Nhà thơ Lê Thị Kim: Đời thơ đã nhận kiếp
tằm...
Túc Hạnh
(VietNamNet) - Làm thơ,
vẽ tranh, nghiên cứu khoa học, kinh doanh… từng là nhà thơ nữ duy nhất trong
nhóm ca khúc chính trị của Hội Tri thức yêu nước thành phố lưu diễn nhiều
nơi, là nhà thơ nữ đầu tiên của miền Nam được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt
Nam kể từ sau giải phóng, là người đầu tiên được tổ chức đêm thơ nhạc riêng
(năm 1986). Xem ra người phụ nữ này có quá nhiều cái nhất!
- Là một nhà thơ nữ có nhiều tác phẩm được
giới trẻ thuộc, xin được hỏi chị đến với thơ từ lúc nào?
|
Nhà thơ Lê Thị Kim |
|
|
- Gia đình tôi ai cũng yêu nghệ thuật. Cha
tôi là thầy dạy học nhưng rất mê vẽ tranh, làm thơ. Cha truyền cho tôi tình
yêu nghệ thuật từ rất sớm. Tôi nghĩ ai cũng có thể làm thơ. Khi tình cảm
chất chứa trong lòng, thốt nhiên sẽ có thơ. Tôi vẫn quan niệm rằng viết văn
và làm thơ là một cái nghiệp, đã là nghiệp thì không thể bỏ được, dù trong
hoàn cảnh nào. Với tôi, thơ ca là đam mê thứ nhất. Tôi cũng yêu hội họa. Cả
hai gặp nhau ở một điểm chung lớn: khám phá và sáng tạo, thế nên bổ sung cho
nhau rất nhiều.
-
Theo chị, có thể dựa vào tiêu chí nào để đánh giá hay dở một bài thơ?
- Thơ là cảm xúc riêng của mỗi người. Tâm
tính, bản ngã, trạng thái tâm lý, tâm hồn mỗi người rất khác nhau nên thơ ca
cũng ẩn chứa muôn màu sắc, dáng vẻ. Người có tâm cảm dịu dàng thì tiếng thơ
sâu lắng, dễ đi vào lòng người. Người có cá tính mãnh liệt thì tiếng thơ
cũng sẽ nói lên được "chất lửa" trong tâm hồn họ. Trong hội họa, yếu tố kỹ
thuật là rất cần thiết, Song, trong thơ ca, yếu tố cảm xúc vẫn quan trọng
hơn, kỹ thuật ngôn từ chỉ là phương tiện hỗ trợ thêm. Và không thể không kể
đến cảm nhận từ phía người đọc. Thơ hay nhưng bạn đọc có "thẩm thấu"
được cái hay đó không lại là chuyện khác. Tôi muốn nói vai trò của giáo dục
ở nhà trường trong tiếp nhận thơ ca là rất cần thiết.
-
Có thể nói chị cùng Đỗ Trung Quân, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Nhật Ánh, Thanh
Nguyên, Hồ Thi Ca, Nguyễn Thái Dương, Cao Vũ Huy Miên... đã làm nên một lớp
tên tuổi thơ hoạt động sung mãn, đứng vững trên thi đàn, xứng đáng kế thừa
thế hệ thơ ca kháng chiến chống Mỹ. Nhớ về thời kỳ trước, chị có muốn chia
sẻ điều gì với các cây bút trẻ hôm nay?
“…Và tôi, lúc nào một niềm mơ ước hiển hiện, một nỗi khát
khao dâng trào, tôi viết. Có thể là những dòng thơ, có thể là một cái gì
đó… không biết rồi nó có được chắt lọc thành thơ. Cho nên tôi không mộng
tưởng điều gì – bởi chính tôi khi làm thơ, tôi vẫn cảm thấy như mình
đang lạc vào chốn nào đó, một cõi riêng mình, nghe lại chính giọng nói
của mình và đôi khi còn như một kẻ lữ hành đang đi ngược chiều gió
thổi…”
Nhà thơ
Lê Thị Kim |
- Bạn thơ cùng thời với tôi nay hầu hết đã
thành danh, có nhiều người giữ những trọng trách quan trọng trong lĩnh vực
nghệ thuật ở TP.HCM và trên cả nước. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã phải trả
giá nhiều, nếm trải nhiều trong thời kỳ đất nước còn khốn khó. Nhưng, có thể
nói giờ đây chúng tôi đã phần nào hãnh diện về những cố gắng của mình. Đời
thơ đã nhận kiếp tằm thì phải rút ruột nhả tơ. Âu những sợi tơ thơ vàng óng
cũng chính là niềm hạnh phúc không thể đong đếm...
