vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  bàn luận



 

 

 

Văn phong của nhiều nhà khoa học cũng kinh lắm!

Tuổi Trẻ

TT - Đọc bài “Ôi, văn chương cô tú cậu tú” (Tuổi Trẻ) dù không mấy ngạc nhiên nhưng tôi cứ phải cười... “nửa miệng”. Tuy không có vinh hạnh được làm thầy giáo để có dịp “chiêm ngưỡng” những “câu hỏi lớn không lời đáp” của các học trò, nhưng tôi lại có một cơ hội khác.

Đó là thường xuyên được tiếp xúc với văn phong của các nhà khoa học qua các bài viết của họ (tôi là biên tập viên của một tờ tạp chí). Nhờ đó tôi luôn gặp không ít những bài báo, đúng ra là những công trình khoa học, mà trình độ diễn đạt của một số “nhà” có lẽ đến các cô tú cậu tú học hành chỉn chu, ngay ngắn cũng phải... nghiêng mình kinh ngạc!

Trước hết là tựa bài (tít bài). Trừ một số (không nhiều lắm) tựa bài gói ghém được hồn cốt của tác phẩm, còn thì đa phần có tựa hết sức chung chung, đọc lên cứ như “anh em một nhà” vậy. Đại thể là: để... (thế này, thế kia...); mấy vấn đề, vài suy nghĩ rút ra ở tỉnh X, lĩnh vực Y; rồi thực trạng và những vấn đề đang đặt ra... mà có lẽ các bài báo khoa học của nước ngoài không bao giờ dùng. Và thường thì cụm từ “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” bị lạm dụng đến mức tội tình, dù nó chẳng ăn nhập gì với chủ đề bài báo.

Kế đến là văn phong. Thôi thì mỗi người mỗi vẻ, mạnh ai người ấy dùng. Có “nhà” viết một câu “ngắn” tới 253 từ, thậm chí 275 từ, trong khi các dấu chấm, dấu phẩy lại hết sức... hà tiện. Các từ nối, hư từ, hô ngữ, nói theo kiểu áng chừng... lại dày đặc như... quân Nguyên (trong khoa học điều này rất tối kỵ). Rồi cách trình bày bài báo cũng không kém phần tùy hứng.

Nhiều đoạn hết gạch đầu dòng bằng các dấu trừ lại xuống dòng dùng dấu cộng, khi nhiều quá rồi thì dùng dấu hoa thị, thậm chí đưa vào hàng loạt ký tự, biểu tượng có sẵn trong máy vi tính..., nhìn chẳng khác mấy các bản báo cáo, thống kê tài chính.

Đôi khi liếc nhìn vào học hàm, học vị bên cạnh tên tác giả, người biên tập không khỏi hoang mang tự hỏi: hay do mình kém cỏi, tầm thường quá nên thành “vịt nghe sấm” trước những câu văn, những lập luận ở tầm bác học có tính chuyên ngành của các “nhà” chăng?!

Nhiều tác giả lại sính dùng chữ nước ngoài với các từ Hán - Việt, Anh - Việt, rồi ngôn ngữ các nước khác một cách tùy thích, nên người biên tập cứ như bị lạc vào những “trận đồ bát quái”, như bị đánh đố, mà nếu không cẩn thận có khi “treo bút” như chơi. Nhiều bài báo tạo cho người đọc cảm tưởng tác giả đang... nói chuyện thân tình với ai đó chứ không phải là viết bài để luận bàn trên một diễn đàn (!).

Nhưng có lẽ nan giải nhất là các chú thích. Nhiều đoạn đang lập luận, có tác giả bỗng hứng chí mở ngoặc kép dẫn lời một nhà kinh điển vào đó, thế rồi quên luôn đóng kép. Và do việc chấm phẩy hết sức thoải mái nên không biết đoạn nào, câu nào là của “nhà” nào! Đến cách ghi chú thích cũng mỗi người một kiểu mà lẽ ra chỗ này phải khoa học nhất.

Nói ra thật khó tin nhưng có nhiều bài báo khoa học người biên tập phải bôi sửa đến đỏ lòe, đến nỗi không còn đất cho chữ chen chân. Có bài phải “làm sạch” đến lần thứ ba mới tạm coi được về mặt câu cú. Cũng không ít bài đọc lên nghe quen quen, mà lý do: có thể đó là một đoạn thuộc dạng “khuôn vàng thước ngọc” tâm đắc lắm, nên tác giả quyết không quên ở bất cứ bài nào; có thể là “mượn” ý tứ của những tác giả khác mà chúng ta thường nói là những tư tưởng lớn gặp nhau!

