|
|
Trần Thanh Đạm
Một sai lầm thế kỷ trong lý luận phê bình văn học
*******
Nguyễn Bình, Trần Công Minh
Lạy cụ Cố Trần!
I.
Nguyễn Bình (Hải Phòng)
Lạy cụ Cố Trần!
Báo Văn Nghệ (già) trong thời
gian gần đây càng ngày càng bày tỏ rõ một khuynh hướng bảo thủ lố bịch tới mức
một độc giả được đọc báo biếu (tức thành phần nghiêm nghị) như tôi cũng phải phì
cười. Đành rằng trong hoàn cảnh văn hoá nghệ thuật hiện nay, không ai đòi hỏi tờ
Văn Nghệ phải là đầu tầu dấy lên một phong trào cấp tiến, làm nức lòng người
đọc, khiến thiên hạ tranh nhau ra sạp báo vét đến tờ cuối cùng, vì ai cũng thấy
rõ đồng chí Hữu Thỉnh không phải là ông Nguyên Ngọc. Thời hoàng kim của Văn Nghệ
chỉ kéo dài 2 năm, cách đây cũng đã gần hai chục cái Tết. Nhưng dù sao là tờ báo
chính thức đại diện cho văn học Việt Nam thì nó cũng nên giữ được chút sĩ diện
tối thiểu cho văn giới, cũng phải có chút “văn minh”, “trí tuệ”, “sang trọng”
tối thiểu nào đó. Văn chương mà! Trong khi tờ Văn Nghệ Trẻ thỉnh thoảng còn ra
được một hai bài “khác giọng điệu chung” một chút xíu thì tờ Văn Nghệ (già) càng
ngày càng giống một kẻ tuổi tác đã cao, phần lớn thời gian lẩm bẩm một mình
những chuyện ngày xửa ngày xưa của riêng một mình mình biết một mình mình hay.
Thế rồi, thỉnh thoảng thấy thiên hạ không ai chịu nghe, kẻ tuổi tác cao ấy bất
thần quát lên vài ba tiếng đánh động rằng ta đang tồn tại đây, đừng có khinh ta,
ta còn thọ lắm. Mỗi lần báo Văn Nghệ quát là mùi vị bảo thủ xông lên, may mà ở
thành phố cảng lộng gió, mùi ấy không ở lại lâu.
Cuối tuần vừa qua giới văn nghệ Việt Nam lại giật nảy mình vì một tiếng quát to
trên tờ báo của Hội Nhà Văn. Lần này là của cụ Cố Trần, một nhà giáo lão thành,
đã đào tạo không biết bao nhiêu lớp thày và trò, độc giả và tác giả văn học Việt
Nam. Cụ đã về hưu nhưng vẫn muốn tiếp tục cống hiến kho tri thức và bầu nhiệt
huyết của mình cho đất nước.
Cụ Cố Trần quát gì? Cả giới văn nghệ đang lụi hụi làm những việc vớ vẩn không đi
đến đâu của mình, vểnh hết tai lên nghe. Cái gì mà tiêu-đô-rôm-rốp,
xe-không-lốp-đi, bặt-tin, da-kẹp-sườn, với lại ếch-lăn-tòm
[1] thế nhỉ?
Nghe một hồi, giới văn nghệ hiểu ra: À, cụ Cố đang mắng tất cả những thứ mà
chúng ta không nên biết (nhưng cụ Cố thì tất nhiên có cơ hội biết rõ từ trong ra
ngoài) là ba lăng nhăng, siêu vi trùng uốn ván gì đó. Cụ Cố đang khuyến cáo bọn
trẻ người non dạ chúng ta (so với cụ thì chúng ta trẻ thật) đừng có dại dột quan
hệ bừa bãi với những phần tử truyền vi trùng nguy hiểm (talawas, Tiền Vệ...) rồi
mắc bệnh vào làm cho thân tàn ma dại. Mỗi lần sắp sa ngã, chúng ta nên thắp một
nén nhang cúng đồng chí Trường Chinh (là thánh, thần, hay Phật chăng?), hương
hồn đồng chí ấy sẽ giúp ta xua tan những bóng đêm tội lỗi, trở về với sự trong
sạch lành mạnh. À, tưởng gì, cái quát này thì giới văn nghệ nghe rồi, nghe nhiều
lần rồi. Tuy những cái tên ốp ép thì thay đổi, tên các đại lí bán sỉ các
loại vi trùng cũng thay đổi, nhưng lần nào cũng thế, đều là khuyến cáo, răn đe,
dạy dỗ. Chỉ vì mong cho chúng ta nên người, cụ Cố Trần mới không quản tuổi cao,
nhiệt tình bảo ban, quát tháo như thế. Lần nào chúng ta cũng vừa răm rắp “Lạy cụ
ạ, chúng con nghe rồi ạ”, vừa nháy nhau: “Biết rồi, khổ lắm...”, rồi mắt trước
mắt sau chuồn thẳng.
