vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  bàn luận



 

 

 

Ông Hảo thanh toán chứng từ "Ly thân" đi chứ!

Lại Nguyên Ân

Mấy năm trở lại đây cây bút Trần Mạnh Hảo (TMH) tạo thành cả một hiện tượng văn nghệ. Tôi nói cho rõ hơn: chỉ trong điều kiện cụ thể của báo chí và văn nghệ Việt Nam thời gian ấy, cây bút kia mới trở thành hiện tượng. Vốn được biết đến như một nhà thơ, từ giữa những năm 1990, ông Hảo dường như gạt thơ xuống hàng thứ hai, nhường mối bận tâm hàng đầu cho hoạt động phê bình. Ông phê bình nhiều người, nhiều việc lắm; có điều không phải tác giả nào cũng chịu để bị ông phê bình. Thậm chí có thời gian ngòi bút phê bình TMH trở thành sự đe dọa khủng bố đối với không ít tác giả.

Những ngày gần đây, chừng như để tự kỷ niệm thâm niên 10 năm phê bình, TMH vừa mở đầu một đợt phê phán nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, đợt phê bình xem chừng rầm rộ lắm và chưa biết sẽ dẫn đến đâu.

Tôi không có ý định bênh Nguyễn Huy Thiệp. Vả lại tôi nghĩ vào lúc này, anh Thiệp nghe phê, nghe chửi nữa, còn có ích hơn là nghe những lời khen nhạt phèo (Nghe một trận chửi, mà lại là "chửi hội đồng" nữa, nhắm vào mình, nạn nhân dù không dễ chịu vẫn có thể từ đó nhặt ra nhiều thứ, nghiệm ra nhiều điều; lời nào ít chân lý có khi lại dễ làm lộ chân tướng người nói). Tôi chỉ nhắc sự kiện đang xảy ra, gắn với vai trò "khai hỏa" của TMH, để lưu ý bạn đọc một việc khác. Việc ấy là: ông TMH đã phê nhiều người nhiều việc, đã "phản thơ", "phản phê bình" và phản nhiều thứ khác, nhưng vẫn còn ít ra một thứ chưa phê chưa phản mà lẽ ra ông phải phản phải phê: ấy là cái mà tôi gọi là chứng từ "Ly thân".

Bạn đọc trẻ sinh ra vào những năm 1980 giờ đây hẳn không biết Ly thân là gì. Xin nói rõ: đó là cuốn tiểu thuyết của tác giả Trần Mạnh Hảo, viết xong hồi tháng 8.1987, gồm 23 chương, Nxb. Ðồng Nai, in 4.000 cuốn, sách dày 386 trang khổ 13x19cm, nộp lưu chiểu tháng 9.1989.

Xét về mặt quan điểm xã hội thì tác giả TMH của Ly thân hoàn toàn trái ngược so với tác giả TMH của loạt phê bình từ khoảng 1994 trở lại đây. Do vậy, nếu muốn khẳng định hoạt động phê bình của TMH mươi năm trở lại đây, tác giả TMH phải ít ra có một lần lên tiếng phê phán bác bỏ cái lập trường xã hội đã thể hiện trong tiểu thuyết Ly thân của mình. Ðây là điều mà cả giới cầm bút lẫn công chúng lâu nay vẫn chờ đợi ở TMH tuy ông chưa một lần đáp ứng.

