vhvt |
tự do tư tưởng và sáng tạo |
bàn luận |
|
Sự kiện Hoa thủy tiên eVăn: Xung quanh “Hoa thủy tiên” vẫn tiếp tục có nhiều ý kiến tranh luận gay gắt. Dưới đây là bài viết mới nhất của ông Lê Văn Vọng trên báo Văn Nghệ. [*]
Chân dung tự họa của Nguyễn Huy Thiệp- Lê Văn Vọng -
Khi nói tới một nhà văn nào đấy người ta thường nghĩ nhiều đến cái phần văn hóa (hiểu theo nghĩa rộng) trong con người nhà văn đó. Nhà văn cũng là nhà văn hóa. Chúng tôi tán đồng ý kiến của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Đã là nhà văn thì nhất thiết từ hành động đến lời nói đều phải thể hiện cái văn. Văn ở đây hàm nghĩa rất rộng, đó là tốt, là đẹp, sự tài hoa, minh triếtm lịch duyệt v.v... Ăn nói hàm hồ, thô lỗ, coi khinh đồng nghiệp, coi thường người khác, các cụ ta ngày xưa gọi là thói hợm hĩnh, lăng loàn, chỉ có ở những ai mà lỗ hổng nhân cách quá lớn.
Chúng tôi đã đọc bài Trò chuyện với hoa Thủy tiên và sự nhầm lẫn của nhà văn của Nguyễn Huy Thiệp đăng trên 3 số báo ngày nay: 4, 5 và 6/2004. Có thể coi bài báo đó là bức chân dung tự họa của anh với mấy nét lớn như sau:
1) Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn mà chưa hiểu hết nghề văn.
Trong bài Trò chuyện với hoa Thủy tiên... (báo đã dẫn), Nguyễn Huy Thiệp đã có một sự nhầm lẫn đáng tiếc khi viết: “Ngay trong lĩnh vực văn học, đáng lẽ cần phải khuyếch trương, xây dựng thành một công nghệ đào tạo nhà văn mới...” Vì nghĩ nhà văn có thể đào tạo được theo công nghệ nên anh đã dè bỉu, đánh giá thấp những nhà văn không được đào tạo theo công nghệ. Anh viết: “Nhìn vào danh sách hơn 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (không hiểu anh “nhìn” vào đâu, chứ danh sách Hội viên Hội Nhà văn chỉ có 798), người ta đều thấy đa số chỉ là những người già nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều... “vô học”, tự phát mà thành danh”.
Ở đây chỉ xin nói về lớp nhà văn mà Nguyễn Huy Thiệp gọi là già nua không có khả năng sáng tạo. Cho đến hôm nay, đất nước ta đã trải qua nhiều giai đoạn: chiến tranh, hòa bình, xây dựng và đổi mới. Trong mỗi bước chuyển mình có một lớp nhà văn mới xuất hiện, vừa làm tròn bổn phận công dân, họ vừa thực hiện thiên chức nhà văn, xã hội luôn tạo điều kiện cho họ phát huy tài năng. Trong số 798 hội viên nhà văn, anh Thiệp cho rằng đa số là già nua thì hoàn toàn không chính xác; nhưng thôi, cứ “chiều” anh mà xếp những người trên 50 - mới bước qua tuổi trung niên vào lới già cho đủ cái “đa số” để bàn.
So với những người cầm bút khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới thì lớp nhà văn chống Pháp và chống Mỹ quả là đông và “già” thật. Nhưng trong số họ chưa thấy ai buông bút cả. Nhiều người trong số họ đang là lực lượng chủ lực của văn đàn. Chỉ cần dạo một vòng qua các quầy sách ta sẽ thấy sức lao động, sáng tạo của họ không “già” một chút nào. Không ồn ào, không tuyên ngôn ầm ĩ, họ cứ lặng lẽ đóng góp vào kho tàng văn học Cách mạng bằng những tác phẩm. Chỉ riêng điều đó cũng đáng kính trọng lắm rồi.
