vhvt

             tự do tư tưởng và sáng tạo

  bàn luận



 

 


Nhà thơ Bùi Chí Vinh
:
Tôi sẽ thí nghiệm mình không ngừng cho đến khi chết

Lê Hồng Lâm
Báo Sinh Viên Việt Nam

Nổi tiếng trong giới văn đàn Sài Gòn sau 1975 với giọng thơ đặc trưng Nam Bộ vừa hào  sảng, ngông ngạo vừa lãng mạn, ngộ nghĩnh –  Bùi Chí Vinh là một cá nhân riêng biệt không chịu sự trộn lẫn trong đám đông thích cầu an và hưởng lợi.  Thơ với anh còn là trò chơi chữ nghĩa với biệt tài “xuất khẩu thành thơ” dựa trên nền tảng kỹ thuật của vần điệu.  Tuy nhiên, nhiều bài thơ mới công bố gần đây của anh có vẻ mang nhiều hơi hướng thời cuộc hơn. Những đồng cảm với bi kịch lịch sử và chia sẻ với nỗi đau của tiền nhân. Những ưu tư về thế thái nhân tình...Dường như  đang có một sự thay đổi mạnh mẽ trong con người thi sĩ bụi này.

 SVVN đã có cuộc trò chuyện với anh về thơ, cuộc đời và những cảm nhận về thơ trẻ hiện nay.

Hãy bắt đầu từ xuất phát điểm của anh. Ở đâu ra một anh chàng thi sĩ Bùi Chí Vinh vừa ngông nghênh bụi bặm vừa lãng mạn và tài hoa như vậy?

Tôi sinh ra ở một xóm lao động nghèo, tên là xóm Lách trên sông nước đen dưới chân cầu Công Lý. Trong xóm tôi có nhiều người đi theo cách mạng nhưng cũng lắm kẻ trở thành du côn du đãng, nhiều thiếu nữ làm nghề bán phấn buôn hương để kiếm sống. Tôi lớn lên trong môi trường đó nên từ nhỏ đã máu mê làm anh chị. Hồi đó trong xóm người ta gọi tôi là Vinh khùng. Nếu mà không có phong trào thanh niên sinh viên tranh đấu, có lẽ tôi đã trở thành một đại ca và...chết mất xác từ lâu rồi.

Xuất phát điểm đó giúp tôi quen với ngôn ngữ chợ búa và lề đường. Và cũng chỉ có thứ ngôn ngữ đó mới chinh phục được đám người bình dân bên cạnh mình. 15 tuổi, tôi rời bỏ cuộc sống tự do phóng túng để tham gia vào phong trào SVHS tranh đấu ở Sài Gòn và bắt đầu làm thơ, viết truyện. Cũng nhờ lăn lộn với cuộc sống, kích động phong trào, xuống đường biểu tình càng giúp tôi hiểu thêm về cuộc sống của những người dân nghèo khổ sống bên cạnh  mình. Tôi đã bắt đầu sáng tác từ đó và nối tiếp cho đến bây giờ. Thơ của tôi có thể thay đổi về phương pháp nhưng vẫn trung thành tuyệt đối với xuất xứ từ đầu: gắn liền với cuộc sống và số phận của nhân dân mình. Và vì thế thơ tôi luôn khước từ và rất xa lạ với giáo điều, sách vỡ hay kinh viện.

Nghe cũng có vẻ ...tròn trịa quá nhỉ, đâu có giống với một Bùi Chí Vinh rất đau đời “ Con người nhún vai kiếp này rồi xuôi vai kiếp khác/ Rồi vẫn mọc hai vai để gánh kiếp con người” ? (1)