Báo Văn Nghệ cho cụ nói thì cụ cứ nói, chắc đồng chí Hữu Thỉnh đã nhận ra rằng
giữ một chút “sang trọng” tối thiểu cũng là điều không thể làm nổi, vậy thì có
cái mùi bảo thủ còn hơn... không có mùi vị gì! Chúng con cứ lạy cụ cho phải phép
(phương Đông mà!), nhưng xin phép nói vụng sau lưng cụ: Chúng con lớn cả rồi,
yêu ai, quan hệ với ai, tránh xa ai, vừa lạy vừa khinh ai: da-kẹp-sườn,
ếch-lăn-tòm, tiêu-đô-rôm-rốp..., chẳng cần cụ phải “cầm tay chỉ việc”. Mà
sao cụ... ích kỉ thế? Cụ được tiếp xúc với mấy thứ ốp ép đó (dù chỉ để
xác quyết rằng đó là rác rưởi) thì cũng phải cho con cháu tiếp xúc chứ. Miếng
ngon hay miếng dở thì cũng phải được nếm mới biết nó thế nào, chứ cụ cứ một mình
giành lấy quyền nếm trước rồi bắt con cháu khâu mồm thì có phải là mất lịch sự
không? Ích kỉ, mất lịch sự thế thì dạy con cháu nào nó nghe nữa. Ấy chết, con
biết nói thế là hỗn, vi phạm đạo đức phương Đông, cụ tha cho con, con hứa lần
sau lại đến lạy cụ ạ!
Chúng con cũng không quên rằng còn có những vi trùng với siêu vi trùng thật,
hiểu theo nghĩa đen, không phải là ở trong văn chương chữ nghĩa. Mới cuối tháng
6 vừa rồi, Việt Nam được một vinh dự chưa từng có, được chọn vào danh sách (do
Bộ Ngoại Giao Mĩ công bố) cùng với 15 năm quốc gia khác trên toàn thế giới có sự
bùng phát bệnh Aids trầm trọng nhất. Nếu không có biện pháp hữu hiệu, đến năm
2010 Việt Nam sẽ có 1 triệu người nhiễm HIV. 14 quốc gia đồng cảnh với Việt Nam
là: Nam Phi, Bờ biển Ngà; Kenya, Namibia, Rwanda, Tanzania, Nigeria, Mozambique,
Ethiopia, Guyana, Zambia, Uganda, Haiti và Botswana. Không có một nước nào trong
khu vực Đông Nam Á được chia sẻ số phận hơn người ấy. Bệnh tật thật đã về đến
đầu ngõ rồi mà không thấy mõ làng khua khoắng lên cho bà con cảnh giác thật.
Bệnh chữ nghĩa chưa thấy đâu thì đã thấy quát ầm ầm.
Tôi tự hỏi, hay là người Việt đã nhiễm HIV qua việc truy cập từ xa các trang web
“ô nhiễm tình dục nặng nề” như talawas, Tiền Vệ...?
18.7.2004
II.
Trần Công Minh (Hà Nội)
Mấy suy nghĩ ngắn gọn nhân đọc bài viết của ông Ðạm
Với một tít đề giật gân, bắt
mắt, lại được đăng trên trang đầu báo Văn Nghệ, nên bài viết Một sai lầm thế
kỷ trong trong lí luận phê bình văn học đã lôi kéo tôi, một người không mấy
quan tâm tới lí luận văn học của ta (đơn giản vì tôi nghĩ nó chưa có), đọc từ
đầu đến cuối. Tôi tá hoả, không phải vì sự kiêu ngạo ngớ ngẩn của một kẻ điếc
không sợ súng, mà vì tờ Văn Nghệ, tuy “lá cải” thật đấy, song dù sao cũng là đại
diện cho giới văn nghệ của cả nước, lại đi đăng một bài mà người viết nó xem ra
có vấn đề trong đầu óc. Tôi buộc phải nhận xét như thế, vì bài viết của ông Ðạm
điển hình cho lối làm việc rất nguy hiểm của không ít những kẻ mệnh danh là trí
thức ở nước ta: không đọc, hoặc đọc lõm bõm (vì trình độ ngoại ngữ rất rất có
hạn, vì những thứ gọi là lí luận thường khó tiếp thu...), chủ yếu “nghe hơi nồi
chõ” rồi phán nọ phán kia. Nhưng phán đến mức coi một thế kỷ lí luận văn học thế
giới với những trường phái nổi tiếng có những đóng góp không nhỏ cho phê bình,
nghiên cứu văn học và ngôn ngữ, như trường phái hình thức Nga (mà chắc chắn ông
không biết tí gì, mặc dù đã có một vài bản dịch, bài viết về trường phái này),
những “đại gia” như T.Todorov, R. Jakobson, V. Chklovski, Bakhtin (những cái gọi
là lí luận của chúng ta gần đây nhất chủ yếu là “xào” lại những luận điểm khoa
học của ông), là “những cây nấm độc trên thân gỗ mục”, đáng băm vằm, sổ toẹt,
thì ông Ðạm đã đạt tới mức thượng thừa của sự ... liều lĩnh. Tôi không biết ông
Ðạm là ai, làm nghề gì, già hay trẻ, song nếu ông là nhà giáo thì thật là một
“đại hoạ”: biết bao thế hệ học trò đã, đang và sẽ học theo lối tư duy và cách
thức làm việc “kinh khủng” của thầy, theo thầy nhổ vào tri thức và văn minh nhân
loại.
Cuối cùng chỉ yêu cầu ông Ðạm một điều: hãy chỉ ra một nền lí luận không sai
lầm.