Nghề văn là một nghề đặc thù. Lao động nhà văn là lao động độc lập, tự giác. Nếu ai đó có thực tài, họ sẽ tự tìm thấy con đường phát triển chứ không chờ đến khi được học. Việc học đối với nhà văn cũng cần như tích lũy vốn sống, nhưng nó không mang tính quyết định làm nên tác phẩm. Cũng như các ngành khoa học khác, nghề văn có nhiều cách học, không nhất thiết phải tập trung, cắp cặp đến trường. Với một nhà văn, không có trường học nào quan trọng bằng trường đời. Chính đời sống làm nên nhà văn. Bậc thầy văn học M. Gooc-ki là một ví dụ.
Dạo đó, trường viết văn Nguyễn Du có mời nhà văn Nguyễn Tuân đến nói chuyện “nghề nghiệp” với các học viên khóa I. Ông bước vào lớp với cái túi cói nhỏ trong có be rượu. Sau khi ngồi vào vị trí “giáo viên”, bằng những động tác hết sức lịch lãm, ông rót rượu vào cái chén hạt mít, vừa uống vừa quan sát lớp học. Hơn 40 gương mặt cả nam lẫn nữ, phần lớn đã thành danh, nhìn “thầy” chờ đợi. Câu đầu tiên, thay vì “giảng bài”, ông hỏi: “Các anh chị được học những gì?” Thay mặt ban giáo vụ anh Huỳnh Khái Vinh thưa: “Dạ học một số môn, trong đó có Triết học, Ngoại ngữ, Mỹ học...”. Nguyễn Tuân gật đầu: “Học là rất cần đấy, nhưng chưa có trường nào đào tạo ra được nhà văn đâu. Các anh, các chị cũng đừng nghĩ rằng sau khi có một số kiến thức thì mình sẽ trở thành nhà văn...”.
Kể lại chuyện đó để thấy rằng viết văn là công việc hoàn toàn tự thân, viết do nhu cầu nội tại, để giải toả cảm xúc về một vấn đề gì đấy. Học chỉ như là yếu tố bổ trợ cho tri thức, để thắp sáng hơn cái phần tài năng vốn có. Nhưng điều đó có thể thực hiện bằng sự tích lũy. Vậy mà anh Thiệp lại mỉa mai cho rằng các nhà văn của ta hầu hết đều “vô học”, tự phát mà thành danh. Nhìn ra thế giới, các nhà văn lớn như: Vícto Huygô, Sếchpia, Sôlôkhốp, Lỗ Tấn, Hêminguê, Máckét v.v... đều tự phát mà thành chứ có ai qua trường lớp đào tạo nhà văn nào đâu. Ngay cả Nguyễn Huy Thiệp bước vào nghề văn cũng là “tự phát” đấy thôi.
2) Văn hóa ứng xử vỉa hè và có tư chất Chí Phèo.
Có thể có người cho rằng nói như thế là quá lời, là oan cho anh Thiệp, anh là nhà văn, cũng là Nhà văn hóa kia mà. Nhưng tất cả cái đó nó cứ phơi ra qua việc anh làm, qua lời anh nói như một tố cáo anh vậy.
Là người Việt Nam, ai cũng hiểu đất nước ta là đất nước của thi ca, thi ca có một vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Thơ là tinh túy của văn hóa, ẩn chứa một sức mạnh tiềm tàng.
Trong hai cuộc kháng chiến, thơ ca của ta đã có những đóng góp to lớn, khích lệ động viên tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ ngoài mặt trận, đem lại niềm tin thắng lợi cho người ở hậu phương. Sức mạnh của văn học nói chung, thơ ca nói riêng là không thể phủ nhận.
