vhvt |
tự do tư tưởng và sáng tạo |
bàn luận |
|
Bàn về Nguyễn Huy Thiệp [1/3] Trần Đăng Khoa, Nguyễn Văn Thọ: Gọi "Ngẫu hứng qua mây gió", nghe õng ẹo quá, làm duyên làm dáng quá. Nhưng không. Đó lại là sự thực. Vì đây là cuộc trò chuyện qua không gian. Chúng tôi ở cách nhau gần nửa vòng trái đất. Dùng ngôn ngữ âm thanh thì không thể tới được. Chúng tôi đành nói chuyện với nhau theo cách của người câm. Nghĩa là nói bằng tay, bằng những cú nhấn phím. Cám ơn thời đại công nghệ. Với những phát triển của khoa học kỹ thuật, trái đất bỗng trở nên bé nhỏ, chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay... Cuộc trò chuyện ngẫu hứng này, chúng tôi bàn về một con người cụ thể: Đó là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Cả hai chúng tôi đều rất yêu mến anh, một hiện tượng của văn học đương đại. Xin bạn đọc đừng nghĩ là chúng tôi tự mâu thuẫn, vì câu trước khen, câu sau có thể lại chê. Đời văn ai chả có khúc hay, khúc dở. Không nên vì cái dở mà xoá đi cái hay. Cũng không nên vì cái hay mà lờ đi những cái dở. Hay thì khen và dở thì chê. Đấy là cái nhìn khách quan, cũng chỉ vì yêu mến Nguyễn Huy Thiệp....
Trần Đăng Khoa: Tôi đồng ý với ông là từ năm 1985 đến 1996, ở mảng truyện ngắn, không ai viết hay hơn Nguyễn Huy Thiệp. Nét đặc sắc nhất của Nguyễn Huy Thiệp là ông ta đã tạo được cho mình một giọng điệu riêng, riêng đến không thể trộn lẫn. Cắt tên đi, đọc văn, chỉ mươi dòng, người ta cũng nhận ra ngay Nguyễn Huy Thiệp. Điều ấy là vô hạn quan trọng. Không có giọng riêng thì không phải nhà văn. Mặc dù nghe giọng Nguyễn Huy Thiệp, người ta cứ mang máng nhớ những ông Tầu thời cổ đại, thuở Tam Quốc và Đông Chu Liệt Quốc... Đó là một lối kể lạnh và sắc, không vòng vo, không dông dài. Vì có giọng như thế, lại có cái nhìn rất khác người, nên văn Nguyễn Huy Thiệp rất hấp dẫn. Đã cầm lên là phải đọc bằng hết. Mặc dù, có cái đọc xong, thấy cũng chẳng có quái gì cả. Chẳng có gì, nhưng vẫn cứ phải đọc cho bằng hết. Nguyễn Huy Thiệp có khả năng bắt vít người đọc vào những trang giấy như có ma ám của mình. Đó thực sự là một thứ văn không phải của người thường. Nó chỉ có thể là văn của thánh thần, hoặc ma quỷ. Nhưng tôi thấy nó sục lên mùi ma quỷ nhiều hơn. Chính vì có hơi ma quỷ nên nó mới ám được người đọc. Từ khi có Nguyễn Huy Thiệp, quả là chúng ta không thể viết như trước, đọc như trước. Cái lão phù thủy quái quỷ này quả đã cho ta một liều thuốc quỷ, khiến ta thấy "kinh", thấy dị ứng trước những món tẻ nhạt, mà trước đây ta vẫn quen xơi và cứ tưởng là sơn hào hải vị. Tôi quý Nguyễn Huy Thiệp, như quý Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Tô Hoài, Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Lê Lựu, Chu Lai, Trung Trung Đỉnh.... và rất nhiều nhà văn khác. Nguyễn Văn Thọ: Một trong cách tạo ấn tượng của Nguyễn Huy Thiệp là lối nói tung tẩy mà ta hay gặp trong truyện của ông ta. ấy là trong mỗi truyện Nguyễn Huy Thiệp bao giờ cũng đưa đẩy những chiêm nghiệm lửng lơ kiểu như: Tình yêu đấy là một hung thần, hoặc: Người ta luôn lầm lẫn, hay: Đàn bà đứng về phía trật tự... đàn bà rất thích những ngôi nhà có cửa sổ rộng để chuồn ra ngoài... Không tin, ông cứ mở sách ra đi, bất cứ truyện nào của Nguyễn Huy Thiệp ta cũng nhặt được dăm câu đại loại như vậy. Cái đó cũng là đặc điểm Nguyễn Huy Thiệp, nhưng cũng có người cho đấy như những lời thánh phán... Tôi thấy ban đầu Nguyễn Huy Thiệp phán thiêng lắm. Sự ẩn dụ nhiều chiều trong văn chương, lại ở trong một văn cảnh hợp lý nào đó, giúp Nguyễn Huy Thiệp buộc bạn đọc phải suy nghĩ trăn trở để tìm giải đáp cho mấy câu buông sõng ấy. Mặc dù nó nguy hiểm ở chỗ, những lời tương tự lửng lơ nếu đặt đúng chỗ có thể ám ảnh và mụ muội bàn dân thiên hạ, còn không, một là nó giả tạo cho nhân vật, hai là nhiều câu phán ấy, khi buông sõng, mơ hồ sẽ được hiểu theo nhiều chiều, hoặc những chiêm nghiệm có tính cá biệt đẩy con người tới sự hoang mang với cuộc sống thực tại. Và thật giả, đen trắng thành một khối mù mờ. Chính vì thế, đọc xong, người ta hoặc là ong ong cái đầu, hoặc là thấy lơ mơ đâu đó như có tiếng thì thào vào tai, nhiều lời có tính triết lý, nửa như tiên tri, nửa như lời ma quỷ đưa lối và tạo thành một thứ “ma từ”. Ai yếu bóng vía thì thấy sợ. Lửng lơ lúc nào cũng thấy một Nguyễn Huy Thiệp trên đầu. Nhà văn Lê Minh Hà tận Tây Đức từng vẽ “Chân dung Nguyễn Huy Thiệp từ một thế nhìn”: Ông buông bắt người đọc bằng khả năng viết không thay được một chữ; hoặc thậm chí: tôi bị khuất lụy vô điều kiện bởi Nguyễn Huy Thiệp, tới mức: thuộc lòng từng đoạn từng truyện của Nguyễn Huy Thiệp. Sao lại phải tới nỗi thế? Theo tôi, đấy chỉ là một trong nhiều thủ pháp tiểu xảo của nhà văn biết cách lạ hóa. Khác lạ là ăn tiền. Tôi thấy Thiệp có chỗ khác và lạ. Đúng như ông nói, Nguyễn Huy Thiệp đã tạo được cho mình một giọng điệu riêng, gửi gắm được nhiều quan niệm để trình làng một mâm cỗ kiến tạo với quan niệm thẩm mỹ của Thiệp. Theo tôi đấy là khác. Còn lối viết như tôi dẫn chứng trên, đấy là lạ. Nhưng cái lạ sẽ hỏng và thực buồn cười nếu không đúng chỗ. Cũng dần chẳng còn lạ nếu cứ lặp đi lặp lại. Ông có nhớ Thương nhớ đồng quê không? Đấy là một truyện hay sau này của Nguyễn Huy Thiệp. Ông ta ở thủ đô, đi xe máy Uớc mơ, chủ tiệm ăn Hoa Ban mơ mộng mà viết được về đồng quê Việt Nam cả một giai đoạn dài tới như vậy. Bao nhiêu người, bao nhiêu suy nghĩ và bao nhiêu chi tiết rất sinh động của làng quê một thời, được Nguyễn Huy Thiệp cô đọng, dựng nên truyện. Vẫn cái gịong khác ấy, lạnh lùng ấy, Tướng về hưu làm người ta bàng hoàng đau đớn, nhưng tới Thương nhớ đồng quê người ta bùi ngùi, vì những việc, chi tiết quen thuộc, thậm chí lẩm cẩm, vớ vẩn mà ông Thiệp nhặt nhạnh, lắp ghép, tái dựng trong trí tưởng tượng của một bàn tay tài hoa. Chỉ thế thì tài, vì nó đã mang gần như đầy đủ cái Khác! Nhưng cũng trong Thương nhớ đồng quê, Nguyễn Huy Thiệp đã sai lầm, khi ông ta chấm màu, làm đậm lên nhiều cái lạ. Cái lạ ở đây khi đã đậm đặc, lại thành những hạt sạn, làm người đọc gặp phải muốn nhè ngay ra miếng cơm dẻo đang bùi. Tôi đồ rằng, ông Thiệp viết truyện này và nhiều truyện dở khác nữa ở quán Hoa Ban… Trần Đăng Khoa: Truyện đã dở thì viết ở đâu cũng chẳng quan trọng. Địa điểm viết nào có ý nghĩa gì, khi cái truyện không có sức sống. Ông là người trọng lý luận, nên ông nâng thành lý luận hai đặc điểm trong những sáng tác thành công của ông Thiệp là lạ và khác. Lạ và khác thì cũng chỉ là một mà thôi, tuy ở hai cấp độ, có khác nhau tí chút. Tôi trọng thực tiễn. Tôi thấy ông Thiệp chỉ có mỗi một mẹo, và ông ta cũng chỉ sử dụng có mỗi một mẹo để làm nên sức hấp dẫn của mình. Đó là phép nói ngược. Tất cả chỉ có thế. Người đời dựng Trương Chi là một anh chàng lãng mạn, ông Thiệp đưa ra một Trương Chi bất đắc chí, cục súc và thích văng tục. Ngay khi vừa xuất hiện, Trương Chi đã tung "cứt" ra rồi. Rồi chàng vung "cứt" ra khắp các trang sách. Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp chẳng khác gì một tên du thủ du thực. Người ta luôn nghĩ các vị Thánh thường rất cao vợi và linh thiêng, ông Thiệp qua các sáng tác, đã chỉ ra rằng, Thánh cũng chỉ là người trần mắt thịt ở trong cõi vô minh ở chốn phàm trần. Thánh cũng ve gái, cũng uất ức vì không chinh phục được một cô gái ở hạng thứ cấp, mà người đời vẫn coi là mạt hạng, là xướng ca vô loài... Hầu hết các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp đều mang âm hưởng như thế. Và ở ngoài đời, ông Thiệp cũng sống như vậy. Nghĩa là vẫn gây ấn tượng bằng những cú nói ngược. Tôi kể ông nghe về cuộc Hội thảo của đoàn nhà văn ta với độc giả Thụy Điển chiều 28 tháng 9 năm vừa rồi giữa Hội chợ sách Bắc Âu. Cuộc hội thảo do nhà văn lớn Thụy Điển Sara Lidman điều khiển và đề dẫn. Sara Lidman rất yêu Việt Nam, từng ủng hộ cuộc chiến tranh của chúng ta những năm trước đây. Bà nói lại những ấn tượng tốt đẹp của bà về những năm tháng rất đáng ghi nhớ ấy. Nhưng đến Nguyễn Huy Thiệp thì anh xổ toẹt: “Đối với thế hệ chúng tôi, cuộc chiến tranh ấy thật đáng lộn mửa’’. Bà Sara Lidman không hiểu ra làm sao cả. Bà lại nghĩ rằng, hình như ở Việt Nam đang có mối mâu thuẫn giữa các nhà văn đã qua chiến tranh và những thế hệ cầm bút sau chiến tranh. Thực ra, Nguyễn Huy Thiệp đâu phải thế hệ sinh ra sau chiến tranh. Ông cùng thời với hàng triệu người chết trận, hàng triệu người đang sống còn mang bao nhiêu vết thương nhức nhối. Nhà văn Phan Thị Vàng Anh đúng là thế hệ sau chiến tranh lại phải điều chỉnh: Nếu có chút gì gọi là mâu thuẫn, có chăng chỉ thế này thôi, là các nhà văn đã qua chiến tranh viết về chiến tranh cũng chưa được thật hay. Thế thôi. Còn cuộc chiến tranh của chúng tôi là cuộc chiến tranh giữ nhà. Tôi rất tự hào về cuộc chiến tranh ấy. Nhiều khi tôi cứ muốn xoay ngược kim đồng hồ, để được làm người tham dự cuộc chiến tranh, muốn biết thực chất cuộc chiến tranh ấy thế nào, mà hôm nay, có người tự hào vì đã đổ máu cho nó, có người lại cho việc đổ máu ấy là ngu ngốc. Cũng lối nói ngược ấy, ông Thiệp bảo, đến Hội chợ sách, tôi thấy lo sợ cho Thụy Điển, vì Thụy Điển in quá nhiều sách. Đó là một việc làm rất nguy hiểm. Mà in như thế để làm gì. Bây giờ có ai đọc sách đâu. Người ta chỉ đọc sách trước tuổi 30 thôi. Điều này có thể đúng với ông Thiệp, nhưng không đúng với các độc giả, ngay cả các độc giả Việt Nam, chứ đừng nói đến các độc giả Thụy Điển. Bây giờ ở Việt Nam cũng trên giời dưới sách. Sách được in rất nhiều và in rất đẹp. Nếu không ai đọc thì người ta in sách ra để làm gì? Và Hội chợ sách tổ chức linh đình ở Thụy Điển cũng chỉ để nhằm tôn vinh các nhà văn, các học giả và bạn đọc khả kính. Nếu không đọc, không muốn tìm sách hay thì làm sao có hàng triệu lượt người đến hội chợ sách hôm ấy. Vé cả đợt vào cửa là 352 USD mỗi người. Số tiền ấy đâu có rẻ đối với ngay cả đồng lương của người Thụy Điển. Vậy mà Nguyễn Huy Thiệp lại bảo người ta không đọc. Bà Sara Lidman kinh ngạc: “Lần đầu tiên tôi được nghe ý kiến như thế. Tại sao anh lại nói vậy? Anh căn cứ vào đâu mà nói thế? ở nước tôi, ngay cả những vùng quê hẻo lánh, người ta đọc cũng rất nhiều...’’. “Không ai đọc sách đâu. Đấy là một sự thậ.” - Ông Thiệp bảo – “Nếu có đọc sách thì người ta cũng chỉ đọc giả vờ. Ngay cả sách của bà, người ta cũng không đọc. Bản chất của con người là nhầm lẫn...”. Nói thế là liều lĩnh lắm. Suy cho cùng, Nguyễn Huy Thiệp chỉ tạo dựng sự độc đáo của mình bằng phép nói ngược mà thôi. Ông cứ bình tĩnh đọc lại toàn bộ tác phẩm của ông Thiệp thì rõ. Lối nói ngược bao giờ cũng ấn tượng, hấp dẫn. Nhưng để sử dụng được cái mẹo này, phải có vốn văn hoá sâu rộng và lại phải rất cao tay, như một vị phù thuỷ có bùa mê thuốc lú. Chỉ như thế mới mê hoặc được công chúng. Nếu không sẽ ăn đòn ngay, vì bị cho là kẻ phá đám, là thằng nghịch tặc. Nguyễn Huy Thiệp từng chịu nhiều cú đòn. Hầu hết những trận đòn ấy cũng đều bắt đầu từ chuyện nói ngược đó thôi. Nguyễn Văn Thọ: Việc ông Thiệp phát biểu như thế, theo tôi đấy cũng là một dạng “mơ hồ Nguyễn Huy Thiệp”, để ai hiểu thế nào cũng được về hai mặt của chiến tranh. Đấy là điều nguy hiểm cho bạn đọc. Với cuộc sống thực, Nguyễn Huy Thiệp hay né tránh trách nhiệm khi phát biểu ở nước ngoài, né tránh trách nhiệm với đồng bào và bè bạn của ông. Điều đáng buồn là Nguyễn Huy Thiệp đã rất vô trách nhiệm khi phát biểu trên đất nước xét giải Nobel! Tôi tin bè bạn Thụy Điển đủ thông minh để thận trọng nhận biết khi nghe Nguyễn Huy Thiệp. Vả lại, một nhà văn ra nước ngoài, không cá nhân nào có quyền thay thế cho chúng tôi, ít ra là tôi là bè bạn tôi, phỉ báng nốt vào phần máu cuối cùng mà chúng ta đã đổ trong cuộc chiến tranh đã qua. Tôi hy vọng, nhà văn nữ Thụy Điển kia, người đã từng đứng về phía Việt Nam trong chiến tranh, tỉnh táo nhận ra điều ấy. Nhận ra, ông Nguyễn Huy Thiệp chỉ là một cá thể. Vấn đề này, phải nói là rất đau lòng. Có lẽ tôi với ông phải mở hẳn một chuyên đề hai ta thảo luận, nhìn nhận hiện tượng này cho rõ. Bởi vì vừa qua, cũng không ít nhà văn học cách nói điêu, nói dối. Họ đã đẻ ra nhiều dị dạng quái thai. Họ có trực tiếp nhìn thấy máu đâu mà biết về máu, phỉ báng máu! Sự nghe hơi nồi chõ, cưỡi ngựa xem hoa, khi rơi vào văn chương minh họa, hoặc phản tỉnh cũng đều hạn chế như thế. Nhất là lại tái hiện cuộc chiến hoặc những vấn đề của thời thế khi ngửi thấy làn gió của thời thế mới. Tôi gọi, đó là sự vô luân có thể hiểu được của vài người cầm bút. Thế hệ sau có thể không trực tiếp tham gia chiến tranh, sẽ viết hay về cuộc chiến, nếu như họ có niềm thức tỉnh minh triết và nghiên cứu thận trọng, trong câu hỏi vì sao chúng ta đã làm nên chiến thắng. Cả tuổi xanh của tôi đã chôn vùi trong chiến tranh, bây giờ nhìn lại, tôi thấy rõ chiến tranh, ở mặt trái của nó khốc liệt như thế nào mà cả dân tộc ta đã phải chịu đựng, nhưng bóp