© 2004 talawas
Bài viết sau đây của ông Trần Thanh Đạm
trên báo Văn Nghệ số mới nhất (17.7.2004) phê phán một số khuynh hướng mà ông
cho là sai lầm và cơ hội của lí luận phê bình văn học ở phương Tây, đồng thời
chỉ ra rằng những trang web như talawas, Tiền Vệ... đang chuyển những rác rưởi
độc hại đó về Việt Nam. Chúng tôi xin giới thiệu để rộng đường dư luận.
talawas
Trần Thanh Đạm
Một sai lầm thế kỷ trong lý luận phê bình văn học
Nhà phê bình và lý luận văn học nổi tiếng Pháp và có lẽ là của phương Tây là
Tzvetan Todorov (ông là người Pháp gốc Bulgaria) trong lời tựa cuốn sách
Phê bình của phê bình (Critique de la critique), Seuil, 1984. Tôi không
có bản tiếng Pháp, phải sử dụng bản dịch tiếng Anh của Catherine với nhan đề
là Văn học và các nhà lý luận của nó (Literature and its Theorists),
Cornell University Press, 1987 có một đoạn rất quan trọng như sau:
Ý niệm của chúng ta về
văn học và bình luận văn học không phải đã có từ buổi bình minh của lịch
sử. Sự xác định bản thân khái niệm “văn học” và tất cả những gì thuật ngữ
đó kéo theo như hiện nay là một hiện tượng cách đây không lâu, mới từ cuối
thế kỷ XVIII. Trước đó, cố nhiên người ta đã có thể xác định các thể loại
lớn (thơ, tự sự, kịch) cũng như các thể loại đó bao gồm là một cái gì đó
rộng hơn cái mà ngày nay chúng ta gọi là văn học. “Văn học” ra đời từ
một sự đối lập với ngôn ngữ thực dụng, ngôn ngữ này tìm lý do tồn
tại của mình ở bên ngoài nó; trái lại, văn học là một thứ ngôn từ tự thỏa
mãn nơi chính bản thân mình. (Tôi nhấn mạnh hai chữ “đối lập” và toàn
câu này – TTĐ). Điều này dẫn đến một mặt sự mất giá của các mối quan hệ
giữa tác phẩm với những gì mà nó dẫn giải hoặc hoặc diễn tả hoặc giáo
huấn- tức là giữa bản thân tác phẩm với tất cả những gì bên ngoài nó; mặt
khác, nó tập trung chú ý đến cấu trúc của bản thân tác phẩm, đến sự đan
kết lẫn nhau ở bên trong đoạn mạch, các đề tài, các hình ảnh của nó. Từ
các nhà Lãng mạn, đến các nhà Siêu thực và các nhà Nouveau roman (tiểu
thuyết mới), các trường phái văn học khác nhau, tất cả đều tuân theo các
nguyên tắc cơ bản này, mặc dù các trường phái ấy có thể khác nhau trên các
chi tiết và hệ thuật ngữ. Khi nhà thơ Archibald Maclesh trong một bài thơ
nổi tiếng có tính chất cương lĩnh của ông viết rằng:
Một bài thơ không có ý nghĩa gì cả
Nó chỉ tồn tại
(A poem should not mean
But be)
thì ông chỉ đưa ra cái xu hướng văn học tự thân này đi đến cực đoan: bản
thân ý nghĩa được cảm nhận như cái gì hoàn toàn bên ngoài.
(Sđd. tr.4).
Trong sách Dẫn luận lý luận văn học (Literary Theory – An
Introduction, Basil Blackwel Ltd, 1986), tác giả là Terry Eagleton, một
nhà lý luận Anh tự xưng là mác–xít đã viết trong chương I: “Dẫn nhập: Văn
học là gì?” một đoạn văn như sau (chú ý có ngữ điệu phê phán):
Có lẽ người ta cần một
cách tiếp cận khác đối với văn học. Có lẽ văn học được định nghĩa không
phải bởi vì nó có tính hư cấu, tính tưởng tượng hay không mà bởi vì nó sử
dụng ngôn ngữ theo một cách riêng. Theo lý thuyết này, văn học là một cách
viết, theo lời của nhà phê bình Nga Roman Jakobson trình bày, đó là một sự
cưỡng bức (hay một thứ bạo lực - violence) có tổ chức đối với ngôn ngữ
bình thường, làm lệch lạc nó một cách có hệ thống so với ngôn ngữ hàng
ngày.
(Sđd.tr.2).
Chính vì quan niệm về văn học như trên cho nên các nhà lý luận trên đây đều
luôn tôn vinh các nhà hình thức chủ nghĩa Nga đầu thế kỷ XX, xem họ là thủy
tổ của lý luận văn học hiện đại. T.Todorov vốn là người Đông Âu thông thạo
ngôn ngữ Slave hơn các đồng nghiệp phương Tây nên chính ông cùng với R.
Jakobson đóng vai trò tiên phong trong việc “phục sinh” chủ nghĩa hình thức
Nga cũng như sau này lại tán dương M.Bakhtin (vì lý do chính trị nhiều hơn
là lý do học thuật). Còn T.Eagleton thì cho rằng thời điểm khởi đầu của lý
luận văn học hiện đại là năm 1917, khi Victor Chklovski xuất bản bài tiểu
luận Nghệ thuật như là thủ thuật (Iskusstvo kak priom – Art as
Device), mặc dù chính ông đã thừa nhận là tác giả cùng với số đông các nhà
lý luận cùng quan điểm với ông, trừ một vài người như Roman Jakobson gốc Do
Thái, ly khai và lưu vong, tất cả sau đều từ bỏ chủ nghĩa hình thức, tham
gia cách mạng Bôn sê vích sau năm 1917, trở thành các nhà lý luận kiệt xuất
của văn học Xô Viết (Cũng giống như đa số các nhà “Thơ Mới” của ta từ bỏ thơ
mới để tham gia cách mạng sau 1945, nhưng sau đó lại có một số nhà phê bình
nhiệt tình quá cỡ “phục sinh” và “tôn vinh” họ hơn cả chính họ). Ngoài bản
thân V. Chklovski còn có những người như B.Tomachevski, V.Vinogradov,… (mà
ngày nay người ta giả vờ như chưa từng có họ trên đời và trong lĩnh vực thi
pháp, thi học), đã trở thành những cây đại thụ văn học và ngữ học Xô Viết.
