vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  bàn luận



 

 


Nguyễn Bình Phương và cảm giác chữ

Vũ Quỳnh Trang

Ngoài đời, Nguyễn Bình Phương hết sức kiệm lời. Kiệm lời đến mức người gặp ngỡ anh đơn điệu, không thích bộc lộ. Và chỉ đến khi đọc tác phẩm của anh ta mới ồ lên rằng, cái gã tẩm ngẩm tầm ngầm thế mà ghê gớm thật.
 

Sự ghê gớm trước tiên của Nguyễn Bình Phương, vẫn được các nhà văn già gọi là nhà văn trẻ, cho dù anh đang ở tuổi xấp xỉ 40, thiếu tá quân đội, là ở số lượng tác phẩm. Riêng ở địa hạt tiểu thuyết, cho tới cuốn mới nhất có tên Thoạt kỳ thủy đã là cuốn thứ 5 của anh. 5 cuốn tiểu thuyết cho một nhà văn tuổi 40, mà cuốn nào cũng được các nhà phê bình, bạn đọc nhớ đến, như Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn... Một cường độ lao động nghệ thuật  đủ để người ta phải ngẫm lại trước khi xoa đầu gọi anh là "nhà văn trẻ".
 

Thoạt kỳ thủy chỉ dài chừng 160 trang khổ nhỏ, không hành hạ bạn đọc về độ dài câu chữ, nhưng lại hành hạ bạn đọc ở cái mà Nguyễn Bình Phương gọi là cảm giác chữ. Ngay tên tác phẩm Thoạt kỳ thủy đã cho ta một sự thắc mắc. Tác giả cũng chỉ hé lộ rằng những chữ ấy tạo một cảm giác rất xa, gần như khó lòng quay trở lại. Đại khái nó giống một câu chuyện cổ và câu chuyện ấy mang dáng dấp định mệnh.
 

Câu chuyện ấy diễn ra ở một vùng nông thôn nào đó ở Việt Nam. Những gia đình sống bằng nghề đập đá, mổ lợn, trồng rau. Cũng có người ôm mộng văn chương và cũng có người nát rượu. Nhân vật chính của Thoạt kỳ thủy, một thanh niên có tên là Tính, mắc chứng tâm thần nặng. Cái làng của Tính có quá nhiều người điên, và những người bình thường nhất cũng luôn có những khoảnh khắc chớp nhoáng nói năng, cư xử với nhau bất thường. Tính bị ám ảnh bởi nghề chọc tiết lợn của ông Khoa, từ đó luôn có nhu cầu được gắn bó với con dao và thường mơ những giấc mơ hãi hùng. Những người đàn ông trong Thoạt kỳ thủy - luôn hành động bằng bản năng nhiều hơn lý trí. Còn những người đàn bà, họ lầm lũi trong đời sống và không được thoả mãn dục tính. Họ u uất và tích tụ nhiều giông bão. Cuộc đời họ quẩn quanh với con mương, bờ tre, chấp nhận trao thân gửi phận cho những người đàn ông hoặc là mất nhân tính hoặc là thích rượu hơn thích đàn bà.

Trong suốt tác phẩm, bạn đọc thường xuyên gặp những đoạn độc thoại của Tính, những ú ớ bản năng tưởng chừng vô nghĩa nhưng thực ra lại có thể cắt nghĩa. Đó chính là những căn nguyên ít nhiều hệ lụy từ chiến tranh, cho dù tác giả không nói trực tiếp về chiến tranh trong tác phẩm. Thấp thoáng chỉ là một vài nhân vật tham gia chiến tranh bằng một cách nào đó. Những cái chết có phần vô lý của các nhân vật ở cuối cuốn sách, chủ yếu do cuồng sát, tiêu diệt lẫn nhau và tiêu diệt chính mình là sự bộc lộ của những bản năng không được rèn giũa, kiểm soát...dường như mang một thông điệp cảnh báo của tác giả. Đó là nguy cơ về sự mất nhân tính, những ẩn ức u tối trong nhận thức, những dục vọng hủydiệt... trạng thái tâm lý phức tạp của con người thời hiện đại. Cái chết của Tính là một bất ngờ, cho độc giả cảm giác không thoả đáng. Nhưng ngẫm lại, nhà văn có lẽ đã không thể có một sự lựa chọn nào khác cho nhân vật của mình. Bởi vì nếu Tính tiếp tục sống như cũ thì gay go to cho mọi người, mà nếu giúp anh ta trở lại sống như một người bình thường thì lại gay go to cho chính bản thân anh ta. Cái chết chính là lời cảnh báo.
 

Thoạt kỳ thủy khó đọc. Kết cấu của câu chuyện lạ, hấp dẫn nhưng lại làm mệt độc giả. Bởi vì họ không thể đọc mà không suy ngẫm. Có những khi ta tưởng như đó chỉ là những mẩu chuyện lộn xộn ghép lại. Nhưng sự rời rạc ấy lại ẩn chứa một mạch ngầm chảy xiết bên trong. Chính vì thế, mà, nói như dịch giả Dương Tường, một người tương đối hà tiện lời khen, thì: "Văn của Nguyễn Bình Phương có tỉ trọng". Và ông ví dụ, nếu đặt Thoạt kỳ thủy 160 trang ở bàn cân bên này, và bên kia là hàng nghìn trang của những cuốn sách bán chạy ngoài hiệu sách, cán cân có lẽ vẫn nghiêng về phía Nguyễn Bình Phương.
 

Vũ Quỳnh Trang

 

   

 

 

văn học  khảo luận


 

 
  37-
Làng văn một thời, và...                                                                                                            Bùi Minh Quốc 
  38-
Xung quanh cuốn Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh.                                                                   Tích hợp
  39-
Thế nào là lý luận?                                                                                                                            Phạm Toàn 
  40-
Văn phong của nhiều nhà khoa học cũng kinh lắm!                                                                          Tuổi Trẻ 
  41- Coi sách cọp.                                                                                                                                             Lý Lan 
  42- Trao đổi cùng ông Vương Trí Nhàn về chuyện ‘Với độc giả, chúng ta là người có lỗi’.                 Sưu tầm 
  43- Một sai lầm thế kỷ trong lý luận phê bình văn học.                                                            Trần Thanh Đạm 
  44- Nguyễn Ngọc Thuần, lần thứ tư đoạt giải văn chương.                                                                  Tích hợp
  45- Nguyễn Bình Phương và cảm giác chữ.                                                                              Vũ Quỳnh Trang

vhvt 11
Trang bìa chính