Ly thân
được viết như là thiên tự truyện của nhân vật chính Trần Hưng, một nhà văn sinh ra ở nông thôn miền Bắc khoảng đầu những năm 1930, học hết trung học, gặp mùa thu cách mạng 1945, vào bộ đội, đi kháng chiến, trở thành nhà báo, nhà văn. Hưng có người yêu là Oanh, bạn học từ nhỏ cùng quê. Ngày mới vào bộ đội, nghe tin thất thiệt Oanh đi lấy chồng, Hưng thất tình, đâm ra liều mạng ngoài trận địa, lại được khen là dũng cảm, được kết nạp đảng, được gặp lại Oanh đã ra vùng kháng chiến học y khoa. Hưng có truyện được in trên tờ "Văn nghệ Việt Bắc", được thủ trưởng khen và nhận làm em nuôi. Những đợt kiểm thảo "rèn cán chỉnh quân", Hưng thấy từ thủ trưởng đến nhân viên, một mặt thì tự bịa cho mình những tội lỗi rất lớn để bày tỏ sự trung thành, mặt khác lại nhân dịp này moi móc bí mật riêng tư của nhau; chính Hưng do thực thà trót hở ra việc gặp lại người yêu trên đường công tác, đã bị dồn ép đến mức phải bịa cho mình tội hủ hóa, bị ghi lý lịch. Lúc rời chiến khu về xuôi, nhóm nhà báo quân đội của Hưng phải "ngắm trăng tập thể" (tr.88-95) theo lệnh mấy viên chỉ huy. Thời cải cách ruộng đất, bố Hưng bị quy địa chủ, bố Oanh bị quy phản động; Hưng phải viết bản đấu tố bố, coi như điều kiện để nhờ can thiệp giảm án cho bố, từ đấy bố con không nhìn mặt nhau; Hưng cũng phải can đảm trước tổ chức tuyên bố từ bỏ người yêu có bố "là kẻ thù của đảng" (tr.113). Do nỗ lực này, Hưng được đưa đến một nơi riêng biệt, chăm sóc đầy đủ để ngồi viết cuốn truyện Vượt bão theo sơ đồ cốt truyện do cấp trên vạch ra: Ðại thể nhân vật từng trót yêu con địa chủ, con phản động... Nhưng rồi đến lúc phải lựa chọn: Ðảng hay đứa con gái nguy hiểm ấy. Nhờ sự giúp đỡ của tập thể, cuối cùng giai cấp vô sản trong nhân vật đã chiến thắng đứa con gái đại diện cho kẻ thù. Mâu thuẫn thứ hai là sự lựa chọn hoặc bố mình, một tên địa chủ gian ác cáo già và một bên là giai cấp bần cố nông; nhân vật phải làm cuộc lột xác thứ hai là từ bỏ nguồn gốc xuất thân. Sau hai cuộc đấu tranh ấy, giai cấp vô sản chợt phái đến cho anh một cô gái xuất thân bần cố nông, không đẹp lắm nhưng biết căm