vhvt

tự do tư tưởng và sáng tạo

  thi luận



 

 


 

Chân dung văn học
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ - Vun gốc hồn dân tộc

Y BAN

Giữa lúc Thơ mới đang chín rộ với những bài thơ tình lãng mạn, thì Đoàn Văn Cừ chủ trương một lối thơ hiện thực chuyên về đề tài nông thôn. Tập Thôn ca của ông xuất bản năm 1944 đã tạo nên dấu ấn đặc biệt trên thi đàn...

Lối rẽ vào thôn Đô Đô (Nam Lợi, Nam Trực, Nam Định) có một cây gạo to. Tiết tháng Ba hoa gạo nở đỏ rực một góc trời. Con đường nhỏ vắt ngang đồng lúa đang thì con gái xanh mơn mởn. Tiếng thoi dệt vải lách cách.

Nhà ông Cừ đấy. Để hòa nhập vào cuộc sống hiện tại nó có một chiếc cổng sắt mầu xanh dương. Còn lại vẫn như cái thuở ông về đây ở ẩn. Góc vườn với cây nhãn già. Nó đã già lắm nên hoa ít. Nếp nhà chính ba gian lợp ngói. Nhà dưới vẫn nền đất. Ông ngồi trên giường trong một gian buồng. Chung quanh ông toàn là sách và sách. Một tập giấy trắng có dòng kẻ ông để ngay ngắn ở đầu giường. Từ năm 1999 ông bị gãy chân, rồi nó không lành được nữa. Vậy là thế giới của ông chỉ là khoảng trời trước nhà và những bài thơ và những hoài niệm về trang viết.

Ông cười khà khà bảo chúng tôi: - Bút đàm! Tai tôi điếc lắm rồi không nghe được nữa.

Tôi viết lên giấy. Cháu là Y Ban, phóng viên báo Giáo dục và Thời đại . Ông giơ tờ giấy ra gần phía ngoài cửa. Ông đọc bằng đôi mắt đã 91 tuổi không cần đến sự trợ giúp của kính lão và điện. Điện bị mất năm hôm rồi. Đọc xong ông cười khà khà.

Ông bảo: - Y Ban đấy hử. Có phải là Y Ban mà người ta hay nhắc đến không? Tôi gật đầu.

Ông nói: - Văn chương không tri kỷ như quế thơm thành củi mục. Rồi ông lại cười khà khà. Ông còn tường anh lắm. Tôi thở phào. Tôi đã nghĩ mình chậm.

Tôi lại viết lên giấy: - Thưa ông, ông đã viết "Chợ Tết" vào năm nào và những kỷ niệm chung quanh bài thơ này.  Ông còn nhớ không?

Ông vừa xem tờ giấy tôi viết vừa gật gù:

- Viết vào khoảng năm 1938, đến mùa xuân năm Kỷ Mão thì được đăng. Khi ấy tôi đã đỗ đạt rồi nhưng vẫn chỉ là một hàn sĩ, một hàn sinh. Đã viết được báo bằng tiếng Pháp. Đã viết văn, đã nghiên cứu... rồi nảy ra được thì chỉ có thơ. Tôi đã đi xin việc trên thành phố nhưng không được mới trở về quê làm hương sư. Giống như Tú Xương ấy, nếu thi đỗ thì đi làm quan cơ. Hương sư chỉ hơn gia sư một tí. Gia sư thì được gia đình người ta nuôi ăn rồi đến vụ trả bằng thóc. Còn hương sư thì được trả bằng tiền nhưng ít lắm, chỉ năm đồng sau mới lên bảy đồng. Hương sư là bước đường cùng thôi. Tôi gửi bài thơ đi bảy, tám tháng thì có anh bạn gặp bảo đã đọc bài thơ của tôi trên báo Ngày nay . Mấy ngày sau thì tôi nhận được báo biếu và nhuận bút 8 đồng mua được 40 thùng thóc.

- Ông đã lấy những hình ảnh phiên chợ tết quê mình để viết bài thơ Chợ Tết phải không? Tôi hỏi.

