vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  bàn luận



 

 

 

Jason Picard
Tấn công tính cách con người vì sự bất đồng

Cái đinh chồi lên sẽ bị đóng xuống
Tục ngữ Nhật Bản


I.

Trong một không khí phát triển sôi động như xã hội Việt Nam ngày nay, cuộc tranh luận mới đang diễn ra trên một số tờ báo và tạp chí là dấu hiệu lành mạnh: nhiều người tỏ ra lo lắng về phương hướng của văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Có thể nói, cuộc tranh luận này được đánh dấu bằng bài viết Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn của Nguyễn Huy Thiệp đăng trên Ngày Nay các số 4 (ngày 15.2.2004), 5 (ngày 1.3.2004) và 6 (ngày 15.3.2004). Tiếc thay, đa số câu trả lời không phải vì những vấn đề mà Nguyễn Huy Thiệp nêu lên mà tập trung vào cá nhân và con người Nguyễn Huy Thiệp. Hơn thế nữa, nhiều bài viết bị đẩy chệch ra khỏi trọng tâm của những vấn đề cần tranh luận, áp đặt những suy nghĩ và định kiến mang tính cá nhân, tập trung vào những chuyện "lặt vặt". Thông thường trong tranh luận người ta nên chú tâm vào thực chất các luận cứ của đối thủ và không nên cho những tình cảm cá nhân xen vào cuộc. Tất nhiên, tuân theo một quy tắc như thế quả thực không đơn giản, như đã thấy trong những bài báo của một số nhà văn và nhà phê bình đáp lại ông Thiệp. Với những người này, vấn đề chính không phải là chúng ta học được gì từ bài viết của ông Thiệp mà vấn đề, theo lời của họ, là ẩn ý của ông Thiệp là gì. Theo họ vấn đề đó không phải là "... lấy cái của mình mà đặt tiêu chí ra đo thiên hạ" và không soi mình vào gương mà là tấn công người đối thoại với mình.

Ở đây tôi muốn đề cập đến phong cách tranh luận của những người này: Những luận điểm mà một số nhà phê bình đưa ra nhằm chỉ trích và lên án Nguyễn Huy Thiệp liệu có phù hợp với những vấn đề ông Thiệp đã đưa ra hay không, hay chỉ là trình bày sự giận dữ mang tính cá nhân đối với điều mà họ nghĩ là ông Thiệp tấn công họ?

Có những người bắt đầu bằng việc đánh giá cá nhân con người ông Thiệp, sau đó phát triển vấn đề về một số từ ngữ ông Thiệp đã dùng và rốt cuộc tỏ ý nghi ngờ về độ chính xác lịch sử của một dữ kiện có trong bài báo gồm ba phần của ông Thiệp, như toàn bộ hai trang đăng trên hai số báo Văn Nghệ (số 13 và 14. 2004). Những bài này thực sự không hề chú tâm đến những mối quan tâm của ông Thiệp. Người ta thường nói rằng, trong tranh biện nếu những luận cứ của đối thủ là không đáng đếm xỉa thì im lặng là hình thức tấn công tốt nhất. Tuy nhiên, quan điểm trên quá xa vời với những người này. Thật kỳ quặc khi họ mô tả những điều như: "hội chứng gãi ngứa" thì người ta hiểu rõ ràng rằng, trên thực tế đó chính là họ, những người dường như có những vết thương nặng nề vốn có nguyên do vì nghề nghiệp nhiều hơn là do chiến tranh.


II.

Gần đây, phản ứng đối với bài Trò truyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn đã đăng trên tạp chí Ngày Nay khá ồn ào. Theo nội dung những cuộc phỏng vấn và bài viết thì hình như vấn đề cấp bách nhất của Nguyễn Huy Thiệp là những hiểu nhầm và những thất bại của ông. Chính vì thế độc giả theo dõi cuộc tranh luận này dường như bị áp đặt bởi một ý kiến cho rằng cách Nguyễn Huy Thiệp dùng một số từ trong tiếng Việt là sai như "suy đồi", "già nua", "lưu manh", "vô học" và "phù phiếm". Tôi cho rằng, về cơ bản bài của ông Thiệp hơi quá lời, nặng nề nhưng không nhất thiết phải phản đối bằng cách viện dẫn định nghĩa trong từ điển.

