vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  văn hóa thế giới



 

 

 

Clinton ra hồi ký
BBC

'Đời tôi' theo dự kiến sẽ đem lại cho ông Clinton tiền triệu


Sự kiện cựu tổng thống Bill Clinton xuất bản hồi ký được người ta gọi là sự kiện lớn của ngành xuất bản trong thập niên qua.

Dù quyển sách này không được các lời bình luận khen ngợi gì cho lắm nhưng người ta hầu như vẫn tin chắc rằng quyển hồi ký mang tên Đời Tôi sẽ trở thành quyển sách bán chạy.

Tính ra ông Bill Clinton rời Nhà Trắng đã được 3 năm rồi, nhưng cựu tổng thống vẫn còn nằm trong tâm điểm của những mối quan tâm của nước Mỹ. Quyển hồi ký mang tên Đời Tôi trước ngày chính thức bày bán đã bị giới phê bình chỉ trích nặng nề.

Tờ the New York Times có bài phê bình nói quyển này là thiếu hệ thống, luộm thuộm, và hết sức tẻ nhạt.

Thế nhưng chỉ riêng số sách mà người ta đặt mua trước đã lên đến trên 2 triệu bản và tất cả các chỉ dấu hiện cho thấy quyển sách này sẽ lọt vào danh sách bán chạy nhất.

Giới xuất bản nói quyển sách là quyển hồi ký nhiều tâm sự nhất trong các đời tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, nhóm độc giả hứa hẹn nhất thì lại đặc biệt chú ý đến những tâm sự của ông Bill Clinton về chuyện đời tư bị soi mói qua vụ Monica Lewinsky.

Cựu tổng thống nói cái ngày mà ông thú nhận chuyện đó với vợ là ngày tồi tệ nhất trong đời ông.

Trong bài phỏng vấn vừa mới dành cho đài BBC mà kế hoạch là sẽ phát vào tối thứ Ba, ông Bill Clinton có giới thiệu qua về đoạn này.

Ông nói ''Tôi đã tìm cách lý giải câu chuyện. Khi đó câu chuyện xảy ra trong một hoàn cảnh mà những người sống trong nhiều vai trò dễ bị tổn thương.''

''Chuyện xảy ra trong bối cảnh mà tôi đang tức giận, tôi bị stress, và tôi sợ bị thua trong cuộc đấu với Quốc hội thuộc phe Cộng hòa.''

''Và như tôi đã nói, tức là tôi đang ở trong tình trạng một mất một còn vì tương lai của đất nước, và đồng thời cũng ở trong cuộc chiến với dục vọng của bản thân.''

''Và tôi đã thắng cuộc chiến bên ngoài nhưng thua cuộc chiến bên trong. Và khi đó thì Starr đã đưa cuộc sống riêng trở thành chuyện công luận và pháp lý.''

Trong quyển sách ông Clinton còn nhắc đến cả những vấn đề khác. Về mặt chính trị ông ủng hộ cuộc chiến của tổng thống Bush ở Iraq, nhưng cho rằng các thanh tra viên về vũ khí của Liên Hiệp Quốc cần có thêm thời gian để hoàn tất nhiệm vụ.

Trong số những điều tiếc nuối lớn nhất của cựu tổng thống có hai chuyện. Thứ nhất là không kết thúc được xung đột giữa Palestin và Israel, còn thứ hai là không giết được Osama bin Laden

 

Phần hai cuộc phỏng vấn với Bill Clinton

Cựu tổng thống Bill Clinton vẫn suy nghĩ nhiều về những điều ông đã làm, chưa làm và có thể làm trước khi rời Tòa Bạch Ốc để ngăn nạn khủng bố quốc tế.

Ông cũng nói với nhà báo BBC David Dimbleby về tình bạn với thủ tướng Anh Tony Blair và khó khăn của Tony Blair khi cuộc chiến Iraq nổ ra.

Quan điểm của Bill Clinton về Iraq được ông trình bày trong cuộc phỏng vấn với BBC Panorama phát ngày 22.06.2004 ở Anh cũng khác so với quan điểm của chính quyền tổng thống Bush.

Khủng bố và Iraq

BBC: Những người chỉ trích ông nói ông đã không ưu tiên cao cuộc chiến chống khủng bố và giả sử nếu tất cả chúng ta biết về nạn khủng bố như hiện nay thì liệu hồi đó ông có hoạt động mạnh mẽ hơn không?

