vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  bàn luận



 

 


Cú điện thoại của nhà thơ Trần Mạnh Hảo
Vương Văn Quang

Chiều ngày 24.4.2004. Trời Sài Gòn nóng bức ngột ngạt. Ði làm về, tôi thấy mọi người trong gia đình gồm: bố vợ, mẹ vợ và vợ tôi, ai nấy đều run rẩy sợ sệt, mặt xám ngoét cắt không ra giọt máu. Tôi gặng hỏi tới lần thứ ba, mọi người mới kể: Có một ông tự xưng là nhà thơ, nhà báo, nhà văn tìm tới nhà yêu cầu bố vợ tôi xuất trình chứng minh thư nhân dân, và bảo rằng, ông Vương Văn Quang đã viết bài trên báo Ngày Nay, "nói láo"... "chửi"... "phản động"..., rằng sẽ có chính quyền, công an tới xử lí v.v. Tôi hỏi, ông ta tên gì? Mọi người trong nhà bảo, ông ta giới thiệu tên là Trần Mạnh Hảo (TMH) và đưa ra rất nhiều loại thẻ. Ông ta có hẹn lát nữa sẽ gọi điện lại (vì gia đình cho ông ta biết là tác giả thật sự hiện không có nhà). Tôi giật mình, vội vàng lấy tờ Ngày Nay số 8, ra ngày 15.4.2004, đọc lại bài Thử trò truyện với hoa thuỷ tiên để tìm hiểu thể loại văn học gãi ngứa và hội chứng chửi có thưởng, xem có câu nào là "phản động". Sau nửa tiếng soi kĩ lưỡng bài viết của chính mình, tôi không thấy một câu chữ nào tỏ ra là "phản động". Vậy nhà thơ TMH, một tên tuổi lớn, tìm tới tận nhà tôi để lớn tiếng vì lí do gì nhỉ?

Tôi bỏ vào đi tắm. Khi tôi đang tắm, chuông điện thoại đổ hai lần. Cả nhà tôi lấm lét nhìn nhau, không ai dám nhấc máy. Mọi người gọi tôi ra cầm máy, thế là tôi phải vội vàng quấn chiếc khăn tắm chạy ra. Giời ạ! Một lần là người ta nhầm số, một lần là ông tổ trưởng dân phố gọi để nhắc treo cờ trong dịp lễ và bầu cử. Tôi tắm xong chừng nửa tiếng thì thật vinh hạnh, nhà thơ TMH đã gọi tới.

Ðây là lần đầu tiên được nói chuyện trực tiếp với một nhà thơ lớn, nên tôi không khỏi hồi hộp. Sau khi giới thiệu, giao đãi, ông TMH lớn tiếng: "Tại sao anh dám chửi tôi?"

Ô hay, tôi có chửi bới gì đâu nhỉ? Cái nhà bác này... Nghĩ thế nên tôi bảo: "Bác cứ đùa, nào em có dám chửi ai. Bác thích chửi nên bác cứ hay dùng cái từ đó."

Nói đến đây, tôi chợt nhớ ra rằng, trong giới phê bình văn chương ở ta, khi viết phê bình hoặc trao đổi họ hay dùng từ "đánh" hoặc "chửi". Là kẻ ngoại đạo, nên tôi rất dị ứng với những từ ngữ đầy bạo lực ấy. Vẫn với giọng hùng hồn, đanh thép, ông TMH nói tiếp: "Anh có biết thằng Nguyễn Huy Thiệp (NHT) là thằng phản động không? Nó đã phát biểu bêu riếu cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc ta."

Chết rồi, tôi thấy vấn đề có vẻ trầm trọng đây. Tôi bảo: "Thưa bác nhà thơ, em chỉ biết NHT qua tác phẩm của ông ta, còn việc ông ấy phản động hay ông ấy đua xe hoặc ông ấy đánh bạc ... em không quan tâm lắm."

Ông TMH: "Cậu không biết NHT là người thế nào mà tại sao cậu lại dám viết!" Tôi thưa rằng: "Em viết về văn chương NHT, là cái em biết, và em phát biểu quan điểm của em trên cơ sở em cảm nhận hai bài viết: bài của bác trên Văn Nghệ bài của NHT trên Ngày Nay. Theo em thì như thế không thể gọi là phản động."

