vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  cảnh trí văn hóa



 

 

 

Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần II:
Việt Nam học: Chưa mạnh ở... Việt Nam!

Nam Giao

(VietNamNet) - Khép lại ba ngày làm việc tập trung, Hội thảo kiến nghị thành lập Hội đồng Quốc tế Việt Nam học. Nhiều việc lớn cần làm để xây dựng ngành Việt Nam học ở... Việt Nam. Tại sao?

Với chủ đề "Việt Nam trên đường phát triển và hội nhập: Truyền thống và hiện đại", Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần II đã thu hút sự tham gia của  gần 500 nhà khoa học, trong đó có 123 nhà khoa học đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, sau  hơn hai ngày thảo luận, Hội thảo được kết thúc khá... đột ngột, chóng vánh. Không ít đại biểu vẫn ngồi yên lặng chăm chú theo dõi và phải ít phút sau đó, họ mới biết là... Hội thảo đã kết thúc .

Hơn hai ngày và... chưa tròn 15 phút

Do nội dung chương trình rất rộng nên chỉ sau một buổi báo cáo chung tại hội trường Thống nhất ở TP.HCM vào sáng 14/7, các nhà nghiên cứu tham gia thảo luận ở mười tiểu ban. Mỗi tiểu ban có từ 30-50 đại biểu tham dự và có khoảng 20-30 tham luận được trình bày. Năm nội dung chính được các đại biểu tập trung thảo luận là: chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam dưới tác động toàn cầu hoá kinh tế; những vấn đề đổi mới và phát triển kinh tế của Việt Nam; các vấn đề xã hội, dân tộc và dân số của Việt Nam; những vấn đề lịch sử văn minh và phát triển văn hoá ở Việt Nam; những nghiên cứu khu vực. Ngoài ra, Hội thảo còn phân tích những khía cạnh văn hoá trong phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy các di sản Việt Nam, đa dạng hoá đời sống tín ngưỡng tôn giáo, dạy tiếng Việt và nghiên cứu các ngôn ngữ, chữ viết các tộc người Việt Nam cùng hoạt động văn học,...

Mở đầu lễ bế mạc, GS Phan Huy Lê, chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đã đem đến cho các đại biểu một thông tin sốt dẻo: Ngay trong buổi sáng cuối cùng (16/7) của Hội thảo, 20 nhà Việt Nam học trong nước và quốc tế đã có cuộc hội nghị bàn tròn để bàn việc thành lập một Hội đồng Quốc tế Việt Nam học. Sau khi đọc các nội dung về cơ cấu tổ chức, trụ sở làm việc, cách thức làm việc,... GS Phan Huy Lê đề nghị: Nếu các đại biểu không có gì phản đối thì sẽ xem đây là kiến nghị chung của toàn thể. Và mọi người đã nhất loạt vỗ tay đồng ý. GS Phan Huy Lê cũng cho biết: Trước mắt, các thành viên tham dự bàn tròn sáng nay sẽ làm nhiệm vụ của Ban trù bị.

Tiếp đến là báo cáo tổng kết ngắn gọn và tuyên bố kết thúc hội thảo của TS Trần Đức Cường, trưởng Ban tổ chức. Mặc dù những vấn đề và nội dung của hội thảo rất rộng song báo cáo tổng kết Hội thảo không có một dòng đánh giá hay đúc kết các ý kiến đóng góp của đại biểu để phát triển ngành Việt Nam học. Báo cáo tổng kết chỉ mang tính liệt kê các thành phần đại biểu tham dự, các vị khách mời, các tiểu ban và một số báo cáo chính đã được trình bày tại hội thảo... TS Cường nói: Sự có mặt đông đảo của các nhà khoa học đến từ nhiều nước, không khí của các buổi thảo luận diễn ra trong tinh thần cởi mở thẳng thắn, mang đậm tính học thuật đã cho phép kết luận: "Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ hai đã thành công tốt đẹp".

Việt Nam học = học... tiếng Việt?

Ngành Việt Nam học đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới. Từ năm 1990, những người nghiên cứu Việt Nam ở Nhật Bản đã thành lập Hội Việt Nam học. Hiện nay, nhiều nước như Hàn Quốc,... đã tổ chức Hội Việt Nam học, hay mô hình EuroViet ở châu Âu, Hội Việt Nam học ở Bắc Mỹ...

Tuy vậy, ở Việt Nam, ngành khoa học Việt Nam học xuất hiện chậm hơn so với ở các nước khác. Việt Nam học chỉ  thực sự được nhiều người quan tâm là từ sau Hội thảo quốc tế lần I về Việt Nam học, diễn ra vào năm 1998 ở Hà Nội. Cũng  vào thời điểm này, nhu cầu học tiếng Việt của người nước ngoài là rất lớn.

Tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Khoa Việt Nam học và tiếng Việt cho người nước ngoài được thành lập vào tháng 12/1998. Thời lượng của chương trình cử nhân Việt Nam học kéo dài bốn năm, với tổng số tín chỉ là 140. Sinh viên tốt nghiệp sẽ đạt trình độ cử nhân về tiếng Việt hiện đại, được cung cấp những kiến thức cơ bản về đất nước, con người, lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam. Trong khi đó, ĐHQG Hà Nội không đào tạo cử nhân về Việt Nam học mà chỉ đào tạo sau đại học. Nghiên cứu sinh phải có kiến thức về một lĩnh vực chuyên ngành mới được nhận vào học. Đến nay, ĐHQG Hà Nội đã có quan hệ với 20 quốc gia trên thế giới. Những lần họ tổ chức hội thảo đều mời từ 10-20 chuyên gia Việt Nam học tại Việt Nam sang tham dự.
 

"Đến nay, chuyên gia về Việt Nam học ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều" là nhận xét của GS TSKH Vũ Minh Giang, phó giám đốc ĐHQG Hà Nội. Theo ông, việc thiếu những chuyên gia  trình độ vững vàng đã khiến việc đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học về Việt Nam học của ta lúng túng. GS Vũ Minh Giang cho biết: Sau Hội thảo lần I vào năm 1998, nhiều đơn vị nhận thấy đây là ngành khoa học quan trọng và có mong muốn phát triển. Tuy nhiên, hiểu biết và trình độ của họ về ngành này không nhiều. Nhiều đơn vị trong nước xây dựng chương trình đào tạo chỉ ở mức đáp ứng cho nhu cầu học tiếng Việt của nước ngoài, dẫn đến nhiều người hiểu nhầm Việt Nam học là học... tiếng Việt!

Vì sao ngành Việt Nam học vẫn non, yếu ở... Việt Nam?

GS Giang nhận xét: Các chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam ngay trong nước có lợi thế là không cần phải đầu tư nhiều thời gian để học... tiếng Việt (người nước ngoài muốn trở thành chuyên gia Việt Nam học phải mất năm - bảy năm để học tiếng Việt). Chúng ta ở ngay trong nước nên cũng có lợi thế về thực địa. "Một lợi thế đáng kể nữa là nghiên cứu Việt Nam học trong nước có sự hỗ trợ của rất nhiều lĩnh vực khác nhau, không có nước nào lại có các lĩnh vực nghiên cứu Việt Nam nhiều như tại Việt Nam là điều dĩ nhiên." - GS Giang phân tích - "Cái gì liên quan đến Việt Nam chúng ta cũng có, từ khoa học chuyên ngành cho đến khoa học liên ngành: địa lý Việt Nam, lịch sử Việt Nam, văn học Việt Nam, văn hóa Việt Nam... Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu thành công về Việt Nam lại thuộc về các chuyên gia nước ngoài"!

PGS Oscar Salemink, bộ môn Nhân học Xã hội, ĐH Tự do Amsterdam (Hà Lan):

Nhiều người Việt Nam luôn luôn nói văn hoá Việt Nam khác với văn hoá các nước khác. Nhưng nếu nghiên cứu kỹ, so sánh với văn hoá các nước khác thì có rất nhiều biểu hiện giống nhau. Như vậy, ta không nên khép lại cách nhìn của ta.

Muốn hiểu biết thì phải tiếp cận và so sánh, giúp ta hiểu tốt hơn, rõ hơn vì sao hiện tượng như vậy xuất hiện. Điều này rất có lợi cho tiến trình hội nhập văn hoá của Việt Nam.

Người nước ngoài muốn nghiên cứu không có nhiều điều kiện để khảo sát thực địa bằng ta, nên cái nhìn của họ thường thiếu tính thực tế. Tuy nhiên, các chuyên gia Việt Nam học ở nước ngoài cũng có những  phát hiện rất nhanh những điều mà chúng ta trong cuộc nhiều khi lại không để ý. Ví dụ: Từ một đặc tính trong quan hệ thân thiết gần gũi nhau của người Việt,  các chuyên gia đã khái quát lên thành đặc tính của xã hội Việt Nam: Đó là sự cảm thông cao hơn những mối quan hệ khác. Đấy là yếu tố chi phối các quan hệ. Vì vậy, trong quá trình hợp tác với Việt Nam, họ nghiên cứu những cơ chế để phát huy mặt tích cực và hóa giải mặt hạn chế của tính cách này theo hướng có lợi nhất. 