Clinton: Phê phán rằng tôi không ưu tiên cho vấn đề đó là một cách nói không công bằng. Tôi đã trình ra Hạ viện luật chống khủng bố ngay trong năm 1994, sau vụ tấn công khủng bố ở Oklahoma City, tôi đã tăng sức mạnh cho luật đó và phải mất một năm để nó được Hạ viên thông qua. Nếu ông trở lại năm 93 thì ông thấy ngay rằng chúng tôi đã ngăn ngừa được những vụ khủng bố như ở toà nhà của Liên Hiệp Quốc, ở sân bay Los Angeles, ở Holland Tunnel và Lincoln Tunnel. Chúng tôi đã diệt được các âm mưu khủng bố năm Thiên niên kỷ khi chúng định tấn công người Mỹ và các cơ sở của Hoa Kỳ ở Trung Đông. Chúng tôi đã diệt cả thẩy 20 chi bộ Al Qaeda. Tôi còn đã sắp bắt được Osama Bin Laden trong một vụ không kích năm 1998. Câu hỏi khi đó chỉ là liệu nước Mỹ có cần xâm lăng Afghanistan trên cơ sở các tòa đại sứ ở châu Phi bị đánh bom hay không? Tôi nghĩ là không.

BBC: Tại sao không?

Clinton: Về mặt lý thuyết thì chúng tôi có thể làm việc đó, nhưng như thế là đánh Afghanistan một cách đơn độc. Các nước khác sẽ nghĩ người Mỹ bị điên. Tất nhiên, tôi đã có thể làm nhiều hơn, mạnh hơn sau vụ tàu USS Cole bị tấn công, nếu…xin nhắc là có một chữ nếu lớn ở đây. Nếu các cơ quan tình báo CIA và cả FBI đồng ý với tôi, ngay cả khi nhiệm kỳ của tôi đã gần hết, rằng Bin Laden và Al Qaeda đứng đằng sau vụ đánh chiến hạm USS Cole, thì tôi đã làm mạnh hơn. Nhưng các cơ quan an ninh và tình báo đó vẫn chưa xác nhận chuyện đó kể cả sau khi tôi đã rời Tòa Bạch Ốc.

Còn trước câu hỏi nếu vụ tấn công hồi ấy bắt được Bin Laden thì liệu có xảy ra vụ ngày 11.09 hay không thì tôi không biết trả lời thế nào. Tôi phải nhắc rằng nước Mỹ có mặt ở Afghanistan đã lâu nay rồi mà vẫn chưa làm được điều ấy. Ông hãy tin tôi đi, tôi đã và đang suy nghĩ rất nhiều về chuyện này.

Khác biệt về cách nhìn Iraq

BBC: Có sự khác biệt rất lớn giữa ông và đương kim tổng thống về vấn đề Iraq và Saddam Hussein. Liệu tôi có đúng không khi nói rằng tin vào chính sách ngăn chặn Saddam chứ không phải là tấn công?

Clinton: Đó chính là đường lối của chính phủ Bush trước.

BBC: Và cũng là đường lối của thời ông làm tổng thống.

Clinton: Đúng thế. Trong phần lớn thời gian tôi cầm quyền thì ý tưởng chung là sức mạnh quân sự của Saddam chỉ còn chưa đầy một nửa thời gian Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Điều này hoàn toàn đúng, căn cứ vào mọi số liệu hiện nay. Và trong khi đó, các nhóm thanh tra vũ khí vẫn ra vào Iraq, vẫn làm việc có ít nhiều tiến bộ. Chúng ta tìm thấy được vũ khí sinh hoá, các phòng thí nghiệm. Và dù Saddam không phải là kẻ lương thiện gì, nhưng y ngày càng cao tuổi, và chừng nào chúng ta ngăn không cho y tái thiết sức mạnh quân sự và chừng nào lệnh cấm vận vẫn còn đó thì cuối cùng chúng ta cũng sẽ có được một sự thay đổi ở Iraq.

Nhưng đến năm 98 khi Saddam tống cổ các thanh tra viên vũ khí khỏi Iraq để ép chúng tôi bỏ cấm vận thì tôi và thủ tướng Tony Blair đã cho ném bom Iraq. Trong bốn ngày liền, chúng tôi dội bom vào các vị trí chúng tôi nghĩ là có nguyên liệu để làm vũ khí hóa sinh. Nhưng vì các thanh tra viên đã không vào lại Iraq được nữa nên không biết các vụ oanh kích phá được cái gì, phá tất cả, một nửa, 10% hay chẳng được gì.

Vì thế, khi tổng thống Bush trở lại Liên Hiệp Quốc sau vụ 11.09 và yêu cầu để các thanh tra vũ khí trở lại Iraq thì tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định đó. Khi tổng thống Bush yêu cầu Thượng viện ủy quyền cho việc dùng vũ lực nếu Saddam không chịu cộng tác với các thanh tra vũ khí, tôi cũng hoàn toàn ủng hộ.