Từ một cán bộ Thành Đoàn phụ trách trang thơ của báo Tuổi Trẻ, tôi tình nguyện đăng ký đi bộ đội. Nhưng ở  trong quân đội một thời gian đã xảy ra một trận xô xát giữa tôi và cấp chỉ huy. Tôi bị kỷ luật và loại ngũ. Trở về lại thành phố, không có hộ khẩu, không có công ăn việc làm, tôi phải làm đủ nghề để kiếm sống, từ đạp xích lô, bán ve chai, công nhân cơ khí, bốc xếp. Sống lang bạt nay đây mai đó.  Trong 5 năm liền, tôi lao động chân tay để kiếm sống, có thời gian bị lao phổi vì làm việc quá nặng nhọc. Nhưng cũng chính trong thời gian đó, tôi làm rất nhiều bài thơ, chủ yếu là thơ giang hồ, thơ Đời. Thực ra những bài thơ tôi vừa công bố gần đây chủ yếu là sáng tác trong thời kỳ đó mà thời ấy không thể in được.

Nhưng cũng trong thời kỳ đó, tập Thơ Tình của anh ra mắt và tạo được nhiều luồng dư luận khác nhau, một số nhà phê bình còn gọi anh là “một ngôi sao lạ từ phương Nam”?

Hồi đó là bắt đầu thời kỳ Đổi mới, lần đầu tiên Nhà nước...phân phối tự do cho nhân dân. Giới văn nghệ cũng rất vui mừng và hứng khởi. Lúc đó tôi có trong tay hai tập thơ chờ xuất bản, một tập thơ Đời và một tập thơ Tình. NXB Trẻ không dám in tập thơ Đời và ...phải thăm dò trước bằng tập thơ Tình. Tập thơ này đã được đón nhận khá nồng nhiệt và tái bản liên tục trong hai năm liền, tạo ra nhiều tranh luận khác nhau. Nhưng sau đó vài năm, không khí cởi mở trong văn chương đã bị ...thu hồi trở lại và vì thế những bài thơ giang hồ, thơ Đời không có cơ hội xuất hiện. Mãi gần đây tôi mới có dịp để công bố trở lại...

Và ngay từ lúc đó, anh cũng đâu có chịu ...nằm yên. Nhiều cuốn tiểu thuyết, truyện dài của anh tung ra trong giai đoạn đó dường như là những tự truyện của một gã giang hồ rất ngầu đời mà cũng quá lãng mạn. Như những Yểu điệu thục nữ, Tóc tiên, Cỏ ven đường...

Đúng vậy, những ẩn ức, cơ cực của cuộc đời lẫn những ước mơ lãng mạn đầy hoài bão của tuổi trẻ không trút được trong thơ tôi bèn đem trút hết vào nhân vật tiểu thuyết. Yểu điệu thục nữ là cuốn tự truyện được tiểu thuyết hóa của tôi. Nó chứa đựng những bi tráng lẫn sự đương đầu, dám chấp nhận của những người trẻ tuổi. Và qua đó, tôi muốn mở ra một con đường sinh lộ cho tuổi trẻ bằng kinh nghiệm của chính cá nhân mình.

Ngày đó, tôi còn rất mê những thế giới đã mất mà thời niên thiếu đã từng hình dung ra. Thời cái đẹp lãng mạn còn ngự trị trong Hoàng tử bé Con chim trốn tuyết.  Đó là thời mà những thiếu nữ được sống trong mơ ước và hy vọng. Thời những chàng trai mới lớn được sống trong hoài bão và sẵn sàng hy sinh vì hoài bão...

Trong Yểu điệu thục nữ, chất giang hồ, sự lãng mạn của các nhân vật chính giống như một sự dấn thân, một thông điệp của những người trẻ tuổi khi người lớn đang dùng quyền lực để độc quyền cướp lấy và định đoạt cuộc sống của họ. Tác phẩm ra đời và tạo được rất nhiều sự đồng cảm từ bạn đọc, đặc biệt là những người trẻ tuổi vì tôi tin rằng mình đã an ủi và khai thông cho họ được phần nào ...

Hãy quay lại chuyện thơ nhé. Nghe nói gia tài thơ ca của anh có cả ngàn bài chưa công bố?

