vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  cảnh trí văn hóa



 

 

 

Vì sao nghệ thuật thiếu vắng những sáng tác về xã hội đương đại?

Báo Sài Gòn Giải Phóng

LTSSGGP. – Hoạt động văn học nghệ thuật hiện nay đang đặt ra vấn đề rất bức xúc. Ấy là tại sao chúng ta còn thiếu những sáng tác mới, phản ánh cuộc sống nóng bỏng hiện nay của xã hội Việt Nam đang xây dựng và phát triển. Đây không chỉ là yêu cầu, nhu cầu của văn nghệ sĩ, mà còn là yêu cầu, nhu cầu của xã hội. Báo SGGP mở diễn đàn này, để giới văn học nghệ thuật và bạn đọc tham gia ý kiến, đặng tìm ra một giải pháp.

  • Nhà văn - nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn: Con đường gai góc của nhà văn

Thực ra ai cũng nhận thấy xã hội Việt Nam chuyển biến dữ dội, đang thay đổi rất nhiều trong thời kỳ đổi mới. Tự thân xã hội nổi cộm những vấn đề của cuộc sống đang diễn ra như chuyện làm ăn kinh tế, quy hoạch đất đai, nếp sống đô thị hóa, xóa đói giảm nghèo, đổi mới giáo dục, bảo tồn văn hóa… Tất cả không tách rời đời sống chính trị. Mà thực ra nó cũng chính là những vấn đề của chính trị đương đại. Rồi về con người, con người trong xã hội ngày nay phức tạp đến mức độ nào, mang dấu ấn xã hội ra sao?

Phương tiện thông tin đại chúng hiện đại như báo chí, truyền hình, Internet… đã phản ánh rất nhiều vấn đề thời sự, còn gọi là những vấn đề “nóng” của xã hội, nhưng phản ánh nó qua văn học nghệ thuật thì “hẻo” lắm! Viết về những vấn đề đương đại trong văn học cũng như trong điện ảnh theo tôi bây giờ là quá hiếm hoi. Và càng hiếm hoi hơn khi điểm lại đội ngũ sáng tác này, con số có khi chỉ đếm trên đầu ngón tay! Còn nói về đề tài chống tiêu cực, chống tham nhũng, khi tìm hiểu dư luận Trung Quốc về dạng phim này, các chuyên gia Trung Quốc cho biết dư luận, khán giả cả nước họ hoan nghênh, cổ vũ, và hết sức trân trọng một số phim tiêu biểu mà chúng ta đã có dịp xem ở màn ảnh lớn, màn ảnh nhỏ Việt Nam như Sự lựa chọn sinh tử, Quyền lực tuyệt đối, Công tố viên, Vệ sĩ trung thành… Ở Việt Nam, khi bộ phim Lưới trời công chiếu, đáng tiếc phim chỉ được phát hành trong thời điểm “không đúng nhịp” cùng dòng dư luận quan tâm vụ án Năm Cam. Tại sao?

Trở lại vấn đề cắt nghĩa vì sao thiếu vắng đề tài đương đại và đội ngũ sáng tác đề tài này, theo tôi cũng có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, vẫn còn tư tưởng xem nhẹ thể loại văn học mô tả những vấn đề thời sự, vì họ cho rằng đó là thể loại của tân văn, báo chí hơn là văn học. Thứ hai, khi đụng một vấn đề gai góc như chống tiêu cực xã hội chẳng hạn, đôi khi người viết đã chùn bước vì sợ liên lụy, sợ bị trù dập. Còn nếu muốn dấn thân phải tìm tòi, phải tốn nhiều thời gian và có khi tốn nhiều tiền bạc thâm nhập thực tế để có vốn sống thực sự từ các vấn đề muốn đề cập.

Hậu quả là không có đội ngũ nhà văn kế thừa đi vào con đường sáng tác những vấn đề gai góc của cuộc sống. Lớp nhà văn trẻ có thể am hiểu sâu sắc tâm tư, những điều trăn trở của lứa tuổi, của thế hệ của họ, nhưng họ còn thiếu nhiều vốn sống để viết, thiếu lòng nhiệt thành, hăm hở thâm nhập thực tế cuộc sống. Đáng buồn nhất là thiếu sự cổ vũ, trân trọng của dư luận, công chúng xã hội đối với nhà văn trên con đường gai góc khi viết về những vấn đề của cuộc sống đương đại!

