vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  danh nhân văn hóa



 

 


Kỷ niệm 100 năm ngày sinh học giả Đào Duy Anh

"Còn với non sông một chút tình"

TRẦN HỮU TÁ
 Tuổi trẻ
 

Nói đến lĩnh vực từ điển, giới học giả luôn trân trọng ghi công nhà từ điển học Đào Duy Anh. Ông biên soạn xong bộ Hán-Việt từ điển (40.000 từ) lúc mới 27 tuổi, chỉ trong hơn một năm (in năm 1932). Bộ Pháp-Việt từ điển quy mô đồ sộ hơn mà cũng chỉ sau gần ba năm đã hoàn thành (in năm 1936). 40 năm sau ông lại cho công bố một bộ từ điển độc đáo, chuyên dùng: Từ điển truyện Kiều (1974).

Đào Duy Anh, sinh ngày 25-5, nguyên quán ở Hà Đông, làng Khúc Thủy, xã Tả Thanh Oai, huyện  Thanh Oai (nay thuộc Hà Nội). Do nghèo và muốn đổi đời nên gia đình chuyển vào Thanh Hóa từ đời ông nội. Dù gia cảnh không khấm khá hơn bao nhiêu nhưng ông bà thân sinh của ông vẫn hết sức tằn tiện để có tiền cho con ăn học. Sáu năm học chữ Hán, 11 tuổi mới vào trường tiểu học, nhưng 19 tuổi ông đã tốt nghiệp Trường Quốc học Huế.

Sống trong hoàn cảnh nô lệ, như mọi thanh  niên trí thức chân chính khác, Đào Duy Anh hăng hái tham gia các phong trào yêu nước chống Pháp. Ông gần gũi, học hỏi cụ Phan Bội Châu. Ông cộng tác mật thiết với cụ Huỳnh Thúc Kháng - chủ nhiệm báo Tiếng Dân - và được giao làm thư ký tòa soạn. 23 tuổi (1927) ông tham gia thành lập Đảng Tân Việt - một tổ chức cách mạng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định là “nhóm chính trị tự do cấp tiến”, “chỉ muốn giải phóng Việt Nam, theo chủ nghĩa gì sau sẽ hay” (xem Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch).

Louis Marty, quan chức thực dân khét tiếng tàn ác của Pháp, đã ra tay đàn áp. Ông cùng người vợ chưa cưới - bà Trần Thị Như Mân - bị bắt giam trong hơn một năm. Cuối năm 1930 hai người cùng được phóng thích với cái án treo ba năm tù. Từ đấy, trong không khí khủng bố ngột ngạt của chính quyền thuộc địa, Đào Duy Anh chuyển hẳn sang hoạt động văn hóa với một tâm niệm: góp phần nâng cao dân  trí.

Xuất phát từ động cơ cao đẹp ấy, ông đã lấy bút hiệu là Vệ Thạch. Như ông tâm sự: “Tôi xem biển học là mênh mông bát ngát nên nguyện  làm con chim tinh vệ, suốt đời ngậm đá lấp biển Đông, sẽ cố gắng cắp từng hòn sỏi mà mong góp phần làm công việc lấp bể học mênh mông bát ngát ấy” (Nhớ nghĩ chiều hôm, tr. 3, NXB Trẻ, 2000).

Từ đó đến lúc qua đời (1-4-1988), trong suốt 58 năm, Đào Duy Anh say sưa, miệt mài lao động học thuật và đóng góp xuất sắc trong nhiều lĩnh vực văn hóa dân tộc, trong đó nổi trội hơn cả là các bộ môn từ điển, lịch sử và dịch thuật.

Khi cùng các ông Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Hoài Thanh... nhận nhiệm vụ giáo sư Đại học Văn khoa tại Hà Nội (1946), ông chuyên tâm nhiều hơn đến lĩnh vực lịch sử. Thật ra trước đó Đào Duy Anh đã có những công trình nghiên cứu đặc sắc về lĩnh vực này. Đó là Việt Nam văn hóa sử cương (1938), Trung Hoa sử cương (1944) nhưng chỉ từ đây ông mới dành nhiều thời gian, công sức vào chính sử. Ba công trình quan trọng nhất của ông: bộ Cổ sử Việt Nam, 1955, tám chương, non 400 trang), bộ Lịch sử Việt Nam (1957, 56 chương, hơn 900 trang) và bộ Đất nước Việt Nam qua các đời (1964, 15 chương, hơn 500 trang). Những công trình này không chỉ được giới trí thức trong nước hoan nghênh mà nhiều học giả thế giới cũng đánh giá rất cao. Viện Đông phương học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô) và Viện Khoa học Trung Quốc đã cho dịch và xuất bản rất sớm.


