vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  bàn luận



 

 


Nguyễn Ngọc Thuần tiếp tục đoạt giải thưởng văn học

TTO - Cuộc thi "Sáng tác văn học cho tuổi trẻ" với thể loại tập truyện ngắn và tiểu thuyết đã khép lại  với giải thưởng cao nhất (giải B, không có giải A) thuộc về truyện dài Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ của tác giả Nguyễn Ngọc Thuần (TP.HCM) và tiểu thuyết Trả hoa hồng cho đất của Nguyễn Thị Diệp Mai (Kiên Giang).

Cuộc thi kéo dài từ 26-3-2002 đến 31-12-2003 đã thu hút 147 tác phẩm của tác giả khắp nước tham dự. Ban giám khảo vừa gút lại kết quả vào hôm qua, 6-7-2004, gồm 2 giải B (trị giá 10 triệu đồng), 4 giải C (5 triệu đồng), 5 giải khuyến khích (3 triệu đồng).

Ngoài ra, ban tổ chức còn trao bảy tặng phẩm (trị giá 1 triệu đồng) cho bảy tác phẩm vào chung khảo.  

Cuộc thi "Sáng tác văn học cho tuổi trẻ" do Nhà xuất bản Thanh Niên kết hợp với báo Văn Nghệ tổ chức. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 13-7-2004 tại Hà Nội.

Với riêng nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thuần, đây là giải thưởng văn học lần thứ 4 của anh, sau ba tập sách đã xuất bản đều là những tác phẩm đoạt giải các cuộc thi lớn: tập truyện đầu tay Giăng giăng tơ nhện đoạt giải 3 cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần II do báo Tuổi Trẻ và NXB Trẻ tổ chức, tập Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ đoạt giải A cuộc thi văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước lần III do NXB Trẻ và Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức, tập Một thiên nằm mộng đoạt giải A cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng.

L.TH.

Nguyễn Ngọc Thuần, lần thứ tư đoạt giải văn chương

Là một cây bút không chuyên nhưng Nguyễn Ngọc Thuần rất có duyên với giải thưởng: viết được bốn tác phẩm thì cả bốn đều đoạt giải. Anh trả lời phỏng vấn nhân dịp tác phẩm mới nhất của mình, Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ, được trao giải B (không có giải A) Cuộc thi sáng tác văn học cho tuổi trẻ do NXB Thanh Niên và báo Văn nghệ tổ chức.
* Thuần đã vượt ngưỡng "quá tam ba bận" lãnh giải. Cuốn thứ tư có gì mới? Hay cứ có duyên là tự nhiên ẵm giải thưởng?
- Văn chương đã giúp tôi hiểu về giá trị bản thân hơn những gì tôi nghĩ về mình. Tôi là người may mắn, nhưng trên hết, may mắn của tôi là: đêm đêm mải miết gõ vi tính, thay vì nghĩ xem may mắn sẽ đến với mình thế nào. Cuốn sách thứ tư này đặt vấn đề mới: những câu chuyện, suy tư, những mộng tưởng của tôi và của tác phẩm văn chương nói chung, liệu có cần cho cuộc đời không, khi mà không có chúng, cuộc đời vẫn trôi, như "nước chảy qua cầu"...
* Tôi thích giọng kể chuyện cổ tích trong văn xuôi của Thuần. Thuần lấy đâu ra giọng kể, vừa cổ tích lại rất hiện đại. Trẻ em thích đọc, người lớn cũng thích?

 

Vài nét về Nguyễn Ngọc Thuần
Tên thật: Nguyễn Ngọc Thuần
Sinh năm 1973
Quê: Bình Thuận.
Tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật
Hiện là họa sĩ trình bày của báo Tuổi trẻ.
Tác phẩm:
- Giăng giăng tơ nhện, giải ba Văn học tuổi 20 lần thứ hai (NXB Trẻ và báo Tuổi trẻ .
- Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, giải A, Văn học vì tương lai đất nước lần thứ ba (NXB Trẻ và Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh).
- Một thiên nằm mộng, giải A, Cuộc vận động sáng tác văn học dành cho thiếu nhi (NXB Kim Đồng).
- Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ, giải B (không có giải A), sáng tác văn học dành cho tuổi trẻ (NXB Thanh niên và báo Văn nghệ).