Nhưng sự khác biệt giữa tôi và những người khác là tôi chấp nhận một chính sách đưa đến sự thay đổi chế độ ở Iraq, vì tôi biết không thể nào làm ăn với thằng cha Saddam được. Nhưng điều đó không phải là đưa quân xâm lăng nước Iraq. Chúng ta cần ủng hộ phe đối lập tích cực, chờ cho đến khi họ có một lãnh tụ mới. Vì thế, chính sách của tôi không khác gì cho đến khi quyết định đánh Iraq được đưa ra, trước cả khi các thanh tra vũ khí LHQ hoàn tất công việc. Tôi đánh giá rất cao Hans Blix. Ông ấy là một người cứng rắn đối với Saddam và nói rất thẳng khi phía Iraq không chịu cộng tác. Tôi đã nghĩ là chúng ta vẫn có một cơ hội để hoàn tất công việc thanh tra.

Ngoài ra, tôi cũng luôn nghĩ Bin Laden và Al Qaeda nguy hiểm hơn rất nhiều so với Saddam, nguy hiểm hơn hẳn. Ngay từ những ngày đầu tôi đã lo là chúng ta không có đủ quân ở Afghanistan và rằng cần phải tăng sức mạnh cho chính quyền của tổng thống Karzai, ngăn không cho các lãnh chúa địa phương chuyên trồng thuốc phiện phục hồi sức mạnh của họ. Đó là điểm làm tôi khác người khác.

BBC: Tức là ông muốn nói ông chống lại việc xâm lăng Iraq?

Clinton: Tôi chỉ muốn nói rằng tôi sẽ ủng hộ việc đánh Iraq kể cả có một nghị quyết Liên Hiệp Quốc hay không nếu các thanh tra vũ khí LHQ thực sự đã hoàn thành công việc tìm kiếm và Hans Blix nói rằng người Iraq không chịu hợp tác. Toàn bộ vấn đề là ở chỗ chúng ta hoạt động trong khuôn khổ nghị quyết của LHQ về thanh tra vũ khí tại Iraq. Vì thế tôi tin rằng cần phải để các thanh tra hoàn tất công việc cuả họ trước đã.

Còn nay thì nước Mỹ đã ở vào tình hình như thế này. Vâng, ông biết đó, tôi trước hết là một người Mỹ, tôi tin rằng khi một giai đoạn đã qua đi, thì nay cần phải tiến đến chỗ quốc tế hóa vấn đề. Cuối cùng thì việc quốc tế hóa đề tài Iraq cũng được làm. Nay chúng ta đã có một nghị quyết mới của LHQ và tất cả đi vào hướng đi đúng dù chúng ta còn rất nhiều điều khó khăn trước mắt.

Tình bạn với Tony Blair

BBC: Có tin nói rằng ông đã sang Anh thăm thủ tướng Tony Blair một cách kín đáo trước khi xảy ra cuộc xâm lăng Iraq. Điều đó có đúng không? Có phải là ông đã thúc dục Tony Blair ủng hộ tổng thống Bush?

Clinton: Ồ, à…tôi không…ông hỏi thế thì tôi cũng không rõ phải nói chính xác là ngày nào tôi đến khu nhà nghỉ Checquers của Tony Blair…và có phải là đúng vào thời gian đánh Iraq…Tôi đã sang đó vài ba lần kể từ khi rời nhiệm sở. Tôi và Tony Blair nay vẫn là bạn của nhau mà. Hillary và Cherie Blair cũng vậy. Tôi đã thúc giục Tony hãy cộng tác nhiệt tình với chính quyền Bush vì tôi nghĩ quan hệ Anh Mỹ quan trọng hơn cả tình cảm riêng và quan hệ giữa các đảng chính trị.

BBC: Nhưng có phải ông đã chia sẻ cả những nghi ngờ về cuộc tấn công Iraq mà không có sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc?

Clinton: Hừm, tôi đã…Vấn đề của Tony Blair là một vấn đề độc nhất vô nhị ở châu Âu. Đó là lý do tôi đã đến dự đại hội của đảng Lao Động Anh ở Blackpool để bảo vệ Blair. Nước Anh là cây cầu nối châu Âu với Hoa Kỳ nhưng khi nước Mỹ ngả về cánh hữu sau cuộc bầu cử năm 2000 thì không còn nước nào khác ngoài Anh phải tiếp tục đóng vai trò cầu nối đó.

Tôi và Tony Blair đồng ý rằng cần phải buộc Iraq mở cửa cho thanh tra vũ khí LHQ vào làm việc và chỉ tấn công khi Saddam ngăn cản các thanh tra làm việc. Nhưng chính quyền Bush thì nghĩ cần phải tấn công bất kể là có tìm thấy vũ khí hay không. Còn các nước châu Âu khác thì lại nghĩ dù có tìm thấy vũ khí đi nữa thì cứ để Saddam yên vì y chẳng làm hại gì cho ai cả. Và rằng châu Âu chỉ cần giúp Hoa Kỳ ở Afghanistan là đủ rồi. Như thế, trong ba loại quan điểm như vậy thì cuối cùng Blair bị kẹt một mình, với quan điểm mà tôi chia sẻ, kẹt ở giữa châu Âu và Hoa Kỳ.