Học giả Đào Duy Anh
và bà Trần Thị
Như Mân, vợ ông.

Một lĩnh vực khác ông cũng đã có những đóng góp thầm lặng nhưng rất có ý nghĩa: dịch thuật và hiệu đính. Chỉ tính trong sáu năm, từ đầu năm 1958 đến lúc về hưu (1964), khi thôi giữ chức chủ nhiệm Khoa sử ở Đại học Tổng hợp Hà Nội và chuyển về công tác ở Viện Sử học, ông đã tham gia dịch và chịu trách nhiệm hiệu đính những bản dịch do các cụ nho học đã thực hiện cùng hàng loạt những tài liệu sử học rất quý của người xưa: Lam Sơn thực lục (của Nguyễn Trãi), Lịch triều hiến chương loại chí (của Phan Huy Chú), Phủ biên tạp lục (của Lê Quý Đôn), Hổ trướng khu cơ (Đào Duy Từ), Gia Định thành thông chí (Trịnh Hoài Đức)... tất cả trên dưới 10.000 trang in. Trong hồi ký của mình, ông “rất vui lòng đã có dịp phục vụ công việc nghiên cứu sử học một cách thiết thực như thế, ở trong không khí lặng lẽ của công việc âm thầm, xa hẳn cảnh náo nhiệt của các cuộc thảo luận bút chiến” (Sđd - trang 145), dù với ông “đó chỉ là công việc tay trái”.

Có lẽ cũng không cần nói thêm dài dòng về các công trình khác của ông thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của khoa học xã hội. Chẳng hạn về triết học như Khổng giáo phê bình tiểu luận (1943), về ngôn ngữ như Chữ Nôm, nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến (1975), về văn học như Thảo luận về Truyện Kiều (1958). Và tác phẩm cuối cùng, cuốn hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm (khởi thảo 1980, xuất bản 1988) của ông khiến nhiều thế hệ người đọc xúc động về giọng kể từ tốn, điềm đạm cũng như về thái độ trung thực, đúng đắn, bình tĩnh.

Chúng ta hiểu được những chặng đường đời cũng như con đường học thuật của ông, mới rõ vì sao ông có được những cống hiến đặc biệt xuất sắc cho văn hóa dân tộc như đã kể trên. Trước hết đó là vì cái chí, vì động cơ trong sáng cao đẹp mà ông sớm xác lập từ thuở thanh niên và kiên trì theo đuổi trong suốt hơn 60 năm cầm bút. Vì vậy đường đời có lúc thuận, lúc nghịch, khi bình yên, khi sóng gió nhưng ông vẫn luôn giữ được phong cách sống an nhiên tự tại, thực hiện bằng được kế hoạch học tập và nghiên cứu của mình. Sau nữa, ông đã nêu gương sáng về tinh thần, thái độ lao động học thuật. Không nơi nào nghe nói có sách quý mà ông không tìm đến, không có địa danh nào liên quan đến vấn đề đang nghiên cứu mà ông không gắng khảo sát thực địa bằng được, dù phải đạp hàng trăm cây số bằng chiếc xe đạp cũ trên những con đường tiêu thổ kháng chiến thời chống Pháp. Vì vậy khi dịch Phủ biên tạp lục, ông có tới tám bản chép tay, kể cả bản của thư viện Bảo Đại ở Huế, bản của Viện Viễn Đông bác cổ (Hà Nội) và bản của kho sách dòng họ Cao Xuân (Nghệ An). Có dịp đến Quảng Ngãi, ông đến những nơi có liên quan đến “chàng Lía”. Vào Hội An ông xác minh bằng  được  hai địa điểm ngoại thương quan trọng ở Đàng Trong là Phố Lở và Hội An, với tình hình buôn bán của người Trung Quốc ở đấy thời xưa. Đúng như giáo sư Nguyễn Huệ Chi nhận xét: “Trên phương diện nào kiến giải của ông cũng chi li thấu đáo, đi đến tận ngọn ngành sự việc, và luôn luôn lấy thực chứng làm nền tảng”.