méo những gì đã xảy ra trong lịch sử chiến tranh của đồng đội tôi, những gì nhân dân và bộ đội đã một thời vì lòng tự tôn dân tộc, thực sự tin và sống chết với niềm tin của nhân dân khi ấy, tôi coi đấy là một sai lạc khó mà tha thứ. Tôi không tô hồng chiến tranh, luôn nhớ tới những mất mát không bao giờ bù đắp nổi của biết bao người, song chúng tôi khi ấy, nếu như không có sự hy vọng về ngày chiến thắng của một dân tộc, hỏi làm gì có ngày cuối cùng mà biết bao người đã đi qua cái chết tới thành phố Sài Gòn? Với lối nhìn ra vẻ phản đối chiến tranh, bịa tạc hay quá nhấn vào mặt bản năng người, bôi xóa mặt hoành tráng có thực trong đại đa số tâm hồn của người lính thời đại ấy, là lối nói nhăng cuội! Nhà văn phải dũng cảm và trung thực. Trung thực ngay với cả bản thân mình, không để bất cứ hoàn cảnh ngoại quan và điều vụ lợi lấn lướt, chi phối. Điều mà Nguyễn Huy Thiệp phát biểu trên, một lần bộc lộ tâm can hiện tại của ông ấy. Nguyễn Huy Thiệp, nếu đồng cảm với những nỗi đau có thực trước nhân dân, đẻ ra nhiều truyện ngắn hay như trước đây làm tôi tâm phục khẩu phục, thì hôm nay ông ấy sẽ phải thận trọng hơn, nhất là khi ra nước ngoài, trả lời một câu hỏi của một nhà văn từng sát cánh cùng chúng ta. Vậy là ông Thiệp mông lung, mập mờ với nhiều quan niệm của mình. Hay đó là sự mông lung của một con người nhiều ham hố. Nhà văn như vậy, dù có tư tưởng, cũng không thể lớn được. Trần Đăng Khoa: Tôi nghĩ đó cũng chỉ là trò “nói ngược” để tạo ra những cú sốc của ông Thiệp. Ngay gần đây nhất là bài “Trò chuyện với hoa thuỷ tiên và những nhầm lẫn của nhà văn” ông Thiệp cho in liên tiếp trên ba số tạp chí Ngày Nay. Tôi thực sự ngạc nhiên, không biết ông Thiệp “moi” ở đâu ra mà lắm nhà thơ nhà văn thế? Hiện nay, danh sách toàn bộ hội viên Hội Nhà văn mới chỉ có 798 người, trong đó chỉ có gần 300 nhà thơ, thế mà ông Thiệp bảo “Trong số hơn ngàn hội viên Hội Nhà văn”, có 80% là các nhà thơ. Ông gọi họ là “đám giặc già lăng nhăng thơ phú”. Ông muốn Hội Nhà văn chỉ nên là sân chơi của những người trẻ tuổi. Yêu mến, nâng đỡ thế hệ trẻ là điều rất tốt, nhưng không phải vì quý lớp trẻ mà lại khinh miệt, phỉ báng lớp già, lại đuổi những người già ra khỏi cái sân chơi rất đỗi quen thuộc và vui vẻ có tên là Hội Nhà văn. Chúng ta rồi ai cũng đến lúc thành người già. Cả ông Thiệp cũng thế. Các cây bút cao tuổi mà còn cặm cụi lao động, còn chạy đua với lớp trẻ, vẫn kẽo kẹt kéo cày trên cánh đồng chữ đầy bất trắc và giông gió thì tốt quá chứ. Họ đáng kính trọng gấp hai lần. Vậy hà cớ gì mà lại tẩy chay những người đáng thương ở cái kiếp cầm bút chúng ta. Không nên tạo ra mối mâu thuẫn giữa các thế hệ. Các cây bút chống Mỹ, thời còn rất trẻ, họ cũng đâu có phân biệt thế hệ, khinh miệt các bậc đàn anh như thế? Và các nhà văn cao tuổi cũng vậy, họ đâu có ghét bỏ, vùi dập lớp trẻ. Việc khen chê nếu có cũng chỉ là sự thẩm định trên từng tác phẩm cụ thể. Đó là quyền của bất kỳ người đọc nào, cũng là chuyện bình thường trong sinh hoạt văn chương lành mạnh, không phải sự xung đột thế hệ. Vậy thì tại sao lại cứ phải tạo ra những hố ngăn cách giả giữa các thế hệ nhà văn như thế để làm cái gì? Nguyễn Văn Thọ: Trở lại tác phẩm cụ thể của Nguyễn Huy Thiệp, thời ông ấy còn vang bóng, tôi tiếc cho Thương nhớ đồng quê. Giá ông Thiệp không bắt thằng trẻ trâu, cái cậu Nhâm đáng thương ấy, nhìn và cảm như một người quá từng trải. Cái chuyện bị nhoè đi, vì tác giả đưa vào những bài thơ phụ đồng bắt ếch lơ ngơ, mang tính bùa chú. Nhưng có người lại bảo, văn Nguyễn Huy Thiệp mà ông đòi tước đi mấy thứ đó thì có khác gì giết chết ông ấy! Nói như vậy, nhưng về mặt thành công, bao gồm những truyện ngắn hay của Nguyễn Huy Thiệp đọng lại, tựa như tiếng sấm báo hiệu một thời kỳ mới của văn chương quê mình. Này, ông Khoa ơi, sau tiếng sấm ấy, chớp và mưa! Nhà văn Nguyễn Khải còn nói là sẽ bẻ bút(!). Đấy là sự xấu hổ có thực dẫu là bên bàn trà tiệc rượu, lề đường, nhất là khi mấy bố hứng lên. Trần Đăng Khoa: Chết, sao ông lại tin cụ Khải. Ông già vui tính ấy hay nói đùa lắm đấy. Nói cho vui rồi quên ngay thôi. Có một nhà văn nữ tặng Nguyễn Khải cuốn sách. Ông cụ bảo: “Văn của chị là em cứ phải đội lên đầu đấy nhé!’’ Câu nói với đầy vẻ sùng kính của một nhà văn lớn lại có tiếng là sắc sảo tinh đời, khiến nữ nhà văn rúng động, run hết cả các tứ chi. Nhưng thực tình, cụ Khải có đọc đâu. Nếu đọc, tôi dám chắc cụ ấy chả dám đội lên đầu. Nhà văn Nguyễn Khải tuyên bố bẻ bút khi xuất hiện Nguyễn Huy Thiệp. Tôi nghĩ đó chỉ là lời đồn nhằng của công chúng nhằm đề cao Nguyễn Huy Thiệp. Khi ấy, Nguyễn Huy Thiệp đã cho đăng liên tiếp mấy truyện ngắn rồi. Ông Thiệp xuất hiện với gương mặt âm âm tối. Một gương mặt sinh ra dường như chỉ để thách thức các nhà nhiếp ảnh, và ngay cả những bác phó nháy đại tài cũng cảm thấy khó chụp, vì gương mặt ông Thiệp lúc nào cũng như thiếu sáng. Một con người lạ hoắc, lại vác một khuôn mặt âm u bí hiểm, khiến các nhà chức trách luôn thấy bứt rứt vì nghi ngờ, bạn bè đồng nghiệp thì ngỡ ngàng và không ít người khó chịu, đã nhảy phóc một cái vào ngôi đền thiêng văn chương, lại ngồi chỗm trệ trên cái chiếu Tiên chỉ, khiến cả văn đàn một thời nháo nhác. Người vỗ tay hoan hô. Người hằm hằm tức giận. Nguyễn Khải cũng vỗ tay rất náo nhiệt, nhưng ông Tiên chỉ có tiếng là khôn ngoan này cũng có “bẻ bút’’ đâu. Mà việc gì phải "bẻ bút"? Nguyễn Khải có vị thế của Nguyễn Khải. Ông cụ là bậc đại bút. Một thợ đấu lực lưỡng. Sách cụ Khải vẫn ra kìn kìn. Và cuốn nào cũng giống cuốn nào. Nghĩa là rất hấp dẫn và luôn có tính cập nhật, lại cứ đều thau tháu như đúc ra từ một cái khuôn...
Nguyễn Văn Thọ:
Nhưng sự thực thì cũng có người bẻ bút thật. Trên đường đời, cách nhau một dặm
là ghê, nhưng cố vẫn đuổi nhau được. Còn ở Văn chương cách nhau chỉ một bước,
một phân, thậm chí một milidem... có khi cả đời lẽo đẽo làm kẻ theo sau... Đằng
này, thoắt một cái, Nguyễn Huy Thiệp vươn mình, phẩy bút bỏ xa bao người! Ông ấy
tiến lên phía trước, rùng mình biến tất cả những điều chỉ riêng ông ta làm ra,
thành dãy thạch nhũ lấp lánh. Tôi rất lấy làm tiếc khi một số các tác phẩm của
Nguyễn Huy Thiệp đáng được xét, được tặng giải Hội Nhà văn Việt Nam năm 1989,
khi tập sách đầu tiên của Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện! Vậy mà không hề và cho tận
tới hôm nay, chưa khi nào Nguyễn Huy Thiệp được nhận một giải thưởng nào cả.
