vhvt |
tự do tư tưởng và sáng tạo |
văn hóa |
|
Kính thưa Quý vị và các Bạn, Như chúng ta đều biết, từ năm 1988, với bài Dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ, Hà Sĩ Phu được dư luận trong nước, ngoài nước đặc biệt chú ý. Và đương nhiên, cũng được chính quyền đặc biệt "chiếu cố". Theo nhận xét của Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu có "tư duy khúc chiết, chính xác, đầy tính chất toán học". Đọc Dắt tay nhau... rồi đọc Đôi điều suy nghĩ của một công dân và Chia tay ý thức hệ, hay Thằng Bờm, Biện chứng và Nguỵ biện trong công cuộc đổi mới, dù không phải là nhà khoa học như Nguyễn Thanh Giang, và dù đồng ý hay không đồng ý với Hà Sĩ Phu, ai cũng phải cảm phục lối lý luận chặt chẽ, cao thâm của tác giả. Nhưng lý luận ở đây lại được trình bày bằng một văn phong độc đáo. Mà văn là người. Văn mới là người. Người Hà Sĩ Phu trước hết là một tấm lòng. Anh suy tư bằng khối óc, nhưng nói bằng trái tim, nói từ trái tim. Trí tuệ trong những bài viết ngắn, dài của anh, quan trọng ở chữ "tuệ". Tuệ như đuốc tuệ. Nhắc tới Hà Sĩ Phu như một trí tuệ Việt Nam, tôi muốn nói về Hà Sĩ Phu như một tấm lòng. Hà Sĩ Phu trước hết là một tấm lòng. Tấm lòng ấy bàng bạc trong những bài tiểu luận, nhưng kín đáo. Vì lý luận khoa học thượng tôn lý trí và thực tại khách quan nên người đọc nhiều khi thấy rõ cái trí mà không nhìn ra cái tâm của tác giả. Ngược lại, trong thơ văn, tâm không bị kiềm chế. Trí có can thiệp cũng chỉ là nhằm tước bỏ những gì dư thừa, quá trớn khiến cho tâm biểu lộ rõ ràng hơn, trong sáng hơn. Tập Sáng Trăng (1) vừa xuất bản, đặc biệt với gần một trăm bài thơ dài ngắn, thường là ngắn, có khi rất ngắn hướng dẫn người đọc vào cõi tâm của Hà Sĩ Phu (mà vì thế, là một bổ túc cần thiết cho những bài viết có tính cách lý luận của anh). Nỗi đau đời. Hà Sĩ Phu thích văn thơ: "từ nhỏ đã nhiều phen ngứa ngáy đôi dòng", như chính anh thú nhận. Tại sao vậy? Câu trả lời nằm trong những bài thơ-chân dung, những bài thơ trong đó tác giả như vẽ chân dung tâm hồn mình. Thí dụ: Hành Trang (2) ...Hành trang đó theo anh từng bước Có thơ vì mẹ đau, đời đau. Đời đau, nên đau đời. Tâm trạng này, ngày xưa gọi là ưu thời mẫn thế. Ngày nay gọi là có tình, tình người. Có tình với người. Có tình với chất người của người, nơi người, nơi mình. Montaigne, một văn hào rất nhậy cảm về sự đa dạng, khác biệt, dị biệt, mâu thuẫn giữa người với người, giữa từng người với chính mình, nhưng cũng nhận ra rằng "chaque homme porte en lui un exemplaire de l’humaine nature / mỗi người mang trong mình một bản người". Nhân bản. Hà Sĩ Phu cũng nghĩ như Montaigne thôi, nhưng một cách rất Việt Nam : Hạt mưa (3) Phải chăng đi khắp đó đây Đã là người thì đâu đâu cũng thế, thời nào cũng vậy: mang tính chất người. Cộng sản hay quốc gia, đen vàng trắng đỏ, thánh hay tặc...: người cả. Nhưng người gặp người không tất yếu. Thế mới có chuyện. Mấy ai sống hết với mình để gặp được mình, được người, nói gì gặp được chúng sinh muôn loài? Người cũng tự làm nhục mình, tự xỉ vả mình nhiều lắm. Chỉ có những người như hạt mưa mang nặng đất trời mới thấm thía nỗi đời vô biên. Mà đã thấm thía nỗi đời vô biên thì không thể không đau đời. Nếu Đất Nước bình thường... 