 

- Tôi nghĩ văn chương xuất phát từ tâm tính. Với trái tim hơi cổ điển, và cuộc sống riêng hơi chậm trong hòa đồng với môi trường, tôi đã đưa vào văn chương cái nhìn cuộc sống lạc quan hơn bản tính vốn có của mình, và "lạ biệt" hơn cuộc sống đang diễn ra quanh tôi... Nếu trẻ con thích đọc tôi, có lẽ là bởi... tôi giống trẻ con. Giống ở chỗ thích nhìn sự vật lớn hơn hoặc nhỏ hơn bản thân chúng. Khi giá trị cực tiểu và cực đại đứng gần nhau, thường sự bất thường sẽ xảy ra.

* Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ vẫn giữ được giọng kể đặc biệt ấy. Thuần có định kể mãi giọng ấy không? Bởi chính Thuần cũng phải trưởng thành trong cái viết, liệu giọng kể ấy còn thích hợp?

- Không chỉ văn chương, mà ngay trong cuộc sống, cái gọi là phong cách luôn đi theo ta suốt đời. Văn chương là cuộc chơi phong cách rõ nét. Tôi không có ý định nay viết thế này, mai thế kia, vì không muốn thay đổi tâm tính và cách suy tư của mình... Tuy nhiên, mỗi tác phẩm mới lại đòi một lựa chọn thích hợp và tốt nhất cho nó. Văn chương của tôi sẽ tự đổi mới ở chính điểm này.

* Mặt trái lối viết của Thuần liệu có dẫn đến nguy cơ "cưa sừng làm nghé" không? Nhà văn Hồ Anh Thái đã gọi bạn là "Hoàng tử bé"của văn chương tuổi học trò. Bạn vẫn thích cái tên ấy?

- Tôi viết văn có đối tượng hẳn hoi. Với hai cuộc thi trước, tôi không thể viết như ông già, để hy vọng trẻ con hiểu. Riêng cuốn mới này, tôi đoán chắc, không học sinh nào từ lớp 12 trở xuống lại có thể hiểu được dụng ý của nó. Cái tên "Hoàng tử Bé". Hồ Anh Thái đặt cho tôi, có lẽ chúng với hai cuốn sách đầu, chứ không phải cho tất cả. Cuốn sách này có điều mới: câu chuyện được diễn ra khi nó chưa từng xảy ra với ba chị em nhân vật chính. Cô giữa vì bị đẻ non nên trong tâm tưởng và cách ứng xử của người cha, cô chưa bao giờ thành người, cô mãi chỉ là cái bào thai. Da cô mỏng đến độ mỗi khi lau mặt cho con, dù rất gượng nhẹ, cha cô vẫn sợ chiếc khăn bỗng dưng nhuốm máu. Cô út tật nguyền không tự sống được, phải dựa vào chị cả, nên chỉ ước ao được chết trước chị, hoặc trước khi chết, người chị phải cho cô những viên thuốc ngủ. Người chị cả không có gì cho riêng mình, phải sống cuộc đời làm cha các em và không được quyền chết trước họ. Câu chuyện mở đầu bi thảm như vậy. Tôi nghĩ, một bút pháp phi thực chính là sự lựa chọn khôn ngoan nhất cho cuốn sách mới của tôi, nhằm giải cứu nó khỏi sự bi lụy tầm thường và sự lặp lại...

* Có nhà văn viết hoài mà không... giải thưởng. Bạn thì quyển nào cũng trúng. Liệu có bí quyết trong việc viết văn... có giải?
- Tôi có một bí quyết, đó là liều mạng.  (Cười). Rõ ràng tôi không sợ... súng?
* Cảm ơn bạn. Chúc xuôi chèo mát mái... Và đi thi nữa. Tại sao không?

NGUYỄN THỊ MINH THÁI thực hiện

Theo Thể thao và Văn hóa



NGUYỄN NGỌC THUẦN:

“Tôi không thể tách rời cuộc sống!”