Dù các nhà lý luận lưu vong và ly khai nói trên cùng các “đồng chí” của họ
ra sức che giấu, song cái đuôi bài Xô, chống Cộng của họ vẫn thường lòi ra,
và chính thái độ chính trị khoác áo học thuật đó đã góp phận đưa họ lên trên
cả những nhà lý luận chân chính của các nước phương Tây, để trở thành các
“ngôi sao” lý luận của khu vực này trong thế kỷ XX. Một khi phong trào bài
Xô chống Cộng sau “chiến tranh lạnh” nguội đi thì trong thực chất, các ngôi
sao này vụt tắt, các nhà lý luận tiên phong này “mèo lại hoàn mèo”. Khi chủ
nghĩa cấu trúc trong lý luận, chủ nghĩa hiện đại trong sáng tác mất thiêng,
phải thay bằng chủ nghĩa hậu cấu trúc, chủ nghĩa hậu hiện đại hợp thời, hợp
mốt hơn, thì các nhân vật này trổ tài cơ hội đi tiên phong phê phán cái tín
điều ngày xưa của mình, trở lại “ve vãn” “làm ăn” với chủ nghĩa Mác, chủ
nghĩa hiện thực. Như T.Todorov đã trở về song làm ra vẻ xướng xuất một “Chủ
nghĩa phê bình đối thoại” (A Dialogic Criticism) sau khi đối
thoại với các nhà lý luận đủ mọi khuynh hướng của phê bình phương Tây trong
đó có những người rất đứng đắn. Tôi không tính T.Eagleton vào nhóm cơ hội
này, ông là người Anh, thủy chung tự nhận là mác xít (phương Tây) nên đi đến
kết luận trong sách Dẫn luận lý luận văn học của mình bằng chương
“mác xít hơn cả Marx”: “Chủ nghĩa phê bình chính trị” (Political
Criticism), sau khi làm một cuộc hành trình từ Hiện tượng luận, Giải
thích học, lý thuyết tiếp nhận, Chủ nghĩa cấu trúc và hậu cấu trúc, Phân tâm
học,… với những lý giải và phê phán cũng khá xác đáng và có phần sâu sắc. Dĩ
nhiên, ngoài các “ngôi sao” như T. Todorov và một số nhà lý luận “xuất sắc”
khác ứng thời xuất hiện và tung hoành thì một số đông các nhà học giả đứng
đắn, trầm tĩnh, sâu sắc vẫn giữ vị trí uyên bác của mình tại các trường đại
học và các diễn đàn tri thức khác, chưa nói các nhà lý luận, phê bình “cánh
tả” vẫn mài sắc ngọn bút phê bình lý luận của mình trên trực tuyến văn học
dấn thân vì hòa bình, tự do, dân chủ, nhân quyền, tiến bộ xã hội chân chính.
Dĩ nhiên, trong thế giới phương Tây, họ khó mà trở thành “ngôi sao” mà rất
dễ trở thành “cái gai” hoặc trở thành bơ vơ…
Nhà thơ Tố Hữu của chúng ta viết về Nguyễn Du thế kỷ XVIII mà có quy chiếu
đến các “Nguyễn Du” của phương Tây thế kỷ XX: Hỡi lòng tê tái thương yêu/
Giữa dòng trong đục cánh bèo lênh đênh/ Ngổn ngang bên nghĩa bên tình/Trời
đêm đâu biết gửi mình nơi nao/ Ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào/ Đành như thân gái
sóng xao Tiền Đường. Tìm đường cho cuộc sống có ý nghĩa giữa xã hội tao
loạn đã khó, tìm đường cho văn học trong bối cảnh dòng trong dòng đục chen
nhau phải đâu là sự dễ? Thế kỷ XX đã thế, thế kỷ XXI nào có thuận lợi hơn?
Tôi vẫn nghĩ: đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội có khi còn khó hơn đấu tranh
chống chủ nghĩa khủng bố, vì thứ chủ nghĩa này chuyên dùng hàng gian, hàng
giả, hàng nhái, luôn luôn thay đổi màu sắc. Phải chăng lịch sử đang lặp lại
ở điểm này khi đoạn ráp ranh thế kỷ XX - thế kỷ XXI có cái gì đó đồng dạng
với thời đoạn giáp ranh thế kỷ XIX – XX, khi trung tâm cách mạng chuyển rời
về phía Đông và V.I. Lenin nối bước K. Marx và F.Engels. Các nhà tương lai
học dự báo một sự trỗi dậy của châu Á và phương Đông trong thế kỷ XXI không
phải là không có căn cứ. Nhớ lại bài viết của Lenin: Châu Á văn minh,
châu Á dã man. Nghịch lý bao giờ cũng là bề ngoài của thuận lý.
