|
|
Phạm Toàn
Thế nào là lý luận?
1.
Ở Việt Nam mình, có nhiều khái niệm tồn tại mù mờ, không mấy khi được làm rõ. Nó
dẫn đến cách dùng khái niệm mang đậm chất kinh nghiệm chủ nghĩa và cảm tính.
Người dùng thì luôn luôn được lợi, vì họ dùng khái niệm theo nội dung được họ
quy định, chỉ cuộc sống thực là chịu thiệt thòi. Chẳng hạn những cách dùng khái
niệm như sau: Cậu ấy rất tích cực, nhưng còn nhiều thanh niên tính lắm, còn
nghệ sĩ lắm.
Cuộc sống đổi mới chẳng làm thay đổi bao nhiêu cách hiểu sự vật lối kinh nghiệm
chủ nghĩa kiểu đó. Gần đây nó còn lan sang lắm thứ tầy đình: một trong những
chuyện lạ đó đây, ấy là có hẳn một Hội đồng lý luận trong khi khái niệm lý luận
là gì dường như vẫn còn mù mờ nếu không nói là mờ tịt.
Hoàn cảnh tranh tối tranh sáng không làm cho lý luận sáng sủa thêm, song đã có
Hội đồng lý luận thì cũng phải có nhà lý luận, nên đã dẫn đến sự xuất đầu lộ
diện những nhà lý luận các kiểu. Xuất hiện đầu tiên là loại láu cá hơn đám bạn
bằng vai phải lứa trong Hội đồng. Anh ta luôn luôn muốn tỏ ra là mình cao hơn
một đầu so với họ. Bằng mấy cách như sau.
Cách thứ nhất là phải đoán nhanh và đoán trúng ý cấp trên. Cấp trên muốn hạ bệ
cái gì, ban trên muốn đề cao cái gì, thế là phải “hiến kế” cho kịp thời. Người
ta gọi mỹ miều đó là tác phong xông xáo, là có tính chiến đấu.
Nhưng trên địa hạt lý luận người ta không thể chiến đấu lối vũ phu. Nên nhà lý
luận thành danh có cách làm ăn thứ hai, đó là phải phát huy sáng kiến. Thí dụ
cái sáng kiến đề xuất đường lối lý luận phải là chủ nghĩa hiện thực hiện đại.
Nối thêm cái đuôi hiện đại vào bất kỳ sự vật quen tai quen mắt nào, cốt để nó
khác đi bằng mọi giá với những gì đã hết hấp dẫn. Chẳng hơn gì cách gắn đuôi
Gorki từng làm: chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, tính lãng mạn cách mạng.
Sau đó là cách thứ ba: phải bằng mọi giá tỏ ra là mình có học. Phương cách dễ
tiến hành nhất là trích dẫn sách Tây trước mỗi bài viết mang tính lý luận. Trích
dịch sai cũng được, vì có mấy ai biết mà biên tập xét nét? Chẳng hạn,
Critique de la critique mà dịch là “Phê bình của phê bình”, thì một em bé
học tiếng Nga đến cách hai cũng sẽ dịch như thế, và dịch không sai. Nhưng sao
nhà lý luận kia không chịu hiểu để dịch cho đúng hơn là Phê phán công việc
phê bình cho thoát nghĩa và đậm đà bản sắc?
Nhưng đây không chỉ là chuyện hiểu đúng hoặc sai, và dịch sai hoặc đúng một tên
sách. Điều quan trọng liên quan đến khái niệm lý luận, ấy là: anh bám lấy một ý
của một ông Tây để lập luận, người khác lại bám lấy ông Tây ông Tầu khác (như
kiểu ông Bakhtin hiện nay đang là mốt sành điệu ở mấy khoa Văn Đại học sư phạm),
thế rồi chợt một hôm nào đó, Hồng Vệ Binh chúng nó hạ bệ các ông đi vì coi các
ông ấy là “hữu” hoặc “tả” thì tính sao đây? Hay lại phải nhờ đến cái ban Tuyên
Văn Giáo Huấn của Georges Orwell thường xuyên chỉnh đốn lại các “tài liệu lý
luận cơ bản” để các nhà lý luận không bị chệch hướng?