1- Vậy nếu đất nước bình thường, hẳn Hà Sĩ Phu đã tìm được nhiều thú vui nghề nghiệp trong công trình nghiên cứu khoa học, và chắc chắn anh cũng cứ ngứa ngáy thơ, văn để vui buồn thế sự. Anh tâm sự trong Mấy Lời Cùng Bè Bạn ngay ở đầu tập sách: Trò chơi mà, ăn bổng ăn giải gì mà lo. Dĩ nhiên, Hà Sĩ Phu không viết để được vào Hội Nhà văn. Anh cũng chẳng viết để thành danh. Văn thơ đối với anh là một trò chơi. Nhưng đừng tưởng Hà Sĩ Phu nói chơi. Anh nói thật đó. Văn chương là một trò chơi, vì đời là một trò chơi. Trò chơi của con (trẻ) Tạo mà. Trò chơi "đầy mộng, đầy thơ, đầy tuyệt vọng" (Hàn Mạc Tử). Đời thật đẹp. Đời cũng là một trò chơi đầy sát khí, điên rồ; trò chơi chết người, trò chơi giết người (mà có ai không chết nhỉ, có gì không mai một?). Hài hay bi? Cười hay khóc? Không gì vui bằng hề. Không gì buồn như hề. (Có khi không gì hề bằng hề khi làm hề mà không biết mình làm hề). Vâng, cười hay khóc? Tùy cái tạng của mỗi người. Và nơi mỗi người cũng còn tùy nơi, tùy lúc. 2- Nếu đất nước bình thương, nếu cuộc đời chỉ là trò chơi muôn thuở, thì chắc chắn Hà Sĩ Phu cũng đủ chất liệu cho mộng mơ nuối tiếc. Vài thí dụ : Ôi mùa thu cũ cứ thơ ngây Cứ thắm như tà áo vẫn bay Cứ ngát bông cau mềm bóng liễu Nhưng không trở lại... thế gian này... (4) Những mùa Thu qua có bao giờ trở lại! Nhưng qua đi, những mùa Thu vẫn nằm nguyên trong bộ nhớ. Năm tháng trôi đi, ta ở lại. Ở lại với trí nhớ mơ về dĩ vãng và thêu dệt tương lai. Có điều, ta ở lại nhưng biết mình rồi cũng qua đi. Khi còn là sinh viên bên Tiệp Khắc, Hà Sĩ Phu đã có lúc giật mình: Một mình không ngủ đã buồn tênh Trăng gió sông Ngân cứ giỡn tình Tóc bạc lại thêm nhiều đấy nhỉ Như trăm tên trắng doạ đầu xanh (5) Ta cũng qua đi. Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Chưa chừng, chỉ có cái qua đi là không qua đi, và mùa thu không trở lại thế gian này biết đâu chẳng gợi nhớ một mùa thu vĩnh cửu : ... Đất trời chín nắng mười mưa Mà nàng giặt lụa hồ thu chẳng già (6) 3- Nếu đất nước bình thường, thơ văn Hà Sĩ Phu cũng nói lên những bất mãn thường tình của một tâm hồn trong sáng trước những cảnh nhiễu nhương ngoài xã hội : ... Kinh kỳ nhộn nhạo những bon chen Nhố nhăng một lụ đồ không dạy Nhâng nháo bao nhiêu kẻ có quyền Nhà thơ hết gạo thành nhem nhuốc Thầy giáo không tiền bỗng nhỏ nhen ... (7) Nhưng Đất Nước mình không bình thường! Nên trò chơi văn chương bó buộc phải lên một bậc. Tôi tò mò về cái tên sách: Sáng Trăng. Tại sao "Sáng trăng"? Lật tới trang 13, gặp bài Sáng Trăng. Chú ý mấy lời đề tặng (coi chừng lối chơi chữ của Hà Sĩ Phu): (Lấy Ca dao bái tặng nữ sĩ Xuân Hương và...)*. Thế rồi hoa thị lại gửi xuống cuối trang thế này: *(... và những bông sen trong bùn, ngát Hương muôn thuở). Ca dao, Hồ Xuân Hương, Sen trong bùn. Ca dao Việt Nam khi tình tự thì đậm đà thắm thiết, nhưng lúc châm biếm, trào lộng thì Voltaire cũng phải chào thua (8). Bên cạnh ca dao: Hồ Xuân Hương. Nhưng Hà Sĩ Phu biến thành Xuân Hương... để Hương Xuân nhắc nhở người đọc những cánh Sen trong bùn lầy của một đất nước đã bị bọn đầu tư thiên đàng nào đó chiếm hữu. Bài thơ rất ngắn, dài hơn lời đề tặng có 8 chữ: