vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  thi luận



 

 


    

Trò chuyện với nhà thơ đoạt giải Pulitzer 2004:
đại diện tối cao của khát vọng sống chính là ngôn ngữ

 

Nhà thơ đoạt giải Pulitzer 2004 (Mỹ) là Franz Wright với tập thơ Lang thang đến vườn nho của Martha. Ông là thi sĩ của niềm hy vọng- hy vọng thế giới dành chỗ cho những phép màu mà ngôn ngữ có thể tạo nên. Nhưng hy vọng, cá nhân Wright biết rất rõ điều này, chỉ có thể đạt đến khi ta đã nếm trải thất vọng. Từng trải, suy tư, thơ Wright lặn xuống những tầng đáy sâu của đời sống, để ca lên những lời ca chưa bao giờ đến lượt, trong dáng vẻ của khờ dại và sợ sệt.

Wright nói rằng, dù có bị dìm vào vạc dầu thì khát vọng sống của con người, qua kẻ đại diện tối cao của nó là ngôn ngữ, vẫn không bao giờ thôi mãnh liệt.

Sau đây là cuộc trò chuyện giữa phóng viên trang web Bên lề với Wright, sau khi biết ông đoạt giải thưởng văn chương cao quý.

PV: Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo có ảnh hưởng đến ông không, thưa nhà thơ?

FW: Tôi biết rằng chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là một khái niệm nổi lên đầu những năm 1970, khi nhân loại chứng kiến tác phẩm cực kỳ vĩ đại của Garcia Marquez. Tôi và bạn tôi, Bruce Weigl, từng đánh vật với nhau nhiều năm trời, chỉ với một câu hỏi: Đó là cái gì vậy? Tôi không biết liệu mình có đủ tỉnh táo, cho đến khi một người bạn khác của tôi, Keith Hollaman, cùng với người vừa là thầy, vừa là bạn tôi - David Young, bắt đầu cùng nhau xuất bản một hợp tuyển hiện thực huyền ảo vào đầu những năm 1980. Keith đã nhờ tôi dịch một số tác phẩm của Kafka, trong đó có truyện Người cưỡi thùng. Tôi dịch, nhưng rồi các bạn tôi nhận ra, rằng Nhà xuất bản Schocken vẫn đang giữ bản quyền, và thế là tôi dừng lại

 

 

Có phải Marquez đã gọi Faulkner là Ông chủ không nhỉ? Và phải chăng, thơ ca, tự nó, ngay từ cái bản chất cố hữu nhất, đã huyền ảo và vượt ra ngoài hiện thực? Đến mức nó liên thông cả sang ngôn ngữ tôn giáo vốn là những nỗ lực để nói ra, để thốt lên vấn đề không phải “đây là cái gì”, mà là “đây sẽ phải là gì”. Đối với tôi, thế giới, thời nào cũng vậy, đều vô cùng rộng lớn và “huyền ảo một cách đáng sợ”, đến mức tôi thấy không có lý do đặc biệt nào để phải thổi phồng hay phóng đại cái diện mạo của nó. Tôi nhớ lời nhắn nhủ của Walt Whitman: “Ai nói về các phép màu? Tôi chịu, tôi chỉ biết những điều kỳ diệu”.

Tôi ngưỡng mộ thi ca và những hình ảnh diệu kỳ. Tôi thích nhất được khuấy động lên vấn đề: cái gì tuyệt đối cụ thể mà lại cũng tuyệt đối không thể giải thích được, như là bản thân hiện thực? Đối với tôi, thơ xuất hiện khi một tồn tại người đột ngột xuất hiện, đột ngột ý thức về cái huyền ảo, cái kỳ diệu của cái chính xác là vũ trụ, là cuộc đời. Nên lưu ý là thơ đích thực rất hiếm, hầu hết chúng ta chỉ giống như những kẻ mộng du. Thơ cũng xuất hiện khi đạt đến sự cân bằng hoàn hảo giữa biểu tượng và tục phàm (tức là khi nhà thơ tìm được chữ diễn tả tối ưu điều anh ta muốn nói), giữa cái mênh mông vô bến bờ với cái li ti nhỏ bé đến thảm hại (một lần nữa, vẫn phải nhờ cậy đến cách dùng chữ đắt, khi chúng ta thức tỉnh). Có nhiều cách để đạt đến trạng thái cân bằng nên thơ đó, trạng thái đốn ngộ. Có cách của Basho, có cách của Homer, Lý Bạch... nhưng xét cho đến cùng thì cũng đều giống nhau. Hiệu ứng cuối cùng chính xác là giống nhau. Chúng ta không cần bất kỳ phép ma thuật (hay ma mãnh) nào nữa, bởi bản thân con đường chúng ta đang đi đã tuyệt đối kỳ diệu. Chúng ta chỉ cần làm cho đời sống thức dậy, tỏa hương, mà thôi.