Trộm nghĩ nếu một người nông dân đích thực mà vụng về công việc cấy cày, hẳn họ sẽ rất xấu hổ. Còn với một nhà khoa học, điều tối thiểu và mặc nhiên trước hết là phải làm chủ được ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Nhưng câu chữ, văn phong diễn đạt như vừa nói trên thì không biết họ sẽ tự thấy thế nào? Dẫu biết là không phải ai cũng có vốn câu chữ đủ dùng. Nhưng thà kém cỏi như một người bình thường là một nhẽ, đằng này những bài viết đó lại được gắn với học vị này, học hàm nọ thì quả là đáng ngại ngùng!

Đến đây tôi chợt có một sự liên tưởng. Đó là có phải văn chương cô tú, cậu tú “bay bổng” và hồn nhiên khi còn ngồi trên ghế nhà trường như vậy đã dẫn đến “hệ quả văn phong” của không ít các nhà khoa học như hiện nay. Nếu quả vậy thì chẳng có gì phải “lăn tăn” cả. Vì như người xưa đã đúc kết, đại ý: mọi chuyện xảy ra hôm nay không phải ngày một ngày đôi mà nguyên do lần lần nó đến vậy.

TRIỀU PHƯƠNG NAM


Ôi, văn chương cô tú cậu tú!

TT - Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã khép lại. Các sở GD-ĐT đang nhanh chóng hoàn tất công tác chấm thi để công bố kết quả tốt nghiệp cho HS. Năm ngày chấm thi trôi qua, kết quả: tỉ lệ từ 5 điểm trở lên của môn văn tỉnh tôi xấp xỉ 80%.

Nhưng đằng sau con số 80% đó là những tín hiệu đáng báo động về văn chương của các cậu tú cô tú ngày nay...

“Cô ta theo ổng về nhà” (!)

Nhiều HS đã suy diễn một cách hết sức thoải mái hoặc tự đặt ra hoàn cảnh sáng tác như (nguyên văn): “nguyệt là một phụ nữ anh hùng, chị Dậu của nam cao cũng là một phụ nữ anh hùng” hoặc mô tả, “tán” ra nhiều chi tiết mới... ghê: “Nguyệt có ngoại hình như một nàng tiểu thơ... đôi dép cao su, mặt váy trắng sạch sẽ”. Rồi nào là: “Cô mặt bộ đồ xanh và đầu thắt hai con bính buộc bằng sợi chỉ xanh óng ả, đôi giày sạch chơn, bàn chân rất đỏ...”.

Đó là chưa kể trí tưởng tượng của HS còn bay bổng đến mức... ra khỏi quĩ đạo, viết linh tinh những chi tiết hoàn toàn không có trong văn bản truyện: “Ý tưởng là nhà văn không phải nhặt vợ về nhà vì nhà văn giúp đỡ cho cô ta nên cô ta mới theo ổng về nhà”(?!) (nêu ý nghĩa truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân).

Đến đây thì hỡi ôi quả là phải... bó tay với các cậu tú cô tú. Nhưng chưa hết. Đề yêu cầu giải thích nguyên lý “tảng băng trôi” của Hemingway, có HS còn phán rằng:“ Nguyên lý tảng băng trôi là sự nghiệp sáng tác của nhà văn trôi nổi như tảng băng”.

Tất nhiên về khoản sai lỗi chính tả thì không thể kể xiết. HS bậc THPT mà sai cả những chữ đơn giản nhất. Tôi đã thử làm một thống kê nhỏ: trong số 10 bài chấm có một bài 3 lỗi, ba bài 6 lỗi, sáu bài trên 10 lỗi. Chúng ta hãy thử nhìn những từ sai chính tả như sau: sinh đẹp, lãng mạng, trung thủy, xương núi, mảnh thảnh, thoan khoát, sung phong, ăn mặt, láy xe, bãn chất, dáng dốc, nổi bậc, chí thức, tắc máy, truyện ngắng, diệu dàn, vẽ đẹp , xuy nghỉ, chiềm nổi, xâu thẳm, sẵng sàn, con cong, đàng cá giữ, chiến chanh, hướng dẩn, mạnh dạng...

“Một câu hỏi lớn không người đáp”!

Có thể nói phổ biến nhất là HS dùng từ sai nghĩa, không hiểu nghĩa của từ. Ví dụ chỉ nói riêng Nguyệt thôi thì: “nguyệt nó rất ngoan”, “nguyệt trông giống một cô gái hài hòa”, “nguyệt là người phụ nữ hiện thân từ cầu đá xanh”(?) , “Vì thế đã trải qua bao nhiêu thế kỉ mà nguyệt vẫn không phai mờ” (?)...

Còn nói về nhà văn thì “nhà văn tìm kiếm, đào bới, tập hợp lại...”.

