vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  văn hóa



 

 

 

"Bức tranh Văn hoá Sa Huỳnh đã rõ ràng hơn..."

Nguyễn Trung Hiếu

Tồn tại gần như đồng thời với Văn hoá Đông Sơn (phía bắc), ở miền Trung, Văn hoá Sa Huỳnh (VHSH) được giới khảo cổ VN và nước ngoài phát hiện từ hơn 40 năm trước đây. Tháng 4 vừa qua, một nhóm 10 nhà khoa học, khảo cổ Đức - Việt phối hợp đã tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ Lai Nghi ở Điện Bàn (Quảng Nam). Kết hợp với hai đợt tiến hành năm trước, bức tranh VHSH đã rõ ràng và sinh động hơn.

Thám sát, khai quật và... tắc
 

Di vật con chim nước
hiếm có, được chế tác
rất tinh xảo.

Từ trước năm 1975, các nhà khoa học đã phát hiện ở vùng Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) một di chỉ chứng minh tại đây đã từng tồn tại một nền văn hoá phát triển đồng thời với văn hoá Đông Sơn ở phía bắc, OÁc Eo ở miền Nam có niên đại cách đây ít nhất từ 2.400 - 3.000 năm. Di vật tìm thấy là đồ tuỳ táng chôn theo người chết được hoả táng, đặt trong các mộ chum bằng đất nung và chưa xác định được chủ nhân, vì vậy giới khảo cổ tạm gọi đó là nền VHSH, đồng thời do hầu hết các di chỉ đều là mộ táng, lại tập trung ở vùng duyên hải nên đoán định rằng chủ nhân của chúng cư trú tại các hòn đảo trên Thái Bình Dương, có tục hoả táng và chôn ở đất liền.

Do hoàn cảnh chiến tranh, những phát hiện về VHSH cũng chỉ dừng lại đó. Riêng tại Quảng Nam, từ những năm sau 1985, Viện Khảo cổ học VN kết hợp với Bảo tàng Quảng Nam đã đưa lên từ trong lòng đất những kho tàng khảo cổ có liên quan đến VHSH từ vùng duyên hải lên đến miền núi, và đặc biệt xuất hiện với tần suất dày đặc ở Hội An, Điện Bàn.

 

TS Andreas Reinecke và
TS Lâm Thị Mỹ Dung xử lý
một mộ chum.

Năm 1993-1995 với sự tài trợ của Tổ chức Toyota Foundation (Nhật Bản), Đại học Tổng hợp Hà Nội đã thực hiện một cuộc khai quật khảo cổ lớn tại Hội An. Phạm vi khảo cổ trên bình diện 70km2, kéo dài dọc theo sông Thu Bồn. Kết quả có ý nghĩa là ở đâu có dấu vết VHSH thì nơi đó có vết tích của VH Chăm Pa. Có thể nhận định đã có sự kế thừa nào đó về mặt địa lý giữa cư dân hai nền văn hoá...

Ngoài ra với sự kiện tìm thấy 2 đồng tiền Ngũ Thù, Vương Mãng niên đại thế kỷ 1, 2 trước công nguyên, cùng các loại gốm văn in hình học kiểu Hán Hoa Nam tại Hậu Xá, xác định một quan hệ giao lưu giữa chủ nhân VHSH với bên ngoài, đồng thời nhiều hiện vật cũng cho thấy thấp thoáng những di chỉ cư trú nằm cùng tầng văn hoá với VHSH... Tuy vậy với chừng đó chưa thể xác nhận được chủ nhân VHSH từ đâu đến; có quan hệ kế thừa gì không với Vương quốc Lâm Âập (Chăm Pa) cổ đại sau này? Và đó cũng là lý do sự có mặt của Viện Khảo cổ học Quốc gia Đức cùng Đại học QG Hà Nội tại di chỉ khảo cổ Lai Nghi - vùng giáp ranh với Hội An.

Có một "trung tâm thương mại" Hội An cổ đại
 

Hai chiếc bình gốm lạ được
tìm thấy tại Lai Nghi.

Tiến sĩ Andreas Reinecke, Trưởng đoàn khai quật Viện Khảo cổ chung và so sánh thuộc Viện Khảo cổ học QG Đức cho biết, kết quả thu được từ cuộc khảo cổ tại Lai Nghi rất lớn và có ý nghĩa rất quan trọng. Trong ba đợt đào khảo cổ, phát hiện khoảng 40 địa điểm có VHSH, phát hiện 62 mẫu mộ chum và mộ đất, cùng hơn 10.000 di vật có giá trị, trong đó số hạt cườm trang sức nhiều chưa từng có từ trước đến nay với 200 loại hạt chuỗi, chế tác bằng 5 loại đá khác nhau; giá trị là hai mề đay (medal) bằng đá đỏ hình chim nước và hổ chế tác rất tinh xảo, lần đầu tiên được tìm thấy tại các di chỉ ở Đông Nam Á.