Tôi xin trở về với sai lầm thế kỷ trong lý luận văn học phương Tây – đúng ra
chỉ là một bộ phận thôi, bộ phận nổi lên bề mặt của hệ thống lý luận ấy. Thứ
lý luận này xuất phát từ một tiền đề sai lầm về căn bản, được đúc kết
trong nguyên lý được dẫn ở đầu bài này của T. Todorov, phụ họa theo hay được
phụ họa bởi R. Jakobson. Hạt nhân của nguyên lý sai lầm này là ở hai chữ “đối
lập” (opposition) giữa ngôn ngữ nghệ thuật của văn học với
các loại hình ngôn ngữ khác của xã hội, của nhân loại, từ đó các nhà lý luận
này dựng một bức Vạn lý trường thành hay chiến lũy Maginot giữa văn học từ
thuở khởi đầu của lịch sử với “văn học” từ thế kỷ XVIII trở đi. T.Todorov
nói đó là từ phong trào Ánh sáng và Chủ nghĩa lãng mạn (không phải ở Pháp mà
ở Đức, nên mới lấy khởi điểm là thế kỷ XVIII). Đó thực sự là một sai lầm về
nguyên lý, cắt đứt quá khứ, cách tân với truyền thống, phất ngọn cờ nổi loạn
của chủ nghĩa tiền phong, chủ nghĩa cấp tiến, san bằng quá khứ để xây dựng
hiện tại. Nhưng “đuổi cái tự nhiên đi, nó sồng sộc chạy về”, “văn học” mới
không thể đối lập với “văn học” cũ được, ở phương Đông hay ở phương Tây đều
như vậy: phi cổ bất thành kim. Hơn nữa ở đây, các nhà lý luận cực đoan này
còn đối lập văn học cổ với kim bằng cách đối lập hai thứ ngôn ngữ: văn học
và phi văn học, nghệ thuật và phi nghệ thuật, cho rằng một bên thì hướng nội
(tự thỏa mãn với mình), một bên (mà thực ra là tất cả các lĩnh vực còn lại
của ngôn ngữ văn hóa và văn hóa ngôn ngữ) thì cho là hướng ngoại, đi tìm lý
do tồn tại của mình ở bên ngoài về phương pháp thực chất là một sự ngụy biện
tinh vi. Chính từ đó mà sinh ra các khái niệm mới như immanence,
intransitivity, self – sufficience, non – referentiability (tự khép kín,
không chuyển giao, tự thỏa mãn, không quy chiếu – TTĐ tạm dịch), “sự cưỡng
chế từ trục đối vị lên trục ngữ đoạn “, v.v. và v.v…, cùng với bao nhiêu
thuật ngữ rối rắm và rắc rối khác. Các nhà “lý luận văn học” này biện minh
rằng: nghiên cứu văn học là một khoa học cũng giống như thuyết tương đối,
thuyết lượng tử, nó khó hiểu, rắc rối là chuyện thường, anh không hiểu vì
anh ngoại đạo, anh không thể bước vào cái mê hồn trận của hệ thống thuật ngữ
của chúng tôi. Trước đây, người ta từng dọa đại chúng nhân dân: văn học là
ngôi đền thiêng không dành cho bọn phàm phu tục tử, bây giờ, lý luận văn học
cũng thế, nó trở thành một thứ mê cung, bát quái trận đồ, nếu không phải
Dédalle và Icar thì không điều binh phá trận được. Chủ nghĩa cấu trúc ra đời
trong lý luận, chủ nghĩa hiện đại tung hoàng trong sáng tác, “phê bình mới”
đứng ở giữa đem cái này giải thích hay giải mã cái kia, đem cái kia minh họa
và phụ họa cho cái này, càng triển khai càng chui sâu vào cái sừng trâu bế
tắc, tắc tị. Sáng tác cũng như phê bình thi nhau làm xảo thuật. Những thứ
này ở Việt Nam ta, một bài thơ “thuận nghịch độc” cũng đã khéo gấp 10 lần.
Dù lập luận, biện giải quanh co, song đây là một sự đối lập giả tạo giữa
“viết cái gì” và “viết thế nào”, cho rằng chỉ có văn học mới trau dồi hình
thức (thế nào), còn mọi thứ ngôn từ khác đều “thực dụng”, “chức năng”, hạ
cấp. Các nhà phong cách học ngây thơ nhất cũng thấy sự phi lý của sự đối lập
này (Thực ra đây chỉ là sự phân hóa của các phong cách ngôn từ khác nhau chứ
không phải “đối lập” nhau. Chính vì vậy mà R. Jakobson không bao giờ lý giải
được thông suốt cái “tính văn học” là gì, cái “chức năng thi ca”
là gì và càng lý giải thì càng tắc tị. Đó là lý do dẫn đến cái chết của chủ
nghĩa cấu trúc kế thừa chủ nghĩa hình thức trong văn học để được thay thế
bằng chủ nghĩa hậu cấu trúc ngày càng vô lý hơn: từ chỗ xem tác phẩm là “vô
nghĩa” đi đến xem tác phẩm có “vô số nghĩa”. Rõ ràng là lý luận mà không còn
lý trí nữa). Xu hướng sáng tác văn học cùng với lý luận văn học này, nói như