Hơn 1000 bài thơ Tình, 500 bài thơ Đời, 100 bài thơ Đạo và rất nhiều thơ Quậy đã ít nhiều lưu truyền trong giới giang hồ. Tôi mới chỉ công bố được rất ít.

Tại sao lại phải chia ra thành từng thể loại như thế? Thơ Tình khác gì thơ Đời, thơ Đạo hay thơ Quậy? Có khi nào có cả bốn loại thơ này trong cùng một bài thơ? Phức tạp quá nhỉ, anh nói đơn giản đi – Thơ với anh là gì?

Với tôi, thơ như một thông điệp của người thi sĩ và người gởi gắm thông điệp ấy bắt buộc phải đảm nhiệm vai trò sứ giả hoặc tiên tri để hướng dẫn đám đông...

Trong tình trạng bế tắc về sáng tác như hiện nay thì thơ Tình là một phương tiện duy nhất được Nhà nước công nhận và khuyến khích truyền bá. Nó giúp người ta quên hết những uất ức về thân phận để trút vào đó sự thăng hoa của tình cảm lứa đôi. Cái gì không địch không ta/ Xét ra thì nó chính là tình yêu.

Còn thơ Đời và thơ Đạo là nơi để mình chia sẻ trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ, chia sẻ sự đồng cảm với những thân phận của con người trước những bất công của xã hội. Hay là những bài học của tiền nhân, những nỗi đau của các thế hệ cha ông ta được soi xét lại dưới cái nhìn của chúng ta hôm nay. Tôi luôn quan niệm trong Đời có Đạo và trong Đạo có Đời...

Trong Đời có Đạo và trong Đạo có Đời, tôi cũng nghe nhiều thi sĩ nói vậy. Nhưng sao vẫn có nhiều kẻ núp bóng thi sĩ, nhiều kẻ mượn văn chương, mượn Đạo mượn Đời để để làm những điều ngoài Đời ngoài Đạo, những kẻ trở cờ gây ra cảnh “nồi da xáo thịt”, “những kẻ đâm sau lưng chiến sĩ” khiến bao người oan ức...

Đấy là bọn ngụy quân tử, những tên cơ hội nhan nhản trong đời sống và trong nghệ thuật. Tôi đã từng đối đầu và tiếp xúc với rất nhiều bọn “theo đóm ăn tàn” trong văn chương, những con kền kền rĩa xác chết của những người nổi tiếng để “quá giang” danh vọng của mình. Những tay ngụy quân tử lập ngôn bằng “nghị quyết” của người khác và cuối cùng đáng tởm lợm nhất là những nhà văn nhà thơ tự đánh mất thiên chức của mình để biến thành bồi bút vì động cơ trục lợi...Những thành phần đó rất đông, chúng xỉa xói những mầm non văn học, những con người chiến đấu cho công lý, những nhà văn dám dấn thân và bị khống chế bởi quyền lực của đám đông đáng ghét này...

Và anh đứng đâu để không bị hòa vào  trong đám đông ấy?

20 năm nay tôi sống bằng nghề viết tự do, chủ yếu là viết sách cho thiếu nhi và cũng đủ nuôi sống cả gia đình tôi.  Cuộc đời như thế nào thì tôi trải nghiệm mình như thế ấy. Trải nghiệm để được sống với lương tâm của mình, để không thoả hiệp.  Tôi có thể tự hào nói rằng mình hoàn toàn trung thực và sẵn sàng hứng chịu lấy mọi trách nhiệm về con người công dân và con người thi sĩ của mình. Cuộc đời tôi là một chuỗi những thí nghiệm và tôi vẫn thí nghiệm không ngừng cho đến khi chết.

Hình thức và các trào lưu thơ có ảnh hưởng nhiều đến thơ  anh? Người ta đã nói nhiều đến những trường phái thơ mới như  Tân hình thức, đến Post Modern (Hậu hiện đại), nhưng đọc thơ anh thấy có vẻ như anh không quan tâm lắm đến điều này vì dường như anh vẫn quen với những thể loại truyền thống?

