vhvt |
tự do tư tưởng và sáng tạo |
kỹ thuật |
|
VI THẢO
TT - “Muốn vào website Báo Tuổi Trẻ thì đánh địa chỉ nào?”, “Địa chỉ tạo yahoo mail này có đúng không?”... Có đến cả 1.001 câu hỏi của các em học sinh đặc biệt Trường mù Nguyễn Đình Chiểu khi tập làm quen với Internet. Mò mẫm đến với thế giới thông tin Em thì tìm những câu chuyện cổ tích để đọc, đọc báo, truyện tranh; có em đến với máy vi tính chỉ để vẽ những cái đã thấy được bằng chút ánh sáng còn lại trong mắt... Những nhu cầu rất bình thường nhưng để đáp ứng được thì không đơn giản. Ở Trường mù Nguyễn Đình Chiểu, trước đây những em may mắn mắt vẫn còn thấy mờ mờ có thể dùng Zoom text (có công dụng như kính lúp, giúp các em phóng to chữ và hình ảnh) để đọc các văn bản, đọc web, xem hình ảnh. Những em mất hẳn thị lực nhưng vốn tiếng Anh khá thì có thể dùng trình duyệt Jaws for Windows (của Freedom Scientific) để lướt web bằng tiếng Anh. Nhưng những trường hợp mắt mờ hẳn, không biết tiếng Anh thì Internet là thứ mà họ không bao giờ có thể chạm tay tới được vì chưa có phần mềm hỗ trợ đọc web tiếng Việt. Và như vậy, vô hình trung những người khiếm thị ở VN gặp phải một rào cản thông tin rất lớn - thầy Bạch Việt, giáo viên Trường Nguyễn Đình Chiểu, cho biết. Mang thế giới đến tay các em Xuất phát từ khao khát thông tin của người khuyết tật, nhóm Ánh Dương nảy ra ý định làm phần mềm hỗ trợ người khiếm thị tiếp cận thông tin tiếng Việt trên máy vi tính, hỗ trợ đọc các trang web tiếng Việt. Đầu năm 2003, nhân dịp Ngân hàng Thế giới tổ chức cuộc thi “Ngày sáng tạo VN 2003” với chủ đề “Sáng tạo vì an toàn cuộc sống”, nhóm Ánh Dương đem “đứa con” của mình tham dự. Vận may đã giúp Ánh Dương giành được một suất tài trợ 10.000 USD. Thế là cả nhóm bắt tay vào công việc, đưa thế giới thông tin đến tận tay các em. Phần mềm hỗ trợ đọc web tiếng Việt cho người khiếm thị của nhóm Ánh Dương được xây dựng dựa trên công nghệ chuyển đổi văn bản thành tiếng, cụ thể là sử dụng bộ SAPI (Speech Application Program Interface) của Microsoft. Vượt qua nhiều trở ngại, Ánh Dương đã thành công trong việc tương thích tiếng Việt vào SAPI. Anh Nguyễn Minh Hùng, quản lý kỹ thuật của dự án Ánh Dương, cho biết: “Khó khăn về kỹ thuật không phải là vấn đề lớn nhất với những người làm dự án mà chính là ngôn ngữ và bộ âm tiếng Việt”. Sau nhiều lần lang thang Internet, anh Hùng “vô tình lấy được bí kíp”, đó là một bộ âm tiếng Việt giọng chuẩn (giọng Bắc) của một Việt kiều Úc. Bộ âm này được Việt kiều này thực hiện với suy nghĩ khá dễ thương là thu để giúp những em bé người Việt sống ở nước ngoài, những người sống xa quê không quên tiếng Việt. Sau khi có được bộ âm chuẩn, vẫn chưa thỏa mãn, nhóm tiếp tục lập một bộ âm giọng Nam chuẩn để “người nghe web” có thể tùy chọn giữa hai giọng đọc. Và người được chọn là chị Nguyễn Hướng Dương, vì giọng của chị đã trở nên quen thuộc với rất nhiều người khiếm thị cả nước. Nhóm cũng đã giải quyết những khó khăn về ngôn ngữ. Trong văn bản tiếng Việt, nhất là sách về tin học, chuyện pha lẫn tiếng Việt và tiếng Anh là chuyện như cơm bữa. “Nếu gặp những chữ tiếng Anh mà phát âm từng ký tự thì chán lắm”, anh Hùng nói. Thế là một lần nữa, SAPI lại trở thành phương tiện giúp người khiếm thị nghe web với hai ngôn ngữ Anh, Việt song song. Việc âm thanh hóa tất cả thao tác thực hiện trên máy, trình duyệt sẽ đọc tất cả thông tin trên màn hình hiển thị sẽ hỗ trợ tối đa cho những người khiếm thị, những người mắt bị mờ, mắt yếu vì lớn tuổi và cả những em bé (nhất là những em bé người Việt sống ở nước ngoài) muốn nghe web tiếng Việt. Những người thầm lặng làm cho web “nói” Đó là các thành viên của nhóm Ánh Dương, người lo kỹ thuật, tích hợp âm, người lo nghiên cứu cách khắc phục những khó khăn mà trình duyệt sẽ gặp phải khi đưa vào sử dụng (như hình ảnh không chú thích thì trình duyệt không mô tả được, bố cục lộn xộn, nhiều font chữ...); người lo dịch, tìm thêm tài liệu; sưu tập đầy đủ bộ âm... “Tên tuổi gì, cả nhóm ai cũng như ai và tất cả là vì các em khiếm thị”, nhóm chia sẻ khi được hỏi về các thành viên. Có chứng kiến Hướng Dương và bạn Quốc Vũ (cả hai đều là người khuyết tật) ghi âm cho bộ âm hơn 7.000 âm tiếng Việt mới cảm nhận được những khó khăn mà nhóm làm dự án trải qua. 7.000 âm, có âm đọc 5, 6 lần mới được, rồi phải chỉnh sửa, cắt bỏ tạp âm... Một công việc mà không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để làm... “Cả đời các em phải giam mình trong bóng tối nên khát khao được đọc, được nghe rất lớn. Đưa các em đến với thế giới thông tin là điều mà tất cả mọi người, không riêng gì Ánh Dương, mong muốn sẽ làm được” - họ nói. VI THẢO Tuổi Trẻ
|
|
kỹ nghệ & giáo dục |
|