Hoài Thanh, trở thành một trò chơi tiêu khiển cho bọn nhàn rỗi, không ăn
nhập gì với cuộc đời chung, sáng tác hết chuyện khôn dồn sang chuyện dại,
lấy cái bẩn, cái xấu làm cái sạch, cái đẹp. Mượn lời cụ Ngô Đức Kế: “Bây giờ
phải trái điên đảo, đen trắng lẫn lộn nhèo, lấy thối làm thơm tôn nịnh làm
thánh, đã vũ phu thì cho là ngọc, nàng Vô Diệm thì cho là sắc khuynh thành,
sáng tác đưa nhau vào con đường hư ngụy, văn hóa bày ra một tấn xú kịch nhân
danh nghệ thuật, thẩm mỹ”. Đồng chí Trường Chinh năm 1948 đưa ra một so sánh
rất đúng và rất hay về các trường phái nghệ thuật “ba lăng nhăng” này, đặc
biệt sau thế chiến II: chúng giống như nấm độc sặc sỡ mọc trên thân cây gỗ
mục về tinh thần và văn hóa của xã hội phương Tây. Về sau thì sự sặc sỡ đó
cũng không còn mà thêm vào đó là sự bôi bác “quấy hồ bôi lọ” văn học, nhân
danh dùng cái xấu để bênh vực cái đẹp, cái ác để đấu tranh cho cái thiện,
song thực tế chỉ tiếp cận với các thứ “văn học đen”, “văn học con heo”. Đúng
là như vậy, những kẻ sùng bái, phụ họa chúng ở khắp nơi, không nên ám cách
bào chữa, tán dương cái thứ nấm độc đó làm gì. Nên xem chúng là một loại rác
công nghiệp, một loại chất thải hạt nhân nguy hiểm hay một loại bệnh phẩm y
tế đầy vi khuẩn và siêu vi mà “văn học” các nước giàu qua tay một số đại lý
tiếp thị lưu vong như talawas, Tiền Vệ,… đang tìm cách tống tháo sang các
nước nghèo hi vọng ở đó có những người dốt hoa mắt trước “văn minh, văn hóa”
phương Tây hân hoan tiếp nhận chúng. Trong lúc đó, có những con người khôn
ngoan, lành mạnh phương Tây đang tìm về thế giới phương Đông như những nơi
còn lưu giữ được môi trường thiên nhiên và văn hóa trong sạch. Họ chân thành
khuyến cáo những người lương thiện tại nước này đừng đi theo vết xe mà họ đã
trải qua, hãy giữ lấy truyền thống tốt lành và hiện tại chân chất của mình,
hãy học ở phương Tây những gì là tinh hoa, chứ không phải vơ về thứ cặn bã,
rác rưởi chứa trong các bao bì hào nhoáng, sang trọng.
Trần Thanh Đạm
Một sai lầm thế kỷ trong lý luận văn học (tiếp theo kỳ trước)
kỳ 2
Xuất phát từ nguyên lý sai lầm: cắt đứt hiện tại với quá khứ, đối lập văn học
với văn hóa ngôn ngữ, ngôn từ nghệ thuật với mọi ngôn ngữ, ngôn từ bình thường
khác, xây những ốc đảo, những xà lim biệt giam gọi là “nghệ thuật” để nhốt các
nghệ sĩ và những người yêu nghệ thuật vào đó thuyết phục họ rằng đó mới là nghệ
thuật tinh vi, cao cấp, thượng lưu, tri thức, v.v… Điều này rất hấp dẫn đối với
những kẻ bất tài mà mong nổi danh, ngu dốt mà làm ra hiểu biết, những bọn
“trưởng giả học làm sang”, “quạ mượn lông công, cáo đội lốt hổ”, mượn danh người
nước ngoài lòe bịp người nhà đi xa về hay ở ngoài tha hồ nói khoác. Hồi mới giải
phóng miền Nam, giải phóng Sài Gòn, tôi hân hạnh gặp một số nhà tri thức yêu
nước, yêu cách mạng tại nội thành. Họ rất khinh miệt cái thứ văn học thuộc các
trường phái nói trên du nhập ồ ạt vào miền Nam mà họ gọi là “văn học ngu dân” (littérature
d’obscurantisme) và khi thấy một số tàn tích của chúng hình như được một số
người “phục sinh”, “tôn vinh” trở lại nền văn học yêu nước và cách mạng chúng
ta, họ rất ngạc nhiên, sau một hồi quan sát, họ kết luận rằng đó là tâm lý sùng
ngoại, vọng ngoại còn sót lại, đó là “di chứng thuộc địa”, hay “di chứng nô lệ”,
nói nhẹ hơn đó là hoài niệm thời vàng son của mồ ma chế độ thực dân, phong kiến
ngày xưa. Quy luật là vậy: vọng ngoại thường đi đôi với thủ cựu. Cần nâng cao
tinh thần độc lập, tự chủ. Học xưa vì nay, học ngoài vì trong, tiếp nhận truyền
thống và thế giới một cách chủ động, sáng tạo và có chọn lọc, sàng lọc và suy
nghĩ. Khổng Tử nói: “Học nhi bất tư, tắc võng” (Học mà không suy nghĩ thì
sai lầm). Tiếc rằng thời nào, ở đâu cũng có một bộ phận “học nhi bất tư” như
vậy.