Thơ bắt buộc phải gây sự truyền cảm đối với người đọc. Vì thế dù xuất hiện bất cứ trường phái nào thì thơ Việt cũng không thể thoát khỏi những giai điệu, dân ca, hát ru, hò vè... của truyền thống dân tộc. Nhưng để tránh nhàm chán, các nhà thơ phải hiện đại hóa trong cách viết, trong cách thể hiện của mình chứ không thể đổ lỗi cho truyền thống...

Còn các trường phái Tân hình thức hay Hậu hiện đại này nọ chỉ làm thỏa mãn tức thì cảm giác bản năng và sau đó người ta quên đi rất nhanh. Tôi luôn cho rằng hình thức không quan trọng mà là tài năng của tác giả. Sự bất tài luôn tạo ra nghị luận và tranh biện.

Anh có quan tâm đến những giọng thơ trẻ gần đây? Những tìm kiếm vùng vẫy của các nhà thơ trẻ trong Nam ngoài Bắc, những cuộc tranh cãi xôm trò về học thuật thơ ca liệu có là một tín hiệu tích cực cho sự xuất hiện của một thế hệ, một dòng, một trào lưu thơ mới?

Tôi có cảm giác những nhà thơ trẻ hiện nay đều đang vùng vẫy trong tuyệt vọng bởi không đủ can đảm để tháo những chiếc vòng kim cô trên đầu mình và đi đến đích. Họ có đủ khôn ngoan để rút kinh nghiệm thê thảm của những người đi trước. Chính vì sự khôn ngoan, ngoan ngoãn và có tính toán đó nên hầu như chưa có nhà thơ trẻ nào gây được sóng gió lâu dài. Nếu họ dám có khí phách nhìn lại mình và mỗi người đủ dũng khí dấn thân như một đốm lửa nhỏ thì chắc chắn nền văn học VN sẽ có một Hỏa diệm sơn trong thời gian không xa.

 Lê Hồng Lâm (thể hiện)

 

 (1): Hai câu thơ trong bài Mở – Thơ Đời Bùi Chí Vinh

Box

Bùi Chí Vinh:

Sinh năm 1954 tại Sài Gòn

Tiểu thuyết: Yểu điệu thục nũ, Cỏ ven đường, Tóc tiên, Anh hùng tứ xứ, Ba trong một

Truyện nhiều tập : Bộ truyện “5 Sài Gòn”gồm 40 tập.

Truyện tranh: Hải đại bàng (15 tập)

Phóng tác: Tứ quái TKKG (70 tập)

Thơ: Thơ Tình Bùi Chí Vinh

          Thơ Đời

          Thơ Đạo

          Thơ Quậy

   Mời đọc:      Kịch thơ: Thành Taberd

 

   

 

 

      luận thơ  


 


 Đoàn Văn Cừ
1912 -2004


  51- Vĩnh biệt nhà thơ “thôn ca” Đoàn Văn Cừ.                                                                                      Hồng Diệu  
  52-
Tưởng nhớ Đoàn Văn Cừ.                                                                                                 Y Ban & Thanh Niên

  53- Đọc lại bài thơ Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ.                                                                                 Đào Duy Hiệp

  54-
Khoảng tối của thi ca.                                                                                                                               Inrasara 
  55-
Trần Mộng Tú, thi sĩ Việt Nam đầu tiên vào sách giáo khoa trung học Mỹ.                 Cao La - Người Việt

  56- Hoàng Cầm nhà thơ Kinh Bắc... và cõi vô hình...                                              Nguyễn sĩ Đại & Thanh Niên
  57-
Chuyện chưa biết về ông Tổng Cóc và mối tình với nữ sĩ Hồ Xuân Hương.                  Văn nghệ Công An 
  58-
Nhà thơ Bùi Chí Vinh - Tôi sẽ thí nghiệm mình không ngừng cho đến khi chết.            Báo Sinh Viên VN

vhvt 11
Trang bìa chính