Vị thế của Blair thật khó khăn. Tony Blair hoặc phải ngả về phía Hoa Kỳ dù không hoàn toàn đồng ý với Bush hoặc phải theo châu Âu dù không hoàn toàn đồng ý với châu Âu. Khó lắm chứ nhưng tôi nghĩ Tony Blair đã chọn con đường tiếp tục dấn thân, tiếp tục tham gia để giữ Mỹ và châu Âu gần lại với nhau.

BBC: Nhưng giả sử đó là ông chứ không phải Bush, hoặc Al Gore trong Nhà Trắng thì mọi sự sẽ thế nào? Sẽ có tấn công Iraq vô điều kiện không?

Clinton: Không. Sẽ không có. Nhưng chúng tôi cũng có thể sẽ phải xâm lăng Iraq, điều đó tùy thuộc vào chuyện thanh tra vũ khí. Nhưng tôi không nghĩ rằng Saddam là một mối nguy hiểm lớn như Bin Laden hay Al Qaeda.

Phần một cuộc phỏng vấn Bill Clinton

Trong cuộc phỏng vấn với chương trình truyền hình Panorama của BBC ngày 22.06.2004, cựu tổng thống Bill Clinton đã nói với nhà báo David Dimbleby về cuộc đời mình nhân việc cuốn sách Đời Tôi của ông ra mắt.

 

Gia đình Clinton có lúc tưởng như tan vỡ vì bê bối tình dục của ông Bill Clinton

Hai cuộc sống song hành

Câu hỏi đầu tiên của David Dimbleby là khi viết về hai cuộc sống song hành (two parallel lives) Bill Clinton muốn nói đến điều gì?

Clinton: Trong cuốn sách tôi đã nói về thời thơ ấu trong một gia đình có người nát rượu, có các vụ đánh nhau, cãi lộn, có bạo lực. Và tôi nhìn cảnh sống của mẹ tôi và hiểu từ hồi đó là không ai đem những chuyện trong nhà ra kể ngoài đường, mà đành phải sống với các vấn đề ấy, rồi vẫn phải tìm cách niềm vui trong đời. Vì thế, tôi đã quen với cách sống có hai cảnh như vậy. Một là cuộc sống ta trình bày ra bên ngoài, một là ta tự giữ cho bản thân bên trong, dù nó đâu đớn.

BBC: Nhưng cũng có không ít người gặp vấn đề gia đình, riêng tư mà người ta gọi là cách sống riêng bên cạnh cách sống thể hiện ra bên ngoài nhưng ông dùng từ ‘hai cuộc sống song hành’, tôi không hiểu ông làm sao có thể sống một lúc hai cuộc sống được, mà có khi đi đến chỗ̃ không có cuộc sống nào ra gì cả.

Clinton: Đúng thế, không thể sống một lúc hai cuộc đời được. Mà hai cuộc sống này cuối cùng thì nó nhập làm một, chúng va đập vào nhau…

BBC: Ông cũng nói đến sự tức giận, rằng ông luôn cảm thấy một nỗi tức giận. Trông ông không có vẻ là một người dễ tức giận và nổi cáu. Vậy điều gì làm ông tức giận?

Clinton: Đúng là về bản chất tôi không phải là người dễ giận. Nhưng tôi cảm thấy tức giận vì từng phải sống trong căn nhà có bạo lực…

BBC: Ý ông nói đến người bố dượng.

Clinton: Vâng.

BBC: Ông cũng nói trong hồi ký về hai điều: tính vị kỷ và tính vô tư. Ông viết rằng ông ghét tính vị kỷ nhưng ngày nào soi gương ông cũng thấy nó hiện lên trên mặt mình? Vị kỷ có phải đã làm một phần của sự nghiệp chính trị ông theo đuổi, vì làm chính trị thì phải có tham vọng v.v.?

Clinton: Cuộc sống của tôi vừa mang tính vị kỷ, vừa vô tư, vì người khác. Tôi đã nhận được của người khác nhiều hơn những gì tôi có thể đền đáp. Có lẽ tôi là tổng thống Hoa Kỳ duy nhất trúng cử nhờ sự ủng hộ, lòng trung thành và quyết tâm của bạn bè, của những người đã không ̣để cho cuộc vận động tranh cử hồi ấy bị hụt hơi. Ý tôi muốn nói rằng cuộc đời là một thứ hòa trộn của tính vị kỷ và sự hy sinh cho người khác. Và ta luôn phải đấu tranh để phần thiện lấn át phần xấu, phần ác.

