vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  bàn luận



 

 

 

Xung quanh cuốn Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh.

Tiền Phong

     Cuốn tiểu thuyết tuy ngắn nhưng được chú ý. Có người bảo đáng lẽ phải ngắn nữa, có người thấy thế là vừa. Nhưng nhiều người cũng cho rằng đáng ra Thiên thần sám hối (TTSH) phải được viết nắn nót hơn. Dạ Ngân: “Sách mỏng là chủ ý của tác giả chứ không phải thực lực chỉ có vậy… Dù vậy vẫn thấy tiếc nếu cuốn sách không mỏng và giản đơn như vậy. Đáng nhẽ thực tế ảo ấy phải được bao bọc dầy và đủ không khí ảo” GS Phạm Vĩnh Cư: “Tôi tiếc thủ pháp nghệ thuật trong này không dùng hai lần. Thủ pháp ấy với tứ ấy khi anh nghĩ ra thì rất hay. Cái cảm giác ấy nó trào dâng, anh ngồi viết ngay, viết rất nhanh. Nhưng tính triết lý của truyện, nếu ấp ủ lâu một chút nữa, truyện sẽ nhuần nhuyễn hơn, đạt chiều sâu hơn”.

Về thể loại, có người bảo đây là tiểu thuyết phóng sự, có người cho là tiểu thuyết luận đề. Về thủ pháp, TTSH thuộc loại truyện. Trong truyện, và dùng cái ảo để nói cái thật. Đại đa số đều không hài lòng với mức độ ảo trong TTSH, có người thanh minh hộ tác giả: “Lẽ ra phần hư ảo được đẩy lên nhưng vì hiện thực nhức nhối quá thành ra lấn át phần hư ảo”. Hạt nhân hư ảo nằm ở nhân vật xưng tôi song lại là một bào thai, nằm co nghe chuyện xã hội trong phòng phụ sản và ngẫm đời có đáng để sinh ra…

Quyền tự quyết của tác giả cũng bị góp ý triệt để. Người đầu tiên phát biểu đã nói: “Chúng ta đã nhiều lần nói rồi, có quyền được chết (!) Vậy tại sao không đi đến tận cùng cái quyền từ chối được sống. Với cái hiện thực ngổn ngang và đau đớn, mà nó gợi thức, mà nó lay động lòng người như thế, tại sao Tạ Duy Anh không cho thiên thần kia hẵng tạm nghỉ một thời gian nữa, sao cứ nhất quyết phải chui ra. Đấy là cái kết gượng so với toàn bộ nội dung, cái ý muốn của anh trong cuốn tiểu thuyết này”. Dịch giả Trần Đình Hiến lại gợi ý một cách kết còn bi đát hơn – như nhân vật Kim Cúc trong Cây tỏi nổi giận… Tất nhiên, cũng như con cái không chọn được cha mẹ, mỗi người càng không thể chọn được thời đại mình sống.. Cái kết của Tạ Duy Anh chẳng qua phản ánh hiện thực. Trên thực tế, tỷ lệ đẻ không thành vì lý do này lý do khác (không loại trừ lý do Tạ Duy Anh đưa ra) luôn chiếm phần rất rất nhỏ. Như vậy, sau ít nhiều lập luận hư ảo, cuối cùng, tác giả nghiêng hẳn về hiện thực.

