vhvt |
tự do tư tưởng và sáng tạo |
văn hóa thế giới |
|
Jennifer Tran, Amoz Oz moz Oz *, trên báo Partisan Review, số Mùa Xuân 1999, khi đặt song song hai truyện ngắn, một của Tchekhov (Cây vĩ cầm của Rothschild) và một của Kafka (Y sĩ đồng quê), đã giải thích: thế giới truyện Tchekhov - trải ra bằng những nhận xét chi li mang tính xã hội, bằng nỗi sầu miên man, và bằng sự diễu cợt vị tha, cảm thông - lẽ dĩ nhiên thật khác biệt với thế giới ác mộng của Kafka, nhưng cái khế ước mở đầu hai truyện ngắn lại giống nhau: nó đều làm độc giả lầm đường.
Ngay cái tên truyện, "Cây vĩ cầm của Rothschild" (xuất bản lần đầu năm 1894), làm cho độc giả lạc đường 4 lần: Nhân vật Rothschild ở trong truyện không phải là nhà hảo tâm nổi tiếng. Ông ta không phải là một người chơi đàn vĩ cầm. Vĩ cầm không thuộc về ông ta, cho tới mãi gần cuối truyện. Ông ta cũng không phải là nhân vật chính, mà là phụ, một người thổi sáo trong những đám cưới nghèo, một người Do Thái khốn khổ. Cây vĩ cầm ở tên truyện, thực ra là của một tay Yakov Ivanov, được mọi người gọi bằng biệt hiệu đường phố, Đồng (Bronze). Một ông già thù hận người Do Thái, tầm thường, vô tim, sống bằng nghề làm quan tài, và đôi khi, vì một vài đồng copec, chơi vĩ cầm trong những đám cưới cùng với đám nhạc sĩ rách rưới Do Thái. Người ta có thể nhận ra sự tương đồng giữa đoạn mở đầu "Cây vĩ cầm" của Tchekhov với "Y sĩ Đồng quê" của Kafka: giả thuyết ban đầu, trong cả hai, bị bác bỏ, theo dòng truyện. Giả thuyết sau cùng sụp đổ, để lộ ra, qua nhìn lại, một thứ giả thuyết khác biệt hẳn. Người đọc phải đọc lại, và phải lấy lại sự tin cậy, mọi điều, mọi chuyện.
Đó là một thành phố nhỏ, thê thảm còn hơn cả một làng quê. Toàn những người già, họa hoằn lắm mới chịu nằm xuống, thế mới bực! Hơn nữa, ít khi người ta cần tới quan tài, dù là ở nhà thương, hay ở nhà tù. Nói ngắn gọn, chẳng làm sao buôn bán làm ăn ở đây. Nếu Yakov Ivanov làm nghề đóng hòm ở một chốn thị tứ, chắc là ông đã có được một căn nhà, và được gọi là Ông Ivanov. Nhưng ở cái chốn tệ mạt này, giản dị chỉ là Yakov. Vì một lý do nào đó, ngoài đường họ gọi ông bằng biệt hiệu Đồng. Ông sống nghèo khổ như bất cứ một người dân quê bình thường trong một túp lều, cùng với bà vợ Marfa, một cái bếp, cái giường, mấy cái hòm...
... Viên cảnh sát địa phương bệnh dầm dề hai năm ròng, và đang chờ đi luôn. Yakov nóng ruột, đợi hoài đợi hủy chuyến tàu suốt của ông này. Nhưng viên cảnh sát dời lên thành phố chính để chữa trị, và chắc là phó thác linh hồn cho quỉ ma ở đó... thế là mất toi ít nhất 10 rúp, bởi vì đây là thứ hòm đắt tiền. Cứ đêm đêm Yakov lại bị nỗi mất mát lớn lao hành hạ. Ông để cây vĩ cầm kế bên giường và những lúc không thể chịu đựng nổi cơn dày vò, ông mân mê mấy sợi dây. Cây vĩ cầm "tinh, tinh" trong đêm tối, và ông ta cảm thấy đỡ hơn.