Vụ Monica Lewinsky

BBC: Trước khi lên làm tổng thống ông đã nói rằng những kẻ thù của ông trong đảng Cộng Hòa sẽ tìm mọi cách để tiêu diệt ông, ông biết như vậy. Vậy mà khi vụ Monica Lewinsky xảy ra thì rõ ràng là ông đã trao cho kẻ thù của mình một món quà?

Clinton: Ông hãy để tôi giải thích. Khi sống hai cuộc sống song hành thì người ta dễ sơ hở. Vụ đó xảy ra khi tôi ở vào tình trạng tức giận, bị mệt mỏi tinh thần và sống trong nỗi sợ là tôi có thể thua phe Cộng Hòa đang làm chủ Hạ Viện. Như tôi đã nói, đó là cuộc chiến vô cùng quan trọng vì tương lai của nước Mỹ, và tôi đã thắng trong cuộc chiến vì sự nghiệp chung nhưng đã thua trong cuộc chiến vì đời sống riêng tư. Sau đó Kenneth Starr đã biến vụ việc riêng tư ấy thành một cuộc chiến mang tính hiến pháp, mang tính pháp lý và chính trị-xã hội.

BBC: Ông nghĩ là công tố viên Kenneth Starr đã sai lầm khi làm chuyện đó?

Clinton: Rõ ràng là thế. Những gì ông ta và những kẻ ủng hộ ông ta làm khi ấy là rất nguy hiểm.

BBC: Ông giải thích căn nguyên câu chuyện mà ông nghĩ rằng nó chỉ là việc riêng tư nhưng bị biến thành chuyện cho cả nước biết, nhưng điều đến nay người ta vẫn còn không hiểu là khi ông nói rằng ông không hề có quan hệ tình dục với Monica Lewinsy thì ông có thực sự tin như vậy hay không? Và có đúng là ông cho rằng khẩu dâm không phải là quan hệ tình dục?

Clinton: Tôi không bao giờ tranh luận về những gì đã xảy ra hay chưa từng xảy ra, và vì thế ông chỉ có được một bên của câu chuyện về điều gì đã xảy ra. Và thứ nhì, ông có biết bản hướng dẫn người ta trao cho tôi không?

BBC: Bản hướng dẫn nào?

Clinton: Tôi đã trả lời Hội đồng Bồi thẩm khác với khi bị đưa ra chất vấn công khai. Họ đã đưa cho tôi bản hướng dẫn các luật sư của đảng Cộng Hòa soạn với một định nghĩa vô cùng quái gở về quan hệ tình dục. Họ hứa nhờ đó sẽ giải thoát cho tôi khỏi bị mất mặt. Sau đó, chính luật sư của tôi và bản thân tôi nữa, đã hỏi lại các luật sư đó rằng họ có định hỏi tôi một câu hỏi cụ thể nào không thì họ nói là không. Sau đó họ lại nói rằng tôi khai gian khi ra chất vấn công khai vì tôi đã trả lời ‘không’ trước định nghĩa sai lạc của họ về quan hệ tình dục mà chính họ đưa cho tôi trước đó. Vì thế cho đến hôm nay tôi vẫn tin rằng câu trả lời của tôi là đúng.

BBC: Như vậy ông chưa bao giờ nói là ông có chuyện thực hiện khẩu dâm với Monica Lewinsly hay cô ta đã làm thế cho ông?

Clinton: Tôi chưa từng trả lời điều này bằng cách này hay cách khác...Tất cả những điều họ làm là lừa đảo, cả chuyện họ đưa Kenneth Starr vào cuộc nữa, tất cả đều vì lý do chính trị. Họ muốn phá hoại Hiến pháp và đời sống chính trị và tương lai nước Mỹ. Và tôi đã chống lại họ.

BBC: Nhưng ông đã nói dối vợ về chuyện với Lewinsky?

Clinton: Tôi đã không nói thật với vợ, tôi đã không nói thật với mọi người. Nhưng tôi đã bị gài bẫy và khi Kenneth Starr vào cuộc nữa thì tôi quyết định không thể để cho họ chiến thắng được, không thể để cho lỗi lầm cá nhân của tôi khiến những kẻ đó thắng cuộc. Và tôi phải chiến đấu với chúng.

(Giận dữ) Chính những người như ông đã giúp phe cựu hữu vì các vị chỉ thích làm hại người khác. Hãy nhìn xem chúng ta đang nói chuyện về cái gì? Là nhà báo mà ông chỉ quan tâm đến mỗi một chuyện đó thôi à, các vị chỉ quan tâm đến chuyện người khác xấu xa ra sao, người ta suy đồi cá nhân ra sao.