"Mặt mạnh của các nhà khoa học nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài chính là điều mà các nhà khoa học trong nước yếu: Cái nhìn từ bên ngoài, thiếu tài liệu (dẫn lại tài liệu nước ngoài thường phải qua sách nước ngoài khác, tư liệu "second-hand"), và phương pháp nghiên cứu." - GS Vũ Minh Giang đúc kết - "Họ lợi thế hơn ta ở chỗ tiếp cận được nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Chẳng hạn, tài liệu ta có thì họ vẫn có thể có thông qua các mối quan hệ hợp tác. Song họ còn có cơ hội tiếp cận những nguồn tài liệu khác nhau trong khi ta rất khó khăn. Một học giả ở Pháp muốn nghiên cứu tài liệu ở thư viện Hà Lan thì có thể sang làm việc vài ngày và trở về, rất đơn giản, trong khi ở ta lại rất khó khăn để có thể đến những nơi có tài liệu để tra cứu. Điều này giải thích vì sao các chuyên gia của ta vẫn phải sử dụng những công trình nghiên cứu của các nhà Việt Nam học nước ngoài để tham khảo".

Phương pháp và kỹ thuật nghiên cứu của các chuyên gia nước ngoài là rất sáng tạo, họ luôn thay đổi phương pháp tiếp cận. Trong khi chúng ta rất xa lạ với việc sử dụng công nghệ thông tin để nghiên cứu văn chương, lịch sử... thì họ đã dùng các công cụ tin học để nghiên cứu. Chẳng hạn, để đọc được kho địa bạ của triều Nguyễn để lại, các chuyên gia của ta vẫn phải cặm cụi đọc và dịch văn tự nhưng rốt cuộc vẫn... không giải mã được hết. Trong khi đó, các chuyên gia Pháp đã mã hóa và xử lý văn tự bằng thuật toán thống kê và tìm được quy luật, khuynh hướng. Qua đó, họ rút ra được những kết luận về lịch sử kinh tế rất thuyết phục.

Khuynh hướng nghiên cứu khu vực học vẫn còn xa lạ đối với nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam học ở... Việt Nam. Suy nghĩ khoa học phải phân chia ngành cụ thể như Văn, Sử, Địa... đã lạc hậu. Hiện tại, các chuyên gia nước ngoài đã tìm biện pháp tiếp cận tổng hợp, không phân chia mà tìm cách tiếp cận một không gian cụ thể. Đối với nghiên cứu một ngôi làng, người ta tìm hiểu lịch sử ngôi làng ấy từ xưa cho đến nay. Tìm hiểu về nhân lực, nguồn gốc các tộc, họ di cư đi đâu, làm ăn ở đâu... Ghi nhận tất cả các hoạt động cư dân ở đó trong mối quan hệ với điều kiện tự nhiên: gần núi hay gần sông, ảnh hưởng như thế nào đến văn hóa, đời sống,  kinh tế... Một nghiên cứu sâu sắc về một ngôi làng cụ thể như thế được gọi là trường hợp nghiên cứu cụ thể (case study). Đấy cũng chính là cách để tiếp cận nghiên cứu một vùng rộng hơn mà  không thể nào đầu tư nhân lực tiền của, thời gian để  nghiên cứu trong cùng một lúc được. Chẳng hạn, để nhận diện miền Đông Nam bộ, chúng ta không thể đầu tư nghiên cứu sâu sắc về vùng đất ấy bởi nó rất rộng lớn. Để nghiên cứu, người ta chọn một làng cụ thể sau khi có những phân tích khoa học có chứa rất nhiều yếu tố đại diện để phân tích. Phương pháp này, chính người nước ngoài đã dạy cho chúng ta.

Bài, ảnh: Nam Giao

 

   

 


 

thẩm luận văn hoá


 


Tượng Phan Bội Châu


  01- Việt Nam học: Chưa mạnh ở... Việt Nam!                                                                                       Nam Giao
  02-
Ai không là nhà “Việt Nam học”?                                                                                             Lại Nguyên Ân
  03- "Việt Nam học: đó là số phận của tôi".                                                                                 Darya Mishukova 

  04-
Ai Điếu Nadezhda Mandestam [1899-1980].          Jennifer Tran chuyển ngữ.                     Joseph Brodsky 
  05-
Trần Khuê, ngôi sao lấp lánh.                                                                                                           Hoàng Tiến
  06- Sửa đổi luật xuất bản, có nên dừng ở một biện pháp dở dang?                                              Nguyên Ngọc
  07-
Sáng tác trực tuyến - Xu hướng phổ biến ở Trung Quốc-                                                                          DK 
  08-
Vì sao nghệ thuật thiếu vắng những sáng tác về xã hội đương đại?                      Báo Sài Gòn Giải Phóng 
  09- Tim Aline, một cô gái Thụy Sĩ tốt bụng.                                                                              T.Thủy - H.Giang 
  10- Karl Marx, Con đường Huyễn Hoặc của TS Nguyễn Nam Chân.                                                     Vũ Ký

vhvt 11
Trang bìa chính