vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  văn hóa thế giới



 

 


Về Tchekhov và Shukshin

Alexey Varlamov

Trong năm nay diễn ra hai ngày lễ kỷ niệm - 100 năm ngày mất của Anton Tchekhov và 30 năm ngày mất của Vaxili Shukshin. Ở cái đất nước đã bị thu nhỏ lại so với thời Tchekhov và Shukshin còn sống - nhưng dù sao vẫn là một đất nước lớn - sẽ diễn ra các hội nghị khoa học và các cuộc gặp trong văn giới, người ta sẽ quay phim truyền hình, viết báo và sẽ lại nghe ca khúc của nhóm "Liube" với những lời như "Tôi yêu Vaxili Shukshin". Trên nguyên tắc, mọi cái cần phải như thế. Theo dòng thời gian, lễ kỷ niệm ngày mất sẽ không còn là một ngày cay đắng, nỗi đau của sự mất mát sẽ nguôi ngoai dần, nhưng trường hợp Tchekhov và Shukshin thì không.
Nhà văn ở Nga thường sống lâu. Tchekhov và Shukshin lại mất quá sớm: một nguời 44 tuổi, người kia 45, thế nhưng, dù yểu mệnh, hai ông đã kịp làm được nhiều hơn gấp bội những gì mà một đời người có thể làm, nước Nga đã phải chịu nỗi đau mất họ một cách đặc biệt nặng nề.

Mười lăm năm sau lễ an táng hai ông với hàng nghìn người đưa tiễn, hai đế chế đã biến mất trên bản đồ - đế chế Nga (của Sa hoàng) và Liên Xô. Có lẽ việc hai ông không sống được đến ngày chứng kiến những sự suy vong đó có ý nghĩa riêng của nó. Không thể hình dung Tchekhov trở thành nhà văn Xô-viết như Gorki lẫn nhà văn Nga lưu vong như Bunin. Không thể nào hình dung Shukshin hóa ra thành viên của hội "Tháng tư"[1] hoặc thư ký của Hội nhà văn Nga, kẻ đả kích Elsin trên báo "Ngày mai". Đơn giản vì Elsin chính là nhân vật kinh điển của Shukshin. Có cái gì đó giống như ông nông dân cứng cỏi đội trưởng Shurygin, người luôn ngưỡng mộ việc đi nhanh.


Tchekhov và Shukshin thuộc về thời đại của mình và được sống trong thời đại ấy để thể hiện nó đầy đủ và chính xác nhất. Tchekhov - những năm cuối cùng của một đế chế Nga già cỗi, Shukshin - sự tồn tại của Liên Xô được gói gọn vào giới hạn một đời người. Và lý do tại sao hai ông không viết tiểu thuyết mà chỉ viết truyện ngắn thật dễ hiểu. Hai ông cần phải kịp tạo nên càng nhiều càng tốt những nhân vật và những cảnh huống khác nhau nhất, khi tất cả những điều này còn chưa trôi qua và khi chính các ông còn đang sống. Hai ông hối hả làm công việc của mình, hơn nữa, ngoài văn học ra ở một người còn có nhà hát, người kia là điện ảnh. Mỗi người đều có một người vợ là nghệ sĩ...

 

Cả Tchekhov lẫn Shukshin đều cảm nhận sâu sắc sự vô nghĩa của cuộc sống quanh mình. Tchekhov lột tả điều đó ngay trong những truyện ngắn đầu tiên của ông, từ Cái chết của một công chức đến vở kịch cuối cùng Vườn anh đào với nhân vật Gaevyi lố bịch và Petya Trofimovyi, kẻ "cao hơn tình yêu". Shukshin thể hiện cuộc sống qua tiếng nhạc thể dục vui nhộn phát ra từ chiếc loa phát thanh trên khắp các đường phố ở nông thôn trong truyện ngắn Mùa thu hay câu chuyện cay đắng về việc trong cửa hàng người ta đã xúc phạm anh chàng Sasha Ermolaev tốt bụng.

Nhìn chung Shukshin trải nghiệm sự bất công của cuộc sống dưới thời Xô-viết một cách đau đớn và sâu sắc. Chính khi đọc những truyện ngắn của ông, ta sẽ hiểu rằng một đất nước với những con người như thế thì không thể tồn tại lâu dài. Vấn đề không đơn giản là do những âm mưu thâm độc của phương Tây hay "bọn gián điệp" trong hàng ngũ người mình. Nguyên nhân nằm ở chính con người. Những con người bình thường nhất.

Mặc dù không phải người nhà quê, Tchekhov sinh ra, sống và qua đời ở một đất nước nông nghiệp. Ông không lý tưởng hóa đất nước đó mà viết những tác phẩm Tên tội phạm, Những người nhà quê, Ở trong khe. Shukshin sinh ra ở nông thôn nhưng lại mất ở thị thành. Trong mắt ông, nước Nga nông nghiệp khổng lồ đã xê dịch. Ông không khóc than đất nước đó và không tìm kiếm lý tưởng ở nó. Ông lưu lại bằng chứng khách quan và không định kiến về đất nước ấy: nó là như thế. Là chính Kostya Valikov, tên lóng là Aliosha Beskonvoynyi, người mà không một nông trang nào có thể bắt anh ta phá bỏ cái nhà tắm, là chính Gleb Kapustin đã "phạt" những người nổi tiếng từ xa đến. Là chính Monia Kvosov phát minh ra động cơ vĩnh cửu, cả chính tay xạ thủ cừ khôi Bronka Pupkov đã bắn trượt Hitler từ khoảng cách hai bước chân.