Cái buồn dìu dịu, cái diễu ấm áp, nhân hậu, tha thứ... thật không ăn khớp gì với cách chọn lọc thật lạnh lùng những chi tiết, cách nhìn thiên nhiên như một ông y sĩ giải phẫu, cách đo đạc thật chi ly khoảng cách giữa nhân vật và sự thực. Những nhân vật thường chẳng để ý, hoặc chẳng thừa nhận chân lý, sự thực, nhưng độc giả được mời nhận ra nó, giữa những dòng chữ. Ở đây cũng như ở trong những truyện khác, Tchekhov tạo một sự cân bằng thật chính xác, như một nhà hóa học cân đo đong đếm, giữa dị hợm (ridiculous) và nỗi đau xé ruột xé gan. Khế ước là sự đồng cảm, giữa người đọc và người kể, qua những con chữ. Thường xuyên người đọc phải nhận ra bằng cách đảo ngược. Thí dụ như những câu mở đầu: nỗi khóc than ca cẩm, về chuyện "hiếm" người chết ở trong làng, về chuyện người già "họa hoằn mới chết và chuyện này thật là bực". Khế ước là từ người kể chuyện, không phải từ nhân vật, nhưng người đọc nhận ra, sau khi đã hết ngỡ ngàng, đây chính là lời than van của người làm hòm, do công việc ế ẩm. Cũng vậy, "Marfa, cái bếp, mấy cái hòm...", người để kế bên vật; ở đây độc giả biết, người kể đã trộn giọng nói của mình với giọng của "Đồng không tim".
Đồng ngần
ngại làm hòm cho con nít, "mất thì giờ vì chuyện không đâu". Chi tiết này,
ngay ở đầu truyện, cho thấy đây là một con người biển lận. Nhưng tới nửa
truyện, người đọc biết, Đồng cố xóa khỏi trí nhớ, cuộc đời và cái chết của
bé gái độc nhất của hai vợ chồng, 50 năm trước. Chỉ sau khi vợ chết, độc
giả mới hiểu, Đồng cố làm cho trái tim của ông trơ ra, để cho ông đỡ đau. Cốt truyện giản đơn, chỉ một tí, một tẹo: chuyện một
người làm hòm tại một làng quê cố gắng để đừng bị chết đói, lâu lâu làm
thêm: chơi vĩ cầm cho đám cưới mạt. Ông thật thảm, thật tã, và cứ thế gầm
gừ, với cả đời sống và cái chết, bằng một trái tim cố tìm đủ mọi cách để
đanh lại; ngày này qua ngày khác: chỉ là triền miên mất mát thu nhập. Ngã
bịnh, vui ngấm vui ngầm: bà vợ chấp nhận cái chết sau cùng tới, như một
giải thoát hằng mong đợi, để ra khỏi giếng nước mắt. Thấy vợ vui, người
chồng đau lòng vì suốt đời đối sử chai đá. Ông kéo bà vợ bịnh tới nhà
người y sĩ độc nhất trong làng và lạy lục - đúng ra là mặc cả - hãy cứu vợ
tôi. Nhưng viên y sĩ già nhẫn tâm lắc đầu, quay qua bịnh nhân khác. Hai vợ
chồng về nhà, và người chồng bắt đầu đo hòm cho vợ: ông đưa thất thu vào
trong cuốn sổ cái. Trong những giờ cuối cùng, bà vợ cố nhắc nhở ông chồng
về đứa con đã mất, nhưng ông chẳng thể nhớ. Sau đám tang, ông cũng ngã
bệnh, và hung hãn gây gổ với người thổi sáo Do Thái tới trò chuyện với
ông. Ông lang thang ra bờ sông, bị những đứa trẻ ngoài đường trêu ghẹo.
Ông di chúc cây vĩ cầm cho Rothschild. Sau khi ông chết, Rothschild sáng
tác những giai điệu buồn từ cây vĩ cầm này.
