vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  bàn luận



 

 


Về một cuộc tranh luận trong văn học

-

Tại Việt Nam, văn giới và nhiều người yêu văn học đang chú ý một cuộc 'bút chiến văn chương' xuất phát từ một tiểu luận của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Tiểu luận có tựa đề "Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn", đăng làm ba kỳ trên Tạp chí Ngày nay, thuộc Hiệp hội UNESCO của Việt Nam.

Trong bài viết, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bày tỏ những suy nghĩ của ông về văn học hiện nay:

"Chưa bao giờ văn học ở nước ta có những cơ hội lớn như bây giờ nhưng cũng chưa bao giờ khó như bây giờ."

"Trong thời hiện đại, công việc đào tạo nhà văn là rất cần thiết, cần phải xây dựng thành công một công nghệ. Nó cũng từa tựa như công việc đào tạo các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp và các vận động viên thể dục có thành tích cao."

Một số tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp
Tướng Về Hưu, 1988
Con Gái Thủy Thần, 1992
Truyện Ngắn Chọn Lọc, 1995
Như Những Ngọn Gió, 1995
Tuổi hai mươi yêu dấu (chưa xuất bản)

Trong phần ba của tiểu luận (đăng trong tạp chí Ngày nay ra ngày 15-3), ông Nguyễn Huy Thiệp viết:

"Nhìn vào danh sách hơn 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều chỉ là những người già nua không có khả năng, sáng tạo và hầu hết đều… 'vô học', tự phát mà thành danh."

Ông Thiệp cho rằng phải xây dựng một công nghệ đào tạo nhà văn, và rằng lớp nhà văn cũ không còn phù hợp:

"Lớp nhà văn cũ không còn phù hợp: họ không biết ngoại ngữ, không biết vi tính, họ chỉ có quá khứ, họ không thể trò chuyện và đối thoại "tay đôi" được với bên ngoài về những vấn đề của thời hiện tại."

Phản bác
Phần ba tiểu luận gây nhiều ý kiến tranh luận, thậm chí phê phán trong một số người thuộc văn giới Việt Nam.

Một hội thảo về lý luận phê bình ở TP. Hồ Chí Minh, diễn ra năm ngày sau bài báo, cũng dành phần thảo luận về bài viết.

Còn ở Hà Nội, báo Văn Nghệ Trẻ (thuộc Hội nhà văn Việt Nam) đăng các ý kiến tranh luận. Một tác giả viết: "Có một thái độ khủng bố trong phê bình văn học bắt đầu manh nha từ Nguyễn Huy Thiệp."

Dẫn đầu làn sóng phản bác có lẽ là nhà thơ Trần Mạnh Hảo, một người cũng nổi tiếng và thường gây tranh cãi vì các bài phê bình của ông trong mấy năm gần đây. Hai bài phê bình Nguyễn Huy Thiệp của nhà thơ, nhà phê bình Trần Mạnh Hảo được đăng liên tục trên hai số báo Văn Nghệ.

Ông Trần Mạnh Hảo công kích ông Nguyễn Huy Thiệp là 'vua chửi':

"Nguyễn Huy Thiệp như muốn bước ra khỏi những giới hạn luân lý, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc và loài người."

Ông Trần Mạnh Hảo nói với chương trình tiếng Việt BBC rằng theo ông hiểu thì lý do để ông Thiệp 'chửi' là để được mời đi nước ngoài.

Ông Trần Mạnh Hảo cũng cho rằng một số cơ quan truyền thông người Việt ở nước ngoài tìm cách chê bai văn học Việt Nam hiện nay và rằng 'Việt Nam không có các văn tài cỡ như Dostoevsky thì hóa ra chế độ này xấu xa hay sao?"

Theo ông Trần Mạnh Hảo thì Nguyễn Huy Thiệp trong những lần trả lời phỏng vấn đài báo ở nước ngoài đã phỉ báng các nhà văn nhà thơ Việt Nam. Nhưng khi được hỏi đó là đài báo nào thì ông không nói đến BBC mà nhắc tên một số cơ quan truyền thông hay diễn đàn khác.

Cuộc bút chiến đang gây nhiều chú ý và đem lại nhiều thông tin về sinh hoạt của giới nhà văn Việt Nam.

Tuy nhiên, người quan sát có cảm giác cuộc tranh luận, cho đến thời điểm này, chưa đi vào những vấn đề cốt lõi của văn học như làm sao để có các tác phẩm có chất lượng hay đâu là những yếu tố đang níu kéo nền văn học Việt Nam không tiến lên.

Trong giới văn học Việt Nam đã có những ý kiến cho rằng nhiều nhà văn, nhà thơ ở trong nước làm việc còn thiếu chuyên nghiệp.