Nhưng đa phần đều thấy đời là đáng sống, có nhà văn nữ còn khen Tạ Duy Anh nhân bản, đầy lòng yêu thương con người. Nhà thơ nữ khác dẫn lời người khác bảo Tạ Duy Anh ác. Dẫn chứng: anh cho bà mẹ sinh quái thai được bệnh viện mua nghiên cứu nói: Giá mà sinh vài bọc như thế nữa có tiền xây nhà ở quê! Các nữ nhà văn tỏ ra tiếc hùi hụi vì đã bị Tạ Duy Anh “nẫng” mất đề tài ruột. Y Ban nói, đại ý, nếu mà tôi nghĩ ra được đề tài này thì tôi viết chắc chắn hay hơn nhiều. Nhưng cũng cho là Tạ Duy Anh đã nhập được vào phu nhân lúc lâm bồn. Hoàng Việt Hằng thì kết luận ngay từ đầu: “Đúng là đàn ông không được vào phòng đẻ!” Tuy nhiên TTSH có vẻ đã khơi nguồn cảm hứng văn xuôi trong chị: “Tôi đọc xong thấy là nếu mà viết tiểu thuyết như thế này thì mình cũng viết được. Có người nói với tôi nếu đọc xong một ngời mà mình muốn viết hoặc mình muốn vứt bút đi thì đấy cũng là những người viết giỏi!”.

Ngay lời tựa của tác giả cũng không bị bỏ qua. Nhà thơ Trúc Thông: “Không cần thiết phải nói trước: Quý vị sẽ thấy ngạc nhiên! Không, chúng tôi không ngạc nhiên. Có một số bạn thơ của tôi mắc bệnh giải thích nhiều quá.  Anh có một cái tứ mới, cứ tưởng là cái gì ghê gớm. Anh có nhiều đoạn giải thích rất dài dòng. Đã thế lên đọc cho độc giả nghe lại tiếp tục giải thích. Tạ Duy Anh là một người rất biết điều, nhưng trong cái bối cảnh chung của xã hội, cái tầm mức của văn chưong chúng ta, thì Tạ Duy Anh cũng hơi kiêu. Cho nên mấy cái câu ấy dù là ngắn nhưng không cần thiết. ít ra đối với độc giả trung bình khá như tôi. Anh hãy kéo đàn như trước mặt anh là một bậc thầy. Các nhà văn của chúng ta nên nghĩ như thế, nên có thái độ xử lý tác phẩm của mình như thế!”

Bác Trúc Thông có lẽ là người phát biểu giàu cảm xúc và cũng “vỗ mặt” nhất: “Tôi được một người bạn cho cái quyển Đi tìm nhân vật của anh nói là ghê lắm. Tôi chỉ đọc mấy trang đầu, vẫn chưa đọc xong. Vì tôi khó chịu cái sự văn chương của Tạ Duy Anh. Mình đẻ ra đã văn rồi, nó lại còn biểu diễn văn trước mặt mình! (cử toạ cười ồ). Cái “văn chương” của Tạ Duy Anh nó kéo dài sang quyển này. Nhiều chỗ đọc cứ ngường ngượng… Tư tưởng của cuốn tiểu thuyết lộ rất rõ, cho nên tôi vẫn cảm thấy 129 trang này là dài. Ban nãy, Tạ Duy Anh ngồi cạnh tôi có nói em còn bị cắt 10 trang, tôi thấy có khi là đúng! Tôi không nói về chính trị. Tôi thấy chỉ cần 100 trang là vừa. Nếu rơi vào tay tôi biên tập thì có khi tiểu thuyết Tạ Duy Anh hay hơn, ngắn hơn!”.

Có người bảo Tạ Duy Anh vẫn chưa bước qua được lời nguyền. Tác giả ngồi ngẩn ngơ sau gần 3 tiếng, nghe 2 tá lời khen chê mới có đôi lời “sám hối”: “Tất cả ý kiến của anh chị đều rất chính xác, đều rất tốt đẹp, đều rất ưu ái tôi. Tôi sẽ suy nghĩ về hành trình tiếp theo, viết tiếp hoặc không viết nữa (!)”. Nghe xong bằng ấy lời gan ruột, thì viết tiếp hay “vứt bút đi” đều là … người giỏi.

(Theo báo Tiền Phong )


 

Đọc sách Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh:
Nếu các thiên thần biến mất..

