vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  cảnh trí văn hóa



 

 


Sửa đổi luật xuất bản
Có nên dừng ở một biện pháp dở dang?

NGUYÊN NGỌC
Theo Tia sáng

Theo tác giả Nguyên Ngọc, thay vì dừng lại ở biện pháp nửa vời là cho phép tư nhân được đầu tư vốn liên kết với các nhà xuất bản in sách, thì nên chăng cần làm cho triệt để là: chính thức công nhận nhà xuất bản tư nhân, để họ hoàn toàn chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình trước xã hội.

Theo tin các báo, gần đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp bàn về sửa đổi luật xuất bản, trong đó có dự kiến cho phép tư nhân được "đầu tư vốn, tổ chức bản thảo, nhà xuất bản chịu trách nhiệm biên tập hoàn chỉnh bản thảo, ký duyệt bản mẫu trước khi đưa in và ký duyệt phát hành xuất bản phẩm". Chắc sắp đến dự thảo này sẽ được đưa ra thảo luận và thông qua ở Quốc hội.

Thực ra ý kiến sửa đổi này không có gì mới, đây chỉ là chính thức xác nhận một tình hình có thực diễn ra đã khá lâu, đến gần vài chục năm nay, và hầu như mọi người đều biết, kể cả các cơ quan quản lý xuất bản.

Dù theo luật pháp ở Việt Nam không có xuất bản tư nhân, nhưng trong thực tế lâu nay việc rất nhiều nhà xuất bản mang danh nghĩa nhà nước bán giấy phép cho tư nhân (mà người ta thường gọi là "đầu nậu") để rồi tư nhân làm hầu hết mọi khâu xuất bản, nhà xuất bản chỉ ăn một khoản gọi là "quản lý phí", là chuyện gần như đã trở thành bình thường và công khai. Tức là trong thực tế đã tư nhân hóa công tác xuất bản một cách chui. Vậy nay hợp pháp hóa một việc chui đã đương nhiên liệu có lợi gì hơn?

Trước hết cần xem lại việc "đầu nậu" thực tế chi phối mạnh mẽ lĩnh vực xuất bản lâu nay có lợi hại như thế nào. Vấn đề không hoàn toàn đơn giản.

Riêng tôi thường nhớ đến chuyện buôn bán ở miền núi, vùng sâu vùng xa. Ở những vùng này thường có những người buôn bán nhỏ, chuyên đi mua và bán hàng trong các thôn xóm, cho đến tận hang cùng hóc núi; họ thường được gọi là "thương lái", và một thời gian khá dài cái tên gọi ấy mang một ý nghĩa khá xấu. Đúng là họ thường mua hàng của dân với giá rẻ hơn mậu dịch, và bán hàng cho dân đắt hơn mậu dịch. Nhưng dân lại thích bán hàng cho họ và mua hàng của họ hơn là mua và bán với mậu dịch.

Vì sao? Đơn giản là vì họ sâu sát dân hơn, và lại linh hoạt hơn, tiện lợi cho người dân khi mua, khi bán hơn mậu dịch rất nhiều, mậu dịch có muốn làm như họ cũng không thể nào làm được. Tức là họ hiểu dân hơn, và linh hoạt làm đúng theo nhu cầu thực của dân, không phải một kiểu dân chung chung, đại trà, mà là dân cụ thể, riêng biệt ở từng thôn xóm, từng gia đình, thậm chí từng người một, ai có gì cần bán, ai cần mua gì, có thể bán và mua lúc nào, theo cách nào...

Tất nhiên họ tích cực làm thế là vì lợi nhuận. Ở đây lợi nhuận phát huy rất rõ mặt tích cực của nó. Mậu dịch là "vĩ mô", còn họ, thương lái, họ là "vi mô", mà ở miền núi, vùng sâu vùng xa thì cuộc sống là "vi mô" chứ không phải "vĩ mô". Tất nhiên cần có mậu dịch, nhưng cũng rất cần có thương lái. Đó là cuộc sống.

"Đầu nậu" trong xuất bản sách cũng giống như thương lái, trước hết cũng vì lợi nhuận thôi, họ sâu sát với nhu cầu thực của các loại người đọc hơn xuất bản của nhà nước, và cũng có thể linh hoạt, năng động hơn trong việc làm sách, buôn bán sách.

Có thể nói không sai, vừa qua chính họ đã góp phần quan trọng làm cho thị trường sách của chúng ta phong phú hơn lên rất nhiều.

Và cũng không thể không công nhận rằng trong số những người gọi là "đầu nậu", có những người thật sự tâm huyết và có trình độ; trong những năm qua không ít những quyển sách thật sự có giá trị đã ra đời được không phải do sự năng động, mạnh dạn của các nhà xuất bản, mà là do những "đầu nậu" như vậy.

Đó là mặt tích cực không thể chối cãi được của "đầu nậu" sách.

