vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  lễ hội



 

 

    

Tái hiện Lễ hội Nam Giao tại Festival Huế 2004

Theo Người lao động

 
Sau bao nhiêu năm “ngủ quên”, công chúng Huế và cả nước sẽ được thấy đoàn ngự đạo của Lễ tế Giao xưa “sống lại” vào ngày 17-6 tới với tên gọi “Lễ hội Nam Giao”.

 

Một đám rước Lễ tế Giao dưới thời Vua Bảo Đại.

Lễ hội Nam Giao được tái hiện lần này mang đầy tính nhân bản và những giá trị độc đáo mà trên thế giới hiện không có nước nào còn giữ được. Đây là chương trình hứa hẹn ấn tượng nhất, và được công chúng kỳ vọng nhất của Festival Huế 2004.

Tái hiện nét đặc sắc của lễ hội cung đình Việt Nam
Lễ tế Giao xưa là một quốc lễ mà các triều đại quân chủ Việt Nam đã tiến hành để tế trời.
Thời Nguyễn, Lễ tế Giao được tổ chức hằng năm hoặc ba năm một lần ở đàn Nam Giao (về phía Tây Nam TP Huế), xây dựng vào năm 1806, dưới thời vua Gia Long.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, thành viên của Ban Tư vấn Lễ hội Nam Giao, Lễ tế Giao mỗi thời, mỗi năm có thể khác nhau về quy mô, tình tiết, nhưng mục đích vẫn là cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Thường Lễ tế Giao có ba giai đoạn: rước đoàn ngự đạo lên Nam Giao, lễ tế, rước đoàn ngự đạo hồi cung.
Tại Festival Huế lần này, ban Tổ chức quyết định tái hiện giai đoạn thứ ba, tức là rước đoàn ngự đạo hồi cung.
Ông Nguyễn Xuân Hoa- Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng Ban Tư vấn lễ hội, cho biết: “Lễ hội Nam Giao nhằm tái hiện một nét đặc sắc của lễ hội cung đình Việt Nam dưới hình thức một lễ rước. Qua đó, sẽ tái hiện không gian quảng diễn của văn hóa nghi lễ, trang phục cung đình và khôi phục một phần không gian diễn xướng của Nhã nhạc”.
Đoàn ngự đạo không có... vua
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết: Lễ hội lần này không tái hiện lễ rước theo khuôn mẫu của một triều đại hay một năm cụ thể nào mà chỉ chọn những giá trị lịch sử bất biến trong các Lễ tế Giao xưa.
Đặc biệt, các nhà tổ chức lựa chọn những yếu tố làm sao có thể phù hợp với điều kiện hiện tại. Thí dụ, trong lịch sử, đã có một lần diễn ra Lễ tế Giao mà Vua Bảo Đại khi đi lên thì bằng ngự liễn, nhưng khi hồi cung lại bằng...ô tô, tức là lễ rước về không có vua. Đoàn ngự đạo lần này sẽ chọn cách tái hiện không vua.
500 người trong đội hình đoàn ngự đạo
Lần này, đội hình đoàn ngự đạo tại Lễ hội Nam Giao có khoảng 500 người, với tiền đạo, trung đạo và hậu đạo, cùng voi, ngựa, các loại cờ, lọng xe, kiệu, quan đô thống, lính ngự lâm... và tất nhiên là không có vua, nhưng vẫn có một đội 32 người khiêng ngự liễn, tượng trưng cho vua trong đoàn ngự đạo.
Lễ hội trở nên hoành tráng bởi số lượng người tham gia, bên cạnh đó còn có cả voi, ngựa, và đẹp bởi màu sắc các loại phẩm, phục, cờ, trướng... Đoàn ngự đạo còn dựng lại các hình thái âm nhạc cung đình đã từng xuất hiện trong các Lễ tế Nam Giao xưa, như phường trống ngũ lôi đồng cổ, từ năm 1945 đến nay chưa hề xuất hiện. Hoặc đội đại nhạc với 22 người đầy đủ nhạc khí, múa bát dật với 32 vũ sinh cũng lần đầu tiên ra mắt trở lại.
Hy vọng trở thành di sản văn hóa thế giới
Theo ông Nguyễn Xuân Hoa, việc tái hiện Lễ hội Nam Giao chỉ là bước khởi đầu. Về lâu dài, lễ hội này sẽ được tiếp tục tái hiện với cấp độ hoàn chỉnh hơn, và biết đâu, theo ông, nó sẽ trở thành một kiệt tác di sản văn hóa thế giới.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thì cho rằng: Lễ hội Nam Giao được tái hiện lần này mang đầy tính nhân bản và những giá trị độc đáo mà trên thế giới hiện ít có nước nào còn giữ được.
Lâu nay, các chương trình lớn của Festival phần lớn là do Nhà nước làm, vai trò sức đóng góp của người dân chưa nhiều. Nhưng lần này, vai trò và sự đóng góp của nhân dân là rất lớn, chính những người dân sẽ tham gia vào đoàn ngự liễn dưới hình thức những người gánh ngự liễn, ngự ky của Lễ hội Nam Giao...

Theo Người lao động
 

   

 

thẩm luận văn hoá


 


Rồng Điện Kinh Thiên,
triều Lê, xây dựng 1428


 
  01- Tái hiện Lễ hội Nam Giao tại Festival Huế 2004.                                                  Theo Người lao động
  02- Hội đồng Thẩm định nghệ thuật... Cần đổi mới".                                                                    Tích hợp 
  03- Quản lý và bảo tồn các di sản thế giới ở Việt Nam.                                                     Đinh Như Hoan 
  04- "Bức tranh Văn hoá Sa Huỳnh đã rõ ràng hơn..."
                                                 Nguyễn Trung Hiếu 
  05-
Liên hoan Văn hóa Nghệ thuật Dân gian –  Ngàn xưa huyền diệu nét quê.             Phan Tùng Sơn 
  06- Hà Sĩ Phu, Một Trí Tuệ Việt Nam
.                                                                                      Đỗ Mạnh Tri 
  07- Thành cổ Hà Nội - những dấu ấn lịch sử.                                                                                  Sưu tầm  
  08- Cuộc chiến giữa các nền văn minh.-  
  09- Nâng Festival Huế lên một tầm cao mới.                                  Ngọc Thảo Nguyên - Bùi Ngọc Long
  10-
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh học giả Đào Duy Anh.                                                       Trần Hữu Tá

vhvt-10
Trở lại trang chính