 

Ngoài đời, anh là một chàng trai trầm lặng, nói năng thiệt thà  như đếm nhưng có bút lực hiếm cây bút trẻ nào hiện nay có được? Cái tin Nguyễn Ngọc Thuần đoạt giải B cuộc thi Văn học cho tuổi trẻ của NXB Thanh Niên khiến nhiều người không còn bất ngờ nữa. Sự bất quá tam, rõ là anh đã rất có duyên với? giải thưởng. SGTT đã có cuộc trò chuyện với Thuần tại một quán cóc trước khi anh bay ra Hà Nội ẵm giải?

Nghe nói cuốn tiểu thuyết Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ được giải lần này của anh ra đời trong chật vật?

Ðúng vậy, đó là khi tôi đang thử việc ở báo Tuổi Trẻ, sau những giờ làm việc căng thẳng, tôi đã tranh thủ viết cho kịp cuộc thi. Áp lực về thời gian là có thật. Nhưng khi viết văn, tôi có thói quen viết tới đâu nghĩ tới đó. Áp lực là ráng làm sao kết thúc trong thời điểm đó mà thôi. Nhưng có thể nếu tôi cảm thấy chưa kết thúc được thì chắc chắn là vẫn không quyết định dự thi.

Khi viết để dự thi, áp lực từ tiêu chí cuộc thi có ảnh hưởng thế nào đến ngòi bút?

Tôi hoàn toàn không biết tiêu chí cuộc thi là thế nào. Tôi chỉ nắm thông tin: NXB Thanh Niên đang nhận bản thảo trong thời hạn? Mỗi cuộc thi là dịp để mình tung ra cuốn sách. Vào cuộc thi, tôi không có quan niệm dự thi. Nếu cuộc thi không được thì tôi tự in sách thôi!

Qua bốn cuộc thi văn học, bạn đọc đã không còn ngạc nhiên khi Nguyễn Ngọc Thuần đoạt giải cao. Nhưng anh có nghĩ là người ta bắt đầu mỏi mòn vì được giải là “giải pháp an toàn” của văn học. Nếu cứ viết mãi như thế thì có bao giờ anh lo sợ mình đoản vốn?

Thực ra, văn chương mình không thể muốn hoặc dự định là được. Tôi thường bắt đầu từ cái tứ trong đầu, nó ám hoài buộc tôi phải viết ra. Còn tôi không nghĩ cụt hứng hay đoản vốn. Tôi viết dựa trên yếu tố chứ không trên câu chuyện. Yếu tố thì vô cùng. Tôi thường ít đi đâu, chẳng gặp gỡ cho nhiều người. Tôi không thể kiếm những mẫu nhân vật thực mà chỉ viết xây dựng nhân vật trên những yếu tố, trạng thái?

Thế sự lăn xả của một nhà văn trẻ cũng cần lắm chứ?

Không lăn xả thì không đúng. Tôi không thể tách rời cuộc sống này. Có những nhà văn gặp nhiều dạng người, mẫu người từ thực tế, có tư liệu để viết thành những cuốn sách. Rất hay. Còn tôi thì không có điều kiện. Tôi từ nhà đến cơ quan, ngồi một chỗ và lại về nhà. Hết. Vậy thì cách tôi chọn là yếu tố. Và yếu tố chi phối nhân vật của tôi.

Phải chăng ít va chạm đời sống, nên văn Nguyễn Ngọc Thuần luôn luôn được xây dựng trên một cái nền là? một đám mây nào đó lơ lửng và bay bổng mà thiếu sự khốc liệt, tốc độ hay dữ dội của đời sống hiện đại?

Cũng có thể. Nhưng, văn chương, tôi nghĩ, có hai vấn đề đặt ra - đó là có văn học hiện thực và cũng có dạng văn học khác. Vấn đề là mình đứng trên tiêu chí nào để nhìn nó. Ví dụ nếu đứng trên tiêu chí văn học hiện thực, thì cuốn sách tôi rất lơ mơ. Còn nếu đứng trên tiêu chí văn học nhắm đến trạng thái, yếu tố thì có thể thấy nó có tính xác thực của nó, có một loại hình dung đúng về nó.