Tình bằng vỗ cái... lá đa Giữa đêm vằng vặc chém cha sự đời Hỏi em, em bảo tối trời Ngứa tay... vuốt... ngược những lời thế gian. (2003) Không phải nhân lúc tối trời, chính vì tối trời nên vuốt... ngược. Này nhá: tối trời nhưng là đêm vằng vặc. Giữa đêm vằng vặc thì chẳng có gì che giấu được. Càng che giấu càng lạy ông tôi ở bụi này. Nhưng tại sao vuốt ngược? Thưa, vuốt ngược vì ngứa tay. Vuốt ngược thực ra là vuốt xuôi. Thi sĩ ngược đời vì đời ngược. Phải cất tiếng cho đời xuôi. Có Thơ Tay Trái (9) vì tại đất nước mình cái gì cũng trái khoáy, phải trái lộn sòng, nói theo kiểu Hà Sĩ Phu. Cái gì cũng "trái tay" cả, nên mới "vẽ lộn đất trời / Cho điều phải trái trên đời được minh". Có kẻ sẽ đặt nghi vấn : đời này tranh tối tranh sáng, biết đâu phải, biết đâu trái? Nghe có lý. Nhưng "Đời dẫu muôn phức tạp / Cũng hai màu trắng đen" (10) . Đừng vin cớ ánh sáng pha lẫn bóng tối mà bào chữa cho những lương tâm co giãn. Tệ hơn, đừng tự lừa dối mà "Phê bình một tý, ra điều tiết tháo" (11). Hay ho gì những kẻ (như chú cua) "chỉ bò mà được tiếng ngang" (12). Nửa thế kỷ sau Điện Biên Phủ, trắng đen về cái chế độ một ngàn lần dân chủ, về cái "đỉnh cao của trí tuệ" chuyên môn phản lại trí tuệ, quá rõ ràng. Thơ văn trong tập Sáng Trăng cũng quá đầy đủ để vẽ nên cảnh ngộ suy tàn của đất nước. Điều đáng nói: Sáng Trăng chính là tia sáng tác giả muốn chắt chiu và nếu cần, thắp lên nơi chính chúng ta, kể cả nơi những người đang dày xéo đất nước. Để dưỡng nuôi hy vọng. Bùi Tín đã chưng ra Mặt Thật của Mây mù Thế Kỷ. Vũ Thư Hiên đã tố giác cái Đêm Giữa Ban Ngày... Khi đêm đen của ngu dốt, của đểu cáng ti tiện, của tội ác... trùm lên giữa thanh thiên bạch nhật thì, ngay trong cái đen của đêm đen ấy loé lên những vì sao, những ánh trăng vằng vặc. Khi áp bức tràn lan, chính là lúc tự do con người biểu lộ. Mãnh liệt. Kiên vững. Như Sen trong bùn, như Hương của mùa Xuân muôn thuở. Những người tự do nhất, tự do thực sự tại Việt Nam lúc này là những Dương Thu Hương, những Bùi Minh Quốc, những Hà Sĩ Phu, những Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Ngọc Huy, Hoàng Minh Chính, Hoàng Tiến, Phạm Quế Dương, Nguyễn Vũ Bình... Nguyễn Hộ, Chân Tín, Thích Quảng Độ, Nguyễn Văn Lý, Lê Quang Liêm... Dù ngồi tù, bị quản chế hay bị theo dõi, họ là những tia sáng không một đêm đen nào của bạo lực có thể dập tắt. Hà Sĩ Phu trong B14 Hà Nội vẫn "một tấm lòng sau trước thảnh thơi", anh Tự Đắc Cái thú trong tù dễ mấy ai Thâm nghiêm cửa đóng với then cài Cửa nhà dân dựng tha hồ ở Cơm nước trên ban mặc sức xài Cầu tiêu một hố kề bên nách Giường đá hai bên vững tựa ngai "Mời ra làm viêc", khi nghe gọi Tưởng tiếng non sông gọi tướng tài Nói chuyện với cửa lim Tính tự do sinh thời phong kiến Chẳng trước thì sau tớ cũng tù Nhưng đàng ấy ở rừng Hiên ngang tứ thiết Cũng vào đây ư? Lim bảo Nếu trời không bắt thế Sao gặp Hà Sĩ Phu? Té ra Hà Sĩ Phu là một trong những nhân vật khó gặp nhất tại Việt Nam! Hiên ngang tứ thiết như Lim mà còn phải có duyên lắm mới được kiến diện, chứng tỏ con người ấy là một quý nhân hiếm có trên đời. Tự giỡn như vậy, sao lại hiện thực quá. Nhưng trong tù, Hà Sĩ Phu không chỉ tự giỡn. Hình như nhà tù