Bàn về Nguyễn Huy Thiệp [2/3] Trần Đăng Khoa, Nguyễn Văn Thọ Trần Đăng Khoa: Trao Giải Hội Nhà văn cũng không phải là phong thánh. Và cũng không nên quan trọng hóa những tác phẩm được trao giải. Sở dĩ, ông có cảm giác văn Nguyễn Huy Thiệp có sức ám ảnh, vì ngoài phép nói ngược, văn ông ta rất gần với thơ. Nghĩa là nó có sức gợi, sức dư ba. Nói như các cụ thì "ý tại ngôn ngoại". Mặc dù xét về ngôn ngữ, chữ của ông Thiệp kình địch với thơ nhất, vì nó bỗ bã và suồng sã. Nguyễn Huy Thiệp không thi vị hoá đời sống. Ông cũng không qua bất cứ một khâu trung gian nào mà cứ gọi thẳng sự vật ra bằng tên thật của nó. Ví như cứt thì cứ gọi là cứt, chứ không gọi là đồ phế thải hay chút hương thừa. Lối viết bốc mùi vỉa hè cống rãnh của đời sống bụi bặm này, thoạt đầu làm cho không ít người choáng, nhất là những ai quen với lối văn thanh lọc kiểu truyền thống cổ điển. Nhưng rồi quen dần lại thấy mê. Mê vì nó thật. Câu chữ bỗ bã, nhưng ý tưởng lại thâm hậu. Bởi thế, tôi mới bảo văn ông ta gần với thơ. Và gần ở phía bản chất. Nguyễn Huy Thiệp không bao giờ nói hết, nói đến trơ gốc trơ rễ, mà chỉ thoáng vài nét chấm phá, đủ để tạo sức gợi. Nét chắt lọc này nằm ngay trong toàn truyện cho đến từng câu văn. Ví như truyện Con gái thuỷ thần viết cách đây đã hai chục năm. Phải nói, ông ta tạo không khí rất giỏi. Một không khí huyền thoại. Vừa thực lại vừa ảo. Không tạo được cái không khí ma quái này thì truyện giả ngay. Và như thế là hỏng hoàn toàn. Cả một vùng quê sống chết cho một huyền thoại. Huyền thoại có cái tên rất ghê rợn là Mẹ Cả. Rút cục, Mẹ Cả chỉ là khúc gỗ mục, chôn ở trước cửa đền, do một lão già bệnh hoạn, quái thai nghĩ ra. Cái kết thật bất ngờ. Đọc hãi quá. Sau đó ông Thiệp lại kéo cái truyện thành lê thê. Các phần sau lại kể chuyện đi tìm Mẹ Cả với những tình tiết có vẻ như là hiện thực thì lại hỏng rồi. Truyện đã hết mà Nguyễn Huy Thiệp cứ bôi phết ra. Tất nhiên, nhờ tài văn, ông viết vẫn hấp dẫn, nhưng gấp lại, chẳng thấy gì, cũng chẳng còn gì. Nhung tuyết đã bay hết. Đọc thấy trơ thổ địa những ý tứ sống sít và lổn nhổn. Cái phần hỏng này, lại có sức lây nhiễm, làm nham nhở cả cái phần đã hoàn thiện ở trên kia. Thực tâm, tôi rất lấy làm tiếc cho Nguyễn Huy Thiệp. Người Việt ta, nhìn chung không có sức dẻo dai, ông ạ. Ví như bóng đá là dễ thấy nhất. Nếu gồng mình lên để thắng thì thắng ngay từ keo đầu. Đã đá đến hiệp phụ thì tất sẽ thất bại. Văn chương cũng thế. Tiểu thuyết Sóng gầm của Nguyên Hồng tập I khá hay, đến các tập sau thì không còn đọc được nữa. Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi cũng vậy. Tập II toàn chạy theo minh hoạ các sự kiện lịch sử, và minh hoạ một cách quấy quá, sống sít. Dù có quí ông cụ tài ba này đến đâu, tôi vẫn phải đau đớn mà nói thẳng ra như vậy. Nguyễn Trọng Oánh cũng có một cuốn sách rất hay. Đó là tiểu thuyết Đất trắng. Nếu chỉ dừng lại ở tập I thì cuốn sách cũng đã hoàn thiện rồi. Trong tiểu thuyết này, có một nhân vật tôi rất thích. Đó là Thượng tá Tám Hàn. Ông ta là chính uỷ, một cán bộ cao cấp, linh hồn của cả mặt trận. Một con người rất tốt, rất tận tụy. Nhưng rồi cuộc chiến khốc liệt quá, không thể chịu đựng nổi, ông ta đã chiêu hồi. Khi đầu hàng địch, nhảy sang hàng ngũ địch, ông ta cứ day dứt ân hận, không phải ân hận vì sự chiêu hồi, mà ân hận vì khi ra đi, ông đã quên, không nhắn anh em di chuyển địa điểm đóng quân, vì khi đầu hàng rồi, tất nhiên ông ta sẽ khai và địch sẽ ném bom tàn sát khu rừng mà anh em đang trú ngụ. Lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, Nguyễn Trọng Oánh nhìn nhân vật phản diện với con mắt không hề đơn giản. Cuộc chiến tranh hiện lên thật khốc liệt. Người tốt kẻ xấu đã phô bày một cách khá trọn vẹn. Nói như một thi sĩ: “Những gì đã cháy thì thành tro rồi / Những gì còn lại thì thành thép tôi”. Và thế là cuốn sách đã xong rồi. Nguyễn Trọng Oánh mới chính là nhà văn đầu tiên của công cuộc đổi mới. Ông còn xuất hiện trước khi có công cuộc đổi mới. Đó là năm 1981. Đương thời, cuốn sách này từng bị không ít bạn đọc phê phán rất gay gắt, đặc biệt là ở chính nơi cuốn sách đề cập, phản ánh. Nhưng nó mới chính là tia chớp đầu tiên của cơn mưa đổi mới. Nó báo hiệu sự xuất hiện của một dòng văn học mới, với sự hiện diện của Nguyễn Minh Châu với hàng loạt truyện ngắn, Lê Lựu với Thời xa vắng, Nguyễn Khắc Trường với Mảnh đất lắm người nhiều ma, Nguyễn Trí Huân với Chim én bay, Dương Hướng với Bến không chồng và đặc biệt là Bảo Ninh với Thân phận của tình yêu. Nhưng phải đến mãi sau này, khi xuất hiện Nguyễn Huy Thiệp thì mới thành một cú sốc, khiến người ta nhận ra đầy đủ diện mạo, tầm vóc của dòng Văn học mới này. Tôi chỉ tiếc, sau đó Nguyễn Trọng Oánh lại ra tiếp tập II, khiến Đất trắng đã hoàn thiện lại trở thành một cuốn sách nham nhở và nhạt nhòa, khiến người ta không còn nhận ra gương mặt ông nữa. Và rồi người ta cũng quên luôn vai trò mở đường tiên phong của ông. Quả các nhà văn của ta không có khả năng chạy ma-ra-tông, vì sức dẻo dai rất kém. Sự trồi sụt này không chỉ ở những bộ sách trường thiên, mà còn nằm ngay trong một cuốn tiểu thuyết. Đến cả lão tướng Tô Hoài, thường phần đầu các tiểu thuyết, ông cụ viết rất kỹ và hay, sau thì đuối dần. Tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường cũng vậy. Nguyễn Huy Thiệp đâu phải ngoại lệ. Vì thế, tôi không tin tiểu thuyết Tuổi 20 yêu dấu của ông Thiệp lại có thể hay. Không có đâu. Tôi nói vậy, không phải là võ đoán. Tôi đã đọc ở trên mạng rồi. Và cuốn sách này cũng đã trích in trên Tạp chí Hợp Lưu. Và như thế thì chúng ta đã có cơ sở để mang ra bàn được. Nó chẳng ra làm sao cả. Ông Thiệp thì bảo: "Cuốn sách ấy nếu ra được sẽ là một cú sốc cho văn học đương đại Việt Nam". Tôi cũng tin như thế, nhưng nếu có cú sốc là sốc ở chỗ này: Những người từng hâm mộ ông Thiệp, trong đó có cả tôi và ông sẽ bị choáng, vì không ngờ một bút lực cỡ như Nguyễn Huy Thiệp, lại viết kém đến mức như thế. Với cuốn sách ấy, ông Thiệp đã tự đẩy mình xuống đội ngũ những cây bút nghiệp dư. Có lẽ cái tạng chung của người Việt là không trường lực. Sức lực của ông Thiệp cũng chỉ vừa đủ cho những truyện ngắn. Con gái Thuỷ thần, nếu dừng lại ở phần một thì cái truyện thật đặc sắc. Truyện khép ở con chữ, nhưng ý tưởng lại mở về phía bạn đọc, mở vào cõi vô biên. Tôi nói văn ông Thiệp có sức gợi là vì thế. Ngay trong từng câu văn, ông ta viết cũng rất kiệm lời. Ông chỉ chém vài nhát chữ là ra ngay dung mạo, cốt cách nhân vật. Những đoạn tả cảnh cũng vậy. Ông không miêu tả chi li, chỉ phẩy đôi nét cốt để gợi. Rồi người đọc tự nghĩ tiếp, tự tưởng tượng sáng tạo tiếp. Cái này phải nói là ông Thiệp tài lắm. Còn truyện Thương nhớ đồng quê mà ông khen thì tôi lại thấy vừa thôi. Cùng đề tài này, Những bài học nông thôn khá hơn, tuy không toàn bích, vì trong đó có đoạn Nguyễn Huy Thiệp để anh giáo Triệu phán về chính trị, xã hội, nhân dân với một thằng bé con mới nứt mắt thì gượng gạo lắm. Vả lại, cái ngôn ngữ du thủ du thực ấy, không phải là ngôn ngữ của một anh giáo, nhất là anh giáo quê, lại sống ở thôn quê. Ngay cái đoạn văn bàn về đàn bà, vợ con cũng vậy. Ta hãy nghe anh giáo luận bàn: "Chú có biết hoa này không?... Hoa này