Hiện nay cuộc 'bút chiến' hay 'báo chiến' này còn đang tiếp diễn

Tạp chí Văn hóa phát thanh thứ Năm ngày 1-4-2004 phỏng vấn nhà thơ Trần Mạnh Hảo. BBC đã liên lạc được với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhưng ông cho biết chưa thể trả lời phỏng vấn về các bài của ông Trần Mạnh Hảo như đã hứa vì 'đang gặp rắc rối ở Hà Nội'.

Một bạn đọc, Hà Nội
Thưa các bạn. Như bao các bạn trẻ khác sống và lớn lên tại Việt Nam. Tôi cũng yêu văn học Việt Nam, cũng quan tâm đến văn học Việt Nam. Nhưng sự thực thì càng lớn (tôi năm nay 33 tuổi) tôi càng thất vọng vì nền văn học nước nhà. Chuyện ngắn thì quanh quẩn toàn chuyện cái lọ, cái kim, quanh quẩn yêu đương, kiếm sống vụn vặt. Khi thì toàn chuyện chiến tranh cũ kỹ, toàn chuyện yêu nước bịa đặt. Thử hỏi ở địa vị độc giả làm sao chúng tôi chịu đựng được khi chuyện thì viết về một Đảng viên trong sạch, làm toàn việc ích nước lợi dân, nhưng trên thực tế ngoài xã hội thì toàn tham nhũng, hạch sách nhiễu dân. Dần dần chúng tôi mất niềm tin vào văn học Việt Nam. Và phản ứng của tôi với họ là thờ ơ, không thèm quan tâm.

Nhưng mãi đến khi tôi được đọc tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, tôi mới lấy lại được niềm tin vào văn học Việt Nam. Và cảm thấy đây là một nhà văn chân chính. Không uốn lưng khom gối trước quyền lực. Đứng về phía người dân lao động. Nhân đây tôi xin bày tỏ vài ý kiến ủng hộ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Tôi cũng đã nghe bài phỏng vấn nhà văn Trần Mạnh Hảo. Tôi có cảm giác ông Hảo đúng là một 'bồi bút' có hạng. Xịn ông đừng lừa dối cả một thế hệ Việt Nam chúng tôi.

Đức Nghi, Hà Nội
Tôi thích N.H.Thiệp, vì anh vượt nghèo, từ một giáo viên ở miền núi mà vào nghề văn với thái độ đứng về nhân dân, ông bênh che cho nhân dân,tôn trọng con người, chống lại tội lỗi, phê phán cả một thể chế. Chừng ấy cũng đủ để coi ông là một phẩm cách lớn. Tuy nhiên, văn ông cũng giống như nhiều tác giả khác, nó chưa đủ lớn làm rung chuyển cả một xã hội. Tôi tin ở vai trò nuôi dưỡng tư tưởng của văn chương, mà Thiệp là một nét chấm phá đáng kể tại VN, nơi mà nền tảng xuất phát và tư duy còn nhiều hạn chế, lại bị kiểm duyệt gắt gao bằng cây gậy và bằng củ cà rốt. Ông Trần Mạnh Hảo xưa nay thường khen chê theo trường phái cây gậy với những người như Thiệp, ai chả biết!

Hồng Sương, Cần Thơ
Lúc trẻ tôi cũng thích văn, học giỏi môn văn nhưng đã chọn ban A ( khoa học thực nghiệm ) để sau này kiếm sống trước đã . Tôi khá quan tâm đến văn học. Tôi đồng ý với Ông Nguyễn Huy Thiệp về việc thế hệ kế tục phải học viết văn phải có tầm nhìn thế giới và có khả năng hội nhập thế giới. Chúng ta không thể trung thành , bảo vệ sự lạc hậu vì …thiếu hiểu biết.

Nếu hiểu “dốt “ của thế kỷ 21 là “người không biết học để lọai bỏ cái củ “ thì dễ chấp nhận ý tưởng của ông Nguyễn Huy Thiệp. Các nhà văn nên đọc bài “ Bút máu “ chuyện kể một thi nhân được vị quan tham chiêu đãi đã viết bài ca ngợi khiến vua không biết để trừng phạt .Sau khi ngao du trở về chốn củ thấy dân tình nháo nhác hỏi ra là bôn ba chạy trốn tên quan tham. Hốt hoảng lần dở túi thơ xem lại bài thơ ca ngợi tên quan thấy từng dòng thơ đã biến thành dòng máu. Thi nhân hóa cuồng. Xin đừng làm thơ kiểu “ Chăn trâu sướng lắm chứ ! “ Xin nhà nước đừng đưa vào sách giáo khoa để khuyến khích gia đình nông dân cho trẻ con chăn trâu.

Tôi đồng ý với Ông Trần Mạnh Hảo vì không nên “nói xóc “ hay có người cho là kiểu phê bình “khủng bố “ với những người viết văn nhạy cảm và hầu hết mắc bệnh “vỹ cuồng “ hay ít nửa cũng là tự cảm thấy “Trí tuệ tài năng “ muốn biến cải thế giới bằng các ý tưởng …tầm tầm thậm chí… rất rỗng.

