vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  kỹ nghệ



 

 


Một ngày không Internet?

Hằng Phương

Internet đã làm thay đổi lối sống, lối tư duy và khả năng nhận biết thế giới của thanh niên hiện đại. Vietchanel – sinh viên năm thứ 1 khoa Vật Lý, Đại học Sư Phạm Hà Nội, khẳng định sau một cái nhíu mày tâm đắc: “Em thật sự không biết sẽ làm gì nếu một ngày không online.” “Và nếu không có Internet thì bọn trẻ như em chỉ có… “đi bụi”!” Cố tình đưa vào câu nói của mình một từ cửa miệng, Vietchanel thể hiện sự gắn bó tới mức có phần lệ thuộc của đời sống giới trẻ với Internet.

Vietchanel đang làm “part-time” cho một website thông tin trẻ ở Hà Nội. Nửa ngày xuất hiện ở chỗ làm thì khỏi phải nói cậu ta sử dụng thời gian vào việc gì. Phụ trách chuyên mục “Vi tính - truyền thông”, ngoài việc lọc các thông tin theo gu của mình từ báo chí và các website quốc tế, Vietchanel còn cần mẫn tự mày mò tái tạo những bài viết mà theo cậu “phải như thế mới đã!”, mới đắc ý, mặc dù đề tài đã được khai thác nhiều ở những báo khác. Khi đã có được thông tin dịch và tổng hợp lại từ nhiều nguồn, Vietchanel thích công việc tư duy lại với một cách nhìn mới đầy “đòi hỏi” trước những sáng tạo của thế giới “cyber space”. Nửa ngày không đến chỗ làm, bạn bè của Vietchanel thường xuyên nhìn thấy “status” của cậu là “Treo nick đi học!”, hay “Treo nick đi tí có việc!” hoặc “Treo nick đi lượn!”. Giải thích về cách dùng từ và sử dụng “status” ngồ ngộ như vậy, Vietchanel nói: “Phải như thế mới sành điệu.” Không phải sành điệu theo kiểu chơi trội mà cậu đang muốn chứng tỏ mình đang tiến dần đến ngưỡng của những nước phát triển. Nơi mà Internet được dùng “free”, mọi sinh viên đều có thể “online” 24/24 mà không cần phải có mặt, chỉ cần “status” luôn “available”.” Theo ý của Vietchanel thì “Treo nick đi học” chính là “slogan” (khẩu hiệu) xứng đáng nhất cho giới trẻ hiện đại và là biểu hiện rõ nhất của xã hội giao tiếp bằng Internet.

Như để chứng minh cho điều này, nghiên cứu mới đây của Nguyễn Hoàng, phóng viên một tờ báo kinh tế, trên trang web cá nhân của anh (www.hocbao.com) về tình hình sử dụng Internet của thanh niên, đặc biệt là thanh niên Mỹ thì: “ước tính mỗi tháng mạng máy tính toàn cầu lại có thêm 1,5 triệu thành viên mới. Ngay từ năm 1998, hãng Amercican Online đã công bố một kết quả điều tra thú vị: Hơn 40% số người được hỏi cho rằng Internet làm cho cuộc sống của họ tuyệt vời hơn. 90% cho rằng họ chỉ rời bỏ Internet trừ phi nó không còn tồn tại nữa. Khi được hỏi họ sẽ xoay sở ra sao khi bị kẹt trên hoang đảo, 68% nói cần một máy tính để truy cập Internet, 23% cần điện thoại và chỉ 9% cần TV hoặc Radio. “Dân số Internet” ở độ tuổi từ 18 đến 34 ngày càng tăng. Theo kết quả thăm dò của hãng CNN thì có tới hơn 60% thiếu niên Mỹ là “con nghiện” của Internet.” Nguyễn Hoàng xây dựng website hocbao.com từ năm 2002 với mục đích cung cấp tài liệu học báo chí cho bạn bè và những sinh viên báo chí có nhu cầu tiếp cận thông tin mới, đặc biệt là những thông tin cập nhật về kỹ năng làm báo trực tuyến và những thông số, phân tích về mạng Internet toàn cầu. Theo dõi từng nhịp đập của sự biến đổi từng ngày của Internet toàn cầu Hoàng xem là công việc thường ngày. Anh nhận định về một quyền lực mới của báo chí mạng trong cuộc chiến không cân sức với báo chí truyền thống và trong một tương lai gần sẽ thay thế một phần nhất định của đời sống truyền thông.

Thử đặt giả thuyết mạng Internet sẽ biến mất. Thế giới sẽ biến đổi khủng khiếp thế nào? Mọi chuyện sẽ quay về ít nhất 10 – 15 năm: mọi thư tín phải được dán tem, đóng dấu gửi qua bưu cục; công việc đình trệ, giao dịch chậm chạp; thông tin chỉ được lấy từ sách báo, từ các thư viện công cộng hoặc các hội thảo trực tiếp… Và còn nhiều những động tác vất vả khác mà chúng ta phải làm.

Với nền tảng của công nghệ thông tin như hiện nay, những người trẻ trong giới công nghệ thông tin thế giới sẽ không dừng lại. Sẽ còn nhiều những đột phá mới trên không gian mạng làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Những điều này có thể hiện tại vượt xa tầm suy nghĩ hoặc khả năng tưởng tượng của cộng đồng cũng như 10 năm trước chúng ta không thể tưởng tượng được sẽ có thể “chat” với bạn bè qua cửa sổ máy tính như đang nói chuyện trực tiếp, đồng thời (real time). Những ý tưởng vượt trước, trí tuệ và hoài bão luôn là những yếu tố đầu tiên đặt nền móng cho những lớn mạnh vượt bậc của xã hội, đặc biệt là công nghệ.

