vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  bàn luận



 

 


Hôm nay trời mưa lưa thưa - Mèo con đi học chả ưa thứ gì
Nguyễn Thế Hoàng Linh

1. Ăn vạ và lí sự của tôi

Bài này tôi viết để tự lăng xê. Vì viết mãi trên mạng rồi mà Hội nhà văn Việt Nam chả đoái hoài tiền tài gì đến mình cả.

Tôi biết là lớn rồi thì không được ăn vạ nhưng cứ thứ xem sao. "Đói thì đầu gối phải bò".

Mánh của nghề ăn vạ trên đường là như vầy: lao xe nhỏ vào xe to, rồi theo cái lí lệ làng là cứ "xe to phải đền xe con" mà đòi bồi thường thiệt hại. Tôi cũng định áp dụng "chiêu" này trong bài đang viết. Dù tôi biết là những cái kiểu ăn vạ đó gặp bác nào biết luật, lại có sức mạnh thì có ngày bị ăn đấm gẫy răng. Nhưng phải liều thôi. "Muốn ăn phải lăn vào bếp".

Nói cho đúng thì tôi không phải "kẻ cố cùng liều thân", tôi liều là liều có cơ sở. Cơ sở để tự trấn an của một kẻ gây hấn với một "cối xay gió" là hắn ta hoàn toàn mù tịt về công lực của nó. Chỉ thấy nó xoay xoay và trông cũng không đáng sợ lắm.

Vì hiểu biết ít nên tôi không rõ chức năng của Hội nhà văn Việt Nam là gì.

Tôi thì cứ hay tưởng tượng. Một Hội nhà văn Việt Nam trong tưởng tượng của tôi là một tổ chức tập trung được những cây viết xuất sắc nhất; trả công xứng đáng cho những tác phẩm văn học hay và đưa ra được thật nhiều những đánh giá chính xác, khám phá có giá trị... trong phê bình văn học. Và hơn thế, phổ biến được những tri thức ấy đến bình dân để nâng cấp dân trí, văn hoá cộng đồng.

Cái hay mà không được phổ biến rộng thì nó sẽ hả hơi hết giá trị va chạm xã hội, dư luận... của nghệ thuật trong thời đại của nó. Có lẽ phần nào chính bởi sự thiếu nhận định công bằng, vô tình hoặc cố ý chia rẽ những tác phẩm hay với công chúng... mà người viết có tài chết đói, bị hắt hủi, vùi dập... Từ đó dễ nảy nòi ra quan niệm nghệ thuật có tháp ngà tuyệt đối của nó, tách rời với xã hội, một tác phẩm hay là hay thôi, sáng tác để sáng tác thôi, chả cần kẻ khác công nhận nó hay làm gì, chả cần kiếm tiền từ nó làm chi. Và những người làm nghệ thuật tư duy theo cách này thường rất cô độc và có một cuộc sống đầy bi kịch. Có thể họ vẫn tạo được những tác phẩm hay, người đời sau dần dần công nhận những giá trị ấy, nhưng những bi kịch của họ thì dần bị quên lãng hoặc chỉ là một cái gì đó để người ta tán gẫu thay vì rút kinh nghiệm. Thực tế vô tâm này càng chứng tỏ việc có những người nghệ sĩ tách rời giá trị nghệ thuật với giá trị xã hội cũng ít nhiều có cái lí của họ. Rốt cục thì họ cũng chỉ là nạn nhân của sự thiếu công bằng cũng như thiếu tri thức của số đông. Tâm thức bi quan và tách đàn của những nghệ sĩ này lại được bàn tay nghệ thuật của họ tái sản xuất qua những tác phẩm. Mà những nghệ sĩ thì rất hay gây được sự bắt chước từ phía quần chúng (theo thời gian thì cuối cùng, tác phẩm sớm bị chôn vùi của những người có thực tài cũng phải bị/được khai quật). Và như thế, bên cạnh việc để lại giá trị nghệ thuật; với quan niệm tách rời nghệ thuật với đời sống được truyền đi, họ vô tình tiếp tay cho những cái phi lí, bất công của xã hội đã đẩy họ đến sự bi quan. Tạo thành một chuỗi phi lí, tuyệt vọng luẩn quẩn không phải do tự nhiên nó thế mà do chính con người. Khi mà họ không đủ sức đảm đương thêm một nghệ thuật cũng không kém phần cao quí là nghệ thuật sống. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi mà nghệ thuật là một công việc đòi hỏi rất nhiều năng lượng và dễ dẫn đến suy kiệt về tinh thần. Lúc đó thì đâu còn tỉnh táo để nghĩ nhiều về những điều lành mạnh. Dễ bị một cái tâm thức quen cô độc và loạn lạc dắt đi đâu thì đi.

Người nghệ sĩ là kẻ dễ bị rơi vào tuyệt vọng mà lại phải hơn ai hết, ra sức chống lại sức cám dỗ của nó. Ít ra là để không chết mà sáng tác tiếp.

Đấy, có lẽ càng ngày sự khốn khổ của người viết thực thụ dần trở thành một nhận thức bình dân. Nên tôi cứ nghĩ Hội nhà văn là một tổ chức thực sự cần thiết, như một nghiệp đoàn của người viết, là nơi đem lại công bằng cho tác phẩm, tác giả. Nếu nó làm được điều đó, chắc chắn danh tiếng và uy tín sẽ tự đến với nó. Và nó sẽ góp phần quan trọng khiến sự thiếu chuyên nghiệp trầm trọng của xã hội dần bắt chước tính chuyên nghiệp này.

Khi các nhà làm công tác xã hội dường bất lực trong việc làm con người nhận thức được tầm quan trọng của văn học, của việc đọc, việc thưởng thức các giá trị nghệ thuật và của sự cần thiết hình thành ý thức nuôi sống người tạo ra giá trị thì hơn ai hết, những người làm nghệ thuật phải tự cứu lấy mình và nghề, nghiệp của mình.

Nhưng những hành động đơn lẻ (ngoài viết) để cứu viết sẽ chỉ tạo nên những đốm lửa nhỏ chập chờn rồi tắt ngóm. Lạc quan một chút thì cứ gọi là leo lét cháy chờ cộng hưởng. Việc tạo nên một sức bùng tổng lực thiêu rụi những u ám phi văn học trong đời sống văn học thật khó nằm ngoài trách nhiệm của Hội nhà văn Việt Nam, nơi danh chính ngôn thuận nhất, dù nó không phải là nơi duy nhất chịu trách nhiệm.