PV: Ông đã từng dịch thơ của Rainer Maria Rilke, René Char, và Erica Pedretti. Một số nhà phê bình đã nhìn ra ảnh hưởng của Georg Trakl và Franz Kafka trong thơ ông, và họ đã liên tưởng đến một số phong trào Châu Âu đương đại như Siêu thực, Biểu hiện Đức... để mô tả các diện mạo thơ ông. Còn các phong trào khác thì sao, thưa ông?

FW: Chắc chắn là những nhà văn, những phong trào anh vừa kể hấp dẫn tôi rất nhiều, đặc biệt khi tôi còn trẻ, khoảng những năm 1960, 1970. Và tôi cũng cho rằng hồi đó có rất nhiều các cây bút đã khám phá cái khả năng tạo dựng hình ảnh của thơ ca. Thế giới hình ảnh của Trakl và Rilke rất hấp dẫn, nhưng cũng có rất nhiều các nhà văn, đặc biệt ở thế giới nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đã tìm ra những ưu điểm vượt trội cho mình. Lorca, chẳng hạn, đã bằng trực giác “có tính thiên văn” tìm ra cách “nấu chảy” các chi tiết hiện thực để tạo nên những hình ảnh mới.

Tuy vậy, hình ảnh vẫn phải là những chòm sao có chất lượng hoàn hảo, không hơn không kém, để tạo nên những bài thơ diệu kỳ mà loài người đang đói và lúc nào cũng đói.

Heidegger đã viết những lời vô cùng chuẩn xác về những trường hợp như Trakl thế này: “Mọi nhà thơ lớn đều tạo ra cho mình một nền thơ riêng từ những tuyên ngôn thơ đơn thuần... Cái tuyên ngôn thơ đơn độc của thi sĩ luôn chỉ là thể trạng không biết nói, cả về thơ anh ta, lẫn thi ca tổng thể. Cứ có thơ đi thì sẽ có tuyên ngôn. Thơ càng kỳ diệu thì tuyên ngôn càng tuyệt vời”.

Các nhà thơ hiện đang hấp dẫn tôi, là những người đặc biệt thành công trong việc tránh né những hệ thống phân loại dễ dãi. Khi tôi còn trẻ, người ta dùng khái niệm “sự lỗi thời cố hữu” để chỉ những sự quy nạp bất cập ngay từ lúc mới còn là ý định. ấy thế mà có thời người ta tâng bốc chúng lên, rằng chúng “đạt phẩm cấp như những chiếc ôtô đời mới Mỹ”. Họ không biết rằng, nói vậy có nghĩa là chúng chẳng bao giờ đi chung đường với niềm xúc động và vẻ hớn hở Tạo hóa ban tặng riêng cho loài người. Theo tôi, những thi sĩ như Beckett hay Charles Simic mới đích thực là những nhà thơ tuyệt đẹp của thế giới này.

PV: Ông thường viết về trải nghiệm và tình trạng của ký ức, ví dụ sự đam mê, vẻ ngây ngô, và cái chết... những điều mà nhiều người cho là khó chia xẻ, khó hấp dẫn công chúng. Vậy làm sao để ông dịch chuyển được những đề tài đó vào thơ? Nếu có thì loại kỹ thuật nào ông thường áp dụng? Sự thôi thúc thường đến từ đâu, để viết về những điều rất khó miêu tả?

FW: Nói thực với anh, đã khá nhiều năm nay tôi cứ bị ám ảnh bởi một khát vọng, đó là tìm được cách để viết cho những người không thể tự nói lên được nỗi buồn đau của mình, những nỗi buồn đau dị biệt. Nghe ra thì có vẻ hơi kỳ cục, nhưng quả thực những bài thơ trước đây của tôi “không lặn được sâu”, không có khả năng bắt những kẻ hời hợt im tiếng, và do vậy vẫn cứ luôn có một số tầng lớp độc giả kém may mắn phải lủi thủi mãi trong những xó xỉnh định mệnh riêng của mình. Nói để ai đó im lặng, đó vừa là cứu cánh, vừa là kỹ thuật hấp dẫn tôi nhất, nó cho tôi hy vọng.

PV: Trong nhiều bài thơ, ông hay đưa ra những ẩn dụ theo cách vượt quá cả trường nghĩa của sự vật. Ví dụ trong bài Bình minh đến ông dùng khái niệm “Vị Chủ tịch của sự Mất ngủ ”, hay trong bài Đại dương ông ví biển cả dâng sóng như một thiếu phụ cứ liên tục xé tấm ga trải giường của mình thành những dải băng nhỏ. Vậy ông có thể miêu tả cái quá trình để những ẩn dụ xâm nhập một bài thơ? Phải chăng thơ ca sẽ được minh họa bằng những ẩn dụ theo một trong hai cách ông đã từng nói trong bài ẩn dụ: hoặc “ngôn ngữ tự bóp nghẹt mình”, hoặc “tri thức và sự im lặng sẽ dẫn dắt ta đi trong thế giới u tối”?

