vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  bàn luận



 

 


Võ Thị Xuân Hà: 'Tôi không sợ không có độc giả'

 

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà.

Gặt hái nhiều giải thưởng của Hội nhà văn với thể loại truyện ngắn, nhưng mới đây, cây bút nữ Võ Thị Xuân Hà tìm những thể nghiệm mới trong tiểu thuyết. ''Ngày hôm qua'' và ''Tường thành'' là hai cuốn tiểu thuyết sắp ra mắt độc giả.

- Từ truyện ngắn chuyển sang viết tiểu thuyết, chị cảm thấy sự khác biệt giữa hai thể loại này như thế nào?

- Có thể nói, truyện ngắn như một lát cắt nhưng có khả năng khái quát cả một trường đoạn lớn. Khi viết tiểu thuyết, tôi thường phải mổ xẻ vấn đề với nhiều chi tiết nhỏ mà vẫn phải đảm bảo sự gắn kết giữa chúng.

- Với dung lượng lớn của hai cuốn tiểu thuyết , sức ám ảnh của nhân vật đối với chị thế nào?

- ám ảnh của nhân vật đối với người viết không như trước đây. Nhà văn không thể sống chết với nhân vật mà phải tự phân thân mình thành hai nửa. Tôi thường dành cho nhân vật của mình khoảng thời gian từ 10h đến 1-2h đêm. Những lúc ấy, dù là chồng con hay bất kể ai hỏi mình cũng gắt, vì tôi thực sự sống với nhân vật, hóa thân vào nó.

- Hình tượng người đàn bà trong các truyện ngắn của chị được xây dựng khá thành công và đa dạng, vậy mẫu phụ nữ chị hướng tới trong cuốn tiểu thuyết sắp tới là gì?

- Trong Ngày hôm qua, tôi xây dựng hai hình tượng người phụ nữ Huế. Một là người đàn bà trong chiến tranh, là nữ biệt động thành đẹp, giàu cảm xúc và cũng chịu nhiều thiệt thòi. Bên cạnh đó là Niêm, một cô gái thời hậu chiến nhưng phải gánh chịu mọi bất công của cha và mẹ (mẹ bị oan, cha là ác ôn).

- Dưới góc độ của người đọc, chị đánh giá gì về tình hình tiểu thuyết Việt Nam hiện nay?

- Tiểu thuyết Việt Nam vẫn đi theo lối mòn cổ điển, không đạt được những thành tựu như các tác phẩm trước đó. Nhưng nói thế không có nghĩa là các nhà văn không có tài. Tôi thấy những cây bút trẻ rất sung sức và táo bạo. Chỉ có điều do thời cuộc, nhiều cái mới nhà văn chưa đủ dũng cảm nêu lên hoặc có viết thì khi qua tay các nhà xuất bản, người viết cũng không có quyền quyết định hoàn toàn với “đứa con tinh thần”. Ngay cả tác phẩm của tôi, chỉ một truyện ngắn đã đăng trên báo nhưng đến Nhà xuất bản lại bị cắt xén nhiều cái mà mình tâm đắc.

- Trong thời điểm hiện nay, chị có ngại tiểu thuyết mình viết ra không “đắt khách”?

- Tôi không sợ không có độc giả. Nếu họ không có thời gian đọc tiểu thuyết, tôi sẽ viết những truyện có dung lượng vừa phải, khoảng dưới 400 trang. Những người yêu thích văn chương thực sự sẽ luôn dõi theo bước chân của chúng tôi. Nếu tôi in 1.000 cuốn mà bán ra được 500 cuốn đã là thắng lợi. Sợ mà không viết thì sẽ chẳng có tác phẩm hay.

- Chị từng nói nuôi ý định trở thành nhà văn để “phát ngôn” một cái gì đó, vậy qua trang viết chị muốn gửi gắm điều gì với độc giả?

- “Phát ngôn" thì có vẻ to tát quá. Tôi đến với văn chương như một định mệnh. Tôi yêu văn chương từ nhỏ, từng ôm ấp giấc mơ vào Tổng hợp Văn mà không thành. Làm giáo viên dạy Toán gần 10 năm, rồi làm báo…nhưng dù làm gì tôi vẫn tìm mình trong trang viết. Tôi viết vì chính bản thân mình,vì những gì mình bất bình, phẫn nộ. Những điều tôi muốn gửi gắm với độc giả chính là sự trải nghiệm chân thành nhất trong cuộc sống. Tôi không sống tất cả vì văn chương nhưng cũng không thể thiếu nó.

- Các nhà văn ở nước mình thường không sống được bằng nghề viết. Với chị thì sao?

- Tôi đã từng viết báo, mở hai ba quán cà-phê, nhưng đến nay thì đã tạm dừng. Tôi không muốn đắm đuối vào những việc mất quá nhiều thời gian. Hiện tại, tôi sống bằng nguồn viết là chủ yếu.

- Dự định sắp tới của chị?

- Sắp tới, tôi lại viết tiểu thuyết.  

Thu Hà thực hiện

 

   

 

 

văn học  khảo luận


 




 


  29- Anton Chekhov : Bi hài kịch một đời người.                                                                                    Văn nghệ 
  30- H
ội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm mất Tchekhov.                                                               Đào Tuấn Ảnh 
  31- Khế ước của Tchekhov và Kafka .                                                                              Jennifer Tran, Amoz Oz 
  32- Bản dịch Tchekhov và giai đoạn giới thiệu văn học nước ngoài ở Hà Nội.                       Vương Trí Nhàn  
  33- Về Tchekhov và Shukshin.                         Nguyễn Kiều Diệp dịch                                   Alexey Varlamov 
  34- Nhà văn Nguyễn Khải: 'Tôi không thích làm người hùng'.                                             Thể Thao Văn Hóa 
  35-
'Tôi không sợ không có độc giả'.                                                                                             Võ Thị Xuân Hà
  36- Clinton ra hồi ký.                                                                                                                                         BBC

vhvt 11
Trang bìa chính