Viết lý luận kiểu học trò thường cộng thêm thói huênh hoang tài liệu nước ngoài.
Nhưng huênh hoang nên không thể đi vào thực chất. Chẳng hạn, cách đây lâu lâu,
bỗng dưng ào lên trên những trang lý luận về cuốn sách của Roger Garaudy mà tên
sách muốn dịch thật đúng phải là như sau: Về một chủ nghĩa hiện thực không
hạn chế. Có người khi đó tưởng bở rằng sách của Garaudy sẽ “cứu” được tình
trạng lý luận thảm hại của mình. Họ không biết rằng, học theo sách của Garaudy
thì cũng chính là sự cáo chung chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Garaudy đã
tìm cách “cứu” chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa bằng cách thay đổi nó hoàn
toàn. Sách ra đời giữa thời chiến tranh lạnh, khi phe xã hội chủ nghĩa tưởng như
đang thắng to, song Garaudy đã kịp nhận thấy nền văn học nghệ thuật có định ngữ
xã hội chủ nghĩa (theo nguyên văn cách diễn đạt của ông) chỉ như những cành cây
có lá có hoa được chặt về cắm lọ: tưởng chừng đó là một hiện thực, nhưng cái
hiện thực đó sẽ sống được mấy nả khi cành héo hoa tàn? Tiếc rằng trong hàng ngũ
các nhà lý luận ở Việt Nam biết có mấy ai đọc kỹ toàn văn sách Garaudy?
Vì thế mà dám nói huênh hoang đến những sai lầm của cả một thế kỷ, gấp tờ báo
lại chả thấy sai lầm nào cả. Hoá ra người ta dùng mẹo “rứa biết rứa” đó thôi!
2.
Đó là một kiểu nhà lý luận, gọi bằng giáo sư Trần đi cho dễ nhớ. Bên cạnh ông
giáo sư xứ Mệ có một kiểu nhà lý luận khác, không láu cá, đầy niềm tin vào sự
dốt nát của mình trên từng trang sách đứng tên tác giả hoặc chủ biên. Tiêu biểu
cho kiểu “nhà” thứ hai này là một viện sĩ họ Phạm. Người một thời gian khá dài
một cốt một đồng với nhà lý luận họ Trần tại một Viện Khoa học vô tích sự nay đã
giải thể.
Viện sĩ của chúng ta tin chắc rằng luận án tiến sĩ khoa học của mình là khuôn
vàng thước ngọc về lý luận, nên ông đã dịch và in nó đến hai lần. Sở dĩ có bản
in lần thứ hai không phải vì bạn đọc đặt mua nhiều, mà vì bản in thứ nhất chuyên
chở một thứ văn chương tối nghĩa không ai hiểu nổi và đầy những lỗi cú pháp. Sau
khi bị dọn vườn vào năm 1986, viện sĩ thuê người hiệu đính và cho tái bản, lần
này còn in kèm cả bản dịch mục lục bằng tiếng Pháp. Một bữa kia vào năm 1987,
viện sĩ người Nga V. V. Davydov sang thăm Việt Nam lần đầu và cũng là lần cuối
cùng, được tặng hai cuốn Hành vi và hoạt động nọ, đã bỏ chúng vào sọt rác
tại một khách sạn ở Sài Gòn. Người viết bài này đã nhặt lấy rồi ghi vào bìa phụ
“nhặt được ở sọt rác, do Davydov quẳng đi” và một vị hiệu trưởng Cao đẳng
sư phạm một tỉnh miền Trung đã lạy như tế sao để xin lại, nhằm bảo vệ đội bạn.
Chuyện đó chỉ bốn người biết. Chuyện sau này thì ai ai cũng có thể biết nếu chịu
khó tra cứu tác phẩm ký tên viện sĩ.