lạ lắm, trông y như cái miệng cười, vớ vẩn có chú muỗi nào rơi vào là nó khép ngay cánh lại. Nó có cái lạ là cứ để yên thì chẳng làm sao, nhưng hễ đụng đến là thơm lựng lên. Người ta đặt tên là hoa cỏ đĩ. Y hệt đàn bà, đẻ yên thì hạnh kiểm phi thường, đụng vào tan nát như chơi, đầu tiên nát tiền, đến nát tâm hồn, rồi tan gia đình, tan cơ nghiệp". Tôi cười: "Anh có vợ chưa?" Anh Triệu bảo: "Chưa. Vợ người thì đẹp. Vợ mình lại tử tế. Khốn thế". Phải công nhận, đoạn văn này, Nguyễn Huy Thiệp tỏ ra rất lọc lõi. Nhưng đó là ngôn ngữ của một gã trác táng, rất am tường đàn bà và cũng rất chán vợ, nhưng lại không có khả năng bỏ vợ vì trong gã vẫn còn có một chút lương tâm. Đây không phải là ngôn ngữ của một anh giáo nhà quê chưa vợ. Nguyễn Huy Thiệp luôn bắt nhân vật làm một con rối, làm một cái loa phát ngôn cho những câu thánh phán rất dớ dẩn của mình. Lời thánh mà đặt vào mồm trẻ trâu thì không còn thiêng nữa. Đấy là điều tôi rất lấy làm tiếc cho ông Thiệp. Trong truyện Thương nhớ đồng quê mà ông khen, cũng có nhiều đoạn ông Thiệp viết rất giỏi. Nó như một cái tiểu thuyết dài dồn nén lại. Nhưng vì quá dồn nén nên nhiều chỗ ôm đồm, chỉ lổn nhổn những sự việc. Có chỗ sơ sài như phác hoạ kịch bản phim tài liệu. Này, hãy xem ông viết về đám ma hai cô bé chết trẻ: "Chiều hôm ấy phải làm đám ma cho hai em tôi. Cũng như mọi đám ma ở làng, ở đấy có rất nhiều nước mắt, nhiều lời than vãn". Tất nhiên, mục đích của ông Thiệp trong truyện này không phải tả đám ma, vì thế, ông chỉ lướt qua để nói những chuyện khác. Nhưng văn lướt cũng có những quy củ phép tắc của nó. Không phải chỉ nói vuốt cho xong. Văn chương mà viết như thế là rất cẩu thả, bố Thọ ạ. Đấy, chính vì thế, mà những câu văn có sức lay động, một số người kính phục coi như thánh phán, thực chất cũng chẳng phải thần thánh gì đâu. Đó là những lời kiêu bạc của một gã chán đời. Cuộc đời vốn có nhiều cái đáng chán, nên gặp những câu nói ấy, ta dễ dàng đón nhận, và thấy có gì tiên tri như những lời sấm ký. Thực ra, nó chỉ là giọng điệu của một lão già đã biết hết sự đời và chán hết mọi sự đời. Còn những lời phán thật của ông Thiệp thì lại liều mạng, lỗ mỗ. Ông nói lung tung cho vui thôi. Ví như những bài viết khen Đồng Đức Bốn. Tôi công nhận Đồng Đức Bốn là cây bút có tài. Nhưng thơ anh óng ánh như những phoi bạc chống ra đa. Ông từng là lính ông biết đấy. Những sợi nhiễu ấy mà tung ra thì khiếp lắm. Cứ mù trời, mù đất. Lộng lẫy, kỳ vĩ lắm. Những người yếu bóng vía rất dễ choáng ngợp. Nhưng gom lại, bóp lại thì không đầy một chét tay. Đồng Đức Bốn chỉ giỏi mài rũa mấy con chữ. Tôi gọi anh là ông thợ kim hoàn bậc 9/7. Nói thế cũng là đề cao tài nghệ của anh ấy lắm. Nhưng thơ anh long lanh một thứ vàng mạ. Chỉ óng ánh trang kim, nhưng nhẹ tếch chẳng có gì. Gạt cái vỏ mạ vàng ra, bên trong chỉ lễnh loãng một chút sương khói. Thế mà ông Thiệp bảo Nguyễn Du trao y bát thơ lục bát cho Tản Đà, Tản Đà trao cho Nguyễn Bính, và đến lượt mình, Nguyễn Bính trao cho Đồng Đức Bốn thì rất buồn cười. Mặc dù ông Thiệp chỉ khuôn trong thể thơ lục bát, nhưng ngay cả trong thể thơ lục bát, Nguyễn Du, Tản Đà, Nguyễn Bính, tuy ở các cấp độ rất khác nhau, dù Tản Đà có chỗ tưởng như rất phóng khoáng, nhưng cũng đều là thứ thơ chiêm nghiệm, nặng trĩu nỗi đời, sự đời. Thơ ông Bốn chỉ là thơ lãng du của một gã tài tử, nên không thể so sánh, ví von thế được. Ông Thiệp lại còn chia thơ ra thành mấy loại, loại thơ Thần, thơ Thánh, thơ Khởi nghĩa, thơ Trí năng và Ngộ năng. Rồi cao hơn thơ, vượt lên trên thơ là Triết học thì đúng là say rượu rồi. Cao hơn thơ phải là thơ Thần, thơ Thánh, chứ sao lại là Triết học? Triết và thơ là hai thể loại khác nhau, hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Trong thơ có thể có Triết, nhưng Triết học không thể lại là thơ ca được. Cũng như đàn ông là đàn ông. Đàn bà là đàn bà. Người đàn ông đẹp nhất không thể lại là người đàn bà đẹp được. Đấy là lời phán của một lão say khướt chứ không phải của người tỉnh táo, càng không phải của thánh thần. Ông phê phán Nguyễn Hoàng Đức bởi những nhận định có phần cực đoan của anh ấy về Nguyễn Huy Thiệp. Tôi cũng không hoàn toàn đồng ý với Nguyễn Hoàng Đức. Nhưng có một nhận xét của Nguyễn Hoàng Đức mà tôi nghĩ chúng ta cũng nên suy ngẫm. Đó là Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn của những mệnh đề đơn giản. Văn Nguyễn Huy Thiệp hầu hết đều là những câu đơn giản. Đại loại: "Chị Ngữ là chị dâu tôi, lấy anh Kỳ. Anh Kỳ đang làm công nhân trên mỏ thiếc Tĩnh Túc Cao Bằng. Chị Ngữ là con ông giáo Quý. Ông giáo Quý có nhiều sách. Mọi người bảo ông là "Đồ gàn", lại bảo ông là "lão dê già", "Quý dê". Ông giáo Quý có hai vợ, vợ cả sinh ra chị Ngữ, chị dâu tôi. Vợ Hai là thím Nhung, vừa là thợ may, vừa bán quán, sinh ra thằng Văn bạn tôi. Thím Nhung trước kia là gái giang hồ ở Hải Phòng ông giáo Quý lấy về làm vợ nên uy tín chẳng còn gì". Cũng theo Nguyễn Hoàng Đức, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đầy rẫy các tai nạn chết ngẫu nhiên. "Chảy đi sông ơi": Thắm chết. "Tướng về hưu": cha mẹ đều chết. "Cún": cha chết. "Không có vua": lão Kiên chết. "Đời thế mà vui", ông Khách ngoẻo. "Tội ác và trừng phạt": vài người chết. "Những bài học nông thôn": anh Triệu ngẫu nhiên bị trâu húc chết. "Thương nhớ đồng quê": "Cái Minh em tôi và cái Mi con dì Lưu đèo nhau đi học về, qua ngã ba thì thì bị ô tô chở cột điện cán chết". Cả hai cái chết đó chỉ phục vụ cho tác giả đọc một bài thơ đám ma. Bi kịch là gì? Là tác giả phải tạo lên cả một quá trình để nhân vật dù không phải bằng xương bằng thịt cũng phải "được chết" trong nguyên lý, không thể có cái chết vu vơ tùy tiện dành cho nhân vật. Vậy Nguyễn Huy Thiệp bắt nhân vật phải chết ngẫu nhiên để làm gì? Vì theo tâm lý làng xã, mọi người xem chèo, xem cải lương về thường bảo nhau: "Vở kịch hay quá. Tôi khóc từ đầu đến cuối". Thêm nữa, cái chết bao giờ cũng ru người ta vào sự vừa thương tiếc, vừa hệ trọng. Thế là truyện của Nguyễn Huy Thiệp được đưa vào khung cảnh lâm ly. Điều này là không thể chối cãi được, vì tác giả của bi kịch phải là tác giả của tư tưởng, mà Nguyễn Huy Thiệp với trình độ chưa có nổi tư tưởng, thì buộc phải tạo ra những cái chết ngẫu nhiên. Trông giống bi kịch mà không phải. Riêng điểm này cũng đủ nói lên trình độ bút pháp của Nguyễn Huy Thiệp hết sức ấu trĩ và tuỳ tiện. Những nhận định như thế của Nguyễn Hoàng Đức phải nói là nghiệt ngã và khinh bạc, nhưng không phải là không có lý. Tôi cũng đồng ý với ông là chúng ta rất tiếc khi Nguyễn Huy Thiệp chưa được trao giải thưởng Hội Nhà văn, nhất là trong giai đoạn sáng tác ban đầu. Bây giờ có muốn trao cho ông ấy cũng không được nữa. Vì thực chất, mười năm nay, ông Thiệp viết rất sút. Hình như lực đã cạn và hơi cũng kiệt rồi. Trên bầu trời văn đàn chúng ta, vẫn còn nguyên vệt sáng Nguyễn Huy Thiệp, nhưng thực chất, đó là ánh hào quang phất lại của một ngôi sao đã tắt. Nhưng cũng đừng trách Nguyễn Huy Thiệp. Dù Nguyễn Huy Thiệp không viết nữa thì ông ấy cũng vẫn là Nguyễn Huy Thiệp. Những gì ông ấy có, cũng đủ thành một sự nghiệp rất đáng được trân trọng. Không ít nhà văn có lượng sách đồ sộ, thực chất không bằng ông. Có thể gọi Nguyễn Huy Thiệp là tài năng, hay một tài năng lớn cũng được. Nhưng đó là tài năng của một tâm thức bất định. Nguyễn Huy Thiệp là sự thăng hoa của những tâm thức bất định đó. Đây là điểm mạnh của Nguyễn Huy Thiệp, đồng thời cũng là nhược điểm không thể cứu vãn nổi của ông ấy. Nguyễn Huy Thiệp là nỗi may mắn hiếm có và đồng thời cũng là niềm bất hạnh của cả nền văn học chúng ta. Lùi sâu về thời gian, khi trời êm bể lặng rồi, tôi tin người ta lại tìm đến Nam Cao thôi. Nam Cao mới là người của muôn đời. Cố nhiên, Nguyễn Huy Thiệp cũng không phải là con người của một buổi... Nguyễn Văn Thọ: Như vậy, chúng ta hóa ra đều đọc Nguyễn Huy Thiệp rất cẩn thận và cùng yêu mến, lại sòng phẳng với ông ấy. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có mặt thành công lớn và cũng có mặt ông ấy tự huỷ hoại mình. Theo tôi, Nguyễn Huy Thiệp không chỉ pha chế Thương nhớ đồng quê để làm hỏng món ăn khó nấu. Trong Thương nhớ đồng quê, tôi nghĩ thực vất vả, Nguyễn Huy Thiệp mới nhặt nhạnh được nhiều chi tiết, dồn vào một truyện ngắn, để ông gọi nó là Tiểu thuyết dồn nén. Đây là một truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp viết, công bố sau giai đoạn rực rỡ nhất của ông ta với chùm chín - không, mười cho tròn đi - truyện ngắn mà tôi và ông đã dẫn, ấy là kể cả Những bài học nông thôn. Tôi đưa thêm Không có vua. Truyện này khá hơn ông ạ. Nếu nói ở dạng cấu trúc tương tự này thì Không có vua mới đạt tới thang nấc kiêu hãnh của thử nghiệm nghê thụât cắt dán. Đặc biệt là việc tạo dựng nhân vật. Trong Không có vua, ông Thiệp đã vót, đẽo, tạc nên cái ác làm thần thái, chứa đựng ngay trong ngôn ngữ nhân vật. Nếu ví nhà văn với nghề tạc tượng, điêu khắc, thì Thiệp đã tạo được ông Ác sinh động nhất đứng ngụ ở cửa ngôi chùa trần thế. Con mắt nghệ thuật của Thiệp rất lạ. Ngay ở ngoài đời, trong khu vườn nhà mình, Thiệp cũng dựng bức tượng Phật to ngật ngưỡng. Bức tượng hơi bị mất cân đối về giải phẫu học, trên tà áo lại nhằng nhịt trăm ngàn vệt gờ như những sợi dây trói. Trông quái đản lắm Khoa ạ. Ông khen câu văn Nguyễn Huy Thiệp có sức dư ba, ngay cả đoạn tả cảnh. Tả chấm phá cốt gợi. Điều này thì tôi không đồng ý với ông. Ông cho rằng, ngay cả việc tả cảnh, Nguyễn Huy Thiệp cũng tiết chế, không tả hết. Đấy là vì ông Thiệp không muốn tả cảnh. Vì ông ấy tả rất kém. Trong Chảy đi sông ơi, đoạn ông Thiệp dẫn chuyện, tả sông nước thì hay. Nhưng đoạn đầu của truyện ngắn Truyện tình kể trong đêm mưa thì ông ấy lại tả rất vụng, mà viết cũng vụng, bỏ qua những đặc điểm lướt nhanh, đi thẳng vào các tình huống khi dẫn chuyện, vốn là thế mạnh tạo nên phong cách Nguyễn Huy Thiệp, ông Thiệp viết cà kê thế này: “Hồi ở Tây Bắc, tôi có quen một người Thái tên là Bạc Kỳ Sinh. Tôi quen Bạc Kỳ Sinh, trong dịp tình cờ. Sự việc như sau...“. Rõ ràng, đoạn mở này chỉ thông tin kể việc thôi. Thế mà cứ lề mề. Có thể co lại mà vẫn đầy đủ: “Hồi ở Tây Bắc, trong một dịp tình cờ, tôi có quen một người Thái tên là Bạc Kỹ Sinh. Sự việc như sau...“ Nguyễn Huy Thiệp, sau Chảy đi sông ơi… thường tránh tả cảnh. Bởi đó không phải là sở trường của ông ấy. Tả cảnh cũng phải như họa sĩ, chỉ phảy vài nét chấm phá mà toát ra thần thái của cảnh và vật, như đàn tôm, bầy ngựa của Tề Bạch Thạch và Từ Bi Hồng. Rất nhiều nhà văn khác cũng có khả năng như thế. Nhưng đó không phải tạng của Nguyễn Huy Thiệp. Đối với truyện ngắn, kỹ năng giáp mối, dựng truyện, cắt dán là vô hạn quan trọng. Nhưng ngay trong vấn đề cốt lõi này, đôi lúc ông Thiệp cũng tỏ ra lúng túng như một kẻ non tay nghề. Đấy là điều thật đáng tiếc. Tôi không nương nhẹ như ông, là ông Thiệp đã: cẩu thả mà mắc lỗi ấy. Ông Thiệp chưa khi nào cẩu thả cả. Ông ta tính toán, đo đếm rất thận trọng, rất chú ý tiểu xảo, kể cả khi hạ bút “Tôi kể chuyện này đến đây là hết” cũng đều có dụng công. Nhưng cả khi dụng công cũng vẫn có thể thất bại, để tôi thì tiếc và ông có cái mà bàn với tôi hôm nay. Nếu thật sự cao tay thì Thương nhớ đồng quê đã thành công, Nguyễn Huy Thiệp sẽ bổ sung cách nhìn về sự đa dạng của truyện ngắn. Trong cấu trúc, dựng truyện phải hợp lý, lại luôn năng động, biến hoá. Có lẽ cái lỗi mà ông nói: “Văn chương viết như thế là cẩu thả’’ xuất phát từ việc đẩy nhanh tốc độ, bị câu thúc trong việc dồn nén câu chuyện còn bấy của Nguyễn Huy Thiệp trong hình thức thể hiện này. Ông Khoa ạ, nhìn vào dòng chảy văn chương của Nguyễn Huy Thiệp, mới thấy làm thằng nhà văn thực khó. Nguyễn Huy Thiệp sinh ra phùng thời, thỏa chí tang bồng hơn lớp nhà văn trước với nhiều chiêu khác lạ. Ông có công thay đổi cả cách nghĩ và cách đọc một thời, ấy là tôi tóm tắt ý kiến của ông, còn sau này Nguyễn Huy Thiệp tự bôi màu lên bức tượng của mình. Tượng thánh vẽ xanh đỏ vừa độ thôi, đằng này cứ bôi mãi màu vào thành ra thánh tuồng trên sân khấu. Ông Nguyên Ngọc - nguyên là Tổng biên tập báo Văn Nghệ -, người có công đầu trong việc mạnh dạn giới thiệu cho bạn đọc một lọat truyện ngắn thời Nguyễn Huy Thiệp bắt đầu có thương hiệu, nhận xét có ý: Bấy lâu nay Nguyễn Huy Thiệp đã lặp lại mình. Lại bàn thêm về tiểu thuyết Tuổi 20 yêu dấu của Nguyễn Huy Thiệp. Tác phẩm này, tạp chí Hợp Lưu ấn hành tại Hoa Kỳ số 73, tháng 10-11/2003 có đi ba chương. Kèm theo là bài bình luận khen nức nở của Liễu Trương, viết tại kinh đô ánh sáng Paris. Liễu Trương chạy cái tít giật gân: Tuổi hai mươi yêu dấu của Nguyễn Huy Thiệp hay một giải thoát cho con người. Tôi phì cười vì không ngờ văn chương vẫn còn đất dung cho sự đại ngôn trơ trẽn đến như vậy. Liễu Trương có quyền khen tha hồ, nhưng đẩy một cuốn sách, mà theo tôi là rất dở, trở thành sự giải cứu cho con người thì không thể không bịt mũi. Tưởng đọc nhầm, hay là sự giải cứu cho binh nhì (tên một bộ phim gần đây ở Mỹ) mà Hợp Lưu in sai?! Về Tuôỉ hai mươi yêu dấu, ông Thiệp trả lời báo điện tử Vietnam Net, đã trách cứ nhiều nhà xuất bản không in. Tôi lại thấy, đó là điều may cho ông Thiệp. Tiểu thuyết đầu tay này chứng tỏ Nguyễn Huy Thiệp không có khả năng viết tiểu thuyết. Ông viết như những bài báo xoàng, phản ánh tiêu cực tại Việt Nam. Nhưng xét ngay ở góc độ báo chí thì cuốn sách lại thua xa những bài báo cùng nội dung đăng tải trên các trang báo hàng ngày. Ông cũng lại dùng miệng cậu Khuê ngay từ mở đề (lại cậu trẻ) phang nền giáo dục Việt Nam. Mọi bùa phép có thể giúp ông thành công ở truyện ngắn, đem sang tiểu thuyết xem ra không còn hợp, khiến ông đã thất bại thảm hại. Thà như Trần Mạnh Hảo, dũng cảm tỏ thái độ với nhiều vấn nạn hiện nay của sự nghiệp giáo dục đào tạo, hay như những bài báo của những phóng viên vừa ra trường viết về tệ nạn ma tuý, mại dâm, còn hơn là Nguyễn Huy Thiệp viết báo bằng món nộm giả cầy, có tên là tiểu thuyết… Trần Đăng Khoa: Kể ra, mỗi nhà văn chỉ cần để lại một cái truyện ngắn đích thực là truyện ngắn cũng đã tuyệt vời rồi. Nhiều nhà văn viết cả đời, ra hết tập này, tập khác mà rồi chẳng còn lại một chữ nào ấy chứ. Nguyễn Huy Thiệp không phải chỉ có một truyện ngắn, mà là hàng loạt truyện ngắn đặc sắc. Thế là tuyệt vời rồi. Nói đến Nguyễn Huy Thiệp, tôi nghĩ đến Tướng về hưu, Chảy đi sông ơi, Muối của rừng, Con gái thuỷ thần, Không có vua, Những ngọn gió Hua tát...