- Phải vậy cũng không phải vậy. Ông trả lời. Từ năm tám tuổi tôi đã thích theo mẹ đi chợ. Có những chợ ở cạnh sông, lại có những chợ ở bên núi. Chợ ở giữa trời đất. Những cái chợ đấy có cả ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Việt Trì... chứ đâu chỉ có ở quê mình. Cái chợ này là hồn vía của người Việt Minh ở miền bắc. Mấy năm trước bên làng Lao có một đoàn người sang gặp tôi bảo rằng đó chính là phiên chợ của làng họ. Họ xin phép tôi cho khắc đá bài thơ.

- Sau này ông có viết thơ về chợ tết nữa không? Lại hỏi.

- Cũng có. Như bài này: Đoàn thuyền gắn máy cân hàng tết/ Lợn béo gà to ngập bến hồng.

- Hoài Thanh có nhận xét rằng ông sống có nghệ thuật...

- Cho đến năm 1946 chúng tôi mới gặp nhau. Vui lắm. Hoài Thanh mời tôi về nhà ăn cơm. Tôi rất thích đẹp. Thời ấy có loại giấy hồng rất đẹp. Tôi viết thơ trên giấy hồng gửi cho Hoài Thanh. Sau khi Thôn ca được in tôi đã làm tấm danh thiếp bằng tiếng Pháp: "Đoàn Văn Cừ. Thôn ca". Chứ không phải là hương sư.

- Có nhà phê bình văn học nhận định rằng: Đoàn Văn Cừ làm thơ bằng mắt? Điều đó có đúng không?

- Tôi vận dụng luận điểm "Thi trung hữu họa " trong sáng tác của tôi. Tức là gây ấn tượng thị giác phản ánh nội dung vấn đề đối tượng miêu tả.

- Ông quan niệm bản sắc dân tộc như thế nào?

- Bản sắc dân tộc quan trọng lắm. Nhưng không phải nó chỉ nằm trong cái ta nhìn thấy mà nó nằm cả trong cái ta không nhìn thấy. Như cỏ cây mọc ở Việt Nam thì nó là cỏ cây của Việt Nam rồi.

- Bây giờ siêu thị nhiều hơn chợ quê, ông có luyến tiếc điều đó không?

- Cái đẹp phải có thời của nó không thể dậm chân tại chỗ. Cái thời trước là chợ quê, còn thời nay là siêu thị. Lớp trẻ hiện đại thì thích siêu thị. Nhưng với tôi thì lại thấy siêu thị văn minh thật nhưng không rực rỡ.

- Ông có đọc thơ hiện đại không? Ông có nhận xét gì?

- Thơ hiện đại tứ hay lắm mới lắm. Khẩu vị của độc giả thay đổi thì thơ cũng phải thay đổi. Nhưng bài nào đẹp thì nổi bật ngay.

- Nhưng thơ hiện đại đọc không dễ thuộc. Ngay cả các nhà thơ mà cũng không thuộc thơ mình. Trong khi thơ ông thì rất dễ thuộc...

- Tôi vẫn nhớ hết 40 bài thơ trong Thôn ca . Nói rồi ông đọc: Chùa xóm làm ngay ở mé ngòi/ Ngày tết lên chùa cúng gà xôi/ Cúng xong các cụ chia gà béo/ Bốn cụ ngồi trên chia bốn đùi.

- Ông có làm được thơ hiện đại không?

- Cũng có cố gắng làm nhưng tuổi già rồi thua nhà thơ lớp trẻ. Tôi thích hai câu thơ này: Cha già rồi cha xin làm bệ phóng/ Cho đời con tên lửa vượt trời xanh.

- Sau Cách mạng tháng Tám ông đi bộ đội, hòa bình lập lại làm biên tập ở một nhà xuất bản. Từ năm 1971 ông lại quay về với quê hương để ẩn cư. Vì sao ông không sống ở thành phố bởi khi trẻ nếu ông xin được việc ở thành phố thì ông đã sống ở đó ? Tôi hỏi.