Thực tế thì hiểu biết của tôi về Hội nhà văn Việt Nam là hoàn toàn mù mờ. Rõ ràng không thể chỉ đơn thuần giải thích đó là vì tội thiếu hiểu biết mà tôi tự nhận ở phía trên. Dù lười đọc thì tôi cũng vẫn ngày ngày xem tivi và vài ngày thì đọc một tờ báo. Nhưng rất lâu không thấy Hội nhà văn có điểm gì giống một Hội nhà văn trong tưởng tượng của tôi.

À, tất nhiên là người viết cần khiêm tốn và kiệm lời. Nhưng cái hội đại diện cho người viết thì phải hoàn thành nhiệm vụ gây được sự chú ý đối với cái hay, cái mới chứ. Khâu "xử lí" tác phẩm như một sản phẩm trên thị trường đầy cạnh tranh không lành mạnh và lành mạnh này rõ ràng phải nhộn nhịp, hoàn toàn khác việc ỉm ỉm đối diện với chính mình của người viết. Thời buổi này, không tạo được ấn tượng cũng đồng nghĩa với có vấn đề về năng lực. Đó chính là lí do để tôi "liều".

Tôi tự hỏi hiện nay có bao nhiêu thành viên của hội nhà văn biết dùng internet để đọc văn học và các vấn đề liên quan trên mạng? Hay ít ra là chịu khó chia sẻ với nhau những cái trên mạng có mà dưới mạng không có.

Tôi lại tự hỏi thật ra văn hoá mạng đã đủ hấp dẫn và giá trị để các thành viên hội nhà văn bắt buộc phải có ít nhiều hiểu biết về nó để cập nhật tri thức? Hay so với những sách báo, thông tin, tri thức... ngoài mạng mà các hội viên hội nhà văn (không lên mạng) tiếp xúc, những thứ trên mạng chỉ ở mức trung bình? Hay hầu hết các hội viên hội nhà văn có đủ năng lực bẩm sinh để sáng tác luôn tuyệt vời dù thiếu thông tin, lí luận?

Hội nhà văn Việt Nam không thể lấy vài hình ảnh cá biệt đáng nể như của một nhà văn nữ có cái thời gánh rau ra chợ bán mà vẫn viết hay để bào chữa cho những người có điều kiện nhưng không tận dụng để đào sâu tìm tòi như tiêu chí của một người tâm huyết với nghề. Bên cạnh việc thiếu tài năng, sự phụ nghề đó cũng là nguyên nhân khiến họ không tạo được những tác phẩm hay.

Không có lí do gì để cấm một người viết phụ nghề. Nhưng có một yêu cầu về nhân cách là khi anh đã không mặn mà với nghiệp thì anh chẳng việc gì phải mang danh nhà viết nữa. Còn ở lại với nó để ăn lương hoặc tranh thủ chơi bời nghỉ ngơi trong trại sáng tác thì tôi nghĩ đó là một chuyện khác. Và nếu một Hội nhà văn dung túng những người như thế thì chả có cớ gì khiến người ta tôn trọng cả. Và như thế, nó chả đại diện cho tầm cao gì cả. Hoặc nó chỉ đơn thuần là một tầng cao nhất trong một nền văn học thấp nhất.

Một Hội nhà văn cao cấp trong suy nghĩ của tôi phải là nơi có sự cạnh tranh (tất nhiên trong văn chương) và đào thải mãnh liệt nhất. Tôi biết đòi hỏi thế là "ác" trong một xã hội tỉ lệ thất nghiệp cao, ai cũng cần một chỗ kiếm sống. Thêm nữa, văn chương với nhiều người cũng chẳng phải là mảnh đất thiêng để e dè mà không cắm dùi làm ăn. Nhưng rất tiếc, sự mủi lòng, chùn bước trong đòi hỏi tiến bộ chỉ làm tỉ lệ thất nghiệp hoặc làm việc trái năng lực trong một xã hội thiếu chuyên môn do những sự cả nể (mà những thế hệ tiếp nối phải gánh chịu) ngày một cao hơn. Vả lại, người ta đã đủ sức vào hội mà không cần năng lực thì thiếu gì mánh để ra hội mà vẫn không chết đói. Khổ là khổ các hội khác.


2. Lơ tơ mơ về Nguyễn Huy Thiệp

Cảm nhận chung của tôi về văn Nguyễn Huy Thiệp trong Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là thích và thấy hay. Tôi không bất ngờ hoặc quá ấn tượng về cái thô lỗ, cục cằn trong ngôn ngữ, thái độ của nhiều nhân vật. Đơn giản bởi tôi thấy đó là ngôn ngữ, thái độ thật chứ chẳng phải cố tưởng tượng (tôi là người ít đi nên phải nói là nếu tôi không nhầm thì là) của đời thường mà những "hạng" nhân vật ấy khó có thể không biểu hiện. Người đọc phân minh hiển nhiên không ngốc mà đánh đồng mọi ngôn ngữ của mọi nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp đều là văn hoá của con người đời thường Nguyễn Huy Thiệp.

Nhưng nếu một tác phẩm chỉ có những nhân vật vô văn hoá thì dễ chẳng khác gì phóng sự về bộ mặt xóm liều...

Ừm, tôi thấy, bên cạnh việc khai thác khía cạnh đối xử bạc ác, cục súc, trơ tráo... của con người với nhau nhằm làm nổi bật nguyên nhân vì thiếu giáo dục, cơm áo, không gian sống... thì tình người, lòng tự trọng, cái khao khát nhân bản... trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp vẫn tồn tại như không thể thiếu và được dùng rất đắt.