Xu hướng lý luận, phê bình cũng như sáng tác phương Tây khởi đầu với chủ nghĩa
hình thức, đi vào chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa hậu cấu
trúc, hậu hiện đại rồi nhiều các trường phái khác: tiểu thuyết mới, phê bình
mới, văn học phi lý, văn học suy đồi, thi ca vụt hiện, thi ca rú rít như con
thú, cùng mọi thứ quái thai khác, chung quy đều xuất phát từ quan niệm văn học
chỉ là nghệ thuật ngôn ngữ (language exercise, literary craft) biến ngôn
ngữ thành một trò chơi, trò ảo thuật, áp dụng cái công thức của chủ nghĩa hình
thức Nga mà chính tác giả của nó là Chklovski đã từ bỏ, đó là “Nghệ thuật như là
thủ thuật”, loại bỏ nội dung, ý nghĩa, tư tưởng, nhận thức, tri thức, lương tâm,
lương tri, v.v… ra ngoài văn học, làm cho văn học trở thành văn học không có con
người, văn học phi nhân, vô luân, vô thức, v.v… Thứ văn học này bắt đầu bằng chủ
nghĩa hình thức và giá trị cao nhất của nó là chủ nghĩa duy mỹ. Phủ nhận ồ ạt
tất cả thứ văn học này cố nhiên là không nên, vì nó cũng đóng góp ít nhiều cho
sự đổi mới hình thức, thủ thuật, thi pháp văn học. Ở đâu nó kết hợp được với chủ
nghĩa hiện thực thì nó có thành tựu, cống hiến. Khi nó chỉ là nó thì nó trở
thành vô nghĩa, điên rồ cũng đúng thôi, bởi vì một nền văn học tuyên ngôn coi
khinh ý nghĩa (meaning) thì còn có ý nghĩa gì nữa. Nếu nó không còn có ý
nghĩa gì cả, chỉ tồn tại thôi, thì “tồn tại hay không tồn tại” đó là một vấn đề.
Nói chung, văn học mà không có ý nghĩa thì sự tồn tại cũng như không tồn tại.
Trong bài viết Vài suy nghĩ về định nghĩa văn học là nghệ thuật ngôn từ,
tôi cho rằng văn học là sự vận dụng ngôn ngữ một cách nghệ thuật, biến ngôn
ngữ thành ngôn từ nghệ thuật, nghệ thuật ngôn từ, tức là đưa văn học và ngôn
ngữ vào giao tiếp giữa người và người, giao tiếp văn hóa, giao tiếp tư tưởng,
tình cảm, giao tiếp nghệ thuật, nói chung là giao tiếp xã hội. Văn học không thể
đứng ngoài giao tiếp xã hội, dù hình thái giao tiếp của nó là đặc thù. Ngôn ngữ
phi giao tiếp là ngôn ngữ chết (tử ngữ). Văn học phi giao tiếp cũng là văn học
chết (tử văn).
Sự sai lầm của lý luận văn học phương Tây (thực ra chỉ là một bộ phận tật bệnh
của nó thôi, không phải là tất cả) đã giết chết ngôn ngữ, giết chết văn học vì
nó cổ xúy cho sự hủy diệt của giao tiếp, chức năng cơ bản của ngôn ngữ và văn
học. Tật bệnh này có nguồn gốc xã hội, văn hóa của nó, từ sự khủng hoảng tinh
thần của xã hội phương Tây mà E.Husserl và học trò là Heidegger phát hiện và
tuyên cáo vào năm 1935, cuối thế kỷ XX được M.Kundera khẳng định lại trong tập
sách Nghệ thuật tiểu thuyết của ông. Không phải các nhà cách mạng, những
người cộng sản nêu lên sự khủng hoảng đó. Không thể nào khác hơn khi giải thích
khủng hoảng văn học bằng khủng hoảng xã hội nhất là khủng hoảng tinh thần (đây
cũng là ý kiến của chính M.Kundera). Khi văn học đã khủng hoảng về tinh thần thì
sự cứu rỗi là chủ nghĩa hình thức, đó là con đường tương đối trong sạch như văn
học tượng trưng, siêu thực, song tệ nạn của nó là sự điên rồ, sự phá phách, sự
tự hủy diệt và hủy diệt người khác, phát hiện ra “địa ngục là người khác, rồi
địa ngục là chính mình”. Loài người là quỷ sứ, thế giới là địa ngục. Nếu nhân
loại là quỷ sứ, và thế giới là địa ngục, thì văn học và lý luận phê bình của nó
ít ra cũng phải là một thứ Luyện ngục (Purgatoire) giúp vào sự cứu rỗi chứ lẽ
nào vô tâm? Hay như Mục Kiều Liên liều mình xuống chín tầng địa ngục để cứu mẹ
ra khỏi hình phạt vạc dầu, cưa xương xẻ thịt, chứ không phải đâu chỉ rong chơi,
ca hát như con vẹt học nói tiếng người hay con cú kêu ma. Ôi, còn đâu là chủ
nghĩa nhân văn?
Có gì mới ở phương Tây?/ Có đêm và có ngày/ Có vàng và có sắt/ Có máu và nước
mắt/ Có những sói lang và có những anh hùng (Tố Hữu). Phương Tây không phải
chỉ có bóng tối mà còn có ánh sáng, không chỉ có khủng hoảng mà còn có phục
sinh. Văn học nghệ thuật phương Tây cũng vậy. Và lý luận văn học cũng thế.