Ông chia thời gian cho cuộc phỏng vấn như thế này thì ông phải chịu trách nhiệm về nó. Sao ông không tỏ ra quan tâm hơn đến chuyện bao nhiêu người Bosnia được cứu sống, hay chuyện Kosovo, hay có thêm 27 triệu người Mỹ có việc làm, và rằng thời tôi làm tổng thống vô số người được cứu thoát khỏi nghèo khổ so với thời Reagan và Bush cha. Đó mới là điều tôi quan tâm.

BBC: (Giọng bình thản) Tất nhiên tôi không muốn hỏi mãi về vụ Monica Lewinsky và sẽ hỏi về những chuyện khác.

Clinton: Vậy thì hãy chấm dứt chuyện này đi.

BBC: Vào đúng khi xảy ra vụ Lewinsky thì ông cũng phải đối mặt với Al Qaeda? Tức là hai cuộc đánh bom sứ quán Hoa Kỳ ở châu Phi…Và trong hồi ký ông viết cùng thời gian ấy ông phải cố gắng van xin vợ tha thứ cho chuyện riêng tư.

Điều đó đúng. Tôi đã bị cho ra ngủ ngoài ghế dài ở phòng khách. Nhưng dù sao tôi cũng vui vì như thế cả vợ và con gái chưa đuổi mình ra khỏi nhà (cười).

 

Phần ba cuộc phỏng vấn với Bill Clinton

Cựu tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton vẫn còn suy nghĩ về những điều đáng ra ông có thể làm

Trong cuộc nói chuyện với nhà báo BBC David Dimbleby, cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton tỏ ý tiếc đã không làm được hơn để cứu Rwanda.

Ông cũng chia sẻ ý kiến về chính trị toàn cầu và vai trò của Hoa Kỳ trong một thế giới ông cho là ngày càng phụ thuộc lẫn nhau và vì thế hoạt động đơn phương là không hiệu quả.

Quyền lực Hoa Kỳ

BBC: Trở lại thời thập niên 60, thời của cuộc chiến Việt Nam thì thượng nghị sỹ Fulbright đã nói về quyền lực của nước Mỹ rằng: “Những quốc gia nào kiêu ngạo với quyền lực của mình và theo đuổi chính sách ngoại giao cắm rễ trong cơn say mê truyền giáo thì sẽ gặp nhiều vấn đề”. Ông có nghĩ rằng đó là điều đang xảy ra với Hoa Kỳ ở Iraq không?

Clinton: Tôi tin là mọi người Mỹ đều cảm thấy một ít niềm nhiệt tâm tôn giáo sau vụ 11 tháng Chín và tôi nghĩ các nước khác có thể tha thứ ít nhiều cho người Mỹ về điều này. Nhưng quan điểm của tôi là chúng ta đang sống trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau. Trên toàn cầu đang có những điều xấu và điều tốt cùng xảy ra, và đối với đa số các vấn đề gặp phải thì không ai có thể tự mình giải quyết được. Các giải pháp đơn cực sẽ không có hiệu quả.

Trong môi trường có cả những đối thủ hiện thời và những đối thủ tiềm tàng mà ta lại muốn tự ra tay giải quyết tất cả trong một lúc, và muốn làm gì ta muốn thì không thể nào được. Ta phải tự hỏi mình xem chuyện giết, chiếm đóng hay bắt giam tất cả những kẻ thù của mình có khả thi hay không. Câu trả lời là không.

Đối mặt với nguy cơ khủng bố thì ta cần hai thứ. Một là cần đồng minh, hay là cần có giải pháp chính trị. Vì thế, tôi không tin là việc không ký công ước thay đổi khí hậu hay vụ toà án hình sự quốc tế là đúng. Tôi có cách phân tích và nhìn nhận vấn đề khác xa nhiều nhân vật trong ̣đảng Cộng Hòa.

BBC: Vai trò của tổng thống là xác định vị trí của nước Mỹ trên thế giới. Ông cũng nói rằng suốt thời gian tại chức ông luôn phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng. Vậy ông có đồng ý rằng cách nước Mỹ giải quyết khủng hoảng là không nhất quán? Ví dụ ông đã chấp nhận ném bom để cứu Kosovo nhưng lại không sẵn sàng động tay để cứu Rwanda, nơi tới 800 nghìn người bị giết trong một cuộc diệt chủng?

