vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

 Y tế



 

 

 

Kỷ lục thế giới mới về tốc độ bay.

Courtesy: NASA

Courtesy: NASA

Cơ Quan Không Gian Hoa Kỳ, NASA, cho biết vừa lập được một kỷ lục thế giới mới về tốc độ bay. NASA đã phóng phi cơ X-43A không người lái và phi cơ này đã bay với tốc độ gấp 7 lần tốc độ âm thanh trong một thời gian ngắn trước khi lao xuống Thái Bình Dương.

Chiếc phản lực cơ nhỏ này được phóng đi từ cánh một máy bay ở giữa không trung và đã bay với tốc độ hơn 7 Mach, tức là hơn 8 ngàn kilomet/giờ, vào lúc bay nhanh nhất.

Động cơ vận hành chiếc máy bay dài 3 mét rưỡi này là một phản lực cơ nhiệt năng siêu thanh tức là một sự phối hợp giữa động cơ phản lực và động cơ hoả tiễn.

Vào năm 2001, trong một chuyến bay thử nghiệm, NASA đã phá hủy chiếc máy bay sau khi bay chệch hướng.

Năm nhà phiêu lưu người New Zealand bắt đầu chuyến du hành dài 4000 kilômet dọc theo sông Mê Kông.

Năm nhà phiêu lưu người New Zealand bắt đầu chuyến du hành dọc theo sông Mê Kông, trên lộ trình dài bốn ngàn ki-lô-mét.

Đây là chuyến du hành được coi là trọn vẹn đầu tiên suốt chiều dài của con sông vừa kể, bằng các phương tiện khác nhau: đi bộ, xuồng kayak và xe đạp leo núi.

Năm người vừa kể sẽ bắt đầu chuyến phiêu lưu của họ tại đầu nguồn của sông Mekong ở Tây Tạng, trên cao độ hơn năm ngàn mét. Từ đó họ sẽ du hành qua tỉnh Thanh Hải của Trung Quốc rồi sẽ đi theo dòng sông Mekong qua các nước Đông Nam Á, dọc tho biên giới Miến Điện và Thái Lan, rồi băng qua Lào, Kampuchea và Việt Nam, tới Biển Đông.

Trong hầu hết thời gian của chuyến đi này, năm nhà phiêu lưu vừa kể, gồm hai nữ ba nam, sẽ du hành trong những vùng xa xôi hẻo lánh. Lương khô mang theo sẽ gồm có thịt bò Tây Tạng.

Cơ quan giải trí và thể dục thể thao quốc gia New Zealand, do chính phủ tài trợ, đã bảo trợ cho chuyến du hành này.

Chuyến thám hiểm sông Mekong này lúc đầu dự định thực hiện hồi năm ngoái để kỷ niệm 50 năm ngày nhà thám hiểm Edmund Hilary của New Zealand chinh phục đỉnh núi Everest, nhưng đã bị hoãn lại vì bệnh SARS bột phát tại Châu Á.

Theo dõi các thiên thạch.

Cơ quan Không gian Hoa Kỳ nói rằng chương trình của cơ quan nhằm theo dõi các thiên thạch lớn có thể gây nguy hiểm cho Trái Đất, ngày càng phát hiện thêm được nhiều thiên thạch loại này. Nhưng chương trình này không theo dõi được hàng ngàn những thiên thạch khác nhỏ hơn, nhưng vẫn có thể gây thiệt hại to lớn, nếu chúng đâm vào hành tinh của chúng ta. Trong câu chuyện “Khoa học Không gian” hôm nay, Nguyễn Lê sẽ mang đến quý thính giả một số biện pháp đang được chuẩn bị để đối phó với mối đe dọa này.

Vừa qua, các chuyên gia về không gian đã trình bày trước một ủy ban về khoa học của Thượng viện Hoa Kỳ rằng nguy cơ xảy ra việc Trái Đất bị tàn phá vì một thiên thể có đường kính khoảng 1 kilomét hay lớn hơn đâm vào là chuyện cực kỳ hiếm hoi, có lẽ chỉ xảy ra 1 lần trong mỗi 100 ngàn năm. Một thảm họa như thế đã xảy ra 65 triệu năm trước đây, và được xem như là nguyên nhân đã làm cho giống khủng long bị tuyệt chủng.