thù thực dân đế quốc và đấu tố dũng cảm; tình yêu giữa hai người xuất hiện trong vòng tay chăm sóc của tổ chức (tr.115). Ðúng như kịch bản, Hưng sập bẫy, phải lấy Lê Thị Mộng Ruộng; về sau Hưng hiểu: "Hai đứa đều là nạn nhân của một bọn lừa đảo núp dưới chiêu bài tổ chức, chiêu bài cách mạng" (tr.131). Cuốn truyện của Hưng được in đi in lại, được khen rầm rộ, trong khi bố Oanh bị xử bắn, Oanh học xuất sắc ra trường vẫn không được nhận bằng bác sĩ. Ðến sửa sai, cuốn truyện của Hưng bị phê phán là tả khuynh, bị dư luận đòi thu hồi sách. Rồi Hưng được động viên đi thực tế dài ở Tây Bắc để viết về kháng chiến; sách in xong nhưng không được phát hành vì công an văn hóa cho rằng cuốn sách làm cho "người ta thấy cuộc kháng chiến chống Pháp thật là bi thảm, đầy rẫy những bị kịch và chết chóc", rằng đó là cuốn sách tuyên truyền cho tư tưởng hòa bình chủ nghĩa, cho tinh thần sợ chiến tranh (tr.155); mấy bài thơ Hưng làm trong thời gian ở Tây Bắc cũng bị cho là viết lối biểu tượng, vu cáo chế độ (tr.157-159), Hưng phải nhờ vả những người ở nhà xuất bản và ban tuyên huấn can thiệp mới khỏi bị ngồi tù. Tiếp đó, Hưng có vài năm đi thực tế nông thôn "lá cờ đầu 5 tấn", được thết đãi sang trọng nhưng đi đâu cũng có cán bộ hoặc công an xã đi kèm, họ giới thiệu cho Hưng một hiện thực cực kỳ tốt đẹp (cấy tập đoàn, vừa làm vừa hò hát, gánh phân đi đều bước, biến cánh đồng thành sân khấu...). Hưng viết cuốn Lúa reo, "minh họa cho đường lối tập thể hóa của đảng ta vô cùng đúng đắn" (tr.160-161). Sách in ra được khen rầm rộ, tác giả của nó được ví với Sholokhov; Hưng được đi thăm hai nước đàn anh vĩ đại Liên Xô và Trung Quốc. Thế nhưng có một cậu thanh niên người ở xã mà Hưng đến lấy tài liệu viết Lúa reo đã tìm gặp và cho Hưng biết rằng bà con xã ấy đọc thì thấy "nhà văn nói láo", rằng cán bộ xã đã lừa, đã nói dối, đã dàn cảnh, lại buộc dân nếu xúc tiếp với nhà văn cũng phải nói dối (tr.179-182). Hưng về quê thăm mẹ, bà mẹ cũng bảo như vậy. Hưng dằn vặt, xấu hổ thấy mình bị coi là kẻ "viết văn nịnh, văn bồi", là một đại biểu của "dòng văn học tô hồng" (tr.185).

