vhvt |
tự do tư tưởng và sáng tạo |
văn hóa |
|
Quản lý và bảo tồn các di sản thế giới ở Việt Nam ĐINH NHƯ HOAN Hơn mười năm quản lý và bảo tồn Di sản thế giới, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm quý báu để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích tiêu biểu của đất nước theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, để các Di sản thế giới thật sự trở thành những bảo tàng đặc sắc của nhân loại, cần phải có những giải pháp hiệu quả hơn cho mỗi di sản.
Di sản thế giới (DSTG) được công nhận tại nước ta là kết tinh tài hoa và trí tuệ của các dân tộc Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử, là những giá trị đặc sắc của thiên nhiên mà nhiều thế hệ người Việt Nam đã dày công gìn giữ. Bảo tồn các DSTG chính là vun đắp tình yêu quê hương, đất nước, nhân lên niềm tự hào dân tộc trong mỗi người Việt Nam. Ðồng thời còn là xây dựng "nhịp cầu" văn hóa, hòa bình, hữu nghị nối dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Từ năm 1993, khi di sản đầu tiên là Cố đô Huế được công nhận DSTG đến nay, nhận thức của cộng đồng về giá trị của DSTG được nâng lên rõ rệt. Trên thực tế, DSTG đã thể hiện rõ vai trò là yếu tố căn bản góp thêm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế văn hóa và du lịch một cách bền vững. Ðể bảo tồn các DSTG, Việt Nam đã có những nỗ lực lớn để xây dựng một hệ thống văn bản pháp lý về bảo tồn di tích nói chung và DSTG nói riêng ngày một hoàn thiện, trước hết là Luật Di sản văn hóa. Từ sau ngày giải phóng, nhất là khi được công nhận DSTG, các công trình kiến trúc, các quần thể tự nhiên, các giá trị văn hóa phi vật thể Việt Nam đã được dày công bảo vệ, phát huy và ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình là Di tích Cố đô Huế, sau năm năm trở thành DSTG, những nỗ lực của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao với sự khẳng định của Tổ chức UNESCO là "đã thoát khỏi tình trạng cứu nguy khẩn cấp, chuyển tới giai đoạn ổn định". Với sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành liên quan và sự hỗ trợ của quốc tế, công tác bảo tồn DSTG đã có nhiều cố gắng, tiến bộ và dần dần đáp ứng những đòi hỏi cơ bản.
Trước hết, đó là sự hình thành đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn, trong đó có đội ngũ những chuyên gia, những nhà khoa học thuộc các lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, nghệ thuật, khảo cổ, thực vật, động vật và tu bổ di tích... Có những DSTG đội ngũ bảo tồn lên đến hơn 700 người như ở Cố đô Huế, 240 người như ở Hạ Long, v.v. Cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế chuyên sâu trên từng lĩnh vực, các Ban quản lý DSTG ở Việt Nam đã đúc rút nhiều kinh nghiệm, tiến hành khảo sát, nghiên cứu để xây dựng nhiều mô hình bảo tồn phù hợp từng di sản. Trong đó, nổi bật là mô hình bảo tồn DSTG ở Hạ Long thông qua việc xây dựng bảo tàng sinh thái. Hướng xây dựng của dự án này là biến toàn bộ khu DSTG Hạ Long và vùng phụ cận trở thành một bảo tàng sống, gắn con người và cuộc sống với thiên nhiên, để từ đó đề cao các giá trị của DSTG, nâng cao nhận thức trong người dân về nhu cầu bảo tồn và phát huy di sản.
