, hai là LÀM THƠ.” Thế mà ông
Thiệp nỡ lòng nào chê bai 80% hội viên Hội nhà văn ở trong nước với những
tiếng “vô học” và “lưu manh” như vậy?
Ông Trần Mạnh Hảo còn quên, đáng lẽ ông phải kể thêm một thành tích khác
mà đảng Cộng Sản thường đề cao nữa là truyền thống VIẾT NGHỊ QUYẾT! Bản nghị
quyết của Bộ Chính trị về công tác chiếu cố người Việt Nam ở nước ngoài là
một thí dụ. Sau khi đọc bản nghị quyết đó chúng ta cũng có thể liên tưởng
tới những chữ dùng trong bài của Nguyễn Huy Thiệp: “những lời lẽ du dương
phù phiếm vô nghĩa nhìn chung là lăng nhăng,” hoặc là “chập cheng, hâm hấp,
quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa.” Và các tác giả của tác phẩm
nghị quyết này thì cũng có thể mô tả là: “những người già nua không có khả
năng sáng tạo và hầu hết đều... “vô học.”
Trong đoạn đầu của bản nghị quyết này, các nhà văn Bộ Chính trị viết
rằng, “Ðông đảo bà con (ở hải ngoại) hoan nghênh công cuộc đổi mới và chính
sách đại đoàn kết dân tộc của Ðảng và Nhà nước ...” (viết hoa trong nguyên
văn.) Không biết Bộ Chính trị Cộng Sản Việt Nam tìm đâu ra số “đông đảo bà
con” đó. Muốn thử thì cứ đưa các ông Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, Phạm
Thế Duyệt, vân vân, đi một vòng năm châu, đi tới đâu cũng sẽ biết bà con ở
nước ngoài dàn chào các ông như thế nào. Thử đi là biết liền!
Ðại đoàn kết là khẩu hiệu Hồ Chí Minh đã hô hào, trong khi vẫn thủ tiêu
những người yêu nước như Khái Hưng, Tạ Thu Thâu, Huỳnh Phú Sổ, Trương Tử
Anh, vân vân, tàn sát bất cứ ai bị gán cho ba chữ Quốc dân đảng, triệt hạ
dân Quỳnh Lưu đòi tự do. Con cháu của Hồ tiếp tục chính sách đó ở các trại
tù cải tạo từ Bắc vào Nam, từ 1953 cho đến bây giờ. Nói lại những câu như
vậy thì đúng là “chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu
manh nữa.”
Bản nghị quyết còn khoe khoang rằng nhờ đảng Cộng Sản làm cho đất nước
phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nên đã “củng cố thêm niềm tự hào dân tộc
và tinh thần yêu nước của người Việt Nam ở nước ngoài!” Người Việt Nam nào
cũng vốn có lòng yêu nước, ai cũng muốn tự hào về dân tộc mình. Nhưng đảng
Cộng Sản chỉ làm cho người Việt cảm thấy xấu hổ chứ không có gì tự hào cả.
Có một đất nước nào ở vùng Á Ðông hiện nay nghèo khổ, chậm tiến và thiếu tự
do như nước Việt Nam hay không? Ngay người dân Cam Bốt cũng còn được sống tự
do hơn. Có quốc gia nào ở Ðông Nam Á xuất cảng món hàng đàn bà con gái đi
ngoại quốc nhiều bằng nước Việt Nam hay không? Dân Miến Ðiện cũng không đến
nỗi như vậy. Ðiều đáng kể là bà con ở hải ngoại đứng trước những việc làm
đáng xấu hổ của đảng Cộng Sản nhưng vẫn không mất niềm tin ở dân tộc. Vì thế
vẫn có hàng trăm ngàn người Việt về nước đi giúp bà con họ hàng, làng xóm;
các nhóm đi cấp học bổng, những đoàn bác sĩ đi chữa bệnh miễn phí, những
người đi giúp xây dựng từng ngôi trường, đào từng giếng nước, vân vân. Niềm
tin và niềm tự hào dân tộc là do công lao và phúc ấm tổ tiên xây dựng nên
tình máu mủ đồng bào, bây giờ Bộ Chính trị đảng lại đi nhận vơ coi như là do
công trình của đảng!
Cũng một lối nhận định như vậy, Bộ Chính trị đảng Cộng Sản nhìn người
Việt ở nước ngoài không khác gì một cán bộ xã nhìn các nông dân còn đang
được tập thể hóa. Có thể nói họ vẫn nhìn mọi người với con mắt quản giáo
trong các nhà tù cải tạo. Cho nên họ mới viết rằng: ”... các chủ trương,
chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài chưa
được quán triệt sâu sắc, thực hiện đầy đủ... chưa... thể quy tụ, vận động
đông đảo bà con tham gia các hoạt động có ích cho cộng đồng và quê hương.”
Lối nhìn của họ là coi tất cả mấy triệu người Việt Nam ở hải ngoại giống như
những nông dân bị tập thể hóa đến giờ nghe kẻng ra đồng, hoặc những người tù
lao cải, ngồi xổm xếp hàng chờ đợi các cán bộ, quản giáo lên lớp rồi mới
biết phải làm cái gì “có ích cho cộng đồng và quê hương.” Với cách nhìn quản
giáo đó, phải kết luận rằng cái bản nghị quyết này là thứ văn chương “chập
cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa.”
Rồi như thường lệ, Bộ Chính trị đảng Cộng Sản phải vu cáo, chụp mũ những
người bất đồng ý kiến, không những người ở trong nước mà cả những người ở
nước ngoài. Bản nghị quyết viết, “Một số người đi ngược lại lợi ích chung
của dân tộc, ra sức chống phá đất nước, phá hoại mối quan hệ, hợp tác giữa
nước sở tại với Việt Nam.”