Tuy nhiên, tất cũng còn mặt thứ hai: phần rất lớn "đầu nậu" làm sách là để có lời, coi lợi nhuận là trên hết, cho nên bất cứ thị hiếu nào của người đọc có thể đem lại cho họ lợi nhuận lợi nhiều nhất thì ắt họ càng lao vào đó bất kể mọi tiêu chuẩn khác.

Vậy nên cũng chính họ đã góp phần rất lớn tạo nên tình hình khá rối loạn trên thị trường sách hiện nay. Chính họ đang điều khiển thị hiếu của người đọc chắc chắn không phải lúc nào cũng theo hướng lành mạnh...

Song vì sao họ lại có thể làm được việc đó?

Cần thấy rõ không phải do họ là tư nhân làm xuất bản, mà do họ là tư nhân làm xuất bản chui, chui dưới danh nghĩa nhà nước mà làm xuất bản .

Mua giấy phép của các nhà xuất bản tức là họ đã mua được danh nghĩa đó của nhà nước, và dưới danh nghĩa nhà nước họ có thể tha hồ làm tất cả những gì có thể thu lợi nhiều nhất mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào hết, tất cả trách nhiệm đã có nhà xuất bản bán giấy phép cho họ chịu rồi.

Thông thường trong xã hội, ai là kẻ bán hàng dỏm? Chỉ có thể có hai loại: những người bán dạo qua đường, không có bản hàng bản hiệu nào cả, không ai biết tên tuổi, hôm nay bán chỗ này mai đi chỗ khác. Ta mua phải hàng dỏm của họ, đến khi nhận ra thì họ đã đi đâu mất rồi, còn họ thì lại tiếp tục đi lừa người khác, ở chỗ khác.

Thứ hai là những kẻ, bằng cách này hay cách khác, tuồn được hàng dỏm vào cửa hàng mậu dịch của nhà nước. Thương hiệu là thương hiệu của nhà nước, tiếng xấu, mất uy tín, nhà nước chịu, họ vô can.

Nay ta chủ trương một biện pháp dở dang, nửa vời, hợp pháp hóa cái sự chui và vô can đó, liệu sẽ tốt hơn chăng?

Chắc chắn là không rồi. Trái lại sẽ càng xấu đi rất nhiều. Trong chuyện buôn bán ai cũng biết, thương hiệu là cái quý nhất, người buôn bán đã có được một thương hiệu thì sống chết không thể làm mất uy tín thương hiệu của mình bằng việc bán hàng xấu, hàng dỏm.

Vậy tại sao không tạo điều kiện cho những tư nhân muốn và có khả năng làm xuất bản có thương hiệu riêng của họ, để có thể và buộc họ phải làm ăn đàng hoàng, chịu trách nhiệm về thương hiệu của mình trước xã hội, trên thị trường, qua đó góp phần vào đời sống tinh thần phong phú và lành mạnh của xã hội? Nghĩa là không dừng lại ở một biện pháp nửa với, mà đã làm thì làm cho triệt để: chính thức công nhận xuất bản tư nhân. Ai muốn và có khả năng làm xuất bản thì được lập nhà xuất bản tư nhân có bảng hiệu đàng hoàng, và hoạt động theo pháp luật.

Được như vậy, sẽ phát huy tốt nhất tác dụng tích cực của tư nhân làm xuất bản mà nay ta đã phải công nhận một cách khá muộn màng, đồng thời ngăn chặn mặt tiêu cực của họ như họ đã có thể làm khi họ chui được dưới danh nghĩa nhà nước như lâu nay.

Trước sau đó cũng là con đường tất yếu phải đi. Bởi vì đó là cuộc sống.

 

   

 


 

thẩm luận văn hoá


 


Tượng Phan Bội Châu


  01- Việt Nam học: Chưa mạnh ở... Việt Nam!                                                                                       Nam Giao
  02-
Ai không là nhà “Việt Nam học”?                                                                                             Lại Nguyên Ân
  03- "Việt Nam học: đó là số phận của tôi".                                                                                 Darya Mishukova 

  04-
Ai Điếu Nadezhda Mandestam [1899-1980].          Jennifer Tran chuyển ngữ.                     Joseph Brodsky 
  05-
Trần Khuê, ngôi sao lấp lánh.                                                                                                           Hoàng Tiến
  06- Sửa đổi luật xuất bản, có nên dừng ở một biện pháp dở dang?                                              Nguyên Ngọc
  07-
Sáng tác trực tuyến - Xu hướng phổ biến ở Trung Quốc-                                                                          DK 
  08-
Vì sao nghệ thuật thiếu vắng những sáng tác về xã hội đương đại?                      Báo Sài Gòn Giải Phóng 
  09- Tim Aline, một cô gái Thụy Sĩ tốt bụng.                                                                              T.Thủy - H.Giang 
  10- Karl Marx, Con đường Huyễn Hoặc của TS Nguyễn Nam Chân.                                                     Vũ Ký

vhvt 11
Trang bìa chính