Ngô Thị Kim Cúc

Sự ra đời của một đứa bé khởi đầu từ đâu? Từ ý muốn của nó hay chính bởi hành động của người lớn? Và những người lớn ấy "chào đón" đứa bé theo kiểu nào? Giả dụ những đứa bé biết được, hiểu được người lớn đang nghĩ gì, nói gì, làm gì trong khi chờ đợi chúng? Và nếu chúng ta cho phép mình rẻ rúng, thậm chí căm ghét sự ra đời của chúng, liệu chúng sẽ phản ứng ra sao?

Tiểu thuyết Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh đã chọn đúng thời điểm căng thẳng nhất và nguy hiểm nhất cho con người bé bỏng: thời điểm lọt lòng mẹ. Đứa bé có thể chết từ trong bụng mẹ, có thể lọt lòng nhưng hữu sinh vô dưỡng, có thể sống nhưng vô cùng tủi cực vì chính những người tạo ra đã không hề muốn chúng có mặt. Đau xót hơn, chúng có thể bị giết chết ngay từ trứng nước bởi cả cha lẫn mẹ đều không muốn chúng chào đời. Những câu chuyện được nghe bởi một bào thai, trong một bệnh viện phụ sản, nơi những người mẹ, dù muốn hay không muốn có con, dù khốn khổ hay hạnh phúc bởi sự có mặt của đứa bé, vẫn đang căng hết cả thân thể lẫn tâm trí chờ đợi phút "nở nhụy khai hoa". Người xưa đã trân trọng gọi giây phút chào đời của con người bằng cụm từ đẹp đẽ này. Còn người thời nay thì, trong cuộc sống quá nhiều gian khổ, bon chen, có khi lừa lọc, gian manh, độc ác bất chấp cả đạo lý-quỷ thần-luật pháp đã khiến họ xem những đứa bé là gánh nặng, có người còn nguyền rủa khoảnh khắc chúng hình thành.

"Em mang con anh ta trong bụng chẳng khác nào mang cục đá, mang cái nghiệp chướng. Em chẳng có tình cảm gì với nó sất. Giá nó chết ngạt đi thì càng mừng... Ra đi mày. Tao không ăn vạ bố mày thì thôi chứ mày có quyền gì mà ăn vạ tao..." (lời cô gái bị lừa bởi gã sở khanh có vợ và đang "ngõm cái chân thủ trưởng"). "Thế nếu sau này con bị dị dạng thì làm thế nào?/Thì tống cổ nó ra rồi làm đứa khác. Chuyện ấy quá đơn giản" (trò chuyện giữa cô sinh viên và gã tình nhân). Ngay những cặp vợ chồng lấy nhau vì tình yêu cũng không sẵn lòng cho sự ra đời của đứa con: “Anh không thích có trẻ con đâu. Nó làm cho tình yêu mất hết cả tính lãng mạn... Nếu một con chó lang thang ra đường lập tức có hàng trăm, hàng ngàn người tìm cách bắt đưa nó về nhà. Nhưng có cả trăm, cả ngàn đứa trẻ lang thang thì có ai muốn chìa tay ra đón chúng đâu...”. Và khi một đứa bé biết việc nó ra đời là một sỉ nhục, nó sẽ làm gì? Giết người chăng, như gã thanh niên đã giết lão cán bộ cưỡng bức cô gái quê trong trắng: "Tôi đã ra đời trong sự nguyền rủa của các người... Tôi không có quá khứ. Quỷ sứ đã tạo ra tôi chứ không phải ông ta". Và gã đã giết cha "vì một vấn đề cao hơn cả sự công bằng, cao hơn cả chân lý, cao hơn cả danh dự".