Trong một đêm khó ngủ ở tuổi 84, Đào  Duy Anh đã nhớ lại hai câu tâm sự của Nguyễn Du: Bất tri tam bách... Và ông đã cảm hứng, bộc bạch tâm sự bản thân:

Ông hỏi đời sau ai khóc mình?
Mà nay  bốn bể lại lừng danh
Cho hay tất thảy đều mây nổi
Còn với non sông một chút tình

Tình của ông đối với dân tộc, chúng ta ai cũng trân trọng. Nhưng những công trình xuất sắc ấy đã để lại sẽ còn có chỗ đứng lâu dài trong lòng học giới Việt Nam. Ông hết sức xứng đáng với Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt II, năm 2002). Ông cũng xứng đáng với sự đánh giá của Từ điển bách khoa Larousse (Pháp, 1968), Đào Duy Anh là “một tên  tuổi lớn trong các nhà bách khoa toàn thư  hiện đại”. 

Tuổi trẻ


Kỷ niệm 100 năm ngày sinh học giả Đào Duy Anh

Sáng 21-5, Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Sử học và trường ĐH KHXH và NV tổ chức lễ kỷ niệm nhân 100 năm Ngày sinh học giả Đào Duy Anh (1904-2004). Sinh thời, GS Đào Duy Anh có nhiều đóng góp lớn cho sự phát triển nền khoa học nhân văn và văn hóa nước nhà. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm có giá trị như: Hán - Việt từ điển, Pháp - Việt từ điển, Việt Nam văn hóa sử cương, Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, Đất nước Việt Nam qua các đời, Chữ nôm - nguồn gốc, cấu tạo và diễn biến...

 

Tại buổi lễ, thế hệ học trò được ông trực tiếp dìu dắt như: GS Phan Huy Lê, GS Đinh Xuân Lâm, GS Trần Quốc Vượng, GS Phan Ngọc...đã nêu bật những đóng góp của GS Đào Duy Anh trên nhiều lĩnh vực. GS Đào Duy Anh đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh

Phố Đào Duy Anh
 

 

Phố Đào Duy Anh
Ảnh: P.Thảo

Tên một phố, lập năm 1995, dài 610m, đi từ ngã tư Kim Liên vào khu tập thể Kim Liên, Trung Tự rồi đến phố Phạm Ngọc Thạch. Phố này được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc phường Kim Hoa (sau đổi là Kim Liên), tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương. Nay phố thuộc phường Kim Liên, quận Đống Đa.

 

Phố mang tên Đào Duy Anh (1904 - 1988) là nhà văn hoá, chuyên gia nghiên cứu văn học, sử học, ngôn ngữ học, Hán Nôm. Ông đã viết các sách từ điển Pháp - Vịêt, Hán - Việt, từ điển Truyện Kiều. Ông từng làm thư ký toà soạn báo Tiếng Dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng lập. Năm 1927, ông vào Đảng Tân Việt, mở Quan hải tùng thư. Sau 1945, ông dạy học ở các trường Đại học Sư phạm, Tổng hợp, công tác ở Bộ Giáo dục, Viện Sử học.

 

Trích Từ điển đường phố Hà Nội

 

   

 

thẩm luận văn hoá


 


Rồng Điện Kinh Thiên,
triều Lê, xây dựng 1428


 
  01- Tái hiện Lễ hội Nam Giao tại Festival Huế 2004.                                                  Theo Người lao động
  02- Hội đồng Thẩm định nghệ thuật... Cần đổi mới".                                                                    Tích hợp 
  03- Quản lý và bảo tồn các di sản thế giới ở Việt Nam.                                                     Đinh Như Hoan 
  04- "Bức tranh Văn hoá Sa Huỳnh đã rõ ràng hơn..."
                                                 Nguyễn Trung Hiếu 
  05-
Liên hoan Văn hóa Nghệ thuật Dân gian –  Ngàn xưa huyền diệu nét quê.             Phan Tùng Sơn 
  06- Hà Sĩ Phu, Một Trí Tuệ Việt Nam
.                                                                                      Đỗ Mạnh Tri 
  07- Thành cổ Hà Nội - những dấu ấn lịch sử.                                                                                  Sưu tầm  
  08- Cuộc chiến giữa các nền văn minh.-  
  09- Nâng Festival Huế lên một tầm cao mới.                                  Ngọc Thảo Nguyên - Bùi Ngọc Long
  10-
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh học giả Đào Duy Anh.                                                       Trần Hữu Tá

vhvt-10
Trở lại trang chính