Lúc này, nhà thơ Trần có chùng giọng xuống. Ông bảo: "Tôi gần bằng tuổi bố vợ cậu, tôi là một người lính chiến, tôi đã từng ... đã là... đã bị..." Thật lạ, khi nhà thơ TMH chùng giọng thì tôi lại cảm thấy bực tức. Tôi nói: "Em biết tuổi của bác, em cũng biết bác đã từng... đã là v.v. Xin thưa với bác, rằng ở tuổi như bác và cả tuổi em, dân Việt Nam ta thật ít người chưa từng là lính. Hiện tại vợ em còn đang phục vụ trong quân đội. Tổ quốc, dân tộc là của chung. Tất cả mọi người Việt Nam ai ai cũng đều yêu Tổ quốc, yêu dân tộc (trừ một số rất nhỏ ở đâu đó, loại này ta không nên đếm xỉa tới). Chính vì vậy, không nên nhân danh những cái lớn lao đó để phục vụ, thoả mãn ý đồ cá nhân. Như thế chính là vô lương tâm đấy, chính là phản động đấy."

Tôi không tin rằng nhà thơ, nhà phê bình TMH có thể đuối lí trước một kẻ tầm thường như tôi. Nhưng ông TMH có im lặng một chút, sau đó ông bảo: "Nhưng anh đã phạm luật báo chí." Tôi hỏi: "Bác cho em biết, em phạm điều luật gì?" Ông TMH: "Mạo danh!" Ngạc nhiên quá, tôi hỏi: "Em mạo danh ai?". Ông TMH: "Mạo tên ông bố vợ cậu." Tôi ra sức thanh minh, rằng tôi lấy tên tác giả là bố vợ tôi (Vương Văn Quang) như một thứ bút danh, còn địa chỉ và số điện thoại sờ sờ ra đấy, tôi có "mạo" đâu? Tôi đã từng viết một số bài báo nho nhỏ và lấy tên tên vợ, tên bố vợ... những người tôi yêu quý, làm bút danh. Nhưng nhà thơ TMH kiên quyết bác bỏ những lí lẽ của tôi, và ông kết luận tôi là "kẻ mạo danh". Trước khi kết thúc cuộc đàm thoại, nhà thơ còn ưu ái: "Rồi mày sẽ biết tay ..."


Mạo danh - theo tôi đây là một động từ chỉ hành động xấu xa, với mục đích:

  1. Mạo tên một người nổi tiếng, với mục đích lợi dụng uy tín người đó, hoặc bôi nhọ chính người đó.
     

  2. Mạo tên một người vô danh nào đó, với mục đích bêu xấu ai đó mà muốn lẩn tránh trách nhiệm, kiểu "ném đá giấu tay".

Trong cả hai trường hợp này, đương nhiên người ta phải giấu địa chỉ thật [1] .

Sau khi suy nghĩ, tôi thấy việc mình lấy tên bố vợ làm tên tác giả đều không thoả mãn hai điều kiện trên. Tôi suy ra rằng, mình không làm gì sai trái.

Người ta nói "văn là người". Quả đúng thật. Những bài tiểu luận, phê bình của ông Trần Mạnh Hảo rất giống với cách hành xử của ông Trần Mạnh Hảo hôm nay đối với tôi và gia đình.

Nghĩ như vậy, nên tôi hoàn toàn thanh thản. Tôi còn thấy rất vui và vô cùng hãnh diện, rằng đã được tiếp chuyện nhà thơ nổi tiếng. Nếu không có bài viết vừa qua trên tạp chí Ngày Nay thì biết bao giờ tôi mới có diễm phúc đó, dù chỉ là diễm phúc nghe mắng mỏ, doạ nạt (nghe nói, đối tượng bị nhà thơ TMH mắng mỏ toàn là các giáo sư, tiến sĩ hay các nhà văn, nhà thơ lớn).

Nhưng cái niềm vui của tôi thì nhỏ, không thể lấn át cái không khí tang tóc trong nhà. Phía trong bếp, tôi nghe cả nhà đang thì thào bàn bạc. Vợ tôi thì bảo nên đổi số điện thoại, mẹ tôi đòi chuyển nhà, bố vợ tôi đưa ra giải pháp là đi thuê chỗ khác ở, còn nhà mình cho người khác thuê. Thật buồn cười, nhưng cũng nên thông cảm. Cả đời làm ăn lương thiện, tự nhiên bị chụp lên đầu cái mũ "phản động", bố ai chả hãi. Tù chứ bỡn à.