Tôi có một bạn Việt kiều Mỹ đang làm luận án tiến sĩ về lịch sử Việt Nam. Chị ấy khá am hiểu ý nghĩa của từ tiếng Việt hiện đại cùng chữ Hán và chữ Nôm. Có lần khi tranh cãi với mấy người bạn Việt Nam về từ "Việt kiều", chị ấy khẳng định rằng, hiện nay ở Việt Nam người ta đang dùng sai từ đó. Có lẽ đấy là do nội hàm của từ "Việt kiều" được hiểu với sắc thái ngữ dụng có phần khác nhau ở Mỹ và Việt Nam nên có độ chênh trong cách nhìn nhận từ này...


III.

Trong thời đại thông tin, thời đại internet này, điều ông Thiệp nêu ra là đúng: "Nghề văn trong thời hiện tại là một nghề khó vào bậc nhất... Thông tin để xử lý, cung cấp cho các chi tiết sự kiện văn học có quá nhiều. Nhà văn bắt buộc phải trở thành một nhà văn hóa, một nhà nghiên cứu." (Phần I, trang 4). Vì số lượng và phương cách tìm tòi thông tin hiện nay rất đa dạng, rất nhiều, cho nên chúng ta phải viện đến từ "đơn vị thông tin" (sound-bite) để theo dõi các cứ liệu, các dữ kiện và những sự kiện của thời đại. Ðối với độc giả thực chất cái "đơn vị thông tin" không bao giờ được hiểu một cách trọn vẹn trong tính chỉnh thể của nó, người ta chỉ có thể nắm bắt được vấn đề ở một mức độ nào đó phụ thuộc vào khả năng xử lý thông tin của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, đối với những người cầm bút khi viết bài về một vấn đề, chúng ta cần phải có trách nhiệm! Trước hết mỗi người phải có "nghĩa vụ" nghiên cứu trước để hiểu biết mọi khía cạnh, mọi phương diện của vấn đề. Chính vì thế, những bài viết chống lại ông Thiệp chưa đạt tới mức độ như yêu cầu trên. Hoặc có thể họ không hiểu, hoặc không muốn hiểu mục đích của ông Thiệp. Thay vì cố gắng hiểu, họ trích dẫn những chi tiết nhỏ, những cứ liệu nhỏ không quan trọng trong bài của ông để tạo ra một trận chiến của từ ngữ, hay "cách diễn đạt lịch sử" để áp đặt cho độc gỉa (những người vốn không chuyên nghiệp và không thể quan tâm đến tất cả mọi chi tiết của một cuộc tranh luận văn học). Ðiều đó tạo ra một cách nhìn phiến diện, nửa vời và sai lệch về ông Thiệp như một nhà văn bị thất bại, bị sáo mòn, nhưng vẫn muốn giữ danh tiếng của mình.

Tất nhiên không chỉ có một số nhà phê bình như vậy. Vừa qua một nhà báo người Mỹ đã nhờ tôi dịch giúp sang tiếng Anh một vài đoạn trong bài của ông Thiệp mà trợ lý của chị ấy đã chọn lọc. Phần lớn đó là những đoạn gây sốc và mang tính khiêu khích như: "khoảng hơn chục năm trở lại đây, ở Việt Nam không có những nhà văn có phong độ khí phách lớn", hoặc chúng ta không có những bậc thầy, chúng ta mới chỉ có những "tay đồ tể văn học", những nô bộc "những người lính trên mặt trận văn nghệ" mà thôi". Tôi đã cố gắng giải thích rằng những câu đó không phải là điểm then chốt của bài báo. Theo tôi, ông Thiệp không công kích mà chỉ diễn đạt mối lo lắng sâu sắc của mình về phương hướng hiện thời của văn học. Chị ấy tỏ ra ngạc nhiên bởi với trình độ tiếng Việt còn hạn chế, chị ấy phải trông cậy vào phần tóm tắt nội dung do trợ lý thực hiện. Vì vậy, thông điệp mà ông Thiệp nêu ra qua bài báo đã bị thay đổi. Còn ở đây những nhà phê bình rất am tường tiếng Việt và có điều kiện hiểu sâu sắc về văn chương... nên tôi kỳ vọng thông điệp mà những nhà phê bình ở trên nói lên chống Nguyễn Huy Thiệp phải tường minh hơn, có luận cứ vững chắc hơn.


