vhvt |
tự do tư tưởng và sáng tạo |
văn hóa |
|
Sau khi đăng bài Hội đồng Thẩm định nghệ thuật TP.HCM - Cần đổi mới, chúng tôi đã nhận được sự hưởng ứng của các nhà tổ chức biểu diễn và bạn đọc. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tiến Thọ - Thứ trưởng Bộ VH-TT, cũng như ghi nhận ý kiến của các nhà tổ chức ca nhạc xung quanh những vấn đề này. Chỉ có Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM bấy giờ là có ý kiến khác ! * Thưa Thứ trưởng, có không sự chồng chéo giữa Bộ VH-TT và Sở VH-TT TP.HCM trong việc quản lý cũng như duyệt các chương trình nghệ thuật? - Thứ trưởng Lê Tiến Thọ: Về mặt quản lý, Bộ VH-TT quản lý về nhà nước, Sở VH-TT quản lý trên địa bàn. Nếu Bộ đã ra quyết định và đã có văn bản thì các sở phải thực hiện, còn nếu có sự cố gì thì Bộ phải nhận được văn bản của sở báo cáo lại vấn đề ấy, chứ không có sự chồng chéo về quản lý. Khi còn ở cương vị Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, có xảy ra việc ca sĩ Tuấn Vũ lúc ấy đang xin phép về Việt Nam biểu diễn. Chúng tôi đã hỏi ý kiến các cơ quan chức năng về trường hợp ca sĩ Tuấn Vũ. Các cơ quan chức năng đều đồng ý cho ca sĩ Tuấn Vũ về nước biểu diễn, đến Sở VH-TT TP Hồ Chí Minh thì cho rằng có ý kiến nói Tuấn Vũ đang có vấn đề này nọ, và TP Hồ Chí Minh lúc ấy đang thực hiện chủ trương 3 giảm như giảm ma túy, vũ trường... nên đề nghị Bộ không cho Tuấn Vũ biểu diễn vào thời điểm ấy.
* Các nhà tổ chức biểu diễn phàn nàn rất nhiều về vấn đề không có sự đồng nhất trong khâu duyệt giữa các địa phương. Xin lấy một ví dụ, có chương trình Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cấp giấy phép biểu diễn trên phạm vi toàn quốc, nhưng khi chương trình đến biểu diễn ở địa phương khác, thì Sở VH-TT địa phương đó lại yêu cầu phải duyệt lại chương trình mặc dù chương trình đã được duyệt? - Thứ trưởng Lê Tiến Thọ: Khi Cục đã cấp giấy phép cho một đơn vị nghệ thuật trung ương đi biểu diễn trên phạm vi toàn quốc thì các sở VH-TT không được quyền duyệt lại nữa. Nếu Sở VH-TT nào bắt duyệt thêm thì Sở VH-TT ấy sai, vì như vậy sở đã không thực hiện Quy chế 32 về Hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của Bộ. Giám đốc Sở sẽ phải chịu trách nhiệm về thực hiện Quy chế 32 mà Bộ đã ban hành. Nếu có việc này, tôi đề nghị báo chí cứ lên tiếng, Bộ sẽ có biện pháp xử lý. * Có ý kiến cho rằng nên có sự thống nhất trong khâu thẩm định các chương trình nghệ thuật giữa các địa phương. Ông có đồng ý với ý kiến này không? - Thứ trưởng Lê Tiến Thọ: Bộ VH-TT ra quyết định thành lập Hội đồng Thẩm định nghệ thuật T.Ư. Hội đồng Thẩm định nghệ thuật địa phương do UBND và Sở VH-TT địa phương ra quyết định thành lập, vì hội đồng duyệt địa phương có chức năng quản lý hoạt động biểu diễn trên địa bàn. Quy chế Hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp (Bộ VH-TT sắp ban hành, được sửa đổi và bổ sung dựa trên Quy chế 32 về Hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp - TN) là quy chế chính xác nhất cho các hội đồng thẩm định căn cứ vào đó để duyệt các chương trình nghệ thuật. Cụ thể, tại điều 3 của quy chế ghi rõ 5 nội dung cấm, trong mỗi nội dung lại có những điều cấm rất chi tiết đối với từng chương trình biểu diễn và đối với các ca sĩ tham gia trong chương trình đó.