Chú thích:
Khúc gỗ trên dòng suối ngập
"Tôi thật quá bối rối; tôi phải bắt đầu một chuyến đi khẩn cấp; một con bệnh ngặt nghèo đang đợi tôi, tại một làng cách mười dặm đường; giữa con bệnh và tôi, là cơn bão tuyết dầy đặc; tôi có một chiếc xe ngựa, loại nhẹ, bánh xe lớn, đúng thứ xe dùng nơi đường quê; người choàng áo lông, túi dụng cụ cầm tay, tôi ở sân, sẵn sàng cho cuộc hành trình; nhưng không có ngựa để mà có, không có ngựa. Ngựa của tôi đã chết trong đêm, do kiệt lực vì những mệt mỏi của mùa đông băng giá này; người tớ gái đang đầu làng cuối xóm, cố mượn một con ngựa; nhưng chỉ là tuyệt vọng, tôi biết, và tôi bơ vơ đứng đó, tuyết dầy thêm trên người, mỗi lúc thêm khó khăn cử động. Người tớ gái xuất hiện tại cổng, một mình, và vẫy vẫy cây đèn; lẽ dĩ nhiên, làm sao có người cho mượn ngựa cho một cuộc hành trình như thế? Một lần nữa, tôi đi quanh sân; không có lối ra; trong cơn bối rối ngán ngẩm, tôi đá cái cửa ọp ẹp khu chuồng heo đã bỏ hoang từ lâu. Cửa bật tung, đập qua đập lại quanh bản lề. Một luồng hơi có mùi ngựa tỏa ra. Bên trong, một cây đèn chuồng le lói đong đưa trên một sợi dây. Một người đàn ông co rúm người ở khu đất thấp, đưa bộ mặt ngây ngô, thực tình. "Tôi sẽ đóng ngựa?", anh ta hỏi, và bò bốn chân ra phía ngoài. Tôi không biết nói sao, và khom người nhìn coi còn có gì trong chuồng. Người tớ gái đứng kế bên tôi. "Ông chủ không bao giờ biết, sẽ kiếm thấy gì, ở trong chính căn nhà của mình," cô nói và cả hai chúng tôi đều cười. "Ơ này, Anh ơi, ơ này, Chị ơi!" người giữ ngựa gọi, và hai con ngựa, những con vật lớn lao, hông hùng dũng, chân lẳn vào mình, đầu con nào cũng thật cân đối, thâm thấp như đầu lạc đà, con này tới con kia, chỉ mấy cú lắc mông đã chiếm trọn lỗ cửa mở rộng. Nhưng ngay khi đứng thẳng, những cái cẳng dài và thân hình của chúng tỏa hơi nồng nặc. "Hãy giúp anh ta một tay," tôi nói, và người tớ gái sốt sắng lo việc thắng ngựa vào xe. Nhưng cô gái vừa tới gần, người chăn ngựa túm lấy, đè mặt anh lên mặt cô. Cô kêu lên và chạy trở lại phía tôi. Hai hàm răng anh ta hằn dấu máu trên mặt cô gái. "Đồ súc vật," tôi giận dữ la lên, "anh có muốn ăn roi không?", nhưng chợt nghĩ ra, đây là một người lạ, tôi không biết anh ta từ đâu tới, lại tự ý giúp đỡ tôi trong khi mọi người khác đã làm tôi hụt hẫng. Như biết được ý nghĩ của tôi, anh không coi lời hăm dọa là trọng, lại bận rộn với mấy con ngựa, hài lòng xoay lưng về phía tôi. "Hãy lên xe!", anh ta nói sau đó, và quả đúng như vậy, tất cả đã sẵn sàng. Một cặp ngựa tuyệt vời, tôi quan sát, đúng là chưa bao giờ được ngồi đằng sau một chiếc xe như vậy, và vui vẻ trèo lên. "Nhưng tôi là người cầm cương, anh đâu biết đường", tôi nói. "Lẽ dĩ nhiên" anh ta nói, "vả chăng, tôi không đi với ông, mà ở lại với Rose." "Không", Rose la lên, chạy trốn vô nhà, linh cảm sẽ chẳng thoát khỏi