vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  văn hóa



 

 


Liên hoan Văn hóa Nghệ thuật Dân gian – 2004:
Ngàn xưa huyền diệu nét quê

Phan Tùng Sơn

Liên hoan Văn hóa Nghệ thuật Dân gian- 2004 diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh vừa qua là một hoạt động văn hóa dân gian tổng hợp, đa sắc màu, qui mô hoành tráng, với sự tham gia của 664 nghệ nhân, hơn 1.300 diễn viên, 25 đoàn nghệ thuật của 34 dân tộc đến từ 22 tỉnh, thành phố trong cả nước và các đoàn nghệ thuật đến từ 7 quốc gia: Thái Lan, Lào, My-an-ma, Cam-pu-chia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Liên hoan đã tạo nên những ngày hội văn hóa lớn, bao trùm lên thành phố mang tên Bác một bầu không khí dân gian, dân tộc huyền diệu, cổ kính và sống động...

Với ý tưởng làm sống lại những nét sinh hoạt văn hóa dân gian cổ xưa của các dân tộc trên đất Việt; ban tổ chức liên hoan đã đầu tư hàng trăm triệu đồng tái hiện các mô hình, hiện vật dân gian theo khuynh hướng cổ hóa. Công viên Dinh Thống Nhất trở thành nơi thu nhỏ của vùng quê các dân tộc Việt Nam cổ xưa. Người xem như lạc vào một không gian đậm chất dân gian với thôn bản, mái lá, nhà rông, sân đình, cầu tre, ghe xuồng, xe ngựa... cùng những phong tục văn hóa cổ truyền các vùng miền; được “gặp lại” hình ảnh người thiếu nữ các dân tộc Việt Nam trong các trang phục cổ. Các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc cùng hội tụ, giao lưu bằng những hoạt động văn hóa lễ hội đặc sắc. Hàng đêm, trong không gian huyền ảo, cổ kính, người xem được chứng kiến những hoạt động khá cầu kỳ trong trang phục cũng rất cầu kỳ của người dân đồng bào dân tộc H.Roi trong lễ hội Pôk Ai (lễ cúng mừng sức khỏe). Cạnh đó, người Thái vùng Thanh Hóa với những điệu múa mềm mại uyển chuyển trong tiếng chiêng ngân nga của lễ hội gọi chiêng, lễ mừng cưới như rót vào không gian những âm điệu sâu thẳm cõi lòng. Dân tộc Tày có lễ rước đất nước với không khí rất linh thiêng. Lễ hội đâm trâu của dân tộc Ba-na-Ja-rai vùng đất Tây Nguyên thực sự thu hút sự thích thú của du khách quốc tế. Lễ mừng nguyên tiêu của dân tộc Hoa, lễ hội kỳ yên của dân tộc Kinh tô điểm cho liên hoan những màu sắc sặc sỡ và không khí tươi vui, nhộn nhịp... Bên cạnh đó, các hình thức hoạt động nghệ thuật dân gian cũng được tổ chức dàn dựng công phu, trong đó hoạt động sân khấu sân đình, cung đình, đờn ca tài tử, ca cổ... thực sự tạo ấn tượng đối với bè bạn quốc tế. Người xem còn bắt gặp một Sài Gòn-Nam Bộ cổ xưa mang nét trữ tình với sự tái hiện những làng nghề truyền thống, những bến tàu bên bờ sông xanh mướt bóng dừa và những làng ẩm thực Nam Bộ rặt những món ăn và phong cách bài trí quê mùa ...

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban tổ chức liên hoan cho biết: Việc tổ chức lễ hội đúng vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn nhằm tạo ra nhịp cầu về nguồn, gắn kết tuổi trẻ với truyền thống, giới thiệu các hình thức văn hóa cổ xưa của Việt Nam đến bè bạn gần xa.. Đây cũng là một diễn đàn để các nước trong khu vực ASEAN và châu Á trao đổi văn hóa. Nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian được tái hiện trong liên hoan này trên thực tế đang bị mai một hoặc đã biến mất. Việc tái hiện những nét xưa trong văn hóa các dân tộc nhằm góp phần tích cực vào các công trình sưu tầm, khôi phục, phát triển giá trị văn hóa dân gian, đồng thời tạo những điểm nhấn trong sự giao lưu, giao thoa giữa văn hóa dân gian Việt Nam với các nước trong khu vực và châu lục có sự ảnh hưởng lẫn nhau.