Độc giả có thể tìm thấy điều đó qua anh chàng Nhâm nhét trả tiền dưới gối, lang thang trên đồng không mông quạnh với những câu hỏi nội tâm đầy triết lí của con người đang độ sung mãn nhưng bế tắc hoang mang trong cái tù túng của ao làng (Thương nhớ đồng quê); anh chàng Chương bị xử thua nhưng vẫn xăm xăm lên cướp giải thưởng chỉ vì không chịu nổi sự bất công; định lang bạt đó đây mà bỗng bỏ cả năm trời chịu đói khát, kìm nén, nhẫn nhục đóng gạch cho bà cụ sống chỉ vì con. Mục đích ban đầu của Chương cũng vì tiền nhưng về sau thì không hẳn thế. Và anh ta khóc như một đứa trẻ thay vì tranh thủ trinh tiết của một Ôshin cho không để khỏi mất về tay ông chủ đáng khinh nhưng lắm tiền (Con gái thuỷ thần). Cô Ôshin hỏi: "Này Chương! Anh bất lực à?". Cái bất lực ấy là cái bất lực của cả một thời đại không bảo vệ được cái thiện, cái trong trắng, cái đẹp.

Tôi hoàn toàn mù tịt về con người đời thường Nguyễn Huy Thiệp nhưng tôi cảm giác như nhân vật có nhân cách phức tạp - Chương, Nhâm - gần với một cái tôi sâu nhất giữa vô số cái tôi văn học của Nguyễn Huy Thiệp. Có thể tìm thấy không ít những chi tiết đắt về tình người trong hầu hết các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp bên cạnh các chi tiết quanh chuyến lang thang trên đồng của Nhâm và "mượn màu son phấn ra đi" của Chương mà tôi chọn làm ví dụ tiêu biểu. Ví dụ thì có thể kể nhiều nữa nhưng nếu đã không đọc chính các tác phẩm thì những chi tiết liệt kê ấy hết sức mơ hồ và gần như vô nghĩa.

Văn hoá của chính tác giả vẫn thường được lồng qua những câu kể hoặc được điểm xuyết qua nhận định của một nhân vật nào đó. Đó mới là những nhận thức ròng, tư tưởng ròng của Nguyễn Huy Thiệp. Lúc thì qua anh giáo làng ở bờ đê, lúc thì xoay quanh Nguyễn Trãi và thời đại của Nguyễn Trãi. Những tư tưởng, nhận định ấy phần lớn thú vị, đáng giá và sâu sắc vì sát với chân lí tương đối.

Qua truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, người đọc có thể nhìn thấy cái cục cằn ti tiện của mình, của đời sống quanh mình hay những góc khuất đời sống mà mình chưa trải nghiệm qua nhân vật này nhân vật kia. Từ đó, chạm được những tâm tư, tư tưởng Nguyễn Huy Thiệp gửi gắm, sẽ trân trọng cuộc sống hơn, bớt độc địa với nhau hơn và chú ý nâng đỡ, lấp những lỗ hổng trong nhau hơn. Tâm hồn con người vốn là những mảnh vỡ của chiếc bình nhân loại cần ghép lại với nhau. Những cảm nghĩ đời của Bường (Những người thợ xẻ); của Chương, của cô Phượng chồng đi vắng (Con gái thuỷ thần)... đều đáng suy ngẫm và cũng đều là những mảnh vỡ nhận thức. Có thể của đời sống trong những va chạm xã hội mà Nguyễn Huy Thiệp thu lượm được, có thể là chính những xáo trộn trong tâm thức Nguyễn Huy Thiệp... Nhưng những nhận thức "cãi nhau" thường tồn tại song song trong các tác phẩm không hẳn là một chỉnh thể Nguyễn Huy Thiệp. Lặp lại, một Nguyễn Huy Thiệp "chốt hạ" thường núp ở đâu đó trong tác phẩm đưa ra những nhận định khó phản bác, dù không phải là tất cả.

Tôi chỉ được học văn trong chương trình bình thường trước đại học. Khi bình, thường chỉ được dạy chú tâm vào hai giá trị để đánh giá một tác phẩm là chân chính: hiện thực và nhân đạo. Tôi không cho đó là hai giá trị đáng giá duy nhất của tác phẩm nhưng cũng cho rằng đó là cái khó có thể thiếu của một tác phẩm cao cấp. Trước hết, tôi cứ lấy hai giá trị ấy mà đo văn Nguyễn Huy Thiệp, và tôi thấy những điều như trên đã. Còn giá trị hiện thực huyền ảo hay gì gì đó thì nếu cần cố đấm ăn xôi "bênh" một Nguyễn Huy Thiệp không có hai giá trị kia trong tác phẩm thì mới vội cần viện đến.

Tôi nghĩ, văn Nguyễn Huy Thiệp hấp dẫn phần đông độc giả (phần đông này là cái phần đông của phần không đông chịu đọc kĩ Nguyễn Huy Thiệp) và thành công nhất ở ba giọng văn: đưa đời sống sinh động vào tác phẩm và lí giải nó, tạo cá tính sâu sắc cho nhân vật lớn của lịch sử (chứ không như các tác phẩm tả quân ta thì tốt tất tần tật mà quân nó thì xấu tuốt tuồn tuột), vẽ những bức tranh đáng giá về những mảng thế giới của người sáng tạo.

Lặp lại, nếu quan niệm nhà văn trước hết phải có tâm hồn vị nhân sinh mới là tử tế thì ít ra Nguyễn Huy Thiệp xứng đáng là nhà văn rất đáng nể trong trường phái ấy. Bởi vì văn Nguyễn Huy Thiệp không hề thiếu tố chất phục vụ chính đời sống tinh thần thực tại và có ý thức nâng cấp nó, mong con người hiểu và trân trọng nó cũng như nghệ thuật hơn. Lịch sử đã chứng minh không phải cứ cho toàn người tốt vào tác phẩm mà làm đời sống tốt lên được.

Tôi không rõ về những giá trị nghệ thuật khác (vì tôi còn lười và dốt chứ không phải tôi vì tẩy chay mà sẽ không tìm hiểu). Nhưng dựa vào cảm giác của mình thì tôi thấy một nước còn nghèo và dân trí thấp như Việt Nam cần những văn bám sát lí giải đời sống như của Nguyễn Huy Thiệp hơn cả.