Tôi nghĩ xã hội hiện tại đang ở trong thời đại “bùng nổ thông tin” , thời đại có những vấn đề mang tính toàn cầu, cho nên sự phản ánh xã hội trong văn học nghệ thuật nổi bật nhất vẫn là “vấn đề con người” hơn là “thân phận con người” như trong 100 năm trước đây… 

  • NSƯT - Đạo diễn  Trần Minh Ngọc: Đầu tư sáng tác kịch bản chưa đạt hiệu quả cao 

Kịch bản sân khấu hiện nay đang trong tình trạng vừa thừa nhưng lại vừa thiếu. Thừa quá nhiều kịch bản không mang hơi thở của cuộc sống thời đại và thiếu những kịch bản gắn liền với đời sống xã hội hiện nay. Đây là một vấn đề mà giới sân khấu đang rất lúng túng. Ở sân khấu cải lương, kịch bản mang bóng dáng của con người hôm nay trên sân khấu tuy có nhưng còn quá ít. Số lượng kịch bản như thế chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Theo tôi thì do các nguyên nhân: Những cây bút có nghề, trước đây có nhiều kịch bản hay thì bây giờ đã lớn tuổi nên việc viết lách có hạn chế mà trong khi đó lực lượng trẻ thì quá hiếm hoi.

Cả thành phố chỉ có một điểm diễn cải lương nên số kịch bản được chọn dựng cũng rất có giới hạn khiến cho các tác giả không thể sống được với tác phẩm mà họ viết ra và điều đó cũng làm mất nguồn cảm hứng. Khi viết kịch bản cải lương đòi hỏi tác giả phải biết bài bản thì mới sáng tác hay, cuốn hút được người xem. Nhưng số tác giả này chẳng có mấy người. Chính vì thế mà bây giờ muốn có kịch bản cải lương phải trải qua mấy công đoạn: một tác giả viết kịch bản kịch rồi có một tác giả khác chuyển thể thành kịch bản cải lương.

Ở lĩnh vực sân khấu kịch nói thì đỡ hơn vì bản thân kịch đã gắn với đời sống thực tại và hiện nay đội ngũ tác giả trẻ viết kịch bản kịch đang có nhiều ý tưởng mới, đi vào những vấn đề thời sự xã hội. Tuy nhiên số tác giả viết kịch bản dựng được còn rất ít. Có những kịch bản đọc rất hay nhưng khi đưa lên dàn dựng thì không được. Bởi kịch bản đó hay chỉ trên đối thoại chứ không có tình huống kịch, xung đột kịch.

Tôi thấy việc đầu tư sáng tác của mình chưa đạt được hiệu quả cao lắm. Trong năm 2003, thành phố đầu tư 300 triệu đồng cho 30 tác giả viết kịch bản sân khấu nhưng rốt cuộc chỉ có vỏn vẹn một kịch bản dựng được. Vậy nên chăng, cũng số tiền ấy thay vì đầu tư cho 30 tác giả thì chúng ta chỉ đầu tư cho 5, 6 người thôi nhưng viết kịch bản nào ra chất lượng kịch bản ấy. Bởi kịch bản là cái xương sống của sân khấu mà không cứng, chắc (hay) thì làm sao có thể bắt kịp hơi thở của thời đại?.

KIM ỬNG - ĐỖ HẠNH

 

   

 


 

thẩm luận văn hoá


 


Tượng Phan Bội Châu


  01- Việt Nam học: Chưa mạnh ở... Việt Nam!                                                                                       Nam Giao
  02-
Ai không là nhà “Việt Nam học”?                                                                                             Lại Nguyên Ân
  03- "Việt Nam học: đó là số phận của tôi".                                                                                 Darya Mishukova 

  04-
Ai Điếu Nadezhda Mandestam [1899-1980].          Jennifer Tran chuyển ngữ.                     Joseph Brodsky 
  05-
Trần Khuê, ngôi sao lấp lánh.                                                                                                           Hoàng Tiến
  06- Sửa đổi luật xuất bản, có nên dừng ở một biện pháp dở dang?                                              Nguyên Ngọc
  07-
Sáng tác trực tuyến - Xu hướng phổ biến ở Trung Quốc-                                                                          DK 
  08-
Vì sao nghệ thuật thiếu vắng những sáng tác về xã hội đương đại?                      Báo Sài Gòn Giải Phóng 
  09- Tim Aline, một cô gái Thụy Sĩ tốt bụng.                                                                              T.Thủy - H.Giang 
  10- Karl Marx, Con đường Huyễn Hoặc của TS Nguyễn Nam Chân.                                                     Vũ Ký

vhvt 11
Trang bìa chính