Vào chiến tranh chống Mỹ, bác sĩ Oanh hy sinh ở tuyến lửa khu Tư, nhưng cái chết của người yêu cũ cũng không làm Hưng có thể nguôi quên mối tình duy nhất của đời mình. Hưng có vào chiến trường, rồi ra Bắc học trung cao chính trị, sau giải phóng lại đưa gia đình vào sống hẳn trong Nam. Hưng thấy mình cần phải có chức có quyền, "bởi vì nếu anh không có chức có quyền mà lại cả gan có tài, coi như tự rước họa vào thân" (tr.213). Hưng đã đi thực tế, viết truyện Làng vui, "ca ngợi sự thành công không tưởng tượng được được của chính sách kinh tế mới, giãn dân về rừng rú hay nơi phèn chua nước mặn" (tr.216), nhưng sáng tác phục vụ chính sách này không hề được dư luận hưởng ứng, vì trong phê bình văn nghệ lúc này "hay dở không phải do tác phẩm của anh, mà do anh ngồi ở vị trí nào trong nấc thang quyền lực" (tr.217). May Hưng gặp lại người thủ trưởng anh nuôi từ thời chống Pháp, mới đổi về làm bí thư tỉnh ủy; nhờ mối quan hệ này Hưng được làm Tổng biên tập tờ văn nghệ của tỉnh. Lập tức trên báo chí xuất hiện các bài khen Làng vui, nhưng trong nhà, ngay con gái Hưng cũng biết cuốn truyện viết sai sự thực, tô hồng quá đáng. Con gái hỏi: bố có dám viết truyện những người đi kinh tế mới bỏ về thành phố, nằm vỉa hè, bới rác để sống? Hưng biện bạch: "phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa chỉ có quyền viết về cái tốt đẹp" (tr.228). Ðiều khiến Hưng suy nghĩ nhiều hơn là hướng sống và viết của Trần Khuất Nguyên, tức chàng trai quê Bắc từng cảnh tỉnh Hưng về cuốn Lúa reo; Nguyên đã làm lính trinh sát thời đánh Mỹ, bị thương, về tỉnh này, sống và viết theo hướng nhìn thẳng vào sự thật và đứng hẳn về phía nhân dân. Nghe nói tờ báo đăng thơ Nguyên đã bị thu hồi, Nguyên đang bị điều tra, có thể bị bắt. Tờ báo văn nghệ tỉnh của Hưng được giao việc tổ chức đợt phê phán thơ Nguyên. Nguyên bị khai trừ đảng, bị vợ bỏ. Hưng thì rơi vào mỹ nhân kế của tay cấp phó, phải từ chức, chuyển biên chế sang tổ sáng tác ở hội văn nghệ tỉnh. Hưng nghĩ cách khơi lại ảnh hưởng của bí thư tỉnh. Sẵn tập bản thảo thơ ông ta đưa Hưng dạo trước, tuy "rất dở, như vè, như tấu, như nói có vần, rất nôm na, ý tứ nghèo nàn, vần điệu gượng gạo, ngôn từ luộm thuộm" (tr.266), Hưng cứ viết những bài bình tán "biến thơ dở thành thơ hay cực kỳ", biến ông bí thư kia "thành chỗ dựa vững chắc, thành vật bảo hiểm cho mình" (tr.267). Những bài bình ấy được đăng báo, Hưng nối lại được quan hệ với ông bí thư vốn cũng đang cần Hưng giúp tổ chức in, phát hành, cổ động cho thơ, đúng hơn là cổ động cho cá nhân một người đang muốn leo lên những ghế cao hơn, với toan tính: "Chú ạ, thời nào cũng vậy, muốn làm lãnh tụ thì chí ít cũng phải biết làm một tị thơ" (tr.269). Một dạ hội thơ được tổ chức để tôn vinh thơ ông bí thư, tại đấy Hưng đọc bài tán dương giá trị thơ ông ta, bài viết mà tự Hưng cho là có thể "đạt bằng Tiến sĩ loại ưu" về khoa nịnh thần (tr.320). Trần Khuất Nguyên bất ngờ xuất hiện, vạch rõ "báo chí và văn học chúng ta làm ngơ là xã hội hiện nay đang bất công khủng khiếp. Chúng ta hy sinh hàng triệu người để làm cách mạng xóa bất công, tại sao lại đẻ ra cả một giai tầng đặc quyền đặc lợi?" (tr.326). Anh đồng ý với lời ông bí thư rằng phải viết về con người mới xã hội chủ nghĩa, nhưng "xin đồng chí bí thư tỉnh ủy chỉ cho tôi xem trong hàng ngũ cán bộ cao cấp của tỉnh ta hiện nay, ai, những ai là con người mới xã hội chủ nghĩa?" (tr.326). Lời chất vấn này khiến dạ hội thơ kết thúc trong sự sượng sùng và Hưng đoán "kẻ uống mật gấu" tức là nhà thơ thương binh kia sẽ bị bắt. Nhưng Hưng còn chưa biết chuyện con gái Hưng và chàng trai ấy đã đến với nhau: Cô gái từng bị một gã sở khanh lợi dụng rồi ruồng bỏ, đã nhảy xuống hồ tự tử, được chàng trai kia cứu thoát, nàng cảm phục chàng, họ quen nhau rồi yêu nhau. Tổ chức tỉnh nhắc Hưng "hãy dùng quyền làm cha ngăn cản nó đừng yêu cái thằng chống đảng ấy nữa" (tr.350). Tất nhiên ông bố không thể khuyên can được con gái. Rồi thương binh Trần Khuất Nguyên được mời đi khám bệnh, bị đem nhốt vào nhà thương điên và bị bóp cổ giết chết. Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ đòi được chôn Nguyên ở nghĩa trang liệt sĩ, công an không cho, tình thế có cơ xảy ra xung đột. Những người kháng chiến cũ nhượng bộ. Nguyên bị chôn ở nghĩa trang Bần Thổ vốn dành cho thập loại chúng sinh.