Clinton: Tôi đành phải đồng ý là ở một chừng mực nào đó thì cách đáp lại những thách thức là không nhất quán. Nhưng tôi không đồng ý với cách mô tả vừa rồi. Ta phải nhớ rằng ở giai đoạn cuối của Chiến Tranh Lạnh thì thế giới hai cực không còn nữa. Và chúng ta phải tự tìm hiểu xem cần phải làm gì đây. Khi ấy, tôi muốn nước Mỹ trở thành lực lượng dẫn đầu thế giới vì hòa bình, tự do, an ninh và thịnh vượng. Nước Mỹ cần giúp để các nước khác hội nhập một cách hiệu quả hơn vào cộng đồng quốc tế.

Nhưng cùng lúc thì Hoa Kỳ cũng bị ràng buộc bởi các trách nhiệm thừa hưởng từ trước. Ví dụ như Hoa Kỳ đã không vào Bosnia nhanh như tôi muốn nhưng đó là vì các đồng minh châu Âu ngần ngừ. Khi ấy tôi đã cố gắng làm hai việc một lúc, một là chấm dứt các vụ giết chóc hàng loạt ở Bosnia, mặt khác lại cố thúc đẩy sự hội nhập và liên kết của các nước châu Âu, tăng cường quan hệ đối tác giữa châu Âu và Mỹ. Phải mất khá nhiều thời gian các việc đó mới hoàn tất và trong thời gian đó thì đã có nhiều người bị giết. Nhưng số người bị giết ở Bosnia đã giảm đáng kể, kể cả trước khi chúng ta ném bom nhằm thúc đẩy đàm phán hòa bình.

Còn tại Kosovo thì tất cả các đồng minh châu Âu đã sẵn sàng ngay từ đầu. Và tôi cũjg phải nói rằng vụ ném bom ở Kosovo kjg phải là chiến dịch của Mỹ. Người châu Âu biết Milosevic là kẻ như thế nào, và họ đã vào cuộc nhanh chóng để chấm dứt Milosevic. Còn tại Bắc Ailen, điều tôi làm ban đầu đã gây nhiều tranh cãi ở nước Anh nhưng cuối cùng thì ai cũng đã rõ, kết quả ra sao. Tôi đã vận động được kiều dân Ailen ở Mỹ tạo đà cho tiến trình hòa bình.

Còn tại Rwanda, tôi nói ở đây như đã nói nhiều lần trước, đó là chuyện tôi hối tiếc vô cùng. Nhưng cũng phải thẳng thẳn rằng nhìn lại thời gian ấy, sao mà tôi có thể biết được bảy tới tám trăm nghìn người có thể bị giết bằng mã tấu trong vòng 90 ngày. Thảm sát như thế là chuyện chưa từng xảy ra với nhân loại.

BBC: Nhưng Hội chữ Thập Đỏ đã khuyến cáo từ trước rồi cơ mà?

Clinton: Họ khuyến cáo và khuyến cáo rất đúng. Nhưng phải nói rằng thất bại của chúng ta là đã không chú ý đến diễn biến tại Rwanda đúng mức. Cuối cùng thì chúng ta cũng vào các trại tỵ nạn, cứu được nhiều người nhưng đúng là đáng ra chúng ta có thể cứu được nhiều hơn nữa.

Ông Bill Clinton viết gì về chuyến đi Việt Nam?

Cựu tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton

Ông Bill Clinton thăm Việt Nam năm 2000

Ngày 16-11-2000, ông Bill Clinton trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Việt Nam kể từ năm 1975.

Trong hồi ký 'My Life' mới phát hành, ông Bill Clinton viết về chuyến đi này như sau:

Sau chuyến đi Brunei, Chelsea và tôi đến Việt Nam cho một chuyến thăm lịch sử đến Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh (Sài Gòn cũ), và một địa điểm nơi người Việt Nam hợp tác cùng người Mỹ để tìm kiếm thi thể của những công dân Mỹ vẫn được xem là người mất tích trong chiến tranh. Hillary cùng tham gia với chúng tôi sau chuyến bay từ Israel, nơi cô ấy tham dự lễ tang của bà Leah Rabin.