- Đó là cách sống của tôi. Khi tôi đi bộ đội cũng là do ý tôi. Tôi rất quý những tấm lòng bạn bè như nhà thơ Huy Cận. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, anh ấy là Bộ trưởng Bộ Canh nông, bảo với tôi "không thể làm hương sư được. Anh là nhà thơ của cả nước, anh phải là giáo viên chính ngạch nhà nước". Sau đó có giúp tôi nói với ông Cao Văn Tỉnh bên giáo dục để thi tuyển. Tôi đã thi đỗ nhưng lại đi bộ đội. Tôi sống theo cách của tôi thì tôi chết cũng theo cách của tôi.

- Ông ơi, tại sao ông lại viết thư cho Hội nhà văn nói rằng ông không nhận báo và sách của Hội theo tiêu chuẩn hội viên ?

Ông lặng người khi đọc câu hỏi. Rồi ông khóc. Một lúc ông lấy trong hộp ra chiếc kính lúp giơ cho tôi xem, rồi nói:

- Bây giờ đọc báo phải dùng đến cái này, mệt lắm rồi. Nhà thơ nhà văn chúng ta sống bằng gì? Bằng sách báo thơ văn. Hội ta rất nhân đạo đã cung cấp sách báo cho hội viên. Đã thăm hỏi khi ốm đau và chết thì viếng. Phần tôi mắt mờ khó xem nên trả lại kẻo phí.

Ông ngồi bần thần rất lâu rồi lấy ra một quyển sổ. Ông giở cho tôi xem những ghi chép rất cẩn thận. Ngày... Xuân Hoàng mất. Điếu văn đã được nhà thơ... đọc. Ngày... Nguyễn Đình Thi mất... Trần Hoàn mất... Ông gập quyển sổ lại cất cẩn thận vào hộp.

"Chỉ đến khi những nghệ sĩ đó chết tôi mới được biết trên báo chí chứ khi ốm đâu có biết. Mà nhiều người trong họ mắc bệnh đã lâu. Tôi có suy nghĩ thế này. Những nghệ sĩ cao tuổi đau ốm âm thầm không ai hay. Khi đột ngột ra đi không ai rõ/ Giường bệnh là chiến trường/ Đầu gục trên trang giấy tim ngừng đập. Cây bút vì đại nghĩa vẫn trên tay". Tôi có một ân hận thế này, trước khi ra đi không có lời hay đẹp nào để tặng cho bạn bè. Cả đời làm văn học đến khi nghĩ được câu tâm đắc cho bạn bè người thân đồng nghiệp thì không thực hiện được nữa. Tôi xin tặng Y Ban một câu thế này: Những giờ sống đích thực của nhà văn là trên trang viết.

- Thưa ông bây giờ ông đang nghĩ gì?

- Tôi nghĩ đến điều sống và viết. Kẻ sĩ thờ nước lấy phục vụ làm đại nghĩa, làm lẽ sống. Sự nghiệp hiếu trung quên năm tháng thành tuổi thọ.

Đã hai lần cô con dâu cả của ông ngó vào như nhắc nhở tôi thời gian. Tôi nhìn đồng hồ. Đã gần ba tiếng trôi qua. Tôi ngắm ông. Một con người cần mẫn sống. Sống có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình.

Tôi muốn viết thêm một người. Người ấy là vợ nhà thơ. Bà tên là Nguyễn Thị Miều. Khi đề nghị bà cùng chụp chung một bức ảnh với ông, bà cười móm mém, già rồi chụp xấu lắm.

Bà đã làm cho cuộc sống của nhà thơ êm đẹp hơn. Năm nay bà 88 tuổi, chung sống với ông đã 64 năm.

Y BAN
Theo Văn nghệ

Đoàn Văn Cừ: Người đưa thơ ra "chợ Tết"

