vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  văn luận



 

 


Trần Khuê, ngôi sao lấp lánh

Nhà văn Hoàng Tiến

Lần đầu tiên tôi biết Trần Khuê là ở cái duyên văn chương. Ấy là do đọc bài anh viết mang tiêu đề "Về bài "Thướng sơn" của chủ tịch Hồ Chí Minh" viết tại thành phố Hồ Chí Minh tháng Giêng năm 1988.

Bài viết này anh đã phê phán Tố Hữu dịch sai thơ Hồ Chủ tịch, đã làm giáo sư Nguyễn Xuân Nam lên lớp giảng cho sinh viên, cứ theo ý Tố Hữu mà tán rộng ra, khiến bài thơ lại càng xa rời nguyên tác.

Nguyên tác:

Thướng Sơn
Lục nguyệt nhị thập tứ
Thướng đáo thử sơn lai
Cử đầu hồng nhật cận
Đối ngạn nhất chi mai.

Lũng Dẻ—1942

Bài dịch của Tố Hữu:

Lên núi
Hai mươi tư tháng sáu
Lên ngọn núi này chơi
Ngẩng đầu: mặt trời đỏ
Bên suối một nhành mai.

Lũng Dẻ—1942

Trần Khuê bình phẩm: "Nếu tôi không nhầm, thì có lần nhà thơ Tố Hữu đã tự nhận bài thơ này của Bác rất khó dịch và vì không dịch nổi chữ "cận" nên anh đành bỏ. Nhưng đọc kỹ tôi thấy không phải Tố Hữu chỉ dịch thiếu một chữ mà anh còn dịch thừa ra hai chữ, lại sai thêm một chữ. Tất nhiên, người dịch thơ vẫn có quyền thêm bớt miễn là đừng làm sai lạc ý trong nguyên tác. Nhưng trường hợp thêm bớt này có gây cho người đọc hiểu nhầm ý tác giả.

Câu “thướng đáo thử sơn lai” không hề có chữ nào có nghĩa là "chơi" và câu thơ cũng không có cái nghĩa hàm nói về sự đi "chơi". Dịch thêm chữ "chơi" là thừa và làm sai ý nguyên tác. Câu này chỉ có nghĩa là: lên đến ngọn núi này.

Còn câu: "đối ngạn nhất chi mai” nghĩa là: bờ đối mặt có một nhành mai. Không hề có “giang” hay “tuyền” để có thể dịch là "bờ sông" hay "bờ suối". Dịch là "bên suối" lại càng sai nguyên tác vì khi bỏ chữ "đối" và chữ "ngạn" tức là bỏ mất cái nghĩa khái quát và ý thác ngụ sâu xa của tác giả. Đúng là thêm từ thì hại ý."

Khá quá! Lời phẩm bình đã thu hút tôi đọc hết cả bài viết một cách ngon lành. Sau khi đã phân tích góp ý về bài giảng của giáo sư Nguyễn Xuân Nam cứ bám vào cái sai của bản dịch Tố Hữu và cứ tán rộng ra bằng ngôn từ đẹp đẽ của văn chương, làm bài thơ dịch đã sai lại càng sai, càng xa rời nguyên bản, thì Trần Khuê đề xuất một bản dịch như sau:

Lên núi
Hai mươi tư tháng sáu
Lên đến ngọn núi này
Ngẩng đầu gần vầng nhật
Bờ trước một nhành mai.

Lũng Dẻ—1942

Nhà thơ Tố Hữu bấy giờ còn đầy quyền uy, cả trong thơ và vị trí trong chính quyền (1988). Sự phê phán này phải có tinh thần dũng cảm lắm. Tôi chú ý đến anh từ đó.

Lần thứ hai được gặp anh tại Hà Nội. Một con người sôi nổi, luôn có ý thức về vai trò công dân chủ nhân ông của đất nước. Anh đọc cho tôi nghe bài "Gửi nhà thơ quên sứ mệnh" của anh:

Nhà thơ hỡi !
Anh không xót xa ư ?
khi thấy dân không tin Đảng nữa
như những ngày kháng chiến năm xưa.

Nhà thơ hỡi !
Anh không phẫn nộ ư ?
khi thấy những đảng viên cậy thế
ức hiếp dân lành
làm ô danh cộng sản.