Ông Bill Clinton thăm Việt Nam năm 2000

Chuyến thăm diễn ra khi ông Bill Clinton sắp mãn nhiệm

Tôi đã gặp tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch ủy ban nhân dân TP. HCM. Chức vụ càng cao, có vẻ như nhà lãnh đạo càng mang ngôn ngữ của một đảng viên Cộng sản kiểu cũ. Nhà lãnh đạo Đảng, ông Lê Khả Phiêu, cố gắng dùng sự phản đối cuộc chiến Việt Nam của tôi để lên án những gì mà Hoa Kỳ đã làm là hành động đế quốc. Tôi giận dữ vì điều ấy, đặc biệt bởi vì ông ấy nói ra điều đó trước mặt vị đại sứ của chúng tôi, Pete Peterson, người đã là tù binh chiến tranh. Tôi nói thẳng với nhà lãnh đạo rằng mặc dù tôi không đồng ý với chính sách Việt Nam của chính phủ Mỹ, nhưng những người theo đuổi chính sách đó không phải là đế quốc hay thực dân, mà là những người tốt tin rằng họ đang chiến đấu chống chủ nghĩa cộng sản. Tôi chỉ vào Pete và nói ông ấy đã không trải qua sáu năm rưỡi trong nhà tù có tên Hà Nội Hilton vì ông ấy muốn đô hộ Việt Nam. Chúng tôi đã mở ra một trang mới với quan hệ bình thường hóa, thỏa thuận thương mại, và hợp tác song phương về vấn đề MIA; giờ không phải là lúc khơi lại những vết thương cũ. Vị chủ tịch nước, Trần Đức Lương, chỉ ít giáo điều hơn một chút.

Thủ tướng Phan Văn Khải và tôi đã thiết lập quan hệ tốt tại các cuộc họp APEC; một năm trước đó, ông ấy bảo tôi là ông cảm kích sự phản đối của tôi đối với cuộc chiến. Khi tôi nói là những người Mỹ không đồng ý với tôi và ủng hộ chiến tranh vẫn là người tốt và muốn tự do cho người Việt, ông ấy trả lời: “Tôi biết.” Ông Khải quan tâm đến tương lai và hi vọng Hoa Kỳ sẽ trợ giúp Việt Nam trong việc chăm sóc nạn nhân chất độc da cam và phát triển kinh tế. Viên chủ tịch ủy ban nhân dân TP. HCM, Võ Viết Thanh, nói chuyện như mọi viên thị trưởng Mỹ xông xáo mà tôi biết. Ông ấy khoe về việc cân bằng ngân sách, giảm biên chế, và nỗ lực để có thêm đầu tư nước ngoài. Bên cạnh các quan chức, tôi đã bắt tay với một đám đông gồm những người thân thiện đã tụ tập chào đón chúng tôi sau một buổi ăn trưa tại một nhà hàng địa phương. Họ muốn xây dựng một tương lai chung.

Chuyến đi đến địa điểm MIA (Người Mỹ mất tích) là một trải nghiệm không ai trong chúng tôi quên được. Tôi hồi tưởng về những người bạn học trung học đã chết ở Việt Nam, và về người đàn ông tôi đã giúp đỡ khi tôi ở Moscow năm 1970, người lúc đó đi tìm thông tin về con trai mất tích của mình. Những người Mỹ làm việc chung với người Việt Nam tin tưởng, dựa trên thông tin từ người dân địa phương, là một phi công mất tích, trung tá Lawrence Evert, đã rơi máy bay ở đây hơn 30 năm trước. Những người con giờ đã lớn của ông đi theo chúng tôi đến địa điểm. Ngập trong bùn sâu đến đầu gối cùng những người Việt Nam, những người lính của chúng tôi xẻ bùn thành những tảng lớn, đưa đến một kho gần đó và lọc nó. Họ trước đó đã tìm thấy một phần chiếc máy bay và bộ đồng phục, và sắp có thể xác định danh tính. Công việc được giám sát bởi một nhà khảo cổ học người Mỹ, một người cũng là cựu binh chiến tranh Việt Nam. Ông ấy nói đây là cuộc đào bới nhiều kết quả nhất trên thế giới. Sự cẩn trọng và chi tiết của công việc của họ thật đáng phục, cũng giống như nỗ lực giúp đỡ của người Việt Nam. Không lâu sau đó, gia đình Evert tìm thấy người cha của họ.

Tạp chí Tư duy Thế kỷ phát đi ngày 18-7-2004, với hai khách mời là ông Đỗ Ngọc Yến và Bùi Văn Phú, bình luận về hồi ký của cựu tổng thống Bill Clinton.

 

   

 

 

văn học  khảo luận


 




 


  29- Anton Chekhov : Bi hài kịch một đời người.                                                                                    Văn nghệ 
  30- H
ội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm mất Tchekhov.                                                               Đào Tuấn Ảnh 
  31- Khế ước của Tchekhov và Kafka .                                                                              Jennifer Tran, Amoz Oz 
  32- Bản dịch Tchekhov và giai đoạn giới thiệu văn học nước ngoài ở Hà Nội.                       Vương Trí Nhàn  
  33- Về Tchekhov và Shukshin.                         Nguyễn Kiều Diệp dịch                                   Alexey Varlamov 
  34- Nhà văn Nguyễn Khải: 'Tôi không thích làm người hùng'.                                             Thể Thao Văn Hóa 
  35-
'Tôi không sợ không có độc giả'.                                                                                             Võ Thị Xuân Hà
  36- Clinton ra hồi ký.                                                                                                                                         BBC

vhvt 11
Trang bìa chính