Tính luận đề của tiểu thuyết rất cao, nhiều đối thoại nặng tính tượng trưng, nhưng quyển sách vẫn hấp dẫn bởi hiện thực tàn nhẫn tràn đầy khắp các chi tiết. Kết hợp được cả hai yếu tố ấy trong tác phẩm, xem như Tạ Duy Anh đã thành công. Việc tạo ra con người một cách vô trách nhiệm sẽ dẫn tới việc đối xử với những con người được tạo ra, dù với tư cách thành viên của gia đình hay thành viên của xã hội, một cách còn vô trách nhiệm hơn. Trẻ con là tương lai. Hãy thử nghĩ, nếu những đứa bé không còn muốn góp mặt với đời, cuộc sống con người sẽ ra sao? Đứa bé trong Thiên thần sám hối đã toan quyết định như thế: "Không ra ! Không ra ! Hành trình đến thế gian chỉ nên tới đây. Dừng lại ở đây là sáng suốt”. Nhưng chính người mẹ, người đàn bà đẹp đẽ, bất chấp tính mạng bị đe dọa, đã đặt hết tình yêu và lòng tin vào đứa con với suy nghĩ "Cuộc sống không thể dừng lại. Nó phải được tiếp tục mạnh mẽ, tươi đẹp, đầy ý nghĩa ngay cả khi mình không còn trên thế gian này... Ở cuối bất cứ con đường nào cũng đều có một con đường khác", đã khiến đứa-bé-thiên-thần phải nghĩ lại: "Tôi quyết định ra đời. Cha tôi khóc nức nở như một cậu bé còn lâu mới trưởng thành". Đó là một chọn lựa quá nhân hậu, quá cao cả so với những tội lỗi xấu xa mà chúng ta, những người lớn, đã gây ra.

Ngô Thị Kim Cúc
 


Tạ Duy Anh: 'Tôi sẵn sàng trả giá cho sự mạo hiểm'

Với hàng loạt tác phẩm tên tuổi như 'Bước qua lời nguyền', 'Lão Khổ', 'Đi tìm nhân vật'..., nhà văn Tạ Duy Anh đã đưa vào văn chương những vấn đề thế sự, cả thánh thiện, đẹp đẽ lẫn tàn sát, vô lương... Nhưng đó không phải là những khái niệm truyền bảo chết khô mà thông qua sự cảm nhận đau đớn về số phận.

- Ông nghĩ gì khi cho bạn đọc nhìn thẳng vào sự thật chát chúa, ví dụ như việc giết cả con mình với cách thức vô cùng tàn nhẫn?

- Tôi thích đi mấp mé bên bờ vực của cái ác và cái thiện với hy vọng có thể soi rọi nó ở những phần khuất lấp ít người chạm tới. Sau đó, nếu có thể, sẽ chiếm lĩnh "bờ bên kia", như tưởng tượng của Nietzsche. Những gì tôi mô tả có thể coi là kết quả của quá trình khám phá đó. Sự mạo hiểm nào cũng có thể phải trả giá đắt và tôi đã sẵn sàng.

- Tại sao kiểu nhân vật như lão Khổ luôn trở đi trở lại trong tác phẩm của ông? Từ một nông dân chất phác, yếu đuối bị ám ảnh bởi lời nguyền thâm thù riêng tư giữa hai dòng họ, đã lôi cuốn mọi người lao vào những cuộc trả thù đầy chết chóc.

 - Những nhân vật như thế sẽ trở lại trong tác phẩm của tôi nếu trời còn cho tôi làm điều đó. Đó là cảm nhận của tôi về những số phận biểu trưng cho thời đại và lịch sử. Nhà văn may mắn là nhà văn có được một nhân vật nằm mãi trong ký ức độc giả. Tôi không hy vọng điều đó nhưng tôi không ngừng hướng theo điều này.

- Nhân vật người con trai dám chống lại cha (như lão Khổ), dám bước qua hận thù ngu muội của dòng họ để yêu thương và nhờ đó nên người... có phải là ông viết về chính mình?