Ôi, với những người dân
từng cưu mang nuôi họ
giấu họ dưới hầm
thà mất đầu không chịu hé răng
nay trở mặt bàn tay: bội bạc

Nông dân ta
đâu phải hết anh hùng
nhưng kính yêu Bác Hồ
nuôi lòng tin cộng sản
nên họ không "nổi loạn"
(họ sợ chi mấy tân-cường-hào !)

Hơi ồn ào một chút. Nhưng rất hay, rất khí phách. Nói chuyện một lúc, tôi có cảm tình với anh ngay. Cùng thanh khí cả mà. Anh tặng tôi cuốn "Đối thoại năm 2000” đứng tên chung Trần Khuê—Nguyễn Thị Thanh Xuân đồng tác giả. Tôi về đọc ngốn ngấu, từ cảm tình chuyển thành cảm phục. Gấp sách lại rồi, tắt đèn đi ngủ, lời hịch của Bình Ngô đại cáo cứ vang lên bên tai: "Dẫu cường nhược có lúc khác nhau. Song hào kiệt thời nào cũng có." Ngồi vùng dậy. Rót rượu. Uống một mình. Có những giờ phút trong cuộc sống thấy hạnh phúc. Thật sung sướng!

Đối thoại năm 2000 anh đặt ra nhiều vấn đề. Quá nhiều vấn đề. Có những vấn đề như cấm kỵ, không ai dám nói lâu nay. Phải là con người dũng cảm, sống trung thực, yêu nước lắm mới dám làm như thế. Xin trích vài ví dụ:

Ví dụ một: Việc đổi tên nước và đổi tên Đảng không phải ý Bác Hồ. Đó là ý ông Duẩn và ông Thọ muốn dựng triều đại của mình. Trần Khuê viết: "Nếu có ai trách cụ Hồ tại sao lại đồng tình xây dựng CNXH theo mô hình Xít-ta-lin thì chúng tôi xin thưa rằng: phải thông cảm với cụ Hồ, mình cụ làm sao chống nổi cả một sức ép quốc tế như thế ? Chống làm sao nổi sức ép của cái đa số tiểu nông trong Đảng ta ? Vì dân tộc mà cụ phải chịu đựng, chứ cụ thừa hiểu thế nào là đấu tranh giai cấp, thế nào là CNXH. Không phải chúng tôi nói để thanh minh, bênh vực cho cụ đâu, không tin xin quý vị cứ giở Di Chúc ra xem thì khắc rõ.

“Nhân dân ta phải phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh."

Chẳng lẽ còn có người dám ngờ rằng cụ Hồ không tin vào sự ưu việt của CNXH, CNCS ? Tin lắm chứ, nhưng đó đâu đã phải là chuyện của Việt Nam ta hiện nay. Cho nên, khi cụ bảo sau khi thắng Mỹ thì phải xây dựng bằng được một nước Việt Nam dân chủ và giàu mạnh thì cụ không nhầm đâu.

Vì không rõ ý cụ nên ta nhầm đấy thôi. Đổi quốc hiệu là nhầm. Và đổi tên Đảng cũng là chệch ý Hồ Chí Minh. Thiết nghĩ, sửa lại hay không cũng không quan trọng, nhưng điều quan trọng là cần bàn bạc rõ để xác định chính xác cái nội hàm của CNXH ở Việt Nam là gì ?" (trg 27. Đối thoại 2000)

Ví dụ hai: Ông Lê Duẩn và Bộ Chính trị đã không tuân theo Di Chúc Bác Hồ, dám cắt bỏ rồi giấu nhẹm đi việc xá thuế cho nông dân sau ngày đại thắng (trg 56. Đối thoại 2000), bỏ cả phần Di Chúc nói về vai trò phụ nữ (trg 57. Đối thoại 2000). Và trên hết không thiêu xác Bác Hồ như Di Chúc mà lại xây lăng thật to. Trần Khuê viết:

“Nhân đây cũng nói thêm về cái từ lăng mà khi dịch ra tiếng Pháp là mausolée, thì danh từ chung mausolée vốn xuất phát từ danh từ riêng Mausolof là tên một vị vua Ai Cập có ngôi mộ to nhất thế giới xây bằng đá. Các vua chúa sau này học tập các vua chúa Ai Cập đua nhau xây lăng mộ đã vắt kiệt sức nhân dân và hủy hoại nền kinh tế, thậm chí còn hủy hoại cả một nền văn minh. Còn từ lăng vốn xuất phát từ phương Bắc để chỉ những khu vực rộng lớn có khi đến hàng trăm hàng ngàn héc-ta; điển hình là khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng, ngoài mộ thật lại còn hàng trăm ngôi mộ giả, chỉ lo kẻ thù hoặc người đời sau đào mả hoặc yểm mất long mạch. Các vua thời Nguyễn học tâp, rập khuôn phương Bắc mới đua nhau xây mồ mả thật đồ sộ và mới được nghe dân ta thán đến muôn đời:

Vạn Niên là vạn niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân.

Lăng Vạn Niên đâu có làm vẻ vang gì cho vua Tự Đức, các lăng khác cũng thế mà thôi.

Cụ Hô vì muốn nối tiếp và phát huy truyền thống Lý Trần về việc ma chay chôn cất. Thế mà ta lại dám chống lại ý cụ, rồi theo truyền thống các vua Nguyễn để gây ra bao nhiêu tốn phí, hại bao nhiêu sức người sức của, lại phản vệ sinh, phản môi trường, phản khoa học.

[......] Chúng ta đề nghị Tổng cục thống kê và Bộ Tài chính thử tính sổ xem 30 năm qua ta đã tiêu tốn vào lăng Người tổng số là bao nhiêu tiền của. Và từ nay đến hết năm 2000, chúng ta dự toán sẽ chi tiếp là bao nhiêu. Và thử xem riêng ngân sách dự chi cho năm 2000 xem có thể xây được bao nhiêu trường học cho 1000 xã hãy còn trắng về giáo dục ở vùng cao. Có thể xây được bao nhiêu căn nhà để nuôi trẻ mồ côi đang lang thang ở các đô thị (vừa nuôi vừa dạy nghề cho các cháu). Có thể xây bao căn nhà dưỡng lão cho người già lão cô đơn không nơi nưng tựa. Có thể xây bao nhiêu nhà thương làm phúc chữa bệnh cho người nghèo. Nếu dự toán ngân sách cả 5 năm hoặc 10 năm tới thì ta sẽ giải quyết được những phần gì trong ý nguyện của Bác: ai cũng có cơm ăn, áo mặc và được học hành.

Vậy, còn ngần ngại gì mà không bàn nhau đưa ra nghị quyết vâng theo lời Bác mà thiêu di hài Bác. Chỉ xin thưa với Bác là cho phép chia làm bốn. Ba phần làm theo đúng lời Bác, còn một phần thì để lại ở lăng, có đặt một đỉnh hương trầm và một bát hương lớn để cho bà con trong nước và bạn bè quốc tế đến thắp hương lễ Bác. Lăng thì nên sửa sang lại phần bên trong để bày các hiện vật nói về cuộc đời hoạt động của Bác. Tức là lăng sẽ trở thành Viện bảo tàng Hồ Chí Minh. Binh đoàn gác lăng Bác thì có thể chuyển về sản xuất, làm thế "ngụ binh ư sản xuất". Chỉ cần giữ lại vài ba chục người để trông coi việc quét dọn lăng và giữ việc hương khói là đủ. Hẳn Bác ở dưới suối vàng cũng ngậm cuời thấy rằng con cháu và Trung ương Đảng đã làm theo đúng ý nguyện của mình và đất nước chắc chắn sẽ qua được “vận sái”, sẽ lành mạnh, no ấm và phát triển nhanh chóng." (trg 66. Đối thoại 2000)

Ví dụ ba: Bàn về Điều 4 ghi trong Hiến pháp, Trần Khuê lý luận: "Điều đáng nói là cho đến những ngày cuối thế kỷ, chúng ta vẫn chưa hết giật mình kinh hãi khi nghĩ đến một bộ máy cầm quyền vĩ đại như Đảng Cộng sản Liên Xô mà phút chốc sụp đổ tan rã một cách thảm hại. Chúng tôi đã từng chê trách những người làm lý luận ở ta không chịu nhìn thẳng vào sự thật, khảo sát lơ mơ, phân tích theo kiểu khuôn sáo nên không giúp cho ta rút ra được những bài học thích đáng.