Thanh Niên

Nhắc tới ông, người ta nhớ chợ Tết xưa mà ông đã tả trong thơ với những "thằng cu áo đỏ chạy lăng xăng", những cụ già "bước lom khom", những cô yếm thắm "che môi cười lặng lẽ", những em bé "nép đầu bên yếm mẹ" và cùng đi với họ trên đường là những người trong thôn gánh heo ra chợ: Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu. Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau. Không chỉ tả vật tả người, ông còn rất tài tình qua "cái thấy" rất thơ: Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa, và Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa. Đến cổng chợ, có con trâu "vờ dim đôi mắt ngủ", anh hàng tranh "kĩu kịt quẩy đôi bồ", một thầy khóa gò lưng "hí hoáy viết thơ xuân", chú hoa man "xếp lại đống vàng trên mặt chiếu". Giữa cảnh đông đúc xô bồ: Áo cụ lý bị người chen xấn kéo. Khăn trên đầu đương chít cũng tung ra, và lũ trẻ mặc cho mấy người chị đang gọi khản cổ cứ đứng lại xem mãi mấy bức tranh gà sặc sỡ. Rồi bên thúng nếp trắng đầy như tuyết, mẹt cam đỏ chót như son, là cảnh: Con gà sống mào thâm như cục tiết. Một người mua cầm cẳng dốc lên xem. Trong các bài khác, như Đám hội, cũng đông vui, rộn ràng. Đôi lúc hóm hỉnh: Trên bãi cỏ dưới trời xuân bát ngát. Một chị đương đu ngửa tít trên không. Cụ lý già đứng lại ngửng đầu trông. Mắt hấp háy nhìn qua đôi mục kỉnh. Mấy cô gái nép gần hai chú lính. Má đỏ nhừ bẽn lẽn đứng ôm nhau...

Với những hình sắc tươi vui, người người hân hoan như thế, thơ Đoàn Văn Cừ đã lìa xa nỗi buồn để phác thảo những bức tranh làng quê, ngày cưới, đêm hè đậm nét hương xưa. Nếu những thập niên 1930-1940 xuất hiện nhiều bài thơ tình khá hay lấy cảm hứng từ niềm đơn độc, nhớ nhung, vắng vẻ trong nhà, thì cạnh đó, những bài hay nhất của Đoàn Văn Cừ lại đưa thơ "ra đường", đông đúc, vui cười như chợ Tết. Điều ấy được "người đương thời" như Hoài Thanh - Hoài Chân khẳng định và đánh giá: "Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào và rực rỡ như Đoàn Văn Cừ". Khi trích thơ ông vào Thi nhân Việt Nam, in lần thứ hai tháng 10-1941, Hoài Thanh - Hoài Chân vẫn "chưa biết gì thêm về con người ấy" ngoài sáu bảy bài thơ đăng trên Ngày Nay. Ông xuất thân từ một gia đình nông dân, dạy học, làm thơ, tham gia chính quyền nhân dân tỉnh Nam Định (1945), gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc (1946). Trong kháng chiến chống Pháp, ông gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau 1954, làm ủy viên thường trực Chi hội Văn nghệ liên khu III, cán bộ biên tập - xuất bản thuộc Bộ Văn hóa... Tập Thôn ca (1960) tập hợp các sáng tác của ông trước và sau Cách mạng Tháng Tám, trong đó phần Ngày xưa gồm một số bài đã đưa tên tuổi ông vào làng thơ Việt Nam.

(Báo Thanh Niên)

 

   

 

 

      luận thơ  


 


 Đoàn Văn Cừ
1912 -2004


  51- Vĩnh biệt nhà thơ “thôn ca” Đoàn Văn Cừ.                                                                                      Hồng Diệu  
  52-
Tưởng nhớ Đoàn Văn Cừ.                                                                                                 Y Ban & Thanh Niên

  53- Đọc lại bài thơ Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ.                                                                                 Đào Duy Hiệp

  54-
Khoảng tối của thi ca.                                                                                                                               Inrasara 
  55-
Trần Mộng Tú, thi sĩ Việt Nam đầu tiên vào sách giáo khoa trung học Mỹ.                 Cao La - Người Việt

  56- Hoàng Cầm nhà thơ Kinh Bắc... và cõi vô hình...                                              Nguyễn sĩ Đại & Thanh Niên
  57-
Chuyện chưa biết về ông Tổng Cóc và mối tình với nữ sĩ Hồ Xuân Hương.                  Văn nghệ Công An 
  58-
Nhà thơ Bùi Chí Vinh - Tôi sẽ thí nghiệm mình không ngừng cho đến khi chết.            Báo Sinh Viên VN

vhvt 11
Trang bìa chính