Xin bạn hãy mở sách Tuyển tập tâm lí học Piaget (Giáo dục, Hà Nội, 1996)
và. chưa cần xét nội dung, xin hãy đọc những lời giới thiệu để nhấm nháp văn
chương câu cú của viện sĩ họ Phạm:
“Tuyển một tập tâm lý học của Piaget để giới thiệu với các bạn thật là khó
khăn. Trước hết, đó là khó khăn chọn những tác phẩm nào, vì Piaget để lại cho
chúng ta một kho báu khổng lồ, tất cả chừng hơn 50 cuốn, có tới vài vạn trang về
tâm lý học, giáo dục học, lôgic học và triết học, đầy ắp các số liệu thực
nghiệm, mô tả sự kiện của đời sống tâm lý trẻ em, những lý giải cực kỳ sâu sắc
lý thú, so sánh với biết bao các trường phái khoa học từ cổ chí kim, xây dựng lý
luận, đưa ra lý thuyết… mà trong tập sách này chỉ phản ánh một phần nội dung cốt
yếu của tâm lý học Piaget…”
Bạn sẽ đọc tiếp và thấy viện sĩ khoe nhờ giáo sư Vĩnh Bang, vốn trước là học
trò và sau là cộng sự nổi tiếng của Piaget, và ông giám đốc Trung tâm lưu trữ
Piaget ở Genève mà tôi có một ít tác phẩm của Piaget và các đồng tác giả với
ông” và dĩ nhiên nhờ cái ân đó mà bạn đọc Việt Nam mới có dịp tiếp xúc với
nhà tâm lý học vĩ đại kia (!). Xin bạn mở sách ra: trong 6 tài liệu chọn dịch,
có 3 bản dịch từ tiếng Pháp, 1 bản dịch từ tiếng Anh, và 2 bản dịch từ tiếng
Nga. Sự trung thực hiện ra ngay ở đó: chẳng hoá ra giáo sư Vĩnh Bang đã tặng
nhầm cho ông viện sĩ những tài liệu không hoàn toàn bằng tiếng Pháp? Lối khoe mẽ
tiếng Tây là điều ta đã biết khi phân tích cách làm việc của giáo sư họ Trần. Nó
chỉ khoe khoang được ở đẩu đâu, chứ ở Hà Nội tài liệu của Piaget và về Piaget cứ
gọi là đầy! Kẻ viết bài này biết rõ một nhóm từ suốt những năm 60 thế kỷ trước
từng kiếm sống nuôi con ăn học đàng hoàng nhờ dịch và tóm tắt các công trình của
Piaget và về Piaget lấy sẵn ngay tại hai thư viện lớn ở Hà Nội.
Tác phẩm huênh hoang khác nữa của viện sĩ họ Phạm là cuốn Tâm lí học
Vư-gốt-xki Tập 1 (Giáo dục, Hà Nội, 1998). Bạn hãy đọc lời nói đầu và sẽ
nhận định lấy về một con người thế nào đó:
“Lục lọi tất cả tủ sách gia đình và tranh thủ mọi thời gian có thể có suốt ba
tháng qua đến hôm nay mới có tập sách này, trước hết để tỏ lòng biết ơn nền tâm
lí học Nga, các giáo sư và các nhà nghiên cứu tâm lí học Nga, trường ĐHTH
Lômônôxôp Matxcơva và Viên Tâm lí học Matxcơva.
Phần thứ nhất gồm ba bài: bài “Lep Vưgốtxki nhà tâm lí học kiệt xuất của thế kỷ
XX” tôi viết năm 1996 cùng khoảng thời gian với bài viết về J. Piaget, để gửi
đăng trong một vài tạp chí trong nước nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh hai
ông. Bài “Thân thế và sự nghiệp” mới viết trong tháng 3 vừa qua, dựa theo cuốn
sách “Lep Vưgốtxki của Iarôsepxki và một số tư liệu cũng như thông tin, cảm nhận
của tôi thu thập từ trước tới nay. Bài thứ ba có cùng tên gọi của cuốn sách này
là một chương luận án tiến sĩ tôi tiến hành nghiên cứu từ 1973 đến 1976 và bảo
vệ thành công tháng 6-1977.