Ngoài ba nguyên nhân chủ yếu mà chúng tôi đã phân tích trong bài trước (bệnh chống quy luật, bệnh chống trí tuệ, bệnh kiêu ngạo cộng sản), chúng tôi xin nêu thêm một nguyên nhân nữa đã khiến cho Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ nhanh. Đó chính là điều 6 ghi trong Hiến pháp của nhà nước Xô Viết mà chúng tôi đã trích dẫn ở phần trên.

[.......] Chúng tôi tin chắc chắn rằng nhân dân Liên Xô không hề chán ghét lý tưởng cộng sản. Nhưng họ thật sự gớm mặt ba vị đảng viên hàng ngày hoạnh hoẹ, bóp nặn, khinh khi họ. Dân chán đến mức thấy mặt đã ghét mà lại không sụp đổ thì mới là chuyện chưa từng có trong lịch sử loài người.

Vậy phải truy xét xem ai là người đã tham mưu cho Trung ưng đưa điều 4 vào Hiến pháp của ta năm 1980 ? Họ nhầm: Họ không hiểu rằng chép lại cái điều 6 từ Hiến pháp Liên Xô thành điều 4 ở Hiến pháp Việt Nam là tạo điều kiện cho tiêu cực, tham nhũng mặc sức sinh sôi nảy nở. Chúng tôi trân trọng đề nghị Đại hội IX và Quốc hội khoá mới của ta nghiêm túc duyệt lại điều này, bàn xem có nên để điều 4 ở trên Hiến pháp nữa hay không.” (trg 70. Đối thoại 2000)

Vân vân ... và ... vân vân ....

Đối thoại năm 2000” của Trần Khuê đặt ra nhiều vấn đề động trời, anh còn đề xuất việc ông Trường Chinh phải xin lỗi ông Kim Ngọc bí thư tỉnh Vĩnh Phú tác giả của Khoán 10, ông Tố Hữu phải xin lỗi Nhân văn-Giai phẩm, ông Lê Đức Thọ phải xin lỗi anh em Xét lại-Chống Đảng ...... Vì anh đề ra nhiều vấn đề quá, bàn nhiều việc quá, thành ra hơi rối. Đến “Đối thoại 2001” thì tác gi nêu từng vấn đề một, rành mạch, rõ ràng, mời mọi người đối thoại, bàn bạc, nhất là việc dân chủ hoá đất nước một động lực không thể thiếu cho việc phát triển kinh tế hiện nay.

Hưởng ứng lời kêu gọi chống tham nhũng của Trung ương Đảng, và nhận thấy trách nhiệm của người trí thức trước giặc nội xâm đang phá hoại đất nước, anh cùng nhà báo đại tá Phạm Quế Dương đứng tên làm đơn xin thành lập Hội Nhân dân Việt Nam giúp Đảng và Nhà nước chống tham nhũng gọi tắt là Hội Nhân dân chống tham nhũng.

Đơn gửi ngày 3 – 9 – 2001 thì hai ngày sau anh bị công an trục xuất áp tải vào Sài Gòn. Rồi có lệnh quản chế anh, và tiếp sau đó lệnh bắt anh với tội danh làm gián điệp. Anh bị giam giữ cho đến nay đã 16 tháng, thiếu thốn mọi bề, rất ít được gặp mặt vợ con cũng như nhận đồ tiếp tế.

Nghe kể, anh phản đối lệnh quản chế, đòi đưa ra toà xét xử đàng hoàng. "Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật" (Điều 72. Hiến pháp nước CHXHCNVN). Anh không chịu ra trình diện với chính quyền phường. Người ta phải công nhận với anh là lệnh quản chế đã vi phạm Hiến pháp, nhưng nó đã thành nghị định rồi, xin anh cứ chấp hành, sau này sẽ sửa. Anh khảng khái, đã sai thì phải sửa ngay, không thể cứ chấp hành cái sai để rồi được quyền sai mãi. Tính cách của anh là vậy. Mạnh mẽ và bộc trực.