Tuy nhiên, các mô hình bảo tồn DSTG ở Việt Nam phần lớn còn nằm trên giấy, hoặc chưa triển khai được bao nhiêu. Và thực tế Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, mà khó khăn lớn nhất là sự chuyển biến rất chậm trong nhận thức một bộ phận quan trọng của cộng đồng, thậm chí là ở các cấp, các ngành liên quan. Ở một số địa phương, sau khi di tích được công nhận là DSTG thì lập tức xuất hiện tâm lý coi đó đơn thuần là nguồn tài nguyên, là nguồn thu ngân sách, cho nên chỉ quan tâm xây dựng các công trình để phục vụ khai thác di sản mà chưa tập trung ngân sách cho việc bảo tồn, tu bổ DSTG một cách ổn định và thường xuyên. Việc khai thác quá mức DSTG theo lối "ăn xổi" này chắc chắn sẽ để lại hậu quả khó lường cho quá trình bảo tồn di sản. Trong hoạt động bảo tồn, hầu hết ở các DSTG đều đang khoán trắng cho cơ quan chuyên trách mà chưa huy động được sức mạnh tổng hợp từ phía cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ. Bước đầu một số DSTG đã có triển khai công tác nghiên cứu khoa học phục vụ hoạt động quản lý nhưng chưa đồng đều. Mặt khác, trên phương diện quản lý, các DSTG đều có những mô hình khác nhau và bộc lộ nhiều bất cập, nhất là sự phân công, phân cấp quản lý, và sự đầu tư cho hoạt động bảo tồn DSTG. Có nơi đội ngũ đã lên con số 700 người nhưng có nơi chỉ mới có vài chục người. Có nơi cơ quan quản lý được thành lập với quy mô cấp tỉnh, nhưng có nơi chỉ là bộ phận cấp huyện quản lý. Không những thế hiện nay công việc quản lý DSTG vẫn còn tình trạng chồng chéo giữa các bộ, ngành và địa phương, dẫn đến tình trạng những công việc dễ đạt thành tích thì nhiều đơn vị cùng làm, trong khi nhiều việc khó, không có lợi ích kinh tế thì bỏ bê. Sự chồng chéo về tổ chức quản lý cũng là nguyên nhân của sự đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí cản trở công việc của nhau mỗi khi lợi ích cục bộ bị ảnh hưởng. Ðó là những trở ngại lớn của công tác quản lý, bảo tồn DSTG ở Việt Nam hiện nay. Trong một cuộc hội thảo gần đây của các ban quản lý, bảo tồn DSTG có sự tham gia của Tổ chức UNESCO, vấn đề được các đại biểu quan tâm nhất trước hết là phải kiện toàn tổ chức quản lý, tăng cường xây dựng các mô hình bảo tồn DSTG phù hợp từng di sản cụ thể. Tại các DSTG phải có bộ máy quản lý có đủ điều kiện tương ứng với những quyền năng nhất định để chủ động tiến hành công tác nghiệp vụ một cách hiệu quả nhất. Nhiệm vụ của cơ quan quản lý, bảo tồn DSTG là tiến hành các hoạt động mang tính chuyên môn, nghiệp vụ rất cao, đồng thời cũng là nơi thực hiện công tác đối nội, đối ngoại liên quan DSTG bởi vậy trước tiên phải xây dựng được một bộ máy phù hợp. Phải tạo điều kiện ưu tiên để tất cả các DSTG có trung tâm bảo tàng, trưng bày bổ sung, có bộ phận đủ năng lực lập các quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của DSTG.
Với các DSTG vật thể sự quan tâm hàng đầu phải là công tác quản lý các dự án đầu tư, bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích. Với các DSTG văn hóa phi vật thể là hoạt động điều tra, nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ, lập hồ sơ bảo tồn, phát huy. Còn ở các DSTG thiên nhiên thì tập trung bảo tồn, phục hồi, tôn tạo môi trường, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học, v.v. Ðồng thời, mỗi DSTG đều phải có bộ phận nghiên cứu khoa học về di sản và nghiên cứu các phương pháp bảo tồn di sản đó. Nhiệm vụ bảo tồn DSTG là của cả cộng đồng, bởi vậy phải được xã hội hóa một cách toàn diện mà trước hết là tạo ra lực lượng nòng cốt từ các cơ quan chuyên trách. Năm 2002, Luật Di sản văn hóa đã được ban hành, trở thành điểm tựa vững chắc để các cấp, các ngành, các đơn vị liên quan thiết lập quyền năng và trách nhiệm của mình trong việc phát huy tính chủ động sáng tạo, xây dựng và triển khai có hiệu quả các mô hình hợp lý, khoa học để bảo tồn, phát huy các giá trị tiêu biểu của DSTG.
|
|
thẩm luận văn hoá |
|