Tối hôm đó, vợ tôi than thở: "Ðang yên đang lành. Giời ơi là giời. Thôi, thế là hết cả mộng văn sĩ nhé. Tự nhiên lại rửng mỡ đi viết báo tán nhăng, chả lợi lộc gì, đi mua cái lo vào người." Chả là gần đây tôi có học đòi viết lách, trong gia tài văn chương của tôi có chừng vài chục cái truyện ngắn, một mớ thơ "con cóc". Ðã định cuối năm nay bán cái xe máy để in lấy hai tập truyện. Thế là đủ điều kiện, tư cách để xin vào Hội nhà văn. Nay có chuyện "mạo danh", "phản động" này thì còn gì hi vọng mà góp mặt với văn đàn.

(Tác giả đã cung cấp cho toà soạn talawas tên thật, địa chỉ nhà riêng, số điện thoại nhà riêng và số điện thoại di động của mình.)

© 2004 talawas


[1]Chú thích của talawas: Trong bản in trên Ngày Nay, tác giả Vương Văn Quang cung cấp rõ địa chỉ nhà riêng, số điện thoại nhà riêng và số điện thoại di động của mình.


Sự kiện Hoa thủy tiên - bài viết của Vương Văn Quang trên Ngày Nay

eVăn: Để giúp bạn đọc theo dõi sự kiện “Hoa thủy tiên”, eVăn tiếp tục đưa các bài viết và  ý kiến đã đăng trên báo, tạp chí khác. Chúng tôi xin lưu ý: Việc đưa bài này chỉ có mục đích thông tin chứ không phản ánh quan điểm của eVăn.

Dưới đây là bài viết của ông Vương Văn Quang trên tạp chí Ngày Nay.


Thử “trò chuyện với hoa thủy tiên” để hiểu “văn học gãi ngứa” hay “hội chứng chửi có thưởng”
           Vương Văn Quang

Báo Văn Nghệ số 13 và báo Văn Nghệ Trẻ cùng số có đăng một loạt bài phản ứng dữ dội bài viết "Trò chuyện..." của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (NHT). Đặc biệt bài viết của nhà thơ Trần Mạnh Hảo (TMH) khiến tôi cảm thấy bàng hoàng. Thôi chết! Cái nhà bác NHT bức xúc điều gì? Sao lại nói năng bừa bãi thế? Sau khi đọc xong bài viết của nhà văn NHT, tôi thở phào nhẹ nhõm. Hoá ra nhà văn chẳng nói năng bừa bãi tí nào, bác ta chỉ nói đúng (tất nhiên có một số quan điểm của NHT khiến tôi không được thoả mãn lắm). Có điều một vài từ bác nhà văn nói mà chẳng lựa lời cho nên chẳng được làm vừa lòng nhau đó thôi.

Thử tìm hiểu thể loại "Văn học gãi ngứa"

Ngay từ những dòng đầu tiên nhà thơ TMH đã khẳng định rằng mình quý trọng văn tài của NHT, nhưng đọc ngay xuống dưới mấy dòng thôi, tôi thấy không phải vậy. Một nhà thơ có tiếng như TMH sao lại đi trân trọng, quý mến cái thứ văn chương cổ lỗ về mặt hình thức và nội dung chỉ có tác dụng gãi ghẻ? Toàn bộ phân tích về văn chương của NHT mà TMH viết trong phần "Thử lý giải hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp", ta có thể hình dung rằng: Văn chương của NHT là thứ cổ lỗ, không có giá trị, văn mô phỏng, nhưng NHT xuất hiện đúng lúc cơ thể xã hội đang nhiều vết thương, vì là thứ văn chương "gãi ngứa" nên nó đắc dụng. Tóm lại NHT chỉ là kẻ gặp thời. Ngày nay, xã hội ta đã hết vết thương, không lấy đâu ra vết lở loét cho NHT gãi, cào nữa. Không còn vết loét thương cho NHT hành nghề, thành ra NHT quay ra viết tiểu luận chửi bậy. TMH gọi đây là "văn chương gãi ngứa".

