vhvt |
tự do tư tưởng và sáng tạo |
văn hóa thế giới |
|
Anton Chekhov : Bi hài kịch một đời người Văn nghệ
Từ một trăm năm nay, người ta không ngừng dàn cảnh, đọc lại, tái phát hiện và đào sâu Chekhov . Không năm nào lại không có một nhà dàn cảnh quan trọng giành lấy cho mình một tác phẩm của ông, ấy là chưa kể những đoàn kịch nhỏ thay nhau trình diễn những vở kịch một hồi… Thế nhưng vào năm 2004 này đó là Festival Chekhov thực sự tại Pháp: Tháng giêng tại Paris, nhà hát ODéON đã diễn Vườn anh đào. Tháng 2-2004, nhà hát Comédie Francaise đã dựng vở Platonov, Nhà hát quốc gia Théâtre de la Colline hiện đang diễn Cậu Vania và sẽ lưu diễn quanh nước Pháp. Peter Brook dựng vở Tay em trong tay anh đang được trình diễn tại Marseille, và đạo diễn người Nga, Piotr Fomenko đã dựng vở Ba chị em gái, đang trình diễn vở này tại cảng Le Havre, và sẽ dự Festival mùa thu. Chỉ còn thiếu vở Chim mòng biển là người xem sẽ được thưởng thức 6 vở kịch lớn của Chekhov. Vậy Chekhov tác giả của 6 vở kịch lớn, 8 vở kịch một hồi, 588 truyện ngắn tuyệt diệu, ông là con người như thế nào…? Một cuộc đời mang nhiều thương tổn Anton Chekhov, bác sĩ y khoa, nhà văn, nhà soạn kịch nổi tiếng, sinh ngày 17-7-1860 tại Taganrog, một thị trấn ở bờ biển Azov (nam nước Nga). Cha ông là con một nông nô, chủ cửa hàng bán hương liệu và thực phẩm, là một người độc đoán và hung bạo, lại chuyên kinh doanh rượu lậu. Trong truyện ngắn Đời tôi, Chekhov viết: “Tôi không có tuổi thơ, tôi còn nhớ đã trông thấy những con chó bị đánh đập đến chết, những con chim sẻ bị lũ trẻ lang thang vặt lông khi còn sống… và cả một chuỗi dài, rất dài, những đau khổ, mệt mỏi và thầm lặng”. Chekhov đã dựng lên trong truyện ngắn cái thế giới ấy, nơi mà những đòn đánh dồn dập đổ xuống đầu phụ nữ, trẻ em và loài vật, như truyện Phòng số 6, Người nông dân. Năm ông 16 tuổi, cha ông phải trốn về Matscơva vì làm ăn thua lỗ và nợ nần chồng chất. Một viên chức đã mua lại, với giá rẻ, căn nhà của gia đình, nhưng với thái độ “ban ơn” đã cho phép Chekhov được ở lại đó, một cử chỉ mà suốt đời nhà văn cảm thấy tủi nhục. Căn nhà nơi ở khi còn thơ sẽ xuyên suốt mọi vở kịch của ông về sau… Trong thư gửi cho người bạn thân Souvorine năm 1889, Chekhov viết: “Những gì mà các nhà văn thuộc giới quý tộc nhận được do quyền thế tập, thì những tiện dân phải bỏ cả tuổi thanh xuân mới mua được. Bạn hãy viết chuyện về một trai trẻ, con của một nông nô, nguyên là một chủ quán, người hát lễ ở nhà thờ, học sinh rồi sinh viên, được dạy bảo để cúi khom lưng, hôn tay các giáo trưởng và phục tùng ý kiến của người khác (…). Hãy kể chuyện chàng thanh niên đó đã tìm cách tự giải phóng như thế nào, từng bước một, khỏi thân phận nô lệ trong con người anh ta, và làm thế nào mà, một sớm mai khi tỉnh dậy, anh ta bỗng nhận ra rằng dòng máu đang chảy trong huyết quản mình không còn là máu của nô lệ mà là máu của một con người”. Chekhov đã tự giải phóng mình bằng hành động thực tế. Năm 1879, khi về ở với gia đình tại Matscơva để theo học ngành y, cha ông đã thực sự gục ngã. Trong truyện ngắn Người cha, tác giả cho thấy rõ “để nuôi ăn ông bố, bà mẹ” ông đã trở thành một nhà báo và tác giả những chuyện kể hài hước. Suốt