Nghệ nhân của các đoàn nghệ thuật dân gian tham dự liên hoan đều là diễn viên quần chúng. Họ là những người am hiểu sâu sắc và là tư liệu sống về những nét đẹp trong phong tục văn hóa của các dân tộc. Cụ Y-Tuychd-Niê, đoàn nghệ thuật Dân gian tỉnh Đắc Lắc là một trong những nghệ nhân cao tuổi nhất tại liên hoan. Dù đã qua ngưỡng “thất thập cổ lai hy” nhưng cụ vẫn còn rất mạnh khỏe. Là con người của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ lại rất say mê văn nghệ, cụ Y-Tuychd-Niê hiểu Tây Nguyên đến nỗi thuộc cả tiếng kêu, giọng hú của từng con thú, hiểu được cả tiếng hót của từng loài chim. Chả thế mà những điệu múa, tiếng kèn được cụ và các lão nghệ nhân Tây Nguyên thể hiện tại liên hoan đã làm mê đắm du khách. Nhiều giai điệu trong tiếng kèn của cụ không có trong sách vở, tài liệu. Nói theo ý cụ thì đó là sự lấy được từ con hoẵng, con nai, con chim gáy giữa đại ngàn. Chỉ với mấy loại nhạc cụ thô sơ, các nghệ nhân Tây Nguyên đã làm người xem đi từ ngạc nhiên đến thích thú với bài hòa tấu Pơ-liên (điệu mưa đá) dồn dập, háo hức. Đoàn Nghệ thuật Dân gian dân tộc Thái ở vùng Thanh Hóa cũng gây ấn tượng mạnh. Xưa nay trên sân khấu, chúng ta đã quen với trang phục và các màn múa hát của dân tộc Thái vùng Tây Bắc mà nổi tiếng nhất là hình thức múa sạp, ít người biết đến người Thái vùng Thanh Hóa có hình thức múa giữ lửa, múa xuân phả, múa đèn thiệu quang... rất quen thuộc. Nhưng bất ngờ nhất tại liên hoan chính là màn khua luống. Chỉ với một khúc gỗ được khoét giống như một khoang thuyền và những đoạn gậy, các thiếu nữ Thái đã tạo nên dàn âm thanh rất vui nhộn, điệu múa uyển chuyển để mừng ngày mùa. Do nhiều lý do khác nhau chi phối nên hình thức khua luống độc đáo này hầu như đã vắng bóng trong thực tế.

Sự góp mặt của các đoàn đến từ 7 quốc gia trong khu vực và châu Á làm cho không khí liên hoan thêm phần sôi động và mới lạ. Chương trình của các đoàn bạn đều là những nét văn hóa dân gian đặc sắc tiêu biểu cho nền văn hóa quốc gia hoặc của một vùng, miền tiêu biểu. Bà Pa-cha-ra Pau-thong, trưởng đoàn Nghệ thuật dân gian Hoàng gia Thái Lan nói:

- Lễ hội này là một cơ hội tuyệt vời để các nước trao đổi, giao lưu, tìm hiểu về nền văn hóa của nhau. Chúng ta cần có nhiều hoạt động tương tự để sự hiểu biết về văn hóa cổ truyền các dân tộc, các quốc gia thêm sâu sắc. Chúng tôi học hỏi được rất nhiều điều từ lễ hội hoành tráng và qui mô này.

Tiêu điểm của liên hoan là hình thức biểu diễn nghệ thuật đường phố và diễu hành nghệ thuật. Hơn 1.300 diễn viên của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước cùng biểu diễn và diễu hành từ Dinh Thống Nhất đến các trục đường lớn Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi... trong hai đêm liền thu hút sự tham quan của hàng chục ngàn người. Với hình thức biểu diễn mới và sôi động lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam này, những nét văn hóa giữa các quốc gia, vùng miền dường như không còn biên giới. Việt Nam và các nước trong khu vực đều có chung đặc điểm nổi bật là văn hóa làng quê. Đó là cái gốc. Dù xã hội có phát triển đến mấy thì muôn đời, nét quê ấy vẫn huyền diệu

 

   

 

thẩm luận văn hoá


 


Rồng Điện Kinh Thiên,
triều Lê, xây dựng 1428


 
  01- Tái hiện Lễ hội Nam Giao tại Festival Huế 2004.                                                  Theo Người lao động
  02- Hội đồng Thẩm định nghệ thuật... Cần đổi mới".                                                                    Tích hợp 
  03- Quản lý và bảo tồn các di sản thế giới ở Việt Nam.                                                     Đinh Như Hoan 
  04- "Bức tranh Văn hoá Sa Huỳnh đã rõ ràng hơn..."
                                                 Nguyễn Trung Hiếu 
  05-
Liên hoan Văn hóa Nghệ thuật Dân gian –  Ngàn xưa huyền diệu nét quê.             Phan Tùng Sơn 
  06- Hà Sĩ Phu, Một Trí Tuệ Việt Nam
.                                                                                      Đỗ Mạnh Tri 
  07- Thành cổ Hà Nội - những dấu ấn lịch sử.                                                                                  Sưu tầm  
  08- Cuộc chiến giữa các nền văn minh.-  
  09- Nâng Festival Huế lên một tầm cao mới.                                  Ngọc Thảo Nguyên - Bùi Ngọc Long
  10-
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh học giả Đào Duy Anh.                                                       Trần Hữu Tá

vhvt-10
Trở lại trang chính