Nỗi sợ về “hội đồng phúc khảo” NS Nguyễn Nam (Trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình TP.HCM): "Tất cả các chương trình của Đài TH TP.HCM thực hiện bên ngoài để phục vụ cho sóng truyền hình, có những chương trình bán vé và không bán vé. Nhằm đảm bảo pháp lý, quản lý về mặt nhà nước, đối với những chương trình bán vé, thời gian qua chúng tôi đều có mời Sở VH-TT và Hội đồng phúc khảo (HĐPK) của sở, còn những chương trình không bán vé thì không. Về mặt chuyên môn, tôi có ý kiến, có nên phúc khảo từ A đến Z ở những chương trình của các báo, đài, đã thành thương hiệu uy tín như Duyên dáng Việt Nam, Hoa hậu Việt Nam, Quà tặng trái tim hay chỉ nên phúc khảo có mức độ? Bởi vì đây không phải là những chương trình ở tụ điểm, trong khi các đơn vị này có bộ phận chuyên trách, hơn nữa Ban Biên tập, Đảng ủy các đơn vị này đã chịu trách nhiệm trước pháp luật. NSƯT Trần Bình (GĐ Nhà hát Nhạc nhẹ Việt Nam): “HĐPK các chương trình ca nhạc có nhiệm vụ tư vấn cho công tác quản lý, không thể làm thay quyền lực nhà nước. Cấp giấy phép, từ cục cho đến Sở VH-TT các tỉnh thành đều dựa trên sự đúng-sai, những gì được công diễn hay không được công diễn. HĐPK không nên lấn sân, cho rằng chương trình, tiết mục "hay" hay "không hay" mà chỉ góp ý với người chỉ đạo nghệ thuật của chương trình và cấp quản lý sẽ có ý kiến với các đơn vị nghệ thuật. Nếu không, các đơn vị nghệ thuật sẽ bị "một cổ đôi tròng". Hiện nay, nhiều lúc các đơn vị không biết nghe ai góp ý từ HĐPK. Ví dụ tại Hà Nội, "ông" giao hưởng có mặt trong HĐPK để duyệt các vở sân khấu, "ông" sân khấu, PA25 lại duyệt nhạc nhẹ... Về ca nhạc nhẹ, cứ mỗi lần duyệt là "ông" giao hưởng được dịp tha hồ hành tội dân nhạc nhẹ. Tôi đề nghị nếu còn tổ chức duyệt, nên tiến hành kiểu chuyên sâu, lĩnh vực nào chuyên viên đó thẩm định. Và cũng không cần thiết phải duyệt từ A đến Z... Về việc quy định chương trình phải được duyệt trước, có nơi 3 - 7 ngày, tôi cho rằng cung cách như thế không tạo điều kiện cho các đơn vị nghệ thuật. Kinh nghiệm cho thấy, 10 giờ sáng duyệt, đến 20 giờ cùng ngày cho diễn là được. Đối với các đoàn nước ngoài có nên tổ chức duyệt không? Tôi dẫn đoàn đi khắp thế giới, không nơi nào duyệt, kể cả CHDCND Triều Tiên. Tôi hoạt động trong lĩnh vực ca múa nhạc từ năm 1966, ngày xưa biết bao chương trình, tác phẩm, phục vụ nhiệm vụ chính trị lẫn đối ngoại, có thẩm định gì đâu? Dòng chảy nghệ thuật vẫn phát triển, ai làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vài năm gần đây phát sinh HĐPK (Cục đã giải tán HĐ duyệt của Cục, chỉ còn ở các sở), các đơn vị nghệ thuật vì muốn cầm trong tay tấm giấy phép nên rất sợ HĐPK, vô hình trung từ chức năng tư vấn cho sở, HĐPK trở thành một bộ phận có quyền lực. Tóm lại tôi đề nghị duyệt trên giấy, đơn vị tổ chức chịu trách nhiệm hậu kiểm. Ông Thanh Hải (Giám đốc Công ty MFC): "Khó khăn lớn cho doanh nghiệp là chương trình phải phúc khảo trước 2 ngày, và theo yêu cầu của HĐPK là từ sân khấu âm thanh, ánh sáng thiết kế, diễn viên, trang phục... phải hoàn chỉnh. Điều này rất khó trong điều kiện chung hiện nay, do nhiều yếu tố như: địa điểm, thời gian dẫn đến tăng chi phí, diễn viên đi diễn xa chưa về kịp, chưa kể có khi mấy chương trình lớn cùng thời điểm... Thực tế là hầu như chương trình nào cũng phải đến ngày diễn mới có thể chăm chút cho hoàn chỉnh, vì bao giờ cũng có nhiều phát sinh từ trên ý tưởng đến dàn dựng, nhất là về thiết kế. Chúng tôi thấy không cần thiết phúc khảo với những ca khúc đã được cho phép phát hành trên CD, DVD hay đã biểu diễn nhiều lần, kể cả trên truyền hình, phát thanh. Một điều mà chúng tôi quan sát khi phúc khảo, tất cả ca sĩ, diễn viên... đều căng thẳng như trước một cuộc thi tuyển, biểu diễn thiếu diễn cảm, hết sức đối phó cho xong nhiệm vụ, khó hiện thực hóa ý muốn phúc khảo của hội đồng. Sân khấu chỉ thực sự là sân khấu khi diễn viên đứng trước khán giả, có giao lưu, tràn ngập tiếng vỗ tay, ánh sáng..., tất cả điều đó sẽ cộng hưởng cho nghệ sĩ biểu diễn. Chính điều đó lại làm cho buổi biểu diễn thực khác xa với buổi phúc khảo. Hơn nữa nghệ thuật là sự cảm nhận, nên sẽ khó có một chuẩn mực thế nào là hay là đẹp... Các đơn vị tổ chức chuyên nghiệp lại luôn giữ uy tín cho thương hiệu của mình. Nếu có phúc khảo, theo chúng tôi: Duyệt ý tưởng và nội dung chương trình trên hồ sơ xin phép và duyệt maquette trên bản vẽ. Nếu đơn vị nào thực hiện không đúng như hồ sơ xin phép thì sở sẽ có biện pháp xử lý sau khi hậu kiểm như phạt, rút giấy phép,... theo đúng luật định. Hải Ninh - Thu Hồng - Dạ Ly
|
|
thẩm luận văn hoá |
|