Năm 1972 tại hậu cứ của một đơn vị Quân Giải phóng miền Đông Nam Bộ tôi gặp một sĩ quan cấp úy ngụy Sài Gòn. Anh ta thú nhận rằng chính anh đã bị những bài thơ trong buổi phát thanh dành cho binh sĩ Sài Gòn của đài Tiếng nói Việt Nam làm cho tinh thần rệu rã mà tìm đường ra đầu hàng Quân Giải phóng. Anh ta đã được những bài thơ của những người bên kia chiến tuyến "lôi" ra khỏi đêm dài u mê và cứu sống. Tất nhiên đó chỉ là một trong nhiều trường hợp mà thôi.
Nhưng theo Nguyễn Huy Thiệp thì Các nhà thơ chỉ dựa vào "cảm hứng" để tùy tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa, nhìn chung là lăng nhăng... và nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa...
Người ta vẫn nói đẹp như thơ, dịu dàng như thơ, trong trẻo và ấm áp như thơ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người đời gọi là nàng thơ. Đó là sự trân trọng, đề cao thơ, ca ngợi thơ... cao hơn là sự tôn vinh thơ. Nhưng với Nguyễn Huy Thiệp, một nhà văn, ta hãy xem anh "ứng xử" với nàng thơ như thế nào?
Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ/ Hôm qua nó bảo: Dí thơ vào l.../ Vợ tôi nửa dại nửa khôn/ Hôm nay lại bảo: Dí l... vào thơ. Chẳng biết những lời tục tĩu đó của ai, nhưng Nguyễn Huy Thiệp đã sung sướng reo lên rằng: "Vì nó hay quá nên tôi đã đưa vào trong tiểu thuyết của tôi". Ấy vậy mà cũng trong bài viết đó anh Thiệp lại cao giọng dạy bảo người khác: "Nhà văn cũng là nhà văn hóa". Thật là mỉa mai (!?)
Một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt Nam là kính già, yêu trẻ, kính trên, nhường dưới. Ở nhà kính trọng cha mẹ, ra ngoài xã hội kính người cao tuổi. Nhưng trong con mắt của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thì những nhà thơ cao tuổi chỉ là đám giặc già lăng nhăng thơ phú. Gọi những đồng nghiệp cao niên đáng kính là giặc. Nguyễn Huy Thiệp xác nhận tư cách và thành phần xã hội của mình rồi đấy!
Ai đã đọc truyện Chí Phèo của Nam Cao chắc không quên được cái gã Chí Phèo lưu manh suốt ngày say rượu, chửi bậy. Làng Vũ Đại người dân sống hiền lành là thế nhưng cứ nốc rượu vào hắn réo gọi cả làng ra mà chửi. Hắn chửi một cách vô cớ, chửi mà không cần biết có người nghe hay không. Đúng là một gã lưu manh có hạng. Chửi làng chán, hắn chửi người đã sinh ra hắn. Xét về hành vi, Nguyễn Huy Thiệp chẳng khác Chí Phèo. Không ai thù oán, không ai trêu chọc, bỗng dưng anh lôi cả làng văn ra thoá mạ. Chí Phèo chửi trong cơn say rượu, còn Nguyễn Huy Thiệp tuôn ra những lời thô lỗ trong lúc tỉnh và có dụng ý hẳn hoi. Rồi đây anh ta sẽ được nhóm người thiếu thiện chí với dân ta, hay chọc ngoáy vào công việc của người khác bên trời Tây trả "nhuận miệng" bằng một chuyến mời sang đó du hí cho mà xem. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo gọi đó là "Chửi có thưởng" quả không sai. Lợi dụng dân chủ để làm càn, chửi bậy và xúc phạm người khác, đó là hành vi phi văn hóa, nhưng chẳng hiểu sao có tờ báo lại đón lấy đăng tải như một sự bảo kê, nối giáo. Cần phải làm rõ trách nhiệm của người ấn nút cho những lời chửi rủa và phỉ báng Hội Nhà văn Việt Nam, và các nhà văn Việt Nam.
3) Thái độ vô ơn, ăn cháo đá bát.
