“Đó chỉ là quan điểm cá nhân của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp”
Nguyễn Xuân Thắng
(Tổng biên tập tạp chí Ngày Nay)
Lời toà soạn tạp chí Văn Nghệ Công An:
Sau khi Tạp chí Ngày nay (số 6.2004) cho đăng bài Trò chuyện với hoa
thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn (kỳ 3) của nhà văn Nguyễn Huy
Thiệp, dư luận đã có nhiều phản ứng gay gắt. Bên cạnh sự phê phán tác giả bài
viết, có ý kiến còn đề cập tới trách nhiệm của lãnh đạo Tạp chí Ngày nay,
thậm chí yêu cầu phải xử lý nghiêm khắc. Vậy Tổng biên tập Tạp chí Ngày nay
- ông Nguyên Xuân Thắng - đã nghĩ gì khi cho đăng bài báo đầy "tai tiếng" này?
Phóng viên (P.V): Ông có quan điểm thế nào khi cho đăng bài viết của
tác giả Nguyễn Huy Thiệp?
Ông Nguyễn Xuân Thắng (N.X.T): Trước hết, cần phải hiểu, đó chỉ là quan điểm
của cá nhân nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Chúng tôi luôn xác định vai trò của tờ báo
là làm diễn đàn để mọi người trao đổi. Nếu mọi ý kiến đêu là chân lý rồi thì cần
trao đổi làm gì nữa. Bản thân anh Thiệp trong bài viết cũng nói rằng mình có thể
nhầm lẫn.
P.V: Nhưng trong bài viết nói trên, ngoài một số tình tiết chưa chính
xác, như về số lượng Hội viên Hội Nhà văn, về tỉ lệ các nhà thơ trong đó, anh
Thiệp còn đưa ra một đôi trích dẫn thô tục, thậm chí còn có phát biểu thóa mạ
nhiều người?
Ông N.X.T.: Thật ra bài báo đó của anh Thiệp được đăng theo kiểu cuốn
chiếu. Khi Tạp chí đăng xong kỳ 1 bài viết của anh Thiệp thì tôi đi công tác
nước ngoài (họp Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội UNESCO thế giới ở Italia. Ông
Nguyễn Xuân Thắng hiện là Phó chủ tịch Hiệp hội UNESCO thế giới, Phó chủ tịch
kiêm Tổng thư ký CLB Hiệp hội UNESCO Việt Nam). Tôi về hôm 13.3 thì báo bắt đầu
đưa in kỳ 3 (kỳ gay cấn nhất) của bài viết. Khi báo in xong, đọc bài viết của
anh Thiệp, bản thân tôi cũng giật mình, nhận thấy ngay vấn đề. Bởi vậy mà ngay
sau đó tôi đã cho họp cơ quan để kiểm điểm rút kinh nghiệm.
P.V: Nếu ông đọc duyệt kỳ ba bài báo nói trên của anh Thiệp, ông sẽ lược
bỏ những gì?
Ông N.X.T: Thật ra, anh Thiệp là một nhà văn mà chúng tôi rất tôn
trọng. Cắt chữa gì, chúng tôi đều gọi điện trao đổi với anh ấy. Song nếu tôi ở
nhà, gì thì gì chứ chỗ trích dẫn mấy câu thơ tục tĩu kia dứt khoát tôi cắt bỏ.
Hay như chữ "vô học", dù là trong nháy nháy (tức ngoặc kép) song không bao giờ
mình dùng chữ này. Cả chỗ nói tỉ lệ 80% các nhà thơ, tôi cũng sẽ bỏ cái tỉ lệ đó
đi.
P.V: Thế còn câu "Đám giặc già lăng nhăng thơ phú"?
Ông N.X.T: Đây là câu cửa miệng đã được đóng nháy. Nhưng tôi nghĩ
cũng chẳng cần thiết để câu ấy làm gì.
P.V: Trong một cuộc họp gần đây, nhà thơ Hữu Thỉnh- Tổng thư ký Hội Nhà
văn Việt Nam có nhắc tới bài anh Thiệp và đưa ra tình cảnh của Hội Nhà văn: "Cây
muốn lặng, gió chẳng đừng..."
Ông N.X.T: Quả đây là điều mình không lường tới. Mình mới nhìn thấy Nguyễn
Huy Thiệp đánh giá thực trạng văn học nhưng chưa nhìn thấy Nguyễn Huy Thiệp đụng
đến cả một Hội. Cái đó là không nên.
P.V: Có người nói Tạp chí Ngày nay in bài của Nguyễn Huy Thiệp với
mục đích làm xôm trò để bán báo?
Ông N.X.T: Tôi cũng nghe có người nói vậy. Riêng tôi, tôi luôn xác định tờ
báo không được phép "đâm thuê chém mướn". Thiếu gì cách "gây choáng" cho người
đọc.
P.V: Xin hỏi nhỏ, hiện tiara tờ Ngày nay bao nhiêu? Và xu hướng có
tăng?
Ông N.X.T: Hiện Tạp chí Ngày nay đứng ở mức trên dưới mười
ngàn bản. Nói chung là vẫn còn phải bù lỗ. Số ra ngày 15.4, tôi quyết định in ít
hơn hai ngàn tờ.
P.V: Có phải đó là dấu hiệu cho thấy bạn đọc bắt đầu "ngãng" ra?
Ông N.X.T: Không, ngược là là khác. Từ khi báo Văn nghệ in bài của
Trần Mạnh Hảo, nhiều người đến tòa soạn tôi hỏi mua các số có bài của Nguyễn Huy
Thiệp. Nói chung, khi tận mắt tiếp cận bài báo này, họ vỡ lẽ ra nhiều điều. Có
người sau đó đã viết bài mà chúng tôi có đăng trong số báo ra ngày 15.4.
P.V: Thế lý do gì ông cho giảm hơn hai ngàn tờ?
Ông N.X.T: Vì tôi muốn tăng chất văn hóa, cho in kèm bốn trang tranh của các
danh họa cổ điển bằng giấy cút sê mà không tăng giá báo. Mỗi tờ phải "đội" thêm
700 đồng. Vậy nên để khỏi lỗ nhiều, chúng tôi giảm số lượng in.
P.V: Nhiều người vẫn tiếp tục lên tiếng về bài của Nguyễn Huy Thiệp trên
Ngày nay, tại sao ông lại tuyên bố dừng cuộc tranh luận ở số báo ra ngày
15.4?
Ông N.X.T: Nếu đây là một cuộc bút chiến thực sự thì bọn mình tiếp tục mở
diễn đàn. Nhưng thực tế không như thế nên bọn mình dừng lại.
P.V: Ông thấy điều gì cần rút kinh nghiệm qua vụ việc này?
Ông N.X.T: Đây là một sự cố "vô phúc" xảy đến với mình. Và mình đã họp cơ
quan để rút kinh nghiệm. Nói chung, anh em trong tòa soạn không có động cơ gì,
chẳng qua quan niệm, kinh nghiệm cuộc sống còn mỏng. Mình đã nói với anh em:
"Nếu bài của Nguyễn Huy Thiệp có hoàn toàn đúng thì với một tờ báo mang danh tổ
chức văn hóa quốc tế, nói chung không nên tham gia vấn đề quá "nhạy cảm" như
thế, càng không nên để xảy ra dư luận kiểu này. Đây là một sơ suất". Mình nói
thực lòng, không hề có ý định thanh minh hoặc trốn tránh trách nhiệm.
P.K. thực hiện
Báo Văn Nghệ Công An số 5 (105) tháng
5-2004