vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

 



 

 


Thành cổ Hà Nội - những dấu ấn lịch sử

Trong khu vực Cấm thành mà Bộ Quốc phòng vừa bàn giao cho TP Hà Nội cuối tháng tư vừa qua, không chỉ có những di tích quý giá từ thời Lý, Trần, Lê nghìn năm trước, mà còn có những di tích quan trọng của thời đại Hồ Chí Minh, cần được quan tâm gìn giữ.

Rồng đá trước nền Điện Kính Thiên.

Thành cổ Hà Nội qua những thăng trầm lịch sử 

Năm 1010, sau khi lên ngôi vua, Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đổi tên là Thăng Long. Thực hiện Chiếu chỉ của triều đình, nhân dân Thăng Long đã tham gia đắp đất, xây thành.

Ngay từ đầu, thành Thăng Long được chia thành hai phần: Hoàng thành và Kinh thành, trong đó Hoàng thành nằm trong lòng Kinh thành-là nơi Vua ở và làm việc của Triều đình. Trong Hoàng thành lại ngăn thành một nơi gọi là Cấm thành, có tường xây kiên cố và bảo vệ nghiêm ngặt, thời Lý gọi là Long thành, thời Trần gọi là Long Phượng thành.

Trong Hoàng thành các đời vua đều cho xây dựng những cung điện nguy nga, tráng lệ. Ngoài ra, các Vua Lý còn cho đắp nhiều ngọn núi đất trong đó có nơi trở thành danh thắng như núi Nùng, núi Thái Hòa…

Dưới thời nhà Lý, ngoài những đợt xây dựng quy mô lớn vào các năm 1011, 1029, 1203 Hoàng thành thường xuyên được tu sửa, xây mới hầu như đời vua nào cũng làm, năm nào cũng làm.


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
    Bản đồ thành cổ Hà Nội.

Kinh thành Thăng Long thời Lê vẫn là kinh thành Thăng Long thời Lý, Trần… những công trình cũ đã hư hại thì được sửa chữa lại, công trình nào bị phá hủy thì được xây mới, tất cả đều mang đặc điểm, phong cách kiến trúc, mỹ thuật thời Lê.

Các vua thời Lê cho mở rộng Hoàng thành vào các năm 1473, 1490, 1514.

Chính giữa Hoàng thành là điện Kính Thiên xây dựng năm 1428, là nơi Vua cùng triều thần bàn việc nước. Bên phải điện Kính Thiên là điện Chí Kính, phía sau chếch về bên trái là điện Vạn Thọ. Trước điện Kính Thiên là điện Thị Triều-nơi quan lại chuẩn bị vào chầu Vua. Phía ngoài điện Thị Triều là Đoan Môn có hai cửa Đông Tràng An và Tây Tràng An ở hai bên ăn thông ra hai hướng đông và tây trong Hoàng thành.

Sang thế kỷ XVIII, Hoàng thành bị sụt lở nhiều, khi nhà Tây Sơn ra Thăng Long, các cửa thành đã đổ gần hết chỉ còn lại hai cửa Đại Hưng ở phía nam và Đông Hoa ở phía đông. Nhà Nguyễn lên ngôi, Thăng Long từ vị trí Kinh đô của quốc gia trở thành trấn thành rồi tỉnh thành.

Mất vai trò trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế… các công trình trong Hoàng thành phải thay đổi quy mô.

Năm 1805, vua Gia Long lệnh phá bỏ thành cũ, xây lại theo kiến trúc của Pháp. Các công trình trong thành được bố trí kế thừa những di tích của triều đại trước: Chính giữa vẫn là điện Kính Thiên. Thềm điện Kính Thiên cao ba cấp, có chạm những con rồng bằng gỗ. Gần điện có Hành Cung là nơi Vua ngự mỗi khi kinh lý Bắc thành. Từ điện Kính Thiên đi ra là Đoan môn, cấu trúc gồm ba cửa trong đó cửa chính giữa dành cho nhà Vua, hai cửa nhỏ dành cho các quan lại. Hai đàn Xã và Tắc để tế trời đặt bên trái ngoài Đoan Môn cùng một Đình bia ghi công trạng của vua Gia Long.