số; tôi nghe tiếng dây xích cửa, tôi nghe tiếng cài then, tôi còn nhìn thấy cô gái tắt đèn nơi hành lang và tất cả các phòng, mong sao không bị phát hiện. "Anh đi với tôi," tôi nói với người chăn ngựa, "nếu không tôi sẽ không đi, dù khẩn cấp cỡ nào. Tôi sẽ không đổi cuộc hành trình với giá cô gái". "Đi nào!" anh ta nói; anh ta vỗ tay; cỗ xe bật lên như một khúc gỗ trên dòng suối ngập; tôi còn nghe tiếng cánh cửa chịu thua, vỡ từng mảnh dưới những cú đập của người chăn ngựa, rồi mắt mù tai điếc vì cơn bão, tôi không còn bất cứ cảm giác." Cái tên truyện giới thiệu với chúng ta, người kể chuyện xưng tôi, mặc dù anh chưa hề nói một lời: một y sĩ đồng quê. Rồi anh trình bày tất cả mọi chi tiết khởi đầu, theo giọng "đây chỉ là sự kiện" (a matter-of-fact tone), y hệt một báo cáo cảnh sát; như thể anh đang xác minh trước quan tòa, như thể anh phải tự bào chữa, bảo vệ, trước những cáo buộc hình sự. Tình cảnh của anh: hết sức bối rối. Vấn đề của anh: một chuyến đi khẩn, một người bệnh nặng, một làng cách mười dặm đường, một cơn bão tuyết, không ngựa, không hy vọng có được một con ngựa. Những biện pháp anh đề ra: 1- Cho người làm đi mượn ngựa, mặc dù chẳng một chút cơ may; 2- Đứng ở sân nhà, trong tuyết, sẵn sàng, đợi chờ chuyến đi, để, nếu người làm mượn được ngựa, sẽ chẳng mất đi đâu một phút, một giây; 3- Lại đi lòng vòng quanh sân; 4- Đá bung cửa chuồng heo bỏ hoang, biết đâu tìm thấy gì ở đó; 5 - Khi ngựa và người xuất hiện, chẳng mất thì giờ hỏi tra về sự xuất hiện lạ thường này; 6 - Tỏ thái độ khi cô đầy tớ gái bị xúc phạm, nhưng không trì hoãn chuyến đi, người bệnh nặng mới là quan tâm hàng đầu; 7- Thay đổi mối quan tâm hàng đầu, khi nhận ra người giữ ngựa sẽ làm nhục Rose, quyết định không bỏ mặc cô gái; 8- Khi người giữ ngựa làm cho hai con vật lồng lên, không điều khiển được chúng, và chiếc xe bị kéo đi "như một khúc gỗ trên dòng suối ngập". Không một phiên tòa nào có thể kết tội viên y sĩ, về hành vi, cách xử sự của ông, trong bất cứ tình huống, biến động. Tuy nhiên, ngay từ khởi đầu, cho tới cuối câu chuyện, những câu hỏi trung tâm vẫn chưa được trả lời. Hơn thế nữa, chúng chưa từng được hỏi. Thực sự, viên y sĩ bị cáo buộc vì cái gì? Đâu là những lời tố giác, buộc tội ông phải chiến đấu trong tuyệt vọng để phản bác? Chúng từ đâu mà ra? Ai buộc tội ông? Ai kết án ông, ở cuối chuyện (phải): "Trần trụi, phơi người ra trong giá lạnh vào cái thời bất hạnh nhất, với cỗ xe trần thế, với cặp ngựa ngược đời, già như tôi, tôi bơ vơ lạc lõng". Mà vì tội gì? Chừng 1/3 truyện, về những toan tính của viên y sĩ nhằm tự chống đỡ trước cáo buộc, vốn chẳng có, trước một bên nguyên chẳng hề xuất hiện ở trong truyện. Thêm vào "lời xin lỗi" (apology) ở đầu truyện, thật hữu lý, và cũng thật vững vàng, một "biện hộ khác" xuất hiện sau đó như một lời than van, tự thương