Anh là tác giả của nhiều tác phẩm đã xuất bản, khi là đồng tác giả, khi chủ biên, khi in riêng, khi in chung. Liệt kê một số tác phẩm của anh:

  1. Cải tiến phương pháp dạy văn ở cấp II (đồng tác giả, nxb Giáo dục Hà Nội 1970)
  2. Gửi nhà thơ quên sứ mệnh (thơ, nxb Văn Nghệ TP HCM, 1988)
  3. Sài Gòn-Gia Định qua thơ văn xưa (viết chung với Nguyễn Thị Thanh Xuân và Nguyễn Khuê, nxb TP HCM, 1988)
  4. Hồ Chí Minh với một nửa nhân loại (viết chung với Nguyễn Thị Thanh Xuân. Ban KHXH Thành ủy TP HCM xuất bản 1990)
  5. Những vần thơ đẹp Hồ Chí Minh (viết chung với Nguyễn Thị Thanh Xuân. Ban KHXH Thành ủy TP HCM xuất bản 1990)
  6. Nguyễn Bỉnh Khiêm trong lịch sử văn hoá dân tộc (chủ biên. Tạp chí nghiên cứu Hán Nôm xb 1991)
  7. Nguyễn Trường Tộ với vấn đề canh tân đất nước (chủ biên. Tạp chí nghiên cứu Hán Nôm xb 1992)
  8. Tuệ Trung thượng sĩ với thiền tông Việt Nam (chủ biên. Tạp chí nghiên cứu Hán Nôm xb 1993)
  9. 5 năm Hán Nôm 1991—1995 (chủ biên. Tạp chí nghiên cứu Hán Nôm xb 1995)
  10. Nghiên cứu và tranh luận (tiểu luận, nxb KHXH Hà Nội 1996)

Và những tác phẩm sẽ in:

  • Định giá lại vương triều Mạc.
  • Hồ Xuân Hương: hiện tượng văn hoá độc đáo của Việt Nam và nhân loại.
  • Văn hoá đất Việt phương Nam.
  • Anh hùng Phạm Hồng Thái.
  • Nhìn lại ba thế kỷ văn hoá Sài Gòn.
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh: kết tinh tư tưởng VN ở thế kỷ 20.
  • Về quan hệ văn hoá Việt-Nhật ở thế kỷ 16 và 17.
  • Về bài thơ điếu chủ tịch HCM của nhà sư Nhật Bản Ryokei.
    Vân vân ........

Quá trình cống hiến của anh như vậy, trên lĩnh vực nghiên cứu và sáng tác, đáng được mọi người trân trọng, anh xứng đáng được gọi với danh hiệu nhà văn hoá Trần Khuê.

Ấy thế mà bây giờ người ta định khép anh vào tội gián điệp ?

Những ai đã từng quen biết anh Trần Khuê, có thể chấp nhận được không ?

Tôi là người quen biết anh Khuê, lấy sự quen biết đó làm vinh hạnh cho mình, nay thấy anh bị hoạn nạn, không thể không lên tiếng.

Tôi muốn nói với những vị cầm quyền hiện nay rằng, anh em trong một nhà nhiều khi có ý kiến khác nhau, huống hồ người trong một nước càng có nhiều ý kiến khác nhau. Người lãnh đạo nên biết lắng nghe. Trong những lời lẽ trái tai thường có vàng có ngọc. Đừng thấy người ta nói khác ý mình là cho người ta chống đối, phản động, rồi vu cho là gián điệp để trừng phạt, kết tội, bỏ ngục.

Chúng ta đã mắc nhiều sai lầm trong việc giải quyết mâu thuẫn nội bộ. Nhiều vụ án oan sai đã ghi vết đen vào trang sử đất nước hiện đại: vụ cải cách ruộng đất, vụ Nhân văn-Giai phẩm, vụ Xét lại-Chống Đảng .... Và bây giờ bước vào thế kỷ thứ 21 là những vụ án gián điệp liên tiếp quàng cho những người lên tiếng về dân chủ để trừng phạt họ.

Hãy biết dừng tay lại !. Hãy biết sợ hậu thế !. Nói theo kinh Phật, chớ làm điều ác, nhân nào quả nấy.

