vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  văn hóa thế giới



 

 

 

Tổng thuật hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm mất Tchekhov

Đào Tuấn Ảnh

Anton Pavlovich Tchekhov (1860-1904) là nhà văn lớn của nước Nga. Với 25 năm sáng tạo nghệ thuật ông đã có những đóng góp quan trọng cho tiến trình văn học Nga và văn học thế giới thế kỷ 20. Ông là nhà cách tân lớn trong lĩnh vực văn xuôi, đặc biệt là truyện ngắn và kịch, đã để lại cho nhân loại một gia tài đồ sộ những kiệt tác.

Ngay từ khi mới tới Việt Nam (những năm 1930) tác phẩm của Tchekhov đã chiếm được cảm tình của bạn đọc chúng ta. Các nhà văn (đặc biệt là Nam Cao, Nguyễn Tuân, Tô Hoài...) coi ông là người thày lớn. Sáng tác của ông đóng góp một phần cho sự hình thành và hiện đại hóa nền văn học Việt Nam.

Để kỷ niệm 100 năm ngày mất của Tchekhov, ngày 1/7 vừa qua Viện văn học - Viện khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm cùng Hội thảo khoa học về sự nghiệp sáng tác của ông. Đến dự có đại diện sứ quán Liên Bang Nga tại Việt Nam, đại diện các cơ quan, trung tâm văn hóa, các Hội văn học nghệ thuật, khoa văn các trường đại học, các cơ quan thông tấn, báo chí và đông đảo bạn đọc yêu thích Tchekhov.

Lễ kỷ niệm được mở đầu bằng diễn văn khai mạc của PGS.TS Phan Trọng Thưởng, viện trưởng Viện văn học. Bài phát biểu của ngài Andrei Cyclov, đại diện sứ quán Nga, thể hiện sự ngạc nhiên và cảm động trước tình yêu và lòng ngưỡng mộ của người Việt Nam giành cho nhà văn lớn nước Nga.

Chương trình hội thảo về sáng tác của Tchekhov khá phong phú bởi các tham luận của các nhà phê bình, nghiên cứu văn học trong và ngoài nước.

Các tham luận không bó hẹp trong phạm vi nghiên cứu văn tài Tchekhov và những cách tân nghệ thuật của nhà văn, so sánh sáng tác của ông với sáng tác của các nhà văn Việt Nam, mà nhân bàn về Tchekhov mở rộng tới những vấn đề cấp thiết đối với đời sống văn học Việt Nam hiện nay, như tiếp nhận và dịch văn học nước ngoài, giảng dậy văn học nước ngoài ở nhà trường v.v...

 Một số tham luận đã đưa ra được những ý kiến gây tranh luận đáng chú ý.

Tham luận của PGS.TS Phạm Vĩnh Cư (có thể xem như một chuyên luận vì độ dài 47 tr.) mang tính tổng hợp, đề cập tới sáng tác của Tchekhov với tư cách nhà viết văn xuôi tự sự và nhà viết kịch. So sánh Tchekhov với các đại văn hào của văn học cổ điển Nga thế kỷ 19, Phạm Vĩnh Cư đi sâu vào mối quan hệ tương tác giữa kịch và truyện ngắn của Tchekhov, qua đó làm nổi bật lên đặc điểm cách tân trong lĩnh vực thể loại, thể tài của ông. Trong phần tiếp theo của tham luận nhà nghiên cứu đã lí giải, phân tích bức tranh nhân thế, cảm thức cuộc sống mà truyện ngắn “mới”, kịch “mới” của Tchekhov đã tạo dựng được. “Kịch và truyện Tchekhov, - nhà nghiên cứu viết - hạ thấp vai trò của sự kiện và nhiều khi bãi miễn nó hoàn toàn, khôi phục dòng chảy thường nhật của cuộc sống như một giá trị bản thể, như là môi sinh phổ quát nuôi dưỡng dưới dạng phôi mầm tất cả mọi sức mạnh, khả năng, chiều hướng phát triển khác nhau của sự sống”.