Anh nhận xét thế nào về thế hệ mình đang sống và những vấn đề ấy đi vào văn chương của anh thế nào?

Những yếu tố thì mọi thế hệ đều gần như nhau. Tôi cần có một đời sống bản thân và những quan hệ xã hội. Bên cạnh đó, có sự tác động của những yếu tố thời đại. Ðơn giản là hôm nay tôi muốn đi trên một chiếc xe máy thì thời trước người ta muốn có một chiếc xe bò. Về mặt con người, về sự muốn thì mọi thời đại như nhau thôi, tôi không nghĩ đó là sự lỗi thời. Sự khác biệt, có chăng, là con người mà thôi. Nếu tôi có viết về thời xa xưa thì tôi cũng viết về nó theo cách nghĩ, ngôn ngữ và quan niệm thời đại mình. Quan niệm ấy tự thân có ở trong tôi không thể khác.

Có lần trên báo, anh bảo mình bận nhiều chuyện và ít thời gian đọc? Vậy hình như với Nguyễn Ngọc Thuần, cái sự viết ra có vẻ nhiều hơn là nạp vào?

Ừ, tôi thấy mình cũng ít đọc. Tôi không đọc là vầy: hồi nhỏ tôi mê hội hoạ, gặp đâu đọc đó, đọc không hệ thống, rất lù mù. Hầu như sách vở của tôi liên quan đến hội hoạ chứ ít đọc văn chương lắm. Khi bắt đầu viết văn tôi mới đọc. Tôi đọc xem người ta viết thế nào và cũng để tránh được lỗi về câu. Khi bắt đầu viết, cháu tôi đang học lớp 9, có khi là bạn cùng lớp tôi phải ngồi sửa lỗi chính tả cho tôi.

Anh có nghĩ rằng văn học Việt gần đây có nhiều dấu hiệu cảm tính. Ở chỗ, có rất nhiều người, sau một đêm thức dậy, thấy mình là nhà văn. Anh nghĩ sao về điều này?

Có một lợi thế là khi mà mình không làm ngành này, đột nhiên chọn ngành này thì mình có nhiều lợi thế so với những người sinh ra để làm việc này. Bên cạnh đó, nó có tác hại là sẽ không đến nơi đến chốn. Một người khác ngành bước vào văn chương, họ có thể thành công một cuốn, hai cuốn? nhưng không thể có bước đi dài. Anh ta có sẵn sự khác biệt rồi thì cái cần nữa là sự hiểu biết để có thể bước đi dài hơi.

Nguyễn Ngọc Thuần có tự thấy mình khác biệt và đã hội nhập để có “bước đi dài”?

Khi tôi viết một cuốn sách  mà ai bảo tôi không phải là dân viết thì tôi không vui. Nhưng nếu họ bảo tôi là nhà văn thì chưa chắc tôi đã vui. Cái quan trọng là tôi đã làm được gì và tôi sẽ viết tiếp như thế nào. Ðó mới là điều quan trọng giữ chân tôi lại với văn học. Dĩ nhiên, đi dài hơi hay không, còn cả nhiều yếu tố may mắn!

Với văn học, Thuần từng là người may mắn?

Ðúng vậy! (cười?).

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN thực hiện
   SGTT

 

Tên thật: Nguyễn Ngọc Thuần

Sinh: 1973 - Quê: Bình Thuận.

Tốt nghiệp Ðại học Mỹ thuật

Hiện là hoạ sĩ trình bày của báo Tuổi Trẻ.

Tác phẩm:

- Giăng giăng tơ nhện, giải III Văn học tuổi 20, lần II (NXB Trẻ và báo Tuổi Trẻ)

- Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, giải A, Văn học vì tương lai đất nước lần III (NXB Trẻ và Hội nhà văn TP.HCM)

- Một thiên nằm mộng, giải A, Cuộc vận động sáng tác văn học dành cho thiếu nhi (NXB Kim Ðồng)

- Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ, giải B (không có giải A), Sáng tác văn học dành cho tuổi trẻ (NXB Thanh Niên)

 


 

Nguyễn Ngọc Thuần: 'Văn chương xuất phát từ tâm tính'

Nhà văn
Nguyễn NgọcThuần
.