Nhưng trước khi có các nhà văn chuyên nghiệp thì cần có các lộ trình nhà nước : Thứ nhất : Một nhà nước tốt để văn nhân có được sỉ khí của bậc tài hoa mà không phải rơi vào cảnh : “Ba hồi trống dục đù cha kiếp, Một nhát gươm đưa đéo mẹ đời “ Thứ hai : Phải tìm cho Văn chương con đường tồn tại phong phú và nhà văn có đủ sống. Có các cuộc tranh luận văn chương mà thật ra là tranh luận tư tưởng để xã hội tiếp cận nhiều tư duy mới mẻ là rất tốt. Xin đừng gay gắt mạt sát nhục mạ cá nhân nhau như việc cho Ông Nguyễn huy Thiệp là “chưởi có thưởng đi nước ngòai“ Cũng đừng dùng quyền lực hành chánh bóp chết nó.

Định Nguyên, California
Theo tôi không nhất thiết phải giỏi vài ba ngoại ngữ mới viết văn, làm thơ hay. Nếu giỏi vài ba ngoại ngữ thì có lợi điểm hơn một chút xíu là có thể nghiên cứu về văn học của một số quốc gia khác để có thể so sánh những trào lưu văn học trên thế giới hiện đại. Bà Hồ Xuân Hương đâu có giỏi tiếng tây, tiếng u già đâu, nhưng thể thơ ẩn dụ của bà cho đến nay trên thế giới chắc vẫn không có người thứ hai. Tôi cho rằng cả ông Trần Mạnh Hảo lẫn ông Nguyễn Huy Thiệp phê bình văn học và phê bình nhau chung quy cũng chỉ vì "cái tôi" quá lớn mà thôi. Cũng vẫn chưa thoát khỏi chiếc "áo thụng văn mình, vợ...người". Văn học ở hải ngoại thì các vị mặc áo thụng vái...nhau, còn ở trong nước thì các nhà văn, nhà thơ mặc áo thụng vái....Ðảng!

Với tôi nghệ thuật chẳng vị cái gì khác ngoài bản thân của người sáng tác. Người sáng tác muốn dựng được những tác phẩm hay, trước hết phải có tự do tuyệt đối, tự do đến độ ngông cuồng, của tư tưởng và rồi chữ nghĩa. Không có sự tự do này, mà phải vừa viết, vừa...lách thì thà ném cái bút vào thùng rác về quê cày ruộng như thi sĩ Hữu Loan còn được hậu sinh ca tụng.

Ông trời sinh ra bắt người ta phải làm nhà văn, nhà thơ chứ Ðảng không nặn ra được những văn nghệ sĩ đâu, mà đảng chỉ có thể sáng tạo ra những tuyên truyền viên giỏi như ông Tố Hữu mà thôi. Với câu thơ "bất hủ" khóc Stalin "Thương Cha thương một, thương ông thương mười' của ông Tố Hữu đủ để hàng ngàn năm sau vẫn có người xem ông là một nhà tuyên truyền lớn nhất mọi thời đại. Những nhà văn hải ngoại vái nhau đã khó coi, còn những nhà văn trong nước phê bình nhau quyết liệt chỉ vì nịnh đảng lại còn khó coi hơn nữa. Sự quyết liệt này nên dành để đòi lại tự do cho quyền sáng tác thì họa may mới thai nghén nổi những tác phẩm để đời cho văn học Việt Nam.

Lê Lập, HCMC
Tôi cảm thấy cuộc tranh luận này rất có ý nghĩa.

Minh, Việt Nam
Theo tôi thì sự phê bình gắt gao là một việc cần thiết để khiến cho sự trì trệ trong lãnh vực nào đó trở nên khởi động hơn. Vậy thì phê bình không có nghĩa là chửi nhau thậm tệ để rồi không thể ngồi lại với nhau cùng tìm ra giải pháp của vấn đề. Đúng là ở VN bây giờ ít có tác phẩm hay. Nhưng có phải chỉ ở trong nước mới có hiện tượng đó? có phải là vì không biết ngoại ngữ mà ! nhà văn VN không viết hay? Nhà văn Mỹ hay Anh có nhiều người có biết ngoại ngữ đâu? Ở VN cũng thiếu gì dịch thuật. Nói một cách khác thì nói tiếng Anh tiếng Việt trôi chảy chắc gì đã viết hay?