Với tham luận Những cách tân nghệ thuật của Anton Tchekhov và sự tiếp nhận sáng tác của ông ở Việt Nam, TS. Đào Tuấn Ảnh chọn cho mình cách tiếp cận khác: xem xét sáng tác Tchekhov trong tương quan với những thành tựu rực rỡ của văn hóa, nghệ thuật Nga “kỷ nguyên Bạc” (giao thời hai thế kỷ 19 và 20) để thấy được “sức chứa”, “sức mở” của thiên tài này. Giai đoạn văn học phức tạp, đầy mâu thuẫn và cực kỳ phong phú thời Tchekhov được tác giả tham luận xem như một “chỉnh thể hữu cơ, trong đó đặc trưng nổi bật là sự gắn kết chặt chẽ giữa văn học, triết học, tôn giáo và các bộ môn nghệ thuật khác (âm nhạc, hội hoạ...) và là trường giao thoa có chống đối và tiếp nhận giữa những trào lưu, khuynh hướng sáng tác cổ điển và hiện đại, giữa sáng tác hiện thực và phi hiện thực”. Trên cái nền đó những cách tân nghệ thuật của Tchekhov hiển lộ rõ nét, đó là sự kết hợp những thành tựu của văn học hiện thực cổ điển thế kỷ 19 với những thủ pháp của nghệ thuật hiện đại, tạo độ khái quát tư tưởng cao, độ hàm súc ngữ nghĩa và độ nén của thông tin nghệ thuật, đáp ứng những đòi hỏi của lớp độc giả mới có khả năng “đồng sáng tạo”.

Theo hướng tìm tòi những cách tân của Tchekhov trong lĩnh vực thi pháp, bản tham luận của TS. Đỗ Hải Phong đề cập tới một trong những cái mới trong sáng tác của Tchekhov có ảnh sâu rộng tới các thế hệ nhà văn thế giới thế kỷ 20, đó là mạch ngầm văn bản nổi tiếng của ông.

Dù xem xét sáng tác của Tchekhov từ góc độ nào, các tác giả tham luận đều hướng tới khẳng định luận điểm: bằng sáng tác của mình Tchekhov đã chứng minh khả năng vô tận của chủ nghĩa hiện thực với tư cách phương pháp sáng tác. Ông là người hoàn tất chủ nghĩa hiện thực cổ điển ở đỉnh cao và mở ra con đường mới cho văn học hiện thực trong các giai đoạn tiếp theo.

Với vai trò như vậy, Tchekhov đã có ảnh hưởng lớn tới tiến trình văn học thế giới, trong đó có văn học Việt Nam. Đề tài này được giải quyết một phần trong tham luận của TS. Lê Huy Bắc Tchekhov và truyện ngắn Anh - Mỹ.

Dựa trên cơ sở phân tích so sánh loại hình, bản tham luận của GS. Phong Lê đã đi sâu vào những điểm giống và khác nhau trong sáng tác của Tchekhov và Nam Cao, nhằm thấy được sự cảm nhận tinh tế của nhà văn Việt Nam trước “cái mới, cái lạ” của văn tài Tchekhov. Không thoả mãn với lối viết “hiện thực tả chân” kiểu cổ điển thiên về tính sự kiện, cốt truyện của các bậc đàn anh trên văn đàn đương thời, sáng tác của Nam Cao tái hiện “dòng chảy cuộc đời” thông qua những câu chuyện vặt vãnh hàng ngày.Tuy nhiên, giống như truyện của Tchekhov, những truyện không có chuyện của Nam Cao mang sức mạnh khái quát, nỗi ám ảnh day dứt về kiếp người trong một xã hội đói nghèo, mông muội, không có tự do. Dựa trên phân tích những tác phẩm quan trọng của hai nhà văn, Phong Lê rút ra kết luận: trong mức độ nhất định, giống như vai trò của Tchekhov đối với văn học Nga đầu thế kỷ, với sáng tác của Nam Cao đã hình thành cái gọi là “chủ nghĩa hiện thực kiểu mới” trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930 -1945. Điều này nằm trong quy luật chung của quá trình hiện đại hóa các nền văn học dân tộc ở thế kỷ 20.

Những ý kiến của GS. Phong Lê được tác giả bài tham luận Những tác phẩm của Tchekhov ở Việt Nam - GS N.I. Niculin, đồng tình, chưa xẻ. Tuy nhiên, việc so sánh sáng tác của Tchekhov và Nam Cao không được nhà phê bình Vương Trí Nhàn, tác giả bản tham luận Bản dịch Truyện ngắn Tchekhov (1957) và một giai đoạn giới thiệu văn học nước ngoài ở Việt Nam, ủng hộ. Ông viết: “ Đọc Nam Cao, thấy có gì gắt quá, ráo riết quá, người viết chăm chú vào ý nghĩ của mình đến mức không cho người đọc một chỗ nào thừa để suy nghĩ, nói chung văn Nam Cao thiếu sự lùi xa, thiếu cái khoảng khoát hồn nhiên có đượm một chút hư vô, nên giữa nhà văn này với Tchekhov là cả một độ chênh về cách nghĩ, họ như hai loại cây khác hẳn nhau, không thể so sánh”.