Bàn về Nguyễn Huy Thiệp [3/3] Trần Đăng Khoa, Nguyễn Văn Thọ Nguyễn Văn Thọ: Don Kihote quả là một cuốn sách hay nhất của mọi thời đại. Tôi tin vào trí tuệ của những học giả lớn. Bởi cuốn sách ấy đã chứa trong nó lời giải cho con người ở tất cả mọi thời. Nhưng dẫu sao, đó cũng vẫn là chuyện xa xôi quá. Tốt nhất, ta về ta tắm ao ta. Để cho sát thực với văn học nước nhà, tôi đề nghị chúng ta lại quay về hiện tượng văn học Nguyễn Huy Thiệp. Tôi không đồng ý với nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức khi ông ta đánh giá Nguyễn Huy Thiệp chỉ viết về đề tài lịch sử với nông thôn và như thế là không có tư tưởng. Tôi đồng ý khi Nguyễn Hoàng Đức bảo: “bút pháp nội dung cũng là hàm chứa tư tưởng’’. Nhưng bút pháp nội dung lại là vấn đề có khi không hề liên quan tới đề tài. Đừng đánh tráo khái niệm ở đây. Bởi suy tới chân ngã, thực ra, mọi đề tài cũng nhiều khi chỉ là cái cớ để nhà văn làm cái đinh, mắc lên một nội dung mới của mình. Nói như Nguyễn Hoàng Đức, ông Nguyễn Huy Thiệp không có tư tưởng, vì ông ấy chỉ quẩn quanh với đề tài lịch sử và nông thôn. Vậy thì ngày xưa, Lỗ Tấn cũng không có tư tưởng chỉ vì ông cụ đã viết về dã sử và nông dân ư? Ai cũng biết truyện ngắn Cố hương. Tác phẩm này chỉ kể về một cái làng nhỏ với một vài nhân vật nông dân. Nhưng ở đó hàm chứa nhiều lắm, nó là tư tưởng của Lỗ Tấn về vấn đề nông dân. Nhờ có tư tưởng ấy của Lỗ Tấn mà người nông dân Trung Quốc đã vượt qua được biên giới hạn hẹp của mình mà đến được với chúng ta và thế giới. Nói đến Lỗ Tấn, e bạn đọc lại bảo chúng ta chỉ khen phò mã tốt áo. Thôi tôi quay về văn học Việt Nam, quay về với chính Nguyễn Huy Thiệp. Tôi muốn nói rõ thêm, về đặc điểm giọng kể của Nguyễn Huy Thiệp mà ông cho là nó mang dấu ấn của của văn cổ Trung Hoa. Theo tôi, mỗi nhà văn có quyền kế thừa tinh hoa của nhân loại, nhất là văn chương Trung Hoa lại kề cận với chúng ta. Nguyễn Huy Thiệp không chỉ kế thừa mà còn cập nhật được ngôn ngữ hiện đại vào giai điệu cũ. Điều ấy thích hợp với lối kể của một thời đại mới, đòi hỏi thông tin nhanh hơn, tốc độ hoạt động của các hệ thống nhân vật linh hoạt hơn. Nguyễn Huy Thiệp còn sử dụng, bê cả nhiều chi tiết cũ mà các tác phẩm cổ đã đề cập, nên “vết chàm trên mặt cô gái đẹp” bị hồ ly di tay vào trong Liêu Trai Chí Dị, ở đoản truyện Thụy Vân, biến thành vết chàm trên ngón tay của nàng Vinh Hoa trong Phẩm tiết... Trần Đăng Khoa: Tôi muốn bàn thêm về cụm truyện biếm sử mà một thời, người ta đã tranh cãi. Thực ra, Nguyễn Huy Thiệp có viết truyện lịch sử đâu. Ông ta chỉ mượn lịch sử làm bệ phóng để vươn tới cái đích mà ông muốn tới. Đó là đập vỡ những định kiến quen thuộc đã trở thành sáo mòn. Để làm việc ấy, thoạt tiên, ông nương vào bóng các vĩ nhân. Đó là những vĩ nhân vừa có thật, vừa chỉ là huyền thoại, nhưng đã trở nên linh thiêng, thân thuộc trong tâm thức người Việt. Ví như Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, Trương Chi, Nguyễn Thị Lộ, Hồ Xuân Hương và sau này là Nguyễn Bính, Vũ Trọng Phụng... Khi viết về một nhân vật huyền thoại là Trương Chi, ông Thiệp đưa ra một cái kết thúc khác. Ông cũng nói thẳng rằng trong huyền thoại dân gian, Trương Chi đã tự tử, hồn anh nhập vào cái chén bạch đàn, khi Mỵ Nương uống nước, lại thấy đáy chén hiện lên bóng thuyền Trương Chi. "Tôi (tức Nguyễn Huy Thiệp) ghét cay ghét đắng cái kết thúc truyền thống rất thơ mộng và đẹp đẽ này. Tôi tin trước khi chết, thế nào Trương Chi cũng chửi tục". Và rồi, với quan niệm ấy, ngay khi vào truyện, Nguyễn Huy Thiệp đã để Trương Chi đái sõng xuống sông và văng tục. Rồi ông cho Trương Chi vung cứt ra như một gã cục súc. Không những thế, Nguyễn Huy Thiệp còn có cả một truyện, trong đó có nhiều trang đặc tả cứt. Đó là Chuyện ông Móng. Ông già này chỉ làm một việc là kiểm nghiệm cứt. Ông không đeo khẩu trang mà còn dùng cả mũi trần để ngửi. Ông tỏ ra tinh tường đến mức kỳ quái, khi phát hiện cứt chua, chắc là hố xí ở cạnh lò làm đậu phụ. Rồi ông còn bày kinh nghiệm cho một chủ hàng ở chợ bán cứt: "Mày phải chắt cho kiệt nước đi thì phân mới ngon". Chính vì những trang miêu tả đầy hào hứng này mà Nguyễn Hoàng Đức mới ghi nhận "Nguyễn Huy Thiệp là người đã có công đưa cứt tươi vào văn học". Trong truyện ngắn Mưa Nhã Nam, ông Thiệp cũng để cho vị Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám nhấp nháy với con gái bà chủ quán trọ rồi rủ rê kéo cô ra rừng. Vị lãnh tụ nông dân lừng danh của chúng ta, qua con mắt Nguyễn Huy Thiệp đã thành gã lục lâm thảo khấu. Và đây nữa, khi một người đàn bà quí phái hỏi Vũ (Vũ Trọng Phụng) rằng Tâm hồn là gì. Vũ kéo tay bà đặt vào dương vật mình rồi bảo: Đấy, tâm hồn nó ở đấy. Cũng tương tự như thế, Nguyễn Huy Thiệp để vị Hoàng đế Quang Trung chết không nhắm được mắt chỉ vì không ăn nằm được với Vinh Hoa. Đến nỗi cô kỹ nữ này phải lấy ngón tay út quệt vào mắt Quang Trung thì nhà vua mới nhắm được mắt. Sau ngón tay đen như một vết chàm, không thể rửa sạch. Chi tiết này, đúng như ông nói, Nguyễn Huy Thiệp đã biến tấu từ một tình tiết của Bồ Tùng Linh. Nhưng giới sử học đã nổi giận. Nhà sử học Tạ Ngọc Liễn cho rằng Nguyễn Huy Thiệp đã bỉ báng Quang Trung và phỉ nhổ vào lịch sử. Lịch sử không phải là nắm đất dẻo để nhà văn nhào nặn bóp méo và vày nghịch. Muốn hư cấu gì cũng phải tôn trọng sự thật lịch sử. Nhà phê bình Lại Nguyên Ân lại mắng ông Liễn là không biết đọc văn. Đọc văn phải khác với đọc sử. Sự thật thì đâu phải ông Liễn không biết đọc văn. Ai chả biết văn chương không phải là lịch sử. Nhưng văn viết về nhân vật lịch sử thì ít nhiều, nhà văn phải tôn trọng sự thật lịch sử. Với Quang Trung cũng thế. Quang Trung là một vị Đại Hoàng đế. Trong Hoàng Lê nhất thống chí, các nhà sử học dòng Ngô Gia Văn phái từng ghi rằng, khi tiến quân ra Bắc, Quang Trung bảo: “Ta đã biết hết con gái Nam Hà rồi. Giờ thử xem con gái Bắc Hà ra sao". Rõ ràng, đối với các đấng Hoàng đế, đàn bà chỉ là một thứ đồ chơi, một vật hiến tế, nhằm mua vui trong chốc lát. Vậy thì làm sao một người như thế lại có thể chết không nhắm được mắt chỉ vì không ăn nằm được với một con hát vớ vẩn. Cái đó không đúng tính cách Quang Trung. Tất nhiên, Nguyễn Huy Thiệp cũng không hẳn là miêu tả Quang Trung. Ông chỉ mượn Quang Trung để diễn đạt ý tưởng của mình. Ví như đề cập đến mối quan hệ giữa quyền lực với văn nghệ chẳng hạn. Nhưng nếu thế, sao không viết một cách phiếm chỉ, dựng ông vua chung chung nào đó với một kỹ nữ thì chắc giới sử học chẳng bàn đến làm gì. Nhưng khi đã đề cập đến một nhân vật lịch sử cụ thể là Quang Trung, thì người ta sẽ lấy ngay cái thước Quang Trung để đo lại nhân vật của anh và thấy có gì không phải. Họ nổi giận cũng là điều dễ hiểu. Một cây bút có tài, lại từng là ông giáo dạy lịch sử, lẽ nào Nguyễn Huy Thiệp không hiểu cái điều rất sơ đẳng ấy. Thực tình, Nguyễn Huy Thiệp có viết truyện lịch sử đâu. Ông chỉ núp bóng nhân vật lịch sử để phát ngôn những điều muốn nói. Chúng ta quen thần thánh hóa những người mình yêu mến. Yêu thì đẩy lên thành vĩ nhân, thành các vị thánh. Điều ấy đã thành thói quen. Quen đến hoá nhàm. Nguyễn Huy Thiệp kéo các vị thánh về mặt đất trần thế. Đôi khi cực đoan hơn, ông ta còn dìm cả họ xuống bùn. Tôi không nghĩ Nguyễn Huy Thiệp là người đạp đổ các thần tượng như một số nhà phê bình quy chụp. Tôi nghĩ đơn giản, Nguyễn Huy Thiệp chỉ muốn xoá bỏ các thói quen, những