Không ít HS lại diễn đạt hết sức lủng củng, rời rạc, ngô nghê, thậm chí không hiểu những gì mình nói: “Trong văn học dân gian nó có rất nhiều nhà thơ nhà văn hay đã thành công với những tác phẩm đưa ra... (mở bài cho bài cảm nhận về nhân vật Nguyệt trong truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu) hay “Trước khi yêu nhau, họ sống với nhau...” (họ là Nguyệt và Lãm trong Mảnh trăng cuối rừng).

Trong khi đó, có những HS lại vô tư “phăng” rất lung tung như: “Tác giả thật không hổ danh là một nhà văn chính trị cách mạng và không kém phần trữ tình chút nào, qua đoạn thơ trên chúng ta đã phần nào hiểu rõ được tính chất của các chiến sĩ ở việt bắc, qua đó, chúng ta càng trân trọng những giá trị nhân đạo đó”. (Viết về Tố Hữu và bài thơ Việt Bắc).

Còn bình về tác phẩm thì nào là: “mảnh trăng là 1/4 của trăng”; rồi “Mảnh trăng cuối rừng là truyện ngắn nói về sự xâm chiếm đất nước ta bốc lột tàn ác giá mang của thực dân thời phong kiến...”. Thậm chí còn đẩy tác phẩm đến chỗ... cao trào, éo le: “Lãm nghi ngờ nguyệt không biết có phải là người yêu của mình không, đó là một câu hỏi lớn không lời đáp...”.

Đúng là một câu hỏi lớn không lời đáp!

“Anh ơi, cho em quá giang...”!

Quả tình, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước khả năng “sáng tạo” hết sức tài tình của HS. Do không nắm nội dung cốt truyện mà nhiều HS đã tự sáng tác ra những câu chuyện, tình huống không kém... ly kỳ: “Nguyệt là một cô gái thanh niên xung phong sinh đẹp. Một bữa, nguyệt đi dọc đường, gặp Lãm lái xe đi, Nguyệt nói: anh ơi, cho em có gian (quá giang - NV) với, nhà em cũng ở gần đường anh đi. Lãm cho Nguyệt lên xe, mời nguyệt ngồi phía trên vì phía dưới hôi mùi cao su (?!), tới chỗ nhà nguyệt, nguyệt không chịu xuống vì muốn giúp lãm đi qua chổ có bom cài sẵn...”.

Thật hết biết! Nhưng còn nữa: “Nguyệt trốn nhà đi bộ đội, lãm cũng trốn nhà đi. hai người gặp nhau, quyết định rủ nhau bỏ trốn đi xây dựng hạnh phúc gia đình...” và “Một hôm nguyệt đi công tác ở ngầm đá xanh trong 1 đêm khuya tình cờ nguyệt gặp chiếc xe từ xa chạy tới nguyệt liền ngoắc xe lại cô quá dang xe... nguyệt nhét lãm vô một gốc cây rồi một mình dụ địch ra chỗ khác...”.

Cá biệt có một vài bài hoàn toàn viết nhăng viết cuội, đem nhân vật này nói nhân vật khác. Hỡi ôi, ai đọc cũng phải... chào thua!

Đọc lại mà cười, suy ngẫm mà rơi nước mắt. Có lẽ phải gióng một hồi chuông báo động mạnh hơn nữa về chương trình, phương pháp giảng dạy và học tập môn văn trong nhà trường phổ thông! Vẫn biết đây là vấn đề thuộc về chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”... nhưng tôi vẫn không thể im lặng. Văn chương khủng khiếp như thế, mai này những lớp cô tú cậu tú kia vào đời liệu có giúp được gì cho xã hội? Lại là một câu hỏi lớn không lời đáp!?

NGUYỄN CÔNG VINH (một giáo viên văn ở ĐBSCL)

 

   

 

 

văn học  khảo luận


 

 
  37-
Làng văn một thời, và...                                                                                                            Bùi Minh Quốc 
  38-
Xung quanh cuốn Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh.                                                                   Tích hợp
  39-
Thế nào là lý luận?                                                                                                                            Phạm Toàn 
  40-
Văn phong của nhiều nhà khoa học cũng kinh lắm!                                                                          Tuổi Trẻ 
  41- Coi sách cọp.                                                                                                                                             Lý Lan 
  42- Trao đổi cùng ông Vương Trí Nhàn về chuyện ‘Với độc giả, chúng ta là người có lỗi’.                 Sưu tầm 
  43- Một sai lầm thế kỷ trong lý luận phê bình văn học.                                                            Trần Thanh Đạm 
  44- Nguyễn Ngọc Thuần, lần thứ tư đoạt giải văn chương.                                                                  Tích hợp
  45- Nguyễn Bình Phương và cảm giác chữ.                                                                              Vũ Quỳnh Trang

vhvt 11
Trang bìa chính