Ðó vẫn là luận điệu quen dùng của các tên lãnh chúa độc tài, dù cộng sản
hay không cộng sản. Họ tự đồng hóa họ với đất nước, tự coi chính họ là dân
tộc. Như vua chúa đời xưa nói, “Quốc gia chính là Ta!” Ai không đồng ý với
họ, từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn, thì bị gán cho là “chống phá đất nước, đi
ngược lại với dân tộc.” Khi một chính quyền sở tại, như chính phủ Mỹ mời các
quan chức cao cấp cộng sản như Vũ Khoan, Phạm Văn Trà sang thăm, đón tiếp
long trọng, thì người Việt Nam ở Mỹ phải đi biểu tình phản đối. Vì chúng ta
phải nhắc nhở cho chính quyền Mỹ biết rằng cái chế độ mà các ông Khoan, ông
Trà là đại diện vẫn đang bỏ tù những người đang đòi tự do, dân chủ một cách
hòa bình, như các ông Phạm Quế Dương, Nguyễn Ðan Quế, Nguyễn Văn Lý, Thích
Huyền Quang. Họ vẫn cho các công an đánh đập tàn nhẫn các mục sư và giáo hữu
Tin lành. Chế độ đó vẫn đang cho nhân viên, công an các sứ quán bóc lột
những người lao động làm việc ở nước ngoài. Vẫn dọa dẫm, bòn rút các đồng
bào sống ở Nga, mà khi một công dân Việt Nam bị công an Nga đánh, giết, thì
chính quyền Cộng Sản Việt Nam không dám can thiệp. Người Việt Nam ở nước
ngoài cảm thấy nhục nhã vì trong nước mình vẫn còn một chính quyền như vậy.
Chống lại một chính quyền bất nhân và bất lực đó là vì người Việt ở bên
ngoài muốn giúp dân tộc tiến lên, muốn cho đất nước được mở mày mở mặt với
lân bang. Bộ Chính trị đảng Cộng Sản là đối tượng của các phong trào chống
đối, chứ không ai chống lại nước Việt Nam, không ai chống lại dân tộc Việt
Nam. Luận điệu của Bộ Chính trị trong bản nghị quyết này không ai tin được.
Họ nói cho họ nghe với nhau, đúng là lối nói năng “tùy tiện viết ra những
lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa nhìn chung là lăng nhăng,” không đánh lừa
được ai cả.
Vừa rồi, nhà phê bình Trần Mạnh Hảo đã tấn công Nguyễn Huy Thiệp theo
lối giống hệt lối văn bản nghị quyết mới của Bộ Chính trị. Trần Mạnh Hảo
viết: “Cách đây 18 năm, nhờ công cuộc đổi mới văn học do Ðảng và Nhà nước
(viết hoa trong nguyên văn) chủ trương, một loạt truyện ngắn của Nguyễn Huy
Thiệp đã được in trên báo Văn Nghệ... tạo thành một hiện tượng văn học thật
sự.” Câu đáng chú ý là “nhờ Ðảng và Nhà nước chủ trương!” Làm như thể nếu
không có đảng Cộng Sản thì Nguyễn Huy Thiệp không có tài để làm một nhà văn
nổi tiếng quốc tế. Ðó cũng là lối nói quen thuộc của đảng cộng sản khắp mọi
nơi, thời nào cũng vậy. Chính sách kinh tế của họ làm hàng triệu người đói
rét, hàng ngàn người chết đói. Bỗng dưng, “nhờ ơn đảng” bỏ chủ trương tập
thể hóa, không ngăn sông cấm chợ nữa nên người nông dân lại có gạo ăn! Họ
không bao giờ chịu nhận rằng nếu đừng sinh ra cái quái thai đảng Cộng Sản
thì không phải chỉ có một Nguyễn Huy Thiệp mà còn có hàng trăm nhà văn như
Nguyễn Huy Thiệp. Những văn tài như Phùng Quán, Trần Dần, Nguyên Hồng, Phùng
Cung đáng lẽ phải phát triển thành những nhà văn tầm cỡ quốc tế, chứ không
đến nỗi chôn vùi cuộc đời trong một đói rách. Bây giờ Trần Mạnh Hảo chửi
Nguyễn Huy Thiệp là “vô ơn” đối với đảng Cộng Sản! Có ai cần một thứ đảng
chuyên chế độc quyền như vậy không? Ðảng Cộng Sản gây ra bao nhiêu nỗi khốn
khổ cho đồng bào. Giờ lại bắt đồng bào nhớ ơn đảng chỉ vì đảng chịu thua rút
lại các chính sách ác nghiệt, nhờ thế mà đồng bào mới có gạo ăn, nhà văn mới
được xuất bản! Ðó là lối nhìn và lối nói của Bộ Chính trị và nhà phê bình
Trần Mạnh Hảo, giống nhau như cha với con! Ðúng là “chập cheng, hâm hấp, quá
khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa.”
Nhà văn Hoàng Ngọc Hiến đã nêu vấn đề chính yếu của giới phê bình văn
nghệ Việt Nam; ông nói, “Ðiều đáng quan tâm, đáng lo ngại hiện nay không
phải là “cơ sở lý luận” mà là “trình độ văn hóa” của người làm phê bình.”
Câu này đúng với Trần Mạnh Hảo, mà cũng đúng với cả Bộ Chính trị đảng Cộng
Sản Việt Nam. Thiếu văn hóa, như Nguyễn Huy Thiệp gọi là “vô học,” cho nên
mới chập cheng, vớ vẩn, và lưu manh nữa.
NGÔ NHÂN DỤNG