nếp nghĩ cũ đã trở nên nhàm chán. Nhưng để làm điều ấy, nhiều khi Nguyễn Huy Thiệp quyết liệt đến mức không cần thiết, có khi lại rất cực đoan, đến nỗi không ít người điềm đạm, tử tế đã nghĩ ông là một kẻ nổi loạn. Nguyễn Văn Thọ: Vâng! Văn chương Nguyễn Huy Thiệp ngoài thành công và thất bại mà ông đã nêu, tôi còn cho rằng Nguyễn Huy Thiệp đầy mâu thuẫn trong việc thể hiện tư tưởng của mình. Một mặt, Nguyễn Huy Thiệp đòi lật lại cái nhìn cũ, chống thần thánh hóa và tuyệt đối hóa các vấn đề của một xã hội, nhưng khi khuyên mọi người giã từ nó, ông lại nhẩy sang cực bên kia của đòn gánh nhận thức. Thay vì các nhân vật có tính huyền thoại của nhân dân mà dân tộc nào cũng có, ông đưa ra một mô hình, một xã hội ly loạn chả còn niềm tin gì ở những mối quan hệ: Cuộc sống thì là đèn cù, đàn bà là con rắn, tình yêu là hung thần, thằng lưu manh trên một chuyến đò là đứa tử tế nhất... để dạy người ta giữ mình một cách cực đoan nhất. Bảo trọng, sống đã. Những từ như thế này lặp lại khá nhiều trong các truyện của Thiệp. Vậy là từ thái cực chủ nghĩa tập thể chung chung ông lại sa vào chủ nghĩa cá nhân cực đoan vô chính phủ. Tôi cho rằng, đó là thái độ hoảng loạn của một nhân vật xuyên suốt trong đời văn Nguyễn Huy Thiệp, một căn bệnh hay gặp ở những bộ phận vốn cả tin và nay vỡ mộng. Chính cũng vì lẽ đó, không ít bộ phận bạn đọc đã ngộ nhận Nguyễn Huy Thiệp thông thái nhận thức cuộc sống, phản ảnh toàn diện đời sống. Đấy là mâu thuẫn nội tại trong nhiều sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Tôi gọi đó là sự mập mờ. Có lần, Nguyễn Huy Thiệp đã nghiêm túc kể với tôi, rằng có một độc giả sau khi đọc nhiều truyện của ông ấy, đã viết thư cho ông ấy (NHT). Lá thư cảm ơn nhà văn đã dạy anh ta sống . Tác giả lá thư đó kể rằng, anh ta sau khi bán hết nửa kho quân trang, lấy tiền mua sắm cho vợ và con rồi bỏ trốn và viết thứ cám ơn tới NHT. Câu chuyện này ám ảnh tôi mãi cả khi tôi lại quay trở về nước Đức. Nguyễn Huy Thiệp thừa hiểu ai chính là thủ phạm đã đưa đến nỗi thống khổ cho đồng đội. Tôi nhớ tới những người lính trong rừng, nơi hải đảo ngoài biên cương còn trăm ngàn thiếu thốn như chúng tôi ngày xưa ở trong rừng. [*] Tôi chợt nghĩ tới câu chuyện trao đổi giữa hai cố thi sĩ có liên quan tới đời sống văn chương của cả ông và tôi: Xuân Diệu và Bế Kiến Quốc. Đấy là trước khi Xuân Diệu mất không lâu, Bế Kiến Quốc tới thăm, Xuân Diệu có nhắc tới Đoxtoiexki. Ông bảo: Ngày xưa, khi nói về Đoxtoiexpki người ta cho rằng, Đốt có những kẽ nứt rất lớn trong cuộc đời, và từ đó có thể sinh ra một thiên tài nhưng đồng thời có thể có một ác quỷ. Sau này, khi người ta xôn xao bàn về Nguyễn Huy Thiệp, Quốc nhắc lại lời Xuân Diệu, rồi bảo tôi: "Về một mặt nào đó, Thiệp có thể giống Đốt chăng?". Thời gian đó tới nay đã mười lăm năm rồi. Tôi cho là Bế Kiến Quốc đã tiên lượng về số phận của một nhà văn cùng thế hệ ông một cách công bằng và với tâm thức của một thi sĩ, ông cũng gián tiếp công nhận những đóng góp của Nguyễn Huy Thiệp về mặt thể tài truyện ngắn với nền văn học chúng ta. Tất nhiên việc so sánh với Đốt cũng chỉ là một cách nói tương đối, bởi vì về thực chất, Nguyễn Huy Thiệp chỉ là nhân vật văn chương của một giai đoạn rất ngắn trong lịch sử văn học Việt Nam. Cái giai đoạn mà ông đã nhận xét: “Nguyễn Huy Thiệp là sự thăng hoa của một thời đại không bình ổn. Đây là ưu điểm tuyệt vời của Nguyễn Huy Thiệp, đồng thời cũng là nhược điểm không thể cứu vãn nổi của ông. Đấy là nỗi may mắn hiếm có và đồng thời cũng là niềm bất hạnh của cả nền văn học nước nhà’’. Tôi tán thành nhận xét có tính cô đọng này bởi vì bản chất văn chương Nguyễn Huy Thiệp mang mầm tài, trong một tâm thức bất yên, đôi khi hàm chứa sự cay nghiệt và hậm hực với đời sống. Đây là tính hai mặt của một vấn đề. Nguyễn Huy Thiệp chịu tránh nhiệm trước lịch sử văn học của nước ta một phần, về những gì ông đạt được và không đạt được, mặt khác cũng bởi vì nền văn chương của chúng ta có một thời gian quá trì trệ và bảo thủ, làm ngơ tới quan liêu với đời sống thực tế đau khổ của dân chúng, đó chính là mảnh đất để mọc lên mầm mống của những “tâm thức bất định” chăng? Tôi ngờ rằng, về sau này, con cái chúng ta sẽ tiếp tục đọc Nam Cao và Tô Hoài, nếu còn nữa thì người ta sẽ đọc thêm Nguyễn Minh Châu và một số tác giả, không nhiều lắm, đó là những nhà văn hướng con người “tới phần sáng của cuộc đời” v.v. Và có thể người ta sẽ quên đi nỗi “ám ảnh Nguyễn Huy Thiệp”. Trần Đăng Khoa: Không quên đâu. Những tác phẩm còn lại với thế hệ sau thì nhiều chứ. Có thể kể thêm truyện ngắn Ma Văn Kháng, truyện ngắn Kim Lân, tiểu thuyết Bảo Ninh, tiểu thuyết Nguyễn Khắc Trường, và nhiều nhà văn khác, mà tôi không thể liệt kê hết. Ngay cả truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp nữa cũng sẽ còn lại. Không nhiều. Nhưng vẫn còn lại. Chí ít cũng còn đến dăm, ba cái truyện ngắn. Và như thế cũng là đáng kể đấy. Chúng ta có đến gần 800 hội viên Hội nhà văn, nếu mỗi thành viên chỉ cần để lại một truyện ngắn thôi, thì ông cứ thử tính xem, nền văn học của chúng ta đồ sộ biết chừng nào. Nhưng liệu mỗi người có nổi một tác phẩm không? Tôi tin là không. Rất nhiều người có đến hàng đống sách mà hoá ra vẫn không có tác phẩm nào cả. Nói thế để thấy cái nghề văn vất vả như thế nào, qua đó mới quý sự đóng góp của Nguyễn Huy Thiệp. Mặc dù, nói cho thật công bằng, Nguyễn Huy Thiệp chỉ là người giỏi kể chuyện, và kể rất hấp dẫn, lại có giọng điệu riêng. Ông Thiệp cũng chỉ hơn một số người ở điểm đó. Còn đã nói đến nhà văn là nói đến nhân vật. Ông Thiệp chẳng dựng được nhân vật nào cả, vì thế ông cũng không thể tạo nổi ngôn ngữ riêng cho các nhân vật của mình. Trong khi đó, nhắc đến Nam Cao, người ta nhớ ngay Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc. Nhân vật nào cũng có tiếng nói riêng, không thể trộn lẫn. Vũ Trọng Phụng có Xuân Tóc Đỏ, rồi cụ Cố Hồng, cái ông cụ điếc lác, cứ mở miệng là "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi", mà thực chất thì chẳng biết cái gì. Lê Lựu có anh Sài, Nguyễn Minh Châu cũng may mà còn kịp có Lão Khúng. Cái gọi là nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp thường chỉ nói bằng chính giọng tác giả. Đó là cái gọng kiêu bạc, chán đời. Tuy thế, Nguyễn Huy Thiệp vẫn có một số truyện ngắn hay. Như thế, nhà văn vẫn có thể có truyện hay mà không cần phải tạo dựng nhân vật. Đây là vấn đề có phần mới mẻ đối với lý luận. Và như thế, vượt qua mọi sự yêu ghét mang màu sắc cảm tính của người đời nông nổi, Nguyễn Huy Thiệp vẫn còn có điều đáng để cho tôi và ông bỏ công sức ra để nghiên cứu và luận bàn. Nghề văn vốn là nghề vất vả, khổ hạnh. Chúng ta cầu mong Nguyễn Huy Thiệp không tự xoá đi những gì tốt đẹp mà ít nhiều, anh cũng đã để lại được trong tâm trí bạn đọc...
Văn Nghệ Quân Đội, số 596, tháng 4/2004
Chú thích của eVăn:
[*] Tác giả đã chỉnh sửa đôi chút cho thêm rõ nghĩa. Nguyên đoạn văn này trên Văn Nghệ Quân Đội như sau: “Có lần, Nguyễn Huy Thiệp đã nghiêm túc kể với tôi, rằng có một độc giả đã viết thư cho ông sau khi bán hết nửa kho quân trang, lấy tiền mua sắm cho vợ và con rồi bỏ trốn. Câu chuyện này ám ảnh tôi mãi cả khi tôi lại quay trở về nước Đức. Nguyễn Huy Thiệp thừa hiểu ai chính là thủ phạm đã đưa đến nỗi thống khổ cho đồng đội”.
|
|
văn học khảo luận : về '...hoa thủy tiên và những lần lẫn của nhà văn'... |
|