Còn một dòng văn học cao cấp khác, "văn học giải pháp", cái mà có lẽ thời đại này cần nhất (khi mà các dòng khác có vẻ đã có quá nhiều đỉnh hoặc các đỉnh đó đều chưa cắm được ngọn cờ này) thì vẫn là cái mà Nguyễn Huy Thiệp nói riêng và chúng ta chưa đạt đến. Mặc dù việc tìm ra giải pháp đời sống chưa chắc là nhiệm vụ bắt buộc của người làm nghệ thuật, nhưng khi các nhà làm công tác xã hội (lại) chưa làm được thì người làm nghệ thuật với mục đích luôn vươn tới những thử thách, khó có thể không đặt ra cho mình đỉnh cao và gánh nặng đó.

Tôi nghĩ, tuỳ theo hoàn cảnh đất nước, thế giới mà lớp người viết trong mỗi quốc gia, mỗi khu vực muốn tiến tới và duy trì nền văn học tiến bộ thì phải tạo được những tỉ lệ hiện thực, siêu thực, huyền ảo, giáo dục... trên miếng bánh văn học một cách linh hoạt theo mỗi bước chuyển của đời sống để tăng dân trí cho chính đất nước, khu vực của mình. Cái khó khăn nhất vẫn là nghệ thuật đối diện với hiện thực. Nếu nói văn Nguyễn Huy Thiệp là văn hợp thời thì cần hiểu là khen Nguyễn Huy Thiệp đã cho văn mình sống cùng thời thế, đã gắn bó với đời sống. Cái hợp thời này là cái nhạy cảm và ý thức không xây tháp ngà của nhà văn, hoàn toàn khác cái hợp thời chớp nhoáng phục vụ thị hiếu mỳ ăn liền.

Tóm lại, với những giá trị đạt được trong các truyện ngắn đã xuất bản, Nguyễn Huy Thiệp hay "cựu" Nguyễn Huy Thiệp, với tôi, là nhà văn số một của thời đại mình, trước khi có người nào cùng thời xuất sắc hơn xuất hiện sau này. Đó là giá trị tôi còn khẳng định chừng nào tôi chưa nhận ra mình là người dốt và đọc ít nên không thấy trong nước có người thời này đã đạt được nghiệp văn giá trị hơn của Nguyễn Huy Thiệp.

Về việc Nguyễn Huy Thiệp "nhai lại", tôi thấy nên làm rùm beng lên nếu nó là những cái "nhai lại" mà nhờ đó, văn Nguyễn Huy Thiệp hay, nổi tiếng. Còn nếu lấy các tác phẩm dở để phủ định các tác phẩm hay thì thật buồn (mà) cười. Mỗi tác phẩm có đời sống riêng, không thể giận Nguyễn Huy Thiệp mà chém tác phẩm. Còn để nhìn nhận một Nguyễn Huy Thiệp không phải lúc nào cũng hay là việc không thể không làm của học thuật chân chính.

Nếu một nhà văn do ngẫu nhiên bị trùng lặp hoặc cố tình lấy tình huống truyện của nhà văn khác thì cũng cần xem cái tình huống truyện ấy có phải là cái gì đặc sắc không. Hay chỉ là một tình huống truyện đơn giản, xảy ra với bao người; chỉ là một cái phông để chiếu lên đó những nội dung đặc sắc là cái quan trọng hơn cả. Nếu nội dung cũng bắt chước nốt thì mới đáng bàn. Và nếu cái nội dung bắt chước lại là cái nội dung dở thì thôi, vứt luôn tác phẩm đi, cho rằng người viết (vốn hay) chắc lúc đó trạng thái tinh thần có vấn đề. Cũng phải thông cảm với người viết không thể có cái 'tỉnh táo của nghệ thuật' trong trăm phần trăm các tác phẩm được, khi hắn ta luôn phải đối mặt với sự loạn trong óc.

Tôi sẽ tâm niệm như thế mỗi khi tôi so sánh các tác phẩm bị "tình nghi" nhân bản vô tính với các tác phẩm "mẹ" để làm cho ra ngô ra khoai.

(Bởi vì, gần đây chịu đọc Truyện Kiều, tôi công nhận Nguyễn Du là thiên tài qua cách ông xử lí ngôn ngữ, cảm nhận sâu sắc về thân phận con người và thời đại mình. Cái khung Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Quốc gợi hứng cho Nguyễn Du thực sự quá đơn giản. Truyện Kiều không hay ở cốt truyện mà hay ở cách Nguyễn Du thổi sức sống của tâm hồn mình vào từng câu lục bát nhuần nhuyễn).

Tiếp đó, việc nhìn nhận văn Nguyễn Huy Thiệp "ngoài truyện" là một chuyện cần phân minh rạch ròi, như tiếp cận với những giá trị khác của con người này.


3. Phê bình của Nguyễn Huy Thiệp [1]


Tôi thực không nghĩ Nguyễn Huy Thiệp là nhà phê bình. Tôi chỉ nghĩ phần lớn những điều "ngoài truyện" Nguyễn Huy Thiệp viết ra thường là tuỳ bút, tự sự, trò chuyện...

Tất nhiên, không thể lấy thể loại để đánh lận con đen, xin xỏ lòng từ bi hay tránh né búa rìu dư luận. Giả sử như có ai bảo vì bài x gọi là thơ nên đọc nó rất dở, chuyển sang gọi bài x là văn tức khắc nó thành rất hay thì tôi nghĩ người đó cứ gọi cám là cơm sẽ tiết kiệm được nhiều chi tiêu cho thực phẩm. Người biết suy nghĩ không thể để cái tên thể loại làm lu mờ hay đánh bóng giá trị trong ruột tác phẩm. Anh ta nên đọc và đọc xong thì tự đặt thể loại cho nó, nếu cần. Tôi chỉ thấy đọc những bài viết ấy của Nguyễn Huy Thiệp với một trạng thái nhẹ nhàng dễ thu thập, lọc được những cái thú vị và đôi khi, tinh tuý.

Văn "ngoài truyện" của Nguyễn Huy Thiệp ít chú thích, nhiều nhận định cảm tính, cái này chắc hơi ngoài luồng của phê bình và học thuật. Nhưng biết đâu, cái cảm tính của Nguyễn Huy Thiệp là cái cảm tính tài hoa đã nâng cấp ít nhiều sau khi rèn qua lí tính của một người viết tinh tế và kinh qua nhiều ngón thâm nhập tha nhân.

Chỉ là "biết đâu", nên có thể văn "ngoài truyện" của Nguyễn Huy Thiệp không đạt được cái súc tích như văn "trong truyện"...