Ðoạn kết truyện là mấy việc: vợ bí thư tỉnh vượt biên bị bắt lại, ông bí thư thất thế bị mất chức, bị kỷ luật và về hưu, lại bị xe cán gãy chân, bắt đầu "tập làm người công dân một đất nước mà ông chỉ quen lãnh đạo" (tr.374). Hưng bây giờ nhận rõ nhà thơ Trần Khuất Nguyên tượng trưng cho cái lương tri "bị cuộc đời bóp cổ lè lưỡi cho đến chết" (tr.365), ông coi nhà thơ này là "sự cứu chuộc cuối cùng của nhân cách" mình (tr.365). Ông sám hối. Ông ly thân với bà vợ mà ông đã chấp nhận do sự bố trí của tổ chức, ông dứt bỏ nỗi sợ hãi đeo đẳng suốt đời người văn nghệ sĩ tiểu tư sản. Ông đến sống ở gian nhà kho cũ của hội văn nghệ, viết thiên tự truyện Ly thân.

Con gái ông ra tận Hà Nội nộp đơn khiếu kiện việc chồng bị giết oan, không đâu giải quyết, trở về nam, vẫn sống trong niềm nhớ tiếc và cảm phục nhà thơ phản kháng bất hạnh, sống với giọt máu của nhà thơ ấy đang lớn dần trong bụng cô.

*
Tôi tóm tắt truyện hơi kỹ vì tôi biết phần đông bạn đọc bây giờ ít có cơ hội đọc cuốn truyện này, một cuốn truyện chẳng hay lắm cũng chẳng dở lắm, tác giả của nó không phải không có những chỗ vụng nhưng cũng không phải không có chỗ thành thạo, khéo léo. Ðương thời, có lẽ Ly thân đã giành được không ít công chúng. Còn nhớ trong hành lang Hội trường Ba Ðình hôm sắp khai mạc Ðại hội nhà văn lần 4, một bạn văn sôi nổi kể với tôi về cuốn Ly thân này, tỏ ý rất cảm phục tác giả của nó, và bảo "Nếu Hảo vì quyển Ly thân mà phải ở tù, em sẽ đi thăm nuôi Hảo!". Một vài hôm sau, chính Hảo đã rủ người đang viết những dòng này đi cùng từ nơi họp về phỏng Hảo ở nhà khách Hùng Vương, lấy trong hành lý một cuốn Ly thân ký tặng. Hảo có nói với tôi về những rầy rà hệ lụy từ cuốn sách này, chẳng hạn những bạn văn ở "nhà số 4" [1] , vốn là bạn bè sống chết cùng nhau từ chiến trường, nay nhân đại hội Hảo mới ra đây, mà họ "cấm cửa" không tiếp Hảo!

Sự việc vừa nói gắn với Ðại hội nhà văn lần 4, cái đại hội mà diễn tiến của nó đã vĩnh viễn chia đôi giới nhà văn thành hai "phe" với những tên gọi áp cho nhau thật đa đoan: "phe đổi mới", "phe bảo thủ"! Ða đoan, vì cái gọi là các "phe" ấy chỉ hơi rõ ở hai cực, thế mà những tên người gắn vào hai cực lại rất biến động, còn số đông thì chẳng thể rõ ai thuộc "phe" nào, lúc ngồi chiếu này ở phe này, ở chiếu khác có thể lại khác... Tôi nhớ ở đại hội ấy, Hảo lên diễn đàn khá nhiều lần; cũng có bênh vực một vài đồng nghiệp đang bị đối xử bất công, nhưng chủ yếu là tự vệ; không nói gì để bảo vệ trực tiếp cho Ly thân, chỉ nói quá khứ thời chiến: chúng tôi đã góp máu xương chiến đấu, đừng ngờ vực chúng tôi... Bảo vệ nhân thân tác giả lúc ấy cũng là gián tiếp bảo vệ quyển Ly thân.