Cây bút trẻ Nguyễn Ngọc Thuần đã làm nên câu chuyện cổ tích khi đạt giải cao với cả 3 tác phẩm đầu tay. Ngày 13/7, anh lại vinh dự nhận giải B cuộc thi sáng tác dành cho tuổi trẻ với truyện "Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ''. Nhà văn tâm sự về những thành công của mình.  

Anh đã vượt qua ngưỡng '' quá tam ba bận'' đoạt giải, tác phẩm thứ tư của anh có gì mới?

- Văn chương đã giúp tôi hiểu về giá trị bản thân hơn những gì tôi nghĩ về mình. Tôi là người may mắn, nhưng trên hết, may mắn của tôi là đêm đêm mải miết gõ vi tính, thay vì nghĩ xem may mắn đến với mình như nào. Cuốn sách này đặt vấn đề mới: những câu chuyện, suy tư, những mộng tưởng của tôi và của các tác phẩm văn chương nói chung, liệu có cần cho cuộc đời không.

- Anh làm thế nào để có được giọng kể như truyện cổ tích trong văn xuôi lại vừa rất hiện đại?

- Tôi nghĩ văn chương xuất phát từ tâm tính. Với trái tim hơi cổ điển, cuộc sống riêng hơi chậm hòa đồng với môi trường, tôi đã đưa vào văn chương cái nhìn cuộc sống lạc quan hơn bản tính vốn có. Nếu trẻ con thích đọc tôi, có lẽ bởi tôi giống trẻ con. Giống ở chỗ thích nhìn sự vật lớn hơn hoặc nhỏ hơn bản thân chúng. Khi giá trị cực tiểu và cực đại đứng gần nhau thì sự bất thường sẽ xảy ra.

- Tác phẩm "Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ" vẫn giữ được giọng kể đặc biệt. Anh có định thay đổi giọng kể đó?

- Không chỉ văn chương mà ngay trong cuộc sống, cái gọi là phong cách luôn đi theo ta suốt đời. Văn chương là cuộc chơi phong cách rõ nét. Tôi không có ý định nay viết thế này, mai thế kia, vì không muốn thay đổi tâm tính và cách suy tư. Tuy nhiên, mỗi tác phẩm mới lại đòi một lựa chọn thích hợp và tốt nhất cho nó. Văn chương của tôi sẽ tự đổi mới ở chính điểm này.

- Nhà văn Hồ Anh Thái từng gọi anh là "Hoàng tử bé" trong văn chương, anh nghĩ sao về cái tên này?

- Tôi viết văn có đối tượng hẳn hoi. Cái tên "Hoàng tử bé" Hồ Anh Thái đặt cho tôi, có lẽ chỉ đúng với hai cuốn sách đầu chứ không phải cho tất cả. Cuốn sách này có điều mới: câu chuyện được diễn ra khi nó chưa từng xảy ra với ba chị em nhân vật chính. Cô giữa vì bị đẻ non nên trong tâm tưởng và cách ứng xử của người cha, cô chưa bao giờ thành người, chỉ mãi là cái bào thai. Cô út tật nguyền không tự sống được, phải dựa vào chị cả, nên chỉ ước ao được chết trước chị, hoặc trước khi chết, người chị phải cho cô những viên thuốc ngủ. Người chị cả không có gì cho riêng mình, phải sống cuộc đời làm cha các em và không được quyền chết trước họ. Câu chuyện mở đầu bi thảm như vậy. Tôi nghĩ, một bút pháp phi thực chính là sự lựa chọn khôn nhất cho cuốn sách mới của tôi, nhằm giải cứu nó khỏi sự bi lụy tầm thường và sự lặp lại.

- Anh có bí quyết gì trong việc viết văn có giải?

- Tôi có một bí quyết, đó là liều mạng. Nhiều bạn thân khuyên tôi đừng thi nữa, lỡ không trúng giải chắc... chết. Rõ ràng, tôi điếc không sợ súng.  