Phần thứ hai gồm ba bài tôi đọc và ghi chép tóm tắt hồi 1973-1976. Trong này có
một số đoận “…” là đoạn trích nguyên văn và nay tôi dịch từ tiếng Nga sang tiếng
Việt. Các đoạn khác là tôi tóm tắt ý của tác giả, một số chỗ có ghi chú lời nhận
xét, bình luận, cách tôi hiểu tác phẩm. Các đoạn này ghi phần lớn bằng tiếng Nga
và có phần bằng tiếng Việt, bây giờ đọc lại, hiểu lại, có phần suy ngẫm và ít
nhiều có liên hệ với các thành tựu tâm lí học trong mấy chục năm qua, viết ra
bằng tiếng Việt cho có mạch văn để người đọc có thể đọc được. Ấy là hi vọng như
thế! Về phần mình, tôi đã cố gắng giữ được tinh thần cốt lõi của các tác phẩm.
Ba tác phẩm in trong phần này của tập sách này là ba tác phẩm nói lên được “Tâm
lí học Vưgốtxki” mà đã được kiểm nghiệm trong một chương của luận án đã được các
nhà tâm lí học hàng đầu ở Liên Xô hồi đó đánh giá.
Phần thứ ba gồm ba bài tôi dịch tác phẩm của Vưgốtxki, một bài dịch hồi
1975-1976, hai bài mới dịch năm nay. Ở đây không có sự lựa chọn: may mà có được
như vậy là đưa vào tập sách này.»
Tôi đã cố ý trích khá dài lời văn và ý tưởng của ông viện sĩ họ Phạm để bạn đọc
tự mình tìm cách tiêu hoá hoặc đào thải. Rành rành một giọng văn của người tự
cho mình là có lý luận, tự thấy mình có nhiệm vụ dẫn dắt bạn đọc bằng cả những
ghi chép của mình (như những ghi chép của Lê-nin vậy).
Sự cao ngạo của người dốt suy cho cùng có nguyên nhân: chỉ vì người ta không
định nghĩa được rành mạch Lý luận là gì.
3.
Vậy, thế nào là lý luận?
Tôi đã cố ý định nghĩa khái niệm lý luận bằng cách đưa ra hai kiểu làm lý
luận, bên cạnh anh láu cá có anh đần, cả hai đều vỗ ngực dạy đời. Hai cách làm
“lý luận” đó đều vô bổ, không có ích gì cho đời cả. Cuộc đời thật cần đến cách
làm lý luận khác hẳn kia!
Ta hãy xét một vài trường hợp về những nhà tư biện vĩ đại.
Charles Darwin lênh đênh trên con tầu Beagle của thuyền trưởng Robert Fitz-Roy,
tích luỹ vô vàn dữ kiện địa chất, thực vật, động vật và phân bố địa lý sinh vật.
Ông dùng các tư liệu thu thập được để tư biện về lý thuyết Nguồn gốc các loài
trong đó ông đưa ra giả thuyết về sự chọn lọc tự nhiên, sự cạnh tranh sinh
tồn, và do đó về khả năng tạo ra những giống mới, chất lượng cao hơn các giống
đã có. Ngày 24 tháng 11 năm 1859, sách của ông in ra bán hết trong một ngày. Sự
kiện đó không chứng tỏ tài in sách của các đầu nậu, mà chứng tỏ tính chất không
thể thiếu vắng của lý luận Darwin đối với sự phát triển trí tuệ loài người.
Ông thầy dòng nhà thực vật học Gregor Johann Mendel, người phát hiện những quy
luật di truyền học, thì lại có đóng góp kiểu khác về lý luận. Sinh ra ở Tiệp,
học trường dòng Brno, năm 1848 được phong chức và học vật lý, thực vật, động vật
và cổ sinh vật học ở đại học Vienne, rồi lại trở về Brno dạy học. Tại đây ông
thày tu nhà giáo âm thầm hai mươi năm nghiên cứu đủ thứ, nhưng thành tựu quan
trọng nhất là việc ông lai tạo những quả đỗ. Những thí nghiệm của ông tạm đủ để
đưa ra hai nguyên lý cơ bản, một là việc di truyền một đặc tính nhất định mang
tính chất trội và hai là việc di truyền mang tính chất độc lập hai ba hoặc nhiều
hơn một đặc tính.