Phải nhận rằng tình thế chung trước và sau kỳ đại hội ấy đều có lợi cho những ai về "phe bảo thủ" (tôi nói rồi: sự chia "phe" đa đoan lắm mà!). Những trận ra quân sau đó rầm rộ lắm, nắn lại tư tưởng mà thật ra là khôi phục nguyên trạng tư tưởng văn nghệ trước kia; thành ra có ông vào loại "đuya" [2] , lúc cao trào đổi mới hồi 87-88 đã hơi hạ giọng, lúc này lại lên giọng: "không có một thời như thế!" Những địa chỉ "đổi mới cực đoan" bị điểm mặt, quất roi. Ðịa chỉ Ly thân ít ra cũng bị vài bài phê phán. Tiếp theo nữa, hồi 1992-93, những ai trót bỏ phiếu trao giải cho Thân phận tình yêu [3] đều bị truy hỏi, căn vặn: Cớ gì? Tại sao?

Cho đến tận lúc ấy, trong trí nhớ một số nhà văn từng trải qua kỳ đại hội hừng hực khí thế vài ba năm trước thì Hảo vẫn là người của "phe đổi mới" đang phải ẩn nhẫn cho qua những sóng gió khó khăn. Chẳng ai ngờ một ngày kia, cách nay chừng 10 năm, Hảo xuất hiện trở lại, dày đặc, ồn ào. Những ai cùng "phe" cũ nghe giọng Hảo chợt thấy khác, ngày càng rõ là khác hẳn. Trong giới kháo nhau: TMH về "phe" kia rồi, "quay cờ" rồi, "chiêu hồi" rồi! Cẩn thận đấy, những tay "chiêu hồi" bao giờ cũng đánh đồng đội cũ trúng nhất ác nhất đau nhất hại nhất! Người ta hỏi nhau: Tại sao có chuyển biến kỳ lạ này? Tại sao? Có những lời giải thích rụt rè nhưng tựu trung chẳng có gì rõ ràng cả. Ðiều rõ ràng vẫn chỉ là rất nhiều tờ báo dành trang cho TMH, cả những tờ "cốt giữ lấy lề" chứ không chỉ những tờ cần bán báo lấy tiền. Chỉ sau dăm ba tháng, TMH có vị thế mới, sát cánh bên cạnh những người chính thống. Các hội thảo lớn phải có TMH đăng đàn; không phải tự biện hộ cho mình nữa, chỉ chất vấn người khác. Người ta thầm thì: "TMH mạnh thế lắm, có ông lớn dùng, mạnh lắm!" - "Thật không?" - "Thì khi được hỏi sao các anh để TMH phê phứa đi, đánh tùm lum lên như thế?", ông kia bảo: "Thì chúng tôi cũng phải có "đầu gấu" của chúng tôi chứ!" Thấy chưa, thế là được dùng, được đảm bảo rồi nhé!". Toàn những chuyện đồn thổi không thể xác minh, tôi bị nghe không ít những chuyện tương tự mà chẳng tin chuyện nào.

Chỉ có một điều muốn hay không cũng phải tin, đó là những gì TMH viết với tư cách nhà phê bình trong 10 năm nay, xét về quan điểm xã hội thì hoàn toàn trái ngược so với quan điểm xã hội của tác giả tiểu thuyết Ly thân.

Không thể hẹp hòi buộc mỗi tác giả trung thành mãi mãi với một cách nhìn, một chính kiến, vì điều này liên quan đến tiến trình sống, nhận thức và điều chỉnh thái độ đối với mọi thứ ở đời. Nhưng nếu nhận thức là quá trình thì sự chuyển biến đột ngột, kiểu như ngoặt từ phải sang trái và ngược lại, ở lĩnh vực nhận thức, lại càng cần được kiểm định để chứng tỏ là chuyển biến thật chứ không phải là sự bày đặt do tính toán này khác.