Mặc dù là hiện tượng này hiếm xảy ra như vậy, Cơ quan Không gian Hoa kỳ, thường gọi tắt NASA, vẫn muốn theo dõi được 90 phần trăm của của các thiên thể này trước năm 2008, bởi vì chúng có thể gây ra những hậu quả tàn khốc. Chủ nhiệm chương trình theo dõi thiên thạch của NASA, ông Lindley Johnson, trình bày với các thượng nghị sĩ rằng sau 6 năm nỗ lực, chương trình này đã liệt kê được gần 50 phần trăm trong số khoảng 1100 thiên thạch lớn mà giới khoa học tin là đang di chuyển trên không gian.

Nhưng ông Johnson cho biết nỗ lực của chương trình không nhằm phát hiện hàng ngàn thiên thể nhỏ, có đường kính độ chừng 100 mét hay hơn. Những thiên thạch nhỏ này thường đâm vào trái đất khoảng vài trăm năm hay 1 ngàn năm một lần và cũng có thể gây ra những thiệt hại đáng kể. Ông Johnson nói:

“Những thiên thạch cỡ này có thể tàn phá một châu lục nếu chúng rơi xuống đất liền. Tuy nhiên, nếu chúng rơi xuống một đại dương thì đợt sóng lớn, tức là đợt sóng thần, mà chúng gây ra, sẽ có tác động đối với cả hai bên bờ đại đương. Chúng tôi chưa theo dõi số thiên thạch này. Chúng tôi sẽ phát hiện ra chúng khi chúng đến đủ gần Trái Đất để các máy cảm biến của chúng tôi phát hiện ra chúng. Nhưng hiện nay chúng tôi biết rằng có rất nhiều thiên thạch loại này trong không gian.”

Nhà thiên văn học Wayne Van Citters thuộc Quỹ Khoa học Quốc gia, tức cơ quan của chính phủ tài trợ cho hầu hết các công trình nghiên cứu phi y học của Hoa Kỳ, nói rằng Hoa Kỳ có thể làm nhiều việc hơn nữa để mở rộng hoạt động theo dõi những thiên thạch cỡ nhỏ bay gần Trái Đất. Ông cho biết cơ quan của ông và NASA đang xem xét việc làm thế nào để thực hiện điều đó bằng cách sử dụng công nghệ viễn vọng kính mới đang được phát triển.

Một viễn vọng kính mới đang được dự tính xây dựng--có tên là Viễn vọng kính thăm dò thời tiết học cỡ lớn--sẽ có độ nhạy 50 lần lớn hơn bất cứ đài thiên văn nào hiện có trên Trái Đất. Ông Citters giải thích:

“Nhờ phương cách hoạt động của chúng, những thiết bị giống như Viễn vọng kính thăm dò thời tiết học cỡ lớn này đương nhiên sẽ giúp liệt kê hàng chục ngàn thiên thạch loại nhỏ. Người ta ước tính rằng các cuộc thăm dò sẽ được hoàn tất trong khoảng từ 7 năm đến 20 năm. 90 phần trăm các cuộc thăm dò những thiên thạch có đường kính ít nhất là 140 mét sẽ được hoàn tất. Điều này dĩ nhiên là một sự gia tăng đáng kể trong hiểu biết của chúng ta về các thiên thể này.”

Cũng trong cuộc điều trần tại ủy ban khoa học của Thượng viện vừa kể, phi hành gia không gian Mỹ Ed Lu, chủ tịch của một tổ chức gọi là Quỹ B- 612, lập luận rằng NASA nên cho một tên lửa đáp xuống một thiên thạch trước năm 2015 để kiểm tra xem tên lửa này có làm thay đổi đước hướng bay của thiên thạch một vài độ hay không. Phi hành gia Ed Lu nói rằng một khả năng như vậy có thể cứu được hành tinh của chúng ta nếu các cuộc thăm dò không gian có thể giúp báo động trước nhiều năm về một thiên thạch đang bay về hướng Trái Đất.