Nếu thực sự văn NHT là thứ "văn chương gãi ngứa", thì tôi nghĩ rằng bất kể nền văn học nào, xã hội nào cũng cần thứ văn chương ấy. Con người có thể hết đau khổ hay sao? Xã hội ta hiện không còn điều gì bất cập hay sao? Văn chương không viết về những cái đó thì viết về cái gì? Hay chúng ta đã sung sướng hạnh phúc quá rồi, xã hội chúng ta đã là thiên đường rồi, nhiệm vụ của nhà văn chỉ còn mỗi việc khen mưa to, khen trăng sáng? Văn đàn ta cứ xuất hiện vài tay "gãi ngứa" tầm cỡ đó cho đám độc giả chúng em được nhờ, chứ như tình hình văn chương hiện nay, độc giả chúng em cứ phải đọc những thứ mà sau khi đọc xong gấp sách lại chỉ thấy xót xa cho những tờ giấy trắng.

Nhà thơ TMH còn ấn vào mồm độc giả rằng: "chúng tôi bội thực văn NHT rồi, sao mà ông đùa dai thế, người ta hết ngứa từ lâu, mà sao cứ nhìn thấy vết sẹo nào lộ thiên là ông lại lao vào gãi mãi thế...". Tôi tin rằng chẳng có độc giả nào nói thế đâu, đây chỉ là nỗi niềm của nhà thơ TMH mà thôi.

Kết thúc phần "Thử lý giải hiện tượng NHT" nhà thơ TMH thòng một câu: "... thầm cám ơn báo Văn Nghệ, ngót 20 năm về trước đã khai sinh ra nhà văn Nguyễn Huy Thiệp". Nếu quả thật một tờ báo có thể đẻ ra được một nhà văn, thì phải chăng tờ Văn Nghệ là một người đàn bà nạ dòng quá ư là hiếm muộn?

Thế nào là “Chửi có thưởng"?

Sau một loạt phân tích, chứng minh hùng hồn, nhà thơ TMH kết luận rằng: "... cứ sau mỗi lần Nguyễn Huy Thiệp mở một "chiến dịch chửi" ở đâu đó xong, thế nào anh  cũng được trọng thưởng: nhận vài ba lời mời đi du lịch nước ngoài không mất tiền, dưới danh nghĩa trao đổi văn hoá, giao lưu văn học". Ôi! Nếu quả tình có một thứ trò chơi như thế, tôi tin chắc, trong đó  không thể thiếu TMH. Còn nhớ một loạt tiểu luận gần đây của nhà thơ, cũng ghê gớm lắm chứ, có thể cũng có thể gọi là "chửi" được. Song có điều, những vấn đề mà nhà thơ đề cập, nó không được sâu sắc lắm, nên không ai thưởng chăng(?!!).

Bây giờ chúng ta thử xem lại nhà văn NHT "chửi bới" ra sao? "chửi bới" những gì?

Toàn bộ bài viết "Trò chuyện với hoa thuỷ tiên...", có lẽ đoạn "Ngay trong lĩnh vực văn học, đáng lẽ cần phải khuếch trương, xây dựng thành một công nghệ đào tạo nhà văn mới thì vài năm trở lại đây lại có ý kiến bỏ đi trường viết văn Nguyễn Du. Bỏ thì dễ nhưng xây thì khó. Nhìn vào danh sách hơn 1000 hội viên Hội nhà văn Việt Nam, người ta đều thấy đa số chỉ là những người già nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều..."vô học", tự phát mà thành danh. Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào “cảm hứng” để tuỳ tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa, nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn trong trí nhớ người đời, còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả..." là có tính chất "chửi bới" nhất. Đọc đoạn này nghe thật đau đớn, nhưng đã có ai trong hội nhà văn thử suy nghĩ mà xem xét lại thực trạng văn học hiện nay một cách nghiêm túc chưa? Nếu có làm động tác này thì sẽ thấy, câu trên không phải là không đúng. Có điều, cùng nội dung ấy nếu như nhà văn NHT lựa lời mà nói, chắc sẽ làm vừa lòng mọi người. Nhưng nếu thế thì cũng bằng không, các nhà văn, nhà thơ trong hội nhà văn Việt Nam vẫn yên tâm về thực trạng hiện nay. Tôi nghĩ NHT quá thừa sức để chuyển tải cái ý tưởng kia bằng những lời hoa mỹ hơn. Nhưng nếu thế thì đã không phải là phong cách NHT. Một hội nghề nghiệp với cả ngàn hội viên, hùng mạnh quá. Nhưng thử nhìn lại cái không khí văn chương xem. Một cuốn sách hay hay, vui vui như cuốn "Chân dung và đối thoại" của Trần Đăng Khoa, vậy mà cũng hội nghị bàn tròn, bàn méo, thảo luận, mổ xẻ... Rồi cũng không thiếu những bài tiểu luận của các nhà... chửi bới ầm ĩ. Gần đây, một cây viết trẻ với một số chuyện ngắn gọi là đường được, so với mặt bằng chung có nhô lên chút đỉnh, vậy mà cũng xúm nhau vào mà tung hô, nào là hiện tượng này, hiện tượng nọ... Các nhà ấy tung hô nào là sâu sắc, nào là truyện đạt đến vẻ tự nhiên... Hỡi ôi, viết đạt đến vẻ tự nhiên mà được gọi là hiện tượng. Vậy những thứ không phải là hiện tượng có đáng "vứt đi cả" không?.

