Ai không là nhà “Việt Nam học”?
Lại Nguyên Ân
Lâu nay, khi nghe nói đến “Việt Nam học”, người ta nghĩ ngay đến công việc tìm
hiểu nghiên cứu Việt Nam của các học giả nước ngoài. Chẳng hạn ông Nikolai
Nikulin người Nga nghiên cứu văn học Việt Nam, ông David Marr trước ở Mỹ nay ở
Úc nghiên cứu lịch sử Việt Nam, hoặc trong giới học giả trẻ hơn, ví dụ Anatoli
Sokolov người Nga nghiên cứu về quan hệ Việt Nam với Quốc tế cộng sản, Peter
Zinoman người Mỹ nghiên cứu về chế độ nhà tù thực dân Pháp ở Việt Nam, Emmanuel
Poisson người Pháp nghiên cứu về giai tầng quan lại triều Nguyễn, v.v.
Người Việt sống và làm việc trên đất Việt có thể là nhà Việt Nam học được không?
Nếu lấy tiêu chí là tìm hiểu nghiên cứu Việt Nam thì có rất đông người Việt dính
dấp với Việt Nam học. Ðó, chẳng hạn, các nhà giáo và nhà khoa học nghiên cứu và
giảng dạy về địa lý, lịch sử, xã hội, kinh tế, văn hoá, văn học nghệ thuật …Việt
Nam. Giới văn nghệ sĩ không thể không dính dấp bộ môn này, vì hoạt động sáng tạo
của họ, nếu được thực hiện nghiêm túc, chính là xoay quanh việc khám phá chiều
sâu đời sống con người và xã hội Việt Nam. Có lẽ chỉ có một ít ngành một ít
người tỏ ra “ly tâm” với Việt Nam học mà thôi, ví dụ công việc của các dịch giả
(chuyên xúc tiếp với sách vở của nước ngoài ), của những người nghiên cứu và
giảng dạy về nước ngoài (lịch sử, địa lý, văn chương nghệ thuật, v.v.); thế
nhưng những người này dù sao ít ra cũng có góp phần làm giàu tiếng Việt, góp
phần làm tăng lượng tri thức bằng tiếng Việt, tóm lại, không đứng ngoài, không
vô can với Viêt Nam, với Việt Nam học.
Không cần thống kê thật kỹ cũng có thể nói rằng: phần lớn nhất trong lượng tri
thức về Việt Nam tính đến nay là do các tác giả người Việt sản xuất ra. Ðây là
điều rất bình thường, rất dễ hiểu, và “đội ngũ” những người sản xuất và cung cấp
tri thức Việt Nam học theo ý nghĩa này phải được tính từ các tác gia sư tăng
thời Tiền Lê, các tác gia nho sĩ thời Lý, Trần trở đi.
Gần đây, ở vài viện nghiên cứu hoặc trường đại học, người ta lập ra những bộ
phận (khoa, ban…) với chuyên môn được xác định là “Việt Nam học”. Chuyện này
nghe ra hơi …kỳ. Là vì, đã ở trên đất Việt này thì người nghiên cứu, dù làm địa
phương chí, từ rộng (ví dụ dân ca miền Bắc, địa chất Tây Nguyên, dân cư lục
tỉnh…), đến hẹp (ví dụ tiếng Huế, món ăn Hà Nội, tính cách Quảng Nam…) đều không
ra ngoài nội hàm Việt Nam học. Thế thì “khoa” Việt Nam học trong một đại học,
“ban” Việt Nam học trong một viện nghiên cứu sẽ triển khai “chuyên môn hẹp” của
mình thế nào đây? Sẽ trùm lên tất cả các khoa các ban, hay rẽ vào những ngõ rất
hẹp (ví dụ tương Bần, mắm Nha Trang, dưa cà Nghệ Tĩnh…)? Chưa trả lời được những
câu hỏi loại này, những người được tấn phong (được cử ra cai quản các khoa các
ban mới này) đã vội làm khao “tân gia” với những tuyên bố bốc đồng trước ống
kính TV, tự coi mình là những kẻ đặt viên đá đầu tiên cho Việt Nam học, mặc
nhiên vứt hết những Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Lê Quý Ðôn, Phan Huy Chú, đâu có
tính chi đến những Trần Trọng Kim, Ðào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, v.v.!