Khác với trường hợp Darwin, những kết quả nghiên cứu của Mendel không có ngay
tiếng vang lớn, và phải đợi hàng chục năm sau, đến 1900 mới được Hugo De Vries,
Carl Correns và Erich Tschermack “khám phá lại”. Và cũng phải đợi nhiều chục năm
nữa con người mới tìm thấy các thể nhiễm sắc, rồi đến lúc bản đồ gen phát hiện
đầu thiên niên kỷ mới chỉ là bước đi tưởng chừng như là quá thênh thang.
Jean Piaget, nhà tâm lý học Thuỵ Sĩ, lại nổi tiếng với những công trình về trí
khôn trẻ em. Ông xuất phát từ công việc ghi chép các số liệu đo IQ con trẻ, song
ông lại tò mò đến những lập luận của những em bé có những câu trả lời sai so với
đáp án. Những số liệu ông thu thập được, cộng với những số liệu thực nghiệm hình
thành trí khôn, đã đưa ông tới lý luận về sự phát sinh trí thức của con người từ
tấm bé tới tuổi thiếu niên, cơ sở vô cùng cần thiết để một nền giáo dục có thể
đi đúng hướng.
Xem xét ba trường hợp nhà lý luận trên, ta thấy họ có chung cách làm việc giống
nhau:
Ở một giai đoạn ban đầu, đó là sự tích luỹ tư liệu sống, điều kiện sống còn để
có một giả thuyết khoa học.
Tiếp đó là giai đoạn tác động vào thực tại, nhằm tạo ra một thực tại theo đòi
hỏi cao nhất của cái lý thuyết mà họ định xây dựng nên.
Tiếp đó là sự mở rộng cái thực tại trong phòng thí nghiệm thành cái thực
tiễn rộng lớn, nhằm đóng góp những điều tốt đẹp cho cuộc sống thực, mà khi ấy,
cái lý luận họ có bị buộc phải đặt bút viết ra chẳng qua chỉ là những dịp để
“kiểm điểm” và “điều chỉnh” chính mình.
Ta có thể thấy, công việc tạo ra những công trình lý thuyết của các nhà lý luận
đó hoàn toàn nhằm chia sẻ với cộng đồng khoa học, đó không phải là cơ hội cho họ
khoe khoang hoặc tồi tệ hơn, giành lấy dịp chửi bới kẻ khác. Chưa kể là, mấy
người trong cái Hội đồng lý luận nếu thực bụng định đổi mới công tác lý luận ở
Việt Nam thì họ có gì trong bụng để xứng đáng được coi là những nhà lý luận? Họ
không lăn lộn với cuộc sống. Họ lờ tịt không khen không chê những tác phẩm đang
được dư luận chú ý. Họ ậm ừ phát biểu đôi ba lời cho phải đạo, đôi khi điểm
xuyết vài lời bông phèng làm duyên nhằm che lấp những yếu kém. Họ hoàn toàn
không tạo ra nổi một thực tại gì theo đúng đòi hỏi của cái mớ “lý luận” họ thích
đặt bút vẽ ra. Và đều kỳ từng dịp kỷ niệm ngồi viết dăm ba điều vô thưởng vô
phạt chứng minh một ý tưởng trích dẫn của ông Tây bà đầm nào đó.
Thử đừng chửi talawas nữa, thử đừng lên giọng trịch thượng dạy đời nữa,
thử xem họ còn có khả năng gì đóng góp hay ho cho lý luận?
Huy động tất cả sự khoan dung, ta chỉ còn biết chờ.
Biệt thự Thu Trang, 20-7-2004
© 2004 talawas
|
|
|