IV.

Tôi muốn "chỉnh" lại tiêu điểm của cuộc tranh luận bởi vì hình như những điều đáng kể hàm chứa trong bài báo của ông Thiệp đã bị bỏ qua, đã bị che giấu một cách cố ý. Vì vậy, vấn đề ở đây là ngoài những phản ứng mang tính phê phán thì những điểm chính, những luận đề đáng chú ý của ông Thiệp là gì? Thiết tưởng chúng ta sẽ đồng ý rằng chẳng có gì là "khủng bố" hay phản bội trong những quan điểm này. Ngược lại, những quan điểm mà ông Thiệp trình bày chứng tỏ một người yêu nghề nghiệp và đang lo lắng về tương lai của nghề văn ở Việt nam.

Ðầu tiên, trong phần thứ nhất của bài viết ông Thiệp chú tâm đến sự đòi hỏi cấp bách cần phát triển và bồi dưỡng chăm sóc đến cả việc viết văn lẫn nhà văn. "Trong thời hiện đại công việc đào tạo nhà văn là rất cần thiết, cần phải xây dựng thành một công nghệ. Nó từa tựa như công việc đào tạo các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp... Không thể trông chờ vào việc "ăn may", "trời cho"... Ðể Việt Nam có một đội ngũ nhà văn đẳng cấp thế giới". Chủ trương này thực sự hữu ích và đầy trách nhiệm. Người ta có thể nói rất nhiều về tầm quan trọng của văn học ở Việt Nam, nhưng nếu có quá ít nỗ lực thực tế để phát triển một trường viết văn như trường Nguyễn Du, thì nói gì tới những cố gắng cần có để dành cho sự phát triển văn hóa ở Việt nam?

Ðiều thứ hai là kết quả lôgic của việc thiếu nhấn mạnh đến công tác đào tạo một cách đúng đắn. Ngày nay, nhà văn nương nhờ quá nhiều đến "cảm hứng". "Cảm hứng chỉ có thể giúp cho nhà văn trẻ làm ra được một thứ sản phẩm đèm đẹp, một cái gì đó ngắm 'lâng lâng". Việc xây dựng một tác phẩm lớn, độc đáo đòi hỏi dứt khoát phải có tính hệ thống, tư duy tổng hợp và khoa học..." (Phần 2, tr. 2). Do vậy, chỉ mong muốn và có ý chí viết vẫn chưa đủ. Nghề viết đòi hỏi nhà văn phải tiếp cận vấn đề một cách hệ thống, bao gồm nghiên cứu và khám phá. Khi ông Thiệp cho rằng các nhà văn thời đương đại cũng phải thành nhà nghiên cứu, điều đó không phải là sự ám chỉ. Bản năng mà chưa được trau dồi là chưa đủ với nhà văn thời nay. Họ cần có kiến văn cần thiết của một nhà văn với vai trò nhà văn hóa và một người hiểu biết sâu sắc về tự nhiên và xã hội.

Ðiều thứ ba có liên quan trực tiếp với hai điều trước: chúng ta phải tự hỏi xem thế hệ này đang tiêu dùng sản phẩm in ấn gì? Tác phẩm văn học đích thực hay tác phẩm đại chúng? Hiện nay, thanh thiếu niên quan tâm đến manga (truyện tranh), Danielle Steele, Sydney Sheldon và sách dạy làm giàu, v.v... Nhiều người thuộc thế hệ trẻ đang tiêu hóa những sản phẩm không lành mạnh cho lắm, như thế thì việc chúng ta mong muốn có những sáng tác lớn, những áng văn hay sẽ là điều không tưởng. Khi ông Thiệp viết: "một xã hội không có những tác phẩm văn học hay, không có những tác phẩm văn học giá trị nghĩa là nhân tính ở đây đang bị xói mòn... Trách nhiệm đó không phải chỉ ở một người nào mà nó ở toàn xã hội". Theo tôi, ở đây ông Thiệp đang thể hiện một sự lo lắng đáng quan tâm về xu hướng của văn học Việt nam và thói quen của độc giả. Hơn thế nữa, không có cái gọi là "chụp mũ" cho bất kỳ ai mà ông thừa nhận rằng tất cả mọi người là đều có trách nhiệm liên đới.