Phi hành gia Ed Lu nói rằng việc cho một tên lửa hạ cánh xuống một thiên thạch như thế cũng có thể giúp kiểm tra công nghệ hạt nhân và các công nghệ sức tống khác mà NASA đang phát triển để trong tương lai có thể đưa người lên Sao Hỏa, theo chương trình mới về thám hiểm không gian của Tổng thống Hoa Kỳ George W Bush. Ông Lu cũng nêu lên sự kiện rằng một hệ thống sức tống như vậy chắc chắn phải có công suất lớn hơn những hệ thống sử dụng hóa chất hiện nay mới có thể làm xê dịch một khối thiên thạch nặng nhiều triệu tấn. Phi hành gia Ed Lu tiên đoán:

“Rồi ra con người cần phải lo liệu lấy vận mạng của mình bằng cách này, nếu không thì một ngày nào đó chúng ta sẽ phải đi theo con đường của giống khủng long, khi khối thiên thạch lớn kế tiếp đâm vào Trái Đất.”

Tháng ba năm nay, một thiên thạch loại nhỏ như thế-có đường kính chừng 30 mét và được đặt tên là 2004 FH-bay ngang Trái Đất ở khoảng cách chỉ 40 ngàn kilomét. Và đây là khoảng cách gần nhất ghi nhận được từ trước tới nay giữa 1 thiên thạch và hành tinh của chúng ta. Thiết bị phát hiện được thiên thạch vừa kể là một viễn vọng kính có tên là Viễn vọng kính Lincoln nghiên cứu các thiên thạch gần Trái Đất, được đặt tại một góc của Xạ trường Phi đạn White Sands thuộc bang New Mexico và do Viện Công nghệ Massachusetts điều hành. Nếu thiên thạch này đâm vào Trái Đất, nó có thể san bằng một diện tích rừng khảng 160 kilomét vuông.

Theo ông Roger Sudbury, một nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Lincoln, một cơ sở của Viện Công nghệ Massachusetts, thì sở dĩ viện này chọn bang New Mexico làm nơi đặt viễn vọng kính là vì bầu trời ở bang này vẫn nổi tiếng rất đen tối vào ban đêm. Ông nói rằng bang này ít có mưa vào ban đêm, và bầu trời cũng ít bị nguồn ánh sáng nhân tạo làm nhạt bóng tối vào ban đêm, nên có những điều kiện lý tưởng đề quan sát các thiên tượng.

Ông Grant Stokes, một nhà thiên văn học, nói rằng hiện nay, nếu có một thiên thạch khổng lồ nào sắp đâm vào Trái Đất, thì có phần chắc là viễn vọng kính này sẽ nhìn thấy nó đầu tiên.

Ông Stokes cho biết các nhà thiên văn học mỗi năm tìm ra được khoảng 70% trong tổng số các thiên thạch mới. Ông cũng nói rằng có lẽ có chừng 100 ngàn thiên thạch dài khoảng 30 mét đang bay trong không gian có thể tiến đến gần Trái Đất.

 

Sao băng hủy diệt sự sống

Trong số ra ngày 13 tháng 5, tạp chí khoa học “Science” của Mỹ có có đăng một báo cáo khoa học trình bày thêm một số bằng chứng cho thấy rằng một sao băng lớn đâm vào Trái Đất cách đây chừng 250 triệu năm đã làm cho trên 90 phần trăm sinh vật bị tuyệt chủng. Các nhà khoa học Mỹ tin rằng họ đã tìm được dấu vết của một hố sâu do sao băng này tạo ra ngoài khơi Australia. Nhưng cũng có một số khoa học gia khác nói rằng những chứng cớ này chưa đủ thuyết phục. Nguyễn Lê xin dành câu chuyện “Khoa học Không Gian” hôm nay để mang đến quý thính giả một số chi tiết liên quan đến phát hiện này.