FW: Câu hỏi này thực là đã trói buộc tôi, bởi nó làm tôi nhớ về cái được gọi là “sự ví von theo phong cách Homer” trong thi ca cổ điển, phong cách từng hấp dẫn tôi ghê gớm thời thuổi trẻ. Tôi có thể nói một bài dài trong chuyện này, đặc biệt về Bundy, một học giả hồi những năm 1960, hay về ngay ông bạn Joel Christensen của tôi. Còn về Homer ư? Đó có thể đã là một nhà hiện thực huyền ảo rồi đấy.

ẩn dụ trao tay chính xác là một nguồn năng lượng dồi dào để chiếu sáng cõi vượt quá hiện thực mà chúng ta vẫn ý thức, vẫn mơ, và vẫn nhớ về. Có một tổng phổ những chiến thuật tu từ, trong đó ẩn dụ có thể bật ra, tất nhiên, từ những liên tưởng huyền ảo không đâu vào đâu, từ Char hay Hart Crane, đến những từ ngữ trong suốt và tối thiểu của kinh Tân ước hay Đường thi ở phương Đông. Những ẩn dụ công khai thì dường như chẳng đóng góp vai trò gì đáng kể. Cavafy (Constantinos Cavafis: 1863-1933, thi sĩ Hy Lạp- ND) là một tác giả dùng ẩn dụ rất giỏi, tôi đã đọc khá nhiều thơ ông qua các bản dịch lộng lẫy của Theoharis.

PV: Nhưng tại sao lại có những bài ông dùng những ký tự trắng, sự tối nghĩa, và những dấu lặng... để diễn tả chủ đề? Ví dụ bài Hãy nói tên tôi mô tả lòng mộ đạo của đôi tình nhân nhí nhảnh trong sự im lặng của cái tên không vang lên của Chúa: “Từ có nghĩa con đang được yêu”. Thậm chí ngay mở đầu đã có âm hưởng chết chóc: “Ta muốn được chôn trong một chu kỳ ”. Phải chăng những bài thơ như vậy muốn thách thức cái chết bằng phương tiện ngôn ngữ? Phải chăng ông có hai cách tiếp cận một vấn đề tương tự?

FW: Câu hỏi này làm tôi nhớ về cảm giác với nhà thơ Frank Stanford mà gần đây tôi đã vượt qua. Ông ấy cứ khăng khăng làm thơ về cái chết, khăng khăng lánh đời, và cho rằng chỉ cần sự hiện diện của ý thức là đủ. Stanford có những món quà so sánh mà tôi rất yêu: “Gió thổi qua cây, như người đàn bà lấy ông chồng nhiều vợ ”, hay “mặt trăng tối mờ như cái bụng con muỗi căng máu”... ấy vậy nhưng ông lại dùng chúng rất thanh đạm, tiết kiệm. Dù cách nào chăng nữa, thì cũng không ai có thể trù tính được sự bất lực của thông tin, của tôn giáo, của tình yêu, ngôn ngữ, cái chết... toàn những chủ đề to lớn. Và tôi hoàn toàn không nghĩ rằng, mình lại có thể trầm ngâm được chút gì trong những chuyện này. Chỉ có nỗi ám ảnh, về sự hiểm nghèo, đầy chật hành trang của con người trong chuyến đi cuộc đời. Tôi chẳng giữ bí mật gì đâu, tất cả hiện lên trong thơ tôi đấy. Tôi rất vui nếu các anh đã để ý được những sắc thái khác nhau của thơ tôi. Tôi cống hiến chúng cho công luận.

PV: Xin cảm ơn nhà thơ.

 

(Báo Văn nghệ)
vananhsh@yahoo.com

 

   

 

      luận thơ  


 

Nhà thơ và nhà báo Raul Rivero
Thi sĩ Raul Rivero
bị kết án 20 năm tù


  61-
UNESCO trao giải cho một nhà thơ Cuba.                                                                                      BBC
  62-
Đại diện tối cao của khát vọng sống chính là ngôn ngữ.                   Giải Pulitzer 2004- Franz Wrigh 
  63- Bài thơ tôi không quên.  (Theo Đại Việt sử ký) .                                                                          Đỗ Viết 
  64- Dương Tường với “Thơ ngoài lời”.                                                                                    Đào Bá Đoàn 
  65-
Nhớ nhà thơ "chân quê".                                                                                                        Nguyễn Tý 
  66-
Nhà thơ Lê Thị Kim: Đời thơ đã nhận kiếp tằm...                                                                  Túc Hạnh 
  67-
Một tập thơ Hữu Thỉnh vào chung khảo văn nghệ thuật Bắc Cali (Hoa Kỳ).         Đặng Huy Giang 
  68- Phương trình VN - ẩn số Mỹ...                          Bình thơ Quan Dương.                        Nguyễn Thùy

vhvt-10
Trở lại trang chính