Rốt cuộc, tôi thiết tưởng ông Thiệp muốn "chữa trị bệnh" này bằng cách dùng phương tiện gần gũi nhất của mình, đó là Hội Nhà văn. Tuy nhiên, khi đọc bài của ông Thiệp, độc giả cảm thấy rằng ông mệt mỏi với sự thiếu hoạt động của Hội Nhà văn đối với việc phát triển nền văn học. "Trong Hội nghị lý luận văn học ở Tam Ðảo năm 2003, chẳng thấy có một tham luận nào dành cho văn học thực sự. Không còn ai cứu trẻ con nữa. Tất cả những người "hành nghề văn học" ở ta đều muốn "dĩ hòa vi quý", đều muốn có những cuộc chơi đèm đẹp, chơi có thưởng không ai muốn "hy sinh" nữa" (Phần 3, tr. 3). Theo tôi để khắc phục tình trạng này ông Thiệp đề xuất rằng Hội Nhà văn nên tổ chức các hội thảo, hội nghị, diễn đàn tranh luận về sáng tác, về lao động nhà văn, về những trí thức nên cần thiết cho sáng tạo văn học.

Tôi cảm thấy không thỏa mãn lắm khi thấy những điểm quan trọng nhất, những luận cứ rất đáng chú ý trong bài viết của ông Thiệp bị bỏ qua hay bị "tan biến" trong cuộc tranh luận này. Những nhà phê bình trong cuộc tranh luận dường như đã ích kỷ khi tỏ ra giận dữ về cách viết của ông Thiệp. Thay vì chỉ nghĩ đến bản thân mình, họ nên quan tâm đến những thế hệ sau này. Tôi hy vọng rằng chúng ta có thể vượt qua những bất đồng nhỏ nhặt mang tính cá nhân và thói quen chỉ mặt đặt tên, và những toan tính, cố gắng ngoài văn học trong làng văn, gắng sức nhằm chịu trách nhiệm vì những nhược điểm đang tồn tại rồi hợp tác với nhau để tiến lên.

Hà Nội, Mùa Xuân 2004

Jason Picard hiện là nghiên cứu sinh tại Viện Văn Học, Hà Nội.

© 2004 talawas

 

   

 

văn học  khảo luận : về '...hoa thủy tiên và những lần lẫn của nhà văn'...


 




"... Đa số...già nua không
có khả năng, sáng tạo
và hầu hết đều 'vô học',
 tự phát mà thành danh."


  32- Ông Hảo thanh toán chứng từ "Ly thân" đi chứ!                                                         Lại Nguyên Ân 
  33-
“Đó chỉ là quan điểm cá nhân của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp”.                    Nguyễn Xuân Thắng
  34- Cú điện thoại của nhà thơ Trần Mạnh Hảo.                                                           
Vương Văn Quang 
  35-
“Much Ado About Nothing”.                                                                                 Phạm Xuân Nguyên 
  36-
Bàn về Nguyễn Huy Thiệp.                                                         Trần Đăng Khoa & Nguyễn Văn Thọ 
  37- Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn.                          Nguyễn Huy Thiệp
  38-
Hôm nay trời mưa lưa thưa - Mèo con đi học chả ưa thứ gì.                    
Nguyễn Thế Hoàng Linh
  39-
Về một cuộc tranh luận trong văn học. - Chân dung tự họa của Nguyễn Huy Thiệp.                                                                     Lê Văn Vọng
  41- Để phúc đức cho con cháu.                                                                                              Đồng Đức Bốn 
  42- Tấn công tính cách con người vì sự bất đồng.                                                                 
Jason Picard

vhvt-10
Trở lại trang chính