Cá nhân tôi đọc không thấy thú bằng truyện và thấy để gọi văn "ngoài truyện" của Nguyễn Huy Thiệp là phê bình thì không thoả mãn. Nhưng đặt vào nền phê bình hiện tại trong nước thì những bài viết ấy cũng thuộc hạng "đếm trên đầu ngón tay". Nếu tôi không nhầm lẫn, liệu đó có phải là một thực tế đáng buồn? Và liệu có vội vã chủ quan quá nếu cho rằng đã đến lúc "chôn" một đầu ngón tay trên một bàn tay lẻo khẻo?

Hay những "phê bình" hay hơn còn mai danh ẩn tích, không chịu đăng hoặc không được đăng? Giả thuyết phê bình trong nước hay mà không được đăng có lẽ không xác đáng, Hội nhà văn Việt Nam anh minh sẽ can thiệp ngay sự bất công đó chứ. Hơn nữa, các báo đang khát phê bình.

Tuy vậy, còn một trường hợp nữa: trong nước chưa có chính sách tích cực phổ biến những bài phê bình có giá trị của người Việt ở nước ngoài. Và như thế, nếu trong nước hiện chưa chấp nhận, phổ biến một cách công khai những bài viết giá trị của giới phê bình ngoài nước để tăng tính cạnh tranh trong học thuật, cứ kệ nền phê bình như nó vẫn là thì việc vẫn có chỗ đứng quang minh chính đại như một đầu ngón tay trên bàn tay phê bình tất chẳng phải lỗi "cố đấm ăn xôi" của Nguyễn Huy Thiệp rồi. Nguyễn Huy Thiệp đã tâm huyết viết những cái mà không thấy ai viết.

Bảo Nguyễn Huy Thiệp viết "phê bình" không hay mà cái hay, cái cần đem cứ giấu giấu diếm diếm thì làm sao "mở mắt" cho người viết Nguyễn Huy Thiệp được. Bảo người viết Nguyễn Huy Thiệp phải chịu khó mày mò chứ thì khó lắm ạ. Lên mạng, mỏi mắt, đau lưng lắm ạ. Hoặc có người lên mạng hộ thì cũng có phải lên mạng bằng cái đầu của Nguyễn Huy Thiệp đâu ạ. Cái gì cũng download xuống thì sức đâu mà đọc ạ. Cái hay muốn đi được sâu rộng vẫn phải được in thành sách và được bán công khai, phải không ạ.

Khi nền phê bình thực sự tiến bộ thì đầu ngón tay Nguyễn Huy Thiệp nếu không hay và dù (chẳng may rơi vào trạng thái không tỉnh táo mà cứ cố) vớt vát bằng danh tiếng thủa nao vẫn sẽ tự khắc bị đẩy ra khỏi bàn tay phê bình. Chẳng việc gì phải tốn chữ tốn giấy tốn byte bite mà "chôn". Mà hăm hở "chôn" quên hết cần phê bình biết bao "Nguyễn Huy Thiệp" khác.

Còn nếu việc "chôn" Nguyễn Huy Thiệp này là khởi đầu cho một dự án "chôn" cấp quốc gia thì hay quá. Mặc dù tội gì phải "chôn" Nguyễn Huy Thiệp của "phê bình" và tiểu thuyết khi chưa được đọc những cái mà Nguyễn Huy Thiệp chưa viết. Cớ gì không cho Nguyễn Huy Thiệp "sẩy thai" khi người viết này "đa mang" một lĩnh vực mới. Và chỉ có bất công mới bắt Nguyễn Huy Thiệp vừa vào nghề phê bình, vào nghề tiểu thuyết phải hay, phải lớn, phải "như một niềm kinh dị" ngay như khi vào nghề viết truyện ngắn. "Chôn" cái dở của Nguyễn Huy Thiệp chứ tội gì mà "chôn" Nguyễn Huy Thiệp.

Còn nếu quả thật Nguyễn Huy Thiệp sẽ không viết gì được hay ho nữa thì trước khi "chôn" Nguyễn Huy Thiệp, ít ra phải phổ biến cho bình dân một nhận thức xác đáng một chút rằng văn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là thế nào và đã có công gì đã chứ. Tôi thấy văn Nguyễn Huy Thiệp dù đã có tuyển tập từ lâu rồi nhưng số người bình dân đọc những tác phẩm đáng đọc ấy vẫn chưa nhiều nhặn là bao. Những người đã ngấy, đã no, đã ễnh bụng món truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp hay thấy những phê bình, nhận định của Nguyễn Huy Thiệp đã "đầu bạc răng long" chắc là cũng có, nhưng lại chắc chỉ "đếm trên đầu ngón tay".

Trong tình trạng phê bình hiện nay, có được những nhận định mới mang tính thực tế, giải pháp... là điều đáng nâng niu trước khi (tôi nhấn mạnh, "trước khi" chứ không phải "thay vì") bắt bẻ lỗi chính tả, cú pháp, số liệu bên lề... Việc "soát lỗi" đó có khi nên lập béng một chương trình vi tính cần cù để các nhà phê bình bận bịu khỏi khỏi phải động não tìm tòi. Hay đã có một luật bất thành văn mà tôi không biết rằng phê bình bây giờ chỉ việc chỉ ra những cái sai kiểu ấy thôi, những cái còn lại không bị "lôi ra ánh sáng", không bị "bôi đen", "tô đậm" tức là cái đúng, cần tiếp thu?

Nền phê bình liệu có thể vững mạnh nếu không cố tích luỹ lại những cái hay ho đúng đắn hiếm hoi may ra đọng lại trong những bài phê bình của những cá nhân và/mà tự phê bình tập thể rồi nâng cấp lên?

Chỉ có thể chỉ ra cái lỏng lẻo thì thật đơn giản và rơi vào mớ phản bác rối rắm vĩnh viễn.

Tại sao?