Khi nói sai lầm thế kỷ lý luận văn học phương Tây, tôi chỉ nghĩ đến một bộ phận
nhỏ nào đó mà thôi, đó là một vùng bóng tối u minh trong một khoảng trời khai
minh. Truyền thống Ánh sáng không phải bắt đầu với quan niệm văn học lệch lạc và
sai lầm của T.Todorov. Đó là cái nhìn của những kẻ hoang mang và tuyệt vọng
(Hình như những người ly khai, lưu vong với Tổ quốc và cội nguồn thường có cái
não trạng ấy). Còn những người sâu rễ bén gốc trong lòng dân tộc và nhân dân
mình, đồng thời cũng là trong lòng nhân loại thì không bao giờ tuyệt vọng. Họ có
thể thất vọng song không bao giờ thôi hi vọng. Hi vọng là gì? Hi vọng là mảnh
trời xanh hiện ra khi trời còn giông bão. Như trong bài hát của Nguyễn Đức Toàn:
đó là “Lẽ sống niềm tin/ Giữa biển khơi biết đâu là bờ/ Một trời xanh chưa
từng thấy bao giờ…” Khác với văn học hình thức, duy mỹ, suy đồi của phương
Tây và sự tự ý thức của nó trong lý luận văn học, sáng tác và lý luận của chúng
ta, của nước Việt Nam đang hồi sinh, phục hưng không việc gì không ốm mà rên,
bỗng dưng mua não chuốc sầu, không rượu chè, thuốc xái gì cũng tự xưng là trụy
lạc, phóng đãng cho ra con người nghệ sĩ, tự làm rắc rối đầu óc của mình để tỏ
ra thông thái, uyên thâm. Gọi cái thứ sáng tác và lý luận đó là văn học của bóng
tối, văn học của chủ nghĩa ngu dân cũng là đích danh. Mọi sự biện minh cho nó
đều phải dùng đến thuật ngụy biện…
Nhờ tiếp xúc với ngôn ngữ và văn học phương Tây mà ngôn ngữ và văn học Việt Nam
ta trở nên khúc chiết, trong sáng hơn mà cũng rộng thoáng, sâu sắc hơn. Giản dị,
trong sáng là phẩm chất cao nhất của ngôn từ nghệ thuật cũng như ngôn từ khoa
học, lý luận. Đó mới là di sản của Thế kỷ Ánh sáng.
T.Eagleton đi đến kết luận: “Phê bình văn học đúng nhất, tốt nhất là “phê bình
chính trị”. Ông là nhà lý luận mác – xít phương Tây. Nếu hiểu chính trị một cách
sâu sắc và rộng rãi (ở chỗ khác ông dùng khái niệm hệ tư tưởng (ideology)
mà T.Todorov kiêng kị một cách sợ hãi), thì tôi có thể đồng tình với quan điểm
của ông, bởi vì văn học (sáng tác cũng như lý luận, phê bình) là việc của cá
nhân và cộng đồng, của những con người. Những con người này làm sao ngoảnh mặt
làm ngơ đối với số phận của dân tộc và nhân loại đang đối mặt với bao nhiêu
thách thức và hiểm họa? Còn T.Todorov, người tôn vinh chủ nghĩa hình thức song
cuối cùng lại xướng xuất “Phê bình đối thoại” tức là trở về với chức năng giao
tiếp của ngôn ngữ, văn học và phê bình, đó cũng là sự “hồi tâm” đáng hoan
nghênh. Theo tôi nhận thấy, hiện tại lý luận văn học phương Tây đang trở về với
chủ nghĩa lịch sử và họ gọi là chủ nghĩa tân lịch sử (neo-historicism)
hoặc đưa văn học hội nhập vào văn hóa và đa văn hóa (culturalism và
multiculturalism), vào bối cảnh giao lưu, đối thoại giữa các nền văn hóa,
cũng như có phong trào văn học nữ quyền, văn học da đen, văn học hậu thực dân,
văn học hướng về nhân loại bất hạnh trong “thế giới thứ ba”, v.v… Có người gọi
đó là “cuộc trở về lớn” của tư duy văn học phương Tây. Thực ra, như đã nói, ý
thức và lý tính lành mạnh của phương Tây không bao giờ bị tiêu diệt, dù suy
thoái mà vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển. Dù có những sai lầm thế kỷ như tôi
nói bên trên, tôi vẫn tin phương Tây thế kỷ XX không phải là một Dark Age
(thời kỳ đen tối) mà chủ yếu vẫn là một thời và một vùng Ánh Sáng tiếp tục
truyền thống Ánh Sáng thế kỷ XVIII (Enlightenment). Bước vào thế kỷ XXI,
nhiều sự kiện văn học nghệ thuật chứng tỏ điều này. Trong muôn vàn sự kiện giàu
ý nghĩa, tôi nghĩ đến cuốn sách và bộ phim của Michael Moore, nhà văn và nhà
điện ảnh tài danh của Mỹ và giải thưởng Cành Cọ Vàng Liên hoan Điện ảnh Cannes
2004 tặng cho ông cùng với sự hoan nghênh và hâm mộ của giới văn nghệ, giới phê
bình và đông đảo công chúng toàn cầu đối với ông. Điều này chứng tỏ rằng sang
thế kỷ XXI, lương tri, lương tâm của phương Tây (bao gồm cả Mỹ như M. Kundera đã
xác định) vẫn còn là những mảnh trời tươi xanh của hi vọng giữa giông bão của
chủ nghĩa khủng bố các loại đang đe dọa nhân loại trên toàn thế giới.
Nói đến hi vọng là một mảnh trời xanh, tôi nghĩ đến văn học nghệ thuật Việt Nam
cùng với nền lý luận, phê bình của ta như chiếc mũ tai bèo trong thơ Tố Hữu (Ôi
chiếc mũ vải mềm dễ thương như một bàn tay nhỏ/ Chẳng làm đau một chiếc lá trên
cành/ Sáng trên đầu như một mảnh trời xanh/ Mà xông xáo mà tung hoành ngang dọc…)
Bài này được viết với tinh thần “phê bình đối thoại”, và tất nhiên cả “phê bình
chính trị”. Có thể nào khác được?
6-2004
Nguồn: Báo Văn Nghệ, số
29 (17-7-2004) & số 30 (24.7.2004)
|
|
|