- Nhà văn nào cũng sử dụng triệt để tiểu sử của mình khi sáng tạo, thậm chí tôi còn cho rằng cuốn sách hay nhất của mỗi nhà văn là tác phẩm viết về chính anh ta. Nhưng dù cho tác phẩm được cấu thành từ những chi tiết đắt giá nhất, những chi tiết không bịa được thì tiểu sử nguyên bản của mỗi người cũng luôn chật hẹp. Bởi vậy, nếu nó được kể lại một cách nghệ thuật thì nó đã không còn là tác phẩm văn học nữa rồi. Nghệ thuật có tư cách tồn tại riêng. Tôi có khẳng định nhân vật lão Khổ là của tôi đi chăng nữa thì ngay lập tức nó cũng bị những quy luật thẩm mỹ bác bỏ. Và tôi sẽ phải tìm xem tôi là ai. Điều quan trọng là độc giả có tin rằng nhân vật ấy làm được điều nó muốn hay không. May mắn là nhân vật của tôi đã làm được.

- Theo bước các bậc thày như Dostoievski, Nam Cao, ông tốn khá nhiều giấy mực vào việc mô tả cái gian trá, cái vật dục thấp kém kéo theo tinh thần của con người. Ông chung sống với những điều đó trong đời sống như thế nào?

- Tôi giống hàng triệu người trên đất nước này ở chỗ chịu đựng rất giỏi. Nhưng tác động của nỗi khổ đau lên mỗi người một khác. Người điên khùng, người vô cảm, người tận dụng, người chạy trốn, ngưòi chỉ mưu cầu lợi ích riêng... Còn tôi, nỗi đau tinh thần xuất phát từ hiện thực ấy không ngừng vò xé, đẩy tôi đến bàn viết.

- Ông nghĩ sao khi nhiều người cho rằng, ông không mấy lạc quan trong cách nhìn thế sự?

- Chúng ta không thể chạy trốn được cuộc đời và ngay cả cái chết cũng không giúp người ta trốn được nó một cách tuyệt đối. Vì vậy, cách tốt nhất là phải đối mặt và giải phẫu nó. Khi đó, rủi ro và thất bại rất dễ xảy ra. Cảm giác bế tắc sẽ đến nhưng không có nó mới là điều đáng sợ. Kinh áo - nghĩa - thư hơn 2000 năm trước đã có câu minh triết: "Bất mãn là dấu hiệu của tiến bộ". Chúng ta sẽ còn phải sống để suy nghĩ đến nơi đến chốn về điều này.

- Nếu sống giữa những biến cố mà ông miêu tả trong tác phẩm, ông có những giải pháp nào bảo vệ cho sự thật?

- Nếu điều khủng khiếp ấy xảy ra, tôi không dám chắc là mình không biến thành quỷ, một khả năng rất dễ xảy ra đối với mỗi con người. Con người vốn bé nhỏ, mù quáng và dễ bị cám dỗ, do kiêu ngạo, hơn những gì người ta tưởng tượng rất nhiều. Chính vì điều đó mà mỗi cố gắng làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn cần phải được ghi nhận để không ai trên đời bị đẩy vào sự lựa chọn như vậy. 

(Theo Thể Thao & Văn Hóa)

 

   

 

 

văn học  khảo luận


 

 
  37-
Làng văn một thời, và...                                                                                                            Bùi Minh Quốc 
  38-
Xung quanh cuốn Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh.                                                                   Tích hợp
  39-
Thế nào là lý luận?                                                                                                                            Phạm Toàn 
  40-
Văn phong của nhiều nhà khoa học cũng kinh lắm!                                                                          Tuổi Trẻ 
  41- Coi sách cọp.                                                                                                                                             Lý Lan 
  42- Trao đổi cùng ông Vương Trí Nhàn về chuyện ‘Với độc giả, chúng ta là người có lỗi’.                 Sưu tầm 
  43- Một sai lầm thế kỷ trong lý luận phê bình văn học.                                                            Trần Thanh Đạm 
  44- Nguyễn Ngọc Thuần, lần thứ tư đoạt giải văn chương.                                                                  Tích hợp
  45- Nguyễn Bình Phương và cảm giác chữ.                                                                              Vũ Quỳnh Trang

vhvt 11
Trang bìa chính