Muốn có một tác phẩm hay còn rất nhiều yếu tố khác nữa. Hình như các nhà văn của chúng ta cái nhìn bị thu hẹp. Ở đâu thì biết đó. Chúng ta chưa thực sự có một mảnh đất chung để mọi người giao lưu tỉ thí với nhau mà không bị tiền tài danh vọng hay nhưng thế lực thành kiến bên ngoài chi phối. Ở đó họ sẽ thấy nhiều tư tưởng giọng điệu khác lạ với mình. Những cái nhìn từ mọi góc độ. Từ Đông Âu sang Tây Âu, Mỹ, Úc và trở về với đất mẹ VN...chắc chắn sau một thời gian cọ xát ganh đua lành mạnh ta sẽ có những tác phẩm hay.

Tôi cũng đồng ý với Trần Mạnh Hảo là đôi khi các phương tiện truyền thông hay người Việt nước ngoài lăng-xê tên tuổi của ai đó chỉ vì người đó có cùng cái nhìn với họ. Một tác phẩm hay cần có sự nhìn nhận yêu thích của chính dân tộc. Đừng bao giờ lấy tiêu chuẩn phương Tây làm thước đo. Hãy viết bằng tất cả cảm xúc...Tuần trước tôi có nghe một cuộc phỏng vấn với các nhà thơ trẻ trên VTV1. Phóng viên dùng lời một nhà phê bình nói là thơ trẻ bây giờ thực chất chẳng có gì mới cả! Chỉ là một rừng khẩu hiệu!

Phan Huyền Thư cho rằng thơ bây giờ là phải gây sự ngạc nhiên, nghiêng về sự đổi mới từ ngữ chứ không phải là gây sự đồng cảm với độc giả. Phóng viên nói cái chính là có hay không, có làm mọi người xúc động không. Một nhà thơ trẻ khác chống chế: Thơ bây giờ có tính thu! hẹp. Nghĩa là không cần được nhiều người ưa thích...Cuối cuộc nói chuyện H.Thư nhắn với độc giả rằng: Hãy sửa soạn một tâm thức nào đó để đến với thơ. Hãy đến với ngôn từ mới trí thức mới chớ không phải là những tình cảm vớ vẩn (trích lời một học giả). Qua cuộc phỏng vấn này tôi có cảm giác các người làm văn học đang lầm nghệ thuật là hình thức diễn đạt chứ không phải là cảm xúc nữa. Hình như họ đang đi theo con đường bế tắc của phương Tây thì phải.Tác phẩm hay là gây xúc động chớ ai hơi đâu mà còn suy ngẫm từ ngữ này nọ. Thưởng thức tác phẩm mà làm như đi chiến đấu không bằng!

Phạm B, Canada
Tôi không phải là nhà văn, lại cũng không biết nhiều về văn học Việt nam hiện nay. Nhưng qua bài phỏng vấn ông Trần Mạnh Hảo, tôi xin có vài ý kiến sau: Người Việt trong nước nghỉ rằng người hải ngoại có thành kiến xấu đối với trong nước, chỉ chuyên công kích họ. Thực ra thì dù không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những gì xảy ra ở Việt nam, người hải ngoại vẫn coi niềm đau của đất nước là những ung nhọt trên chính thân thể họ.

Nếu chúng ta không chấp nhận cái đau tức thời để gở bỏ đi các ung nhọc thì chúng ta phải mang nó suốt đời. Người Việt chúng ta quen nói tới "thành công, thắng lợi, ưu việc", nhưng người Pháp thì vừa kỉ niệm thất trận Điện Biên Phủ. Phải chăng chúng ta hèn nhát hơn người phương Tây?

 

   

 

văn học  khảo luận : về '...hoa thủy tiên và những lần lẫn của nhà văn'...


 




"... Đa số...già nua không
có khả năng, sáng tạo
và hầu hết đều 'vô học',
 tự phát mà thành danh."


  32- Ông Hảo thanh toán chứng từ "Ly thân" đi chứ!                                                         Lại Nguyên Ân 
  33-
“Đó chỉ là quan điểm cá nhân của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp”.                    Nguyễn Xuân Thắng
  34- Cú điện thoại của nhà thơ Trần Mạnh Hảo.                                                           
Vương Văn Quang 
  35-
“Much Ado About Nothing”.                                                                                 Phạm Xuân Nguyên 
  36-
Bàn về Nguyễn Huy Thiệp.                                                         Trần Đăng Khoa & Nguyễn Văn Thọ 
  37- Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn.                          Nguyễn Huy Thiệp
  38-
Hôm nay trời mưa lưa thưa - Mèo con đi học chả ưa thứ gì.                    
Nguyễn Thế Hoàng Linh
  39-
Về một cuộc tranh luận trong văn học. - Chân dung tự họa của Nguyễn Huy Thiệp.                                                                     Lê Văn Vọng
  41- Để phúc đức cho con cháu.                                                                                              Đồng Đức Bốn 
  42- Tấn công tính cách con người vì sự bất đồng.                                                                 
Jason Picard

vhvt-10
Trở lại trang chính