Có bệnh thì phải uống thuốc, thuốc đắng mới dã tật. Cái cơ thể văn chương Việt Nam èo uột, ốm yếu như thế sao vẫn không chịu uống thuốc?.

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo dùng hình ảnh ví von, trong một làng có 800 hộ dân sống hoà thuận, bỗng đâu có một anh giở chứng mắng mỏ, rằng các anh là lăng nhăng phù phiếm vứt đi, là lưu manh, là vô học... Cái làng ấy hiền như đất chứ không thì nhà anh kia không có đường về nhà. Vậy tôi cũng bắt chước nhà thơ dùng hình ảnh, hình ảnh thế này: Một thằng thanh niên nọ, chỉ vào mặt vận động viên thể hình Lý Đức mà rằng: Sao tập tành tốn bao cơm gạo mà hom hem thế kia? Tôi tin chắc Lý Đức chỉ cười khẩy. Lại một hình ảnh thế này: Một thằng thanh niên nọ, rửng mỡ thế nào chỉ ngay mặt một cô gái điếm đứng đường mà rằng: Đồ con đĩ. Tôi tin chắc cô điếm kia sẽ tốc váy vào mặt thằng thanh niên, chứ cô quyết chẳng chịu để yên.

Chúng ta có một thói quen rất dở là chỉ nghe những điều mình muốn nghe, và chỉ nói những gì người khác muốn nghe. Chính vì thế văn chương của chúng ta nó cứ nhợt nhạt thiếu cá tính, và cũng từ thói quen này sinh ra thói đạo đức giả. Lâu dần thói quen đó ngấm vào máu, ta làm sai mà chẳng biết, ta độc ác một cách hồn nhiên. Im lặng lắng nghe mới khó, còn kết tội nhẩy đổng bao giờ cũng dễ dàng.

Xin phép "Trò chuyện với hoa thủy tiên"

Về bài báo của nhà văn NHT theo tôi, loại trừ những câu chữ “trắng phớ” dễ khiến mọi người bị chạm tự ái,  những vấn đề về thực trạng văn học mà nhà văn đưa ra nhìn chung là đúng. Nhà văn Chu Lai trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên báo Công An Nhân Dân số ra ngày 1/4/2004 cũng cho rằng: “hai phần ba bài viết của anh Thiệp là có cơ sở. Nhưng càng về cuối bài anh Thiệp càng sa đà, càng ngoa ngôn, nói năng dễ dãi, bừa bãi...”. Chỉ có một số vấn đề nhỏ mà tôi thấy khó chia sẻ với nhà văn. NHT cho rằng cần gắn liền công nghệ với các loại hình nghệ thuật giải trí như ca - múa - nhạc... Với nghệ thuật, công nghệ cần nhưng chưa đủ, đôi khi lạm dụng công nghệ thì nghệ thuật chỉ còn là những trò nhố nhăng. Về văn chương NHT cho rằng rất cần những nhà văn chuyên nghiệp, được đào tạo trường lớp chính quy. Điều này cũng không hoàn toàn đúng, được đào tạo sẽ giúp cho phần kỹ thuật của nhà văn, nhưng chưa chắc những người trường ốc đã có ý tưởng hay hơn những kẻ amateur. Đôi khi kỹ thuật còn làm hỏng cả những ý tưởng lớn. Bằng chứng là những Vệ Tuệ, Xuân Thụ... đâu có phải dân trường ốc, thế mà họ đang làm đảo điên văn đàn Trung Quốc. Cuối cùng tôi muốn đề cập đến vấn đề, mà vấn đề này các bài báo viết trước đều có nhắc đến. NHT viết: “Văn học, đối tượng của nó là những người trẻ tuổi, nó không phải là sân chơi của "đám giặc già lăng nhăng thơ phú”. Tôi cho rằng, văn học, đối tượng của nó là tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, hạng người. Kể cả người mù chữ. Ngày xưa, thời cha mẹ ông bà chúng ta, các cụ nông dân một chữ bẻ đôi không biết, song vẫn ngâm ngợi ca dao và kể chuyện cổ tích cho đám trẻ. Câu "giặc già lăng nhăng thơ phú" của nhà văn được cho vào nháy nháy, ở đây tôi cho rằng nhà văn nhắc lại lời của ai với hàm ý bông phèng. Cảm giác mọi người ra sao, tôi không biết. Chỉ biết, tôi là một người già (tôi về hưu 3 năm nay) và thỉnh thoảng cũng có làm dăm ba câu thơ "con cóc", chúng tôi cũng có hội thơ của riêng mình, toàn những người hưu trí. Khi đọc, tôi chỉ thấy buồn cười, thực tế là chúng tôi vẫn hay bảo nhau như vậy. Song, khi viết lên văn bản nhà văn nên cân nhắc kỹ lưỡng hơn, không phải ông già nào cũng dễ tính như tôi.