(Theo Thể Thao Văn Hóa)


Nguyễn Ngọc Thuần: 'Thời thơ ấu, tôi là đứa trẻ giàu có'

"Lần đầu tiên đoạt giải, tôi cảm thấy sợ trước những cây bút kỳ cựu đã có tác phẩm "dằn túi", trong khi mình chỉ là dân tay ngang. Có cảm tưởng như tôi bị đặt vào một thế giới hoàn toàn xa lạ, không biết ai với ai", nhà văn chuyên viết cho trẻ em tâm sự.

- Tác phẩm "Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ" đã giúp anh đoạt giải lần thứ tư. Làm thế nào các trang viết của anh được đều tay như vậy?

- Khi viết văn thì điều đầu tiên là phải hiểu rõ mình viết cho đối tượng nào để có những điều chỉnh thích hợp. Theo tôi, viết cho thiếu nhi và viết cho người lớn cũng không khác nhau mấy. Cũng là một cách viết nhưng tôi tìm cách trình bày câu văn sao cho ngắn gọn, dễ hiểu. Khi viết, tôi đặt mình vào vị thế một đứa trẻ để xem chúng có hiểu không, có thích thú không. Tôi cứ viết các ý tứ ra hết, thấy chỗ nào hơi "quá tầm" một chút là gạch bỏ, cứ gạch chỗ này, xóa chỗ kia cho đến khi nào thấy "được". Viết truyện cho người lớn đọc thì dễ hơn nhiều, mình nghĩ gì thì cứ viết vậy...

- Qua đâu anh có thể hiểu được thế giới trẻ thơ?

- Trước đây, tôi nhận nuôi "dùm" gia đình cả gần chục đứa cháu! Gần gũi với trẻ con, người ta phát hiện ra nhiều điều thú vị trong cuộc sống. Trong thế giới trẻ thơ, mọi việc thật nhẹ nhàng, không lo toan. Cứ thử tưởng tượng, trong một gia đình, khi có biến cố xảy ra thì những đau buồn ấy được trẻ con cảm nhận một cách nhẹ nhàng hơn, ít bi lụy hơn. Người lớn nên học nhìn đời bằng đôi mắt của trẻ thơ để thấy cuộc sống thanh thản, đáng sống hơn.

- Những nhân vật trong truyện của anh được hình thành như thế nào?

- Chúng thường bắt nguồn từ tôi, nhưng không phải là tôi. Tôi chỉ mượn cái làng quê, cuộc sống thơ ấu để làm nền cho câu chuyện. Còn cái chính của cả tập truyện là tình cảm của cha, mẹ, của bạn bè mà tôi cảm nhận. Từ nhỏ, tôi đã là một đứa trẻ giàu có về tinh thần... Trong gia đình, tôi là con út, lại là con trai duy nhất trong nhà nên rất được mọi người chiều chuộng, hầu như muốn gì được nấy. Đó là tài sản lớn nhất và quý giá nhất mà tôi sở hữu.

Hải Minh thực hiện

 

   

 

 

văn học  khảo luận


 

 
  37-
Làng văn một thời, và...                                                                                                            Bùi Minh Quốc 
  38-
Xung quanh cuốn Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh.                                                                   Tích hợp
  39-
Thế nào là lý luận?                                                                                                                            Phạm Toàn 
  40-
Văn phong của nhiều nhà khoa học cũng kinh lắm!                                                                          Tuổi Trẻ 
  41- Coi sách cọp.                                                                                                                                             Lý Lan 
  42- Trao đổi cùng ông Vương Trí Nhàn về chuyện ‘Với độc giả, chúng ta là người có lỗi’.                 Sưu tầm 
  43- Một sai lầm thế kỷ trong lý luận phê bình văn học.                                                            Trần Thanh Đạm 
  44- Nguyễn Ngọc Thuần, lần thứ tư đoạt giải văn chương.                                                                  Tích hợp
  45- Nguyễn Bình Phương và cảm giác chữ.                                                                              Vũ Quỳnh Trang

vhvt 11
Trang bìa chính