4. Chân lí không hẳn là sự nhầm lẫn nhưng sự nhầm lẫn là một chân lí

Không có chân lí tuyệt đối. Hoặc giả dụ người ta có gọi một thứ là chân lí tuyệt đối thì chẳng qua nó là cái họ cho là đúng nhất trong những cái thuộc cùng một phạm trù mà họ từng biết. Chẳng ai cấm được một người ngấm ngấm đặt tên mọi thứ theo ý thích. Nhưng với quan niệm khư khư với chân lí tuyệt đối, coi một thứ là đỉnh điểm bất di bất dịch thì con người dễ tôn sùng, mụ mị bởi nó mà bỏ rơi những cái đúng nhì, đúng ba, đúng khuyến khích... Trong khi việc tổng hợp, chắt lọc, tái sản xuất "tinh huyết" trong các cái đúng còn lại đó sẽ thường cho giá trị lớn hơn phần giá trị của cái đúng nhất rất nhiều. Bởi vì cái đúng nhất đó đôi khi chỉ là quan niệm của riêng anh. Trong thực tế, bản chất của nó có khi chỉ là cái đúng bét, thậm chí, sai toét; còn trong các cái đúng không nhất (mà anh cho là sai vì anh chỉ chịu công nhận một cái đúng tuyệt đối của anh) dễ lại có cái đúng nhất. Bởi vậy, con người tiến bộ khó tránh khỏi việc cần san sẻ sự quan tâm với nhiều ý kiến, thực chất là một mớ "nhầm lẫn", rốt cục cũng là để chiết xuất dần ra những cái tạm coi là thật và ít sai nhất trong thời đại của mình. Và liên tục cập nhật để nâng cấp những chân lí tương đối ấy một cách linh hoạt.

Tự nhiên nghĩ ra một vài cái này, tôi ngứa miệng quá, cho tôi hót lạc đề một tí...

Việt Nam từ lâu đã có triết, có nhiều triết là khác. Khởi đầu có lẽ là kho tàng ca dao, tục ngữ. Nhưng người đời sau hoặc coi câu nào của tiền bối cũng đúng kiểu "ca dao bảo thế này, tục ngữ bảo thế kia, đừng có cãi xằng"; hoặc chỉ lạm dụng, lợi dụng để nguỵ biện nhằm vụ lợi cá nhân; hoặc chẳng nhớ gì nữa để tập trung vào những khẩu hiệu bí hiểm như "một phong cách trẻ, một phong cách xì tin".

Nhiều trẻ con sinh ra đã sớm rơi vào một văn hoá lệ thuộc tư tưởng, bị chặn họng ngay từ khi tập nói: "cá không ăn muối cá ươn-con không nghe lời cha mẹ trăm đường con hư", bị "ngồi chiếu dưới" ngay khi đi học: "nhất tự vi sư-bán tự vi sư". Tất nhiên, những câu nói đó đều có ý nghĩa và giá trị giáo dục. Nhưng chúng luôn bị lạm dụng để đàn áp, đe nẹt tư duy tranh luận của con người: cha mẹ luôn đúng và thầy luôn không sai. Tệ hại hơn là những câu hết sức phản động như "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", "một trăm con gái không bằng cái dái con trai", "nam vô tửu như kỳ vô phong"... dễ được thốt ra từ những cuộc nhậu của các tiền bối lởm lại hay được gật gù, khắc cốt ghi tâm. Nó làm hỏng tư duy công bằng, lành mạnh của rất nhiều thế hệ. Và hơn thế, với tâm lí coi thường phụ nữ, đánh giá giá trị con người bằng những chiến tích vớ vẩn, xã hội tự làm mình chậm phát triển. Những câu tiến bộ tìm cách "phản kháng" như "ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng", "rượu bất khả ép" thì lại rất ít được công nhận.

Vân vân và vân vân. Cứ như thế, vì thiếu nhiệt huyết "chôn" tiền bối; thiếu nghiên cứu, thiếu tổng hợp tri thức ròng trong ca dao, tục ngữ, cứ tóm hết lại cho vào bộ sưu tập là hết công đoạn... mà cái gốc triết cảm tính (có những cảm tính thiên tài) và ngắn ngủn ban đầu qua thời gian vẫn không được tưới lí tính và lí luận nên chẳng nảy mầm được là bao. Như thế, tất yếu, nó dần bị quên lãng. Sau rồi, thấy hậu quả của thiếu tri thức đáng sợ thế nào thì lại phải học triết Tây. Thế mà vẫn có người lười học cố vớt vát cầu viện câu "ta về ta tắm ao ta-dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn".

Nghĩa của câu đó (để thấy hay thì) có khi đơn giản chỉ là một anh nông dân gắn bó với quê hương lên tỉnh bon chen bụi bặm quá không hợp nên về gặp cái ao nhà mà mừng quýnh, dù trong dù đục thì nó cũng toả ra một thứ mùi quyến rũ, ấm áp của cố hương bao năm xao xuyến máu thịt. Đó là cảm giác chân chất, hồn nhiên và có lí của con người xa nhà. Nhưng khái quát nó thành tư tưởng triết gia hay lạm dụng để cổ vũ quan niệm "bế quan toả cảng" thì thật tức (mà) cười.

Cũng như nếu bảo "van em em hãy giữ nguyên quê mùa" của Nguyễn Bính là lại cái kiểu nhỏ mọn "ta về ta tắm ao ta" thì khác nào hai lần giết chết những rung cảm thật trong lòng người viết ra những câu dung dị, đẹp đẽ và chân thành ấy. Người Việt tài thì tài thật, mỗi tội cái tài ấy được dùng để bắt chước thay vì sáng tạo; để mánh lới, nguỵ biện nhiều hơn là đào sâu sự thật.
...
Nguyễn Huy Thiệp viết: "Bản chất cuộc sống, chân lí rốt ráo trong cuộc sống chính là sự nhầm lẫn" cũng xuất phát từ ý thức coi trọng chân lí và sự đa dạng trong nghĩa của nó cũng như tư duy của con người. Tôi nghĩ, ý của người viết Nguyễn Huy Thiệp giản dị là: rốt cục, sự nhầm lẫn là một chân lí cơ bản (trong vô vàn chân lí).

Khi cho rằng người viết Nguyễn Huy Thiệp cho rằng "chân lí là sự nhầm lẫn", người viết Trần Mạnh Hảo đã vô tình đánh rơi hai chữ "rốt ráo" quan trọng trong nguyên bản. Tôi cho rằng đây là một sự nhầm lẫn của người viết Trần Mạnh Hảo, ai mà không nhầm lẫn, chứ đời nào người viết Trần Mạnh Hảo cố tình "biển thủ" hai chữ cỏn con đó.