Ở chỗ này, nên nhìn thấy ở Hoài Thanh (1909-1982) một tấm gương. Những năm 1950-1970, để giành được lòng tin của mọi người vào hoạt động phê bình hiện tại của mình, Hoài Thanh đã công khai tự phê phán và từ bỏ thành tựu ông đạt được hồi những năm 1940 với cuốn Thi nhân Việt Nam 1932-1941. Ðối với ông, đó là ứng xử cần thiết. Còn việc xét đoán giá trị thực sự của công trình ấy - lại là công việc của hậu thế.

Bạn đọc và đồng nghiệp hẳn cũng đồng ý rằng: tất cả những gì TMH phê phán hoặc tán dương, biện bạch và luận giải bằng văn tiểu luận mươi năm nay, sẽ chỉ có thể đáng tin cậy (tức là khiến ta tin đó đúng là suy nghĩ thật của TMH bây giờ) nếu TMH công khai lên tiếng phê phán thái độ xã hội mà ông đã thể hiện ở Ly thân.

Không chỉ bạn đọc và đồng nghiệp, nếu quả sau lưng ông TMH có những người bảo trợ, hẳn họ càng cần ông công khai thanh toán chứng từ Ly thân. Cứ ngẫm mà xem: giả dụ một lúc nào ông Hảo quay lại thái độ lúc viết Ly thân, gạt sang một bên những "phản thơ", "phản phê bình", thì bao nhiêu công lao hỗ trợ chẳng phí phạm lắm sao?

Nhưng có lẽ là tôi đã lo hão, chứ hẳn là TMH đã quẳng Ly thân vào sọt rác rồi, chỉ có điều ông chưa nói rộng ra mà thôi. Mười năm rồi còn gì, bút ông đã cứng theo đường khác rồi còn gì! Dẫu sao tôi vẫn muốn nhắc ông: Công khai thanh toán chứng từ Ly thân đi thôi chứ, ông Hảo?

Hà Nội, 8 tháng Tư 2004

© 2004 talawas


[1]Chú thích của talawas: "nhà số 4": chỉ Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội với toà soạn tại số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội.
[2]Chú thích của talawas: "đuya": từ Việt hoá của từ "dur" trong tiếng Pháp.
[3]Chú thích của talawas: Cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh nổi tiếng của Bảo Ninh xuất bản lần dầu tiên tại Việt Nam năm 1992, Nxb Hội nhà văn, với tên Thân phận tình yêu.

 

   

 

văn học  khảo luận : về '...hoa thủy tiên và những lần lẫn của nhà văn'...


 




"... Đa số...già nua không
có khả năng, sáng tạo
và hầu hết đều 'vô học',
 tự phát mà thành danh."


  32- Ông Hảo thanh toán chứng từ "Ly thân" đi chứ!                                                         Lại Nguyên Ân 
  33-
“Đó chỉ là quan điểm cá nhân của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp”.                    Nguyễn Xuân Thắng
  34- Cú điện thoại của nhà thơ Trần Mạnh Hảo.                                                           
Vương Văn Quang 
  35-
“Much Ado About Nothing”.                                                                                 Phạm Xuân Nguyên 
  36-
Bàn về Nguyễn Huy Thiệp.                                                         Trần Đăng Khoa & Nguyễn Văn Thọ 
  37- Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn.                          Nguyễn Huy Thiệp
  38-
Hôm nay trời mưa lưa thưa - Mèo con đi học chả ưa thứ gì.                    
Nguyễn Thế Hoàng Linh
  39-
Về một cuộc tranh luận trong văn học. - Chân dung tự họa của Nguyễn Huy Thiệp.                                                                     Lê Văn Vọng
  41- Để phúc đức cho con cháu.                                                                                              Đồng Đức Bốn 
  42- Tấn công tính cách con người vì sự bất đồng.                                                                 
Jason Picard

vhvt-10
Trở lại trang chính