Mấy lời kết

Đã gọi là tranh luận, nhất là trong văn chương, thì rất có thể đi đến thống nhất quan điểm. Nhưng khó mà vẫn có thể thống nhất được, miễn là những người tham gia tranh luận thực sự thiện chí, và tranh luận dựa trên cơ sở khoa học. Nhưng ở ta lâu nay, có vấn đề gì cần tranh luận là các nhà văn nhà thơ của chúng ta rặt giở giọng hàng tôm hàng cá với nhau. Thế mới lạ. Cứ cho là bài viết của nhà văn NHT thật sự là một thứ chửi bậy, vậy thì bài viết của nhà thơ TMH có phải còn hơn thế không. Mang câu chửi tục để gọi câu chửi bậy thì xem ra cũng chẳng hay ho gì.

Cuối cùng, với tư cách là một độc giả yêu văn chương cuồng nhiệt, tôi chỉ mong các nhà văn nhà thơ của ta, đừng nệ quá vào danh hão, mác nhà văn hay nhà thơ chẳng có gì quan trọng. Cái tối quan trọng là tác phẩm. Và cũng kính mong các nhà văn nhà thơ nên bình tĩnh và cân nhắc trước khi phát ngôn, hay tranh luận trên báo chí, để những độc giả như chúng tôi còn có hy vọng vào nhà văn nhà thơ như hiện thân của một điều tốt đẹp.

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4/2004

Ngày Nay, số 8, 15/4-1/5/2004

 

 

   

 

văn học  khảo luận : về '...hoa thủy tiên và những lần lẫn của nhà văn'...


 




"... Đa số...già nua không
có khả năng, sáng tạo
và hầu hết đều 'vô học',
 tự phát mà thành danh."


  32- Ông Hảo thanh toán chứng từ "Ly thân" đi chứ!                                                         Lại Nguyên Ân 
  33-
“Đó chỉ là quan điểm cá nhân của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp”.                    Nguyễn Xuân Thắng
  34- Cú điện thoại của nhà thơ Trần Mạnh Hảo.                                                           
Vương Văn Quang 
  35-
“Much Ado About Nothing”.                                                                                 Phạm Xuân Nguyên 
  36-
Bàn về Nguyễn Huy Thiệp.                                                         Trần Đăng Khoa & Nguyễn Văn Thọ 
  37- Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn.                          Nguyễn Huy Thiệp
  38-
Hôm nay trời mưa lưa thưa - Mèo con đi học chả ưa thứ gì.                    
Nguyễn Thế Hoàng Linh
  39-
Về một cuộc tranh luận trong văn học. - Chân dung tự họa của Nguyễn Huy Thiệp.                                                                     Lê Văn Vọng
  41- Để phúc đức cho con cháu.                                                                                              Đồng Đức Bốn 
  42- Tấn công tính cách con người vì sự bất đồng.                                                                 
Jason Picard

vhvt-10
Trở lại trang chính