Đất nước ta trải qua một cuộc chiến tranh vệ quốc kéo dài 30 năm. Đánh đuổi kẻ thù xâm lược, chúng ta giành lại sự vẹn toàn giang sơn Tổ quốc. Chiến thắng của ta là chiến thắng của văn minh chống lại dã man, tàn bạo, được những người tiến bộ trên thế giới ủng hộ. Chân lý đã rõ ràng nhưng giờ đây vẫn có người không muốn công nhận. Họ cố tình đánh tráo khái niệm kẻ đi xâm lược và người chống xâm lược, nhằm thay đổi ý nghĩa cuộc chiến đấu anh hùng, chính nghĩa của dân tộc ta. Chẳng biết Nguyễn Huy Thiệp có trong nhóm người này không mà anh có quan điểm rất lạ lùng. Trong lần cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa sang dự Hội chợ sách Bắc Âu 9-2003, tại cuộc gặp nhà thơ Thụy Điển Saradid Man, người đã từng nhiều lần sang thăm Việt Nam khi đang có chiến tranh, người luôn ca ngợi cuộc chiến đấu của nhân dân ta, anh Thiệp đã nói rằng: "Đối với thế hệ chúng tôi, cuộc chiến tranh ấy thật đáng lợm mửa".
Nguyễn Huy Thiệp không hề che giấu suy nghĩ của mình, anh cho rằng cuộc chiến đấu mà nhân dân ta tiến hành để giải phóng đất nước là cuộc chiến tranh "đáng lợm mửa". Tôi thật không thể ngờ một người tự nhận là nhà văn, một người cất giọng chửi rủa các đồng nghiệp của mình là lưu manh vô học, có nghĩa tự nhận mình là hoàn thiện và có học lại dám thốt ra những lời lẽ phản văn hóa, phản lương thiện, xúc phạm lên đất nước, nhân dân mình như thế? Đây là một thái độ vô ơn, vô đạo, không thể tha thứ được. Còn một điều đáng nói nữa là Nguyễn Huy Thiệp đã vơ đũa cả nắm, vu lên cả một "thế hệ" phản bội, vô ơn chứ không phải chỉ một mình anh. Đây không còn là vấn đề học thuật mà là tư cách của Nguyễn Huy Thiệp, nó cũng giống như "luận điểm" điên rồ, lạc lõng của vài kẻ háo danh thích nổi tiếng "thần kinh có vấn đề", cho rằng cuộc kháng chiến chống xâm lược của ta là không đáng có; rằng chúng ta vẫn có thể giành được độc lập mà không cần phải cầm súng, hao người tốn của.
Không biết Nguyễn Huy Thiệp làm gì, ở đâu trong những ngày cả nước sôi sục không khí chiến đấu lớp lớp thanh niên gái trai nối nhau lên đường diệt giặc. Họ đã tự nguyện hiến dâng đời mình cho Tổ quốc. Có được cuộc sống thanh bình, hạnh phúc hôm nay hàng vạn người con ưu tú đã ngã xuống, trong đó có thể có cả bạn bè, người thân của anh Thiệp. Nhưng anh đã nhẫn tâm coi đó là những cái chết vô nghĩa, bởi vì đó là cuộc chiến tranh lộn mửa. Không có sự vô ơn nào lớn bằng sự vô ơn ấy.
Nhớ hồi Nguyễn Huy Thiệp "cất tiếng chào đời" trong nghề văn, báo Văn nghệ, tờ báo của Hội Nhà văn Việt Nam đã làm "bà đỡ" nâng niu, chiều chuộng hết mực ngay từ truyện ngắn đầu tiên. Nhưng khi "đủ lông đủ cánh", được "người ngoài" để mắt tới, anh Thiệp vội quay lưng phỉ nhổ nơi đã nâng đỡ mình. Đây không còn là chuyện văn chương mà là vấn đề đạo đức, là tư cách của người cầm bút. Thật đáng buồn thay!
Hà Nội, 1/4/2004
Văn Nghệ, số 15 (2308), 10/4/2004
|
|
văn học khảo luận : về '...hoa thủy tiên và những lần lẫn của nhà văn'... |
|