-
"Đừng nhìn em như thế - Cháy lòng em còn gì - Sự nồng nàn của bể - Cuốn
mất hồn em đi" là một trong những vần thơ rất nổi tiếng của chị. Chị làm bài
thơ "Đừng nhìn em như thế" trong hoàn cảnh nào?
- Lần ấy, đã lâu lắm rồi, tôi cùng người bạn
trai ngồi uống cafe trong quán. Khi đứng dậy ra về, bất chợt tôi nhận thấy
có một người đàn ông ngồi trong góc khuất cứ nhìn mình đăm đăm, cái nhìn rất
là... dữ dội. Trong niềm xúc cảm khó tả ấy, dẫu chỉ một khoảnh khắc, tứ thơ
"Đừng nhìn em như thế - Cháy lòng em còn gì" chợt nảy ra. Điểm nhấn của toàn
bài thơ là đôi mắt, đôi mắt là nơi dễ khiến người ta xiêu lòng nhất. Và nếu
tinh ý sẽ hiểu vì sao tôi viết tiếp bốn câu này: "Bởi tình yêu có thực -
Vĩnh cửu trong cuộc đời - Bởi ghen tuông có thực - Xuống mồ biết có thôi".
-
Có vẻ như thơ chị rất "có duyên" với âm nhạc?
|
Lê Thị Kim
thời thiếu nữ. |
- À, nói chuyện thơ phổ nhạc thì tôi hơi "bị"
nhiều đấy. Bài Đừng nhìn em như thế có đến 5 nhạc sĩ phổ nhạc, là
Trương Tuyết Mai, Vũ Hoàng, Nguyễn Tôn Nghiêm, Quỳnh Hợp, Dzoãn Bình... Bài
Trên cánh sầu đông có Quốc Bảo, Nguyễn Hiệp, Vũ Hoàng phổ nhạc. Bài
Vu vơ và Hư ảo tình ta thì có một kỷ niệm rất khó quên. Ban đầu,
thấy bài Hư ảo tình ta có chút chút chất nhạc, tôi bèn nhờ anh Hoàng
Hiệp chuyển tới nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu. Ít lâu sau ghé lại, Hoàng Hiệp bảo
anh đã phổ nhạc xong và đệm dương cầm tôi nghe. Từ chỗ anh Hiệp bước ra, tôi
lại "đụng" ngay anh Phạm Trọng Cầu, anh Cầu bảo: "Dạo này có bài
năm chữ nào mới không Kim?". Nghe anh hỏi, tự dưng tôi thấy áy náy quá.
Ngay lúc đó, cái tứ Vu vơ
chợt nảy ra trong đầu, tôi ngồi xuống viết ngay. Xong, tôi đưa cho
anh Cầu rồi vào Hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ) làm việc tiếp. Khoảng 20
phút sau quay ra lại gặp anh. Anh bảo: "Tao phổ xong rồi nè, vào đây nghe
thử xem sao". Thành ra bài thơ Vu vơ từ khi ra đời đến khi thành
nhạc chỉ vỏn vẹn có nửa tiếng đồng hồ. Thơ và nhạc nó tương đồng khắng khít
như vậy đấy!
-
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện khá thú vị.
Nhà thơ Lê Thị Kim tên thật là Lê Thị Ngà, sinh năm 1950
tại Thanh Hóa
Là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM (từ năm 1981), hội viên Hội Nhà văn Việt
Nam (1990), hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM (1996)
Được báo Tuổi Trẻ bình chọn người "Phụ nữ tài năng" (1990)
Là một trong 20 gương mặt được biểu dương Văn học thành phố 20 năm
(1995)
Tác phẩm thơ:
- Vòm me mùa hạ (in chung,1985)
- Thành phố tháng tư (in chung, 1985)
- Khi tình yêu đến (1989)
- Đóa quỳnh hư ảo (1990)
- Sương bụi tình yêu (1997)
- Nguyên đán tình yêu (in chung, 2003)
|