Như đã nói trên, nghe mấy từ “Việt Nam học”, ta nghĩ ngay đến hoạt động nghiên
cứu Việt Nam của người nước ngoài. Ðiều này có cái lý của nó. Người đứng ngoài,
nhà nghiên cứu đứng từ xa mới gom tất cả những mặt rất khác nhau của Việt Nam mà
họ cần tìm hiểu vào một đơn vị nghiên cứu của họ (người khảo về gốm Chăm Bàu
Trúc cùng trường cùng viện với người tìm hiểu hát Then Tày Nùng…). Họ có Việt
Nam học của họ cũng như giới học giả Việt Nam có Trung Hoa học, Hoa Kỳ học, Nga
học, Ðông Nam Á học của mình vậy. Nét khác biệt căn bản ở đây là tư thế đứng
ngoài của người nghiên cứu (chuyện này nói ở đây nghe ra có vẻ quá xa vời!).
Còn người Việt Nam ở Việt Nam nghiên cứu Việt Nam thì thường không tránh khỏi tư
thế đứng trong. Ðấy lại cũng là điều tự nhiên, bình thường. Từ đầu thế kỷ 20,
giới học giả trong nước đã xác định gọi đó là “quốc học”, tuy các cụ vẫn không
ít băn khoăn “ta đã thực có quốc học hay chưa?”. Ở đời sống văn hóa từ 1945, ta
thấy trong việc tổ chức nghiên cứu khoa học, giảng dạy đại học, nội dung Việt
Nam mặc nhiên là trung tâm: môn sử ưu tiên dạy và học sử Việt Nam, môn văn tập
trung vào tiếng Việt và văn học bằng tiếng Việt, ngành văn hoá dân gian tập
trung hết vào folklore của các tộc người sinh sống trên đất Việt Nam,…ở chỗ nào
cũng vậy. Nhưng không một ai, không một khoa một sở nào tự nhận mình là “chuyên
về Việt Nam”. Và ai cũng nghĩ như thế là bình thường. Mà là bình thường thật,
ngay với cách nghĩ khoẻ mạnh hôm nay.
Chỉ rất gần đây, sau khi dư luận đã quen dần với danh xưng “Việt Nam học” như là
công việc riêng của các chuyên gia nước ngoài, một số người Việt (không rõ đã là
“tác gia” chưa) mới tự nhận mình “chuyên về Việt Nam học”! Phải chăng do kinh
nghiệm mất thương hiệu mắm Phú Quốc, võng Duy Lợi, bánh rế Bến Tre, thuốc lá
Vinataba nên trong chuyện này cũng phải bước dấn lên một bước? (một bước…liều!)
Trong xu thế cạnh tranh ngày nay, ngay trên đất Việt này rất có thể xảy ra
chuyện người này trương biển “Việt Nam học”, người kia trương biển “quốc học” mà
đều nhắm cùng một đối tượng, làm cùng một loại công việc, đơn xin tài trợ gửi
đến cùng một địa chỉ. Lại còn những cái biển “Ðông phương học”, “Ðông Á học” và
nhiều thứ khác nữa, biển trưng khác nhau mà nội dung chưa chắc khác nhau. Chỉ
mong đừng gặp ngày xui, “Việt Nam học” của người Việt đừng đụng độ “quốc
học”cũng của người Việt, dù trên bàn tiệc hay nơi đấu thầu.
Còn các “chuyên gia” đã hoặc sẽ ra đời từ những “lò” với biển trưng rất khác
nhau nói trên, cũng sẽ rất nhanh chóng học được bài “dĩ bất biến…”, nghĩa là
viết sẵn một bản tham luận, rồi tuỳ hội thảo nào với định hướng ra sao mà sửa
nhan đề cho “tương thích”. Cứ như thế, ở hội thảo này bạn là nhà Ðông phương
học, ở hội thảo kia bạn là nhà Ðông Á học, rồi tại nhiều hội thảo khác, bạn còn
có thể là nhà thi pháp học, nhà tự sự học, nhà nghiên cứu so sánh, nhà sinh thái
học, v.v. Và tất nhiên, nhà Việt Nam học!
Ngay các nhà báo chúng mình đây, ai dám bảo chúng mình đứng ngoài Việt Nam học?
Trong chúng ta đây, ai không là nhà Việt Nam học?
Hà Nội, 14-7-2004
Nguồn: Thế thao-Văn hoá, 20.7.2004