Đọc Tchekhov ta sẽ hiểu vì sao, ở buổi giao thời giữa hai thế kỷ, nước Nga già cỗi đã đến giới hạn của nó và chính điều gì đã sinh ra cảm giác mệt mỏi và buông xuôi của một đế chế, cái cảm giác đã thúc đẩy nhân dân bình thản chấp nhận sự sụp đổ của triều đại Romanov[2] vào năm 1917. Cũng vậy, toàn bộ sáng tác văn chương của Shukshin chính là bản tường thuật chính xác vì sao cuộc thử nghiệm của Liên Xô đã không thành công và người Nga dưới thời Xô-viết thực ra là người như thế nào.

Shukshin bi kịch hơn Tchekhov, giống như chính cái số ông phải thế. Ông viết những truyện ngắn trần trụi có những tiêu đề bất ngờ, gay gắt và với những nhân vật còn lạ lùng hơn - Mille pardon, Madame![3], Xin gửi lời chào Sivyi!, Hãy cởi mở tấm lòng. Cả ông lẫn Tchekhov đều không có ý định dọa nạt một người cụ thể nào. Cái trò cố tình hù dọa chỉ xuất hiện về sau.

Nhưng điều thực sự đáng sợ ở Tchekhov là trong tác phẩm Buồn ngủ còn ở Shukshin là trong Xuraza hay truyện ngắn có tên gọi buồn cười Vợ tiễn chồng đi Paris. Truyện cuối này kể về một người nhà quê đã lấy một cô thợ may người Moskva kiếm được khá tiền làm vợ và, vì không chịu nổi cuộc sống đó lẫn những lời quở trách, đã tự tử - nói chung truyện ngắn không nói về thời Xô-viết mà về thời đại hôm nay. Đó là lời dự đoán về những gì sẽ xảy ra với chúng ta, ai sẽ là chủ nhân của cuộc sống mới và những gì sẽ xảy ra với những ai không hòa hợp được với cuộc sống đó. Chính Tchekhov trong vở kịch Vườn anh đào đã chỉ ra những người hòa hợp và không hòa hợp, những người cải tổ hay không cải tổ như thế.

Cả hai ông đều không theo tôn giáo, thế nhưng chính nhà thờ lại lôi cuốn họ. Tchekhov viết Giáo chủ, Shukshin viết Tôi tin! Nghệ nhân, trong đó các cha xứ được thể hiện bằng một mô típ khá kỳ lạ. Nhưng qua thái độ hoài nghi của hai ông đối với giới tăng lữ, ta thấy họ tin và kiếm tìm chân lý nhiều hơn những người mộ đạo khác.

Tchekhov đến Sakhaline để tìm hiểu cuộc sống của những tù khổ sai Nga, chính vì thế lời của Solzhenitsyn[4] "giá như những nhân vật trí thức của Tchekhov dự đoán được tất cả những gì sẽ diễn ra trong 20, 30 hay 40 năm nữa, thì hẳn họ sẽ trả lời được rằng sau 40 năm nữa ở Nga sẽ diễn ra việc điều tra bằng nhục hình, người ta sẽ kẹp sọ bằng chiếc vòng sắt..." chỉ thích hợp với những nhân vật của Tchekhov chứ không phải với bản thân tác giả. Còn Shukshin đã đến các trại và các nhà tù, quay phim Kalina đỏ, viết StepkaMuốn sống, những nhân vật trong các tác phẩm này đều bỏ chạy khỏi những nơi đó. 

Tchekhov có Những người nhà quê, Shukshin trong Kalina đỏ đưa câu văn nổi tiếng "Ông ấy là người nhà quê. Mà những người như thế nước Nga có nhiều" vào lời một nhân vật. 

Giờ đây cả cái này lẫn cái kia đã là lịch sử. Giờ đây có đất nước thứ ba[5]

Tchekhov mất ở Đức, Shukshin mất tại sông Don, hai ông đều được đưa về Moskva và mai táng ở Novodevichie. Mộ của hai ông cách nhau vài chục mét, hai ông mất cách nhau 70 năm. Giới hạn một đời người. Cái khoảng cách được thu hẹp lại vì một điều gì đó. 
 

Literaturnaya gazeta, số 12-13, 31/3-6/4/2004

Ảnh: Chân dung A. Tchekhov.

Nguyễn Kiều Diệp dịch từ tiếng Nga
eVăn hiệu đính
 


© eVăn 2004

___________

Chú thích:

[1] Một tổ chức của các nhà văn Moskva, Nga - những nhà văn ủng hộ cải cách.

[2] Triều đại phong kiến cuối cùng của Nga, bị lật đổ trong cuộc Cách mạng tháng Mười năm 1917.

[3] Ngàn lần xin lỗi, thưa bà! (tiếng Pháp)

[4] Alexandr Isaevich Solzhenitsyn, nhà văn Nga, giải Nobel Văn chương năm 1970.

[5] Ý nói nước Nga hiện nay.

 

   

 

 

văn học  khảo luận


 




 


  29- Anton Chekhov : Bi hài kịch một đời người.                                                                                    Văn nghệ 
  30- H
ội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm mất Tchekhov.                                                               Đào Tuấn Ảnh 
  31- Khế ước của Tchekhov và Kafka .                                                                              Jennifer Tran, Amoz Oz 
  32- Bản dịch Tchekhov và giai đoạn giới thiệu văn học nước ngoài ở Hà Nội.                       Vương Trí Nhàn  
  33- Về Tchekhov và Shukshin.                         Nguyễn Kiều Diệp dịch                                   Alexey Varlamov 
  34- Nhà văn Nguyễn Khải: 'Tôi không thích làm người hùng'.                                             Thể Thao Văn Hóa 
  35-
'Tôi không sợ không có độc giả'.                                                                                             Võ Thị Xuân Hà
  36- Clinton ra hồi ký.                                                                                                                                         BBC

vhvt 11
Trang bìa chính