Trong thời gian địa chất học, thì vụ tuyệt chủng này đánh dấu sự phân chia giữa Kỷ Permian và Kỷ Triassic. Sau đó, một vụ tuyệt chủng khác đã làm biến mất loài khủng long trên hành tinh của chúng ta vào khoảng 65 triệu năm trước đây. Hầu hết các nhà khoa học đều đồng ý rằng nguyên nhân của vụ này cũng là một sao băng đã rơi xuống Trái Đất tại một nơi trên Bán đảo Yucatan của Mê-hi-cô.

Theo báo cáo khoa học của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học bang California tại thành phố Santa Barbara, thì trước đó gần 200 triệu năm, 1 sao băng có đường kính vào khoảng chừng 9 kilomét đã đâm xuống 1 vùng biển của Australia, làm thay đổi khí hậu và gây ra những thiên tai khủng khiếp.

Một chuyên gia về môn cổ sinh học thuộc Viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Smithsonian tại thủ đô Washington của Hoa Kỳ, ông Douglas Erwin, nói rằng sự kiện được mệnh danh là “Vụ Đại hủy diệt” này làm cho từ 90 đến 95 phần trăm sinh vật biển và 75 phần trăm sinh vật trên đất liền bị tuyệt chủng vào thời kỳ chỉ có một siêu châu lục và trước khi động vật có vú xuất hiện trên Trái Đất. Ông Erwin nói:

“Vụ này lớn hơn hẳn trong tổng số 6 vụ tuyệt chủng tập thể đã xảy ra trong 550 triệu năm qua trong lịch sử của Trái Đất. Vụ này cũng có tính cách bí ẩn nhất. Nó lớn hơn gấp đôi tất cả các vụ khác về mặt số lượng các chủng loại bị tuyệt chủng. Đó là một cuộc chuyển tiếp cơ bản trong lịch sử của sự sống.”

Giờ đây, một toán các nhà địa chất học và địa hóa học đã xác định được sự liên hệ giữa vụ tuyệt chủng tập thể lớn này và một cái hố có đường kính 200 kilomét bị chôn vùi 3 kilomét dưới đáy đại dương bên ngoài bờ biển tây bắc Australia. Các chuyên gia xem xét phần lỏi đá được các công ty thăm dò dầu lửa khoan lấy lên từ địa điểm có tên là Bedout [beh-DOO] này trong hai thập niên 1970 và 1980.

Nhà địa hóa học Robert Poreda thuộc Đại học Rochester tại New York nói rằng số lỏi đá này cho thấy rằng một lớp đá có niên đại ngang với vụ tuyệt chủng đã bị sức chấn động biến thành một thứ chất liệu giống như thủy tinh theo cách thức mà chỉ có một vụ va chạm cực lớn mới có thể gây ra được. Hơn nữa. một số đá cho thấy có những vết vỡ nứt theo nhiều hướng do chấn động gây ra, trong khi các hoạt động cực mạnh của núi lửa cũng chỉ làm đá vỡ nứt theo một hướng duy nhất. Ông Poreda khẳng định:

“Chúng tôi hết sức kinh ngạc khi trông thấy những chất liệu được lấy lên từ Bedout, và chúng tôi hiểu ra rằng đây không phải là những đá dung nham thông thường. Đây cũng không phải là những thứ có thể tìm thấy trong các vụn đất đá do núi lửa phun ra. Phải nói rằng khi chúng tôi nhìn thấy chúng, thì chúng tôi biết ngay đây là một bằng chứng tuyệt đối thuyết phục về một thứ chất liệu do sức va chạm mạnh tạo ra.”

Bằng chứng của đá bị nung chảy và nứt vỡ thu thập được từ địa điểm Bedout được công bố trên tạp chí khoa học “Science” và bổ túc cho một khám phá khác đã được ông Poreda và các đồng nghiệp báo cáo năm ngoái-đó là những mảnh vụn của một sao băng bị chôn vùi dưới nhiều lớp đá ở Nam Cực có cùng niên đại với vụ tuyệt chủng lớn xảy ra gần 251 triệu năm trước.