thân, khác biệt hẳn biện hộ khởi đầu. "Tôi là y sĩ quận lỵ, làm bổn phận của tôi tới cùng, gần như quá sức tôi. Tôi được trả lương tồi, nhưng tôi rộng lượng, giúp đỡ người nghèo. Tuy nhiên tôi còn phải lo cho Rose, và sau cùng tên chăn ngựa có thể không có lỗi; tôi cũng vậy, tôi chỉ muốn chết. Tôi làm gì ở đây trong cái mùa đông vô tận này! Ngựa của tôi thì chết, vậy mà chẳng một người nào trong làng cho tôi mượn một con khác. Tôi phải lấy ngựa từ nơi nuôi heo; nếu sự tình cờ không để đôi ngựa ở đó, chắc là tôi phải đóng xe bằng mấy con heo... Đâu phải đây là lần đầu tôi bị kêu ra khỏi nhà vì một chuyện vô ích, tôi đã quen với nó rồi, cả cái quận lỵ biến cuộc đời tôi trở thành khốn khổ khốn nạn với cú gọi đêm, nhưng lần này có lẽ tôi phải hy sinh Rose... thật là đòi hỏi quá đáng..." Trái ngược với biện hộ ngắn ngủi ở đầu truyện, khúc độc thoại ở đây cho thấy, không phải toan tính nhằm thuyết phục, mà là cố gắng làm mủi lòng. Có lẽ, một độc thoại vượt quá cơn tuyệt vọng, chán ngán, kể từ lúc người nói, ở đoạn đầu, đã tỏ ra mong ước được chết (ngay sau khi Rose được an toàn), ở đoạn cuối, anh nhìn lại chuyến đi thăm người bệnh - và cả đời mình - như là một thất bại vô phương sửa chữa. Đoạn mở đầu là một biện hộ, vững vàng, không thể chê trách được, ít ra ở bề ngoài. Một biện hộ bi thảm: nó hầu như là một câu dài, với nhiều mệnh đề, xác định bằng dấu chấm phẩy. Lời khai của viên y sĩ, là thì hiện tại, như một buổi phát thanh trực tiếp, có vài chuyển tiếp giữa dòng từ quá khứ qua hiện tại như thế. Viên y sĩ đá cánh cửa bật tung, và "giải thoát" - trước sự sững sờ của ông - người chăn ngựa và hai con ngựa, từ nơi chuồng heo. Như sự xuất hiện của cái mũi, từ ổ bánh mì, trong chuyện của Gogol, sự xuất hiện của người chăn và hai con ngựa trong "Y sĩ Đồng quê" đã được miêu tả hầu như là một cơn sinh nở: người chăn ngựa bò ra "bằng bốn chân", hai con ngựa, "con nọ tiếp con kia, bốn chân lẳn vào mình...". Cắn vào má Rose là hành động đầu tiên của người chăn ngựa, vì vậy mà viên y sĩ gọi anh là "đồ súc vật". Tính dâm tà của anh, và vụ xâm phạm cô gái thực sự mang tính thú vật. Viên y sĩ có thể nghe "cánh cửa nhà tôi long ra từng mảnh dưới những cú đập của tên chăn ngựa". Cùng lúc, tên chăn ngựa đóng vai quen thuộc của quỉ dữ, trong chuyện dân gian, đề nghị một chuyện trao đổi ma quái. Tên giữ ngựa / con quỉ như từ dưng không trồi lên, dụ khị thân chủ của nó: mày muốn được cái đó hả, thì đây này; nhưng, cái mà con quỉ lấy đi còn quí giá, còn ý nghĩa hơn nhiều. Viên y sĩ nói: ta sẽ không đổi chuyến đi với cái giá cô gái. Nhưng một khi ông chấp nhận đôi ngựa, "định mệnh đã an bài"!
Cũng vẫn một "mẫu mã" như trên, là đoạn viên y sĩ gặp người bệnh, đoán bệnh lầm. Thoạt đầu, ông không nhận ra vết thương của cậu bé, rồi không thể giúp nó...
|
|
văn học khảo luận |
|