Năm 1805 Vua Gia Long cho xây dựng Kỳ Đài (Cột Cờ) gần Đình bia. Để xứng tầm với một “tỉnh thành”, năm 1831 Vua Minh Mạng ra lệnh hạ thấp tường thành và đổi tên là thành Hà Nội.

Năm 1848, Vua Tự Đức cho phá dỡ các cung điện còn lại trong thành, những đồ chạm khắc mỹ thuật bằng gỗ, đá đều đưa về Huế, chỉ còn sót lại rồng đá ở điện Kính Thiên…

Qua bao thăng trầm của lịch sử, Hoàng thành đã chịu nhiều biến cố, tác động xấu đến diện mạo, quy mô các công trình kiến trúc. Phong kiến phương bắc nhiều lần tiến công cướp phá Thăng Long và để lại những hậu quả nặng nề, các công trình kiến trúc bị phá hủy, tư liệu vật thể bị cướp.

Cuối thế kỷ 13, quân Nguyên-Mông nhiều lần cướp phá Thăng Long. Sang thế kỷ XIV (năm 1371 đến 1378), quân Chiêm Thành đã bốn lần đem quân tấn công đốt phá kinh thành. Trong tình trạng hoang tàn ấy, nhà Hồ (năm 1397) lại quyết định dời đô về Thanh Hóa…

Đặc biệt trong 20 năm xâm lược, nhà Minh đã phá nát cung điện, đền chùa, bảo tháp… lấy đồng đúc vũ khí…

Khi giặc Pháp đóng chiếm trong điện Kính Thiên, củng cố tường chung quanh thành pháo đài kiên cố. Chúng cho phá điện, xây nhà chỉ huy pháo binh, Đoan Môn bị Pháp sửa biến thành trại lính…

Cuối cùng, năm 1893, thực dân Pháp lại quyết định phá bỏ toàn bộ tường thành. Trong 62 năm (từ 1892 đến 1954) đóng quân trong thành, người Pháp với tư tưởng thực dân đã biến Thành cổ Hà Nội thành một khu quân sự, một trại lính. Hầu như tất cả các công trình cổ còn lại đã bị biến thành nhà ở hoặc phá bỏ lấy đất, gạch xây các công trình quân sự, nhà ở cho các sĩ quan, binh lính, kho tàng…

Từ Hoàng thành trở thành trại lính Pháp, diện mạo kiến trúc Thành cổ đã bị phá nát gần như hoàn toàn. May mắn còn sót lại cho đến nay dấu vết của Kỳ Đài (Cột Cờ), Đoan môn, nền điện Kính Thiên, Bắc Môn thời Nguyễn vì chúng được sử dụng vào mục đích quân sự...

P.V


Theo Quân đội Nhân dân

 

   

 

thẩm luận văn hoá


 


Rồng Điện Kinh Thiên,
triều Lê, xây dựng 1428


 
  01- Tái hiện Lễ hội Nam Giao tại Festival Huế 2004.                                                  Theo Người lao động
  02- Hội đồng Thẩm định nghệ thuật... Cần đổi mới".                                                                    Tích hợp 
  03- Quản lý và bảo tồn các di sản thế giới ở Việt Nam.                                                     Đinh Như Hoan 
  04- "Bức tranh Văn hoá Sa Huỳnh đã rõ ràng hơn..."
                                                 Nguyễn Trung Hiếu 
  05-
Liên hoan Văn hóa Nghệ thuật Dân gian –  Ngàn xưa huyền diệu nét quê.             Phan Tùng Sơn 
  06- Hà Sĩ Phu, Một Trí Tuệ Việt Nam
.                                                                                      Đỗ Mạnh Tri 
  07- Thành cổ Hà Nội - những dấu ấn lịch sử.                                                                                  Sưu tầm  
  08- Cuộc chiến giữa các nền văn minh.-  
  09- Nâng Festival Huế lên một tầm cao mới.                                  Ngọc Thảo Nguyên - Bùi Ngọc Long
  10-
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh học giả Đào Duy Anh.                                                       Trần Hữu Tá

vhvt-10
Trở lại trang chính