Nhưng các nhà khoa học khác thì tỏ ý hoài nghi, không tin là ông Poreda đã tìm ra bằng chứng của một vụ sao băng đâm vào Trái Đất. Một vài khoa học gia lý luận rằng đất đá không cần phải bị va đập mạnh mới có những đặc tính bị nung chảy và vỡ nứt như ông Poreda đã mô tả. Các nhà khoa học khác thì còn không tin rằng hố Bedout là có thật. Về phần mình, chuyên gia cổ sinh học Douglas Erwin thuộc Viện Bảo tàng khoa học tự nhiên Smithsonian nói rằng các nhà nghiên cứu cần phải làm thêm nhiều việc mới chứng minh dứt khoát được rằng các sao băng đâm vào Trái Đất đã làm nhiều sinh vật tuyệt chủng. Nhưng ông cho rằng chứng cớ của do họ đưa ra hiện nay cũng có thể đáng tin. Ông nhận định:

“Trong vài ba năm qua, đã có thêm nhiều bằng chứng về những vụ sao băng đâm vào Trái Đất. Bây giờ chúng ta có báo cáo khoa học này cung cấp thêm những gợi ý mới. Nhưng theo tôi nghĩ thì có lẽ đây chưa phải là những chứng cớ không thể chối cãi là đã có những vụ va chạm xảy ra. Theo tôi, các tác giả của bản báo cáo đáng được ca ngợi vì đã có công theo đuổi vấn đề này và xác định được một cấu trúc có thể là có thật.”

Ông Erwin nói rằng một yếu tố gây phức tạp là một núi lửa rất lớn ở vùng Siberia đã phun lửa vào cùng thời gian đó và tung vào không khí nhiều tấn khí độc, làm thay đổi dần dần khí hậu của Trái Đất. Một lý thuyết hàng đầu hiện nay cho rằng chính sự kiện này đã gây ra nạn tuyệt chủng tập thể nhiều chủng loại. Ông cũng nói thêm rằng không ai biết là núi lửa này là một hiện tượng độc lập hay là do việc một sao băng đâm vào Trái Đất gây ra.

Các nhà nghiên cứu nói rằng họ muốn có thêm những bằng chứng thu được từ hố sâu ở Bedout, hố này nằm sâu dưới lớp trầm tích ở đáy đại dương. Bà Luann Becker, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học bang California tại thành phố Santa Barbara, đề nghị thực hiện các cuộc nghiên cứu về địa chất, thí dụ như ghi nhận các số đo và từ tính của hố Bedout từ trên máy bay. Bà Becker nói:

“Đó là nơi mà chúng tôi muốn đi tới và tiến hành một cuộc nghiên cứu địa vật lý tinh vi hơn, hầu giúp chúng tôi tìm ra hố Bedout, bóc đi các lớp trầm tích, đi thẳng xuống cái hố đó, và tìm cách xác định rõ ràng hơn hình dáng của cái hố này hiện nay.”

Cho đến khi sự kiện sao băng đâm vào Trái Đất ở Bedout được làm sáng tỏ, địa điểm này sẽ không được thừa nhận có cùng mức quan trọng như cái hố ở bán đảo Yucatan, một sự kiện nơi đã làm tuyệt chủng nhiều sinh vật của Trái Đất

 

   

 

 kỹ nghệ & giáo dục


 

Courtesy: NASA


  82- Chế độ độc tài muốn xử dụng nhưng sợ internet.                                                                   Sưu tầm 
  83- Tốc độ bay & thôn thạch và sao băng .                                                                                    Tích hợp 
  84-
Hàn Quốc: Nơi Internet cần thiết như oxygen
.                                                                        Minh Tú 
  85-
Giáo viên quốc tế bàn về khai thác Kỹ nghệ Thông Ttin trong giáo dục.                              Sưu tầm  
 
86- Một ngày không Internet?                                                                                                Hằng Phương 
  87-
Thời đại không dây.                                                                                                                Mạnh Kim 
  88- Internet xuyên qua màn đêm (với người khiếm thị)...                                              Vi Thảo -Tuổi Trẻ 
  89- Giới thiệu Paltalk 'Vấn đáp Sống Khỏe' & tin Y tế .                                BS Nguyễn Quyền Tài,M.D

vhvt-10
Trở lại trang chính