Có thể việc tôi gọi "rốt ráo" là "hai chữ" cũng là một sự nhầm lẫn. Nhưng có lẽ con người có điểm quí báu là khối óc, trái tim biết yêu thương, biết tự làm hoàn hảo những khiếm khuyết bằng sự bao dung. Nó biết tha thứ, bỏ qua những cái lẻ tẻ để tập trung vào cái quan trọng (nếu có); khi mà nền học thuật hàn lâm của Việt Nam chưa chào đời, hoặc thiên vị thì có thể nói là đang lẫm chẫm bước đi.

Chính những nhầm lẫn vừa được liệt kê cũng phần nào là ví dụ trong bài toán chứng minh: nhận định "chân lí rốt ráo là sự nhầm lẫn" chưa được chứng minh là một sự nhầm lẫn. Cái câu đó của Nguyễn Huy Thiệp không phải là một chân lí tuyệt đối nhưng ít ra là một cái đúng trong những cái đúng nhất mà người ta có thể lưu tâm. Để luôn "open mind for a different view" (mở mắt nhìn một hướng khác).

"Những nhầm lẫn của nhà văn", người viết Nguyễn Huy Thiệp đã "rào trước" như thế ngay ở đầu bài viết Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn của mình. Vì biết mình không thể viết ra chân lí. Bản thân Nguyễn Huy Thiệp cũng thừa biết rằng không thể lấy điều đó để biện hộ cho những nhầm lẫn trong việc đưa ra các con số về Hội Nhà văn Việt Nam (mà người viết Trần Mạnh Hảo đã hảo tâm đính chính giúp). Nhưng một người đọc biết chắt lọc sẽ tìm thấy những gửi gắm của người viết Nguyễn Huy Thiệp với người viết và độc giả hơn là mải bận tâm đến những câu nói quá. Và có thể phần nào thông cảm cho Nguyễn Huy Thiệp khi "bị loạn" trong việc cố tìm ra những cái mà cả một nền phê bình đang bối rối đâm ra quên chú ý đến những tiểu tiết, cái vẫn cần chính xác trong phê bình. Có thể Nguyễn Huy Thiệp viết bài viết đó với cả cảm thức bực bội vì chuyện quanh Tuổi hai mươi yêu dấu hay việc bị quên lãng như "người ta nói", biết đâu đấy. Nhưng thực tế thì ý thức trong bài viết đó là công tư phân minh.

Qua việc theo dõi phản ứng với những câu nói quá trong bài viết ấy, tôi cảm thấy quan hệ giữa Nguyễn Huy Thiệp và không ít những thành viên Hội nhà văn Việt Nam không được thân thiện. Quan hệ giữa các người viết khác với nhau tôi chưa rõ thế nào. Tôi thì tôi vẫn xem quảng cáo dầu gội đầu thấy cô gái xinh xẻo nói "em ghét anh" mà chàng trai vẫn cười tươi như hoa nở (riêng cái này thì quảng cáo không dối trá). Đấy là lúc họ đang trong tình yêu.

Trong công tác phê bình, tôi nghĩ câu "yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" thường rất đáng lưu tâm. Khi hiểu điều đó thì có lẽ người dũng cảm đối diện với sự thật sẽ bắt tay nhau ngoài đời dù các cuộc bút chiến có ác liệt đến mấy.

Tất nhiên, cái roi vọt, ngọt bùi này là roi vọt, ngọt bùi của học thuật. Người viết Nguyễn Huy Thiệp đã có vẻ sơ xuất trong điều đó khi nhầm lẫn và trào lộng không đúng chỗ, nơi mà trong lòng người, có biển báo hạn chế bao dung, hạn chế môi cười.

Đôi khi tôi lại tưởng tượng ở ngoài đời biết đâu người viết Nguyễn Huy Thiệp và người viết Trần Mạnh Hảo đang bắt tay nhau vì dù sao cũng lại khuấy động lên được tí không khí lờ đờ của phê bình. Để những bức xúc và những sự thật có những luồng xoáy tiên phong để nổi lên theo?

Đấy, mọi thứ liên quan đến văn học giờ thật khó xác định rõ ràng, thảo nào mà tôi liều. Để nêm gia vị cho cuộc tự lăng xê thì tôi có một món khuyến mãi là cái truyện "Lái cả" của mình.


5. Một chút về bài phát biểu của Nguyễn Huy Thiệp tại Thụy Điển: "Đối với thế hệ chúng tôi, cuộc chiến tranh ấy thật đáng lộn mửa"

Trong bộ phim Điện Biên Phủ của đạo diễn Roman Carmen, có đoạn nói về một cuốn sách có cái tên rất ý nghĩa "Cuộc chiến tranh của người Pháp". Thật vậy, chính người Pháp hồi đó đã gây ra nó dưới chiêu bài khai hoá văn minh, tự do... Còn người Việt Nam đã thực hiện một cuộc kháng chiến giành lại tự do, độc lập, hoà bình như một chức năng thiêng liêng nhất của con người. Nguyễn Đình Thi đã khái quát ý nghĩa cuộc kháng chiến rất xuất sắc: "Đạp quân thù xuống đất đen-Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa".

Vì thế, nên chuyển một câu quen miệng "cuộc chiến tranh của chúng ta" thành "cuộc kháng chiến của chúng ta". "Kháng chiến" mang ý nghĩa phản chiến và phản ánh chân thực lịch sử hơn. Mặc dù ngôn ngữ nhiều khi chỉ mang tính hình thức, phần nội dung cần hiểu một cách linh hoạt, nhưng trong trường hợp nó phản ánh một sự kiện quan trọng thì rất nên sử dụng từ ngữ một cách thận trọng và chính xác. Cuộc chiến tranh vừa qua là cuộc chiến Việt Nam chứ không phải của Việt Nam. Chữ "của" ở đây dễ khiến Việt Nam bị người ngoài cuộc hiểu như kẻ phát động chiến tranh. Thế giới vẫn còn rất nhiều người ngoài cuộc. Tôi cũng là người không câu nệ và hay sơ xuất trong từ ngữ nhưng từ chuyện này, tôi sẽ ý thức hơn để giảm thiểu nhầm lẫn.

Bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng có vô số điều "thật đáng lộn mửa" vì nó luôn gây chia tách, hiểu lầm, hận thù và những vết thương mãi về sau. Đơn giản bởi lẽ khi con người đã bị đẩy vào hiểm hoạ khủng khiếp như thế thì làm sao có được chính nghĩa tuyệt đối. Vì thế, phát biểu ấy của Nguyễn Huy Thiệp là có cơ sở. Nhưng nếu đặt phát biểu ấy xen vào bối cảnh mà nhà văn Xara của Thuỵ Điển đang kể về những ấn tượng tốt đẹp với Việt Nam trong cuộc chiến thì Nguyễn Huy Thiệp đã chọn sai thời điểm để đem lại giá trị cho câu nói ấy. Khi mà kể cả không có khoảng cách trong chuyển ngữ, người tiếp nhận vẫn khó có thể hiểu một cách rõ ràng nếu không muốn nói là cực dễ hiểu lầm. Mà cái này thì lại cần hiểu rất rõ ràng. Những hiểu lầm mà cuộc chiến gây ra đã quá đủ ớn rồi.

6. Ngớt cơn

Nhiều khi viết những điều như thế này, tôi rất băn khoăn vì sự thiếu thông tin cũng như kinh nghiệm trong "đời sống văn học" của mình. Tôi thường tự hỏi sao một số điều cần thiết trong này không ai viết?

Hay chúng chả cần thiết đâu, ai cũng biết cả rồi; nhưng đi từ ý tưởng, nhận thức đúng đắn đến hành động phải có lại là cả một vấn đề, "lí thuyết chỉ là xám xịt còn cây đời mãi mãi xanh tươi"?

Hay không nhiều người biết nhưng nhiều người vì thừa thông tin, thừa kinh nghiệm "đời sống văn học" nên không viết?

Nhưng hãy cứ thế này đi, tôi mong cuộc tranh cãi quanh "sự kiện hoa thuỷ tiên" (mà eVăn sớm ngửi thấy để gọi là như vậy) còn kéo dài với nhiều ý kiến, quan niệm hơn. Rồi nhanh nhanh in những bài viết quanh nó trên talawas, eVăn... thành tuyển tập tung ra thị trường. Cá là sẽ thành best seller. Hay hơn cả, dân tình sẽ từ đó gần như lần đầu tiên gặp một phiên phê bình đa chiều. Biết đâu từ đó, chịu đọc mà thông minh và sâu sắc lên. Đó là chút tích đức mà nền phê bình nói riêng và văn học nói chung may ra làm được. Hy vọng là cái cuốn đó nếu có nó được cấp phép xuất bản.

"Sự kiện hoa thuỷ tiên", cái chẳng có gì đáng gọi là sự kiện đã thành sự kiện. Tình cờ, nó như một cú hích có giá trị xã hội hơn là nghệ thuật. Và nó càng chứng tỏ nền "phê bình" Việt Nam nói chung không làm chủ được mình. Không tự chuyển động mạnh được. Cứ phải xoay chuyển bằng cái cách va chạm quái gở thế này. Thật lạ, biết đâu người viết Nguyễn Huy Thiệp đâm ra lại một lần nữa lập công lớn. Lần trước là nhờ năng lực thực sự, lần này là tình cờ? Thời đại lệ thuộc nhiều vào rủi may, công tội khó phân minh. Dù lại gánh thêm nhiều búa rìu dư luận nhưng có khi cái dở trong văn Nguyễn Huy Thiệp vẫn được "tại ngoại" "lưới bắt chim" của phê bình. Khi mà người ta chỉ ra cái sai một cách không đúng. Hoặc không phổ biến rộng được những nhận định chính xác về cái dở đã được chỉ ra.

Tôi nghĩ, khoán, trả công cao theo năng lực thể hiện qua tác phẩm, là một trong những hình thức duy trì được năng suất và chất lượng sản phẩm cao nhất. Nếu Hội nhà văn Việt Nam thực hiện được phương thức này thì người viết hay sẽ có nhiều cơ hội tập trung vào sáng tác hơn và người viết dở cũng chẳng cố vào hội nhà văn để làm gì nữa. Vừa tốn tiền vừa chẳng xơ múi được gì, có khi lại còn hại vào thân khi bị dư luận thông minh lên cười chê. Như thế, biên chế hội sẽ gọn nhẹ và khi cần thì mới phải họp nhau lại. Ở đây, người "chấm công" chính là đội ngũ phê bình và độc giả. Nếu cứ để hai nhân tố này thiếu chất lượng thì "mèo lại hoàn mèo".

Xin lỗi đã làm mỏi mắt độc giả nào còn đọc được đến đây.

Tháng 4. 2004

© 2004 talawas


[1]Có thể xem khá nhiều bài viết của Nguyễn Huy Thiệp ở đây.

 

   

 

văn học  khảo luận : về '...hoa thủy tiên và những lần lẫn của nhà văn'...


 




"... Đa số...già nua không
có khả năng, sáng tạo
và hầu hết đều 'vô học',
 tự phát mà thành danh."


  32- Ông Hảo thanh toán chứng từ "Ly thân" đi chứ!                                                         Lại Nguyên Ân 
  33-
“Đó chỉ là quan điểm cá nhân của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp”.                    Nguyễn Xuân Thắng
  34- Cú điện thoại của nhà thơ Trần Mạnh Hảo.                                                           
Vương Văn Quang 
  35-
“Much Ado About Nothing”.                                                                                 Phạm Xuân Nguyên 
  36-
Bàn về Nguyễn Huy Thiệp.                                                         Trần Đăng Khoa & Nguyễn Văn Thọ 
  37- Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn.                          Nguyễn Huy Thiệp
  38-
Hôm nay trời mưa lưa thưa - Mèo con đi học chả ưa thứ gì.                    
Nguyễn Thế Hoàng Linh
  39-
Về một cuộc tranh luận trong văn học. - Chân dung tự họa của Nguyễn Huy Thiệp.                                                                     Lê Văn Vọng
  41- Để phúc đức cho con cháu.                                                                                              Đồng Đức Bốn 
  42- Tấn công tính cách con người vì sự bất đồng.                                                                 
Jason Picard

vhvt-10
Trở lại trang chính