Nguyễn Anh Tuấn, sinh viên năm thứ tư, Khoa Toán Tin, Đại học Bách khoa Hà Nội, từng đoạt giải Ba Trí Tuệ Việt Nam 2003 với phần mềm “Guitar #” (là sự kết hợp giữa tính chất lãng mạn, tài hoa của âm nhạc với công nghệ) đã có những suy vượt trước về tương lai: “Tôi hy vọng trong thời gian không xa có thể xây dựng được một “lớp” tổng quan giao tiếp giữa người và máy tính một cách “thông minh” theo đúng nghĩa. Tức là gần như không cần sử dụng đến các thiết bị như chuột và bàn phím. Tất cả các phần mềm trên máy tính sẽ được xây dựng trên lớp giao tiếp chuẩn, qua đó máy tính biến từ một vật vô tri vô giác thành một cái máy nghe được nhìn được nói được.  Hãy thử tưởng tượng máy tính có thể nghe hiểu và làm theo những gì bạn nói với nó, bạn hãy hình dung bạn đưa một bài báo lên trước màn hình máy tính , và nói: “Hãy nhận dạng bài báo này, soát lỗi chính tả, dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, đọc lại cho tôi nghe một lần trước khi in ra”. Hai phút sau bạn có tất cả những gì bạn muốn. Điều đó thật là tuyệt vời và tôi nghĩ nó hoàn toàn khả thi trong một tương lai gần.”

Để khẳng định cho sự phát triển không cưỡng lại nổi của công nghệ thông tin trong đời sống xã hội cũng như hoài bão phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam, Vương Vũ Thắng, 24 tuổi, Giám đốc Công ty Truyền thông Việt Nam (VinaComm) nói: “Trong vòng 10 tới, mạng thế hệ tiếp theo NGN (Next Generation Network) tích hợp mọi công nghệ truyền thông sẽ được ứng dụng tại Việt Nam. Thế giới hiện đã thay cụm từ “Công nghệ thông tin” bằng “Công nghệ thông tin và truyền thông” (Information & Communication Technology – ICT). ICT sẽ có mặt khắp nơi và ngày càng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của xã hội Việt Nam.” Con đường của Thắng từ một học sinh lớp 10 mê tin học đến một giám đốc rất trẻ cũng có thể là một gợi mở cho con đường của nhiều người trẻ: 15 tuổi bỏ học thêm và bỏ bữa trưa để vùi đầu vào hàng cho thuê máy tính, 17 tuổi kiếm được những đồng tiền đầu tiên nhờ thành công sau giải quốc gia tin học nhờ viết phần mềm thuê, 19 tuổi đủ tiền tự mua cho mình một chiếc xe máy, 20 tuổi thành lập mạng Trí tuệ Việt Nam Online - diễn đàn tiếng Việt lớn nhất Việt Nam, 21 tuổi từ chối cơ hội đi làm PhD tại nước ngoài để ở nhà thành lập công ty Phần mềm, 23 tuổi, thành lập công ty Truyền thông Việt Nam với hơn 30 nhân viên, tất cả đều trẻ tuổi và hoài bão. Những người bạn đang làm việc cùng Thắng và ngay cả bạn gái anh cũng “kiếm được” nhờ mạng Internet. Thắng nói: “Chắc chắn các vị trí quan trọng về ICT trong các doanh nghiệp, các tổ chức sẽ là những người trẻ tuổi. Họ cũng sẽ phải gánh vác những việc mà ở thời điểm này nhiều người nghĩ là chúng ta không thể làm được.”

Sẽ không còn Internet. Xoá sổ công nghệ thông tin. Đó có lẽ là lời đe doạ khủng khiếp đối với những thanh niên trẻ như Vietchanel hay Anh Tuấn hay Vũ Thắng. Cùng với sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào Internet và công nghệ thông tin, ngược lại, Internet nói riêng và công nghệ thông tin nói chung cũng đang cung cấp cho họ một nền tảng mới, một xuất phát mới cao hơn những gì các thế hệ trước để lại. Trên nền không gian ấy, họ sẽ làm được những điều chúng ta tạm thời vẫn chưa nghĩ ra được. Biết đâu cấu trúc của xã hội sẽ thay đổi chính từ những ý tưởng ban đầu tưởng điên rồ gần với hình ảnh của một cái đầu quá lớn trên một đôi chân bé nhỏ.

Hằng Phương

 

   

 

 kỹ nghệ & giáo dục


 

Courtesy: NASA


  82- Chế độ độc tài muốn xử dụng nhưng sợ internet.                                                                   Sưu tầm 
  83- Tốc độ bay & thôn thạch và sao băng .                                                                                    Tích hợp 
  84-
Hàn Quốc: Nơi Internet cần thiết như oxygen
.                                                                        Minh Tú 
  85-
Giáo viên quốc tế bàn về khai thác Kỹ nghệ Thông Ttin trong giáo dục.                              Sưu tầm  
 
86- Một ngày không Internet?                                                                                                Hằng Phương 
  87-
Thời đại không dây.                                                                                                                Mạnh Kim 
  88- Internet xuyên qua màn đêm (với người khiếm thị)...                                              Vi Thảo -Tuổi Trẻ 
  89- Giới thiệu Paltalk 'Vấn đáp Sống Khỏe' & tin Y tế .                                BS Nguyễn Quyền Tài,M.D

vhvt-10
Trở lại trang chính