cuộc đời, Chekhov đã viết để nuôi dưỡng cha, mẹ, người chị gái, các em trai và cả một bầu đàn thê tử những khách mời và kẻ ăn bám luôn kéo đến đầy nhà. Tuổi thơ ấy và cố gắng lao động khổng lồ để thoát khỏi thân phận hèn hạ và nô lệ ở Taganrog, có lẽ những điều đó có thể giải thích lòng vị tha của Chekhov, một thứ vị tha lạnh lòng, một sự nhân hậu không mang tính chất tình cảm chủ nghĩa, một cái nhìn sắc xảo về con người, và cả cái ý chí làm những gì có thể làm được, một cách cụ thể và thực tế, để cứu chữa cho lớp người đau khổ: Chekhov trở thành bác sĩ y khoa năm 1884 và là thầy thuốc pháp y… Ông biết rõ bản thân con người. Và trong vở kịch Cậu Vania, qua nhân vật bác sĩ Astrov, tác giả đã nói lên mối quan tâm đến những con người không thể làm được điều thiện. Con người, người thầy thuốc, nhà văn Chekhov, vốn không ưa những diễn văn dài dòng và ồn ào, đã không ngừng chăm sóc miễn phí cho mọi bệnh nhân, mở nhiều bệnh xá và thư viện, tổ chức cuộc cứu tế những vùng bị đói kém. Trong truyện ngắn Đảo Sakhaline ông đã mô tả tình cảnh thảm khốc của con người ở vùng Xibêri xa xôi, nơi ông được dịp đến thăm năm 1890. Một lối viết văn theo kiểu biên bản Theo Chekhov, nhà văn là một loại phóng viên, một nhà quan sát cuộc sống, có thể tạo dựng lại cuộc sống một cách chính xác nhất, không che giấu chút gì, ông nói: “Nhà văn, dẫu sao, không phải là người làm mứt kẹo, một người chế nước hoa, một người mua vui cho mọi người… Anh ta giống như bất cứ phóng viên báo chí nào. Và lối viết là một văn phong của biên bản, không có từ rên rỉ, than vãn…”. Lối viết tiết kiệm chữ, sự giản dị đến mức khô khan mà Chekhov đã học được khi làm báo, đã đưa ông đến đỉnh cao của nghệ thuật. Trong một thứ gửi Maxime Gorki, ông viết: “Khi mà để đạt được một hiệu quả nhất định, người ta chỉ sử dụng những cử chỉ tối thiểu thì cái đó được gọi là năng khiếu trời phú cho”. Như vậy, phải chăng các vở kịch của Chekhov là không có luận đề, không có hành động, không có chủ đề? Chekhov giải đáp: “Không cần chủ đề. Cuộc sống không biết đến chủ đề, trong cuộc sống mọi cái đều pha trộn, cái sâu sắc với cái vô nghĩa, cái cao cả với cái lố bịch”. Georges Nivat, chuyên gia Pháp về văn học Nga, trong một bài viết trên tờ: Tập san văn học đã nhận xét: “Trên đất nước của những người cuồng tín đủ loại, của những Tolstoi sáng lập những tôn giáo, những Gogol tự coi mình là những người hướng dẫn tinh thần, những nhà văn khủng bố và đao phủ, những kẻ kiểm duyệt và bán mình, thì Chekhov là luật sư của những vụ kiện nhỏ, những việc nhỏ, những bước tiến nhỏ”. Còn nhà văn Nga Vassili Grossman đã viết trong cuốn Cuộc đời và số phận: “Hãy điểm lại tất cả những nhân vật của Chekhov. Có lẽ may ra chỉ có Balzac là đã biết đưa vào ý thức tập thể một số lượng người đông như vậy. Chekhov đã đưa vào lương tâm chúng ta tất cả nước Nga trong sự to lớn của nó. Nhưng không phải tất cả chỉ có thế. Ông đã đưa vào hàng triệu con người, với tư cách là một người dân chủ thực sự. Ông đã nói ra cái điều, mà trước ông, chưa có người nào, kể cả Tolstoi, đã nói, rằng chúng ta trước hết là những con người, các bạn có hiểu không? Những con người!” (Báo Văn nghệ)
|
|
văn học khảo luận |
|