vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  bàn luận



 

 


Nhà văn Nguyễn Khải: 'Tôi không thích làm người hùng'

 

Nhà văn Nguyễn Khải.

"Nhà văn mà bị bó buộc thì không thể mang tới sự cách tân trong tư duy nghệ thuật. Viết mà không tạo ra ra sự ngỡ ngàng cho người đọc thì chán lắm...'', Nguyễn Khải nói về chuyện nghề xung quanh cuốn hồi ký mới in "Thượng đế thì cười".

 - Cuốn hồi ký vừa mới phát hành đã gây được tiếng vang. Ông có thể cho biết hành trình của nó đến Nhà xuất bản cho đến khi ra đời như thế nào?

- Tác phẩm này đã được in trọn vẹn trên tạp chí Nhà văn trong ba số liên tiếp năm 2002-2003. Bạn bè yêu văn chương và trong nghề đọc chỉ thấy vui thôi, một đời người nghĩ lại cũng lắm chuyện buồn cười. Chả có gì đáng gọi là mới mẻ, mà tôi cũng chỉ nói nhiều những chuyện của nghề cùng những bất cập của mình. Nói rất thật, một đời của tôi chỉ có những trang viết là thành công, còn định bỏ viết làm việc gì sang sang là hỏng hết. Tôi làm đại biểu quốc hội, đi họp mà ngủ gật là chuyện có thật chứ không phải bịa. Cuốn sách ban đầu bị trục trặc trong việc phát hành, sau một năm ách lại, Nhà xuất bản vẫn khuyên tôi nên cắt bỏ một vài trang. Anh em bảo thế là không hay, cái ông Khải này lúc nào cũng nhân nhượng. Nhưng tôi thấy cắt bỏ đi cũng không ảnh hưởng gì cả.

- Mọi người nói sao về sự nhượng bộ ấy của ông?

- Tôi không muốn gây phiền cho người khác. Độc giả đánh giá tôi đầu hàng, nhân nhượng thì cũng chịu. Trong suốt thời gian cuốn sách bị ách lại, tôi cũng không phát biểu để bày tỏ điều này điều nọ. Cũng không phải lần đầu tôi im lặng như thế. Sách của tôi in ra cũng hay có chuyện nhưng bao giờ tôi cũng im lặng. Mọi chuyện cứ để cho thời gian trả lời.

- Nếu trong cuốn sách sau, người ta lại yêu cầu ông cắt bỏ một phần nào đó trong trang viết thì ông sẽ phản ứng ra sao?

- Nếu đó là những vấn đề tôi thấy thực sự không ảnh hưởng đến nội dung tác phẩm. Tôi không thích làm người hùng. Tôi không thích chuyện phiền phức để ảnh hưởng đến nghề chính của mình.

- Điều ấy có nghĩa là nhà văn phải viết vừa lòng người khác, còn anh thường viết trong tâm trạng như thế nào?

- Nếu viết để vừa lòng người khác thì sẽ không thành văn. Tôi viết theo sự mong muốn của tôi, đôi khi cũng vượt qua cái giới hạn phải dừng lại. Vì thế thường có vấn đề này nọ. Nhiều nhà phê bình bảo tôi chỉ có thể làm nhà văn trung bình vì cái tính tuyên huấn và bị bó trong các quan niệm của người đương thời. Nhà văn mà bị bó thì sẽ không thể mang tới sự cách tân trong tư duy nghệ thuật. Viết mà không tạo ra sự ngỡ ngàng cho người đọc thì chán lắm. Tôi không có dũng cảm để thoát ra. Tôi không có gan đứng một mình.

- Ông định gửi gắm điều gì qua nhân vật người vợ trong hồi ký này?

- Trong cuộc sống xã hội, tôi hết sức nhũn nhặn, khiêm nhường. Nhưng trong gia đình, tôi lại là người độc đoán. Vợ tôi và các con tôi đều bảo đâu cần cái danh của tôi. Họ cần tình cảm và sự tôn trọng. Hình ảnh vợ tôi cũng làm cho tôi nghĩ về tôi thật hơn. Độc giả cũng có người cho tôi viết ám chỉ. Có thể đấy là sự hòa trộn trong cuộc sống, nó thấm vào mình. Vấn đề của xã hội cũng như vấn đề của gia đình mình.

- Người đời bảo ông quá khôn. Vì thế nhân vật người vợ trở thành cái ''bung xung'' cho ông, vợ ông phản ứng như thế nào?

- Nhà tôi có đọc từng đoạn. Các con tôi bảo bố đã sám hối rồi. Bà ấy không nói gì. Bà ấy không thích đọc văn và cũng không coi trọng văn chương của chồng.

- Trong truyện, ông viết rằng cả đời chỉ biết đến mỗi một người đàn bà. Ông nói gì về điều này?

- Người ta cũng bày cỗ cho tôi đấy chứ nhưng tôi ngại và sợ, dù chẳng ai ràng buộc được mình. Tôi như một ông thầy tu cổ hủ, chỉ khao khát tưởng tượng thôi. Vợ tôi từ lúc mới cưới cho đến năm bốn mươi tuổi vẫn là một người đàn bà đẹp. Vật lộn với vẻ đẹp ấy cũng bở hơi tai rồi. Tôi mãn nguyện, không bị bức bối hay thiếu. Tôi không đòi hỏi người đàn bà về mặt tri thức hay phải hiểu công việc của tôi. Tôi không có yêu cầu nào khác ngoài những gì vợ tôi đã cho tôi.

- Sau cuốn hồi ký này, ông có dự định gì?

- Tôi cũng muốn coi đây là tác phẩm cuối cùng. Nên là cuối cùng. Nếu trời cho còn sức khỏe, có viết thêm cũng chỉ là lặp lại. Tuổi gần 70 rồi, chỉ có cái cũ dần đi, làm gì có cái mới lạ nữa.

(Theo Thể Thao Văn Hóa)

 

   

 

 

văn học  khảo luận


 




 


  29- Anton Chekhov : Bi hài kịch một đời người.                                                                                    Văn nghệ 
  30- H
ội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm mất Tchekhov.                                                               Đào Tuấn Ảnh 
  31- Khế ước của Tchekhov và Kafka .                                                                              Jennifer Tran, Amoz Oz 
  32- Bản dịch Tchekhov và giai đoạn giới thiệu văn học nước ngoài ở Hà Nội.                       Vương Trí Nhàn  
  33- Về Tchekhov và Shukshin.                         Nguyễn Kiều Diệp dịch                                   Alexey Varlamov 
  34- Nhà văn Nguyễn Khải: 'Tôi không thích làm người hùng'.                                             Thể Thao Văn Hóa 
  35-
'Tôi không sợ không có độc giả'.                                                                                             Võ Thị Xuân Hà
  36- Clinton ra hồi ký.                                                                                                                                         BBC

vhvt 11
Trang bìa chính