Giá trị nữa là 5 bộ đồ đồng (2 gương soi thời Hán), khuyên tai vàng chưa bao giờ tìm được ở VN (di chỉ giồng Cá Vồ có, nhưng loại nhỏ, có hình dáng khác) Nhiều loại trong đó chứng tỏ rằng nghề tiểu thủ công của cư dân vùng này rất phát triển. Ví dụ hai chiếc lọ gốm gần như nguyên vẹn được trang trí hoa văn tia mặt trời (thường thấy trên mặt trống đồng Đông Sơn - NV) lạ mắt, rất đẹp bằng ba màu đỏ đen và trắng, gần như chưa từng phát hiện từ trước đến nay tại các hố khai quật VHSH ... Những gì tìm được tại đây, có thể khẳng định rằng Lai Nghi sẽ là một trung tâm khảo cổ lớn nhất về VHSH của VN.

´ Kết quả sơ bộ cho thấy có thể hiện gì kế thừa giữa chủ nhân VHSH với VH Chăm Pa không?

A.Reinecke: "Chưa có gì xác nhận có một mối liên hệ giữa Sa Huỳnh muộn với Chăm Pa sớm, nhưng khả năng đã có một bộ phận cư dân VHSH tiếp tục sống và phát triển trong VH Chăm Pa. Lúc này chúng tôi chưa có điều kiện so sánh giữa hai nền văn hoá này. Có một điều chắn chắn, qua sự tương đồng của một số hiện vật tìm thấy tại đây với di chỉ tại một số hòn đảo trên vùng biển Đông Nam Á (ví dụ khuyên tai ba mấu và hai đầu thú) thì  2.500 năm trước đã có một số nhỏ cư dân từ đó đến miền Trung VN.

Tuy vậy phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ này hầu hết là di chỉ mộ táng niên đại 300 năm sau công nguyên đến TK 2 trước CN. Có 3 di chỉ cư trú, nhưng chưa có niên đại chắc chắn, do vậy chưa thể coi đó là của VHSH. Có thể thời kỳ này người ta làm nhà bằng tranh tre, gỗ nên không để lại vết tích. Quan trọng hơn cả qua những hiện vật tìm được có thể nói rằng trong thời kỳ này, Hội An đã là một trung tâm kinh tế lớn thu hút từ vùng núi dọc sông Thu Bồn, xuống duyên hải, từ VH Đông Sơn và từ Trung Hoa đến Ấn Độ.

´ Như vậy lần này thông tin có gì khác so với những gì các nhà khảo cổ trước đây đã làm?

- Quy mô công việc và kết quả thu được lần này là rất lớn. Chúng tôi đang tiếp tục so sánh, đối chiếu để tìm ra những bí ẩn ẩn chứa sau những di vật khai quật. Thế nhưng từ đây bức tranh về nền VHSH và cư dân của nó tại miền Trung VN đã rõ ràng và sinh động hơn

 

   

 

thẩm luận văn hoá


 


Rồng Điện Kinh Thiên,
triều Lê, xây dựng 1428


 
  01- Tái hiện Lễ hội Nam Giao tại Festival Huế 2004.                                                  Theo Người lao động
  02- Hội đồng Thẩm định nghệ thuật... Cần đổi mới".                                                                    Tích hợp 
  03- Quản lý và bảo tồn các di sản thế giới ở Việt Nam.                                                     Đinh Như Hoan 
  04- "Bức tranh Văn hoá Sa Huỳnh đã rõ ràng hơn..."
                                                 Nguyễn Trung Hiếu 
  05-
Liên hoan Văn hóa Nghệ thuật Dân gian –  Ngàn xưa huyền diệu nét quê.             Phan Tùng Sơn 
  06- Hà Sĩ Phu, Một Trí Tuệ Việt Nam
.                                                                                      Đỗ Mạnh Tri 
  07- Thành cổ Hà Nội - những dấu ấn lịch sử.                                                                                  Sưu tầm  
  08- Cuộc chiến giữa các nền văn minh.-  
  09- Nâng Festival Huế lên một tầm cao mới.                                  Ngọc Thảo Nguyên - Bùi Ngọc Long
  10-
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh học giả Đào Duy Anh.                                                       Trần Hữu Tá

vhvt-10
Trở lại trang chính