Cũng trong tham luận của mình, nhân phân tích, đánh giá bản dịch tập Truyện ngắn Tchekhov (năm 1957) do nhà văn Nguyễn Tuân và một số nhà văn khác thực hiện, Vương Trí Nhàn đã đưa ra một số ý kiến khá sắc sảo xung quanh việc tiếp nhận và dịch văn học nước ngoài. Đề cập tới ý kiến của Đào Tuấn Ảnh (T.C Nhà văn số 4, 2003), ông viết : “ Gần đây đã có người cho rằng cả tập Truyện ngắn Tchekhov in năm 1957 không giữ được chất Nga trong nguyên bản. Rất chịu cái nhận xét có lý đó, song tôi nghĩ điều đó không sao cả, ai có nhu cầu đọc các bản dịch Tchekhov dịch thẳng từ tiếng Nga cứ đọc, và chính tôi nữa, khi muốn tìm hiểu chất Nga của Tchekhov, tôi cũng sẽ tìm. Còn như những khi muốn thưởng thức Tchekhov, muốn coi Tchekhov như một nhà văn, qua trang sách tâm sự chuyện trò với mình, trò chuyện bảo ban mình về cách sống cách nghĩ, tôi xin được phép cứ tìm đọc và muốn mọi người cùng đọc Tchekhov qua ngòi bút của những Nguyễn Tuân, Trần Dần, Phạm Hổ, Nguyễn Thành Long ...”.

Xuất phát từ góc nhìn vấn đề khác nhau, nên những ý kiến khác nhau là chuyện bình thường. Điều đáng nói ở đây là việc thảo luận sâu vào những vấn đề mang tính học thuật tương tự sẽ có những đóng góp bổ ích, thiết thực cho việc dịch văn học nước ngoài hiện đang là vấn đề “bức bối”.

Bài tham luận của PGS.TS . Lê Nguyên Cẩn, tuy không đề cập tới việc nên hay không nên đưa tác phẩm Người trong bao của Tchekhov vào chương trình cải cách sách giáo khoa lớp 11, song qua cách cảm nhận và phân tích của bản thân người viết, có thể nhận thấy đây là một tác phẩm rất khó, và muốn cho học sinh tiếp nhận được, cần phải có sự “hỗ trợ” của các nhà nghiên cứu am hiểu Người trong bao, cũng như sáng tác của Tchekhov.

Các tham luận mà chúng tôi điểm qua trên đây cho thấy hội thảo khoa học nhân kỷ niệm các danh nhân sẽ không còn là hình thức nếu được tiến hành một cách nghiêm túc và xuất phát từ những đòi hỏi thiết thực của đời sống văn hóa, học thuật trong nước. Chỉ tiếc, do phân bổ thời gian không đều, nên gần một nửa các tham luận không được trình bầy, do đó người nghe không nắm được một cách hệ thống các đề tài cũng như nhiều vấn đề quan trọng được đề cập tới trong các tham luận đó.

Đào Tuấn Ảnh thực hiện

 

   

 

 

văn học  khảo luận


 




 


  29- Anton Chekhov : Bi hài kịch một đời người.                                                                                    Văn nghệ 
  30- H
ội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm mất Tchekhov.                                                               Đào Tuấn Ảnh 
  31- Khế ước của Tchekhov và Kafka .                                                                              Jennifer Tran, Amoz Oz 
  32- Bản dịch Tchekhov và giai đoạn giới thiệu văn học nước ngoài ở Hà Nội.                       Vương Trí Nhàn  
  33- Về Tchekhov và Shukshin.                         Nguyễn Kiều Diệp dịch                                   Alexey Varlamov 
  34- Nhà văn Nguyễn Khải: 'Tôi không thích làm người hùng'.                                             Thể Thao Văn Hóa 
  35-
'Tôi không sợ không có độc giả'.                                                                                             Võ Thị Xuân Hà
  36- Clinton ra hồi ký.                                                                                                                                         BBC

vhvt 11
Trang bìa chính