vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  cảnh trí văn hóa



 

 


"Việt Nam học: đó là số phận của tôi"

Theo TT&VH-ND

 

Darya Mishukova

Tại Hội thảo quốc tế VN học vừa qua tại TP.HCM, nhà VN học trẻ tuổi Darya Mishukova - Phó giám đốc Trung tâm văn hóa VN, Viện Phương Đông, Đại học Tổng hợp Quốc gia Viễn Đông, Nga, đã làm cử tọa thán phục về sự hiểu biết ngôn ngữ Việt và nền rộng về văn hóa VN. Sau đây là những tâm sự của chị.

* Chị đã bắt đầu học tiếng Việt như thế nào? 

- Vâng, đó là vào những năm 1997 - 1998, tôi được sang Đại học Tổng hợp Hà Nội thực tập. Là con gái duy nhất của gia đình, từ nhỏ chỉ quen sống với bố mẹ nên khi ở ký túc xá Đại học Bách khoa tôi vô cùng khổ sở, buồn nhớ gia đình. Lúc ấy, có tuần tôi lên Đại sứ quán Nga hai, ba lần để xin về nước và xin thôi không học tiếng Việt nữa.

Ông Victor Sukharev, tham tán văn hóa lúc ấy đã nói với tôi: "Đã được sang VN thực tập là vinh dự, gian khổ nhưng phải vượt qua, để nhận được những điều tốt đẹp nhất". Giờ nhìn lại, tôi cho rằng đó là những khó khăn về tâm lý, vì thực ra đây là năm học rất hữu ích. 

* Đặc biệt là đối với tiếng Việt?  

- Đấy chỉ là một phần nhỏ. Trong năm này, tôi đã tìm được rất nhiều tài liệu về ngữ pháp tiếng Việt, để sau đó dùng chúng làm luận án tốt nghiệp của mình. Cần nói thêm rằng khi về nhà tôi vẫn quyết định không học tiếng Việt, nhưng mẹ tôi nghiêm khắc: "Con đã học được ba năm thì phải cố học cho xong". Tôi nghe lời, học tiếp và đến năm thứ năm tôi đã dạy được tiếng Việt cho SV năm thứ ba.  

* Được biết chị sắp bảo vệ luận án tiến sĩ?  

- Vâng, đề tài Những loại từ trong tiếng Việt của tôi đã hoàn thành 90%. Đây là đề tài thú vị, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà ngôn ngữ. Bởi có người cho rằng đó không phải là danh từ mà là hư từ, còn Giáo sư Cao Xuân Hạo thì nhận định, trong tiếng Việt có danh từ đơn vị và danh từ khối. Và đại da số danh từ của tiếng Việt là danh từ khối, khác với ngôn ngữ của các nước châu Âu thì đại đa số là danh từ đơn vị.   

Chính vì thế mà khi các nhà ngôn ngữ học châu Âu nghiên cứu tiếng Việt thì họ bị ảnh hưởng ngữ pháp bởi tiếng mẹ đẻ của mình, do vậy đã có sự hiểu lầm những phạm trù của ngữ pháp tiếng Việt. Nghiên cứu này rất có giá trị trong việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.  

* Ngoài ngôn ngữ chị còn đam mê nào khác?  

- Tôi đã đọc các tác phẩm của Ngô Tất Tố, Nam Cao, Thạch Lam, nhưng ấn tượng nhất là Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài. Tôi rất ngạc nhiên khi một người Việt nói với tôi rằng, tác phẩm mang tính triết lý này không chỉ dành cho trẻ em. Bởi nó phản ánh tình hình chính trị Việt Nam những năm 1930. Đây là điều trước đó tôi hoàn toàn không biết.  

* Xin chị cho biết đôi điều về Trung tâm văn hóa (TTVH) Việt Nam duy nhất ở Cộng hòa Liên bang Nga?  

 

- TTVH Việt Nam tại Vladivostok được thành lập năm 2000 với sự giúp đỡ của Tổng Lãnh sự quán VN, Hội Hữu nghị Nga - Việt ở vùng Primorie crai (Viễn Đông), Hội Doanh nghiệp VN và Hội đồng hương người Việt thành phố Vladivostok. Tại Trung tâm chúng tôi thường xuyên tiến hành nhiều hoạt động văn hóa. Thí dụ từ 28-4 đến 25-5-2004 chúng tôi có Những ngày VN, rất phong phú như triển lãm nhiếp ảnh Sắc thái các dân tộc VN , trình diễn áo dài VN, tổng kết cuộc thi Olympic tiếng Việt lần 2 dành cho học sinh và sinh viên đại học... Chi tiết các hoạt động này các bạn có thể xem bằng tiếng Việt tại trang web:www.vietnamculture.fromru.com.  

* Chị có ý định nghiên cứu sâu thêm về vấn đề gì nữa không? 

- Tôi rất muốn nghiên cứu nhiều điều: từ tranh thêu XQ Đà Lạt, rồi cải lương, tuồng, chèo, muốn tận mắt nhìn thấy quá trình sản xuất các đồ thủ công mỹ nghệ, tranh Đông Hồ... Bởi sản phẩm đối với người du lịch chỉ là thông tin sơ bộ, chưa đủ. Còn nghiên cứu thì phải sâu hơn, phải biết xuất xứ, cội nguồn, đặc điểm, quá trình sản xuất... V

ới tiếng Việt tôi đã có cơ hội nhiều lần đến VN, được quen biết nhiều vị giáo sư đầu ngành, và tôi còn là phó giám đốc TTVH VN. Nếu đi theo ngành khác thì ở tuổi 25 như tôi liệu có thành đạt như thế? Riêng điều này thì tôi nói thật: Tiếng Việt, đất Việt đã ở trong tim, trong máu của tôi. Tôi coi đó là số phận.  

Theo TT&VH-ND

 

   

 


 

thẩm luận văn hoá


 


Tượng Phan Bội Châu


  01- Việt Nam học: Chưa mạnh ở... Việt Nam!                                                                                       Nam Giao
  02-
Ai không là nhà “Việt Nam học”?                                                                                             Lại Nguyên Ân
  03- "Việt Nam học: đó là số phận của tôi".                                                                                 Darya Mishukova 

  04-
Ai Điếu Nadezhda Mandestam [1899-1980].          Jennifer Tran chuyển ngữ.                     Joseph Brodsky 
  05-
Trần Khuê, ngôi sao lấp lánh.                                                                                                           Hoàng Tiến
  06- Sửa đổi luật xuất bản, có nên dừng ở một biện pháp dở dang?                                              Nguyên Ngọc
  07-
Sáng tác trực tuyến - Xu hướng phổ biến ở Trung Quốc-                                                                          DK 
  08-
Vì sao nghệ thuật thiếu vắng những sáng tác về xã hội đương đại?                      Báo Sài Gòn Giải Phóng 
  09- Tim Aline, một cô gái Thụy Sĩ tốt bụng.                                                                              T.Thủy - H.Giang 
  10- Karl Marx, Con đường Huyễn Hoặc của TS Nguyễn Nam Chân.                                                     Vũ Ký

vhvt 11
Trang bìa chính