khiến anh sâu lắng: Đêm Nô en anh nhớ nhà. Dễ hiểu. Nhưng nhớ nhà, anh "nhớ người sinh trên máng cỏ / Lại nhớ về Thích Ca / Nhớ Lão Trang Khổng Mạnh / Các Mác và Ala... Rồi suy niệm: Chân lý như Đức Mẹ Hư thực ở lòng ta Rộng hẹp không bờ bến Đồng trinh vẫn nguyên vẹn Để anh vào anh ra ... Lương tâm vác thánh giá Trí tuệ vào nhà pha. ... (13) Chân lý, thực hư, nhà pha, thánh giá... và bài sau đây : Lời Phật Cho con trải một lần tù Để con tròn một kiếp tu với đời Kiếp người đau thế con ơi Mỗi dòng con viết lệ rơi mấy lần? Viết đi cho sạch nợ trần Lâng lâng đuốc tuệ soi chân con về! (14) Về đâu?! Với mấy vần thơ trên, Hà Sĩ Phu đã vượt qua tiếng cười tiếng khóc. Đọc lên, tưởng chừng anh đã thoát sang "bên kia bờ ảo vọng" (chữ của Dương Thu Hương), quên chuyện đất nước, tìm thanh thản, có lẽ tìm ủi an, trong vùng trời mênh mang của Đạo giáo, của Tôn giáo, của Chân Lý chữ hoa? Đúng. Có thoát. Nhưng không trốn thoát. Thoát để mở rộng tầm nhìn. Vì (xin nhắc lại) có "đi khắp đó đây", mới "gặp được ngay chính mình". Có khắc khoải kiếp người và mở ra vô tận của "nỗi đời vô biên", mới nhìn ra cái kề cận ngay sát nách. Nói tắt: có biết quên mới biết nhớ. Có "quên đi chuyện non nước mình" (Trịnh Công Sơn) mới trút bỏ được những tranh chấp nhỏ nhen, vị kỷ, những hận thù đục khoét tâm can, những hoài bão huyễn hoặc ru ngủ tri thức; mới giữ được "tấm lòng sau trước thảnh thơi" để nhìn đời, nhìn người và nhìn ra quê hương đất nước. Hà Sĩ Phu phê bình chế độ, Hà Sĩ Phu phê phán học thuyết mác-xít. Nhưng từ một góc độ vượt xa chính trị và dĩ nhiên hoàn toàn xa lạ với những con người chỉ hiểu được ngôn ngữ của Quyền và Lợi. Nơi anh, có gì thật cũ. Cũ, không phải cũ kỹ. Cũ, nhưng tung tăng như trong nhà mình giữa những gì mới nhất, tân tiến nhất của thời đại. Cũ như ca dao, như lời ru của mẹ, như tiếng cười dân gian. Cũ như cái phần sinh động của truyền thống Dân tộc, mặc dầu muôn vàn xáo trộn và đổi thay, chẳng những không mai một, mà còn giúp đi vào thời đại những bước thảnh thơi. Đọc Hà Sĩ Phu, rồi nghiền ngẫm Hà Sĩ Phu, chúng ta càng thêm tin tưởng vào Đất nước và con người Viet nam. Nếu không sợ đụng chạm đến lòng khiêm tốn của anh, ta có thể coi anh như biểu tượng thân thương của Trí Tuệ Việt Nam. Một mần nữa, xin được ấn mạnh chữ Tuệ. Xin cảm ơn Quý Vị và các Bạn.
Đỗ Mạnh Tri. Paris 26. 04. 2004. 1- Đây là một tuyển tập gồm một số thơ, văn, câu đối cùng với lời bình của nhà thơ Bùi Minh Quốc và của TS Nguyễn Thanh Giang. Cánh Én xuất bản đầu năm 2004. 2- 1987, ST tr.51 (có bài ghi thời điểm sáng tác, nhưng củng có bài không ghi gì) 3- 1987, ST tr.16 4- Bài Mùa thu không trở lại, 1983, tr. 19 5- Bài Hai Bài thơ làm ở Tiệp Khắc, 1979, tr.11 6- Bài Thu Vĩnh Cửu 1990, tr. 20 7- Bài Nhộn nhạo Kinh kỳ, 1986, tr. 21 8- Ngoài 3 bài Ca dao 1, Ca dao 2, Ca dao 3, còn nhiều bài thơ khác trong tập cũng mang dáng dấp ca dao. Thơ của Hà Sĩ Phu thuộc loại thơ có vần. Khác hẳn "thơ mới". Nhưng ý thơ lại hoàn toàn hiện đại. 9- Tháng 5.88, tr. 29 10- Bài Phấn Trắng, tr. 52. 11- Bài Hai nửa chân dung, tr. 27 12- Bài Con Cua 2, tr. 38. 13- Bài Nơ en trong tù 1995 tr. 67. 14- B14, 7, 1996. Tr.68.
|
|
thẩm luận văn hoá |
|