Những con người như cựu chiến binh nhà giáo Nguyễn Khắc Toàn, cử nhân luật Lê Chí Quang, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, giáo sư Nguyễn Đình Huy, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, nhà báo đại tá Phạm Quế Dương cũng như nhà nghiên cứu văn hoá Trần Khuê ....... họ đều là những người yêu nước, họ phát ngôn theo lương tâm và trách nhiệm của người trí thức trước tiền đồ đất nước.

Nghe được lời họ thì lợi cho đất nước, không nghe được lời họ thì cũng không nên hãm hại họ. Dùng bạo lực không thu phục được nhân tâm, nó chỉ chứng tỏ sự yếu kém bất lực của nhà cầm quyền.

Một người nghiên cứu văn hoá có những công trình như anh Trần Khuê, không thể là gián điệp, và không bao giờ chịu làm gián điệp cho bất cứ ai. Anh chỉ là một trí thức yêu nước, thẳng thắn và bộc trực nói lên chính kiến của mình. Qua những lời bàn bạc nhiệt tình, hơi ồn ào và nghịch nhĩ của anh, giúp ta nhìn ra nhiều sự thật.

Chúng tôi mong rằng phiên toà xử án nhà văn hoá Trần Khuê sắp tới, hãy giữ tính độc lập của toà án, chỉ xét xử theo luật pháp chứ không xét xử theo lệnh trên. Nếu xét xử chỉ dựa vào luật pháp, thì, dứt khoát nhà văn hoá Trần Khuê là vô tội, là trắng án.

Tôi ở Hà Nội, viết bài này khi được tin nhà văn hoá Trần Khuê sắp bị đưa ra xét xử, xin coi đây là bài bào chữa của tôi về sự vô tội của công dân Trần Khuê.

Nếu toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh biết thượng tôn pháp luật hãy chấp nhận cho phép tôi được tham dự phiên toà làm bào chữa viên nhân dân theo như luật định, và theo thư yêu cầu của gia đình nhà văn hoá Trần Khuê đã gửi cho tôi.

Tôi xin chịu trách nhiệm trước công luận cũng như trước luật pháp về bài viết này.

Hà Nội ngày 12 tháng 6 năm 2004

Hoàng Tiến, nhà văn
Địa chỉ: Nhà A 11 Phòng 420
Thanh Xuân Bắc—Hà Nội
Điện thoại: Bị cắt từ 5 – 9 – 2001

Nơi gửi:

  • Các vị lãng đạo Đảng và Nhà nước
  • Ban Tư tưởng—Văn hoá
  • Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Toà án nhân dân tối cao
  • Bộ Công an
  • Toà án nhân dân thành phố HCM
  • Các cơ quan thông tấn báo chí
  • Gia đình nhà văn hoá Trần Khuê
  • Bạn bè văn nghệ sĩ.

 

   

 


 

thẩm luận văn hoá


 


Tượng Phan Bội Châu


  01- Việt Nam học: Chưa mạnh ở... Việt Nam!                                                                                       Nam Giao
  02-
Ai không là nhà “Việt Nam học”?                                                                                             Lại Nguyên Ân
  03- "Việt Nam học: đó là số phận của tôi".                                                                                 Darya Mishukova 

  04-
Ai Điếu Nadezhda Mandestam [1899-1980].          Jennifer Tran chuyển ngữ.                     Joseph Brodsky 
  05-
Trần Khuê, ngôi sao lấp lánh.                                                                                                           Hoàng Tiến
  06- Sửa đổi luật xuất bản, có nên dừng ở một biện pháp dở dang?                                              Nguyên Ngọc
  07-
Sáng tác trực tuyến - Xu hướng phổ biến ở Trung Quốc-                                                                          DK 
  08-
Vì sao nghệ thuật thiếu vắng những sáng tác về xã hội đương đại?                      Báo Sài Gòn Giải Phóng 
  09- Tim Aline, một cô gái Thụy Sĩ tốt bụng.                                                                              T.Thủy - H.Giang 
  10- Karl Marx, Con đường Huyễn Hoặc của TS Nguyễn Nam Chân.                                                     Vũ Ký

vhvt 11
Trang bìa chính